Hôm nay,  

Tuổi Già Té Ngã

27/10/201800:00:00(Xem: 13418)
Người viết: Nguyễn Viết Tân

Bài số 5531-20-31338-vb7102788

 
Tác giả đã nhận giải bán kết - thường được gọi đùa là giải á hậu 2001. Sách đã xuất bản: Chuyện Miền Thôn Dã. Từ nhiều năm qua, ông là một huynh trưởng Viết Về Nước Mỹ và là thành viên ban tuyển chọn chung kết của giải thưởng nhưng vẫn tiếp tục vui vẻ góp bài mới.
 
Loi co

Ông Tân té loi cổ, nhưng ổng viết: Gặp xui mà cũng có  cái hên. “Từ rày về sau, khi vợ gọi, tôi chỉ cần dạ mà không cần khoanh tay cúi đầu như xưa.”
 
***
 

Người xưa có câu: "Bảy mươi chưa què, chớ khoe rằng lành".

Biết được khi đến tuổi sáu mươi thì sự nhanh nhạy, giữ cân bằng cho cơ thể dần dần kém đi, dễ bị té ngã nên tuy làm nghề xây nhà nhưng tôi không dám trèo leo như trước kia nữa, mà lên xuống thang cũng phải tránh, nếu không cần thiết thì không dùng đến nó.

Rồi tôi nghỉ hưu sớm năm 62 tuổi, chỉ quanh quẩn ở nhà, làm vườn chút chút chơi. Thế mà cách đây 3 hôm, không biết -ma đưa lối quỉ dẫn đường- hay sao mà tôi lại trèo tót lên cái thang dựng sau vườn, trượt chân té lộn đầu xuống đất, tưởng chết luôn mà trong nhà không ai biết, vì lúc đó mới 7g sáng.

Tôi thường ra vườn sau nhà lúc sáng sớm, vận động cho giãn gân cốt chút đỉnh, tưới rau, nhổ cỏ...thấy giàn thanh long chín đỏ nhiều quá nên vô nhà lấy dao và cái giỏ lớn ra cắt được chừng hơn 40 trái. Giỏ nặng quá chắc mình xách không nổi nên tôi đem dao vô cất, tính lát nữa kêu con trai ra mang vào nhà rồi kêu nó đóng thùng gửi cho mấy đứa cháu ở Seattle ăn lấy thảo.

Lúc trở ra vườn, tôi thấy cái thang dựng sẵn ở đó vì hôm trước có người bạn đến chơi đã trèo lên hái mận, bèn leo lên nhìn thì thấy ngọn thanh long nhà mình chồm qua hàng xóm trái chín đỏ rực, mà ông hàng xóm Mễ này lại không biết ăn nên chẳng có năm nào hái cả, cứ để cho chim chuột ăn mà thôi.

Đã dợm bước xuống rồi, nhưng "vì 1 phút bồng bột... của tuổi già" tôi leo lên đứng trên bức tường cao 6 ft. Chưa bước đi được bước nào thì tôi trượt chân té ngửa ra, đầu lộn xuống đất, thân hình nặng gần 1 tạ của tôi rớt xuống cái bịch như 1 bao gạo.

Đầu tôi trúng vô cái chậu kiểng bằng nhựa đen nên nó gập về phía ngực, lưng phía gần cổ chạm đất trước chịu toàn bộ sức nặng của thân thể.

Tôi lịm đi trong mấy phút rồi tỉnh hồn, 2 chân vẫn còn vướng trên thang, đầu chúi xuống đất.

Nhìn ra chung quanh tôi nhận ra lớp lá cây rất dầy vì trước đây mấy ngày, cơn gió giật Santa Ana Wind đã vặt sạch lá cây trong vườn mà dồn vào đây.

Hôm gió lớn thổi về giật đùng đùng làm trái cây trong vườn rơi rụng hết, ai cũng nghĩ rằng sui, nhưng nhờ gió đó làm lá rụng nhiều, tạo nên một tấm thảm, làm bớt đi khá nhiều những chấn thương, những trầy xước cho tấm thân mỹ miều của tôi

Hoặc giả không bị ngã, tôi còn sức khỏe lại hứng sảng đi đâu đó hay làm những điều khác nữa, sẽ có những hậu quả tai hại hơn không chừng.

