Hôm nay,  

Tản Mạn Thời Dịch Bệnh Covid-19

03/04/202000:00:00(Xem: 9110)
HINH-VVNM-rev
Tác giả Lê Xuân Mỹ (giữa) nhận Giải Viết Về Nước Mỹ (Photo VB)

Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông

Ngày xưa, trong cái thời hưng thịnh của Thung Lũng Silicon, chúng tôi cũng đã từng trải qua cái thời “tách ly”. Chồng tách (technician) vợ ly (assembly). Ai đã từng ở thành phố này đều nhớ đến cái thời thật huy hoàng đó. Không cần phải bác sĩ, kỹ sư gì cho nó mệt. Cứ hai vợ chồng, người tách người ly là tha hồ cuối tháng đếm tiền mệt nghỉ. Công việc trong các nhà máy thì dễ dàng, lềnh khênh nhiều không kể xiết. Overtime thì vô cùng thoải mái. Chịu khó ngồi ráng thêm vài tiếng là có tiền gấp rưỡi hay nếu là ngày nghỉ thì double pay. Thời đó ai làm việc trong các dây chuyền sản xuất, lãnh lương theo giờ còn sướng hơn mấy ông engineer ăn theo lương tháng nhiều. Làm tiền dễ đến nỗi quên cả thời gian. Nhiều khi cả tuần hai vợ chồng chỉ gặp nhau có một vài lần. Cũng tách ly nhưng quá sướng chứ có đâu như bây giờ cái thời cách ly ôn dịch.

 

Đúng là cái tai hoạ tự nhiên từ trên trời rớt xuống. Có ai ngờ trong cái thời đại tiên tiến của cái thế kỷ thứ 20 có ngày tại cái xứ Mỹ này, mấy con khỉ già phải ngồi bó gối cô đơn trong cái nhà của mình để nhìn mưa rơi rả rích ngoài khung cửa sổ. Tổ cha cái thằng Vũ Hán, mắc cái chứng chi ham ăn ham uống. Ăn chi cái đồ sống đồ xít rồi mang bệnh mang tật lây hoạ cho nhiều người. Đang an lành, thế là dịch bệnh hoành hành. Mới đầu là một tỉnh, một quốc gia và bây giờ lan ra khắp thế giới rồi cuối cùng để tránh lây lan 2 con khỉ già cùng thái thượng bà bà nhà tôi được lệnh phải nằm nhà, phải cách ly. Chính phủ thì chỉ mới khuyến cáo tạm thời bớt ra đường nhưng con cái đã ra nghiêm lệnh, stay home please.

 

Ba mẹ và bà nội tuyệt đối không được đi đâu hết. Cần gì tụi con mua đem tới để trước cửa nhà cho ba mẹ. Nó doạ : lớn tuổi dể mắc bệnh, mà mắc bệnh thì không có thuốc chữa, mà không có thuốc thì chỉ nằm chờ chết. Nghe hoảng kinh. Đứa út thỉnh thoàng đi ra ngoài mua đồ ăn đem về nhưng không ngồi ăn chung. Nó nói, trẻ không sao, lỡ lây cho ba mẹ và nội thì khốn. Ít nhất cách xa 6ft. Virus là kẻ thù vô hình, trốn kỹ chừng nào hay chừng đó.

 

Thế là bắt đầu ly cách, là bắt đầu cách ngăn. Thật ra, gọi là cách ly cho nó thời thượng chứ nếu cần thiết vẫn có thể ra ngoài, vẫn có thể phóng xe trên đường để cảm nhận cái không khí trong lành và yên ắng của một thành phố thung lũng vốn luôn tấp nập rộn ràng. Xa lộ 101 thật thông thoáng, không heavy traffic như mọi ngày. Nhớ con, nhớ cháu, nhớ bạn bè cũng có thể chạy ngang nhà gọi điện thoại, rồi mở cửa vẫy tay chào nhau.

