Hôm nay,  

Halloween

31/10/201900:00:00(Xem: 10760)

Bài số 5824-20-31618-vb5103119

 

Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng Sáu 2017, đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2018 năm thứ XIX. Sau nhiều năm làm công việc khai thuế tại vùng Hollywood, cô và gia đình hiện đã rời Los Angeles để trở thành cư dân quận Cam. Họp mặt Viết Về Nước Mỹ năm thứ 20, cô vừa nhận thêm Giải Vinh Danh Tác Phẩm, thường được gọi đùa là giải Á Hậu, đây là bài viết nhân mùa Lễ Halloween .

 

***

 

Đất trời đã sang thu,buổi ban mai cũng đến trong uể oải như người đi làm  hãng xưởng chưa kịp quen với sự chuyển mùa.Trời thu man mác buồn gợi cho tôi  nhớ lại những ngày tháng cũ...

  Ngày ấy,năm giờ sáng,mưa bay lất phất trong màn tối âm u,tôi mặc ba bốn  lớp áo quần ra đứng ngoài đầu đường lộng gió chờ chị bạn mới quen đến chở đi làm.Ngồi trên xe ấm được trong phút chốc thì lại đến cái hãng là basement cũng lạnh buốt xương…

  So với khi xưa,cuộc sống nơi miền Nam Cali với tôi thật yên lành,ngoại trừ việc phải lái xe qua chập chùng xa lộ.Bù lại,đường Cali luôn có những núi đồi đèo dốc cho người ta thơ thẩn ngắm làn khói sương bãng lãng của buổi sớm mai khi xe kẹt hàng dài.Khoảng cuối tháng chín,dọc hai bên xa lộ lại có nhiều khu "Pumpkin Patch" cho mọi người dắt con trẻ đi dạo chơi,chụp ảnh với quả bí -pumpkin,biểu tượng của ngày lễ Halloween.

 Tôi đã đi qua những Halloween Seattle âm u mưa lạnh,những Halloween Nam Cali ấm áp rộn rang.Thấm thoát mà tôi sắp có mùa Halloween thứ mười lăm trên xứ sở cờ hoa.

  Ngày ấy,tôi chưa từng được biết lễ Haloween cho đến khi đặt chân sang Mỹ.Sau hai tuần dài đằng đẵng vì nhớ nhà,vì đứng run lập cập làm việc dưới basement buốt giá,tôi được cô em họ-Kelly,chở đi dự lễ Halloween "cho biết với người ta" ở casino.

  Vùng Seattle có nhiều casino nhỏ nằm rải rác gần khu dân cư,những casino to đẹp thì ở ngoại ô,cần vài mươi phút lái xe là người ta có thể đến chơi thâu đêm suốt sáng.Tôi chân ướt chân ráo mới sang,tò mò háo hức muốn coi casino Mỹ ra làm sao.Em Kelly mới bước qua tuổi 21 vài tháng trước,khoe rất vui vì được tự do uống rượu,đi bar.

 Tôi bước lên xe, giật nảy mình vì tiếng nhạc chát chúa cùng hơi khói thuốc lá còn nồng nặc trên băng ghế.Kelly bối rối :"Sorry chị em hút thuốc nên xe hôi,chị đừng cho ba mẹ em biết!" Tôi gật đầu,thoáng ái ngại khi nghĩ về hoàn cảnh của em.Cha mẹ  ly dị,Kelly và hai người em trai ở chung với mẹ,mẹ lại có ba mới,có vẻ không quan tâm đến mấy đứa con.Kelly tốt bụng,hồn nhiên như bao nhiêu em  nhỏ sinh ra và lớn lên ở Mỹ,nhưng dường như lạc lõng vì thiếu tình thương,sự chăm chút của gia đình.Tôi cũng không biết nói sao với Kelly vì  lúc ấy chỉ lớn hơn em có vài tuổi,lại mới ở Việt Nam qua.

