Hôm nay,  

Viết Cho Thành Phố Của Thiên Thần

08/09/201800:00:00(Xem: 10878)
Tác giả: Tố Nguyễn

Bài số 5490-20-31297-vb7090818

 
Với bài viết đầu tiên từ tháng Sáu 2017, tác giả đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Thư kèm bài, cô cho biết đang làm tax accountant ở Los Angeles, thường xuyên theo dõi và xúc động khi đọc những câu chuyện đời của người Việt trên xứ Mỹ. Bước sang năm thứ 20 của giải thưởng, tác giả đang tiếp tục cho thấy sức viết ngày càng mạnh mẽ hơn. Sau đây, thêm một bài viết mới.

 
***
 

Trời Cali đã vào thu, hơi gió se se lạnh của buổi sớm mai gợi cho lòng người những  xôn xao hoài niệm. Tôi bước xuống giường, vén bức rèm và mở khung cửa sổ, trên cành cây trước nhà chú chim nhỏ chợt giật mình thảng thốt, vụt bay lên mất hút giữa bầu trời còn đọng hơi sương. Tôi cũng chợt giật mình nhẩm tính, tôi dọn đến Los Angeles hay còn gọi là LA- thành phố của những thiên thần này đã được 5 năm.

Tôi rời Seattle vào một chiều thu mưa rơi tầm tã, mưa bên ngoài lẫn mưa trong lòng tôi như cùng nhau thấm đẫm cả đất trời. Tôi có cảm giác như mình phụ bạc người thương, bỏ lại núi đồi mộng mơ mộc mạc đi về chốn thị thành phồn hoa đô hội.  Dù là phận gái, không hiểu sao tôi cứ ví mình như anh chàng Điệp trong câu vọng cổ "Điệp ơi mai anh lên chốn thành đô nhà xe rực rỡ, xin anh đừng quên bến sông xưa con đò nhỏ chốn quê xưa có em vò võ mong chờ!” Tôi luôn nghĩ, tôi chỉ sang đây làm tạm vài năm, học thêm kinh nghiệm, lấy thêm bằng cấp, rồi "Điệp sẽ trở về bên Lan". Vậy mà y như tuồng xưa tích cũ vận vào mình, Điệp- đã phụ bạc nàng Lan-Seattle, đã cắm sào cắm rễ ở LA.

Như người nhà quê lên tỉnh, những tháng đầu mới dọn sang Cali, tôi lái xe giữa phố thị Los Angles mà choáng ngợp vì đường sá, quán hàng đúng như câu "ngựa xe như nước áo quần như nêm”.

Thành phố đầu tiên chúng tôi dọn đến là Pasadena. Cảm giác đầu tiên của tôi là thành phố Pasadena sao mà sạch sẽ quá, hai bên lề đường không có một mẩu rác nhỏ nào, dù chỉ là một mảnh lá rơi.  Tôi để ý thì thấy sáng nào khu phố gần khu tôi thuê trọ cũng có nhiều người mang theo máy thổi lá hai bên lề đường.  Như là bài hát "It never rains in Southern California", nên càng dễ dọn dẹp, không có những lề đường ẩm ướt với lá thu rụng trải vàng như Seattle.

Khu tôi ở gần với trường Cal Tech (California Institute of Technology), ngày ngày tôi đi qua đi lại cứ nhìn những "tinh hoa của nhơn loại" mà thầm ngưỡng mộ. Gần trường Cal Tech có một tiệm Bánh Mì Chè Cali, trưa trưa tôi hay ghé đó mua bánh và "làm quen" với những người chạy bàn trong tiệm cho bớt cảm giác bơ vơ.

Trong khuôn viên trường Cal Tech có hai hàng cây cam thật là đẹp, tôi đến vào mùa trái chín vàng chĩu chịt đầy cành, làm "kẻ nhà quê" như tôi cứ đứng ngẩn ngơ sao người Cali tốt quá, trái đầy vậy mà không ai hái?

