Hôm nay,  

Họp Mặt Tại Georgia

21/09/201800:00:00(Xem: 8171)
Tác giả: Nguyễn Cao Thăng

Bài số 5502-20-31309-vb6092118

 
Nguyễn Cao Thăng là tên thật của tác giả, 52 tuổi, dân gốc Kinh 5 Rạch Giá, một cựu thuyền nhân, hiện là kỹ sư cơ khí của hãng máy bay Beechcraft tại Wichita, Kansas. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên ông là “Một Vòng 5,000 Miles” ký bút hiệu Thăng Nguyễn. Tiếp theo, 2014, là bài “Đưa Cha Mẹ Già Qua Mỹ”. Thêm một bài mới, Sau bốn năm ngừng viết, Họp Mặt Cựu HS Tân Hiệp. Kiên Giang Tại Georgia.

 
***
 

Năm nay tôi trúng mùa đi xuyên bang, vì vô làm hãng mới có hơn một năm nên phép tắc đâu được bao nhiêu ngày, thế mà tôi phải đi xuyên bang rất nhiều lần trong tháng 7, tháng 8 cho đám cưới, đám tang và nghỉ hè.

Tuy rời Việt Nam đã gần 40 năm rồi, nhưng tôi vẫn còn nhớ tới tất cả những bạn học từ thời bắt đầu cắp sách tới trường, nên hôm nay xin nói về nhóm bạn cùng trường chứ không cùng lớp.

Tôi rất may mắn được học trường công trước năm 75, vì sau ngày 30 tháng 4, những học sinh ở những trường tư thục ở các kinh Cái Sắn đều phải thi lên lớp, nếu em nào không đi thi đều phải học lại lớp. Nhờ học trường công nên ưu tiên không phải thi, tôi không hiểu lý do tại sao phải thi, chắc có lẽ chính quyền mới không thích những trường tư thục Công Giáo nên tạo ra những điều khó khăn cho học sinh, khiến hầu hết học sinh từ lớp  6 tới lớp 12 đều chán nản bỏ học, hay là tại không có đủ trường và giáo viên để dậy học sinh nên nhà nước làm khó khăn?

Có một số bạn học trên tôi một vài lớp nhưng vì ở nhà chán qúa nên sau một năm mới quay lại  học chung với tôi.

Cách nay khoảng hơn 10 năm vài thầy cô từng dậy chúng tôi đã thành lập trang mạng và sau đó từ bên Đức sang Mỹ đi thăm những học trò cũ và muốn nối kết cựu học sinh Tân Hiệp gần lại với nhau hơn.

Tôi vì qúa bận rộn với công việc làm và gia đình. Mặt khác  cùng lớp với tôi chỉ có mấy đứa mà lúc đi học ít tâm sự truyện trò nên không có nhiều kỷ niệm với nhau, vì vậy tôi còn lưỡng lự chưa tham gia. Sau đó nghe những người đi tham dự rất hài lòng và tôi đã được chính thầy cô thân hành tới nhà thăm và muốn tôi tham gia họp bạn.

Tôi đánh liều xin bà xã đi họp mà chỉ sợ bà không đồng ý, biết đâu bà ấy sợ lúc còn đi học tôi có mối tình với em nào, bây giờ là cơ hội hâm nóng thì “chết bỏ mẹ”.

Chắc có lẽ bà ấy thấy tài ăn nói dùi đục chấm mắm cáy của tôi mấy chục năm trời lên khỏi lo, bèn cấp phép cho đi luôn.

Tôi coi vé thấy có chuyến bay tới Atlanta lúc 3:00pm thì qúa tiện, nhưng tới lúc được chấp thuận thì nó không còn giá rẻ  nữa nên đành book vé đi sớm và tính thêm chuyện đi thăm viếng Coca Cola, CNN Towner hay Botanical Garden.

Gần tới lúc boarding thì nhân viên thông báo nếu ai tình nguyện đi chuyến khác thì hãng airline thưởng cho 500 đồng. Tôi mừng qúa vì họ lại đồng ý cho tôi đi chuyến bay tôi muốn, với điều kiện là tôi phải chờ tới lúc cuối. Sau khi mọi người lên máy bay rồi, nhân viên tới nói với tôi là tôi đi chuyến này vì có một người không có mặt. Thế là tôi buồn qúa phải lủi thủi lên máy bay. Tiếc 500 hùi hụi.

