Hôm nay,  

Xuất Hành Đầu Năm

16/02/201800:00:00(Xem: 7472)

 

Tác giả: Bảo Trân

Bài số 5313-19-31159-vb6021618

 

Mùng Một Tết Mậu Tuất 2018. Việt Báo Viết Về Nước Mỹ kính chúc bạn đọc và bạn viết  một Năm Mới Tốt Đẹp. Mừng Nguyên Đán năm Tuất, mời đọc đọc bài mới của Bảo Trn. Tác giả tên thật Lý Tuyết Mai, cư dân Pomona, CA. làm việc tại Bộ Xã Hội. Đến Mỹ khi còn tuổi học trò, cô thuộc "thế hệ gạch nối" của người Việt tại Mỹ. Với bài viết về chính sách của Bộ Xã Hội Mỹ đối với trường hợp một cô bé gốc Việt 16 tuổi mang bầu, Bảo Trân đã nhận giải Vinh Danh Tác Phẩm - thường gọi đùa là giải á hậu - Viết Về Nước Mỹ 2009. Bài mới sau đây của cô dành cho Ngày Nguyên Đán.

 

***

 

Không biết từ khi nào tôi bận tâm về cái việc xuất hành đầu năm!  Hồi còn ở quê nhà thì khỏi nói, chuyện xuất hành, hái lộc đâu phải là phần vụ của lũ con nít chúng tôi.  Ở cái tuổi ăn chưa no, lo chưa tới, lại còn được nghỉ Tết cho đến qua mùng Năm mới phải đi học lại, nên tối giao thừa năm nào mấy chị em tôi cũng hân hoan chống mắt ngồi chờ bố châm ngòi đốt cái tràng pháo đại dài thòng lòng mà bố đã treo trên thành lan can trên lầu từ trước khi ăn cơm chiều.  Mấy chị em tôi và lũ trẻ hàng xóm xúm xít nhau ngồi bịt tai nghe pháo nổ tách đùng cả một lúc lâu và thích chí nhìn xác pháo bắn tung tóe đỏ hồng cả một góc sân.  Mấy đứa em tôi còn lẩn thẩn đi tìm xem còn cái ngòi nào chưa nổ để châm tiếp.  Xong rồi chúng tôi ngồi túm lại nhâm nhi mấy cái món mứt ngày Tết và thức chờ bố đi xuất hành về để được lì xì và ăn quýt ngọt lấy hên năm mới.

Sau này vì tình hình chiến tranh nghiêm trọng, Sài Gòn bị giới nghiêm, chúng tôi không còn được đốt pháo và bố không còn được đi xuất hành nữa, nên đêm giao thừa, trong khi chờ má hạ cỗ chia quýt lấy hên đầu năm, mấy đứa tôi ngồi cắn hạt dưa tí tách rồi xả đầy một khoảng sân thay cho xác pháo. 

 Qua tới Mỹ, trong khi má tôi lăng xăng đèn hương trên mấy cái bàn thờ đón giao thừa, và bố tôi sẵn sàng khăn áo ra khỏi nhà xuất hành, hái lộc thì mấy chị em tôi say sưa nằm ngủ, bởi vì nếu ngày mùng Một không nhằm cuối tuần thì ngày hôm sau chúng tôi vẫn phải dậy sớm đón xe bus đi học.  Hồi đó, mấy ông thầy, bà cô đâu có màng tới cái “Chinese New Year”, nên đâu có thông cảm cho học trò nghỉ học ở nhà ăn Tết.  Những năm tháng ly hương đầu tiên, chưa có chùa chiền, nhà thờ, miếu mạo như bây giờ nên muốn xuất hành hướng tốt lấy hên thì bố phải đi đến một cái chợ nào ở về phía hướng đó, mua về cho má một chục quýt thật to, một bịch đường, một hũ muối và một bó hoa thật đẹp để cầu mong cho một năm mới được đại cát, ngọt ngào, mặn mà và tươi tốt. 

Tới lúc có gia đình, ở riêng rồi thì tôi cũng chưa nghĩ đến cái việc xuất hành đầu năm theo hướng tốt lấy hên, bởi vì chúng tôi đang còn trong thời hàn vi.  Ông chồng tôi, vẫn còn trong giai đoạn chờ ngày “vinh quy bái tổ” nên đầu năm nào cũng phải theo hướng... trường học mà đi tới.  Còn tôi lúc đó thì phận công chức ba cọc ba đồng nên cũng chẳng có gì mà thắc mắc, cũng theo hướng... sở làm lấy hên, vì không nhận lãnh tờ giấy màu hồng, còn được đi tới sở để làm việc là hên rồi.  Tới chừng có con, có cái rồi thì tôi chỉ xin nghỉ làm một ngày mùng Một cho thong thả, để ngày đầu năm khỏi phải tay xách, nách mang, vác tã, sữa, đem con đi gửi.

