Hôm nay,  

Nắng Hạ Chưa Lên

03/07/202000:00:00(Xem: 8021)
HINH VIET VE NUOC MY

Tác giả Minh Thúy


Tác giả lần đầu tiết về nước Mỹ từ tháng 11, 2018, với bài “Tình người hoa nở”, tháng 12,  “Mùa kỷ niệm” và “Chị em trung học Nữ Thành Nội.”  Cô tên thật là Nguyễn thị Minh Thuý sinh năm 1955. Qua Mỹ năm 1985, hiện là cư dân thành phố Hayward thuộc Bắc Cali.Tháng 6 /2020.
 
***
 
Cơn đại dịch kéo dài tới nay đã hơn 2 tháng kể từ khi có lệnh cách ly và nhân viên phải ở nhà trong niềm hoang mang lo lắng. 

Mỗi ngày nghe tin tức tìm hiểu về bệnh Covid_19, cho đến hôm nay tổng số bị bệnh là 2,132,321 người và tổng số qua đời là 116,862 người, (theo cdc.gov). Con số thật khủng khiếp cho nước Mỹ.

Sau mấy tháng ban lịnh quarantine (cách ly), đầu tháng 6, thống đốc tiểu bang Cali cho mở cửa các hãng xưởng, bussinesss, tuy nhiên vẫn còn dè dặt một số như tiệm tóc, Nail, cá nhân cũng như doanh nghiệp còn vẫn theo cách chỉ dẫn của cán bộ Y Tế và thống đốc vẫn phải đề phòng cẩn thận là giữ khoảng cách khi giao tiếp, mang khẩu trang, đeo bao tay cũng như luôn rửa tay.

Để chuẩn bị việc về hưu, tháng 5 tôi đã có cuộc phỏng vấn bằng phone với sở xã hội (SSA) để xin medical part B (part A được cấp trước một năm), cũng như tiền hưu trí của một công dân đủ tiêu chuẩn retirement, mọi việc đã xong xuôi.

Thời gian ở nhà, tự dưng tôi thích sống bằng kỷ niệm, nhất là kỷ niệm 28 năm làm việc với company Kyle Design, tưởng như giấc mơ với ngày tháng bình an trôi qua trong cuộc sống. 28 năm nhưng tôi tưởng như mới ngày nào…

Tôi vào hãng Kyle Design từ tháng 5 năm 1992 nhờ Hoàng (em họ bên chồng giới thiệu) sau 6 năm làm trong tiệm bánh French Croissant trong gia đình nhà chồng mở.

Cô chủ tốt nghiệp Master tại đại học Berkeley, về ngành Fine Art. Cha Cô cai quản 1 business về hộp nữ trang bằng gỗ được sơn mài chạm trỗ, Mẹ vẽ tranh hoặc thiết kế những mặt hình người, dùng từ gương cắt dán nhiều màu sắc, thường được trang trí sau vườn hoặc trước nhà, nói chung cô Kyle đã thừa hưởng tính nghệ sĩ từ Cha Mẹ, Cô cũng là họa sĩ.

Kyle design các mặt hàng về Earrings, Necklace, Pin, Bracelet bằng mẫu mã vẽ ra được dùng bằng metal màu Copper, Antique Brass, Gold and Silver, được  móc nối từ hột bead, hoặc đá crystal và cườm đủ màu sắc pha trộn nghệ thuật.

Mười năm đầu Kyle thường đi Show từ những tiểu bang xa, cửa tiệm lớn nhỏ về trang sức đến hội chợ chọn lựa mặt hàng, rồi ký hợp đồng cả năm hoặc dài hạn.

Kyle là người Mỹ gốc Ý,  Cô rất mạnh mẽ về thể xác và ý chí, chiếc xe Van chất đầy hàng cứng nghẹt do Cô lái mỗi khi có show các vùng LA hoặc San Diego. Ngày đầu tiên tôi vào làm đã giật mình nể phục, qua hình ảnh cô gái mảnh mai đẹp xinh cầm búa kềm, sửa máy và đóng tủ.

Ban đầu Cô mở hãng tại đường Industrial thuộc vùng Hayward, tuyển toàn nhân viên người Việt lên gần 30 người, đa số là các em sinh viên đang học trường Chabot College, lúc đó chúng tôi làm việc trực tiếp với bà Linda (Mỹ trắng) manager, vì Kyle dành thời gian đi show nhiều hơn ở văn phòng.
Chuyện nghĩ hơi buồn cười:

Thời gian đầu chưa có benefit, hôm đó 29 Tết, cả Kyle và  bà Linda biết ngày Tết Việt Nam nên cầm sổ đi ra sau hỏi ai muốn nghỉ ngày Tết thì ghi danh, để họ sắp xếp công việc cho người khác thay vào, tự nhiên, tất cả người Việt Nam, không ai bảo ai cùng hô lên “ No, No...”, Hai người đứng trố mắt nhìn ngơ ngác, không biết họ đang nghĩ gì mà cùng im lặng rồi quay lưng bước đi, có lẽ họ không hiểu tới nỗi lòng của kẻ xa xứ chịu khó bòn nhặt từng giờ làm việc, nhịn ăn nhịn tiêu gởi tiền về cha mẹ nơi quê nhà.

Vào làm nơi đây, mới hiểu làm ăn mua bán trên thị trường cũng lắm gay go thử thách, thị trường lên xuống như chong chóng, lúc thì số doanh thu thật thành công, hợp đồng hối thúc liên tục hàng order, khi thì chậm trì ế ẩm thất thường.

Năm 1994 business slowdown trầm trọng kéo dài cả năm, Kyle không cầm cự nỗi, đã phảí giải tán bớt nhân viên, chỉ giữ lại tôi, chị Hoa và Thảo Phương. Cô chủ ôm mặt khóc chia tay với nhân viên, nhưng Cô cố giữ vẻ bình tĩnh nói “I never give up.”

Sau đó phải dọn hàng dời về Studio nhà người Mẹ là bà Lee nằm trên vùng đồi Hayward, Studio nằm mặt sau hướng quay ra khu vườn trồng đủ các loài hoa rất đẹp.

Tôi rất ngưỡng mộ lối sống và tâm tánh của người bản xứ như bà Lee, nên muốn kể về bà xem như tấm gương sáng cho tôi soi và học được nhiều điều tốt.

Bà Lee là hoa khôi thời đệ nhị thế chiến (1939-1945), bà sống một mình (chồng đã qua đời). Bà rất hiền hoà thân ái và hoạt động nhiều bên ngoài xã hội, tham gia các hội triển lãm về nghệ thuật, vẽ tranh, và ủng hộ học bổng cho trường học nên hay đi hội họp.

Thời giờ bà Lee chia ra: sau buổi trưa từ thứ 2, 4, 6 đi tập thể dục và thứ 3, 5 đi xem phim chiếu rạp. Bà kể mỗi năm có 2 cuộc họp mặt giòng họ bên bà và bên gia đình chồng, mỗi lần họp phải đeo bảng tên, cùng vai vế để nhận diện nhau vì con cháu đông đúc. Bà Lee thường mua các thứ vật dụng và thức ăn đem về thăm Mẹ chồng gần 100 tuổi đang sống dưới Santa Ana.