  Xe lăn bánh trong màn mưa lất phất,thỉnh thoảng lại có gió lùa vào trong lạnh buốt vì Kelly  hạ kính xe để gạt tàn thuốc ra ngoài.Tôi ngồi lặng ngắm những con đường ngoằn nghoèo đồi dốc nằm buồn bã trong đêm vắng.Thấp thoáng vài ánh đèn vàng vọt hắt ra từ những quả bí Halloween đặt trước ngôi nhà cài then im ỉm,trên mái nhà vương vãi mạng nhện trắng bay bay…

  Tôi nao nao nhớ về những con đường rực sáng ánh đèn nơi phố phường Sài Gòn tấp nập…thì xe đã ngừng trước  casino.Hai bên cửa casino trang trí đầy những hình nhân kỳ quái,những bộ xương người phát sáng,nhảy múa theo từng cơn gió thổi qua. Bước vào trong,tôi thấy rất đông người gốc Á đứng ngồi khắp các dãy bàn,xung quanh những lá bài sấp ngửa,mặt mũi đăm chiêu,không có vẻ gì là đi giải trí.Ở các góc casino để đầy kẹo chocolate trong các đĩa hình quả bí,Kelly bóc một nhúm kẹo dúi vào tay tôi,bảo hôm nay là Halloween nên họ để nhiều kẹo,chứ ngày thường không có.

 Kelly hỏi tôi muốn ăn gì,uống gì rồi tự trả lời,thôi để em gọi cho chị khi nhìn vẻ mặt ngơ ngác của tôi.Chúng tôi ngồi vào một bàn,Kelly rút trong ví ra tờ $100 rồi bắt đầu trò chơi đen đỏ.Thấy những tờ bạc xanh xanh cứ lần lượt ra đi,tôi nóng ruột giục em nghỉ để đi về.Kelly cười chát ngắt,em nói ở đây dù thua tiền vẫn vui hơn là về nhà,nơi mà không có ai mong đợi,đón chào em cả...

  Tôi đưa mắt nhìn quanh. Đằng sau làn khói thuốc mờ mờ là những vầng trán,những nét mày cau căng thẳng theo từng canh bạc.Khói thuốc quanh tôi nhạt nhoà che phủ màu vàng óng ả của quả pumpkin,nhoè cả  khuôn mặt của các cô nhân viên casino hoá trang rực rỡ.

  Khi trở về nhà,tôi giũ chiếc áo khoác vương đầy mùi thuốc,những thanh kẹo chocolate đầy màu sắc trong túi lục tục rơi ra.Chocolate là món tôi rất thích,nhưng  lúc ấy tôi chỉ còn cảm được  vị đắng chát,chát như nụ cười buồn bã của Kelly.Tôi nhìn qua cửa,bóng xe em Kelly khuất dần cuối con đường,chìm trong màn khói sương hiu hắt...

  Halloween thứ hai  của tôi là ở một tiệm Phở gần khu trường đại học. Ông chủ tiệm trang trí đầy những hình nộm vui vẻ khắp phòng và chuẩn bị sẵn một đĩa kẹo to đặt ở bàn tính tiền.Chúng tôi đón khách với câu "Happy Halloween" luôn miệng.Hôm đó là một ngày mưa lạnh nên phở bán thật đắt hàng,tôi làm việc luôn tay luôn chân cho đến giờ đóng cửa. Thỉnh thoảng có một nhóm  em nhỏ ăn mặc hoá trang ngộ nghĩnh bước vào trong nhà hàng cười tươi khoe hàm răng sún,nói to "Trick or treat".Càng về đêm,càng nhiều bạn sinh viên trang lứa với tôi đổ ra đường trong những bộ đồ hoá trang đủ kiểu.Nhớ nhà,nhớ bạn bè,nhớ thời vui tươi rong chơi nơi quê cũ,tôi chạnh lòng,tủi thân muốn khóc.Tôi lái xe ra về,trên cao,bóng trăng mờ đục,ảm đạm sau làn mây xám.Lại một ngày Halloween lặng lẽ trôi qua.

