Hôm nay,  

Vượt Qua Nỗi Buồn

31/08/201800:00:00(Xem: 9779)
Tác giả: Năng Khiếu

Bài số 5481-20-31288-vb6083118

 
Khiếu.Trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH.Đến Mỹ năm 1994 theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012. Hiện là công dân hưu trí tại Westminster.Tham dự Viết Về Nước Mỹ năm 2015.Đã nhận giải Đặc Biệt năm 2016. Giải Danh Dự VVNM 2017. Sang năm 2018 nhận giải Vinh Danh Tác Phẩm, thường được gọi đùa là giải Á hậu.

viet ve nuoc My 01
Tác giả nhận giải do nhà văn Nhã Ca trao tặng.

viet ve nuoc My 02
Với Nữ Tài Tử Kiều Chinh.

 
***

 
Cả hàng tháng nay tôi cầm bút lên rồi lại bỏ xuống, viết rồi lại xóa. Đầu óc tôi tràn ngập những giằng co của sự buồn vui lẫn lộn. Buồn vì mẹ mất một tháng trước ngày tôi lãnh giải thưởng của bài văn tôi đã viết về mẹ.

Đêm lãnh giải Việt Báo về hôm ấy, bước chân vào nhà không còn mẹ để con chạy ào vào khoe như năm trước, đểthấy ánh mắt vui mừng của mẹ nhìn con trìu mến, tôi đứng ngẩn ngơ: Mẹ ơi! Con mất mẹ rồi...

Thế nên khi cầm bút, chẳng biết phải bắt đầu từ đâu.  khi tâm trạng không ổn. Nhưng nhờ niềm đam mê viết lách là động lực đã giúp tôi vượt qua mọi khó khăn.Viết còn là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của tôi. Tôi tự nhủ, để cảm tạ ơn trên mình phải viết khi còn thở. Mỗi buổi sáng thức dậy còn thấy ánh mặt trời, còn nghe tiếng chim hót líu lo trong vườn, bắt đầu cho một ngày mới.

Hãy viết để trang trải những tâm tư và suy nghĩ của mình, để cám ơn những người thân và bạn bè xa gần, đã đến nơi hoặc gọi điện thoại chia buồn, an ủi. Một lời lành trong lúc cần như tiếp thêm sức mạnh để mình vượt qua nỗi đau mất mẹ. Nhất là để cám ơn Ban Giám Khảo Viết Về Nước Mỹ và Tòa Soạn Việt Báo đã ưu ái dành một góc tờ nhật báo ngày 12 tháng 7 năm 2018 để phân ưu với Năng Khiếu, sau khi ông xã đến tòa soạn, để đăng cáo phó và chương trình tang lễ. Thật là quý hóa vô cùng.

Đấy là nỗi buồn!  Còn niềm vui? Cũng chính nhờ bài viết về Mẹ “Chín Con Chăm Một Mẹ” mà tôi vừa nhận thêm một giải Viết Về Nước Mỹ.

Tôi nhớ buổi chiều ngày Hội Viết Về Nước Mỹ năm 2018. Bước chân vào nhà hàng The Villa tại thành phố Westminster, đã thấy đông đủ quan khách tham dự. Ba thằng cháu nội, lớn 6 tuổi đứng bên hai em, ba tuổi và hai tuổi, ôm sẵn bó hoa chờ tặng bà, rồi cùng bố mẹ nó vội vã lên xe về Ventura kẻo tối, dù rằng các cháu muốn ở lại chung vui với má nhưng đường xá xa xôi quá.

Quay qua gặp người đẹp cựu hoa hậu Iris Đinh dắt đến ký tên, sách đã để sẵn trên bàn cao.Nhìn  xuốngphòng khánh tiết thấy nữ tài tử Kiều Chinh đang chụp hình với các Fans hâm mộ, tôi cũng xếp hàng bước lên tấm thảm đỏ để được đứng cạnh chị chụp tấm hình kỷ niệm. Còn nhớ cách đây mấy chục năm tại Saigon tôi đã mê phim “Người Tình Không Chân Dung”. Không ngờ bây giờ lại được khoác tay “Người tình”. Chị vẫn còn cái dáng dấp kiêu sa của một tài tử nổi tiếng thời Việt Nam Cộng Hòa xưa.

