Hôm nay,  

Tản Mạn Cuối Năm

31/12/201500:00:00(Xem: 74576)

Tác Giả: Nguyễn Bích Thủy
Bài số 3713-17-30213vb4123115

Tác giả đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2014. Cô sinh năm 1962, tốt nghiệp Đại Học Mỹ Thuật năm 1988 khoa Đồ Họa tại Việt Nam, từng làm công việc thiết kế sáng tạo trong ngành quảng cáo. Cô đến Mỹ tháng 4 năm 2000, hiện là cư dân Waxahachie, Texas. Sau đây là bài viết mới nhất.

blank
Hình ảnh quen thuộc của người dân Hoa Kỳ trong mùa Giáng Sinh.

* * *

Kể từ sau Black Friday thì cả nước Mỹ bắt đầu một đợt mua sắm tưng bừng nhất trong năm, kéo dài đến tận cuối tháng mười hai. Nhân dịp này những gói quà, những cánh thiệp, những e-card chứa đựng biết bao lời chúc hoa mỹ nhất sẽ được gửi đi đến khắp nơi trên quả địa cầu. Người ta không chỉ tặng quà cho nhau mà còn mở lòng ra với những kẻ không hề quen biết và với những ai đang gặp hoàn cảnh khó khăn... Đó là một nét văn hóa rất đẹp vào mùa Giáng Sinh mà tôi đã chứng kiến trong suốt gần mười sáu năm qua tại Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ này!

*

Theo thống kê cho biết X-Mas năm nay mỗi gia đình tại Mỹ sẽ chi ra khoảng 830 đô la cho quà cáp, biếu xén. Đây là một con số lớn nhất kể từ sau cuộc khủng khoảng kinh tế toàn cầu 2008. Nhìn dòng người sắp hàng rồng rắn ở những quày thu ngân tại các khu shopping center cũng đủ hiểu cái mãi lực trong mùa lễ Giáng Sinh là vô cùng lớn!

Người Việt do ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa nên vào ngày Tết thường mừng tuổi cho trẻ em và các vị cao niên bằng phong bao lì xì. Xem ra việc này lại rất hay vì “nội dung” bên trong bao nặng-hay-nhẹ đều tùy thuộc vào khả năng tài chánh của mỗi cá nhân và hầu như chẳng ai muốn “kiểm tra chất lượng” trước mặt người đã lì xì mình vì lý do hết sức tế nhị!

Trong khi đó tại Mỹ hầu như thành viên nào trong gia tộc cũng được nhận quà (bọn nhóc bao giờ cũng được ưu tiên nhất). Mỗi người một cá tính, một ý thích, một gu thẩm mỹ khác nhau nên để chọn cho ai đó một món quà vừa ý họ và cũng vừa túi tiền mình quả thật là một bài toán nan giải. Chưa kể người Âu Mỹ có thói quen mở quà ra xem ngay để thể hiện lòng ưu ái đối với tặng phẩm mình vừa mới nhận. Do vậy, ai ai cũng phải cố gắng mua quà sao coi-cho-được để “vui lòng người nhận, đặng bụng người cho”.

Ở thời đại @ này việc mua sắm online cũng giúp tiết kiệm thời gian rất nhiều. Chỉ cần chịu khó ngồi nhà “rà chuột” khắp các cửa hàng “ảo” trên mạng là mọi người có thể kiếm được quà vừa túi tiền mình. Nhiều đợt khuyến mãi free shipping và giảm giá đến 75% hay clearance y như-ngoài-tiệm.

Trong hãng tôi vào những ngày cận Christmas, do mang cùng một tâm trạng nên gặp nhau người ta thường hay hỏi đúng một câu:” Sắm sửa xong hết chưa?”. Có người bảo đã xong từ tháng trước. Có người nói còn mấy món nữa là dứt điểm. Nhưng lại có không ít người rầu rỉ vì chưa mua gì cả. Một cô bạn nhỏ của tôi đã than thở:

- Tôi đang bị stress vì quà cáp đây! Tôi không biết người ta thích gì để mua hết.

Rồi không chút đắng đo, cô bỗng nhìn tôi nói:

- You coi vậy mà lucky quá!