Thỉnh thoảng bà Lee có những buổi họp bạn tại nhà rất đông, bà làm bánh cookies mùi thơm bay ngào ngạt, trước khi khách đến bà đem cho chúng tôi bánh ngọt và bình cà phê. Nhìn qua khung cửa thấy các bà ăn diện thật đẹp, trang điểm đậm đà, nói chuyện rang rảng, sau đó họ chia ra từng đoạn trên tường thành sau vườn, cùng nhau vẽ, tô mỗi góc, tôi nhìn đầy thích thú và mơ cho mình vào thời điểm nghỉ hưu sau này.

Ngày cuối tuần bà đi chơi xa, thường hay nhờ chúng tôi lái xe lên cho mèo ăn và gởi tiền công, nhưng chúng tôi nhất định không nhận dù bà nói hết lời... đó là tình cảm, là cái duyên chúng tôi được gặp nhau và quý mến nhau, bà thường hay đem thức ăn mời chúng tôi, lúc dự buổi tiệc nơi đâu, bà đi shopping sắm bộ đầm mới về khoe rất thân mật.

Sau này xa bà, thời gian theo định luật trời đất Sinh, Lão, Bệnh Tử... rồi thì bà giảm sút trí nhớ, không dám lái xe. Kyle đem về nhà chăm sóc, từ từ bệnh Alzheimer (mất trí nhớ) kèm theo nhiều bệnh tim phổi. Kyle kiếm nơi dưỡng lão tốt, bà Lee sống thêm vài tháng rồi mất.

Ngày tưởng niệm bà, chúng tôi đi dự, quen kiểu mặc màu đen đến chia buồn, ai dè mọi người khác ăn mặc tươi tỉnh nếu không nói là rất đẹp, chúng tôi quê quá ngồi một góc phía sau im lìm.

Kyle thuê người nấu ăn các món bà Lee thường thích khi còn sống, phòng trưng bày quần áo và đồ dùng của bà Lee, mọi người lên chia sẻ những kỷ niệm khi cười lúc khóc, buồn vui lẫn lộn, sau đó Kyle mời dùng lunch cũng như mời khách có thể chọn đem về một món làm kỷ niệm.

Trở lại thời gian làm việc nơi studio… cả một sự khó khăn bắt đầu lại...

Thảo Phương chuẩn bị tốt nghiệp ngành Accounting tại trường Cal State, nên hướng dẫn lại khâu nhuộm vải làm hàng silk bông tai cho chị Hoa, vì chị đang làm loại bông tai vải, mặt hàng này rất đắt giá nhưng được ưa chuộng vì là design rất lạ. Sau đó Thảo Phương có Job làm trong chính phủ dưới vùng Sacramento, chỉ còn lại tôi và chị Lệ Hoa chống chèo cùng Kyle.

Một buổi sáng không thấy chị Hoa đến, gọi về nhà được biết chị bị stroke liệt nửa người đang nằm bệnh viện, tôi ngẩn ngơ như người không hồn . Một nhân viên cũ giới thiệu cô cháu tên Lan, đang học trường Chabot college vào làm đã trấn tĩnh tinh thần tôi rất nhiều lúc đó.

Thấy Lan còn trẻ tuổi, lanh lợi và thông minh nên tôi đề nghị học vẽ vải, nhưng Lan từ chối nói “bước đầu chưa dám”. Tôi đành nhắm mắt đưa chân xông liều, tự biên tự diễn chẳng có ai hướng dẫn, nhảy qua máy mài metal, máy gild, (mạ vàng) máy weld (máy hàn đinh,) máy cắt vải v..v...đó là những loại máy đặc biệt của công ty Kyle Design. Nghĩa là, tôi làm từ A đến Z dù trước kia mỗi nhân viên giữ một công việc, không ai cho tôi thử.

Nhớ nhất là công việc vẽ vải, tôi cầm tập giấy hướng dẫn công thức, nhìn một tủ lọ nước hoá chất mà tái mặt và nhức đầu, mếu cũng không xong, mà than cũng vô ích, vì Kyle đi show liên tục. Nhưng rồi, tôi cũng vẽ được và biết cách giặt ủi vải, chưa kể leo lên máy trùm mặt mũi để mạ vàng vào metal, cuối cùng cũng êm xuôi.

Giai đoạn này Kyle lập gia đình với Tom, một kỹ sư Mỹ trắng rất hiền lành, đẹp trai, làm về ngành Computer Science. Cô đi show rất nhiều, vẫn xốc vác những việc nặng ngay cả khi bụng bầu lớn, cô mừng rỡ cho biết các mặt hàng bị dồn ứ trước đó đã bán gần hết, nhờ vậy thanh toán các khoảng nợ gần xong.

Kyle sinh cháu gái đầu tiên đặt tên là Parker, vì Cô liên tục đi show từ các tiểu bang xa suốt tuần nên bà Ngoại thay phiên cùng Tom chăm lo cháu Parker.
Cũng kể thời gian Kyle chuẩn bị đi show, chúng tôi làm các mặt hàng gấp bội, nên thời gian Kyle vắng mặt, mọi việc tương đối rảnh rỗi.

Studio thông ra lối vườn sau, mỗi khi thấy bà Ngoại chơi với cháu ngoài vườn, nhìn bé Parker quá xinh đẹp, viền mắt màu tím những lần cháu ngủ nhìn như thiên thần, nên tôi rất thích bồng ẳm. Có lúc  bà Lee bận vài việc, nhờ chúng tôi chăm dùm chốc lát.

Nhiều hôm ẳm cháu dạo trong vườn, cháu gục ngủ trên vai, tôi vừa hát vừa ngâm thơ đi vòng quanh ngắm hoa đủ sắc hương nở rộ khoe màu nghiêng ngả cùng gió, nhiều đài hoa vừa hé tươi xinh nên tôi dừng chân ngắm kỹ hơn và ngưng hát, tự nhiên cháu ngẩng đầu lên nhìn tôi, miệng cong từng chữ của đứa trẻ mới tập nói  “Sing, sing ...” tôi cười “OK, I sing you to sleep...” và dâng lên niềm vui nghĩ bé Mỹ thích nghe lời nhạc Việt Nam.

Những buổi dùng cơm trưa, tôi và chị Hoa ngồi ăn ngoài vườn hưởng gió mát, cháu nhìn rau muống xào hay luộc đòi ăn, chị Hoa cho ăn, cháu thích quá vẫn luôn đòi ăn khi gặp giờ lunch của chúng tôi, dù nhiều lần không có món đó, nhưng cháu luôn miệng nhắc “...rau ..rau...”.

Hai năm sau Kyle lại sinh thêm cháu gái đặt tên là Kayden, đặc biệt cháu này mê món tofu (đậu khuôn hấp) nên vẫn thường được chúng tôi mang cho ăn, cháu gần gũi chơi với bà cho đến ngày vào Daycares.

Cuộc sống cứ vậy êm đềm trôi, nhiều bạn đã rủ rê, đưa đơn nhắc tôi điền vào làm chung hãng điện tử đang tuyển thêm người, nhưng tôi rất thích công việc đang làm, Kyle nhiều lúc quá bận giao cho tôi chọn màu tuỳ ý, tôi làm thử vài mẫu trình Kyle, Cô gật gù rồi giao cho tôi chọn màu luôn. Tôi say mê công việc đến nỗi quên giờ giấc đi về, chỉ mong ước thời giờ kéo dài để được làm thêm, vì vậy tôi không muốn đổi công việc này.