Hôm ấy tôi đã chọn chiếc áo dài màu tím, cài mảnh tang trắng nơi cổ áo để nhớ về mẹ.

Màu tím pansee của tôi bị chìm lỉm, bởi những tà áo dài truyền thống màu xác pháo,của các cô tiếp tân duyên dáng nổi bật dưới ánh đèn. Gặp họa sĩ  An Phongtay cầm cuộn vé số, tôi nhận ra chị và nói với chị,  năm kia chị trao giải thưởng Đặc Biệt cho em, nhưng chị cười hiền hòa bảo rằng quên rồi mua vé số đi, tôi nói đùa : “ Chị chọn vé nào trúng thì bán cho em” hai chị em người đưa người nhận cùng cười xòa.

 Năm nay tôi cũng được biết cô Hòa Bình, cô vui vẻ và sẵn lòng chuyển hình vào Facebook cho tôi, xin cám ơn cô,  những tấm hình rất đẹp. Tôi gặp chị Bảo Xuân, tôi kể lể với chị, là năm ngoái tôi ngồi cạnh chị mà không biết chị là ai, cả năm cứ tiếc mãi. Cuối buổi tôi gặp chị Phương Hoa, trông chị trẻ hẳn ra với chiếc khăn vấn trên đầu cùng mầu hồng phấn với bộ áo dài cách tân, và còn nhiều người đẹp biết mặt mà không nhớ tên, chỉ nhớ cô Hằng tháo vát và nhanh nhẹn, phải trả lời phone với một tác giả lẩm cẩm như tôi hoài.

Hôm đó tôi cũng mời chị Liên là bạn thân và anh chị “Chú Chín Cali”  để cùng  ngồi chung bàn hàn huyên tâm sự, hôm sau anh chị làm một cuốn Video nho nhỏ tặng riêng tôi, xin cám ơn anh chị Chín.

Khi nghe MC mời Nguyễn văn Tới lên lãnh giải Danh Dự, tôi tính đến chúc mừng. Nhớ năm trước 2017 Tới viết trong ý kiến : “Em cũng đoạt giải Đặc Biệt, nhưng rất tiếc không về tham dự được vì đang làm việc bên Trung Đông. Em vẫn theo dõi mọi hoạt động từ xa, nhờ đọc bài viết về buổi họp VVNM của chị Năng Khiếu mà em biết rõ hơn. Mong ngày về lại nhà, sẽ lái xe qua Cali đến thăm tòa soạn Việt Báo”.

Sau đó trong “ô ý kiến”dưới bài viết của Tới “Tôi Đi Làm Việc Ở Trung Đông” tôi có chúc Tới sang năm được giải thưởng nữa, để có dịp về Cali (thấy nghiệm không?).  Nên buổi tối đó đi tìm, gặp ai nghi nghi là hỏi : “Phải ông là NV Tới không?” Đều bị lắc đầu, đông quá đi hoài cũng ngại. May sao gặp cô Hằng vội hỏi, “Có thấy NV Tới ngồi ở bàn nào không?” Cô nói,  “Hôm nay Nguyễn Văn Tới không về, nhờ người đại diện.” Buồn năm phút.