 

&

Rồi ông chồng tôi ra trường, có việc làm tốt, lên chức, lên lương đều đều mỗi năm nên gia đình tôi có cơ hội dọn về vùng đồi núi, mua nhà mới, mua xe mới, thực hiện giấc mơ của người Mỹ: “American Dream”.  Cuộc đời cứ thế mà trôi, bình yên trôi, nên tôi cũng chưa bao giờ nghĩ đến việc tìm hướng xuất hành đầu năm lấy hên.  Tới chừng ông Tổng Thống Reagan thay đổi, xóa tan cái hạnh phúc tốt đẹp của những kỹ sư điện tử quốc phòng thì chồng tôi bị thất nghiệp.  Tìm hoài cũng không có việc nào thích hợp nên ông bèn nhảy sang cái nghề buôn bán tự do cho nó khác biệt hơn cái nghề sáng cắp ô đi, tối cắp ô về.  Vì là cái nghề tự do nên thu nhập cũng tự do… lên xuống.  Từ đó, tôi chăm chỉ với những lời cầu nguyện chỉ mong được một cuộc sống… êm đềm, áo ấm, cơm no. 

Những năm sau này kinh tế Mỹ suy thoái nên công việc làm của ông chồng tôi cũng bập bềnh theo vận nước nổi trôi.  Tôi chăm chỉ nguyện cầu nhiều hơn trước.  Tôi đâm ra quan tâm hơn đến cái việc xem hướng tốt để xuất hành ngày đầu năm.  Tôi đã tin vào cái lý thuyết là nếu xuất hành hướng tốt, hay được người mang những cái tên có âm hưởng “Lộc, Tài, Phúc, Vượng...” đến xông nhà cho mình ngày đầu năm là suốt cả năm tôi sẽ đón nhận được tất cả mọi điều tốt đẹp, ăn nên, làm ra.  Tôi đã lo lắng để đi tìm những người có gia đình hạnh phúc, có công ăn việc làm vững chắc, có những cái tên gọi lên là đã nghe... “hên” đến xông nhà những năm khác nhau, để xem có thay đổi được cái vận mạng dập dềnh của gia đình tôi không.  

Mà cái việc mời, đón tiếp những người đến xông nhà cũng phiền hà lắm chứ chẳng thoải mái gì.  Này nhé, đêm hôm trước, tôi đã phải nhắc đi nhắc lại với những người đến xông nhà là nhớ đem cho tôi hai cái lì xì đỏ có chút ít tiền mới ở bên trong, một chục quít, hay ít nhất cũng là 4 trái quít tượng trưng cho “tứ quí, đại cát”, và sáng sớm tôi phải thức dậy sớm hơn giờ Hoàng Đạo mấy tiếng đồng hồ để sửa soạn trà, rượu, chè, cháo… đón những người “hên”. Khi mấy người đó đến phải hân hoan “la” thật to:  “Tài, Lộc đến rồi”, và vồn vã đón Tài, Lộc vào nhà, lì xì nhau, bóc quýt mời nhau ăn chia nhau đại cát, mời trà, mời rượu, mời ăn chè trôi nước (tượng trưng cho năm mới đoàn viên), mời ăn cháo nấu với hạt sen, phù chúc cho thanh tịnh ngày mùng Một… trước khi đi xuất hành, lễ Phật.  Trước khi ra cửa, phải xem có… “quý bà, quý cô” nào đang tản bộ trước cửa nhà hay không, kẻo lại bị mất hên vì… ra ngõ gặp gái.

Cho dù có dặn dò giờ giấc kỹ lưỡng từ đêm hôm trước, nhưng có phải năm nào những người đến xông nhà cũng hăng hái đến đúng giờ đâu.  Tôi lại một phen đứng ngồi không yên khi tới giờ tốt rồi mà Tài Lộc còn dung dăng, dung dẻ ở nơi nào.  Ông chồng tôi phải cầm phone để giục giã mấy người “hên” mau mau tới.  Nhưng khi những người “hên” này bảo còn bận việc chưa thể đến được là ngày mùng Một năm đó… hết vui, vì đã quá giờ Hoàng Đạo.  Thế là tôi lại canh cánh âu lo vì thế nào cả năm đó Tài Lộc cũng sẽ… từ từ mới tới.