Việc đầu tiên sau khi ổn định chỗ ở là đi đổi bằng lái xe-ID. Lúc bấy giờ "người nhà quê" mới thấm thía cái sự "nhiêu khê" khi ở chốn thị thành. Dù tranh thủ đến sớm khi  sở Licensing mở cửa được khoảng nửa giờ, tôi đã muốn "thối lui" vì một hàng người dài dằng dặc, dài như thể từ LA xuống… phố Bolsa. Xếp hàng đến vào được bên trong rồi, chúng tôi phải bắt số và đứng đợi, vì không đủ ghế ngồi. Chờ mỏi mòn rồi cũng được gọi tên vì... tới số, sau khi đưa ra đủ loại giấy tờ chứng minh tôi dọn đến làm cư dân ở Cali, tôi được cho biết là mình phải thi lại bằng viết, lấy cái hẹn và ôm cuốn sách về nhà. Tôi thi đậu ngay lần đầu, niềm vui chưa trọn thì thì lại biết mình phải đi thi nữa vì tôi phải lấy thêm bằng cho xe mô tô.

Anh Quang muốn mua thêm một chiếc xe Vespa 2 bánh nho nhỏ để ảnh đi làm cho tiện. Biết tôi từng là "anh hùng xa lộ" ở Việt Nam nên xúi tôi đi thi lấy bằng cho nhanh để  có thể "rinh nàng Vespa về dinh". Cầm thêm một cuốn sách về luật lái môtô,  tôi lại tiếp tục "dùi mài kinh sử". Lần này "tổ" không đãi nữa, tôi rớt cái bộp, lần thứ hai mới đậu.

Giây phút người thơ ký ở sở Licensing bấm lỗ vào tấm ID Washington State, tôi bỗng nghe đau nhói trong lòng như cô ta đang bấm vào trái tim của anh chàng Điệp! Tôi cất cái ID nho nhỏ màu xanh có in hình ngọn núi tuyết Rainier vào sâu trong ngăn ví, bước ra về với tâm trạng tội lỗi của một kẻ vừa đoạn đành phụ bạc người thương. Giữa cái nắng Cali gay gắt, tôi càng muốn gắn cho mình đôi cánh mong bay về tìm lại  những cơn mưa nơi chốn núi đồi Washington xanh thẳm bốn mùa...

Cali vào tháng 9 năm ấy trời vẫn còn nóng nung người. Thành phố Pasadena là phần đất trũng bao bọc bởi những dãy núi đồi vàng vọt, nên dù tôi sống giữa khu phố tràn ngập cây xanh, cái nóng vẫn  khô khan hừng hực. Ngày nghỉ cuối tuần tôi hay lang thang qua những khu nhà có hàng cây rợp bóng, nao nao mong  tìm một chút lá thu vàng...

Ngày đầu tiên đi làm ở Beverly Hills, tôi lái xe ra khỏi nhà từ 5  giờ rưỡi sáng vì biết đoạn đường mình đi không dưới một tiếng đồng hồ.  Freeway rộng lớn 5, 6 làn nhưng cũng không đủ chỗ cho hàng xe nối dài như những sợi kẽm nung đỏ rực.  Tôi bồi hồi nhớ những ngày đi làm ở Seattle, cho dù tính lãng đãng "đường gần tôi  cứ đi vòng cho xa", tôi cũng chưa bao giờ gặp cảnh nhích từng chút từng chút một giữa freeway để thấy thời gian là vô tận như bây giờ.

Sau ngày đầu gặp cảnh kẹt xe ở freeway, tôi chọn cách đi lòng vòng qua những con đường trong phố. Tôi cũng mất chừng đó thời gian, nhưng đi kiểu này thú vị hơn nhiều. Mỗi sáng đi làm tôi  lái qua hết những khu nổi tiếng của Los Angeles,  bắt đầu từ đại lộ Hollywood, rồi băng qua Sunset Blvd, rẽ tới Santa Monica Blvd và cuối cùng là con đường Rodeo Dr ở Beverly Hills lung linh nổi tiếng mà ai cũng muốn đến đó chụp hình.

Đi đường trong phố thì tiện cho buổi sáng, nhưng buổi chiều về thì những con đường này chật ních, nhất là đại lộ Hollywood, mỗi chiều tối là tấp nập du khách từ khắp mọi nơi trên thế giới đổ về. Vậy là tôi phải nghe theo bạn Google mà đi theo đường núi.

