Hôm nay,  

Tháng Ba - Đêm Không Ngủ

05/04/202000:00:00(Xem: 31821)

Phương Hoa

Định cư tại Mỹ từ 1994, Phương Hoa vừa làm nail vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University khi đã 62 tuổi và trở thành bà giáo tại Marrysville, thành phố cổ vùng Bắc Calif. Với loạt bài về Vietnam Museum, "Bảo Tàng Cho Những Người Lính Bị Bỏ Quên," tác giả đã nhận giải chung kết 2014. và vẫn tiếp tục gắn bó với Viết Về Nước Mỹ. Sau đây, thêm một bài viết mới.

****


Đêm tháng Ba. Cả thành phố tôi chiều nay đột nhiên hụt hẫng, chơi vơi, bấn loạn, vì tin tức về Virus Vũ Hán và những mệnh lệnh “cấm trại” mà quận hạt mới đưa ra. Ngoài trời, những cơn mưa Xuân vẫn vô tư trải rào rào lên mái nhà, và gió cũng hùa theo huýt sáo từng cơn lướt qua khe cửa kính luồng vào phòng làm việc khiến tôi lạnh đến rùng mình, dù cho máy sưởi vẫn chạy. Cái con Virus Vũ Hán này quả là “đồ nghiệt súc,” nói theo kiểu truyện Phong Thần của người Tàu xưa, dù mắt thường không thấy được nó, nhưng nó đã làm đảo lộn cả thế giới loài người.

Mặc dù tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã vị nể (hay bị mua chuộc?) nhà cầm quyền Trung Cộng mà đặt lại tên cho lũ virus phát sinh từ Vũ Hán thành ra COVID-19 cho khỏi “đụng” đến bọn cộng Tập, thì, “Thiên bất dung gian,” những chữ viết tắt này lại vẫn đại diện cho nguồn gốc của lũ virus độc hại này. Chàng thanh niên trẻ Hoàng Chí Phong, nhà hoạt động dân chủ Hồng Kông thông minh đã diễn giải ra một cách thật ngoạn mục, có phần độc đáo hơn là khác, thành “China Originated Virus In December -19” nghĩa là “Vi khuẩn tháng 12/19 nguồn gốc từ Trung Quốc.” 

Cũng như các nước trên thế giới, tình hình nước Mỹ trong thời gian qua thật là bất ổn.  Nhiều tiểu bang liên tục ra lịnh đóng cửa (shutdown) yêu cầu mọi người không nên ra khỏi nhà nếu chẳng có chuyện gì quá cần thiết. Mở TV lên toàn tin tức xấu, thành phố này thêm bao nhiêu ca nhiễm, thành phố kia lại có người ra đi vì virus Vũ Hán...  Mở email lên lại càng...rối hơn, thư này chuyển tin tiểu bang kia mới cập nhật bao nhiêu người nhiễm, người chết, thành phố nọ thông báo tổng số ca bệnh trong 24 giờ qua. Có một số thông tin hữu ích ngừa dịch, tôi chuyển tiếp cho bạn bè, như rửa tay thường xuyên 20 giây với nước nóng và xà phòng, giữ khoảng cách 2m đối với tất cả mọi người trừ người trong gia đình, và đừng bao giờ đưa tay lên mắt, mũi, miệng…

Còn email các chị trong hội Minh Châu Trời Đông, nhóm “nữ quái bà bà” chúng tôi thực tế hơn, vì họ là những bậc đàn chị “lão làng” ai cũng có cả một trời kinh nghiệm, kinh nghiệm sống đời cơ cực sau 75, chống chọi với sự lạc hậu, bịnh tật không có thuốc phải lây lất với xuyên tâm liên và cây lá thiên nhiên, từng đối mặt với sự đói khát, lăn lộn trong rừng sâu núi thẳm nuôi chồng bị tù đày, vất vả trên đường vượt biên vượt biển... Các chị chuyển cho nhau ngập trời ngập đất những thông tin, cách thức ngừa bệnh, tránh bệnh mà họ bảo là “nhanh nhất,” “hữu hiệu nhất” bằng các phương pháp dân gian Việt. Người khuyên uống nước chanh mỗi ngày, kẻ xúi nhai gừng tươi với muối, rồi thì nấu nước sả với vỏ chanh xanh uống buổi sáng, súc miệng bằng nước muối, người “giỏi võ” hơn thì bày uống thuốc Tylenol và thuốc ho, nếu cảm thấy trong người mệt mỏi hay ngứa cổ...v.v...để “diệt khuẩn từ trong trứng” và giúp tăng sức để kháng. Dù không biết có hay có tốt hay không, nhiều người trong chúng tôi cũng làm theo, vì những thứ ấy đều thuộc rau trái, và loại thuốc thông dụng, nếu ăn hay uống vào không lợi thì cũng chẳng hại gì.

Buồn nhất là các bạn trong hội Văn Bút Miền Đông Bắc Hoa Kỳ chúng tôi. Cuối tháng Ba 2020 là Đại Hội Mùa Hoa Anh Đào thường niên của hội Văn Bút. Tôi và các chị bạn từ Cali đã book vé máy bay từ lâu, chuẩn bị hành trang áo dài váy đẹp đủ kiểu đủ màu, hẹn hò sau đại hội Văn Bút thì cùng nhau đi ngắm hoa anh đào ở thủ đô Washington DC giống như năm trước. Các tiết mục văn nghệ văn gừng, hợp ca đơn ca, chúng tôi bàn tính và tự tập dợt, chỉ chờ qua đó gặp mọi người sẽ “tổng dợt” lần cuối trước khi lên sân khấu, không ngờ bây giờ phải hủy vé, thật là buồn! 

Để khỏi phải bị “tẩu hoả nhập ma” vì mớ tin tức hỗn độn bòng bong đó, hồi chiều này tôi quyết định tắt TV để đi chuẩn bị các thứ đúc bánh xèo cho bữa tối. 

Khi mọi vật liệu và thau bột pha xong thì phố đã lên đèn. Tôi đang đứng chăm chút cho chiếc bánh xèo sôi liu riu trên bếp, thích thú ngắm cái vành tròn xung quanh từ từ cong lên và lìa khỏi thành chảo. Màu đỏ sẩm của nước luộc củ dền tôi dùng pha bột, vừa giúp cho bánh xèo tăng thêm chất dinh dưỡng, vừa làm cho chiếc bánh trông thật đẹp, nhìn bắt mắt hơn so với màu vàng nghệ tôi pha thường ngày. Những món “phụ kiện” như nấm bào ngư nâu, hành tím, giá trắng, ớt bell đỏ càng làm cho chiếc bánh thêm phần hấp dẫn. Chờ cho bánh chín vàng đều, tôi cầm cán chảo lắc nhẹ vài cái. Chiếc bánh bong ra, chạy qua chạy lại nghe rào rào rất là giòn rụm. Đây là công thức “bánh xèo giòn” tôi mới học trên online đem áp dụng lần đầu và thấy thành công nên khoái lắm, yên chí là sẽ nhận được vài lời khen của ông xã trong bữa tối, khi mà bên ngoài tiếng mưa rơi lộp độp nghe rất não nề trong cái thời điểm những tin tức “mắc dịch” liên tục đưa lên trên TV.