Tôi cũng đã nhiều năm tin tưởng vào cái lý thuyết, nếu chịu khó đi hành hương lễ Phật nhiều chùa trong ngày đầu năm sẽ được hưởng nhiều ơn phước.  Thế là, mỗi ngày mùng Một, tôi và chồng, “hùng hục” đi từ Nam tới Bắc, từ Đông sang Tây để... đi chùa lễ Phật.  Tôi ở vùng thung lũng thông xanh, gần địa phận San Bernardino Valley, nhưng chúng tôi cũng chịu khó cất công đi tận lên Phật Học Viện Quốc Tế ở vùng San Fernando Valley, rồi chạy một vòng các chùa ở El Monte, Rosemead, xong đi tiếp xuống Long Beach đến chùa Phật Tổ, trước khi hành hương một loạt chùa ở Orange County.

Quả thật là... “hùng hục”, vì chúng tôi chỉ có đủ thì giờ vào chính điện thắp hương, lễ Phật, “cắp” vài trái quít, cành hoa.  Đến chùa nào gặp được bữa trưa, thì chúng tôi cũng ráng nhín chút thì giờ, xin vội tô mì, tô bún, ăn qua qua lấy lộc, rồi lại nhanh nhanh ra xe đi đến ngôi chùa kế tiếp, đếm cho chẵn mười ngôi chùa để được… mười phân vẹn mười ơn phước.  

Nhưng mà... mặc cho tôi hùng hục đi đếm số chùa hành hương lễ Phật, và loay hoay tính toán, xếp đặt, đổi thay người đến xông nhà, công việc làm ăn của chồng tôi vẫn cứ thế... lềnh bềnh theo kinh tế nổi trôi. 

 

&

Dần dà rồi, tôi thấy quá mệt mỏi để hùng hục đi tìm vận mệnh tốt, nên những năm sau này tôi đã làm một cuộc cải cách.  Tôi đã đón năm mới của tôi một cách thật thong thả.  Tôi không còn lo mời người đến xông nhà lấy hên đầu năm, và tôi cũng chẳng đi hành hương nhiều chùa như những năm trước nữa.  Tôi chỉ chọn một ngôi chùa nằm trên hướng tốt, đi tới lễ Phật, để mong tìm phước lành cho năm mới mà thôi. 

Thế là sáng mùng Một Tết, tôi và chồng thư thả dậy lúc chín giờ rưỡi sáng.  Vì không phải hấp tấp sửa soạn bánh trái, trà nước, để đón tiếp người đến xông nhà nên chúng tôi thong thả rửa mặt mũi, thay quần áo rồi xuống nhà pha cà phê, ăn sáng.  Trong lúc chờ cà phê nhỏ giọt thì ông chồng tôi đi thắp hương, đốt nến trên những bàn thờ, cầu nguyện.  Trở lại bàn ăn sáng, uống cà phê xong xuôi, cũng còn dư giả thì giờ, chúng tôi tà tà sửa soạn xách máy hình đi xuất hành, hái lộc đầu năm.

Vì chỉ cần đi theo hướng tốt đến cầu an ở một ngôi chùa nên chúng tôi đã không quản ngại đường xa.  Có năm, chúng tôi phải đi về hướng Đông Nam.  Từ nhà tôi, muốn đi về hướng Đông Nam thì chỉ có thể đi về phía Riverside.  Mấy ngày trước Tết, tôi đã lên mạng tìm tòi, tìm mãi cũng chỉ thấy có một ngôi thiền đường mang tên “Thích Ca Thiền Viện”.   Thôi thì đầu năm tìm về thiền đường cho tâm trí bình an, thanh tịnh. 

Thích Ca Thiền Viện nằm trong một vùng rừng núi xa xôi tận Riverside County.  Ngôi chùa mang tính chất của một thiền đường hơn là một ngôi Phật Tự.  Vì là ngày thường, và chùa không nằm trong một khu thị tứ, nên không có nhiều người đến chùa lễ Phật đầu năm. Chúng tôi đi vào trong khuôn viên chùa, thì gặp được vài khách thập phương đang vin cành bưởi sai trái của chùa bẻ lộc.  Vào sâu thêm một khoảng nữa thì tôi gặp thầy TD từ Florida sang đang thơ thẩn trong sân chùa.  Nhìn cái tướng ngơ ngác của hai vợ chồng tôi thầy biết ngay là khách mới đến chùa lần đầu.  Thầy chỉ cho chúng tôi biết gian nào là chính điện, cũng là nơi để thiền sinh tu học, gian nào là nhà bếp, gian nào là nơi cư ngụ của các thầy.  Thầy bảo nếu muốn chiêm ngưỡng nhiều hình tượng Phật, thì đi qua vùng bảo tháp nằm ở phía bên kia lạch nước.