Quả là trời không phụ lòng người, con đường đồi quanh co từ Beverly Hills về lại Pasadena thật sự làm thoả lòng mộng mơ của  "người em phố núi" như tôi. Ở Cali không có nhiều hoa đào, hoa magnolia nở rộ với màu hồng ngọt ngào quyến rũ như Seattle. Thay vào đó Cali đền lại cho tôi những hàng rào hoa giấy,  hoa dâm bụt, bird of paradise… rực rỡ sắc màu.

Mỗi chiều tôi chạy vòng vèo qua những ngôi nhà Spanish cổ xưa duyên dáng điểm trang bởi những giàn hoa nhiệt đới,  lần theo những dãy đồi nhỏ hẹp, lái lên những con dốc thật cao, từ trên dốc có thể nhìn thấy lung linh ánh đèn đô thị, rồi lại đáp xuống chân đồi với những thảm cỏ bạt ngàn xanh mướt mùa thu...

Ra khỏi những đồi núi chập chùng, tôi phải lái thêm một đoạn freeway nữa mới về tới nhà. Một buổi tối mùa thu vừa lái xe vừa hát bài "thương về miền đất lạnh", tôi bỗng giật mình nhận ra phía trước tôi không có nhiều xe đông đúc như thường lệ,  mà chỉ có một xe đang lái đường zic-zac, băng từ bên này qua bên kia đường và cứ thế xuyên qua xuyên lại. Tôi chưa bao giờ thấy cảnh  lái xe như thế này ở Seattle nên không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Nhìn qua kính chiếu hậu thì tôi cũng không thấy có xe ở phía sau mình. Tôi không biết mình phải làm gì, cứ nghĩ đường ta rộng thênh thang ta cứ chạy, nên cứ thế mà "bám đuôi", không hề giảm tốc độ.

Bỗng từ freeway vang lên giọng nói lạnh lùng trong loa biểu tôi "chạy chậm lại, chạy chậm lại, tấp vô exit trước mặt" rồi "rẽ vô đường nhỏ, đậu lại, đậu lại". Tôi bần thần không hiểu chuyện gì cứ y vậy mà làm, rẽ vào exit,  tấp vô lề đậu lại. Nhanh như chớp, một anh "bạn dân Mỹ" phóng ra khỏi chiếc xe cảnh sát đang bám theo tôi, tiến đến hỏi tôi giấy tờ, rồi hỏi tôi sao cứ bám đuôi xe đang làm công vụ? Tôi ngây thơ trả lời tôi từ Seattle tới, không hiểu tôi phải làm gì nên cứ vậy mà lái, năn nỉ ỉ ôi anh "bạn dân" thông cảm.

Không hề mủi lòng trước vẻ ngây thơ vô tội của tôi, anh ta cứ xé giấy phạt cái rẹt, nói rằng tôi đi đứng kiểu rất là nguy hiểm, kêu tôi nên  ra toà để giải thích với toà! Vậy là tôi phải ra toà, may mà hồ sơ lái xe của tôi trong sáng như pha lê, nên ông quan toà chỉ phì cười khi nghe tôi giải thích, rồi cho tôi đóng phạt hơn một trăm bạc, "hứa" với tôi là nó sẽ không vô "record" của tôi.

 LA đã cho "người em phố núi" một bài học đắt tiền, từ đó về sau mỗi khi lái xe freeway tôi đều cẩn thận nhìn trước ngó sau, tránh cảnh “đường ta rộng thênh thang cứ lái” vì biết là sẽ không có may mắn lần hai!

Một buổi chiều tôi lái xe về, chợt thấy con đường sau căn  chung cư tôi ở  tấp nập người  với những bộ đồ hoá trang sặc sỡ, tôi giật mình nhận ra hôm ấy là ngày Halloween. Đậu xe vào nhà rồi, tôi mới đi dạo ra khu phố đằng sau, thì ngạc nhiên nhận ra mấy con đường đều có cảnh sát đứng chặn không cho xe lái vô vì tràn ngập người đi bộ, ai cũng xách theo giỏ nhỏ bị to để đi xin kẹo. Hai bên đường nhà nào cũng trang trí đủ màu đủ kiểu đầy ma quái, đèn chớp giật liên hồi, có nhà cắm bia mộ trắng toát đầy sân, có nhà để cả màn hình thật to chiếu phim kèm theo những tiếng hú liêu trai rờn rợn, có nhà trang trí đầy những con thú to rực rỡ sắc màu.