Tôi tới Atlanta lúc 9:00 sáng, sau khi mướn xe tôi lái thẳng tới Botanical Garden. Trước khi đi bà xã tôi bỏ vào vali cái GPS, tôi xài lúc đầu thì iPhone và GPS chỉ giống nhau, nhưng phần sau thì mỗi thằng chỉ một kiểu, nên quyết định theo iPhone cho chắc ăn.

Tôi  có cơ hôi quan sát những hoạt động buổi sáng nơi thành phố này. Rất nhiều người chạy bộ  hay đeo backpack đi nhanh ngoài đường, nhưng cũng có những người lững thững đi bách bộ.

Sau khi đậu xe ở phía sau, tôi thấy con đường dẫn ra công viên nên cứ thế mà đi, rồi nhìn lên đồi thấy hình những con chim được trồng bằng nhiều loại hoa, có nhiều nhân viên đang trồng tỉa đó đây mà không tìm thấy đường đi tiếp, tôi đoán chắc hôm nay họ đóng cửa để tu bổ nên  tàn tàn đi quanh công viên cho biết.

Đang đi thì có cô bé chặn tôi lại và đòi phỏng vấn lúc tôi học tiểu học, tôi dùng đủ lý do để từ chối nhưng cô ta nói không sao, cô dẫn tôi tới nói chuyện với 1 cô bạn nữa. Sau khi hỏi thăm thì mới biết hai cô học đại học về điện ảnh, có project là phỏng vấn một số người về thời ấu thơ hồi tiểu học. Nhìn mấy đứa làm tôi cảm thấy giống như con cháu mình đang đi học nên không từ chối nữa và bắt đầu cuộc phỏng vấn có thu hình.

Cô hỏi tôi học khá nhất môn nào và thầy cô nào là người tôi thích nhất?

Tôi vui vẻ trả lời là tôi chẳng giỏi môn nào cả, cộng thêm phần xấu trai vừa ốm đói vừa đen nên bạn bè chẳng ai thèm chơi với, thầy cô cũng chẳng để ý tới mình nên tôi chẳng thích ai cả.

Sau khi phỏng vấn xong tôi định đi chỗ khác chơi thì phát hiện ra lối vào garden, vé có 23 đồng cho một người, tôi rất vui thích đi ngắm phong cảnh ở đây và nhủ thầm phải đi cho hết 12 phong cảnh đẹp trong bản đồ. Mới đi được có 3 tiếng là cặp chân tôi mỏi nhừ không chịu đi nữa đành phải ngồi nghỉ, bỗng nhiên có ông già (Tình nguyện viên) khoảng 70 tuổi hỏi  có cần giúp đỡ gì không? Tôi tâm sự với ông rằng, tôi phải đón một người ở phi trường lúc 3:30, nhưng  không biết có đủ thời gian để coi thêm vài khung cảnh nữa không?

Ông lão khuyên tôi đi ngay đi vì nếu muộn một chút có thể mất hơn 2 tiếng mới tới phi trường.

Tôi tới hơi sớm cũng phải vì được giao nhiệm vụ phải đi đón vị linh mục tên Nguyễn Hùng Cường mà tôi chưa bao giờ biết mặt. Nghe nói Cha mới thay thận và rất yếu nên tôi cứ chạy vòng quanh để chờ, rồi cuối cùng cũng liên lạc được với Ngài. Ông nói là mình đội mũ và đeo....., tôi vốn thông minh nên nghĩ ngay: Chắc Cha đeo cổ côn trắng thầy tu để cho người ta phân biệt, chứ gì! Ai ngờ mình đã lầm to.

Tôi chạy chậm và cố tình tìm người có cái cổ côn, mà không để ý tới mũ nữa, trong đầu cứ nghĩ nhiều người đội mũ nhưng ít người làm cha. Tìm hoài không thấy, cuối cùng Cha gọi phone: "Tôi thấy anh rồi tấp vào đi". Bây giờ tôi nhìn Cha mà buồn cười vì thấy cái mũ tai bèo để che nắng, lại còn đeo khẩu trang nữa chứ không phải là đeo cổ côn như tôi nghĩ.

Thật là nhanh nhẩu đoảng!