Nhưng bù lại được ngồi cùng bàn với Tố Nguyễn, phu quân của cô và hai con cũng có mặt, đã lên sân khấu tặng hoa cho mẹ thật là hạnh phúc. Nhưng tôi ngồi cách hai ba người nên không nói chuyện nhiều được với cô, Tố Nguyễn còn rất trẻ, đẹp, học hành thành công trên đất Mỹ, mà không quên quê hương Việt Nam, viết nhiều bài trăn trở về hiện tình đất nước rất ý nghĩa. Ước gì những bạn trẻ trong nước cũng như hải ngoại, có những nhận xét như Tố Nguyễn, thì thật là may mắn cho nước Việt Nam . Đọc những bài cô viết tôi thấy tâm trạng cô giống người con trai lớn của tôi. Cháu cũng một thời học dưới mái trường Xã Hội Chủ Nghĩa. Khi qua Mỹ cháu đã hai mươi tuổi, sau một năm học Anh văn, bước vào bậc đại học, được tiếp xúc với nền giáo dục tân tiến, đời sống cởi mở, tương lai đầy hy vọng.  Cháu  hay so sánh rồi suy nghĩ về quá khứ,  mà cảm thấy buồn, khi từ bên ngoài nhìn về sự dạy dỗ, đào tạo nhân tài của đất nước Việt Nam dưới thời Cộng Sản. Bởi cái xã hội duy lợi, coi trọng tiền bạc, chủ trương bắt học sinh đóng phụ phí. Ưu tiên “Đối tượng nọ”,  đãi ngộ “Chính sách kia”, không biết trọng dụng nhân tài. Nền giáo dục xuống cấp vì nó luôn bị kiểm soát và chỉ đạo, nhằm mục đích củng cố “Quyền lực Đảng trong giáo dục”. Cháu rất thương những người bạn còn ở lại, vẫn liên lạc với các bạn gặp hoàn cảnh khó khăn, hay gửi tiền về giúp đỡ, rồi ngậm ngùi kể cho má nghe.

Mải suy nghĩ vẩn vơ, chương trình đã tiếp đến phần phát thưởng cho các em thiếu nhi Bé Viết Văn Việt. Những màn trình diễn múa hát của các em rất sống động, đem lại nhiều thú vị cho người xem.  Đến khi  phát thưởng cho các giải  Viết Về Nước Mỹ,  tôi cảm thấy người không được khỏe, chân tay lạnh ngắt, có lẽ vì ngồi gần máy lạnh của nhà hàng. Bước lên sân khấu để nhận giải Vinh Danh Tác Phẩm, do nhà văn Nhã Ca trao tặng, hai chân run lập cập, tôi phải cố đứng vững để khỏi khuỵu xuống. Nhờ cái ôm thân tình và được đứng bên cạnh chị, khi MC Hoàng Dũng đưa  micro phone,tôi đã lấy lại bình tĩnh để chia sẻ đôi điều về ý nghĩa bài văn của tôi, vừa được trích đọc và minh họa trên màn hình. Thật là một vinh dự và hạnh phúc trong đời tôi, được diện kiến nhà văn Nhã Ca mà tôi đã mến mộ từ ngày còn trẻ.Nhìn vẻ bên ngoài chị thật bình dị, nhưng đọc những tác phẩm của chị mới thấy trong văn chương, chị lại bản lãnh, sôi nổi và tài hoa khó ai sánh kịp.

Tôi cũng hân hạnh được làm “Á Hậu” cùng chị Đông Trinh đứng bên cạnh Phan, một cây viết gạo cội, có lẽ tuổi đời ít hơn tôi, nhưng Phan đã đến với chương trình Viết Về Nước Mỹ sớm hơn tôi rất nhiều, Phan có rất nhiều độc giả ngưỡng mộ và yêu mến văn phong của anh,  với lối viết đa dạng có lúc đắng cay ngậm ngùi,  có lúc tươi vui dí dỏm. Tôi cũng thích theo dõi những mẩu chuyện ngăn ngắn  đầy ẩn dụ, Phan thật xứng đáng nhận giải Quán Quân. Tôi tự an ủi mình là cây viết mới, hay cây viết có tuổi mà không có tên, nhưng muộn còn hơn không. Tôi muốn đến chị Đông Trinh để xin địa chỉ  liên lạc nhưng hồi hộp và xúc động quá quên mất, hẹn chị một dịp khác.