 

Phải ở trong nhà đối với hai con khỉ già tôi thì không sao. Người ta ồ ạt đổ xô ra chợ mua giấy mua nước mua đồ ăn tích trữ. Chúng tôi thì không. Bún khô, mì gói còn đầy ngoài garage. Cũng còn nửa bao gạo “ông địa” dành cho mẹ. Tụi tôi thì ăn gì cũng được chứ mẹ không có cơm là không xong. Bệnh tiểu đường nặng thêm nhiều thứ cao, cao máu cao mỡ, nhưng không chịu ăn đồ healthy. Rau cỏ không thích, cứ cơm và cơm. Biểu ăn thịt cá nhiều cho tốt, không chịu. Cứ một lát cá, một miếng thịt là phải đủ 1, 2 chén cơm. Nói đường cao bác sĩ cấm ăn cơm nhiều, cũng như không. Cái não chắc cứ còn in sâu cái thời nghèo khổ dưới quê. Mâm cơm chỉ với một miếng thịt heo nhỏ xíu mà cứ ép mấy đứa con phải 3,4 chén cơm. Không cho bới cơm thêm lại giận, lại hờn. Bác sĩ nói thôi bà thích cứ để bà ăn. Ăn xong rồi uống thuốc. Cũng đã quá 90 rồi, bà thích gì cũng được, cử kiêng làm chi nữa. Cố gắng hạn chế thôi.

 

Từ ngày về hưu tụi tôi cũng ít đi đâu xa. Loanh quanh với mẹ già, với cái vườn, với hai đứa cháu ngoại cũng đã hết thì hết giờ. Ban đêm rảnh rỗi,  vợ một ipad hết facebook rồi Internet, chồng hết karaoke, rồi làm thơ viết truyện, thỉnh thoảng cùng nhau phim bộ Hồng Kông, Hàn Quốc, cũng hết ngày hết tháng. Với mẹ thì có cách hay ly thì cũng vậy thôi. Ngày 3 bữa ăn, chích thuốc 4 lần, thử máu 3 lần. Hết ăn rồi coi phim. Phim gì cũng được. Mễ, Mỹ đều same same. Miễn sao có tiếng nói. Hết ra vườn rồi vào trong nhà. Hết bếp là phòng khách. Chỉ có khác là lúc trước thỉnh thoảng còn được dẫn ra đi bộ ngoài park gần nhà bây giờ cứ loanh quanh trong nhà. Thôi thì thời dịch bệnh. 90 tuổi, ở nhà cho nó lành.

 

Cuộc cách ly ngăn ngừa dịch bệnh đã kéo dài hơn một tuần. Và không biết đến bao giờ mới chấm dứt. Tin tức thì  tràn ngập. Thiệt có rồi giả có. Số người nhiễm và chết vì virus Covid-19 hình như vẫn chưa có chiều hướng đi xuống. Toàn là tin xấu. Nhìn stock thì toàn màu đỏ choét. Riết rồi cũng không dám vào internet xem tin. Thôi thì cứ wait and see. Mình cũng không làm được gì. Chỉ biết nguyện cầu. Hai vợ chồng giả chỉ biết cùng nhau tìm việc cho qua những giờ phút trống trải. Tôi clean up nhà cửa. Thấy cái gì ngứa mắt là dẹp là vất vô thùng rác. Vợ tôi thì lo dọn cái tủ lạnh, tìm đồ dư đồ thừa ra nấu. Cũng là dịp cho hai cái tủ lạnh đầy nhóc đồ ăn có không gian để thở. Ai lo thiếu chứ nhà tôi thì chắc không sao. Sợ dịch chứ không sợ đói. Bên Mỹ mà.

 

Trong cái mong manh của cuộc đời thời đại dịch mới thấy thật quý giá những giây phút ở cạnh bên nhau. Mới thấy mình vẫn có nhiều điều cần làm. Vẫn thấy mình đôi khi còn quá đổi vô tình, quá nhiều hời hợt với gia đình, với mẹ già, với vợ con. Những việc mình làm cho những người thân yêu vẫn còn quá ít. Tiếng là hiếu để, là ở nhà để chăm sóc mẹ, nhưng thật ra thời gian để dành cho mẹ vẫn quá ít. Thời gian cho vợ cho con vẫn còn quá nhỏ không thấm vào đâu so với cái dành cho riêng mình. Mẹ làm gì trong nhà nhiều khi cũng không biết. Chỉ cần nhớ đến giờ cho ăn, uống thuốc. Rồi mong đến giờ bà bước vào phòng ngủ, lên giường trùm kín mặt mày là thở phào, là an tâm qua hết một ngày. Chỉ đến những lúc như thế này, không bận bịu cháu con, không bạn không bè, bên cạnh bà nhiều hơn mới thấy cái lặng lẽ, cái u uẩn, cái già nua của mẹ. Quả thật mẹ đã thay đổi nhiều. Những bước đi đã không còn nhanh nhẹn. Đã cà nhắc bước thấp bước cao. Cái dáng ngồi xem tivi vốn đã lặng lẽ, bây giờ càng lặng lẽ. Cái dáng lưng vốn đã khòm giờ còn còng xuống nhiều hơn. Cặp mắt đã không còn nhanh nhẹn, tinh anh. Cái tai ngày xưa vốn rất thính đã không còn nghe rõ ràng. Thỉnh thoảng coi phim, mẹ thiếp ngủ lúc nào không hay. Mẹ yếu đi rất nhiều.