Tôi đã trợn tròn mắt nhìn cô. Cũng bởi tôi làm việc trong hãng đã lâu nên ai cũng hiểu hoàn cảnh của chúng tôi đang sống “mình ên” không cha mẹ, anh em, họ hàng, bạn bè giữa “xứ Mễ” này. Thỉnh thoảng họ cũng nhìn tôi bằng cặp mắt đầy ái ngại đôi khi pha chút tội nghiệp vào những dịp lễ cuối năm. Tôi cũng đã quen rồi! Nhớ lời một bài hát có viết:

...Tôi giờ như con thú hoang lạc đàn
Từng ngày qua từng kiếp sống quên thời gian.
Kiếp tha hương, lắm đau thương...

Đây là lần đầu tiên tôi nghe một đồng nghiệp bảo mình may mắn, tôi muốn nói rằng tôi đang ao ước được một phần bad luck của cô!! Bởi những ngày cuối năm lúc nào cũng đem đến cho tôi một cảm giác buồn bã, nhớ nhà đến nao lòng. Mấy năm trước thằng con tôi còn nhỏ, nó hay so bì với đứa bạn hàng xóm rằng:

- Mẹ ơi! Fabian được cả đống quà, còn con thì chỉ có mấy cái thôi.

Tôi chỉ biết an ủi nó:

- Có rất nhiều trẻ mồ côi cỡ tuổi con hay nhỏ hơn con không có cha mẹ, anh chị em nên vào dịp Christmas chúng chẳng có ai cho quà gì cả và nếu có thì cũng bé xíu thôi. Con phải vui vì con còn có ba, mẹ và chị Hai bên cạnh. Con may mắn hơn chúng rất nhiều.

Giờ đây con trai tôi đã lớn, chắc nó cũng đã hiểu nên có vẻ thích nghi với cuộc sống “lạc đàn” của chúng tôi rồi!!!

Vào ngày 24 tháng 12 các khu Shopping Center thường đóng cửa lúc sáu giờ chiều để nhân viên còn kịp thu xếp thời gian về ăn tiệc nữa đêm với gia đình. Chúng tôi được nghỉ làm nên hay tha thẩn vào mall để ngắm nhìn mọi người mà nhớ lại chợ chiều 30 Tết ở bên nhà. Đến gần sáu giờ loa phóng thanh thông báo liên tục nhưng thiên hạ vẫn còn đầy trong các cửa hàng và chật các lối đi. Không riêng gì chúng tôi mà có rất nhiều người cũng đang sống “lạc đàn” trên xứ sở cờ hoa này nên trông họ cũng hết sức “nhỡn nhơ”, nhàn nhã. Họ đến đây chủ yếu để giết thời gian. Cho đỡ buồn!!! Nhưng một số đông khác thì đang tất tả, vội vội vàng vàng, đi đi lại lại đầy căng thẳng để “gom” cho đủ số quà trước giờ nhập tiệc. Nhìn họ bỗng dưng tôi chạnh nghĩ, cuộc sống của mình thật ra cũng… không tệ lắm!

Tôi nhớ lại gần 25 năm trước chồng tôi đã đến đây và đã trải qua tám mùa Giáng Sinh một mình. Chắc anh đã vô cùng khổ sở trong những ngày này? Rồi tôi lại liên tưởng đến 40 năm trước đã có biết bao người Việt Nam đến đây một mình, tứ vô thân, để rồi gầy dựng nên một “bầy đàn” đông vui và phồn thịnh như hôm nay. Chắc chắn họ đã khóc rất nhiều trong những “Đêm đông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời” của những ngày đầu viễn xứ!?

Tôi lại nhớ đến cô chồng của mình. Năm nay cô 85 tuổi hiện đang sống một mình trên tiểu bang Pennsylvania, cạnh nhà cũ của tôi khoảng năm phút lái xe. Có thể nói cô là một người phụ nữ Việt Nam lớn tuổi nhất và cô đơn nhất mà tôi từng biết. Cô có một đứa con gái nhưng đã theo chồng dọn sang New Jersey, năm khi mười họa mới về thăm cô một lần. Cô cũng có một số cháu nhưng lâu lâu họ chỉ “tạt ngang” chút rồi thôi. Cô đang ở trong một housing cho người già, cô sống hoàn toàn đơn độc bên cạnh những người Mỹ về hưu như cô, chỉ khác là họ còn có con cháu thỉnh thoảng đến thăm, còn cô thì hầu như chẳng có ai!!!