Vào chính điện lễ Phật xong, hai vợ chồng tôi theo lời chỉ dẫn của thầy TD đi qua bên vùng bảo tháp chụp hình tượng Phật đang ngồi giảng pháp, chung quanh có tăng chúng và muông thú vây quanh.  Rồi chúng tôi đi chung quanh bảo tháp chụp hình mấy tượng Phật với những hình tượng ngồi, nằm khác nhau.  Trước khi đi ra bãi đậu xe, chúng tôi cũng không quên chụp hình bà hoàng hậu Maya và Đức Phật ở vườn Lâm Tì Ni trong ngày Đản Sanh.  Tôi cũng đã định bắt chước khách hành hương bẻ trái cây trong vườn chùa... hái lộc, nhưng ông chồng tôi cản, ổng nói nếu mà ai cũng "hái lộc" kiểu đó thì mấy cái cây kiểng trong chùa sẽ trụi lủi, khó coi, nên tôi chỉ dám xin thầy TD mấy trái táo, và cái lì xì đỏ có những câu thơ phước lộc bình an.

 

&

Năm nay cũng thế, tôi quyết định cũng sẽ tiếp tục theo chương trình cải cách mới của tôi - xuất hành đầu năm theo hướng tốt, và chỉ đi đến một ngôi chùa. -  Hơn nữa, gần một năm nay tôi đã giã từ khách hàng, xếp lớn, xếp nhỏ, cùng luật lệ, kiện tụng binh vực dân quyền… nên được thảnh thơi, tôi không còn lo việc mong ước tăng lương, thăng chức, nên đâu còn băn khoăn về việc vượng, tài, lợi, lộc nữa. Tôi đâu còn cần tìm hướng tốt để mong… tiền vào như nước.  Tới tuổi này, cái phương hướng tốt nhất mà tôi muốn đi tìm là vui vẻ, bình an và sức khỏe.

Dù vậy, trước Tết mấy tháng, tôi cũng lên mạng đọc báo tìm hướng xuất hành cho yên tâm,  mặc cho ông chồng tôi “rì rầm”, nhắc nhở:

-  Em tin thì cũng tin vừa vừa thôi.  Đức năng thắng số, em hiểu không?  Cứ đi đến chùa cúng Phật, cầu bình an là đã đủ tốt rồi. 

Tôi cũng đồng ý với câu đức năng thắng số, nhưng tôi cũng tin là có kiêng có lành, tránh được những hướng xấu, khỏi gặp hung tinh thì đỡ phải lo âu. 

Dường như năm nay mấy ông thầy soạn Tử Vi có hội thảo cùng nhau, nên mấy ông đều chỉ cùng phương hướng, không như những năm trước mỗi ông bày mỗi hướng, mỗi giờ tốt khác biệt nhau.  Thí dụ như, trong lúc có ông bảo hướng chánh Đông, chánh Nam và chánh Bắc tốt, thì ông khác bảo nên đi về hướng Tây Bắc đón Hỉ Thần, hướng Đông Nam đón Tài Thần; khi ông thầy này bảo giờ Tị là giờ Hoàng Đạo, thì ông kia nói giờ này phạm... "Triệt lộ không vong", nên đã làm tôi có nhiều phen đau đầu vì không biết phải đi theo hướng ông thầy nào! 

Năm nay, chỉ cần đọc qua vài bài Xem Hướng Xuất Hành Đầu Năm là tôi đã có kết quả mỹ mãn: Hỷ thần, hướng Đông Bắc; Tài thần, hướng Nam.  Giờ Hoàng Đạo thì năm nay có đến những 6 canh giờ để chọn, nhưng chỉ có ba canh giờ thật tốt: 5-7 giờ sáng, 9-11 giờ sáng và 3-5 giờ chiều.  Chắc chắn là tôi sẽ không dậy nổi để đi xuất hành lúc 5 giờ sáng, còn chờ tới 3 giờ chiều thì đã hết một ngày Xuân.  Thôi thì tôi chọn giờ ở giữa ngày bước ra đường cho vui tươi, ấm áp. 