Lễ Halloween ở Seattle hay rơi vào những ngày mưa ẩm ướt, nên tôi ít cho con gái nhỏ ra đường. Hôm đó tôi cũng hào hứng vòng về đội cho bé cái vương miện công chúa, rồi cũng hoà vào dòng người đi xin kẹo. Đi chỉ một vòng, chúng tôi đã về nhà với một bị kẹo thật to.

Thanksgiving,  lễ Giáng Sinh và những ngày cuối năm đầy nắng trôi nhanh, đến lúc này thì tôi được biết thành phố Pasadena nơi tôi đang ở là nơi diễn ra lễ diễu hành Rose Parade nổi tiếng vào rngày đầu năm mới. Chúng tôi khăn áo lều chõng tròn mắt trầm trồ nhìn những xe hoa rực rỡ chạy chầm chậm trên đường trong tiếng trống kèn rộn rã. Tôi lâng lâng thấy mình thật là may mắn được sống những giây phút rộn ràng đón năm mới giữa lòng phố cổ Cali.

Công việc tôi làm ở Beverly Hills căng thẳng hơn nhiều so với những chỗ tôi đã làm lúc trước. Ông chủ hãng thì rất là nhu hoà nhã nhặn, nhưng đa số những ngày trong tuần tôi phải làm việc với chị manager người Đại Hàn tính nóng như Trương Phi. Mỗi lần bị chị hành hạ lên bờ xuống ruộng, tôi cứ nghĩ đời tôi sao luôn có "oan gia" với những người từ xứ kim chi, từ ông chủ tiệm phở không viết nổi nguyên dòng tiếng Mỹ đến chị manager bằng cấp treo đầy phòng, ai cũng "hành" tôi tơi tả. Không ít lần tôi phải nuốt nước mắt vào lòng nhìn những "công trình  tâm huyết"  của tôi bị chị liếc qua, vẽ liền lên 2 con giun bự,  rồi vứt tọt vào thùng giấy recycle chẳng chút tiếc thương!

Tuy nhiên, sau những giây phút căng thẳng làm việc, chị hay rủ tôi đi ăn trưa, cứ giành trả tiền như muốn đền bù những "tổn thương tinh thần" cho tôi. Rồi chị lại khen tôi người Việt sao mà da trắng, cứ hỏi tôi  có lai… Đại Hàn không? Tôi lắc đầu cười, trong lòng thầm nghĩ "chị này thấy người... xinh bắt quàng làm họ" rồi kìa!

Sau những tháng ngày lái xe xuôi ngược mỗi ngày gần 3 giờ đồng hồ qua các nẻo đường Cali nắng gió, rồi tôi cũng chia tay ông chủ và chị manager "ruột để ngoài da" để nhận việc làm ở gần nhà. Thật là xúc động, chị ấy ôm tôi thật chặt rồi khóc như trẻ nít, nói  chị thương tôi và thích làm việc với tôi lắm... Tôi cứ phải vỗ về "em sẽ ghé thăm chị và mọi người”. Đến tận bây giờ, chiếc móc khoá gắn những viên đá màu chị mang về cho tôi từ xứ kim chi vẫn còn sáng lung linh…

Ngày tháng trôi mau, tôi đã "phải lòng" từng con đường, góc phố với tình yêu mến xen chút tự hào hãnh diện vì mình đã "trụ” nổi ở một nơi nổi tiếng như LA. Khi phim La La Land được trình chiếu, tôi nhắn tin cho hầu hết bạn bè thân sơ "coi đi nha, phim đó có hết những  cảnh đẹp LA, chỗ mà tui đang ở đó!"

Lần đầu tiên xem phim La La Land, đến cảnh  nàng tình cờ hội ngộ  chàng  khi chàng  đang đàn khúc nhạc xưa, khi dòng đời đã xô đẩy hai người đi về hai ngả, nước mắt tôi cứ tuôn rơi ướt nhoè ướt nhoẹt. Hơi… quê với anh Quang vì ảnh nhìn tôi cười cười hỏi "phim hay hén em?", tôi vùng vằng trả lời: "Phim dở ẹt, ông writer không biết viết kết cuộc làm dở cả cuốn phim. Ổng nên viết thêm một khúc  là sau khi gặp lại chàng, nàng về ly dị và chia tài sản với ông chồng giàu, mua cho chàng cái quán bar bự nhứt Hollywood. Tối tối chàng ra đàn, nàng ngồi sau counter kiểm bills, xa lánh hết những thị phi chốn phim trường!"