Thình lình chuông điện thoại reo vang...

– Chị đã nghe gì chưa? Tiếng chị sui nhà thơ Tuyết Vân từ San Jose gọi. – TV mới thông báo bắt đầu ngày mai sẽ đóng cửa hết khắp nơi, và mọi người phải ở trong nhà. Chị đã mua đầy đủ thức ăn và các thứ thuốc men cần thiết chưa?

Tôi giật mình. Chỉ mới mấy tiếng đồng hồ không mở TV, không lên net mà đã có thay đổi lớn vậy sao.  Bữa giờ toàn nghe các nơi khác có lệnh đóng cửa chứ chưa đến thành phố tôi, dù cũng thuộc miền Bắc Cali nhưng cách San jose đến hơn một tiếng đồng hồ chạy xa lộ.  

Tuần trước, tôi đã đi mua thức ăn gạo nước dự trử. Khi đó chưa đến nỗi chộn rộn lắm, hàng hoá chợ còn rất nhiều, tôi định lấy thêm vài bao gạo để dành ăn cho được mấy tháng. Nhưng chợt nhớ đến một chia sẻ trên FaceBook tôi tình cờ đọc của cô gái Việt lấy chồng Nhật nên dừng lại. Chuyện chỉ nhỏ xíu vài dòng thôi, mà làm cho tôi cảm động và nhớ mãi. Cô kể, ngày hôm trước lúc nghe tình hình bệnh dịch tràn lan có thể mọi hoạt động ngoài xã hội sẽ ngừng lại, cô đi đổ đầy một bình xăng. Khi về người chồng Nhật của cô đã mắng tại sao không đổ nửa bình và chừa lại nửa bình kia cho những người khác. Tôi rất xúc động và khâm phục, người dân Nhật có tinh thần tự trọng và tính nhân văn rất cao, hèn chi đất nước họ phục hồi và tiến tới văn minh nhanh chóng sau cuộc tàn phá bỡi bom nguyên tử trong đệ nhị Thế Chiến. Và hôm ấy tôi chỉ mua một bao gạo. Nghe nói mấy ngày qua gạo đã bị vét sạch hết từ các chợ, Mỹ cũng như Việt. Nếu tình hình này mà kéo dài, dù nhà chỉ có hai vợ chồng, chúng tôi có lẽ phải chịu...thiếu cơm một thời gian. Nhưng không sao, đã có hai thùng mì gói và mấy lốc bánh mì bỏ trong ngăn đá, hàng chục bao nhỏ các loại đậu có chứa nhiều protein, rồi còn những bì bột bánh xèo bánh bao cộng với bún khô...chắc cũng “chịu đời” được đến mấy tháng.  Bây giờ chỉ còn mua thêm vài thứ thuốc cảm thuốc ho trước khi cả thành phố đóng cửa nữa là tạm ổn.

Tắt điện thoại, tôi kêu ông xã ra ăn trước, rồi dọn dẹp các thứ để chạy đi Walgreen. 

Đã học hỏi rất nhiều những hình ảnh “chống giặc Vũ Hán” trên mạng, tôi trang bị “tận răng” trước khi đi, không khác một phi hành gia. Giày vớ kín mít, găng tay, mũ trùm đầu, hai lớp quần áo, áo khoát dài loại đi mưa dễ giặt, và gắn vào đôi mắt kính bự chần dần. Tôi không mang khẩu trang, vì thành phố tôi ở phần đông là Mỹ Trắng, bữa giờ ra đường chẳng thấy ai mang nên sợ họ thấy tóc đen da vàng tưởng mình là “lính ông Tập” từ Vũ Hán trở về, rồi kỳ thị bảo “Hãy mang coronavirus về China đi” như những tin tức loan truyền trên mạng (điều này không phải nói mơ hồ đâu, mà chính con trai người viết ở Bắc Cali khi các nhà hàng còn mở cửa nó dẫn gia đình nhỏ đi ăn, họ tưởng tụi nó là người Trung Quốc nên chặn ở cửa nói “Hết chỗ rồi, hãy qua bên kia đi,” và chỉ qua nhà hàng Tàu gần đó, trong khi nhìn vào bên trong nhà hàng đó vắng teo không thấy bóng thực khách.) Không mang khẩu trang, vì tôi học được một cách rất “hay tiện và dễ xài” mà lại an toàn, vừa khỏi tốn tiền mua khẩu trang với giá cắt cổ chả dễ gì mua được lúc này, từ mấy chị bạn Minh Châu Trời Đông. Bữa giờ bên New York dịch bùng phát mạnh nên các chị bên đó có nhiều kinh nghiệm san sẻ cho nhau. Cách đó là, choàng vào cổ chiếc khăn quàng xinh đẹp, khi vô chợ kéo lên che mũi miệng như các nàng Ả Rập, lúc về tháo khăn ra giặt là xong. 

Lái xe dưới cơn mưa tầm tã, không khí lạnh ùa cả vào xe làm tôi tưởng tượng đến mấy cái bánh xèo giòn rụm mà nuốt nước bọt một cách tiếc nuối, lát nữa về thì bánh đã nguội mất tiêu rồi! Tưởng đã khuya Walgreen vắng vẻ, không ngờ khi tôi đến bãi đậu xe tìm chẳng ra chỗ trống, phải chạy qua chợ Safeway bên cạnh.  Đậu xe xong tôi lội thẳng một mạch vào khu vực thuốc Tây vì chỉ cần một ít thuốc cảm ho. Tôi áp dụng cái cách “tránh xa hai mét” luồn lách qua các dãy hàng hoá ít người. Khách hàng vẫn vô ra đông nghẹt, nhất là ở khu vực thuốc Tây, chắc họ cũng mới vừa nghe tin tức như tôi nên chạy tới đây mua…cú chót. Vừa đi vừa né, bước chân zich zắc, mắt láo liên, tôi ngạc nhiên nhìn những dãy kệ thuốc Tây trống trơn trống hoác. Đặc biệt, thuốc cảm, thuốc ho, và Tylenol đã biến mất sạch sành sanh. 