Cũng may mà cô còn có Chúa. Có lẽ Chúa đã tiếp thêm sức mạnh và sự bình an cho cô. Sáng nào cô cũng tự lái xe đến Nhà Thờ của người Mỹ để đi lễ vì Nhà Thờ Việt Nam cách đó khá xa. Việc đến gặp Chúa mỗi ngày là niềm vui của cả đời cô. Cô sống tiện tặn, dè xẻn với đồng lương hưu của mình nhưng cũng đã giúp cho hai vị thầy có hoàn cảnh khó khăn học tốt nghiệp Linh Mục bên Việt Nam. Cô biết hai vị qua lời giới thiệu của giáo hội Công Giáo bên này bởi cô chưa từng một lần nào về Việt Nam sau bao năm đến Mỹ tỵ nạn. Ngày hai vị nhậm chức thụ phong cô chồng tôi đã không ngại tuổi già sức yếu, đường xá xa xôi đã bay về dự lễ. Thật cảm động.

Lúc nào tôi cũng yêu quý cô như ruột thịt của mình. Có một lần trước ngày sinh nhật cô, tôi đã gửi một Birthday card kèm theo là tấm check biếu tặng cô như bày tỏ một niềm yêu kính. Sau đó tôi gọi điện thoại chúc mừng sinh nhật thì nghe giọng cô nghẹn ngào:

- Thủy ơi! Con nhớ đến sinh nhật của cô và gửi thiệp chúc mừng là quý lắm rồi, dừng một chút cho bớt xúc động cô tiếp, con đừng gửi tiền cho cô nữa nha con, cô cũng tạm đủ sống con à. Thỉnh thoảng con gọi hỏi thăm là cô vui lắm, vì biết rằng vẫn còn có người nhớ đến mình!

Và rồi mặc cho tôi năn nỉ và giải thích là không có đáng gì đâu cô ơi, chỉ vui chút thôi mà! Nhưng cô nhất định không deposit cái check của tôi. Tôi cũng hiểu được lòng cô và tấm lòng của những bà mẹ ở Mỹ nói chung. Họ không muốn con cái tốn tiền vì mình, họ thích cho đi nhưng lại ngại nhận về vì sợ làm phiền, hao tốn của con. Họ chỉ sống bằng những cuộc thăm viếng, những cú phone, những tấm thiệp… Với họ có lẽ những thứ ấy có giá trị gấp nhiều lần so với các món quà sặc sỡ gói nơ xanh, đỏ, tím, vàng!!!

*

Người Việt mình có câu:” Bánh ít đi, bánh quy lại” hay “Có qua có lại mới toại lòng nhau”. Do vậy, khi nhận một món quà của ai biếu tặng người ta thường tìm cách để lại-quả vì sợ “mắc nợ”. Đây cũng là một văn hóa ứng xử của người Việt, đối với người Mỹ hay Mễ họ không câu nệ và khách sáo như mình. Vậy cũng hay. Nhưng đôi khi đem lại cảm giác như một sự trau đổi hàng hóa. Mất đi cái tình.

Do vậy, càng lớn tuổi người ta càng thận trọng và hết sức đắn do với những món quà cho-và-nhận. Bởi một món quà do mình “cố tình” gửi đến ai đó từ lòng yêu quý thì sẽ “vô tình” làm họ phải phân vân và “cố tìm” một món khác tương xứng để hồi đáp lại. Điều này đã làm tôi dở khóc dở cười khá nhiều bận. Gần đây nhất khi tôi mang quà đến tặng cô bạn mà mình rất quý, cách nhà cũng khoảng 50 phút lái xe. Cô rất vui nhưng thoáng chút bối rối rồi cô chạy vào cái “núi” quà đang chất ngổn ngang trong tủ của mình lôi ra một món bỏ vào túi trao tôi và tíu tít nói lời cám ơn lẫn... xin lỗi!!! Người mình có câu “Của cho không bằng cách cho”. Nhưng trong trường hợp này tôi phải vận dụng bài học: bỏ chấp trước và buông xả!