Chuyện đời mấy ai biết trước, các cụ xưa thường nói “mình tính chẳng bằng trời tính” mọi thứ đều không qua cái số, sau này các hãng điện tử bị đóng cửa, bạn bè thất nghiệp từ lứa tuổi 52, 53, rồi không còn xin được việc nữa, đành ở nhà lo nghề nội trợ.

Tới năm 2003 công việc có vẻ bề bộn, mặt hàng đắt lên, studio trở nên chật chội không còn chỗ cất hàng, cô chủ cần mướn thêm người nên quyết định tìm nơi khác rộng rãi hơn.

Chỗ làm mới là khu riêng biệt dành cho business nằm trên đường Lindbergh Ave thuộc thành phố LiverMore, từ nhà tôi lái freeways khoảng 40 phút nếu không kẹt xe. Kyle chấm dứt việc đi show, chỉ bán hàng trên mạng, Cô thuê thêm hai người ngồi trả lời khách qua phone, một người viết quảng cáo đưa mặt hàng lên xuống linh động giá thị trường, một người shipping (giao hàng).

Tôi cũng đưa Cô Thanh vào làm, tuy đã 63 tuổi nhưng Kyle vẫn nhận, có lẽ Cô luôn có cảm tình với người VN (tôi nghĩ vậy), sau 3 năm cô Thanh nghỉ hưu, tôi lại giới thiệu Cô Hồng (vợ Bác họ bên chồng tôi), cô Hồng này hiền lành chăm chỉ nên Kyle rất thương mến cũng như quý Lan,  3 chúng tôi lấy order và làm theo đơn đặt hàng.

Càng lúc Kyle càng design ra nhiều logos cho đến bây giờ hơn 600 mẫu, được đặt trên mặt hàng Nightlight, Bookmarks, Switch Plates, Card Cases, Money Clips, Key Tags, Pill Boxes, Magnets, Wood Boxes, Compacts, Magnetic Stamp, Long and you Deep Wallet Boxes, Ornaments, Jewelry Boxes, Flasks, Badge Reels, Purse Hooks v...v....và còn nhiều thứ khác nữa. Mời các bạn có thể vào thăm trang nhà. http://www.kyledesigns.com

Hơn 17 năm này hàng bán rất đắt vào các dịp lễ Valentine, ra trường, Mother’s Day, Father’s Day, Thanksgiving và nhất là lễ Noel. Khách hàng đặt logo mẫu Police, Nurse, Dentist, Pharmacist, Nail, Technician, Physician Therapist... v..v... làm quà nhân viên hàng trăm số lượng, nhờ vậy mỗi mùa Giáng Sinh chúng tôi nhận bonus quá đặt biệt và được nghỉ đến tết Tây (ăn lương) dưỡng sức.

Có những mặt hàng bông tai kéo dài thời gian hơn 20 năm rồi cũng mai một nên dẹp bỏ từ từ, Kyle lại bày ra nhiều cách khác, thêm mặt hàng dưới dạng mua đi bán lại rất đắt như Low Voltage, Push Button, Hardware, Switch Plate Configuration ...thì chúng tôi mỗi người một Tablet dùng lấy hàng và Pick-and-pass.  

Kyle luôn mặc quần jean và áo thun giản dị, rất hoà đồng khi làm việc chung với mọi người, Cô luôn cười chào vui vẻ thân mật với nhân viên bưu điện,  nhân viên UPS chở hàng. Có những hôm Cô đang ăn, thấy nhân viên bước vào giờ lunch,  Cô vội vã đứng dậy nhường chỗ. Mỗi năm nhân viên thay phiên nhau đi nghỉ mát, chẳng thấy Cô đi đâu ngoài công việc thay thế những người vắng mặt.


Một lần hàng giao tới, người rạch hàng chất vào kệ, cắt gọn thùng giấy ra đổ rác, Cô chủ cần tìm một nhãn hiệu dán trên thùng nào đó, chúng tôi chạy ra tìm, đã thấy Cô nhảy vào thùng rác cao lục lạo tìm kiếm, Kyle đã cho tôi ấn tượng đặc biệt về cô, để so sánh những ông chủ trưởng giả, sống ở VN thường học thói kẻ cả.

Thời gian trôi, Parker và Kayden đã trở thành 2 thiếu nữ xinh đẹp, Parker ra trường đi làm, Kayden còn đi học, 3 mẹ con rất mê món bún bò và hoành thánh mì, nên tôi thường nấu vào dịp lễ Tạ Ơn, lễ Giáng Sinh khi gia đình Cô tập trung đông đủ.

Công việc với đồng lương đều đặn đã nuôi đời sống tôi ổn định, gầy dựng nhà cửa, xe cộ, nuôi Cha Mẹ anh em quê nhà, chưa kể mùa lễ Giáng Sinh được bonus số tiền rất hậu hỷ.

Ngày kỷ niệm 10 năm, 20 năm và 25 năm làm việc của tôi được đãi ăn tiệc chung cả hãng, sau đó tôi nhận Macy’s gift card trị giá vài trăm đồng. Đối với tôi, thời gian được làm việc với Kyle Design, là cái ơn của Cô chủ, nằm trong cái ơn lớn của nước Mỹ, đã cưu mang, đã cho tôi có cơ hội trở thành một công dân Mỹ, đi làm hơn 34 năm, tròn nghĩa vụ của người dân đóng thuế trọn vẹn.

Ngày tháng làm việc chung với biết bao nhiêu người, kẻ đến người đi, nào Nhật, Mỹ, Đại Hàn, Mễ ...Khi Kate lấy chồng, lúc Julia sinh con, 3 người VN chúng tôi luôn góp nhau tặng quà chia sẻ niềm vui. Lễ Độc Lập 2019, cô bạn trẻ tên Anne có chồng bị tai nạn xe chết tại chỗ, tôi bỗng trở thành người yếu tim, hồi hộp, bị ám ảnh sự đau buồn của Anne, cặp vợ chồng Mỹ trắng, đẹp xứng đôi, chồng hay ghé hãng trao hoa, bánh hay đi ăn trưa cùng vợ, họ rất hạnh phúc nên tôi càng ngơ ngẩn trước sự chia lìa, Anne đã nghỉ 3 tháng và cần bác sĩ tâm lý giúp đỡ.

Khi Anne trở lại làm việc ...nhìn hình ảnh tiều tụy, tôi càng thương tâm, “tràn thơ” bằng những ý tưởng buồn về điều sinh ly tử biệt, nhiều bạn đã hỏi tôi sao thời gian này làm thơ buồn quá vậy, tôi không hiểu sao nữa, có lẽ vì tôi quý mến Anne, đã đặt cô trong một góc tâm hồn yêu thương của tôi.

Khung cảnh quanh khu vực tôi làm rất nên thơ, mỗi trưa tôi thường lấy lunchtime đi dọc suốt con đường, đến cuối đường và trở về đúng nửa tiếng. Theo thói quen tôi chỉ ăn sáng, sau những giờ làm việc quay cuồng, tôi thèm hưởng không khí ngoài trời để thư giãn và cũng muốn vận động đôi chân.