Trước khi đi tôi có nhờ con kiếm cho địa chỉ nhà hàng nào gần phi trường ngon nhất, đâu ngờ khi tới nơi đã 4:00 chiều  nhà hàng ngưng hoạt động buổi trưa đề chuẩn bị cho ca chiều, tôi vội dùng GPS coi nhà hàng cho nhanh. Kiếm được nhà hàng Seafood ở gần đó vì Cha đã đói, tới nơi thì mới biết nhà hàng đã đổi chủ mới với tên hiệu khác.

Chúng tôi vào ngồi ăn và đợi gần 3 tiếng đồng hồ đề đón người đẹp từ Cali, nên tôi có nhiều thời giờ nói chuyện với vị linh mục này.

Ông cho biết trước khi bị bệnh, mình phụ trách căn nhà Tình Thương để giúp những cô dâu Việt Nam bị bỏ rơi hay đánh đập ở Đài Loan, cũng như những người VN đi làm bên Đài Loan bị chủ hành hạ hay bị thương tích mà công ty không chịu bồi thường. Lúc đầu chỉ có công nhân VN nhưng nay cánh tay mở rộng tới các sắc dân khác nữa, con số trung bình từ 40 tới 60 người trong nhà Tình Thương này

Cha nói cách nay khoảng 6 năm, ông bị bệnh thận và phải quay về Mỹ để lọc máu. Ngài cũng nói tới ơn lành mình đã nhận được cách nay gần 6 tháng. Mới vô danh sách waiting list có hơn một tuần, mà đã được thay thận ngay từ một đứa bé 2 tuổi. Bác sĩ cho biết thận của đứa bé đó trong vòng 6 tháng sẽ lớn rất nhanh bằng thận của 1 người trưởng thành.

 Cha mới giải phẫu được có 5 tháng nên đi đâu cũng phải mang khẩu trang và rất cẩn thận để tránh nhiễm trùng. Ngài không tính đi họp bạn nhưng vì cảm mến mái trường xưa nên phải ráng.

Nguyện vọng của Cha là khi bình phục sẽ trở lại Đài Loan để tiếp tục phục vụ cho đồng hương kém may mắn nơi xứ người.

Cha cũng cho biết con gái Đài Loan hiện nay không muốn lập gia đình, vì theo tư tưởng của người Á Châu, đàn bà có nhiệm vụ lo cho chồng con và cả đại gia đình bên nhà chồng nữa, họ không muốn gánh nặng trên vai, sống độc thân cho sướng. Nếu muốn có con thì kiếm anh nào đẹp trai hay thông minh cho gửi, nghe nói bên Nhật cũng như bên VN đang có phong trào này.

Cha cũng nhắc nhở tôi rằng, thời đại của chúng ta hiện nay là phải chấp nhận cô đơn và cuộc sống buồn tênh khi già yếu cũng như bệnh tật. Tôi đã cảm nghiệm điều này khi thăm viếng ông già vợ mỗi ngày ở viện dưỡng lão. Những người ở trong viện chẳng mấy khi có người thăm viếng, vì thân nhân cũng phải lo cho cuộc sống hàng ngày của họ.

Tôi và người bạn đã hẹn thăm mấy đứa cháu trước khi vào nông trại nên gọi chủ nhân đến đón Cha gần nông trại để cha được nghỉ ngơi sớm và  sau đó chúng tôi được đi bụi đời.

Thật ngạc nhiên khi mấy đứa cháu cho biết hôm sau thứ Bảy và Chúa Nhật ở nhà thờ có tổ chức hội chợ, số người tham dự hàng năm là khoảng 100 ngàn người. Đứa cháu phụ trách món mì, đến chơi với mấy ông cậu xong, 12 giờ đêm phải trở lại nhà thờ để luộc mì tiếp.

Người tham dự không chỉ ở Atlanta mà còn ở những tiểu bang lân cận như Tennessee, North và South Carolina nữa, tôi cảm phục tinh thần cộng đồng của những người Việt nơi vùng này.

Cuối cùng chúng tôi cũng về tới nông trại, nhờ có anh sĩ quan bản đồ chỉ đường với những tin tức anh có được. Tôi lái thẳng vào chuồng gà,đàn chó tưởng ăn trộm nên sủa inh ỏi. Vì anh đã dặn tôi đừng ra khỏi xe kẻo chó cắn mất chim, hoặc những người ở gần đó tưởng ăn trộm lại cho một viên là tiêu đời. Vùng nông trại này nhà nào cũng có súng, anh phải gọi cho chủ nhà để báo trước.