Thêm lần khác. Tôi rất thích gửi thiệp viết tay cho người thân và bạn bè hàng năm vào mùa Christmas. Cứ tưởng tượng khi nhận được tấm thiệp của mình, mở ra chắc họ sẽ ngạc nhiên và vui thích lắm vì nó được gửi qua đường bưu điện, phải đi qua nhiều quốc gia mới đến được tay họ. Nhưng không đơn giản là vậy! Đã hai lần tôi nhận được một lời nhắn đại loại là chị không có thói quen gửi thiệp cho ai cả thì tôi cũng đừng nên gửi thiệp cho chị. Hãy gửi e-card cho tiện và đỡ hao!!! Tôi như từ trên trời rớt xuống. Một tấm thiệp trong hộp bán sĩ và một đồng bạc tiền tem đâu là bao? Cái tình tôi gửi đến chị còn nhiều hơn thế sao chị không nhận để tôi vui?! May là tôi đã hết-còn-khóc lâu rồi. Nếu còn khóc được chắc tôi đã khóc cả ngày!!!

Nhưng cũng may cuộc đời vẫn còn có nhiều niềm vui khác. Giáng Sinh năm nào nhỏ em tôi cũng từ Đức gửi sang một thùng quà toàn là những món cho-vui-thôi-mà vì nó thương tôi đang là “thú hoang lạc đàn” ở nơi này. Tôi đã nhắn với nó là đừng chở củi về rừng nữa, rừng ở Đức và Mỹ củi cũng giống nhau, chỉ làm giàu cho ngành bưu điện thôi! Hy vọng sang năm nó sẽ nghe lời tôi. Mong là vậy!

Trước Giáng Sinh hai tuần, tôi nhận được một Christmas card của cô bạn từ thời còn cột tà áo dài chơi u giữa sân trường Gia Long năm nào. Bên trong thiệp có kèm theo một sợi dây chuyền với những hạt ngọc trai và những trái tim bé xíu màu đỏ rất dễ thương. Thiệp đẹp, quà đẹp nhưng với tôi đẹp nhất là hai trang thư viết tay nắn nót mà nhỏ bạn đã gửi đến cho tôi, có những dòng chân tình như sau:

Thủy ơi! Sáng nay đi đến nhà một người bạn uống trà ăn mince pie. Bà tổ chức coffee morning tại nhà, gây quỹ cho hội từ thiện Children Hospice. Tao rất thích bà này. Con trai bà bị tai nạn xe chết lúc 22 tuổi. Bà bị trầm cảm hết mấy năm nhưng bây giờ đã học yêu đời trở lại….. Tao mua cái dây này tặng mày, do bạn của bà làm. Tao không có tánh đón mừng X-Mas hoặc bày vẽ quà cáp. Hễ hứng là làm chớ không bao giờ dự tính. Nhìn sợi dây tao nghĩ mua món quà này tặng mày có ý nghĩa vô cùng. Vừa giúp hội từ thiện, vừa nhớ đến nhỏ bạn phương xa. Thành ra mày đừng có mua quà tặng lại nha. Tao không thích ba cái chuyện lăng xăng….

Lại thêm một nhỏ bạn khác của tôi nhân dịp sang Mỹ đi xem trường cho con trai nhập học trên Seattle đã “tấp” vào Dallas thăm tôi. Bên cạnh những món lỉnh kỉnh mà nó mang vác từ Việt Nam sang cho, tôi cảm động nhất là cái khăn quàng cổ (scarf) mà nó đã tự tay đan tặng mình. Với món quà này tôi cảm thấy ấm áp hơn trong mùa Đông năm nay!

Cũng tối nọ, đang mơ màng thì có nhỏ bạn gửi message báo tin đã gửi quà cho tôi rồi khi nào nhận được thì cho nó biết. Tôi “la làng” liền:

- Làm ơn đừng gửi quà cho tao. Mày cứ để tiền sẵn đó mai mốt tao về Việt Nam dẫn tao đi ăn một lần cho nó tiện!