Con đường rộng yên tĩnh, hai bên là các hãng xưởng nối dài, hàng cây cao bóng mát. Lúc trời mùa hè cũng có khi tôi tìm bóng mát dưới gốc cây ngồi thơ thẩn, nhưng tôi mê nhất là mùa thu, lá đổi sắc màu vàng nhạt lẫn vàng đậm, có những cây màu đỏ hồng, hài hoà trên nền trời cao thoáng tạo nên mùa Thu đầy thơ mộng và rung cảm...

Mỗi ngày tôi lái xe chạy dọc Freeway, qua đồi núi một đoạn dài, chọn giờ giấc tránh bớt kẹt xe nên bắt đầu 6:20 là ra khỏi nhà. Trời mùa đông tối đen như mực, sương mù lối hoặc mưa gió không thấy lane phải chạy chậm lại. Trời mùa hè chiều về nắng ửng hai bên đồi, những đám lau cao vút là đà theo gió, hoa vàng rực nở cả ngọn đồi thật nên thơ đáng yêu, tạo cho tôi cảm giác tươi vui sau một ngày làm việc mệt nhọc như được lột bỏ để nhẹ nhàng ngắm hoa, ngắm cảnh...

Ngày 16 tháng 3 năm 2020 vì nạn dịch Covid đến bất ngờ và lây lan cho nhiều người, Tổng Thống Trump, và thống đốc CA Gavin Newsom đã có lệnh cách ly, tất cả người dân đều phải tuân hành “shelter-in-place” (ở trong nhà) để ngăn chận sự lây lan căn bệnh. Hôm đó thứ hai đầu tuần đáng lý giấy order ngập cả xấp nặng, vậy mà sau trưa không còn khách gọi phone và đơn đặt hàng cũng không vào, mọi người lo làm hàng hết rồi ra về.

Những ngày ở nhà tôi được bà chủ báo tin sẽ cho lương mỗi tuần 30 tiếng, tiền lương vẫn được chuyển vào bank như cũ.

Thời gian đầy lo âu sợ hãi, sống không còn biết giờ giấc. ngày giữa ban đêm, đêm giữa ban ngày, ngồi xem tin tức, ra vườn lần chuỗi niệm Phật, ngắm các loài hoa nở đầy mùa Xuân, đọc sách, nhưng vẫn buồn rười rượi theo các mẫu chuyện về bệnh dịch, lòng đầy thương tâm về đội ngũ y tế, nhất là các thiên thần áo trắng được tôn sùng như những vị anh hùng của thời cuộc, quán chiếu về bản thân mình được ở nhà, được Cô chủ cho lương, được nấu nướng ăn uống... để định tâm tiêu diệt sự chán nãn, ý thức mình đang là kẻ may mắn được sống còn.

Bệnh Covid_19 làm điêu đứng nhân loại, tôi chỉ mơ ước những nhà chính trị gia, những con người học cao hiểu rộng cùng sát cánh ngồi lại với Tổng Thống đương thời, cùng nhau nhìn về một hướng, hướng những người dân đang mắc bệnh, đã chết, hướng những thiên thần áo trắng nổ lực hy sinh tính mạng cứu người, để cùng nhau tìm phương cách lo cho dân hơn là vạch lá tìm sâu, chỉ trích suốt ngày...

Thành phố vừa mang bộ mặt tươi tỉnh, được mở lại từng đợt sinh hoạt về kinh tế, giáo dục, thương mại… v...v... thì chuyện buồn khác lại xảy ra.

Ngày 25/5/2020 anh George Floyd người Mỹ gốc da đen sinh sống tại tiểu bang Minnesota, bị bắt về tội dùng tờ bạc giả $20 mua thuốc lá, sau đó anh đã bị Cảnh sát bắt còng tay và bị viên cảnh sát Derek Chauvin dùng đầu gối đè lên cổ anh gần 9 phút, anh bị tử vong trên đường đến bệnh viện, đó là điều đáng buồn xảy ra, nhìn đau lòng cho kẻ đã mất khi đang bị còng tay mà viên cảnh sát Derek Chauvin vẫn dùng sức mạnh gây ra ngộ sát. Anh cùng 3 viên cảnh sát khác sẽ chờ ngày ra toà xét xử.

Những buổi sáng lần xâu chuỗi niệm Phật, nhưng khó định tâm, đầu óc tôi suy nghĩ lung tung...

Từ ngày qua Mỹ, xem đây là quê hương thứ hai , tôi đã từng tiếp xúc với lắm người Mỹ từ nhiều nguồn gốc, trong các môi trường, các hoàn cảnh...

Thời gian học Nail làm tập sự trong trường, tôi được mang số 34, mỗi sáng thứ bảy trường nhận khách, giao cho học trò thực tập, lần đầu tiên tôi nhận ông khách Mỹ đen cao lớn đến làm tay chân, tôi cắt da móng chân, làm ngón chân của ông bị chảy máu tùm lum, vừa sợ vừa liếc nhìn ông, ông khách vẫn điềm nhiên đọc báo, khi tôi bưng thau nước đi đổ, quay trở lại ông khách đã đi mất tiêu, dọn dẹp khăn thì thấy ông để tip rất nhiều, hơn số tiền ông trả giá làm Nail cho trường học. Từ đó về sau mỗi thứ bảy ông khách vẫn trở lại, văn phòng luôn gọi số 34 khách yêu cầu, lúc nào đến ông cũng đọc báo, cách cho tip tế nhị, kèm nét mặt hiền lành của ông khiến tôi rất cảm tình, lần mãn khoá, ông hỏi tôi mở tiệm nơi nào, ông hứa sẽ đến ủng hộ và cho tôi tấm businesses card, tôi mới rõ ông có tiệm sửa xe, nhưng tiếc tôi chỉ học rồi bỏ không theo nghề này, vì trong thời gian học bị dị ứng mùi bột nhiều lần thở không được.

Mẹ chồng tôi lúc ở trong nursing homes, gia đình tôi rất biết ơn các y tá người Phi, đặc biệt có cô Mỹ gốc Phi  gần gũi nhất với mẹ chồng tôi, cả gia đình rất mến cô, hễ mỗi cuối tuần người em đều đi mua cà phê Starburst và món ăn trưa đãi Cô, Cô cũng xử sự với mấy chị em tôi rất thân.

Ngôi Chùa tôi sinh hoạt có chương trình dành cho người ngoại quốc vào mỗi đêm thứ năm, bà Susan luôn đem trái cây, thực phẩm đến Chùa cúng dường, chúng tôi rất thân nhau, chị em thường dúi vào tay bà chả giò vì biết bà thích món này. Ai hiền ai tốt mình có cảm tình, muốn gần gũi làm bạn, điều đơn giản dễ hiểu vì họ chẳng kỳ thị chúng tôi là dân da vàng, còn mở lòng đối xử tử tế.

Một đất nước tổng hợp mọi sắc dân, tôi được cô chủ Mỹ trắng nhận làm việc chung cùng người Nhật, Đại Hàn, Ý, Mỹ, tròn 28 năm. Trong phạm vi nhỏ hẹp tôi chưa hiểu tới vấn đề kỳ thị chủng tộc, chỉ biết người Mỹ mọi nguồn gốc đối xử tốt với tôi.