Đúng là như câu chuyện: "Tái ông thất mã".

Nằm một hồi tôi lại nghĩ nếu mình cứ nằm như vầy chờ chết thì sẽ không biết bao lâu mới đi đứt, bao lâu kiến mới bu vào môi, mắt... Và buổi chiều khi vợ con đi làm về không thấy tôi, xe vẫn đậu trước nhà, ra sân sau tìm thì lúc đó thân xác đã cứng đơ rồi.

Lúc 2 cánh tay nhúc nhích được, tôi rờ xem chân tay có gẫy chỗ nào không, rồi trườn qua chỗ khác ráng sức ngồi dậy. Khi tôi mò vào đến nhà kêu con nói cho biết tôi vừa bị té. Nó tính gọi Ambulance ngay thì tôi cản, thấy chắc không trầm trọng nên kêu nó thay quần áo cho tôi mà chở đến Trung tâm Y tế Bolsa, vì tôi biết chắc nơi đó có máy Xray, mà tôi cũng đã chụp nhiều lần rồi, chứ chở tới bệnh viện nó cho ngồi chờ lâu có mà chết..

Tới Bolsa Medical thì mới 8g sáng, tôi ghi tên rồi nói lý do thì 9g Bác sĩ gọi vào. Ổng sờ soạng một hồi rồi nói máy Xray ở đây chỉ chụp phổi và mấy cái lặt vặt, chứ chấn thương xương cốt như vầy thì phải vào bệnh viện hay là nơi Trung tâm của BS Micheal Đào.


Tôi lấy giấy giới thiệu qua Trung Tâm gần đó chụp thì lại đợi nữa, mà khi chụp phải nằm ngửa, rồi xoay qua nằm nghiêng đau quá.

Chụp xong cô Technician nói cứ về, Bác sĩ sẽ gọi lại cho biết kết quả.

Qua ngày hôm sau chẳng thấy ai bảo gì mà độ đau càng lúc càng tăng, tôi gọi ra phòng khám thì không được gặp BS, còn mấy cô y tá cứ nói mờ ớ là chưa nhận được kết quả, gọi qua bên kia thì họ nói gửi rồi! Lo và bực mình nhưng không biết nói sao.

Hôm sau tôi đành đến gặp Bác sĩ.

Xe chở trên đường bằng phẳng, nhưng chỉ một cú xóc nhỏ cũng làm tôi thốn lên tận óc.

Sau khi xem xét phim chụp, ổng nói không bị gẫy hay rạn nứt nơi đâu cả, chỉ bị thụn khớp xương cổ, xương sống và bong gân.

Tôi kêu đau không ngủ được nên ông cho 2 loại thuốc có chất narcotic nặng đô. Phải cầm toa ra nhà thuốc tây chứ không gửi mua trên net như thuốc bình thường. Người ta còn kiểm tra kỹ lưỡng bằng lái 2 lần do 2 người khác nhau, rồi mới bán, mà về uống cũng không thấy si-nhê gì, vẫn đau như cũ.

Nhớ lại từ rất lâu, có một  Bác sĩnói rằng chắc cơ thể tôi không hấp thụ được thuốc nên dù cho tôi uống thuốc gì cũng cứ trơ trơ ra. Từ đó gần 40 năm qua tôi không thèm uống thuốc nữa vì thấy nó vô ích và tốn thêm tiền.

Mấy năm gần đây, BS và con cái trong nhà hù tôi dữ lắm, nói cao máu, cao mỡ, cao đường... thế mà không uống thuốc thì dễ bị stroke nằm ngay đơ cán cuốc, sống ngắc ngoải mà muốn chết đi cũng không xong... Tôi hơi roót nên đành uống mấy loại thuốc đó cho cả nhà bớt lo.

Khi tôi bị tai nạn rồi thì anh Trần Quốc Sỹ mới nói có người em họ, cũng trèo thang để cắt cành cây palm, mất thăng bằng té xuống đất, ra cả máu mũi lẫn máu tai, chở đi nhà thương nằm mê man tới 16 ngày mới lai tỉnh.