Chúng tôi tới nơi thì mọi người đã đi ngủ rồi, bây giờ chỉ còn lại chị Chủ Nhà và tiếng ve sầu kêu râm ran. Anh bạn tôi cho biết chồng chị này học chung với người anh mình, khi còn niên thiếu anh ấy đã sáng tác những bản thánh ca như bản “Thượng Tiến Gia Vê”  mà tôi đã nghe và thích lúc còn ở VN như “Thượng tiến lên Gia vê này bánh rượu này tinh tuyền ......” thường hát lúc dâng của lễ. Anh chị tuy lúc đầu sống ở Cali nơi xứ phồn hoa, nhưng anh chị đã không quên mình lúc trước sinh ra và lớn lên ở đâu nên đã chọn vùng thôn quê gần Atlanta để nuôi gà. Hầu hết các chủ trại gà hiện nay là người VN, anh chị còn là cầu nối giữa những người VN ở vùng này qua các sinh hoạt tại nhà anh như tập hát hay vui chơi trong nhóm. Anh còn tự kiến trúc 1 căn nhà để cho khách phương xa tới chơi nghỉ ngơi khi tới đây, nhưng rất tiếc mới hoàn thành có 80% thì anh qua đời, chị ấy đã tiếp tục và đã hoàn thành.

Tối nay Cha và hai chúng tôi được ngủ trong căn nhà đó, chúng tôi nói giỡn là dành riêng cho Cha Xứ và hai thằng giúp lễ, rất hân hạnh đã được ở căn nhà của một người rất nổi tiếng này. Chúng tôi biết chị rất mệt nên kêu chị nên nghỉ ngơi đi, để mặc kệ chúng tôi.

Hai thằng tôi đang ngồi nghe tiếng ve kêu thì thấy cô giáo của chúng tôi lò đầu ra. Cô nói không biết sao đêm nay không ngủ được, sau khi hỏi thăm và chuyện trò cô hỏi chúng tôi là những người sống ở Mỹ, còn cô sống ở Đức.

Cô có người bà con ở Atlanta, là cựu sĩ quan VNCH, sau khi đi tù 7 năm và được sang Mỹ, hai vợ chồng cố gắng đi cày để giúp gia đình cũng như anh chị em bên VN. Anh chị có 2 người con và khoá cửa đi làm, chẳng may ngọn nến rớt xuống thảm và cháy nhà, hai đứa con qua đời, anh chị trở thành khùng điên. Vì không có tiền nên điện và ga đều bị cúp hết, anh chị phải thổi nấu bằng củi bên ngoài nhà. Cô hỏi ở bên Mỹ cộng đồng người Việt hay chính phủ không có ai giúp hả, mới đây anh chị mới có được trợ giúp mỗi tháng trên 1000 gì đó mà thôi.

Thật là câu hỏi khó trả lời, tôi không phải là người trong ban xã hội nên không biết nhiều, chỉ trả lời như sau.

Anh chị đó chắc có rất ít bạn bè cũng như không tham gia các đoàn thể hay tôn giáo, nên khi gia đình bị nạn rất ít người biết tới. Người biết tới thì cũng không biết những hội đoàn hay cơ quan để giúp anh, có khi anh chị không chịu để người ta giúp.

Tôi biết có trường hợp của anh kia, bố và anh chị kêu anh nộp đơn để xin tiền bệnh, anh nhất quyết không chịu xin, nói anh đâu có bệnh mà xin.

Có những người bình thường mà đóng kịch để xin tiền bệnh.

Mỹ có rất nhiều chương trình giúp đỡ, nhưng anh phải xin hay một người nào đó giúp làm thủ tục giấy tờ.

Căn nhà của anh rất hôi thối, nhưng láng giềng không báo cho sở vệ sinh thì chính quyền cũng không biết mà nhúng tay vào.

Con tôi lúc học trung học đã đi giúp dọn dẹp những căn nhà bẩn thỉu vì họ yêu cầu qua một cơ quan nào đó.

Sự việc xẩy ra với anh chị chẳng ai kết án, vì là con người ai cũng có lỗi lầm nhưng chính anh chị đã không tha thứ cho chính mình. Bà vợ bây gìờ không nói năng, cũng như không nhận ra ai, anh chồng thì đỡ hơn và còn nhận ra người thân.

Sáng hôm sau chúng tôi ăn sáng và giới thiệu tên tuổi cho nhau biết.