Tôi đã đọc qua nguồn gốc người Mỹ gốc Phi là dân nô lệ từ hơn 150 năm trước, sau cuộc chiến tranh Nam Bắc dưới thời Tổng thống Abraham Lincoln với Tu chính án thứ 13 của Hiến pháp Hoa Kỳ, thì chế độ nô lệ đã được bãi bỏ, sau cả trăm năm (1965) người Mỹ gốc Châu Phi mới thật sự bình đẳng về mặt pháp lý, đến bây giờ thế hệ trẻ đã cởi mở, xoá mờ, và người Mỹ gốc Phi Châu đã được quyền ưu tiên hàng đầu trong học đường.

Tôi suy nghĩ theo cách thô thiển của mình… sống tốt, sống hiền lành với mọi người thì chẳng ai kỳ thị mình cả, người ta chỉ sợ những kẻ cướp bóc, ghiền xì ke ma tuý, hung dữ, thì không dám đến gần thôi. Sự bình an cho đời sống người dân muốn được bảo vệ thì cảnh sát được xem như những vị anh hùng, luôn gần kề sự nguy hiểm, giữ gìn an ninh trật tự trấn an nỗi lo sợ của dân, bất kể nơi đâu (ngoại trừ công an tại VN). Sự việc đáng tiếc, đáng buồn… cho nghề cảnh sát vì thi hành công vụ, đã lỡ tay dùng lực quá đáng để phải mang tội ngộ sát, chắc chắn rằng cảnh sát chẳng ai muốn giết người.

Mấy ngày qua kể từ 25 tháng 5 đến giờ theo dõi tin tức, ruột gan tôi se thắt lại vì những thành phố Minneapolis, Philadelphia, Denver, New York, Atlanta, Houston, Los Angeles bị đốt cháy, phá nát, cũng như  các Trung tâm thương mại, cửa hàng tư nhân, siêu thị, lửa đỏ rực màn trời hãi hùng.

Nhìn cảnh tượng mọi nơi biểu tình, tôi lại tiếp tục suy nghĩ miên man về nghề Cảnh sát. Một đất nước đủ các sắc tộc hợp thành nước Mỹ cường mạnh, vai trò của cảnh sát rất quan trọng, cần thiết và cũng rất nguy hiểm cho tính mạng, biết bao nhiêu Cảnh Sát đã bị bắn, bị giết chết. Thành phố ngân quỷ cạn kiệt sa thải bớt đã làm người dân lo thấp thỏm. Có những vụ vì tai nạn nghề nghiệp, đã gây ra nhiều cái chết cho dân Mỹ nhiều săc tộc khác nhau, điều khó tránh khi thi hành nhiệm vụ lại gây ra tai họa.

Ngày cứ chăm con mắt vào ti vi xem tin tức, đêm mất ngủ, tôi chỉ biết làm thơ cho vơi nỗi buồn phiền.
 
Cảnh Hôm Nay
 
Tình hình lộn xộn diễn nhiều nơi
Chiếu cảnh ti vi khổ lắm người
Xót dạ nhà hàng trông đổ nát
Đau lòng tiệm chợ ngó tàn tơi
Cô Vy dập xác đà tràn biển
Vũ Hán chôn người cũng ngập khơi
Địa ngục trần gian trên nước Mỹ
Nhìn cao chỉ biết lạy ông trời
 
Minh Thúy
 
Vẫn tiếp tục xem ti vi, lồng ngực tôi như nín thở thấy nhói đau vô vàn ...sự kinh hoàng đến tột cùng khi xem tin tức cảnh  bạo loạn, đốt phá những ngôi nhà chính phủ, các di tích lịch sử cũng như 6 nhà thờ, ngoài ra còn phá hoại các cơ sở thương mại.

Nếu như cuộc biểu tình ôn hoà do Black Lives Matter tổ chức thì là điều đáng tôn trọng, nhưng nó lại biến thành những cuộc bạo loạn cướp bóc, thật là đau lòng...

Câu nói ngắn gọn của ông Dermot Shea, ủy viên cảnh sát New York: “Thank God we are not planning a funeral right now” (Cám ơn Thượng Đế, chúng tôi đã không phải có những đám tang lúc này). Tiếng nói của người đàn ông da đen 46 tuổi tên George Floyd: “I can’t breath” (tôi không thở được), 2 câu nói đã xoáy buốt cảm xúc trong tôi, lại thêm cựu cảnh sát David Dom người da đen bảo vệ tiệm cầm đồ, đã bị đám đông giết chết, biết bao nhiêu chuyện như muốn nổ tung đầu óc ....tình hình lại có lệnh giới nghiêm ban đêm, tại thành phố San Jose các khu thương mại vừa được mở cửa buôn bán ngày đầu của tháng 6, thì hôm sau đã phải đóng cửa vì sợ hãi...và nhiều chuyện rối loạn vẫn còn tiếp diễn..  

Sáng ngày 6 tháng 6, tôi lên hãng dọn các thứ cá nhân và trao lại chìa khoá để chính thức về hưu. Không ngờ trong thời gian mọi người nghỉ, Kyle đã cùng con gái và chồng (ngoài giờ làm việc tại nhà) đã lên hãng phụ Kyle cầm cự giữ chân các mối khách hàng, làm ngày 12 tiếng và tháng 30 ngày vì hàng bán bị suy giảm nhiều, Cô đã mất 10 lbs, ốm và già đi nhiều, Cô tặng tôi tấm check bằng lương một tháng đưa tận tay, tôi cảm động nghẹn ngào nghĩ thời gian mình nhàn nhã ở nhà, vẫn được có lương 30 tiếng mỗi tuần, trong khi Cô lại đi làm tối mặt, ân tình này làm sao quên được..... Kyle, Tom và tôi đều đứng cách xa nói chuyện, bịt khẩu trang, tôi chụp tấm hình với Kyle, chúng tôi cùng tàn tạ sau mùa dịch Coronavírus, như cái xác không hồn...
Trời tháng 6 đã chuyển qua mùa Hạ nhưng vẫn còn lạnh, tại Bắc Cali mọi người hầu như còn mặc áo ấm, tôi muốn đi lại con đường đáng yêu một lần cuối, cảm giác bồi hồi pha lẫn nỗi buồn vời vợi... cuốc sống từ nay sẽ chuyển qua hướng sinh hoạt khác.

Con đường dài yên tĩnh hơn trước, rất nhiều business vẫn còn đóng cửa. Gió thổi lạnh, trời chưa có ánh nắng hồng rực lên để tiêu diệt hẳn con vi trùng Covid_19, đem lại sự sống an lành cho mọi người bắt tay vào công việc, giáo dục học đường, các ngành nghề sinh hoạt. Tôi thèm được thấy màu nắng len lõi qua từng ngọn cây khe lá, lập lánh in trên lối đi, phản chiếu nơi vạt cỏ lùm hoa sắc màu lung linh sáng tỏa, đem sức sống trở lại sau gần 3 tháng đầy lo âu sợ hãi bịnh dịch Vũ Hán, màu nắng sẽ sưởi ấm tình yêu thương giữa con người và con người, bỏ qua những nghi kỵ, định kiến cũng như mọi điều đáng tiếc vừa xảy ra, cùng bắt tay nhau xây dựng đất nước mạnh mẽ hơn, tươi sáng hơn trong cuộc sống, và business của cô Boss tôi hồi sinh tốt đẹp, góp phần xây dựng kinh tế cho nước Mỹ… tôi miên man suy nghĩ ước mơ thoát ra những cảm giác buồn rười rượi.