Thất vọng, tôi lượn qua lượn lại chỗ quầy thuốc nhiều lần, nín thở mỗi khi đến gần ai đó dù mũi miệng đã có khăn che. Bất thình lình, có một tiếng ho rõ to bên cạnh. Tôi chưa kịp quay đầu lại thì những người xung quanh đã vội bước tránh ra xa, đến nỗi có người va vào tôi thật mạnh. Tôi cảm thấy lành lạnh sau gáy. Chết rồi. Không biết cái cô vừa đụng vào tôi ấy đã có từng về từ chuyến du lịch Châu Âu, hay đi trên tàu Princess, hoặc du lịch tới China để coi người ta ăn Tết Mặt Trăng hông nữa. Tôi nhìn cô ta nhưng cô không thèm để ý gì đến tôi, hoặc nói lời xin lỗi như cái văn hóa Mỹ thường ngày, mà cô và những cái đầu xung quanh đều quay ngoắt lại nhìn chằm chằm vào người đàn ông Á Châu vừa mới ho bằng những đôi mắt…hình viên đạn. Ông ta như cảm giác được sự sợ hãi của mọi người nên lấy tay che miệng và bước vội đi.

Dù trong dạ có chút bất an, tôi cũng ráng căng mắt lên nhìn lần cuối vào mấy hộp thuốc bổ lèo tèo trên kệ, đọc kỹ từng nhãn hiệu xem may ra có ai đem bỏ lẫn lộn thuốc cảm vào đó hay không. Thật là may mắn, cuối cùng tôi nhìn thấy một hộp Tylenol còn sót lại trong góc của ngăn kệ trên cùng.  Mừng quá, tôi vội nhón gót lên chộp ngay lấy nó. Khổ nỗi, hộp thuốc như trêu đùa tôi, vừa túm được nó thì tôi lại bị tuột tay và nó rơi lọt thỏm vào trong khe của cái kệ. Tôi liền vơ đại một vỉ thuốc, dùng hết sức bình sinh nhón gót lên để khều nó ra ngoài, và tôi bỗng bật cười một mình vì nhớ lại tấm hình mới xem ban sáng do mấy chị bạn gửi cho. Đó là hình chụp sau lưng một cô gái, có lẽ vì vội ra ngoài trước khi các nơi đóng cửa nên cô chỉ mặc mỗi cái váy suông phủ đùi, bên trong cô mặc … “nothing,” trống không, và khi cô nhón gót vói tay để lấy món đồ gì đó trên kệ hàng thì cái váy bị…tốc lên cao theo hai cánh tay cô, làm khoe ra lồ lộ bộ mông trần trắng nỏn nà, và ai đó đã chộp được đăng lên mạng xã hội rồi gửi đi vòng vòng. May mà tay chụp hình đó còn “nhân đức” chỉ chụp từ phía đàng sau.

Chạy về nhà đậu xe xong, tôi đi luôn ra cửa sau, lột hết mấy lớp áo quần ngoài, mũ khăn, giày vớ thảy cả vào máy giặc, tháo vỏ hộp thuốc Tylenol, găng tay lia vào thùng rác rồi vô nhà đi tắm.

Vừa ngồi xuống bàn ăn thì cái cel phone báo có một tin nhắn bạn tôi mới gửi đến. Không dằn được tôi vội mở ra coi. Đó là cái clip của người dân Vũ Hán lén quay lại những cảnh tượng kinh hoàng mà người dân Trung Quốc phải gánh chịu trong trận dịch.

Tôi thấy nhói cả tim gan khi nhìn những người cảnh sát Trung Cộng đi bắt người ngoài phố, họ chụp lấy bất cứ người nào đang đi ngoài đường và thảy vào trong thùng xe bít bùng rồi khoá lại chạy đi, mặc kệ cho nạn nhân la hét kêu khóc thảm thiết. Có những người phản ứng, kêu gào trì kéo lại thì bị đánh đập cho đến ngất xỉu, rồi lôi sền sệch tốc cả áo vuột cả váy đem vất lên xe.

Tôi há hốc, không tin vào mắt mình, khi xem đến đoạn phim những người mặc trang phục trùm kín từ đầu đến chân bắt người đem nhốt vào nhà họ, khóa bên ngoài cửa lại, dùng khoan điện khoan thủng tường, gắn một thanh sắc lớn chắn ngang qua, hàn lại rồi bỏ mặc người ta sống chết trong ngôi nhà đó. Trước khi bỏ đi, họ dán một mảnh giấy trên cửa ghi, đại để như “Nhà này có người nhiễm bệnh.” Clip còn cho thấy, nhiều người bị nhốt trên tầng cao chung cư đập cửa sổ thò tay ra ngoài vất cả mớ tiền giấy xuống đất, nhưng không ai buồn đến nhặt, kể cả cái bọn đi bắt người, có lẽ bọn chúng cũng vừa làm theo lệnh vừa run, vì chúng hãi hùng khi thấy người ta chết hàng loạt. Những đồng tiền đã bị nhiễm virus, có lượm xài rồi cũng đi đoong, cũng như hàng đống Iphone (nghe nói các hảng điện thoại bên Trung Quốc đã bị “mất trắng” mười mấy hai chục triệu phone line, mà không có chuyển qua công ty nào khác, chứng tỏ các chủ nhân đã chết) chất chồng cạnh lò thiêu xác rồi sau đó bị ném vào lò thiêu vì đâu ai dám lấy. Thế mà bọn chính quyền Trung Quốc mồm loa mép giải ra rả tuyên bố là dân của chúng chỉ bị...chết dịch có mấy nghìn.

Có những nạn nhân bị khóa cửa nhốt trên lầu cao mấy chục tầng, lâu ngày đói khát người ta tìm cách phá cửa sổ trèo ra ngoài kêu cứu, thì bị tuột tay rơi xuống. Tiếng thét thảm thương xé lòng trên đường rơi từ cửa sổ lầu mấy chục tầng xuống đất của nạn nhân làm tôi bủn rủn tay chân, cổ nghẹn lại.  Bụng tôi rất đói, đĩa bánh xèo ban chiều vẫn còn hấp dẫn, nhưng bây giờ tôi thấy nuốt không vô, nên buông đũa không ăn nữa bỏ vô phòng computer.