Trong buổi Đại Hội Việt Báo hôm ấy, tôi cũng gặp được nhiều người quen. Như LS Nguyễn Hoàng Dũng. Mới tuần trước,  ngày 5/8/2018  tại Hội Cựu Học Sinh Liên Trường Pleiku, gặp anh tôi dặn tuần tới có làm MC lễ phát giải Viết Về Nước Mỹ, thì phỏng vấn tôi nhè nhẹ thôi nha! Anh cười gật đầu. Gặp bạn học cùng trường ở Pleiku như chị Đông đi cùng anh là hai ông bà chủ tiệm vàng  Jean’s Jewelry trong Thương Xá Phúc Lộc Thọ, năm nào cũng có mặt để yểm trợ chương trình Viết Về Nước Mỹ. Anh chị không ngờ tôi được lãnh giải, chúc mừng rối rít.

Anh Nguyễn Thanh Huy vừa là nhà báo và “nhà thơ” cộng tác với tòa soạn Việt Báo, cũng là người đồng hương Pleiku với tôi,  mà mỗi lần đi họp mặt Liên Trường  vẫn gặp anh đeo theo máy chụp hình, nhưng không dám nhờ. Chiều nay tôi mới dám nhận người quen để nhờ anh bấm giùm vài tấm hình trong buổi tối đặc biệt này. Anh ghi địa chỉ Email của tôi để về gửi hình. Khi về mở “Bản Tin Cựu Học Sinh Liên Trường Pleiku 2018” thấy tên tác giả Thanh Huy dưới hai bài thơ  “Pleiku ngày trở lại” và bài  “người về” tôi thích nhất những câu:

 
Trở lại Pleiku chiều nắng nhạt
Cúc vàng rộ nở đón thu sang
Pleime thành cũ buồn thiên cổ
Ta bước đi trong nỗi bẽ bàng…
 

Đó là hai bài thơ của anh Thanh Huy mà Chị Mỹ Hường trong ban biên tập đã xếp trước bài “Xin giới thiệu và chúc mừng bạn Năng Khiếu đã nhận được “Giải Thưởng Viết Về Nước Mỹ” của Việt Báo .

Nhân đây, Năng Khiếu mượn bút thay lời cám ơn đến các Thầy Cô, các bạn cựu học sinh Liên Trường Pleiku, đã Email, gọi điện thoại chúc mừng và chia vui, khi nghe tin Năng Khiếu đoạt giải Viết Về Nước Mỹ ba năm liền.

Năng Khiếu thật may mắn và hạnh phúc khi nhận giải viết văn của mình. Tôi không quên  khi xưa mình được học tập tại trường Trung Học Công Lập Pleiku, nhờ các thầy cô đầy tâm huyết, không những truyền thụ giúp mở mang về kiến thức, mà còn dạy dỗ, giáo dục về đạo đức hình thành nhân cách của con người, như câu “Không thầy đố mày làm nên”.

Sau sáu bảy năm Trung Học sống tại Pleiku, là thời gian đẹp nhất của tuổi học trò. Không quá nhỏ như Tiểu Học, không qúa lớn như lên Đại Học phải lo bon chen vào đời. Trải qua bao thăng trầm của đất nước, vì hoàn cảnh tôi theo gia đình chuyển về Saigon. Lời cám ơn thầy cô đôi khi chưa nói được. Tuổi học trò bay nhanh theo thời gian, nhưng dù đi đâu,trong ký ức tôi vẫn nhớ về những kỷ niệm vui buồn dưới mái trường thân yêu thời Trung Học “Thời gian dẫu bạc mái đầu. Tim trò vẫn tạc đậm câu ơn thầy”.