Nó trả lời vui-hơn-Tết:

- … chỉ vì tao mê mày… nên trái tim nó có tiếng nói riêng… tao hỏng cản được… ha… ha…

Bạn tôi là vậy đó! Thân nhau quá rồi, 43 năm tình bằng hữu, còn gì phải khách sáo nữa đâu!? Tôi vẫn còn nhớ như in những ngày đói khổ ở Việt Nam! Nếu lúc đó ai gửi cho tôi một tấm thiệp, một cục xà bông, một cây kem đánh răng, một cái quần jean hay một chiếc “áo pull” made-in-nước-ngoài” là tôi vui suốt mấy ngày liền. Làm gì có khái niệm trả-nợ khi ai cũng nghèo khó như ai, nhận được một thùng hàng “viện trợ” của bọn-đế-quốc thời đó đôi khi không ai dám đụng đến để rồi mang ra chợ Tạ Thu Thâu bán lấy tiền mua gạo.

Giờ đây cuộc sống đã đổi thay nên người ta phát sinh tâm lý không thích mắc nợ dù đó là thân nhân hay bè bạn. Nhưng họ quên rằng sinh ra làm người là chúng ta đã mắc nợ thế gian!! Ba mẹ cho tôi một tấm hình hài và nuôi tôi khôn lớn thành người. Thầy cô cho tôi một kiến thức để bước vào đời. Chồng con cho tôi một chỗ dựa tin thần thật vững chắc không gì sánh nổi. Chị em, bạn bè cho tôi những tình yêu thương và tin cậy. Quê hương Việt Nam cho tôi một kỷ niệm khó phai. Nước Mỹ cho tôi một cuộc sống tự do mà tôi đã bị đánh mất suốt 25 năm. Cuộc đời cho tôi những bài học quý giá để biết yêu thương và tha thứ. Bên cạnh đấy bao người đã đổ mồ hôi bên ruộng đồng để làm nên hạt gạo, miếng ăn cho tôi mỗi ngày. Tôi có cuộc sống tiện nghi đầy đủ như hôm nay là nhờ các nhà khoa học đã tốn rất nhiều công sức để cống hiến cho nhân loại. Đó là chưa kể đến những người lính đang ở đầu chiến tuyến, họ đang canh giữ gìn yên bình cho tôi nơi này. Không một phút xao lãng! Rồi thì cái không khí trong lành mà tôi đang thở, nguồn nước sạch mà tôi đang uống… nhất nhất đều do công sức của bao người hợp lại. Chắc bạn đang muốn nói đó là phân công của xã hội ư? Có thể. Nhưng xã hội đã cho tôi một công việc quá nhẹ nhàng, dễ dàng so với biết bao người phải làm việc hết sức vất vả đôi khi còn nguy hiểm đến tính mạng nữa. Mãi mãi tôi sẽ không bao giơ đền đáp hết được những ơn nghĩa này!!

Hàng năm vào dịp lễ Tạ Ơn hay X-Mas tại Hoa Kỳ có rất nhiều tổ chức từ thiện của mỗi hãng, mỗi địa phương hay của nước Mỹ thường kêu gọi quỹ lạo trên tinh thần “Lá lành đùm lá rách” hay “ Một miếng khi đói bằng một gói khi no” để góp một bàn tay Cám Ơn Cuộc Đời. Cái tuyệt vời nhất của cuộc sống là đâu nhất thiết mình phải trả ơn cho đúng người mình đã thọ ơn. Hãy giúp những người cần giúp. Họ có mặt khắp nơi nơi. Đây cũng là một cách trả ơn những người đã từng giúp mình!! Cuộc đời này vốn dĩ đã là một điệp khúc của Cho và Nhận.