Mở máy đọc email, tôi lại thấy giận no hông vì những hình ảnh bạn bè gửi tới. Một nhà hàng lớn ở Trung Cộng treo tấm băng rôn đỏ chóe thật to thật dài trên đó ghi những lời mà người Việt dịch ra đại ý như “Chúc mừng nước Mỹ đã nhiễm dịch Vũ Hán, và chúc mừng nước Nhật bé xíu bị nhiễm dịch, cầu mong cho sự nhiễm dịch này được Thiên trường Địa cửu.” Thật không thể tưởng tượng nổi trên trái đất này lại có loài người vô nhân tính đến mức thấy người hoạn nạn chết chóc lại đi chúc mừng! Đúng là bọn “rau nào sâu nấy!” Người dân cộng sản Trung Cộng cũng bị nhiễm cái tính dã man tàn ác từ bọn lãnh đạo đảng và nhà nước họ. Vậy mà chúng bày đặt đi xây Học Viện Khổng Tử khắp nơi trên thế giới để giảng đạo đức.  Nhưng thực tình mà nói, cũng không phải lỗi hoàn toàn ở người dân nước này. Nhiều tin tức cho thấy bọn Tàu Cộng là thủ phạm phát tán loại virus độc hại này, mà gần đây chúng tìm cách đổ lỗi cho Hoa Kỳ đem Virus gieo rắc cho chúng, nên người dân mới tỏ thái độ thù nghịch với nước Mỹ bằng những hành xử không còn tính người như vậy.

Nói đến sự tráo trở “gắp lửa bỏ tay người” của bọn Trung Cộng, tôi chợt nhớ vừa rồi tôi có nghe đài “Radio AM900 Houston,” ông Nguyễn Chính Kết phỏng vấn GS TS Mai Thanh Truyết (TS MTT), nhà môi trường học Mỹ, về đề tài “Dịch Corona Virus Wuhan.”  Trong cuộc phỏng vấn, TS Mai Thanh Truyết có đề cập đến tính gian manh của Trung Cộng. Khi dịch Vũ Hán bắt đầu hoành hành, chính quyền cộng sản Trung Quốc đã tìm cách che đậy, chúng “bưng bít thông tin cũng như mua chuộc tổ chức y tế thế giới – WHO nhằm công bố hạn chế mức độ nguy hiểm của virus corona,” lời TS MTT. Chúng ém nhẹm đến khi người chết hàng loạt không thể nào che dấu được nữa mới bắt đầu lộ ra, thì người dân của chúng, những người nhiễm bệnh từ Vũ Hán sau khi về quê ăn Tết Nguyên Đán đã tràn tỏa đi lây lan khắp thế giới. Cũng theo sự khám phá của TS MTT, thì đây là thuyết âm mưu của Trung Cộng nhằm hãm hại Hoa Kỳ, vì loại virus này là vũ khí sinh học mà lâu nay họ nghiên cứu tại một nhà máy sinh học ở Vũ Hán. Ông Dany Shoham, một cựu nhân viên tình báo quân sự người Israel, chuyên gia vũ khí sinh học, đã đưa ra nhận định trong bài phỏng vấn với tờ Washington Times sau khi chính quyền Trung Cộng công bố bệnh dịch, rằng coronavirus có thể đã xuất phát từ một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán, thậm chí có liên quan đến các chương trình nghiên cứu vũ khí sinh học của Tàu Cộng. TS MTT cho biết. 

Điều này có lẽ đúng, vì chính quyền Trung Cộng có tật giật mình, đã nổi điên khi bị ai “chỉ danh” nguồn gốc của virus. Mới đầu, các chuyên gia y tế Trung Cộng gọi “Pneumonia Wuhan” rồi có lẽ được lệnh trên, họ thay đổi vòng vòng, và sau cùng Trung Cộng nhờ WHO đổi thành COVID-19.  Nên khi ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo gọi Virus Vũ Hán (Wuhan Virus) hoặc TT Mỹ Donald Trump dùng chữ “Vi Khuẩn Tàu” (China Virus) thì họ lồng lộng lên la ó phản đối. 

Sự gian manh của Trung Cộng đâu phải chỉ có bấy nhiêu. TS Mai Thanh Truyết còn tìm ra, họ có chiêu trò che mắt thế giới, báo cáo “ma” về việc đã chận đứng được bệnh dịch. Trong khi những nước bị lây lan, đang hoảng loạn tìm cách ngăn chặn mà con số nạn nhân cứ tăng lên vùn vụt một cách chóng mặt, thì bên Trung Cộng, “quốc mẫu” sản sinh ra Virus Vũ Hán lại được thông báo là đã ngăn chặn hoàn toàn.  Các công ty ở Trung Quốc ở Chiếc Giang và Bắc Kinh giả bộ tạo ra như đang hoạt động, “Tìm cách gian lận bằng cách làm cho điện sáng, máy chạy cả ngày dù không có người, hoặc mở đèn và điều hòa không khí cả ngày dù trong các văn phòng không người, và ngoài đường vẫn không thấy một bóng người hay xe cộ qua lại.” (TS MTT) 

Nhưng nếu quả thực Trung Cộng chặn đứng được dịch bệnh, thì điều này cho thấy, họ đã chuẩn bị kỹ, đã chế tạo thuốc đặc trị cho Virus Vũ Hán trước khi phát tán ra, và như vậy là họ đã có ý định dã man: Giết chết bớt một số dân vì nạn nhân mãn, kèm theo là cho gieo rắc lây lan, giết hại người trên hoàn cầu. Và nếu quả thực vậy, thì những kẻ ác gian này tất sẽ bị quả báo.

Nhưng không biết đến khi nào bọn chúng mới bị quả báo đây? Chắc sớm thôi! TS Mai Thanh Truyết có kể trong cuộc phỏng vấn, là nhà khí tượng học người Mỹ tên Lorenz Edward Norton vào năm 1970 “đã từng diễn giải về hệ thống thời tiết rằng con bướm đập cánh ở Brazil có thể gây ra cơn bão lớn ở Texas. Hiện nay, tình trạng bùng phát và lây lan của dịch bệnh ‘viêm phổi ở Vũ Hán’ cũng đang phản ánh dạng ‘hiệu ứng cánh bướm’ này: Một bệnh dịch, kéo theo khủng hoảng kinh tế, gây bất ổn chính trị làm người dân phẫn nộ… có thể làm sụp đổ chế độ Đảng Cộng Sản Trung Hoa và làm thay đổi lịch sử của nước Tàu.”

Cũng nói đến chuyện quả báo, không phải khoa học như TS MTT, mà là về tâm linh. Chị Dung bạn thân tôi từ Ohio tin rằng “quả báo” đang xảy ra, bọn Trung Cộng đang bắt đầu trả nghiệp ác. Chị kể, dạo này có nhiều tin rầm rộ trên mạng toàn cầu, người ta nhắc lại những câu Sấm Trạng Trình, các nhà tiên tri, các “dị nhân” đều tiên đoán năm nay 2020 là năm khởi đầu cho ngày tàn của bọn cộng sản Trung Cộng và các đảng đàn em trên thế giới, để cho nhân loại được hưởng thái bình. Mỗi lần bà ấy gọi là tôi được nghe thêm vài câu Sấm Trạng Trình bà mới học từ trên YouTube. Nào là ngài Trạng từng nói, “Nhà cha cửa đóng then cài,” chỉ rõ hiện giờ nhà cha…nhà mẹ gì cũng đóng cửa hết! Rồi đến “Chuột nọ lăm le mong cản tổ,” là năm nay đúng năm Canh Tý và trận đại dịch bắt đầu khắp hoàn cầu nên chuột đã “cản tổ” đóng cửa hết, không cho nước nào đến nước nào! Rồi thì là “Can qua tứ xứ loạn đao binh” cũng …đúng luôn, vì hiện tại trên thế giới bốn biển (tứ xứ) đang loạn cào cào, lớp thì lo chống “giặc dịch” Vũ Hán do Trung Cộng truyền sang, lớp lo chống bọn bành trướng Bắc Kinh lấn đất giành biển, chống sản xuất thuốc giả, hàng giả, bán giá rẻ mạc để chiếm lĩnh thị trường thế giới v.v... 