Nhất là vào những ngày tháng ở tuổi về chiều, tại hải ngoại này tôi còn “Từng bước, từng bước thầm” đến được buổi  họp mặt Liên Trường Pleiku để gặp bạn bè, gọi nhau mày tao như thời tuổi trẻ. Được thấy thầy trò tóc bạc như nhau.Cám ơn cuộc đời đã cho tôi gặp được những thầy cô mà tôi hằng quý trọng và nhớ mãi hình ảnh, cô Bùi Mỹ Dương dáng người quý phái, vẻ mặt phúc hậu, cô là em của nhà văn Bùi Bảo Trúc. Cô Vũ thị Bích, cô Nghĩa Chấn… Thầy Trần Đình Thành hồi trẻ rất giống cố Tổng Thống Kenedy, nên học trò đặt là “Thành Kenedy”, thầy Lê văn Lập….và còn nhiều không giấy bút nào kể hết. Nhưng đặc biệt nhất là thầy Thái văn Duy dậy văn, thầy giảng thao thao bất tuyệt, từ câu thơ lục bát, vần thơ thất ngôn bát cú… đến những bài văn xuôi. Nhất là truyện Kiều của Nguyễn Du thì tuyệt vời, học trò nghe mê mải quên cả thời gian. Ngày ấy tôi luôn được điểm cao các bài bình luận cổ văn và kim văn. Thỉnh thoảng có bài luận văn được chọn làm mẫu đọc trong lớp. Có thể thầy Duy không nhớ tôi trong hàng trăm, hàng ngàn học trò, nhưng tôi vẫn nhớ từng lời dậy của thầy.

Khi tạm biệt thầy cô ra về tôi tự nghĩ, không biết năm tới có còn gặp lại không?

Tôi còn nhớ sau đêm nhận giải thưởng tôi đã nằm mơ thấy mẹ. Có điều lạ, tôi nhìn thấy mẹ còn khỏe mạnh, mặt mũi đầy đặn, chứ không móm mém như lúc mất. Giật mình dậy không ngủ lại được, nằm nhớ hồi nhỏ, còn đi học tôi rất mê đọc tiểu thuyết, mà ba tôi cấm  vì sợ sao lãng việc học và ảnh hưởng tánh tình lãng mạn như các nhân vật trong truyện. Vì thế mỗi tối học bài xong, lúc đi ngủ, tôi mang đèn pin vào giường rồi trùm chăn,  đọc dần dần cuốn  Đoạn Tuyệt của Nhất Linh. Vì ở Việt Nam nhà tôi đông con,lại không có phòng riêng từng người, chị em nằm chung trong một buồng ngủ. Có lần, tôi giấu cuốn truyện Nửa Chừng Xuân của Khái Hưng bên dưới sách bài học, bị ba tôi bắt được người đã xé đôi quyển truyện tôi mượn của bạn. Sau đó tôi phải mua quyển mới để đền,  tiếc mãi. Nhưng mỗi lần mẹ tôi thấy tôi ôm quyển sách học bài, thì mẹ không sai tôi làm việc mà để yên cho tôi học. Nhờ Mẹ nương tay, nên giờ ba đi làm vắng nhà, tôi cũng đọc được nhiều sách.

Mấy năm gần mất, mẹ tôi yếu nhiều, tôi phải chăm sóc mẹ suốt ngày. Mỗi lần thấy tôi gõ lọc cọc trên laptop là mẹ không sai biểu gì, có lúc tôi mải mê làm việc trong phòng quên cả giờ  xay cháo cho mẹ ăn, mẹ gọi  và hỏi : “Nãy giờ con đi đâu mà mẹ không thấy” tôi nói là con đang viết truyện, mẹ cười rồi bảo :  “Vậy con cứ viết tiếp đi, chút nữa ăn cũng được”. Mỗi lần tôi gửi bài đi mà được đăng trên báo, mang vào khoe, thấy tôi mừng, mẹ cũng vui lây.

Là đứa con lớn trong gia đình, tôi đã sống gắn bó với mẹ từ nhỏ tới bây giờ, nênrất hiểu ý mẹ. Me tôicũng giống như hàng vạn, hàng ngàn các bà mẹ trên trái đất này, suốt đời sống vì chồng, vì con. Tôi đã quan sát và lấy mẹ làm mẫu để viết nhiều bài kể lại những diễn tiến xác thực về hoàn cảnh của một góa phụ trẻ, cũng như nỗi niềm một bà mẹ quê sanh ra từ đầu thế kỷ trước. Rất hiền lành và nhẫn nhịn, nhưng có lúc cũng can trường để bảo vệ những đứa con của mình, như gà mẹ sẵn sàng dương đôi cánh che chở đàn con, trước chim diều hâu hung ác. Thế là các bài “Người Mẹ Tị Nạn, Bà Ngoại Tôi, Người Góa Phụ Tuổi Dậu và Chín Con Chăm Một Mẹ….” được hình thành.