Ban tổ chức có chương trình cho từng ngày: Trưa hôm đó sẽ có những món ăn do chính học sinh nấu. BTC chia ra nhóm nấu canh rau đay, rau muống xào, sườn và tôm có để sẵn ai làm gì tuỳ ý.

Tôi trong nhóm nấu canh rau đay nên phải ra vườn hái. Ba thằng đực rựa ra hái rau làm tôi nhớ lại thời còn bé khoảng 9 hay 10 tuổi, bố mẹ và các chị ra đồng, tôi có nhiệm vụ đi bắt cua rốc, hái rau về nhà nấu canh cua cho cả nhà ăn, không biết có ngon không. Hôm nay mấy bà không có cua nên xay cả kí tôm trộn trứng gà làm giả riêu vào nồi canh làm sao mà không ngon cho được?

Nhóm chúng tôi thắng giải nhất nhưng cũng bị phân bì này nọ, cũng may có cha Cường kiểm phiếu công tâm chứ không thì vãi chuyện ra chứ chả chơi.

Chiều là tiệc chính nên ai cũng diện đẹp, con trai áo sơ mi trắng và cà vạt đỏ, con gái vận áo dài đủ mầu nên các chị tha hồ trình diễn thời trang.

Tội nghiệp anh Minh là ống Phó nhòm chính phải cong đít, nghiêng đầu, lệch vai...có khi phải nằm xoài ra để sao lấy được những tấm hình đẹp đễ cho các nàng tiên. Nhóm con trai thì chỉ cần 3 tấm hình, một cả lớp, hai với thầy, ba với cô là đủ.

Anh Khẩn không biết đẹp trai hay nhiều tài mà các em ai cũng muốn chụp hình với anh, riêng nhóm con trai chúng tôi thì có anh Hải, tuy bị tai nạn xe cộ và ngồi xe lăn, anh vẫn yêu đời, nói chuyện vui cả ngày cũng không hết.

Phải thành thật khen ngợi Ban tổ chức đã sắp xếp để chúng tôi ai cũng có cảm tưởng như vị lãnh đạo của một nước tới tham dự Hội nghị Thế giới: bàn xếp thành hình chữ U, ghế đều được bao lại bởi áo bọc ghế sang trọng. Mọi người đều có thể nhìn thấy nhau. Đại diện học sinh lên phát biểu cũng như qùa tặng cho thầy cô, đặc biệt chúc mừng 40 năm thành hôn của thầy cô. Chắc có lẽ vì cảm động nên thầy nghẹn ngào nói không ra lời, còn cô thì lệ tuôn rơi. Cô nói trái tim Thầy Cô chia ra làm hai phần, một cho con còn phân nửa dành cho học sinh.

Sau bữa ăn, Ban tổ chức cho mọi người 30 phút để thay đồ cho chương trình đốt lửa trại. Năm nay BTC mời nhóm dân tộc thiểu số ở Úc Châu về để đốt lửa cho chương trình thêm long trọng.

Các tiết mục thật hấp dẫn nhưng tôi và người bạn phải rút lui sớm vì chúng tôi còn một chỗ nữa cần phải tới.

Sáng hôm sau sẽ có thánh lễ cho thầy cô, người ca đoàn trưởng cũng là người đã tập tành và điều khiển cho đám cưới thầy cô cách nay 40 năm.

Chân thành xin lỗi mọi người vì chúng em không thể ở lại được, nhưng trong trái tim em, TC là người đã quan tâm nhất tới chúng em, nên em mới có mặt để đáp lễ trong dịp này.

Chuyến đi nào rồi cũng có lúc trở về với gia đình, khi boarding, tôi trong group 9 của American Airline, khi lên máy bay thì nhân viên chặn lại và kêu tôi đóng 50 đồng vì hành lý qúa cỡ. Tôi hỏi tại sao những người đi trước mình không bị đóng tiền? Họ cho biết tại tôi mua vé economy nên túi đồ phải để dưới chân chứ không được ở trên đầu, mấy người sau tôi cũng chung một số phận.

Khi tôi tới Dallas và báo cho bà xã biết để coi bà có chửi không? Bà phán ngay một câu “đại gia mà sao trùm Sò” vì chính bà bỏ thật nhiều quần áo giống như để tôi đi trình diễn thời trang nên bây giờ biết nói năng chi.

Vậy bà con cẩn thận khi mua vé máy bay khi đi xa để tránh tình trạng phải trả thêm tiền nhé.