Tại hãng tôi cứ vào dịp Giáng Sinh người ta đặt một cái thùng rất to ở cửa ra vào để quyên đồ chơi cho các trẻ em mồ côi. Đội ngũ các Hướng Đạo Sinh cũng đến gõ cửa từng nhà để xin thức ăn cho người vô gia cư. Trong mall dọc các lối đi danh sách các trẻ em nghèo cần giúp đỡ quần áo và quà cáp được treo trên những cây thông trang trí khá đẹp mắt. Những người có lòng hảo tâm chỉ việc đến chọn tên và “cà thẻ” credit card ở một bàn đặt cạnh đó là xong ngay! Tổ chức The Salvation Army ngoài việc gửi thư đến tận mỗi gia đình để xin tiền quỹ lạo, họ còn tung ra hàng ngàn “Đội Quân Cứu Tế” đến đứng trước các cửa hàng lớn để xin từng đồng bạc lẽ của đám đông đi Christmas shopping. Nhìn những người mặc chiếc áo màu đỏ có hàng chữ “Doing The Most Good” đang đứng ngoài trời giá rét trên tay cầm cái chuông lắc leng keng như đang rung lên những tiếng kẻng đánh thức lòng trắc ần và lương tâm của mỗi con người thì chắc không ai là không dừng chân cho được. Bên cạnh đó, American Red Cross luôn đặt chi nhánh khắp các thành phố lớn trên nước Mỹ; họ sẽ đóng vai trò những sứ giả đầy uy tính khi sử dụng đồng tiền của bạn ở bất kỳ nơi nào có thiên tai, loạn lạc và nghèo khổ trên thế giới.

Ngày nay tại Mỹ việc làm từ thiện online có lẽ cũng khá phổ biến như shopping online vậy. Chỉ khác là khi mua hàng trên mạng người ta phải ngồi chờ hàng tới, ngắm nghía săm soi để rồi quyết định có nên sử dụng hay trả lại. Làm từ thiện do tự nguyện và là niềm vui được giúp đời nên sau khi đã bấm nút gửi đi thì người ta thấy phơi phới. Cái hay ở chỗ là khi chính tay bạn mang hiện vật hay hiện kim đến trao tận tay người khốn khó thì tâm của bạn thường bị “trụ” và vướng mắc bởi cái nhìn, cái nghe, cái cảm của chính mình. Bạn sẽ tự hỏi liệu người này có thật sự nghèo đến độ cần giúp không, người này có xứng đáng với món đồ của mình cho không hay người này trông chẳng thân thiện chút nào…!!? Vì đã tận mặt trông thấy họ bạn sẽ có thái độ ứng xử ra sao khi một ngày nào đó họ bỗng thành công hơn bạn, có địa vị hơn bạn nhưng đã có một lần trong đời trót mang ơn bạn?!

Cũng tương tự như thế khi những người không hề quen biết nhận một món quà từ một tổ chức từ thiện mà không phải là từ tay của bạn trao tặng, họ cũng sẽ có cảm giác thoải mái hơn vì không biết mặt người mình đang “mang ơn”. Họ cũng không bị “dính mắc” là sẽ phải trả ơn cho bất kỳ ai cả. Họ sống thoải mái, bình an để một ngày kia họ thấu hiểu và tiếp tục góp một bàn tay hàn gắn lại những mảnh đời mất mát, đau thương hơn họ.

Giờ đây tôi cũng đã hiểu những sự khác biệt giữa Đông và Tây. Tại đất nước này, rất nhiều người không cần phải là triệu phú hay tỷ phú nhưng đến lúc nhắm mắt xuôi tay họ sẵn sàng đem tài sản của mình hiến tặng cho Nhà Thờ, cho các tổ chức nhân đạo hay cho các trại mồ côi, viện dưỡng lão… Hình ảnh những người trẻ tuổi ở Mỹ đi làm việc thiện nguyện cho các tổ chức phi chính phủ ở tận Châu Phi, Châu Á… đã không còn xa lạ với thế giới nữa. Điều này dường như quá khác biệt với văn hóa đông phương luôn dạy dỗ con cái phải luôn bên cạnh cha mẹ chăm sóc họ lúc tuổi già sức yếu, ốm đau. Tôi không dám phê phán ai cả vì tôi cũng là một người Việt Nam đã thấm nhuần triết lý Khổng Mạnh bao đời nay. Tôi chỉ biết kính cẩn nghiêng mình trước những tượng đài của đức hy sinh là lòng dũng cảm mà bao người đã được hấp thụ từ những ngày còn trong nằm trong bụng mẹ dưới sự dìu dắt của Thiên Chúa!

*

Giáng Sinh từ lâu đã không còn là một ngày lễ riêng của những người có Đạo mà nó đã trở thành một ngày đại lễ của cả hành tinh này. Đây thực sự là một ngày lễ của tình yêu thương và sự đoàn tụ.