Nhưng rồi vào một đêm gần sáng, đầu tháng Bẩy 2018,  mẹ đã ra đi vĩnh viễn, bỏ lại chúng con với bao thương nhớ khôn nguôi! Hơn 90 năm một kiếp sống. Có những lúc lận đận, lao đao vì bố chúng con mất sớm. Có những lúc nghẹn ngào vất vả vì đàn con dại, mà không than thở cùng ai!

 Nhìn Mẹ nằm yên nghỉ trên giường, đôi mắt nhắm nghiền, như đang đi vào giấc ngủ ngàn thu, mái tóc bạc, bấy lâu nay con vẫn cắt tém gọn ghẽ cho mẹ, vừa được cô chuyên viên Hospice gội sấy sạch sẽ, chải chuốt vài phút trước khi mẹ từ giã cõi trần. Mẹ ra đi không đau đớn, không muộn phiền, nét mặt điềm nhiên, thanh thản như cả cuộc đời trầm lặng của mẹ.

                                                *

Xin cảm ơn “Viết Về Nước Mỹ” đã cho tôi cơ hội để viết lên những điều tôi muốn nói,  đểgóp một bàn tay nhỏ trong trong bộ sách ngàn người viết về những trang sử sống của người Việt hải ngoại.

Rất mừng vì có nhiều cây bút trẻ tham gia để cùng duy trì và truyền bá giữ gìn tiếng Việt, nhân bản và phóng khoáng của Việt Nam Cộng Hòa xa xưa.

Mỗi người có một cách để đương đầu với nỗi buồn! Người thì chôn chặt trong lòng, người thì tìm đến một vị cố vấn tâm linh. Riêng tôi, tôi chọn cách viết ra để chia sẻ những suy nghĩ của mình.Viết những kỷ niệm, những hồi ức về mẹ. Để mong nỗi buồn nguôi ngoai.

Tôi có cảm tưởng lần này lãnh thưởng là món quà cuối cùng mẹ tặng cho tôi. Vì chính bài viết về mẹ đã giúp tôi đoạt giải. Lúc sinh tiền, mẹ luôn hỗ trợ niềm đam mê viết văn của tôi. Thêm một mùa Vu Lan đang trở lại. Việc có ý nghĩa nhất với tôi bây giờ là viết về Mẹ, về nỗi đau mất mẹ và về cả niềm vui nhờ viết về Mẹ mà tôi đã được hưởng.