Sáng mùng Một Tết, tôi sẽ bắt đầu năm mới với hướng Đông Bắc, tới chùa Pháp Vân ở gần nhà xin vài đóa hoa đào và cầu bình an, rồi sẽ thẳng đường chạy xuống đón Xuân với gia đình Việt Báo ở phương Nam, có hướng của Tài Thần, thử tài vận mình với những chiếc phong bì đỏ lì xì Tân Niên đã được dán trên cái bình sứ to chưng hoa trong phòng khách của tòa soạn.  Tuy không cầu… “tiền vào như nước”, nhưng tôi cũng hy vọng mình sẽ chọn được cái phong bì bên trong ruột là tiền lì xì có in hình của ông Tổng Thống Franklin. 

Bảo Trân

Ý kiến bạn đọc
16/02/201820:22:18
Khách
Theo phong thủy thì việc xuất hành đầu năm rất là quan trọng nhưng lại tùy theo hướng của từng nhà. Muốn có tài thì nhắm hướng nào có…Chase bank mà thăm. Muốn sức khoẻ dồi dào thì theo hướng Bally Fitness Center mà tới. Muốn đại cát thì nhắm hướng tiểu bang Nevada mà đi vì nơi đó nhiều sa mạc lắm đồi cát. Haha.
Ngày đầu năm tôi xin nghỉ ở nhà cũng để đi chùa với vợ con. Vui một chút trong ngày Tết.
Thân chúc độc giả Việt Báo, tác giả và gia đình một năm tài lộc song toàn.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 3,654,036
Tác giả đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2013 và hiện là thành viên Ban Tuyển Chọn Giải Thưởng Việt Báo. Sau đây là bài viết mới nhất của cô.
Tác giả là cư dân Garden Grove, California. Ông qua Mỹ trong một gia đình H.O. từ tháng Sáu năm 1994, vừa làm vừa học và tốt nghiệp kỹ sư điện tử. Sau đây là bài viết về nước Mỹ đầu tiên của ông.
Như mọi năm, báo xuân Việt Báo Tết Mậu Tuất 2018 đã bán hết, ngay trước tết, đã phải dành dụm kỹ mới giữ lại được một số lượng nhỏ cho hai hội chợ Tết. Sau đây, thêm một bài Viết Về Nước Mỹ được trích từ báo xuân. Tác giả là cư dân Paris, bà tham gia Viết Về Nước Mỹ từ năm 2000, năm 2011, và nhận giải chung kết Vinh Danh Tác Giả VVNM. Với cách viết duyên dáng, Đoàn Thị là một trong những cây bút được nhiều độc giả yêu mến.
Tác giả sinh trưởng ở miền Nam sông nước, sang Mỹ năm 1973, nguyên là một chuyên viên quốc tế của USAID về hưu, đang cư trú tại Orange County. TG gia nhập chương trình VVNM từ năm 2015, được chấm giải Danh Dự 2016 và giải Vinh Danh Tác Phẩm 2017.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Bài sau đây được trích từ báo xuân Việt Báo Tết Mậu Tuiất 2018.
Lá thư nầy em viết từ năm mươi năm trước, khi anh đang đóng quân ở Bình Dương, mà rồi chuyện nầy chuyện nọ khiến thư chưa gởi
Tác giả đã nhận giải Việt Bút Trùng Quang trong chương trình Viết Về Nước Mỹ 2017. Bà là nhà giáo dạy ngôn ngữ Việt tại Hoa Kỳ và là tác giả Kim Dzung Phạm, sách “Vietnmese: An Intro-ductory Reader” đã được Viện Việt Học và UC Riverside (SEATRIP) xuấn bản trong năm 2017.
Tác giả là nhà báo trong nhóm chủ biên một tuần báo tại Dallas, đã góp bài từ nhiều năm, từng nhận giải Vinh Danh Tác Giả Viết Về Nước Mỹ. Ông cũng là tác giả có nhiều bài viết đạt số lượng người đọc, trên dưới một triệu.
Tác giả tên thật là Trần Năng Khiếu. Trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH. Đến Mỹ năm 1994 theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012. Hiện là công dân hưu trí tại Westminster. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 8/2015. Đã nhận giải đặc biệt 2016. Nhận giải danh dự VVNM 2017.
Bài trích từ báo xuân Việt Báo Tết Mậu Tuất 2018. Tác giả là cư dân Minnesota, đã nhận giải Vinh Danh Tác Giả Viết Về Nước Mỹ 2008.