Dù nói như vậy, nhưng tôi vẫn khẽ nắm tay chàng, tôi bỗng thấy mình may mắn hơn hai người trẻ trong phim. Chúng tôi cũng như họ, đến vùng đất của những mộng mơ La La Land, nhưng may mắn là không bị dòng đời cuốn xô trôi dạt... dù cũng có bị tổn thất mất mát vài lần.

Chuyện là anh Quang đã quen sống ở “nhà quê” như tôi, đến lúc lên phố thị chàng quên đi LA là nơi "lòng người khó đoán",  nên có hai lần đậu xe mà quên bấm khoá cửa xe, mất sạch sành sanh những món bóp, ví, kiếng mát lẫn mấy tờ vé lotto chưa dò cất bên trong.

Mỗi lần bị mất của, tôi lại nhớ anh bạn ở Seattle từng nói "ở Cali, điếu thuốc hút dở dang mà gác đỡ trên bàn, quay qua quay lại thì đã bị "dzớt mất tiêu", huống hồ chi những thứ đắt tiền.  Thôi thì “tiên trách kỷ hậu trách nhân”, mình không cẩn thận để mất của thì đành chịu, tôi vẫn không giận LA- “người yêu mới” của tôi.

Dù từng bị mất mát,  bị “dập vùi”, tôi vẫn luôn thấy LA thật là xinh đẹp. Mỗi lần khách từ nơi khác ghé chơi, tôi hào hứng lái xe chở  khách đi khắp các nơi nổi tiếng của LA, tự hào kể về từng gốc cây, ngọn cỏ y như tôi được sinh ra ở nơi này chứ không phải chỉ vừa dọn đến vài năm.

Tôi cũng bắt đầu quen dần với những ngày lễ Thanksgiving đầy nắng ấm, với lễ Giáng Sinh không một chút mưa tuyết rơi rơi. Tôi cũng không còn thấy buồn cười khi bước vào văn phòng nhìn đồng nghiệp với lu bù khăn áo mũ giày khi mà bên ngoài trời chỉ se se khoảng 60 độ F.

Tôi yêu tha thiết cảnh hoàng hôn trên toà nhà Griffith Observatory, nơi hai kẻ mộng mơ trong phim La La Land đã cùng nhau dệt yêu thương, hy vọng. Tôi yêu Thái Town với mùi salad thai cay nồng xé lưỡi, yêu Korean town với những bàn BBQ bốc khói thơm lừng. Tôi yêu biển Santa Monica với chiếc cầu dài lúc nào cũng rộn ràng nam thanh nữ tú, yêu những giây phút bình yên bên dòng kênh Venice xanh thẳm đẹp như tranh...

Tôi cũng yêu thung lũng San Gabriel tấp nập người Hoa kẻ Việt,  hàng quán chợ búa xôn xao. Yêu luôn ngôi chợ Hawaii rộng mênh mông, nơi tôi gặp được Dì Linh, một người Việt-Hoa tốt bụng với những trái ổi ngọt ngào.

Chuyện là một ngày khi tôi sắp sinh bé trai, tôi vác cái bụng lặc lè đi chợ Hawaii, đang say sưa lựa ổi, bỗng nghe sau lưng có giọng Việt lơ lớ hỏi: 'Ổi mắc vậy mà nị cũng muốn mua à?" Tôi quay lại thì thấy một bà dì tuổi khoảng trên dưới 60, nhìn tôi cười phúc hậu. Tôi vừa gật đầu chào thì dì đã giới thiệu liền: "Tui tên Linh, nị muốn ăn ổi thì ra ngoài cửa chợ đợi tui, tui đi chợ xong rồi dắt nị về nhà tui lấy ổi, nị đừng mua mà tốn tiền!"

Ổi của Dì Linh là loại ổi sẻ, trái nhỏ, ruột hồng, thơm và đậm đà vị chua chua ngọt ngọt, y hệt như loại ổi tôi hay trèo cây hái thuở xưa ở Việt Nam. Tôi bồi hồi tìm lại những ngọt ngào ấu thơ xưa từ hương vị ổi của người dì tốt bụng mà tôi chỉ mới gặp lần đầu.