Năng Khiếu

Ý kiến bạn đọc
01/09/201804:14:00
Khách
Cám ơn Tố Nguyễn và Phạm thị Kim Dung, đã đọc bài viết và chia sẻ.
Xin ghi nhận sự quan tâm và lời chia buồn.
Chúc Tố Nguyễn và Kim Dung luôn bình an và mọi sự tốt đẹp.
31/08/201817:50:28
Khách
Chào chị Năng Khiếu,
Xin gởi lời chia buồn cùng chị và quý quyến về sự mất mát to lớn này, bởi Mẹ đã không nữa. Cuối tháng 7 vừa qua, KimDung đã được gặp Thầy Cô Trần Đình Thành trong buổi tiệc họp mặt của trường CPL, Thầy đã kể cho KD về buổi họp mặt của trường Pleiku và kể về cô học trò Năng Khiếu. Thầy bảo, Thầy rất hãnh diện và vui mừng có những em học trò được lãnh giải thưởng VVNM.
Chúc chị được nhiều sức khoẻ và vượt qua được nỗi buồn.
Trân trọng,
Ptkd
31/08/201816:40:12
Khách
Cháu cũng xin chia buồn với cô và gia đình.
Hôm đó cô mặc chiếc áo dài rất đẹp,không có "chìm" tí xíu nào.Cháu cám ơn cô đã dành những lời ưu ái cho cháu,vì cháu cũng loay hoay lo cho mấy bé nên không có dịp hầu chuyện với cô hôm đó.Mong lắm năm sau cháu sẽ được gặp lại cô và trò chuyện nhiều hơn.
Cháu rất thích bài Chín Con Chăm Một Mẹ của cô,gương hiếu hạnh của cô và gia đình thật đáng ngưỡng mộ.Mẹ cô đã sống trọn một cuộc đời thật là ý nghĩa,chắc rằng bây giờ bà cụ đang thong dong trên trời cao và mỉm cười nhìn những người con cháu hiếu thảo,giỏi giang của Cụ,cháu mong cô vơi bớt nỗi buồn.
31/08/201815:56:02
Khách
Xin cám ơn lời chia buồn của Đông trinh và Phan. Được đứng cạnh hai người mà tôi luôn ái mộ, đó cũng là một kỷ niêm khó quên. Cám ơn Đông Trinh đã cho mình số Phone sẽ nói chuyện nhiều với Phan và Đông Trinh sau.
Cám ơn NV Tới và Chú Chín Cali đọc những lời chia sẻ của các bạn mà NK không cầm được nước mắt. Đúng rồi Trung là em của chị, đúng là quả đất xoay tròn, sẽ nói qua Email nhiều hơn.
Xin chúc mọi người luôn an vui.
31/08/201815:21:18
Khách
Những lời tâm sự chân thành tràn đầy tình cảm thật dễ thương của chị đã biễu lộ tấm lòng của người con hiếu thảo, sự trân trọng của cây viết tuy lớn tuổi đời nhưng tươi trẻ trong nghiệp văn chương đã chiếm được sự ưu ái của bao đọc giả
Thân ái có đôi lời xin được chia sẽ cùng chị.
CCC
31/08/201815:06:43
Khách
Đúng vậy chị NK ơi, CVK là trang liên lạc của CVKontum tụi em. Giờ mới biết chị có người em là anh Trung lớp CVK67, em lớp cvk70, nhỏ hơn 3 lớp. Anh em cũng gặp nhau vài lần qua những buổi họp mặt. Cách đây mấy tháng tụi em có chia buồn cùng anh Tr. về cái tang gia đình mà không biết đó là Mẹ của chị. Giờ em xin chia buồn cùng chị lần nữa. Thêm 1 chi tiết làm em không ngờ nữa là em cũng dân La-Cu (PLeiku) như chị. Sau 75 chịu không nổi tụi địa phương, gđ em vế quê và đi kinh tế mới. La terre est ronde. Trái đất tròn thiệt. Email riêng em là: millspropllc@gmail.com . Chị em mình sẽ nói chuyện nhiều hơn qua email nhé. Thân mến.
31/08/201810:37:25
Khách
Cảm ơn chị Năng Khiếu rất nhiều về những chia sẻ tâm tình với độc giả VVNM. Phan cũng như chị Đông Trinh, xin được chia buồn với sự mất mát lớn của chị trước hôm lãnh giải năm nay. Làm sao nói hết nỗi buồn khi không còn mẹ như câu thơ Phan đã được học hồi nhỏ ở quê nhà, "như mặt trời chỉ có một mà thôi/ và mẹ tôi chỉ có một trên đời..."
Mong được đọc tiếp những bài viết của chị. chúc chị và gia đính luôn bình an.
Phan
31/08/201807:21:26
Khách
Đọc và vô cùng xúc động với lời lẽ chân tình của chị. Xin chia buồn với sự mất mát quá lớn lao trước ngày đi lãnh giải thưởng. Cầu xin hương linh bác lử nơi an lạc. Rất mong được đọc tiếp nhiều bài khác của chị nha. Chị vô fb Dong Trinh hoặc phone cho Đ số 479 221 0016 khi có rãnh chị nhé. Chúc chị luôn vui, khỏe . Thân ái. Đông.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 3,655,086