  Đến Halloween thứ ba,tôi đã bắt đầu quen dần với không khí lễ hội trên nước Mỹ,đã biết náo nức xếp hàng chờ mua  ly cà phê Starsbuck vị pumpkin. Tôi quen được chị Duyên, chị  có hai con nhỏ,nên lần Halloween này tôi được tháp tùng đi xin kẹo.Hai bé xinh xắn đã hoá trang  thành hoàng tử,công chúa từ lúc chiều,tay cầm sẵn chiếc giỏ hình quả bí,tung  tăng háo hức  dạo vòng vòng khu xóm,gõ cửa từng nhà.

 Đêm  ấy không có mưa,kinh tế đang thời cường thịnh,chúng tôi xin được toàn loại các  kẹo ngon.Hai em nhỏ  hào phóng tặng cho tôi vài thanh kẹo,chị  Duyên cho tôi một tô súp nóng và gói thêm cho cả bọc thức ăn để mang về.Lần đầu tiên nhấp nháp kẹo Halloween trên đất Mỹ,tôi cảm nhận được vị ngọt ngào.

  Hallowen năm sau,tôi bận rộn với bài vở của nhiều lớp học nên không đi “trick-or-treat” cùng chị. Buổi sáng Halloween,vừa bước vào lớp thì tôi giật mình suýt té xỉu vì mấy anh bạn nghịch ngợm đeo mặt nạ bất chợt nhảy ra.

 

Ở Seattle học theo quarterly,mỗi lớp học ngắn ngủi chỉ hơn hai tháng,thời gian thầy trò biết nhau nhanh như bóng câu qua cửa sổ,xong lớp học rồi không mấy ai còn nhớ đến ai.Nhưng có một vị thầy  cho tôi cảm giác rất gần gũi mỗi khi khi nhìn bóng dáng gầy của ông nghiêng nghiêng trên trên bục giảng. Tuy tuổi cao,ông  luôn vào lớp sớm và không ngại nán lại thật lâu để giải thích những bài toán khó.Ngày Halloween năm ấy,ông  mang theo vào lớp một bịch kẹo to.Bài học của thầy tan nhanh trong hương kẹo ngọt.Tôi nhìn quanh,ai trông cũng thật dễ mến,dễ thương.Chúng tôi chúc mừng Halloween,cùng trao nhau với nụ cười ấm áp,mặc cho bên ngoài mưa bão âm u.

 

  Đến một Halloween cùng anh ngắm phố xá dưới mưa,tôi lặng nghe anh bùi ngùi kể chuyện khi cả nhà mới sang Mỹ.Không có nhiều tiền mua kẹo,lại ở trong khu phố  đông trẻ con nghèo,đến chiều Halloween cả gia đình phải tắt đèn lặng thinh giả vờ đi ngủ để trốn lũ trẻ đến gõ cửa nhà. Thì ra ai cũng có câu  chuyện của những ngày đầu trên đất lạ..

  Chúng tôi cùng nhau dệt tương lai.Ước  mơ có được ngôi nhà xinh xắn,ngoài sân trước trang trí những hình nộm dễ thương chờ đón tiếng gõ cửa đêm Halloween cũng thành sự thật.Hallween nơi ngôi nhà mới rộn rã tiếng cười,tiếng chuông  cửa leng keng..Chúng tôi tất bật  đón  nhiều vị khách nhỏ nhắn ngộ nghĩnh tới lui liên tục trên bậc thềm gắn những quả pumpkin vàng rực dưới ánh đèn…

 Khi kinh tế Mỹ  suy trầm,chúng tôi phải dọn về khu ngoại ô vắng vẻ. Gần đến ngày Halloween lại có vụ bắn súng,nên mọi người trong xóm đóng cửa im lìm.Halloween ấy lại buồn hơn khi chúng tôi cũng không có rủng rỉnh tiền  mua kẹo để đợi tiếng gõ cửa lao xao.

  Tạm biệt những ngày mưa lạnh Seattle,mùa Halloween đầu tiên ở Cali tôi cũng vui lây với  không khí lễ hội tưng bừng nơi miền nắng ấm.Nhiều tiệm bán quần áo,vật dụng hoá trang Halloween mở cửa,trang hoàng thật vui mắt.Buổi chiều từ sở làm trở về,tôi ngạc nhiên thấy con đường sau nhà mình tấp nập người lớn,trẻ con hoá trang đủ màu đủ sắc.Thì ra tôi ở trọ ngay phố cổ Pasadena,một trong những khu phố  “trick-or-treat” nổi tiếng vùng  Los Angeles.