Kể từ ngày đó, cứ khoảng cuối tháng 11, tôi lại nhận được cuộc điện thoại của Dì Linh gọi tôi đi lấy ổi. Đến bây giờ, dù đã trồng được 2 cây ổi trên mảnh đất nhỏ sau nhà, tôi vẫn nôn nao mỗi độ trời trở lạnh, trông chờ trên màn hình điện thoại hiện lên dòng chữ  "Dì Linh-ổi". Tôi mong mỗi năm tôi lại được gặp Dì, không chỉ vì những trái ổi thơm,  mà còn để mừng rỡ biết Dì vẫn khoẻ mạnh, để nhìn nụ cười  hiền hoà  của Dì giữa vườn cây xào xạc mà mơ về một chốn quê xa…

Từ ngày tôi sang Mỹ, chưa có ổi nào ngon bằng ổi của Dì Linh, có lẽ vì những cây ổi đó được tưới bằng cả tấm lòng yêu thương dạt dào của người phụ nữ nhân hậu và chân thật, cho tôi thêm yêu quê mới LA…

Viết  về thành phố LA mà không  kể về những người Mễ thì thật là không có gì thiếu sót bằng. Tôi như tìm lại được chút Sài Gòn xa xăm dịu vợi nhờ những xe trái cây của người Mễ bán ở các góc đường. Mỗi lần tôi thấy xe trái cây là lại muốn  ghé vô mua giúp họ, dù đôi lần đọc báo  thấy Health Department  bảo là không nên ăn vặt vỉa hè.

Tôi cũng may mắn được bà chủ người gốc Mễ, những người khách Mễ thật thà, hệch hạc yêu quý nên cứ mang tặng món Mễ chiên xào luộc hấp quanh năm suốt tháng. Hậu quả là quần áo năm nào cũng phải chở ra tặng Goodwill.

Không còn cảm giác xa lạ với những con đường mang âm Spanish,  năm năm nhìn lại, tôi càng thêm yêu mảnh đất “La La Land”, mảnh đất của những  người trẻ tuổi đầy ắp mộng mơ.

Còn nhiều, nhiều lắm những kỷ niệm ngọt ngào mà tôi chưa viết ra đây, vì nếu kể hết chắc phải hơn 20 trang giấy. Dù nắng nóng quanh năm, tôi vẫn thấy mình luôn được tưới mát bởi những yêu thương chan chứa dạt dào của tình người từ nhiều sắc tộc, màu da...

Nhiều bạn bè tôi đã chọn dừng chân ở những vùng xa xôi hẻo lánh như Arkansas, North Carolina, hay ở vùng Houston trời biển thênh thang. Riêng tôi đã dừng lại nơi đây, Los Angeles-thành phố của những thiên thần. Tôi đành lỗi hẹn với Seattle, "người em phố núi" má đỏ môi hồng giờ đã có thêm nhiều vết tàn nhang trên mặt, đã mang vẻ mặn mòi từ nắng gió Cali.

Cảm ơn thành phố của những thiên thần, cảm ơn cuộc đời cho tôi mỗi sáng được bình yên thức dậy trong tiếng chim ríu rít  nơi hàng  cây trước ngõ, đón ánh nắng vàng tươi ấm áp mơn man trên giàn hoa giấy bên hè. Và khẽ hát câu "ô kìa,  đời bỗng dưng vui..."

Tố Nguyễn
 

Ý kiến bạn đọc
10/09/201822:31:04
Khách
“Xin cảm ơn thành phố có em...” vì em làm cho nơi em ở, những con đường em đi qua, những người em gặp gỡ... trở nên lãng mạn, mượt mà đầy yêu thương. Dù chưa được đặt chân đến, người đọc cũng thấy lòng mình... “còn một chút gì để nhớ để quên”.
Ừa, A Tố cứ tiếp tục cho hết “hơn 20 trang giấy” nha!
10/09/201816:47:57
Khách
Tố Nguyễn cảm ơn chú Lê Như Đức (xin không gọi bác nữa,vừa nghe...già vừa gợi nhớ một người)