Tác giả đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ 2015. Ông vượt biển tháng 12 năm 1983, đến Mỹ tháng 1 1985, hiện là một kỹ sư làm việc tại San Jose. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên kể về bà mẹ Việt du lịch Mỹ thăm con, được phổ biến vào dịp Mothers Day 2013, hiện đã có hơn 541,000 lượt người đọc. Sau đây là bài viết thứ năm của ông.
Tác giả tham dự Viết Về Nước Mỹ từ năm 2004. Võ Phú là tên thật. Sinh năm 1978; sinh quán Nha Trang-Việt Nam; định cư, tại Virginia-Mỹ, 1994. Tốt nghiệp cử nhân Hóa, Virginia Commonwealth University. Hiện đang làm việc và học tại Medical College of Virginia. Sau 12 năm bặt tin, tác giả trở lại với Viết về nước Mỹ từ 2016. Bài viết mới của Võ Phú năm 2018 là chuyện vui từ lớp dạy tiếng Việt.
Tác giả từng sống ở trại tỵ nạn PFAC Phi Luật Tân gần mười một năm. Ông tên thật Trần Phương Ngôn, hiện hành nghề Nail tại South Carolina và cũng đang theo học ở trường Trident Technical College. Với bài "Niềm Đau Ơi Ngủ Yên" viết về trại tị nạn Palawan-Philippines, Triều Phong đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả định cư tại Pháp nhưng thường lui tới với nước Mỹ, tham gia Viết Về Nước Mỹ từ tháng Ba 2010. Họp mặt giải thưởng năm 2011, bà đã bay từ Paris sang California để nhận giải Vinh Danh Tác Giả -thường được gọi đùa là giải Á Hậu. Sau đây, thêm một bài mới của tác giả.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016. Với “Viên Đá Kỳ Diệu,” một trong bốn bài viết về nước Mỹ của ông, Thảo Lan đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ năm thứ 19.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Tại Việt Nam. bà là cô giáo dạy bậc tiểu học, sau khi tốt nghiệp trường Quốc gia sư phạm Sàigòn. Dạy ở Việt nam 22 năm. Qua Mỹ diện con bảo lãnh, năm 1992. Đi may hãng Mỹ hơn 10 năm thì hưu trí, ở nhà dạy cháu học chữ Việt, và dạy chữ Việt ở trường Lạc-Việt ở Louiville, KY. Bà đã xuất bản ba quyển sách:
Với bài viết đầu tiên từ tháng Sáu 2017, tác giả đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Thư kèm bài, cô cho biết đang làm tax accountant ở Los Angeles, thường xuyên theo dõi và xúc động khi đọc những câu chuyện đời của người Việt trên xứ Mỹ. Bước sang năm thứ 20 của giải thưởng, tác giả đang tiếp tục cho thấy sức viết ngày càng mạnh mẽ hơn. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả cùng hai con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ. Mười sáu năm sau, bà là chủ tiệm Nails ở Texas và kết hôn với một người Mỹ. Với sức viết giản dị mà mạnh mẽ, tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải Danh Dự năm thứ mười chín, 2018.
Tác giả đã nhận Giải Việt bút Trùng Quang 2016 và vừa nhận thêm Giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2018. Ông tốt nghiệp cử nhân về Ngôn Ngữ Học tiếng Tây-Ban-Nha tại UC Irvine. Sau 5 năm rời trường để theo học tại UCLA, tốt nghiệp với hai bằng cao học và tiến sĩ về ngành Ngôn Ngữ Học các thứ tiếng gốc La-Tinh, ông trở lại trường cũ và thành người đầu tiên giảng dạy chương trình tiếng Việt, văn hoá Việt tại UC Irvine từ năm 2000 cho tới nay. Bài viết mới của ông về quan hệ giữa cha mẹ và con cái.
Tác giả tên thật Lý Tuyết Mai, cư dân Pomona, CA. làm việc tại Bộ Xã Hội. Đến Mỹ khi còn tuổi học trò, cô thuộc "thế hệ gạch nối" của người Việt tại Mỹ. Với bài viết về chính sách của Bộ Xã Hội Mỹ đối với trường hợp một cô bé gốc Việt 16 tuổi mang bầu, Bảo Trân đã nhận giải Vinh Danh Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ 2009. Bài viết mới của cô là một du ký, đăng 2 kỳ.