  Những ngôi nhà Bungalow nằm yên ả dưới bóng cây xanh mát nay đua nhau trang trí  nhiều kiểu lạ lùng.Có nhà cắm đầy bia mộ,mạng nhện,đầu lâu xương sọ rải đầy như bãi tha ma.Có nhà để cả một màn hình lớn và mấy thùng loa trước sân chiếu những đoạn phim với âm thanh rền rĩ đến rợn người.Có nhà gắn đầy các con thú sáng rực đèn,công chúa,hoàng tử,cỗ xe của cô bé Lọ Lem như một khu vườn trong truyện cổ tích.Có nhà trang trí như lâu đài phù thủy,trước sân là bà cụ mặc cả bộ đồ đen thõng thượt,đầu đội  chiếc mũ nhọn hoắt ngồi đong đưa trên chiếc xích đu.Có một chủ nhà thay vì cho kẹo,họ đặt dãy bàn với nhiều phần bánh  hotdog và nước uống trước sân phân phát cho người đi "trick- or- treat"  có thêm năng lượng mà dạo  hết mấy con đường.

  Tôi  nắm bàn tay nhỏ bé của A Vy bước giữa dòng người,bồi hồi nhớ về những đêm Halloween quạnh quẽ khi tôi mới sang  Mỹ.Bé A Vy lần đầu tiên được một giỏ kẹo to,ôm theo vào phòng ngủ,Cô nàng cứ lục đục lăn qua lộn lại ngó chừng cái giỏ cho đến lúc thiếp đi.Tôi vén rèm nhìn ra ngoài cửa sổ,dòng người vẫn còn rộn ràng dưới phố vui…

  Khi em trai A Vy được gần hai tuổi,tôi cho hai  chị em cùng đi "trick- or -treat".Hôm đó “xuất hành” đúng hướng,mới ngôi nhà đầu tiên mà A Phi được cho cả nắm kẹo to. Cậu bé mừng rỡ,lúng túng làm rơi vãi kẹo xuống đất.Hai cô bé chủ nhà xinh xắn chạy nhanh đến  nhặt giúp. A Phi lại tưởng chủ nhà đổi ý đuổi theo lấy lại,vội vã ngồi thụp xuống vơ hết kẹo về sát dưới chân mình!

  Qua bao mùa mưa nắng,A  Vy và A Phi đủ tuổi đến trường.Những mùa Halloween của tôi càng rộn rã hơn khi cùng con chuẩn bị hoá trang để vào lớp vui cùng chúng bạn. Cuối tháng mười,những con đường gần khu trường học Elementary Schools tấp nập bao công chúa,hoàng tử,người nhện,người dơi...nhỏ xinh xinh tíu tít nói cười.

  Sau khi  sắm sửa  quần áo,khăn mũ hoá trang cho con,tôi lại cùng với bao nhiêu người Mỹ náo nức đi Costco mua kẹo. Trong khi tôi chỉ cần vài ba túi là đã đủ làm vui lòng trẻ con trong khu xóm thì bà Beky,chủ tôi luôn cần hơn cả chục bịch to.Bà nói rằng mỗi năm có mấy chục xe van chở đầy trẻ con gốc Mễ Tây Cơ  đến khu nhà bà,nên lúc nào cũng phải chuẩn bị thật nhiều kẹo cho họ. Có bé sau khi lấy xong phần kẹo quay vòng lại xin thêm,nói còn có em trai ở nhà không đi được vì xe đã hết chỗ rồi.

  Những em nhỏ đi xin kẹo ở khu nhà bà Becky nhắc bà  hình ảnh lem luốc của bà và các em mấy mươi năm trước. Bà lại kể chuyện cô em lí lắc của mình.Thời nghèo khổ của bà,đi rã giò khắp xóm nhưng được xin có vài thanh chocolate nhỏ xíu,nên mấy chị em vội bóc hết ra ăn.Cô em kế bà  kiên nhẫn để dành đến khi mọi người đã chén sạch sẽ mới chịu bóc phần kẹo của mình, từ từ thưởng thức trong sự thèm thuồng và tiếng khóc ré xin ăn của cậu em út bé bỏng!