Ở Seattle tuy là mưa nhiều nhưng nếu có công ăn việc làm ổn định, "job thơm" cỡ như chú thì sẽ không thấy trời đất buồn bã u ám nữa. Nhà gần khu Boeing ở thành phố Renton cũng có khu lakeview đẹp, bây giờ thì giá lên cao rồi,chứ khoảng năm 2012,2013 cần khoảng $600ngàn là có thể mua được waterfront house ở cách Boeing 10 phút đi làm, không cần lái ra freeway. Còn ai đi làm ở downtown Seattle thì rất tiện,xe điện mới tinh chạy rất nhanh,mỗi sáng cứ lái xe ra đậu ở trạm xe điện rồi ung ung mà ngồi đi làm,khỏi lo chen chúc ở freeway.

Mùa hè ở Seattle thì thật là tuyệt vời,"trời hồng hồng,nắng trong trong",ghé vô mua ly Starbucks rồi thong thả đi dạo phố, dạo hồ,ngắm cây cỏ lá hoa mượt mà xanh mát. Nếu mua được chiếc tàu nhỏ (hoặc làm quen với người nào có tàu) để lái vòng vòng biển Alki, Lake Washington thì thiệt là không còn mơ ước gì hơn. Tố Nguyễn ước sẽ mua một cái nhà be bé xinh xinh waterfront ở vùng Kirland để mỗi mùa hè sẽ về lại Seattle mà ngắm hoàng hôn..

Ở LA nếu đi làm ở gần nhà thì cũng không tệ lắm,như Tố Nguyễn đi làm hiện giờ,cách nhà khoảng 10-15 phút lái xe,nghe vài bài hát là đã tới chỗ làm,lại thấy hơi "hụt hẫng" vì đã quen nghe luôn cả cái cd..Từ hồi ở LA nhà Tố Nguyễn không tốn tiền đi du lịch nữa,vì bà con, bạn bè từ nơi khác cứ ghé thăm rần rần,nhất là mùa hè. Khách nào đến cũng tặc lưỡi than ở LA đi đâu cũng kẹt xe,nhưng năm sau lại mang nguyên gánh hát mà tới LA tiếp!

Với nhiều người thì Seattle hay LA "khó sống" vì nhà cửa đắt đỏ,kẹt xe..nhưng có lẽ Tố Nguyễn đã sống ở xứ thiên đường hơn hai mươi năm nên giờ có đi bất cứ nơi đâu trên xứ Mỹ cũng thấy "không đến nỗi nào".

Cám ơn chú bày "chiêu đóng phim buồn" khi gặp cảnh sát của phu nhân chú. Lần đó Tố Nguyễn gặp một anh Mễ mặt mày "đằng đằng sát khí" (có lẽ mới bị vợ bỏ??) nên chắc có lời thề không mủi lòng, hay Tố Nguyễn cũng "đóng phim buồn" chưa đạt. Hy vọng lần sau (mà cũng mong không có lần sau) sẽ ráng nhập vai Lâm Đại Ngọc để khỏi phải tốn tiền ra toà.