 

Vẫn biết rồi cũng đến cái ngày như thế này, nhưng cũng không thể không chạnh lòng. Không thể không cảm thấy bất an và không thể không cảm thấy thật nhiều hối tiếc. Muốn thời gian dừng lại nhưng nó cứ lặng lẽ trôi qua. Cái phút giây bên người không biết sẽ còn được bao lâu.

Tuần đầu không sao, qua tuần thứ hai cách ly, bắt đầu thấy nhớ, thấy thiếu vắng. Nhớ những người bạn mỗi một tháng gặp nhau vui hát. Nhớ những lúc tán gẫu cafe Lover. Nhớ những lần chú chén anh. Nhớ những lần chở vợ đi chợ, những cuối tuần lang thang farmer market. Nhớ luôn cả những thứ bảy rong ruổi garage sale. Tìm mua cho được đồ thừa đồ thải của người khác rồi đem về chất rải rác đâu đó trong nhà. Nhớ, nhớ nhiều lắm. Có những điều tưởng như thật bình thường nhưng khi mất đi mới thấy thật vô cùng quý giá. Những hạnh phúc tưởng chừng thật nhỏ nhoi đó bây giờ cứ về tràn ngập trong cái trí nhớ vốn đang già nua của mình. Một sự thiếu vắng không thể nào không nghỉ tới, để tiếc nuối khôn nguôi.

Nhớ nhất là hai đứa cháu ngoại. Mới có mấy ngày mà đã thấy nhớ quay nhớ quắc.  Nhớ cái tướng ham ăn của thằng nhỏ. Nhớ cái nết nói không ngừng của con lớn. Nhớ nhất là “ Ngoại, I am hungry”. Cái thằng cứ mới sáng sớm, cha mẹ mới thả xuống là đã chạy vô “I am hungry” rối rít. Nhìn nết ăn của nó mới thật là thương. Không kén ăn như con lớn. Thằng này thứ gì cũng được. Cháo, phở, cơm, cá, tôm, heo, gà đều ăn đuộc tuốt. Miễn là đồ ăn Việt Nam. Con bé lớn thì trái ngược khoái ăn đồ Mỹ. Nhất là fried chicken.  Mỗi chiều đi đón học về cũng “ngoại I am hungry”. Nhưng đói thì đói chứ tội nghiệp cũng biết tiết kiệm, không dám đòi. Chỉ nhắc ngoại mua gà rán vào mỗi thứ ba vì tiệm Popeyes Louisiana Kitchen có fried chicken on sale 2.50 một phần. Còn thường ngày thì bánh mì chà bông hay pizza là OK. Không thương cũng không được. Không nhớ cũng không được. Quen hơi cả hai đứa từ cái hồi còn đỏ ong đỏ ỏng. Đã quá quen với cái cảnh mỗi sáng cha mẹ đem tới gửi rồi chiều đón về. Già rồi trông cháu nhiều khi cũng mệt nhưng vui.  Giờ cả tuần không gặp mới thấy như thiếu thiếu một cái gì . Mỗi ngày đều facetime, cũng “ngoại I love you” nhưng làm sao vui như khi được ôm cháu vào lòng. Vậy mà lúc trước đôi khi cứ mong đến giờ cha mẹ nó đi làm về để giao trả  “hai cái cục nợ”. Giờ thì có muốn mang nợ cũng không ai cho.

Nhớ, nhưng thôi cũng phải tạm nén lòng không dám qua thăm. Ba mẹ nó cũng sợ mà mình cũng sợ. Nó sợ lây cho mình, mình sợ lây cho cháu. Ngay cả mấy đứa cháu con ông anh ở ngay bên kia đường cũng chỉ dám gọi phone thăm hỏi. Hết rồi những cuối tuần barbeque. Đúng là virus vô hình khốn kiếp. Nghĩ càng tức. Ông mà biết kẻ nào phát tán cái con Côvid, ông tru di tam cửu tộc, tứ ngũ mã phanh thây, truyền cho 9, 10 đời không được đầu thai làm người.