 Với tôi,Halloween mang theo vị chocolate ngọt đắng  như hương vị cuộc đời qua bao năm tháng thăng trầm.Halloween xưa quạnh quẽ trôi trong khói thuốc úa màu nơi một góc casino nhỏ hẹp.Halloween nay rộn rã tiếng cười bên hai bé con trên phố xá đông vui.

  Tôi lãng đãng tự hỏi  nơi nào ta có được Halloween vui nhất?Halloween với lễ hội nơi những lâu đài  vùng Beverly Hills hoa lệ,hay Halloween trong khu xóm nghèo Mễ Tây Cơ xôn xao bao em nhỏ  bên giỏ kẹo đủ sắc màu?

  Bóc một thanh kẹo nhỏ,tôi nhận ra,Halloween vui nhất là khi tôi dành cả tâm hồn để  thưởng thức kẹo như thời bé dại,thanh kẹo mà ông ngoại đã cất thật kỹ trong góc tủ lạnh để dành cho tôi. Halloween thật ngọt ngào khi tôi biết  cảm nhận hương vị yêu thương của bao người thân thuộc và  bạn bè "hiệp chủng quốc" quanh tôi.

  Đã lâu lắm rồi tôi không gặp Kelly.Tôi cũng không còn nghe tin tức về chị Duyên,hai con chị có lẽ nay đã vào đại học.Chị Duyên rất tốt bụng và chăm chỉ,chắc giờ chị cũng có được ngôi nhà với mảnh sân Halloween rực rỡ bí vàng..

  Ngày ấy giá như tôi đừng lan man nhớ Sài Gòn,giá như tôi để ý nhiều hơn đến em Kelly ngay bên cạnh,tôi thể nói vài lời với em,hay cho em một cái ôm chia sẻ.

 Tôi bỗng muốn dừng công việc trong chốc lát,lên internet,facebook tìm lại Kelly,tìm lại chị Duyên...

 

 ***

 

  Gia đình bà Becky,gia đình anh,gia đình tôi đã cùng nước Mỹ đi qua bao mùa mưa nắng,qua bao đợt suy trầm,rồi lại cùng nước Mỹ rộn ràng chuẩn bị kẹo quà cho ngày lễ Halloween.

 

Halloween về nối tiếp những giấc mơ ngọt ngào của bao thế hệ người sống trên đất Mỹ. Giấc mơ được nhận, được cho,được cùng nhau chia sẻ cảm xúc  hồn nhiên thơ ấu.Halloween về,tôi lại được ngắm những ánh mắt  hớn hở trẻ thơ,những mảnh sân đầy sắc màu cổ tích,liêu trai của bao chủ nhà hào sảng.

Halloween lại về  trên ngọn đồi Hollywood rực rỡ đèn hoa,trên  góc  đường ngoại ô LA mờ tối,trên những dốc đồi Seattle ướt sũng dưới mưa…Xin nguyện cầu Halloween sẽ  luôn có phần kẹo ngọt ngào cho anh,cho em,cho bạn,cho tôi…

 