Có điều này khá thú vị, một trong những vị “thần cơ diệu toán” mà chị Dung nói, lại là một ông  chủ kiêm tổng giám đốc một hảng tiện ở California. Chị Dung tận tiểu bang Ohio lại hỏi chuyện về ông Ngô Tuấn Kiệt chủ dãy núi Thiên Long Sơn ở thành phố Milpitas, California, mà tôi dân Cali lại chưa hề biết tới, vì tôi mới dọn về đây chưa lâu.  Xem cái YouTube PhoBolsaTV chị gửi, tôi mới biết về doanh nhân triệu phú gốc Việt này, là chủ hảng tiện rất thành công KNT, INC ở Bắc Cali. Song song với việc điều hành hảng tiện của mình, triệu phú Ngô Tuấn Kiệt đã mua dãy núi đẹp như cảnh Tiên, rộng đến 360 Acre và lập thành Công Viên Tâm Linh vô cùng độc đáo. Nhiều bức tượng các anh hùng, danh nhân Việt Nam được xây dựng thật trang nghiêm trên núi, như tượng đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông, tượng Lạc Long Quân và bà Âu Cơ, đức Trần Hưng Đạo, Lê Văn Duyệt, Nguyễn Trung Trực, Phật Thầy Tây An, v.v… tất cả các bức tượng đều được gắn bản ghi chú, giải thích rõ ràng bằng tiếng Anh và tiếng Việt về lịch sử của từng vị.

Theo lời Ngô Tuấn Kiệt trả lời phỏng vấn của PhoBolsaTV, thì mục đích ông lập nên Công Viên Tâm Linh này để “bảo tồn Văn Hóa Việt Nam nơi hải ngoại, để người Việt và các thế hệ sau này luôn nhớ về cội nguồn, và cho người nước ngoài biết được Việt Nam mình có một nền văn hóa rất vững vàng, một dân tộc quật cường không thua gì người Do Thái.” Mỗi cuối tuần, vợ chồng ông Kiệt đều đưa con cái lên Thiên Long Sơn, lo chuẩn bị thức ăn đãi những bữa cơm chay miễn phí cho hàng trăm, có khi hàng nghìn khách du lịch đến thăm viếng, cầu nguyện, và cầu xin may mắn trong những dịp lễ, Tết, vì có nhiều lời đồn nơi này “Rất linh thiêng cầu gì được nấy.”

Đặc biệt, dường như ông Kiệt có sự nhạy bén thiên phú về tâm linh, và sự tiên đoán độc đáo của ông về tương lai thế giới, Trung Cộng, và Việt Nam. Trong cái video năm 2018, ông Kiệt đã khuyên mọi người nên chuẩn bị dự trử thức ăn nước uống cho đầy đủ vì vài năm sắp tới sẽ có nhiều diễn biến kinh hoàng khắp thế giới.  Những lời ông tiên đoán về năm 2020 đến nay tôi mới được nghe, nghe mà dựng cả tóc gáy, là ông kêu gọi mọi người chuẩn bị đầy đủ thức ăn, nước uống trong nhà, vì sắp tới vào năm 2020 sẽ có tai ách lớn xảy ra. “Mọi người hãy nghe tôi đi, nếu dự trử đồ ăn thức uống từ nay cho đến năm 2020 mà không dùng hết thì hãy đem tới đây, tôi bảo đảm sẽ trả tiền lại đầy đủ cho quý vị!” Ông Kiệt còn tiên đoán, trong tương lai sắp tới cộng sản Trung Quốc và Việt Nam đều sẽ bị thay đổi, sẽ được thay thế bằng những vị Minh Quân, và nhân loại sẽ được hưởng thái bình.

Dù không biết những tiên đoán trên có đúng hay không, nhưng tôi đã nghĩ đến chúng trong lúc này, cái lúc mà khắp nơi đang căng thẳng về đại dịch, thì tôi cứ tạm hy vọng, tạm gạt mình tin để được nhẹ lòng. Giờ đã quá nửa đêm, bên ngoài vẫn còn mưa rơi, tiếng gió vẫn hun hút, không khí lạnh vẫn tiếp tục len vào, nhưng trong lòng tôi đang nhen nhúm một chút ấm áp. Xin nguyện cầu cho những tiên đoán trên trở thành sự thật. Và nhất là, xin nguyện cầu cho cơn đại dịch Virus Vũ Hán sớm chấm dứt, trả lại sự bình yên, hạnh phúc cho Hoa Kỳ và nhân loại trên khắp hành tinh.

Phương Hoa – Đêm cuối Tháng Ba 2020 


Ý kiến bạn đọc
06/04/202018:53:41
Khách
> đãi những bữa cơm chay miễn phí cho hàng trăm, có khi hàng nghìn khách
1) hàng trăm, có khi hàng nghìn khách: bố thí được phước báu với tâm không phân biệt, "người ăn thì còn, con ăn thì mất”
2) cơm chay : bố thí tâm thương yêu đối với các chúng sanh
==> "More bang for the buck" (one of the reasons how the rich get richer)


>2018, ông Kiệt đã khuyên mọi người nên chuẩn bị dự trử thức ăn nước uống cho đầy đủ vì vài năm sắp tới sẽ có nhiều diễn biến kinh hoàng khắp thế giới.

In theory, it may last 7 years (one after another: famine, earth quake, wars, financial disaster, Tsunami, hurricane, new virus, new disease, ....) millions or billions may be gone.
Bồ-tát sợ nhân chúng sanh sợ quả.
Thịnh nộ của Thiên Chúa, một thiên thần tàn khốc quét sạch thế giới.
Reasons:
1) Dominion (2018)- VietSub là một bộ phim tài liệu của Úc kể về cách mà động vật tại đất nước này được sử dụng và bị ngược đãi bởi con người, đặc biệt là trong các ngành công nghiệp thịt, sữa, trứng, quần áo và giải trí.