Christmas năm nay tôi rất vui khi nhận những món quà chân tình của người thân, bạn bè gửi về và cũng rất hạnh phúc với những món quà mình đã gửi đi. Nếu một ngày nào đó không còn ai nhớ đến mình chắc sẽ buồn lắm và nếu mình không còn khả năng để gửi quà cho ai chắc sẽ còn buồn hơn gấp nhiều lần!

Khi tôi viết những dòng sau cùng này thì ngày mới đã dần sang. Năm mới dương lịch sắp tới. Ở đâu đó trên trái đất này những bửa tiệc thâu đêm chắc vẫn còn diễn ra nhưng bên cạnh đó vẫn có những đứa con đang mong ngóng về quê nhà mà mơ một bửa tiệc đoàn viên.

Nguyễn Bích Thủy

Ý kiến bạn đọc
01/01/201601:20:06
Khách
Có những món quà không tên,không điều kiện đã đang và sẽ còn tiếp diễn đâu đó trên trái đất này.Những thuyền nhân VN năm xưa,những thuyền nhân hiện tại với con số một triệu người được nước Đức cưu mang nói riêng và các nước TB nói chung đã giang rộng vòng tay chào đón họ không vụ lợi,không cần hồi đáp...Xin được cám ơn cuộc đời vào những thời khắc đầu tiên của năm mới!Happy New Year 2016 💝💝💝
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 4,466,916
Tác giả đã nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2015. Bà sinh năm 1948 tại Biên Hòa, cựu học sinh Ngô Quyền. Trước 1975: Dạy học. Qua Mỹ năm 1991 theo diện HO. Bà kể, “Chồng tôi là lính VNCH. Hai con tôi nay là lính Hoa Kỳ.
Bài viết mới của Lệ Hoa Wilson là chuyện của mùa lễ, gồm 2 ngày Cựu Chiến Binh và Lễ Tạ Ơn, cùng trong Tháng 11. Tác giả là một Phật tử, pháp danh Tâm Tinh Cần, nhũ danh Quách Thị Lệ Hoa,
Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của tác giả được ký bút hiệu và tên thật. Thời VNCH, ông là một nhà giáo. Từ 1972-1975, là giáo chức biệt phái về nguyên quán,
“Dân số cho” tại nước Mỹ là 78 triệu con. “Công nghiệp” phục vụ chó năm 2015 là 60,6 tỷ mỹ kim. Nhiều chuyện khác thường. Mời đọc bài mới của Kông Li.
Tác giả từng sống ở trại tỵ nạn PFAC của Phi Luật Tân gần mười một năm. Ông tên thật Trần Phương Ngôn, hiện hành nghề Nail tại tiểu bang South Carolina và cũng đang theo học ở trường Trident Technical College.
Tác giả là một nhà giáo, định cư tại Mỹ theo diện HO năm 1991, hiện là cư dân Westminster, California. Viết Về Nước Mỹ 2014, với 14 bài, trong đó có bài “Chú Lính Mỹ,” Phùng Annie Kim đã nhận giải danh dự.
Lễ Tạ Ơn đầu tiên của gia đình tôi trên đất Mỹ tại Thành Phố Westminster, Nam California, cách đây mười chín năm. Lúc đó chúng tôi mới đến Mỹ được vài tháng.
Tác giả là cư dân Orange County và là giáo chức tại một trường trung học ở Los Angeles. Với bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên, “Người Lao Công,” chuyện một nữ sinh viên có bố là lao công trong trường đại học,
Nhạc sĩ Anh Bằng, tên thật Trần An Bường, sinh năm 1926 tại Nga Điền, Nga Sơn, Thanh Hóa, từ trần ngày 12 tháng 11, 2015 (90–91 tuổi) tại Quận Cam, California, Hoa Kỳ.
Tác giả là cư dân Miami, đã góp nhiều bài viết, tuy ngắn, nhưng luôn cho thấy tấm lòng của ông với đất đai, quê hương, con người. Viết Về Nước Mỹ 2015, Y Châu nhận Giải Đặc Biệt. Sau đây là bài viết mới nhất.