Tố Nguyễn

Ý kiến bạn đọc
04/11/201913:53:55
Khách
Ô Lê như Đức ơi , o biết đó là lời chê hay khen tôi vậy kìa ! Tại qua ở mỹ lâu quá cùng gìa lẩm cẩm nên hổng hiểu ai phe mình phe ta ! Khà khà khà !
Thật đó A tố ơi , chuyện xin lỗi để toà soạn lo . Mình viết để trang trải tâm tư chia sẻ nỗi niềm . Ai hợp thì khen , ai bới lông tìm vết thì chê . Mặc cho diễn đàn đá thúng đụng niêu . Cô chỉ cần phớt tỉnh ăng gờ Lê như bác là number one cô ạ .
03/11/201915:44:46
Khách
Trích: “Chị là độc giả dễ tính”. Điều này cho thấy độc giả biết trân trọng những đóng góp ít nhiều và thấu hiểu những khó khăn của tác giả để bỏ qua những chi tiết không thể không tránh được. Thí dụ như câu nói nửa Mỹ, nửa Việt của người em họ: “Sorry chị, em hút thuốc nên xe hôi”.
Tác giả không nên dễ tính, vội xin lỗi những độc giả mà Janet MNT gọi là “chẻ tre, soi rọi từ cộng tóc”, mà nên chú ý đến những lời phê bình có suy nghĩ, nhiều chia sẻ chân thành, hơn là “gia trưởng, chi li“ hay nịnh bợ, tán tỉnh.
02/11/201922:42:37
Khách
Cám ơn A Tố đã cố gắng viết để hầu bạn đọc tuy cuộc sống vô cùng bận rộn!

Chị là độc giả dễ tính ( khó sao được vì tiếng Việt của mình mới học xong lớp hai trường làng 😄.) Có độc giả chỉ cho mình biết sự sai lầm cũng tốt lắm, nhưng đôi lúc lời nói hơi nặng cũng làm người viết hơi không vui. Lời nói chẳng mắc tiền mua có phải không?

Vài năm nữa chị sẽ dọn xuống Quận Cam. Mong sẽ có dịp sinh hoạt nhiều hơn với cô em dễ thương và dễ mến này 💕
02/11/201905:40:23
Khách
Thưa ông bà, cô chú, anh chị em,
Thường thường cháu viết không dấu nhưng hôm nay cháu xin viết có dấu để dễ đọc.

Hồi nhỏ cháu ngồi ăn cơm trong sân nhà, ăn được một miếng cháu lại phun ra một miếng vì trong cơm có sạn. Mới đầu ba cháu nói không sao, con cứ nhả ra, nhưng sau đó ba táng cho cháu một cái vì cháu đã phun cơm trắng cả sân. Lúc đó cháu thấy buồn ba nhưng sau này mới hiểu vì mấy cục sạn cháu đã bỏ nguyên một chén cơm ba má cưc khổ lắm mới có được.

Hôm nay cháu thấy ông/bác Chris Tô có góp ý cho bài viết của Tố, cũng là một người thích viết cháu cũng giống Tố rất biết ơn những đóng góp phê bình vì đó là sự quan tâm của độc giả. Nhưng bên cạnh những chỗ có thể viết đúng văn phạm, hòan cảnh còn là một bài viết, một tâm tư mà tác giả bỏ nhiều công sức. Người Viết lớn ở Việt Nam, qua Mỹ và hòa nhập vào cuộc sống mới, không thể nào và cũng không nên viết hòan tòan theo lỗi cũ vì chữ nghĩa, văn chương thay đổi theo cuộc sống. Và tác giả vì cơm áo, gạo tiền cũng có thể chọn không viết nhưng tác giả vẫn viết cho mọi người đọc, cháu thật trân trọng.

Một điều nữa cháu thấy rất không vui là các bậc tiền bối dùng lời lẽ không hay để nói về nhau. Cháu có thể chọn im lặng nhưng cháu nghĩ mình nên lên tiếng vì có thể nhiều năm sau con cháu sẽ đọc bài viết này và thấy những người đi trước dùng lời nói nặng nề và con cháu sẽ rất bối rối, phân vân khi học hỏi từ những người đi trước.

Xin lỗi tác giả vì đã mượn bài viết để nói lên ý kiến của mình. Nếu tác giả hay bất cứ ai không vui vì lời cháu nói, cháu xin gỡ xuống.