Thôi thì tức chửi cho đã chứ cũng phải ráng ngồi yên cho qua cái thời ôn dịch loạn lạc này. Có sinh phải có diệt, không lý cả cái thế giới này lại thua cái thứ nhỏ xíu như mày sao Côvid. Chắc chắn phải có ngày hết cách, hết ly. Lẫn thẫn lại nghĩ may mà con virus này nó chưa tàn phá hết cái net, cái phone. Xa nhau thì còn chịu được chứ như phải xa cái phone, xa cái net thì chắc chỉ có nước chết vì buồn. Nhất là với bà nhà của tôi. Một ngày không có face, thì ra sao hả em. Chắc còn khổ hơn đại dịch Côvid, em nhỉ ?

Lê Xuân Mỹ
San Jose 3/25/2020

Ý kiến bạn đọc
03/04/202011:19:38
Khách
Ngộ là Tập Đập Bình, ngộ nói cho các nị trên thế giới nghe, các nị đều nợ ngộ một lời cám ơn đó. Này nhé, để ngộ kể cái công ơn trời biển của ngộ cho các nị nghe:
Dân Mỹ nhờ ngộ được nghỉ ở nhà coi Soap Operas mà có lương đều đều, $1200 mỗt tháng. Con cái được $500 mỗi đứa. Các nị liền ông không có ra ngoài ăn nhậu, cà phê cà pháo, chính trị, chính em nên tránh được bệnh gan, cao máu, lẫn sida. Các nị liền bà thì ở nhà tập nấu nướng, không shopping nên công dung ngôn hạnh đều nâng cao hai ba tầng. Gia đình các nị bớt ly dị vì không thể ly thân được. Hê hê.
Dân Ý nhờ ngộ mà trẻ trung hoá ra nhiều vì ngộ cho mấy ông bà già trong viện dưỡng lão lên thiên đường sớm với Thượng Đế. Khỏi phải tới Rome cầu nguyện đức thánh cha chi cho mệt. Ngộ làm một phát là chúng ô hô, ai tai “thấy bóng thiên đường cuối trời thênh thang”. Ái chà, cái ni cũng như dân Hàn đí. Nhờ ông đạo già Tân Thiên Địa mà bọn chúng đều chỉ được thấy bóng thiên đường thôi nhé.
Chính phủ Pháp nhờ ngộ mà trị bớt được cái bệnh lười đẻ và ở dơ của dân chúng. Cứ nằm trong nhà không biết làm gì lại không có thuốc ngừa thai, lẫn bao cao su từ nước ngộ làm ra thì cứ mà tha hồ sinh sản nhé. Trời ơi! bác Mao ơi! chúng lười đẻ còn chịu được chứ ở dơ một tuần chỉ tắm một lần rồi xịt nước hoa vừa tốn tiền lại vừa có đủ thứ mùi ấy. Giờ ở nhà luôn thì ráng mà cùng nhau tắm rửa nhé.
Dân Tây Ban Nha cũng nhờ ngộ mà thoát nghèo. Chúng ở nhà lo học hát mỗi tối lúc 8 giờ để ca tụng công ơn các bác sĩ và ngộ như dân Tây. Không đi lang thang nên không lâu sẽ thành danh ca, chả mấy mà giàu có thành đại gia cả.
Dân Ăng Lê vì ngộ mà trị hết được cái tính phớt tỉnh đó các nị. Thái tử Charles và Thủ tướng Boris Johnson của chúng dám phớt tỉnh cái cúm Tàu của ngộ nên giờ méo mặt, tự cách ly.
Dân Ấn, dân Iran nhờ ngộ mà trị được cái nạn nhân mãn như nước Tàu của ngộ. Chúng sống trong các ổ chuột lúc nhúc như dân ngộ nên cứ đẻ miết thôi. Bây giờ một tên bịnh thì cả xóm dính chấu luôn. Khà, khà, tới nhà thương thì quá tải. Chỉ có “one way” tới nhà thiêu thôi. Thật là sạch nước, sạch xóm và sạch nhà. Sạch tuốt tuột, chả còn gì.
Bác sĩ Việt Nam nhờ ngộ mà nổi tiếng vì chữa được cúm Tàu của ngộ. Chúng có cách chữa bằng dầu con ó xanh và mở cửa sổ cho thoáng nên không “toan”, không có anh nào chết cả. Cho ngộ bình bầu họ tiên tiến nhất năm nay.
Ôi thôi, cái ơn trời biển của ngộ kể mãi không hết đâu.