Trong mấy ngày nay, bạn bè anh em khắp nơi cũng quan tâm về sức khoẻ của tôi mà hỏi han nhiều làm tôi cảm động lắm.

Mỗi khi gặp khó khăn hay tai nạn nào đó, người ta hay an ủi nhau bằng những lời tích cực:

-Nhà nghèo mà lại đông con, được khuyến khích: "Một con một của bằng nhau".

- Bị trộm cướp mất của thì: "Của đi thay người".

-Thậm chí đến hình hàì được cha mẹ sinh ra không xinh tươi bằng người khác. Có buồn lòng cũng được dạy là: "Cái nết đánh chết cái đẹp"...

Cô Hường, cô Hoa, cô Huyền, cha Phước còn nói tôi "hiền lành" nên có Thiên Thần đỡ cho chứ té dộng đầu xuống đất, đít nhỏng lên trời vậy mà không gẫy cổ thì là chuyện lạ.

Trước đây Mẹ tôi đã ngã hai lần trong phòng tắm, lần nào cũng nằm bệnh cả năm. Rồi chị Hai tôi té lúc từ nhà trên bước xuống nhà bếp; anh Ba tông thẳng vô cánh cửa lúc đuổi bắt gà đãi khách; chú Chung Mốc sửa mái nhà rớt xuống nứt bàng quang... thế thì cái kinh nghiệm trong gia đình đã làm tôi cẩn thận lắm, nhưng xui rủi không biết xẩy ra lúc nào.

Chỉ một nhấp nháy thôi, bị té ngã, có thể làm cuộc đời chúng ta thay đổi rất lớn, thí dụ hôm vừa rồi mà cái cổ tôi gẫy thì thiệt là một điều thê thảm, sẽ không cử động được chân tay mà đầu óc vẫn tỉnh táo thì còn khổ hơn người bị stroke óc đã chết, sống đời thực vật.

Bởi vậy, những ai qua tuổi 60, phải cẩn thận tối đa vì nếu ở tuổi già bị gẫy xương thì rất lâu lành. Mà khi xương gẫy, trật khớp không thể trở mình thường xuyên được, thì lâu ngày chầy tháng da thịt rất dễ bị hoại tử, ban đầu nhỏ cỡ đồng bạc cắc loang ra mỗi ngày một lớn coi kinh khủng lắm.

Bây giờ cổ thì đau thật nhưng đầu vẫn vui, tôi viết ra đây coi như lời nhắc các bạn già về sự cẩn thận trong khi làm những điều mà sức khỏe của mình không cho phép nữa. Biết đâu qua kinh nghiệm này sẽ có người tránh được rủi ro. Đó là cái may cho mọi người và cái phước cho tôi vậy.

Cái cổ tôi bây giờ cứng đơ, không xoay chuyển được; nằm xuống bò lên nếu không có người giúp sức thì đau kinh hồn luôn.

Thôi, phen này gặp xui mà cũng có cái hên: Từ rày về sau, khi vợ gọi, tôi chỉ cần dạ mà không cần khoanh tay cúi đầu như xưa.

Nguyễn Viết Tân

Ý kiến bạn đọc
27/10/201815:15:00
Khách
Khi bị té chúng ta nên giả bộ đau cổ lẫn đau miệng để khỏi phải dạ luôn anh Tân ơi.
Khi chỉ có một mình ở nhà mà muốn bắc thang trèo cao thì phải nhờ vợ thằng hàng xóm qua đứng dưới thang trông dùm. Lỡ may té còn có người làm hô hấp nhân tạo cứu tỉnh. Kêu thằng hàng xóm nó qua mang theo hai 6-pack bia, thì không những cả mình lẫn nó đều say bất tỉnh luôn. Chúc anh được mau lành.
PS. Trời ơi sao làm đàn ông khổ quá. Kiếp sau xin được làm đàn bà…đẹp.
27/10/201812:58:24
Khách
Như Ý biết tác giả đã ngoài mười năm. Thích nhất là tánh khôi hài của tác giả và sau là lòng thương người, kêu gọi nhiều người và đóng góp tài chánh cho biết bao người nghèo ở quê nhà. NY nghĩ Nhờ anh tạo nhiều Phước Đức nên được các thiên thần đỡ lúc té.