Cháu
Thụy Nhã
02/11/201903:24:38
Khách
Gửi bạn Chris Tô,
Trước hết xin nói về tuổi tác cho bạn hay: nếu ông anh cả tôi còn sống thì năm nay cũng gần 90 tuổi rồi đó. Người con út của bạn năm nay 64 thì chắc bạn cũng chưa tới 90 đâu. Cậu tôi có hai vợ. Bà vợ đầu mất sớm với hai người con. Mấy năm sau cậu tôi lấy mợ tôi sinh 11 người con. Tôi là út. Như vậy các anh tôi còn hơn tuổi của bạn rất nhiều đó. Đừng có ỷ mình già rồi lộng ngôn coi mọi người như con cháu bạn nhé.
Bây giờ xin nói về cái tên Chris Tô. Tôi tới Mỹ đi làm ngay, bán cây xăng, bán tiệm chạp phô rồi đi học ra trường làm 33 năm nay. Đó là chưa kể ba khoá học đi làm Co-op. Sở dĩ tôi phải kể dài dòng để cho bạn biết các sếp của tôi đủ thành phần và đủ đẳng cấp. Bạn có kể “Tên Việt của tôi là Cao, khi đọc người Mỹ thường gọi nghe như "Cow", chính vì vậy mà sếp của tôi gọi tôi là Chris”. Người Mỹ rất lịch sự không có ông sếp nào tự nhiên gọi bạn cái tên khác hay tự nhiên đặt tên Mỹ cho bạn đâu. Chỉ có bạn tự đặt tên Mỹ cho chính mình thôi. Mà cho dù ông sếp bạn gọi bạn là Chris đi nữa thì tại sao bạn lên diễn đàn 100% Việt này, dùng cái tên nửa Việt nửa Mỹ phê bình tác giả câu cú nửa Mỹ nửa Việt. Bạn sợ chúng tôi phát âm tên bạn sai thành cow hay sao?
Cuối cùng, những gì bạn phê bình "ly cà phê Starsbuck vị pumpkin”: câu cú nửa Mỹ nửa Việt, thật tệ hại", thật ngây ngô, thiếu hiểu biết. Bạn làm ơn dịch cho tôi tên hiệu Starsbuck ra tiếng Việt cho tôi hay. Stars là “những vì sao”, buck là “con nai đực”. Như vậy theo bạn thì tác giả phải viết: “ly cà phê Những vì sao con nai đực vị pumpkin”. À quên, pump là “bơm”, kin là “tổ tiên”. Tác giả phải viết: “ly cà phê Những vì sao con nai đực vị bơm Tổ tiên”.
Nghe đúng 100% mát dê việt nam, bạn nhỉ.
02/11/201900:32:47
Khách
Ông Phong Hồ quí mến ,
Cảm ơn ông đã chỉnh tôi . Rất đúng . Tôi rất vui nhận tiếng đó . Vì nó o hề sai chút nào . Phê bình thì phê cho đúng . Văn chương ở Mỹ cũ g như văn nói ở mỹ nó lai lại mỹ Việt như vậy mới diễn tả đúng người Việt mỹ , viết về cuộc sống ở mỹ Mỹ . Hãy xem văn Hồ biểu chánh , vuông hồng sển , ....đặc sệt từ miền nam .

Còn ông chỉnh chuyện nhỏ cũng về typo đánh máy thôi . Chỉnh cho ra vẻ có để gọi là ta đây . Ok đi . Tuy nhiên ...Nếu ... nếu là thời xưa viết tay thì sao nhỉ ? Vậy có phải cũng kiểu “bới bèo ra bọ “đấy o ?

Còn về cái “tôi” thì ông hãy xem tôi đã có thành tích dùng dao to búa lớn phê bình với ddộc giả của Việt báo . Nên bao giờ bài tôi góp ý cũng có cây bút signed ,ý là lời góp ý còn chờ đó . Một loại án treo í mà . Chờ toà soạn kiểm duyệt
xem ra sao mới y thực cho đăng . Còn o sẽ xoá bỏ thẳng tay . Kiểu cũng xem tôi dùng văn phong có hỗn xược , láo qúa o ý mà ! .