Tố Nguyễn mến chúc chú và gia đình thật nhiều niềm vui và sức khoẻ.
08/09/201815:38:45
Khách
Năm xưa hãng Boeing có gửi tôi qua nam Cali một thời gian khá dài để làm giúp cho chương trình phi đạn Delta 4 và mang toàn bộ chương trình phi thuyền con thoi về Houston. Vợ chồng tôi rất thích khí hậu ôn hòa và đông đảo đồng hương VN, nhất là các quán ăn ngon nổi tiếng bên đó. Thích thì thích nhưng tôi không muốn ở lại vì nhà quá mắc và ra đường lúc nào cũng kẹt xe. Cái máy bay hiện nay tôi đang tính toán ở Oklahoma nhưng test lại nằm ở Seattle. Ông Test Director có ngỏ ý muốn tôi qua đó làm. Tôi có nói Seattle còn tệ hơn cả LA nữa kìa, không những nhà mắc, kẹt xe mà mưa rỉ rả suốt ngày. Nhân viên Boeing bên đó thường đi làm 4 giờ sáng để tránh kẹt xe và có chỗ đậu xe gần building mình làm.
Buồn khi xa phố cũ Seattle, mơ mẩn qua những dàn bông giấy ở LA cho thấy tác giả có tấm lòng khoan dung và tâm hồn thi nhân nhưng lại không biết dùng vũ khí uy lực nhất của mình để tiêu trừ…driving ticket. Vợ tôi ba lần bị cảnh sát nhá đèn, nàng cứ đôi mắt u buồn, gương mặt ngơ ngác, miệng nhẹ “sorry SIR”. Một cảnh sát VN còn mạnh dạn anh hùng trả lời: "lần này tha, lần sau tha…tiếp”.
Tôi vẫn thường nịnh nhà tôi mỗi khi nàng tiếc không về Cali ở: “Anh có một bông hoa đẹp để ngắm suốt đời không tàn bên cạnh thì tội gì qua Cali trồng cây để ngày ngày phải kéo ống nước đi tưới mà chả muốn ngắm”.
Vợ tôi yêu đời ngay.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 3,654,952
Tác giả là cư dân Miami, Florida, đã góp nhiều bài viết tinh tế, cho thấy tấm lòng của ông với quê hương, con người, và nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2015. Sau đây là hai bài mới của ông.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey.
Với bài viết đầu tiên từ tháng Sáu 2017, tác giả đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Thư kèm bài, cô cho biết đang làm tax accountant ở Los Angeles, thường xuyên theo dõi và xúc động khi đọc những câu chuyện đời của người Việt trên xứ Mỹ. Bước sang năm thứ 20 của giải thưởng, tác giả đang tiếp tục cho thấy sức viết ngày càng mạnh mẽ hơn. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ, ông tên thật Trần Vinh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Mong ông tiếp tục viết.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và vừa chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Nguyễn Cao Thăng là tên thật của tác giả, 52 tuổi, dân gốc Kinh 5 Rạch Giá, một cựu thuyền nhân, hiện là kỹ sư cơ khí của hãng máy bay Beechcraft tại Wichita, Kansas. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên ông là “Một Vòng 5,000 Miles” ký bút hiệu Thăng Nguyễn. Tiếp theo, 2014, là bài “Đưa Cha Mẹ Già Qua Mỹ”. Thêm một bài mới, Sau bốn năm ngừng viết, Họp Mặt Cựu HS Tân Hiệp. Kiên Giang Tại Georgia.
Tác giả cùng hai con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ. Mười sáu năm sau, bà là chủ tiệm Nails ở Texas và kết hôn với một người Mỹ. Với sức viết giản dị mà mạnh mẽ, tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải Danh Dự năm thứ mười chín, 2018. Bài đăng hai kỳ.
Tác giả đã dự Viết Về Nước Mỹ từ hơn 10 năm trước và mới nhận giải Viết Về Nước Mỹ 2018. Bài đầu tiên của ông là "Kinh 5 Dị Nhân" kể về vùng quê, nơi có hơn 1000 người -phân nửa dân làng- vượt biên mà tới hơn 400 người tử vong- Hiện ông đang là cư dân Orlando, Florida, vùng đất rất quen với bão lụt. Bài viết mới của ông là chuyện cập nhật mùa bão, xin phổ biến kịp thời.
Tác giả tên thật Quách Ngọc Ánh, sinh năm 1954, hiện là cư dân Garden Grove, CA. Trước 75 học Sư phạm Sai gon, một thời dạy học tại miền Trung Việt Nam, định cư tại Hoa kỳ theo diện H.O. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của bà từ Tháng Sáu 2013 là một hồi ức xúc động về việc đi tìm người thân chết khi vượt biển. Bài viết thứ ba của bà được viết nhân khai trường, để Kính tặng các Thầy Cô cuả Trường SPSG; - Thân tặng các Anh Chị cựu Giáo-sinh SPSG; Và riêng tặng các bạn SPSG/ nhất 9 nhị 15/ K.12/73-75.
Tác Giả tham dự VVNM năm 2015, đã nhận giải danh dự năm (2016) và giải “Vinh danh tác phẩm” (Á khôi) năm 2017. Tác giả về hưu từ lâu và đang định cư tại Orange County. Bài viết mới, thể hiện tâm tư và cách nhìn chủ quan của “một kẻ lưu vong bất đắc dĩ,” nói theo tác giả, và không có ý định tạo mâu thuẫn, tranh cãi với những người không cùng quan điểm.