Về tới Wichita thì không thấy đồ nên tôi hỏi nhân viên, sau khi check thì họ cho biết túi đồ vẫn còn ở Dallas và ngày hôm sau sẽ tới nơi.

Thật là may mắn đây là chuyến về chứ không trong bữa đại tiệc thì tôi chỉ mặc quần đùi trông chẳng giống ai. Hãng Airline lấy tôi 50 nhưng phải thuê người chở đồ tới tận nhà, họ tính ăn 50 đô của tôi cũng đâu phải dễ.

Chuyến đi tuy ngắn ngủi nhưng thật vui, tôi cảm thấy hãnh diện vì đã là một thành viên trong mái trường xưa Tân Hiệp-Kiên Giang. Cám ơn ban tổ chức đã tạo điều kiện cho chúng tôi gặp nhau và có thêm những bạn mới để nối kết tình đồng hương. Cám ơn thầy cô đã dành nửa trái tim cho đứa học trò chẳng giống ai như em và một người tôi phải cám ơn nhiều nhất là Nữ Trang Chủ. Chị đã bỏ ra rất nhiều công sức để ngày họp bạn được hoàn hảo.

Nguyễn Cao Thăng

Ý kiến bạn đọc
28/09/201806:08:07
Khách
Cám ơn tác giả nhiều lắm!
26/09/201817:50:22
Khách
Chào chị,
Tôi đã liên lạc được với cha Cường, Cha rất cám ơn chị đã nghĩ tới những thành phần kém may mắn nơi đất khách quê người, cha đã liên lạc được với cha Hùng hiện đang coi căn nhà Tình Thương, mọi đóng góp của chị hay bất cứ ai có thể gửi về:

Bank name: MEGA INTERNATIONAL COMMERCIAL BANK
USER NAME: DIOCESES HSINCHUENSIS OFFICIUM DIOCESANUM
Bank account: 026-09-01338-2
Swift No: ICBCTWTP026
Address: 129, Chung Cheng Rd.,
Hsinchu 30045. Taiwan.
Tel. +886 3 521 7171

Cám ơn chị nhiều.

Tôi cũng xin có vài lời với các anh và các ông, người ta thường nói câu:
Kính lão đắc thọ
Sợ vợ sống lâu
Đội vợ lên đầu, trường sinh bất tử.