Mến chào
01/11/201923:04:53
Khách
Bản thân của tác giả bài viết sau khi đọc lời góp ý của bác Chris Tô đã tỏ thái độ phục thiện và cám ơn bác ấy. Độc giả Jane MNT hết sức láo xược không xem ai ra gì, độc giả Từ Huy thì bênh dây tác giả nên lèo lái sang hướng tán tỉnh. Tác giả/độc giả Lê Như Đức ngay từ lúc tự phong cho cô A Tố là hoa hậu VVNM 2019 tưởng đã rất hổ thẹn rồi nay lại moi móc ra điều riêng tư về tên của người góp ý để bênh vực tác giả bài viết thì quá tồi, liệu có phải là phong cách tranh luận giữa những người có học với nhau không?
01/11/201922:14:13
Khách
Nhớ để dành cho anh một viên kẹo “xịn” nhất trong ngăn đá nghen. Một viên thôi nha! Và đợi đấy 🤓🎶🎶...
01/11/201921:41:43
Khách
Anh Từ Huy mến,
Dạ đúng rồi, giữa các dấu chấm, phẩy phải có khoảng cách. Tuy nhiên, khi gửi bài cho Việt Báo thì Tố được cho biết là các khoảng này lại tạo ra các lỗi kỳ quặc nên bây giờ khi gõ tiếng Việt là Tố cứ quen tay không dùng "space".
Cám ơn anh Từ Huy nhắc nhở Tố. Nếu ở gần Tố xin mang qua biếu anh một gói kẹo bự bự (kẹo "xịn", mới xin hồi tối hôm qua).
01/11/201921:05:34
Khách
A Tố, mấy câu này của A Tố khoảng cách giữa dấu chấm, dấu phẩy cũng không đúng. Anh nghĩ chắc tại A Tố quen tay rồi.
Khi viết xong một câu thì dấu chấm, dấu phẩy sát với chữ cuối cùng. Nhưng câu tiếp theo phải cách khoảng (Space) với dấu chấm hoặc dấu phẩy trước đó.
A Tố giỏi, thật đúng lúc 🤓👍‼️
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 3,528,680
Tác giả qua Mỹ trong một gia đình H.O. từ tháng Sáu năm 1994, vừa làm vừa học và tốt nghiệp kỹ sư điện tử. Là cư dân Garden Grove, California, lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2018, ông đã nhận giải đặc biệt về Huế Tết Mậu Thân với bài viết về một gia đình bên cầu Bạch HổHuế, có người cha toàn thân bị cộng sản chôn sống.
Tác giả lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải VVNM 2019. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79. Hiện là cư dân ở Lafayette, Louisiana, còn vài năm nữa sẽ ... ăn tiền già. Bút hiệu Pha Lê, theo chú giải vui của tác giả, không phải là trong veo như Pha Lê, mà là... Pha trò và Lê la! Sau đây là bài viết mới nhất của bà.
Tác giả cùng hai con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ. Mười sáu năm sau, bà là chủ tiệm Nails ở Texas và kết hôn với một người Mỹ. Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải Danh Dự năm thứ mười chín, 2018. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Đã tự bao giờ, nước Mỹ là biểu tượng của tự do, dân chủ, phồn vinh mà biết bao người trên hành tinh này ước mơ được đặt chân đến?
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Tác giả đã góp nhiều bài viết đặc biệt và đã được trao tặng giải thưởng Việt Về Nước Mỹ. Ông sinh năm 1951, du học Nhật trước 1975. Đến Mỹ năm 1981. Hiện là cư dân Irvine, Nam California. Công việc: Kỹ Sư Điện tại một hãng trong cùng thành phố. Đây là bài viết mới nhất.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả là cư dân Minnesota, đã nhận giải vinh danh tác giả Viết Về Nước Mỹ 2008. Với những bài viết thuộc nhiều thể loại đề tài, cô là một tác giả rất được bạn đọc yêu mến. Đây là bài mới nhất của cô.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017. Bà sinh năm 1951 tại miền Bắc VN, di cư vào Nam 1954, là thư ký hành chánh sở Mỹ Defense Attaché Office (DAO) cho tới ngày 29 tháng Tư 1975. Vượt biển và định cư tại Mỹ năm 1980, làm thư ký văn phòng chính ngạch tại City of San Jose từ 1988-2006. Về hưu vào tuổi 55, hiện ở nhà chăm nom các cháu nội ngoại. Tác giả nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ năm 2018. Sau đây, thêm một bài viết mới của bà.