2) Theo nhà sinh thái học Serge Morand, có ba nhân tố đồng thời khiến dịch bệnh có nguồn gốc từ động vật nói chung, động vật hoang dã nói riêng, bùng phát. Ba nhân tố đều liên quan đến vấn đề đa dạng sinh học.

Thứ nhất là sự suy giảm ngày một nghiêm trọng của đa dạng sinh học, nói cách khác, tốc độ tuyệt chủng các giống loài gia tăng.

Thứ hai là nông nghiệp ngày càng biến thành một ngành công nghiệp, nhân tố góp phần mạnh mẽ vào sự suy giảm đa dạng sinh học.

Thứ ba là sự phát triển đột biến của ngành giao thông hàng hoá và vận tải người. Sự phát triển về giao thông này vừa là nhân tố khiến dịch bệnh dễ dàng lan rộng, do các tiếp xúc gia tăng giữa người với người, về tần số, về số lượng, vừa là yếu tố kích thích sự phát triển của các ngành sản xuất coi khai thác ‘‘tài nguyên’’ thiên nhiên hoang dã là mục tiêu. Giao thông tăng trưởng gắn liền với kinh tế tăng trưởng, nhưng cũng là con đường giúp dịch bệnh tăng trưởng đột biến, dễ dàng di chuyển từ vùng này đến vùng khác.
Một vài con số minh hoạ: Thế giới hiện nay có 1,5 tỉ bò nuôi, 25 tỉ gà nuôi, hàng tỉ con heo… Tất cả thường được nuôi bằng các loại hạt được trồng theo phương thức công nghiệp hoá, như đậu tương. Để có diện tích nuôi gia súc, gia cầm, đất trồng cây làm thức ăn cho chúng, các diện tích rừng khổng lồ đã bị hủy diệt… Các loài động vật hoang dã, bị dồn đuổi, ngày càng đến gần hơn, nhiều hơn với thế giới con người…

3) Nhà sinh thái học Rodolphe Golza, giám đốc nghiên cứu IRD, trong bài trả lời tuần báo L’Obs, lưu ý đến tập quán buôn bán động vật hoang dã, làm thực phẩm hay vì các mục tiêu khác, trở nên hết sức phổ biến, với quy mô lớn tại Trung Quốc, tạo nên một không gian lý tưởng cho sự tăng trưởng của nhiều loài siêu vi, kênh truyền virus dễ dàng từ động vật sang người
....
06/04/202017:33:59
Khách
Bài viết “Taiwan's coronavirus response is among the best globally “ trên trang mạng msn ngày 5 tháng Tư :

Đài Loan là một trong những nước có nguy cơ bị dịch coronavirus nặng nhất thế giới- vì không những ở gần Trung cộng về địa lý mà còn có quan hệ chặt chẽ nữa.

Do đã có kinh nghiệm đối phó với bệnh dịch SARS năm 2003, vào ngày 25 tháng Giêng, khi mà Đài Loan vừa phát giác ra có bốn trường hợp nhiễm coronavirus phát xuất từ Trung cộng, thì họ đã ngay lập tức phát lệnh kiểm soát nghiêm ngặt sự đi lại giữa Đài Loan và Trung cộng.

Đài Loan vốn là quốc gia có nền y tế tân tiền và mọi người dân được bảo hiểm sức khỏe. Khi được tin tức về vi rút ở Vũ Hán trong dịp Tết , Đài Loan đã tức tốc thành lập ngay một ủy ban đặc biệt để đối phó với mối đe dọa tiềm tàng này.

Đài Loan đã đề ra ít nhất 124 hành động cần phải thi hành để bảo vệ người dân. Trong khi đó thì các quốc gia khác vẫn còn đang tranh luận có cần phải có những biện pháp đối phó hay không.

Trong số những hành động này là việc cấm đi lại giữa Đài Loan với nhiều vùng thuộc lãnh thổ Trung cộng , không tiếp nhận các tàu du lịch vào các hải cảng Đài Loan , ban hành lệnh trừng phạt nặng cho những ai vi phạm lệnh cách ly tại nhà và những ai tung tin đồn thất thiệt , sản xuất ồ ạt khẩu trang , xét nghiệm tất cả mọi người , v.v...

Đài Loan, hiện nay sau những tuần lễ ngưng xuất cảng khẩu trang, nay đang gửi tặng 10 triệu khẩu trang cho Mỹ, Tây Ban Nha và Ý và 9 quốc gia Âu châu cùng những quốc gia nhỏ khác mà có quan hệ ngoại giao với Đài Loan.
Trường hợp Đại Loan cho thấy rằng ngay cả một quốc gia có nền dân chủ như Đài Loan cũng vẫn có thể kềm chế được nạn dịch coronavirus.

Chú thích : Tính đến ngày hôm nay 6/4, Đài Loan chỉ có 373 ca coronavirus, trong khi Mỹ 347000 ca.
06/04/202016:11:28
Khách
Tàu cộng thì vu rằng cơn dịch phát xuất từ Vũ Hán là do lính Mỹ bí mật gài coronavirus ở đó. Còn Mỹ- như thượng nghị sĩ Cộng Hòa Tom Cotton, cựu cố vần cho ông Trump Steven Bannon , tay truyền thông cực hữu Rush Limbaugh , v.v...- thì tung tin rằng coronavirus là một loại vũ khí sinh học đang trong giai đoạn thử nghiệm ỡ một cơ sở thí nghiệm tại Vũ Hán thì tẩu thoát được ra ngoài.

Toàn là tin vịt cổ vì cả hai bên chẵng đưa ra được bằng chứng nào ráo trọi !
06/04/202003:44:27
Khách
>chính phủ phương Tây nhìn lại mà có những chính sách bớt lệ thuộc về kinh tế Made in China.

“Người không lo xa, ắt có họa gần”
1) Vài ngày trước, Đài Loan thông báo sẽ quyên góp 7 triệu khẩu trang cho châu Âu, 2 triệu khẩu trang cho Mỹ và thêm 1 triệu chiếc cho các quốc gia khác. Trong khi hàng loạt nền kinh tế trên thế giới thiếu thiết bị bảo hộ, đặc biệt là khẩu trang, Đài Loan - với công suất lên tới 13 triệu chiếc mỗi ngày. Ngày 6/2, Đài Loan áp dụng hệ thống phân phối 2 khẩu trang mỗi người một tuần. Đến ngày 5/3, hạn mức này được nâng lên. Những người có bảo hiểm y tế được phép mua 3 khẩu trang mỗi tuần với giá 5 NT mỗi chiếc. (1 US = 30 NT )
họ phải dựa trên số cuối của thẻ bảo hiểm. Số chẵn mua vào thứ ba, năm, bảy và ngược lại.Bằng việc quét thẻ bảo hiểm, các hiệu thuốc sẽ biết lịch sử mua hàng của người dùng. Việc này nhằm đảm bảo mỗi người chỉ được mua 3 chiếc một tuần.