Xin cảm ơn bài viết này nhắc nhở nên thận trọng hơn khi tuổi đã về chiều . Cầu chúc anh sớm bình phục ❤️🙏
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 3,656,018
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết thứ tư của ông.
Tháng Năm 2018, tại Việt Báo Gallery, có buổi ra mắt sách Anh ngữ "Finding My Voice—A Journey of Hope” của Crystal H. Vo tức Võ Như Ý, một tác giả từng dự Viết Về Nước Mỹ từ 2009. Cô sinh năm 1970 ở Đà Nẵng, 15 tuổi vượt biên, định cư tại Mỹ năm 1986 với tên Crystal H. Vo. Kết hôn và thành con dâu một gia đình Mỹ, cô đã dành trọn thì giờ để học sống và viết bằng Anh ngữ. Sau họp mặt Viết Về Nước Mỹ 2018, cô tự hứa mỗi tháng phải viết một bài bằng tiếng Việt. Sau đây, là bài viết mới cho mùa lễ Tạ Ơn.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2012, với những bài viết linh hoạt về đời sống tại Mỹ kèm theo hình ảnh hoặc tài liệu do ông thực hiện hoặc sưu tập. Vui vẻ nhưng bốp chát, thẳng thừng. Sống độâng, cũng chẳng ngại sống sượng, bài viết của ông thường gây nhiều chú ý và bàn cãi. Một số đã được in thành sách "Xin Em Tấm Hình" và tập truyện mới, "Bắc Kỳ". Bài mới viết của ông là tự truyện hiếm có: trực chiến với Pit Bull, loại chó chiến trận lợi hại nhất. Chúc tác giả mau hồi phục công lực.
Tác giả đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu tiên 2001 và đã liên tục góp bài. Sau nhiều năm tham gia ban tuyển chọn, từ 2018, Trương Ngọc Bảo Xuân hiện là Trưởng Ban Tuyển Chọn Viết Về Nước Mỹ. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và vừa chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. Sau đây thêm một bài viết mới của ông.
Tác giả là người gốc Huế, hiện đang định cư tại Canada. Với bài viết “Đi Tìm Xác Ba”, bà đã nhận giải Hồi Ức 50 năm trận chiến Tết Mậu Thân. Bài Viết về nước Mỹ gần đây của Susan Nguyễn là “Thăm Cali, Nhớ Vườn Xưa, Nhớ Mẹ”. Sau đây là bài viết mới nhất.
Tác giả tham dự Viết Về Nước Mỹ từ năm 2004. Võ Phú là tên thật. Sinh năm 1978; sinh quán Nha Trang-Việt Nam; định cư, tại Virginia-Mỹ, 1994. Tốt nghiệp cử nhân Hóa, Virginia Commonwealth University. Hiện đang làm việc và học tại Medical College of Virginia. Sau 12 năm bặt tin, tác giả trở lại với Viết về nước Mỹ từ 2016. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả tên thật Trịnh Thị Đông, hiện là cư dân Arkansas, sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Tới Mỹ vào tháng 8, 1985, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016 và đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Sang năm 2018, Dong Trinh có thêm giải Vinh Danh Tác Giả, thường được gọi đùa là giải Á hậu. Bài viết mới nhất kể về một tai nạn của tác giả. Kính chúc bà mau hồi phục.
Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, định cư tại tiểu bang Georgia. Hiện là nhân viên công ty in Scientific Games tại Atlanta, tiểu bang Georgia. Bà đã góp bài từ 2015, kể chuyện về người bố Hát Ô và nhận giải Viết Về Nước Mỹ. Bài viết mới của bà là chuyện về một viện dưỡng lão.
Với bài viết đầu tiên từ tháng Sáu 2017, tác giả đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Thư kèm bài, cô cho biết đang làm tax accountant ở Los Angeles, thường xuyên theo dõi và xúc động khi đọc những câu chuyện đời của người Việt trên xứ Mỹ. Bước sang năm thứ 20 của giải thưởng, tác giả đang tiếp tục cho thấy sức viết ngày càng mạnh mẽ hơn. Bài viết mới là truyện ngắn.