Tôi chỉ ráng thi hành câu hai.
Chúc ai đó làm được điều thứ ba.
Thân
Nguyễn CaoThăng
21/09/201817:36:35
Khách
Cám ơn tác giả cho đọc một bài tường thuật thật chân tình. Xin anh hỏi cha dùm Như Ý làm sao liên lạc và giúp đỡ cho những cô gái Việt Nam bất hạnh hiện đang ở Đài Loan. Đây là email của NY: crystalhvo@gmail.com
21/09/201815:55:42
Khách
Trích: “Tôi đánh liều xin bà xã đi họp mà chỉ sợ bà không đồng ý”.
Kính lão đắc thọ, kính vợ đắc đào.
Tôi có anh bạn làm cùng sờ có máu...dê xồm. Nó hay mượn tiền tôi ăn trưa. Nó nói mỗi ngày cô vợ yêu qúy phát cho $10. Hôm nào ăn sáng xôm tụ thì phải ăn trưa ít đi. Tôi thắc mắc hỏi ‘Anh hùng sao lại bị thuyền quyên sỏ mũi”.
Nó nói phải làm ra vẻ sợ hãi mới qua mặt đặng có bồ nhí.
Nó khôn hơn tôi nhiều lắm.
21/09/201809:49:36
Khách
Chuyện kể... đều đều, đều đều... đều đều. Y boong văn là người. Dùi đục chấm mắm cáy.
Vậy mà lại lôi cuốn.
Ngộ thiệt🎶‼️
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 3,641,208
Mừng năm mới 2019, mời gặp lại một tác giả thân quen. Tác giả đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2014. Cô sinh năm 1962, tốt nghiệp Đại Học Mỹ Thuật năm 1988 khoa Đồ Họa tại Việt Nam, từng làm công việc thiết kế sáng tạo trong ngành quảng cáo. Cô đến Mỹ tháng 4 năm 2000, hiện là cư dân Waxahachie, Texas, trong một thành phố ít người Việt cư trú. Sau đây là bài viết mới của tác giả.
Tác giả đã dự Viết Về Nước Mỹ từ hơn 10 năm trước và mới nhận giải Viết Về Nước Mỹ 2018. Bài đầu tiên của ông là "Kinh 5 Dị Nhân" kể về vùng quê, nơi có hơn 1000 người -phân nửa dân làng- vượt biên mà tới hơn 400 người tử vong- Hiện ông đang là cư dân Orlando, Florida, vùng đất rất quen với bão lụt. Loạt bài gần đây của ông là chuyện khởi nghiệp trên đất Mỹ. Bài mới, bắt đầu phần “dựng nghiệp”.
Tác giả định cư tại Pháp nhưng thường lui tới với nước Mỹ, tham gia Viết Về Nước Mỹ từ tháng Ba 2010. Họp mặt giải thưởng năm 2011, bà đã bay từ Paris sang California để nhận giải Vinh Danh Tác Giả -thường được gọi đùa là giải Á Hậu. Năm Mậu Tuất sắp hết, mời đọc bài viết với nhiều nụ cười, tiễn chân chó cưng.
Tác giả tham dự Viết Về Nước Mỹ từ năm 2004. Võ Phú là tên thật. Sinh năm 1978; sinh quán Nha Trang-Việt Nam; định cư, tại Virginia-Mỹ, 1994. Tốt nghiệp cử nhân Hóa, Virginia Commonwealth Uni-versity. Hiện đang làm việc và học tại Medical College of Virginia. Sau 12 năm bặt tin, tác giả lại tiếp tục Viết về nước Mỹ từ 2016, với sức viết mạnh mẽ và thứ tự hơn. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Với bài viết đầu tiên từ tháng Sáu 2017, tác giả đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Thư kèm bài, cô cho biết đang làm tax accountant ở Los Angeles, thường xuyên theo dõi và xúc động khi đọc những câu chuyện đời của người Việt trên xứ Mỹ. Bước sang năm thứ 20 của giải thưởng, tác giả đang tiếp tục cho thấy sức viết ngày càng mạnh mẽ hơn. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả đã nhận giải bán kết Viết Về Nước Mỹ 2002 với bài "Tiểu Hợp Chủng Quốc" kể về nơi cô làm việc, khi khủng bố tấn công nước Mỹ ngày 9 tháng 11 năm 2001. Viết về nước Mỹ sang năm thứ 15, cô nhận thêm giải danh dự với tự truyện về bệnh lãng tai bẩm sinh. Bài viết mới là tự truyện về mùa Giáng Sinh 1975.
Tác giả tên thật Tô Văn Cấp, sinh năm 1941, khoá 19 Võ Bị, 50 năm lính với Chiến Thương Bội Tinh. Mậu Thân 1968, ông là một Đại Đội Trưởng Thuỷ Quân Lục Chiến tại trận địa Phú Lâm, Chợ Lớn. Tháng Tư 1975, ở với đồng đội ven đô cho tới giờ phút cuối, sau đó là 10 năm tù công sản. Định cư tại Hoa Kỳ theo diện HO1, dự Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu, với nhiều bài viết giá trị, ông đã nhận giải á khôi năm 2014.
Tác giả từng nhận giải Viết Về Nước Mỹ 2015. Ông là cựu sĩ quan VNCH, giảng viên trường Sinh ngữ quân đội, cựu tù cải tạo. Ông cũng là tác giả sách "Hành Trình về Phương Đông" do "Xây Dựng" xuất bản năm 2010. Mới nhất, là cuốn "Within & Beyond" do tác giả viết bằng Anh ngữ và tự xuất bản. Sau đây, bài viết mới.
Tác giả là một cây bút nữ, cư dân San Jose, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Sang năm thứ 18 của giải thưởng, Lê Nguyễn Hằng nhận thêm giải Vinh Danh Tác Giả, với bài viết về “Ba Thế Hệ Tuổi Dậu” và bài “Từ Độ Mang Ơn”. Bài mới, tác giả viết cho mùa Giáng Sinh.
Tác giả lần đầu dự VVNM từ tháng 11 và đây là bài viết thứ hai của bà. Sinh năm 1955, qua Mỹ năm 1985, tên thật là Nguyễn thị Minh Thuý, người của sông Hương núi Ngự. Hiên nay còn làm việc và đang cư ngụ tại thành phố Hayward thuộc miền Bắc Cali. Xin lưu ý: Bút hiệu Minh Thúy có thể lầm với tác giả đã dự VVNM từ 2005: Minh Thùy (dấu huyền). Mong tác giả tiếp tục viết.