2) Khi virus corona tấn công, chính phủ Phần Lan đã lần đầu mở kho dự trữ y tế từ sau Thế chiến II.
Phần Lan là quốc gia theo chủ nghĩa sinh tồn ở Bắc Âu, luôn sẵn sàng chuẩn bị cho những thảm họa lớn.
5/4, Phần Lan ghi nhận 1.882 ca bệnh, trong đó có 25 ca tử vong. Bộ Xã hội và Y tế đã ra lệnh gửi khẩu trang đến bệnh viện trên khắp cả nước. “Khẩu trang tuy đã cũ nhưng vẫn hoạt động tốt”. Dù các chi tiết về kho dự trữ được giữ bí mật, nhà chức trách xác nhận rằng các kho dự trữ được giữ trong mạng lưới các cơ sở trải rộng trên khắp cả nước. Hệ thống bảo quản hiện đại đã được áp dụng từ những năm 1950. Điều đó giúp Phần Lan có vị thế vững chắc hơn để đối phó với đại dịch.

3) 5/4 Viet Nam ghi nhận 241 ca bệnh, trong đó có 0 ca tử vong.
Trước nỗi lo sẽ khan hiếm khẩu trang y tế dành cho các bác sĩ, y tá trong thời gian tới, các bác sĩ bệnh viện Thống Nhất TP HCM đã nghiên cứu chết tạo ra máy sản xuất khẩu trang, mỗi ngày có thể làm ra trên 2000 sản phẩm
05/04/202019:44:57
Khách
Cám ơn bài viết của PH. Chú ý nhất là cái công thức là về bánh xèo. Có lý quá. Sẽ bắt chước làm chiều nay!
Chúng ta gọi Dịch Wu Hán là điều dễ hiểu nhất, vì đó là nơi được coi là xuất phát đầu tiên, từ cái wet market gớm ghiết.
Chính sách chung của the WHO, từ năm 2005 là đặt cho những dịch bịnh những cái tên chính thức, thống nhất để dễ dàng trong việc thông tin, điều hành những nỗ lực ngăn trị giữa số quốc gia hội viên khổng lồ, mà không nêu rõ tên của thành phố hay quốc gia bị trước hết để tránh stigmatization cũng như sự kỳ thi. Điều này đã xảy ra mà vài người Việt chúng ta trên thế giới cũng đã bị mắng chưởi, đuổi"go home" vì bị nghĩ là người Tàu...
Có người chỉ trích the WHO sao không gọi đích danh COVID-19 là Chinese/ Wuhan Virus, viện dẫn cái tên "Spanish Flu", tên thường gọi của cơn dịch khủng khiếp năm 1918-1920.
Trước hết đó không phải là tên gọi chính thức của trận dịch đó.
Hơn nữa, theo những tài liệu tin cậy được (links dưới đây, có cả website của CDC) the 1918 Pandemic (H1N1 Virus) đó không xuất phát từ Spain (có những giải thích tại sao lại bị gọi là "Spanish Flu" trong những links đó). Cho đến nay chưa có tổ chức nào xác định nguồn gốc chính xác ở một địa điểm duy nhất.
Nó có thể bắt đầu từ ngay tại một trái lính Mỹ ở Kansas, có nguồn nói là nó xuất phát ở China hay ở Pháp, vv. vv. , nhưng chắc chắn không phải từ Spain
https://www.history.com/news/why-was-it-called-the-spanish-flu
https://www.historyextra.com/period/first-world-war/why-was-spanish-flu-pandemic-known-called-that-where-did-name-come-from-spain-myth-coronavirus-covid-19-name/
https://www.cdc.gov/flu/pandemic-resources/1918-pandemic-h1n1.html
Điều quan trọng hơn cả cái tên gọi của nó là làm sao (cầu nguyện cho việc làm của những nhân tài, những tiến bộ về y khoa trên cả thế giới này) để chận đứng sự tàn phá khủng khiếp nhất là ở những nơi nó đang hoành hành một cách ghê rợn: Italy, Spain, Iran, New York. Nói cho cùng chúng ta ai cũng đối đầu với sự lo lắng, đau khổ như nhau, cho mình, người thân, bạn bè, cộng đồng và cả những người không cùng huyết thống, chúng ta ai cũng cảm thấy đau cái đau đớn của người thân yêu và sự mất mát mãi mãi ...
05/04/202018:35:34
Khách
Chị Phương Hoa thân mến ơi, cám ơn bài viết dễ thương và vô cùng phong phú cho em biết được nhiều cái mà chưa từng được biết.

Sau cơn đại dịch này hy vọng các chính phủ phương Tây nhìn lại mà có những chính sách bớt lệ thuộc về kinh tế, sản xuất với tụi Tàu đỏ, những ông tự cho mình là "thiên tử" nầy luôn luôn thực hiện mưu đồ thôn tính cả thế giới. Từ mấy năm nay trong cộng đồng chúng ta có phong trào kêu gọi tẩy chay đồ Made in China. Chúng ta nên tiếp tục đẩy mạnh việc này dù có phải trả hơn một chút khi phải mua những sản phẩm làm tại địa phương. Đó là cách chúng ta có thể đóng góp vào việc giảm bớt sự bành trướng của chúng. Trong nước chúng ta đôi khi phải chịu là nạn nhân của tụi white supremacists, KKK, và những tui kỳ thị người non-white mà gần đây đã xuất hiện hơi nhiều. Nhưng đối với tụi Tàu Cộng chúng ta có thể, mọi người một chút góp phần chống lại tụi ngoại xâm nầy trong lãnh vực kinh tế, tuy nhỏ bé nhưng có còn hơn không.
 

Nhân tiện cho em góp ý một cách mạo muội:

Theo em hiểu WHO là tổ chức quốc tế bao gồm nhiều nước hội viên điều hành toàn bộ không phải của những cá nhân hay một quốc gia nào mà có thể ăn hối lộ.
Nói WHO ăn hối lộ thì giống như nói Liên Hiệp Quốc ăn hối lộ! Dĩ nhiên như tất cả những tổ chức liên quốc gia có thể vì lý đó nào đó mà một hay vài nước có ảnh hưởng lớn với tổ chức hơn những nước hội viên khác. Thường thì Mỹ là nước có ảnh hưởng lớn với các tổ chức quốc tế như Liên Hiệp Quốc là một ví dụ, vì Mỹ là một nước coi như mạnh và tiên tiến nhất về mọi phương diện.
Nhiều bác sĩ, các nhà nghiên cứu, các chuyên gia về infectious diseases, pandemics, immunobioloy lỗi lạc của Mỹ đã và đang dẫn đầu các bộ phận nghiên cứu và điều hành cho the WHO, bên cạnh làm việc thường xuyên với những chuyện gia đại tài trong nước và ở các quốc gia đang dẫn đầu trong lãnh vực về y tế....
05/04/202014:49:29
Khách
Thế kỉ 20-21 TC là đầu mối điêu linh cho hàng tỷ nguời. Năm 1950 TC giúp Bắc Hàn tồn tại và dưa dân Bắc Hàn vào địa ngục do'i kho^?hơn 70 năm naỵ. Không có TC thi` không có BH. TC bắt HCM làm Cải cách RÐ ở Bắc Việt. Không có TC, dân VN, Lào, Campuchia đã không bị Cộng sản cai trị . Nay TC cũng là nguyên nhân cuả ôn dịch. Ðức quốc Xã, Nga Xô, và TC là ba nuớc đem đến tai hoạ cho thế giớị Không biết nguơì Tàu có tin vào nghiệp báo không mà họ va^~n tiếp tục giúp TC giao rắc tai họa cho thế giới .
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 1,679,746
Tác giả định cư tại Pháp nhưng thường lui tới với nước Mỹ, tham gia Viết Về Nước Mỹ từ tháng Ba 2010. Họp mặt giải thưởng năm 2011, bà đã bay từ Paris sang California để nhận giải Vinh Danh Tác Giả -thường được gọi đùa là giải Á Hậu. Đây là bài mới của tác giả.
Cuối tháng 7, năm 2020, nạn dịch Tàu vẫn đang hoành hành khắp nơi trên đất Mỹ; tất cả các nước trên thế giới đều lo sợ cuống cuồng, vội đóng cửa biên giới đường bộ, đường thủy, và đường hàng không. Nội bất xuất, ngoại bất nhập. Không cho ai ra khỏi nước mà cũng không cho phép bất cứ ai vào nước mình. Kinh tế lao đao, người dân khổ sở, tù túng, quanh quẩn trong nhà mơ đến ngày được trở lại cuộc sống bình thường trước đây. Sau 5 lần trì hoãn chuyến bay, tôi cũng phải lên đường đi công tác để thay thế cho những đồng nghiệp đang mắc kẹt ở nước ngoài đã quá thời hạn làm việc mà chưa về được với gia đình. Họ gởi emails van xin hãng cố gắng tìm cách giúp đỡ về nhà càng sớm càng tốt.
Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, định cư tại tiểu bang Georgia. Hiện là nhân viên công ty in Scientific Games tại Atlanta, tiểu bang Georgia. Bà đã góp bài từ 2015, kể chuyện về người bố Hát Ô và nhận giải Viết Về Nước Mỹ.
Năm nay có những chuyện xảy ra không ai có thể tưởng tượng được mà hệ lụy rất lớn lan rộng khắp hành tinh như dịch cúm Covid-19. Rồi biểu tình bạo loạn vì cái chết của Goerge Floyd từ tiểu bang Minnesota đã gây nên sự bất ổn đến phải giới nghiêm khắp nước Mỹ. Riêng gia đình tôi cũng xảy ra một chuyện bất ngờ khó tin nhưng có thật mà đến nay chúng tôi cứ bàng hoàng ngỡ như chuyện nằm mơ!
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam. Bà tên thật Nguyễn thị Ngọc Hạnh, trước 1975 đã là giáo sư trung học đệ nhị cấp tại Saigon. Cùng gia đình tới Mỹ từ 1979., hiện hưu trí tại miền Đông và vẫn tiếp tục viết. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Hai chị em mãi tán chuyện, đến cổng ngoài nhà Mai lúc nào mà tôi không hay. Mai khép cổng và bước vào nhà. Nhìn dáng em liu xiu men theo tường nhà bà Sáu mà lòng tôi nặng trĩu. Tôi thương em và có cả sự ngưỡng mộ; ngưỡng mộ bởi số phận oan nghiệt vẫn không làm em gục ngã, buông xuôi. Em đã cố gắng vùng vẫy ngoi lên từ đêm đen để trở thành cô gái mù nổi tiếng cả tỉnh thành. Thật từ đáy lòng, tôi rất khâm phục trước ý chí và tài năng của Mai với những tấm bằng khen chất đầy bên góc tủ. Trong tất cả những giải thưởng tôi nể phục nhất là giải về Tin học 6 tỉnh miền Trung mà Mai đạt được năm 2009. Và từ khi quen biết Mai tôi thấy mình cần phải học hỏi nhiều thứ ở cô ấy lắm. Nhưng đăc biệt, tôi cảm động nhất là mối tình thật đẹp của Mai và Tiến
Tác giả là cư dân Huntsville, AL. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của ông là “Bao Giờ Trời Sáng” một du ký nhiều ý nghĩa khi thăm viếng Nghĩa Trang Quốc Gia Arlington, bài viết thứ hai là “ Thằng Ngốc “ Đây là bài viết thứ ba . Mong tác giả sẽ tiếp tục viết thêm.
Cả tuần nay mưa rả rích không ngớt, mưa nhiều nên cây cối cũng xanh tươi hơn, chẳng thế mà những bãi cỏ khô cằn trước nhà bỗng dưng xanh rì. Mỗi buổi trưa khi có chút nắng yếu ớt chiếu xuống, đám hoa bồ công anh dại nằm khép mình dưới cỏ cũng vươn mình nở vàng rực rỡ. Tôi ngồi trong nhà ngắm nhìn màn mưa qua khung cửa sổ thấy dạ bồi hồi. Nếu không có trận đại dịch Covid-19 này, giờ chắc tôi đang trong hãng vật lộn với công việc, sau lại tất bật về nhà xoay sở với ngàn công việc không tên khác, để rồi vừa đặt lưng xuống giường là chìm ngay vào giấc ngủ. Sáng hôm sau tiếp tục tất bật cho một ngày mới. Làm gì có thời gian nhàn rỗi ngồi ngắm mưa suy nghĩ mông lung.
Ấn tượng của chị Dung lần đầu gặp ông Đại là một khuôn mặt vô hồn nhìn vào khoảng không vô định. Không chào hỏi, không có bất kỳ biểu hiện vui buồn gì trên khuôn mặt trơ như tượng đá. Tuy vóc dáng ông còn khỏe mạnh đối với một người ngoài bảy mươi nhưng những bước đi có vẻ nặng nề không phải do đau yếu mà dường như trong lòng không muốn bước.
Tác giả từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2018 và giải vinh danh Tác Phẩm 2019 Là một cựu tù cải tạo vượt ngục và là người lái tầu vượt biển, ơng định cư tại Mỹ từ 1990, hiện làm việc theo một hợp đồng dân sự với quân đội Mỹ, từng tình nguyện tới chiến trường Trung Đông và Châu Phi. Đây là bài mới nhất của Ông.