Hàng cây Cherry trước văn phòng không còn hoa, vài loại hoa khác mọc chung quanh cũng tàn, mùa Xuân đã ra đi, nhưng… nắng Hạ vẫn chưa lên.
 
Minh Thúy

Ý kiến bạn đọc
06/07/202006:10:43
Khách
>Sau này mới biết nó là hiểu sai lầm, bản chất của mục đích thuộc về đầu óc, mà đầu óc thì thuộc về Tam Giới. Phật giáo gọi là không thể nấu cát thành cơm.

Thánh kinh gọi là "Trừ khi bạn trở thành như những đứa trẻ, bạn sẽ không được vào vương quốc Thiên Đường". Hay là "Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm" từ một người tiều phu nghèo khó không biết chử là tổ Huệ Năng. Ngay cả khi một người hỏi Phật Thích Ca rằng tinh túy của giáo lý Ngài là gì? Ngài trả lời "Không bám víu vào một cái gì cả". Chứng tỏ là giáo lý tối cao chỉ đến từ một tâm hồn không vướng bận trong một khía cạnh nào của vũ trụ. Phật giáo gọi là "Đồng nhất thể", Thánh kinh gọi là "I and my Father is one", kinh Quoran gọi là "Hợp nhất cùng Thượng Đế". Khi còn trẻ, đối diện dưới hai con đường. Một là Giới Định Huệ trước. Hai là Đồng nhất thể trước. Con đường Giới Định Huệ trước sẻ bị giới hạn ở Đại Niết Bàn và con đường này sẻ khó khăn hơn, dài hơn và có thể vượt qua giới hạn của một đời sống con người, con đường của các vị Độc Giác Phật; đầy vinh quang nhưng nhiều nước mắt. Con đường Đồng nhất thể trước, sẻ vượt qua giới hạn Đại Niết Bàn để vào cảnh giới của Thượng Đế Tòan Năng, con đường này dể dàng hơn, vì phần lớn là dựa vào lực lượng của Thượng Đế Tòan Năng (có người còn gọi là Pháp đứng trên vai người siêu khổng lồ)
05/07/202019:42:35
Khách
Bài viết của tác giả Minh Thuý cho thấy quan điểm đúng đắn về vấn đề chủng tộc tại Hoa Kỳ, qua đó các thế hệ trẻ tại đây có thể học được nhiều bài học bổ ích. Ngày nay, không có quốc gia nào có dân tộc thuần chủng, nước nào cũng là một tập hợp của nhiều sắc tộc, nhiều màu da. Hoa Kỳ là vùng đất mới, ngoài người bản địa là thổ dân da đỏ, tất cả số còn lại đều là dân nhập cư từ nhiều vùng trên thế giới, có đủ màu da: trắng, đen, vàng, nâu. Người da trắng là nhóm tiên phong, rất nhiều người trong số này có tinh thần độc lập, can trường, dám hy sinh để tạo lập đời sống tự do, thịnh vượng cho bản thân và gia đình. Họ chính là những tổ phụ của quốc gia mới , thành lập năm 1776, mang tên Hiệp Chúng Quốc Hoa Kỳ ( United States of America tập họp các quốc gia riêng lẻ thành một liên bang, không phải tên Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ, một quốc gia có nhiều chủng tộc, như nhiều người hiểu sai, và dùng sai).

Hoa Kỳ do nhóm tiên phong là da trắng lập ra, vì nhu cầu sinh tồn, và phát triển, thời lập quốc, họ chấp nhận chế độ nô lệ ( người da đen được buôn từ châu Phi sang). Cuộc sống của nô lệ da đen tại các đồn điền miền Nam Hoa Kỳ khiến người dân Mỹ bất mãn, vì vậy nước Mỹ mới lâm vào cuộc nội chiến Bắc- Nam 4 năm , miền Bắc chủ trương giải phóng nô lệ ( dưới đời tổng thống Abraham Lincoln), miền Nam ly khai khỏi liên bang, vì họ chủ trương duy trì chế độ nô lệ. Phe miền Bắc thắng, nên chế độ nô lệ được bãi bỏ , và người da đen được giải phóng năm 1864. Khoảng 100 năm sau, 1964, nhờ sự tranh đấu bất bạo động của mục sư nhân quyền da đen Martin Luther King, người da đen được hưởng mọi nhân quyền và dân quyền như sắc dân da trắng đa số. Các di dân da màu đến lập nghiệp về sau ( da vàng, da nâu) cũng được luật pháp cho " bình quyền". Tuy " bình quyền" nhưng mỗi sắc tộc đều phải cố gắng xây dựng gia đình và cộng đồng, mới đạt được thành quả tốt trong quá trình hội nhập vào đời sống mới, được các sắc dân khác tôn trọng, quý mến. Người da đen hiện nay chiếm khoảng 13% dân số Mỹ, đã được dành cho mọi quyền bình đẳng như các sắc dân tại Mỹ, có thể nói là được ưu tiên hơn cả nhiều sắc dân thiểu số da vàng, da nâu khác, nên không thể nói Mỹ "kỳ thị người da đen có hệ thống". Phong trào chống kỳ thị "chủng tộc da đen " đang bùng phát tại Mỹ ( Black Lives Matter) đã bị những kẻ cực đoan thiên tả lợi dụng ( nhóm này có nhiều da trắng), trở thành nhiều cuộc bạo loạn, giết người hôi của, đập phá tượng đài , xoá bỏ giá trị lịch sử của quốc gia Hoa Kỳ, xoá bỏ nguyên tắc cơ bản của cuộc sống Mỹ, gây khó khăn cho người dân Mỹ thuộc đủ mọi màu da, gây chia rẽ nước Mỹ. Nước Mỹ chưa bao giờ là một quốc gia " hoàn hảo " theo ý tất cả mọi người, nhưng vẫn là quốc gia luôn cố gắng để trở nên "tốt hơn", vẫn là mảnh đất dung thân cho nhiều người tỵ nạn từ nhiều vùng đất khốn khổ trên thế giới ( nạn đói, nạn chiến tranh, nạn cộng sản độc tài, áp bức...). Là người dân Mỹ , dù là dân bản địa , hay dân nhập tịch, chúng ta nên chung tay xây dựng ngôi nhà chung của chúng ta cho nó tốt đẹp hơn, không thể nhân danh bất cứ điều gì để hủy hoại nó, làm nó suy yếu đi, mất tiếng tốt bao đời người dân Mỹ xây dựng được nhờ đổ xương máu, tiền của, công sức...