You are welcome,
P.S. Vậy mà chúng dám đòi “tru di tam cửu tộc, tứ ngũ mã phanh thây” ngộ nữa. Phản cách mạng, nghe lời xúi dục của các thế lực nước ngoài chống dịch Tàu của ngộ.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 1,670,675
Tác giả là một kỹ sư hồi hưu, đã sống 25 năm bên Pháp, hiện là cư dân Irvine, từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2013. Đây là bài viết mới của Ông.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. Sau đây thêm một bài viết mới.
Tác giả đã nghỉ hưu sau gần 20 năm làm y tá tâm thần tại một bệnh viện tiểu bang Cali. Là cựu quân nhân Quân lực Việt Nam Cộng Hoà, sau 1975 đi tù Cộng sản 6 năm. Là cựu thuyền nhân được thuyền trưởng Nam Hàn tên Jeon Je Yong cứu vớt trên biển Đông năm 1985. Ông cũng là tác giả Hồi Ký "Tấm Lòng Biển"(2007) nói về thuyền trưởng Jeon bị trừng phạt sau khi vớt thuyền nhân. Tham gia "Viết về Nước Mỹ" với bài "Nhà Mobilehome và Di Dân Việt Nam" (Giải Danh Dự 2010) Tham gia công tác thiện nguyện cho thành phố Westminster, Nam Cali, từ 1994 đến nay.
Tác giả định cư tại Pháp nhưng thường lui tới với nước Mỹ, tham gia Viết Về Nước Mỹ từ tháng Ba 2010. Họp mặt giải thưởng năm 2011, bà đã bay từ Paris sang California để nhận giải Vinh Danh Tác Giả -thường được gọi đùa là giải Á Hậu. Bài mới của Đoàn Thị viết nhân Ngày Lễ Mẹ 2019.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu, đã nhận giải bán kết 2002 với bài "Tiểu Hợp Chủng Quốc" kể về nơi cô làm việc, khi khủng bố tấn công nước Mỹ ngày 9 tháng 11 năm 2001. bài viết mới đăng 2 kỳ. Tiếp theo và hết.
Tác giả hiện sống ở thành phố Victorville, California, đã từng tham gia VVNM năm 2018.
Huyền Thoại-Thịnh Hương là tác giả đã nhận giải danh dự Viết Về Nước My 2006. Cô hiện làm việc và cư trú tại San Jose Với nhiều bài viết sinh động về nhiều đề tài khác nhau. Sau đây là bài viết mới nhất.
Đây là bài đầu tiên tác giả gởi cho Việt báo "Viết về nước Mỹ". Tác giả sinh ra và lớn lên tại Saigon. Ba của cô là sĩ quan QLVNCH và phải đi "học tập cải tạo" 8 năm qua các trại từ miền Nam ra Bắc. Gia đình cô qua Mỹ vào năm 1992 theo chương trình HO.
Tháng Năm 2018, tại Việt Báo Gallery, có buổi ra mắt sách Anh ngữ "Finding My Voice A Journey of Hope" của Crystal H. Vo tức Võ Như Ý, từng dự Viết Về Nước Mỹ từ 2009. Cô sinh năm 1970 ở Đà Nẵng, 15 tuổi vượt biên, định cư tại Mỹ năm 1986 với tên Crystal H. Vo. Kết hôn và thành con dâu một gia đình Mỹ, cô đã dành trọn thì giờ để học sống và viết bằng Anh ngữ. Sau khi trở lại họp mặt với Viết Về Nước Mỹ 2018, cô đều đặn viết lại bằng tiếng Việt và vừa nhận giải đặc biệt năm nay với bài "Kêu Khóc Bằng Tiếng Việt".
Đây là lần đầu tiên tác giả tham gia dự thi “Viết Về Nước Mỹ”. Sinh trưởng và lớn lên ở Saigon, tác giả cùng gia đình sang Mỹ định cư theo diện HO. Là cư dân của thành phố Chapel Hill, North Carolina, tác giả làm việc cho một công ty dược phẩm & kỹ thuật sinh học ở khu Research Triangle Park tại NC.