Cám ơn tác giả Minh Thuý đã bỏ công sức viết một bài viết công phu, cảnh tỉnh chúng ta về vấn đề màu da, đoàn kết chủng tộc tại Hoa Kỳ, trong thời khó khăn, đầy thử thách hiện nay.
05/07/202017:30:12
Khách
Một bài viết thật hay, có đầu có đuôi, có tấm lòng nhân hậu có tình người, có sự sáng suốt giữa thời cuộc điên đảo. Một bài viết cần và đủ để đọc và cám ơn tác giả.
05/07/202009:47:21
Khách
>Giới và Định chỉ quyết định đẳng cấp --Tuệ (trong kinh Quoran có câu "Cứ mổi đọan văn có 7 ý nghĩa khác nhau - từ thấp đến cao". (nếu không có Giới thì không có Định).

Câu này phải viết lại là. Trong Tam Giới thí Giới Luật để giải quyết vấn đề nhân xấu cho ra quả xấu. Ngòai Tam Giới thì là một vấn đề khác, nó vẩn là Giới Luật mà không phải là quan niệm Giới Luật trong Tam Giới. Khi còn trẻ, nghĩ rằng muốn vượt |Tam Giới , đạt quả vị Phật (đạt Đạo hay bất cứ một danh từ tương đương nào), cần phải có mục đích và một chiến lược nhất quán (muốn đi từ A đến D, thì phải đi từ A -> B -> C -> D). Sau này mới biết nó là hiểu sai lầm, bản chất của mục đích thuộc về đầu óc, mà đầu óc thì thuộc về Tam Giới. Phật giáo gọi là không thể nấu cát thành cơm. Trong Thánh Kinh, có một câu cho ngòai |Tam Giới là "Phải liên lạc được với Thượng Đế Tòan Năng trước (không phải là Thượng Đế cai quản Tam Giới), thì tất cả thuộc về con". Tổ Bồ Đề Đạt Ma trong Huyết Mạch Luận (nói với Lương Võ Đế và triều đình) thì nói rằng "bài Pháp của Ta chỉ giảng cho Phật (có thể A La Hán) chứ không giảng cho Trời và Người, vì bản chất của nó là không thể hiểu được."
Lão Tử nói "Đạo mà nói được thì không phải là Đạo"
05/07/202000:34:14
Khách
Xin sửa lại là:

@Phao Ng. : Kennedy bị ám sát chết ngày 22/11/63. Cựu phó tổng thống Hubert Humphrey kể trong tự truyện của ông rằng cựu phó tổng thống Johnson có nói rằng: “Chúng ta có nhúng tay vào việc giết ông ấy {Ngô Đình Diệm}. Bây giờ chuyện đó xảy ra ở đâỵ” [Source:(Humphrey, Hubert H., The Education of a Public Man (University of Minesota Press, 1991)].

Về phong trào BLM hiện nay ở Mỹ , tôi muốn mượn câu nói trên của ông Johnson để nói một câu tương tự rằng : " CIA đã nhúng tay vào nhiều những biến cố chinh trị lớn nhỏ ở trên thế giới-Việt nam, Phi Luật Tân, Đại Hàn , Iran, Guatemala, Cuba , Chile, Angola, Zaire, El Salvador, v.v..

"Bây giờ, thì những chuyện nhiễu nhương, bạo loạn tương tự đang xảy ra ngay ở đây, nước Mỹ ".
04/07/202023:51:11
Khách
@Phao Ng. : Kennedy bị ám sát chết ngày 22/11/63. Cựu phó tổng thống Hubert Humphrey kể trong tự truyện của ông rằng cựu phó tổng thống Johnson có nói rằng: “Chúng ta có nhúng tay vào việc giết ông ấy {Ngô Đình Diệm}. Bây giờ chuyện đó xảy ra ở đâỵ” [Source:(Humphrey, Hubert H., The Education of a Public Man (University of Minesota Press, 1991)].

Về phong trào BMT hiện nay ở Mỹ , tôi muốn mượn câu nói trên của ông Johnson để nói rằng một câu tương tự rằng : " CIA đã nhúng tay vào nhiều những biến cố chinh trị lớn nhỏ ở trên thế giới-Việt nam, Phi Luật Tân, Đại Hàn , Iran, Guatemala, Cuba , Chile, Angola, Zaire, El Salvador, v.v..

"Bây giờ, thì những chuyện nhiễu nhương, bạo loạn tương tự đang xảy ra ngay ở đây, nước Mỹ ".
04/07/202019:02:25
Khách
>Gieo nhân nào gạt quả nấy.

Giới luật lá quan trọng nhất vì nó giải quyết vấn đề nhân quả. Trong đó giới cấm sát sanh là quan trọng nhất (bao gồm tàn phá thiên nhiên. Quoran "Nếu chúng con không có tình thương đối với thú vật thì Thượng Đế sẻ không có tình thương đối với con", "Nếu con đến Mecca chặt cây bừa bải thì con không phải là Muslim-follower to the will of God-Người theo thánh Ý của Thượng Đế"). Tôn giáo thì nhiều vô số kể, mà giới luật thì không một ai nói đến. Giới luật liên quan đến nhân, mà bồ tát thì sợ nhân, còn chúng sinh thì sợ quả.)
Isaiah 1:15 Khi bạn giơ tay cầu nguyện, tôi sẽ không nhìn. Mặc dù bạn đưa ra nhiều lời cầu nguyện, tôi sẽ không lắng nghe, vì miệng bạn dính đầy máu của những nạn nhân vô tội.
Theo lý thuyết, Covid-19 (thần ôn dịch) sẻ lấy đi từ 4 đến 5 triệu sinh linh.
04/07/202018:04:51
Khách
Cám ơn tác giả MT cho chúng ta một bài viết đầy tình người, tình thương, nhân hậu, biết ơn và kêu gọi sự đoàn kết với nhau trong thời gian quá khó khăn của quê hương thứ hai này. Mong chị MT nhiều sức khỏe, hưởng tuổi hưu và viết thêm nhiều bài mới.
04/07/202015:11:06
Khách
Bải viết quá hay, đậm tình nguòi. Tác giả nhân hậu, nhân ái. Có truóc,có sau. Nuóc Mỹ và bà chủ may mán có bạn. Gieo nhân nào gạt quả nấy. Còn nhu dại dịch, bạo loan dó là một phần của cuộc sống. Biết dâu nhò dại dịch trái dất gần lại nhau. Hy vọng trái dất sống lâu hon tí xíu. Cám on tác giả .
04/07/202013:55:04
Khách
Giữa lúc thiên hạ chia rẽ thù hận vì kỳ thị thì lại có một bài về tình thuơng không biên giới chủng tộc, nhu là ngọn gío mát trong nắng he`. Cám ơn tác giả.
Ai lớn lên trong thời bạo loạn ở miền Nam và thấy những bạo loạn đã xảy ra ở miền Nam VN ngày xưa nay lại xảy ra ở Mỹ. Cũng cảnh sát bạo hành, cũng tranh đấu đập phá, mạ lỵ chánh phủ và lịch sử, năm 1963 dân đập phá tuợng Hai Bà Trưng tại chợ Bến Thành, năm 1975 triệt hạ tuợng, phá lăng Lê Văn Duyệt, và thay đổi tên đuờng, nay tuợng Washington và Jefferson bị phá, tên đuờng Mỹ bị thay.
Trong lúc VNCH bị cán bộ CS xâm nhập lũng đoạn tôn giáo sinh viên học sinh thì chánh phủ Mỹ yểm trợ tranh đấu và buộc VNCH tôn trọng tự do tranh đấu đập phá như ở Mỹ. Hậu quả là miền Nam hổn loạn, chia rẽ, Phó TT Ng Cao Kỳ giúp Huỳnh Tấn Mẫm và VC để phá TT Thiệu, Quân Ðoàn I chống lại Saigòn gây biến động miền Trung, báo chí chuởi bới chánh phủ, chủ nghĩa Mác Xít lan tràn trong giới sinh viên học sinh, ý chí chiến đấu chống CS cuả toàn dân bị giảm. Nay Mỹ lại bị chia rẽ bởi nhiều phe nhóm khác nhau, đảng phái, cảnh sát, thị truởng thống đốc giúp các nhóm biểu tình chống lại Tổng Thống, chủ nghĩa Mac' Xít lại lan rộng, dân Mỹ không chết vì chiến tranh như dân VN nhưng lại chết vì dịch Covid19, hai phe tụ tập đông đảo, không giữ khoảng cách, không đeo khẩu trang. Chi phí y tế vì dịch tăng cao .
Phải có loạn lạc đốt phá nguời dân Mỹ mới thấy cái tự do kiểu Mỹ mà họ ép buộc các nuớc nhỏ phải tuân theo rất tai hại . Tự do quá trớn phá hoại các nuớc nhỏ như VNCH, Iraq, Libya, Ai Cập thì nay nó trở lại phá nuớc Mỹ.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 1,670,943
Tác giả định cư tại Pháp nhưng thường lui tới với nước Mỹ, tham gia Viết Về Nước Mỹ từ tháng Ba 2010. Họp mặt giải thưởng năm 2011, bà đã bay từ Paris sang California để nhận giải Vinh Danh Tác Giả -thường được gọi đùa là giải Á Hậu. Đây là bài mới của tác giả.
Cuối tháng 7, năm 2020, nạn dịch Tàu vẫn đang hoành hành khắp nơi trên đất Mỹ; tất cả các nước trên thế giới đều lo sợ cuống cuồng, vội đóng cửa biên giới đường bộ, đường thủy, và đường hàng không. Nội bất xuất, ngoại bất nhập. Không cho ai ra khỏi nước mà cũng không cho phép bất cứ ai vào nước mình. Kinh tế lao đao, người dân khổ sở, tù túng, quanh quẩn trong nhà mơ đến ngày được trở lại cuộc sống bình thường trước đây. Sau 5 lần trì hoãn chuyến bay, tôi cũng phải lên đường đi công tác để thay thế cho những đồng nghiệp đang mắc kẹt ở nước ngoài đã quá thời hạn làm việc mà chưa về được với gia đình. Họ gởi emails van xin hãng cố gắng tìm cách giúp đỡ về nhà càng sớm càng tốt.
Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, định cư tại tiểu bang Georgia. Hiện là nhân viên công ty in Scientific Games tại Atlanta, tiểu bang Georgia. Bà đã góp bài từ 2015, kể chuyện về người bố Hát Ô và nhận giải Viết Về Nước Mỹ.
Năm nay có những chuyện xảy ra không ai có thể tưởng tượng được mà hệ lụy rất lớn lan rộng khắp hành tinh như dịch cúm Covid-19. Rồi biểu tình bạo loạn vì cái chết của Goerge Floyd từ tiểu bang Minnesota đã gây nên sự bất ổn đến phải giới nghiêm khắp nước Mỹ. Riêng gia đình tôi cũng xảy ra một chuyện bất ngờ khó tin nhưng có thật mà đến nay chúng tôi cứ bàng hoàng ngỡ như chuyện nằm mơ!
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam. Bà tên thật Nguyễn thị Ngọc Hạnh, trước 1975 đã là giáo sư trung học đệ nhị cấp tại Saigon. Cùng gia đình tới Mỹ từ 1979., hiện hưu trí tại miền Đông và vẫn tiếp tục viết. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Hai chị em mãi tán chuyện, đến cổng ngoài nhà Mai lúc nào mà tôi không hay. Mai khép cổng và bước vào nhà. Nhìn dáng em liu xiu men theo tường nhà bà Sáu mà lòng tôi nặng trĩu. Tôi thương em và có cả sự ngưỡng mộ; ngưỡng mộ bởi số phận oan nghiệt vẫn không làm em gục ngã, buông xuôi. Em đã cố gắng vùng vẫy ngoi lên từ đêm đen để trở thành cô gái mù nổi tiếng cả tỉnh thành. Thật từ đáy lòng, tôi rất khâm phục trước ý chí và tài năng của Mai với những tấm bằng khen chất đầy bên góc tủ. Trong tất cả những giải thưởng tôi nể phục nhất là giải về Tin học 6 tỉnh miền Trung mà Mai đạt được năm 2009. Và từ khi quen biết Mai tôi thấy mình cần phải học hỏi nhiều thứ ở cô ấy lắm. Nhưng đăc biệt, tôi cảm động nhất là mối tình thật đẹp của Mai và Tiến
Tác giả là cư dân Huntsville, AL. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của ông là “Bao Giờ Trời Sáng” một du ký nhiều ý nghĩa khi thăm viếng Nghĩa Trang Quốc Gia Arlington, bài viết thứ hai là “ Thằng Ngốc “ Đây là bài viết thứ ba . Mong tác giả sẽ tiếp tục viết thêm.
Cả tuần nay mưa rả rích không ngớt, mưa nhiều nên cây cối cũng xanh tươi hơn, chẳng thế mà những bãi cỏ khô cằn trước nhà bỗng dưng xanh rì. Mỗi buổi trưa khi có chút nắng yếu ớt chiếu xuống, đám hoa bồ công anh dại nằm khép mình dưới cỏ cũng vươn mình nở vàng rực rỡ. Tôi ngồi trong nhà ngắm nhìn màn mưa qua khung cửa sổ thấy dạ bồi hồi. Nếu không có trận đại dịch Covid-19 này, giờ chắc tôi đang trong hãng vật lộn với công việc, sau lại tất bật về nhà xoay sở với ngàn công việc không tên khác, để rồi vừa đặt lưng xuống giường là chìm ngay vào giấc ngủ. Sáng hôm sau tiếp tục tất bật cho một ngày mới. Làm gì có thời gian nhàn rỗi ngồi ngắm mưa suy nghĩ mông lung.
Ấn tượng của chị Dung lần đầu gặp ông Đại là một khuôn mặt vô hồn nhìn vào khoảng không vô định. Không chào hỏi, không có bất kỳ biểu hiện vui buồn gì trên khuôn mặt trơ như tượng đá. Tuy vóc dáng ông còn khỏe mạnh đối với một người ngoài bảy mươi nhưng những bước đi có vẻ nặng nề không phải do đau yếu mà dường như trong lòng không muốn bước.
Tác giả từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2018 và giải vinh danh Tác Phẩm 2019 Là một cựu tù cải tạo vượt ngục và là người lái tầu vượt biển, ơng định cư tại Mỹ từ 1990, hiện làm việc theo một hợp đồng dân sự với quân đội Mỹ, từng tình nguyện tới chiến trường Trung Đông và Châu Phi. Đây là bài mới nhất của Ông.