Hôm nay,  

Nghĩ Về Nước Mỹ

26/11/200200:00:00(Xem: 204614)
Người viết: N.V.K.

Bài tham dự số 66\VBST

Tác giả đã 73 tuổi, hiện đã nghỉ hưu, cư trú tại Garden Grove.

I. Vào Đề

Hắn qua Mỹ theo diện hỗn hợp, vừa H..O. vừa bảo lãnh, năm 1991, đúng vào ngày lễ Độc lập 4-7. Hiện nay hắn ở vào cái tuổi "Ngũ thập niên tiền nhị thập tam."
Nhờ một may mắn, do một sự không may mắn xảy ra cho hắn (à quelque choise malheur est bon) hắn được (hay bị) giải ngũ khoảng 6 tháng trước ngày miền Nam sập tiệm. Do những nhu cầu quân vụ lúc hắn còn tại ngũ, hắn đã làm việc sát cánh với những đối tác (counterpart) người Mỹ cả về phía quân sự lẫn dân sự, nên hắn quen biêt rất nhiều viên chức Mỹ ở tòa tổng lãnh sự.
Nhờ quý mến tính chân chất và sự cần cù làm việc của hắn nên sau ngày giải ngũ, hắn đã được nhiều viên chức này giới thiệu xin việc làm tại tòa tổng lãnh sự. Ông phó lãnh sự đã thân hành đưa hắn lên phòng nhân viên của cơ quan DAO ở Saigon để tiến cử hắnï. Và thế là, sau khi khám sức khỏe và được chấp nhận, hắn nghiễm nhiên là một viên chức VN của tòa lãnh sự.
Vì sẳn có căn bản về nghiệp vụ lúc còn trong quân ngũ, hắn được đề bạt giữ chức vụ Phụ tá kiêm sỹ quan trưởng ngành xây cất và bảo trì với bậc lương số 11. Cũng nhờ cơ duyên làm nhân viên sở Mỹ mà gia đình hắn được chính thức di tản khỏi VN 3 ngày trước khi Saigon bắt đầu đi vào cơn ác mộng. Riêng hắn thì, số mệnh an bài, bị kẹt lại ở V.N và dĩ nhiên đi nằm ấp để thong thả bóc hết 10 cuốn lịch.

II- Dẫn nhập Sự Việc

a/ Bảo trợ- Qua tới Mỹ, hắn được con cái cho biết, lúc gia đình mới chân ướt chân ráo tới nơi, các cơ quan thiện nguyện và các nhà thờ đã tận tình giúp đỡ, nên có thể nói riêng về vấn đề vật chất, gia đình đã được sống đầy đủ và tốt lành có khi còn hơn cả lúc ở V.N. vào những năm tháng vật giá leo thang, lương ba cọc ba đồng.
Sau khi lo tìm nhà cửa cho vấn đề cư ngụ được êm ấm, thì cứ 2 lần 1 tuần, các bà ở nhà thờ tới, dẫn đi chợ mua bán, từ thực phẩm đến đồ gia dụng, từ quần áo đến chăn gối, không thiếu thức gì. Cả đến việc lo cho đứa này học trường này, đứa kia học trường nọ. Rồi thì phiếu thực phẩm, phiếu xe bus v.v... từ việc nhỏ nhất đến việc lớn nhất, tất tất nhà thờ đều lo cho đầy đủ. Nhưng đáng quý hơn nữa là tình cảm của các bà đã dành cho vợ con hắn. Thật là đáng trân quý biết bao nhiêu!
b/ Về việc mượn "Loan"- Hắn cũng được con cái cho biết, chính phủ Mỹ đã cho mượn tiền đủ để trang trải sở phí học thành tài, ra trường có việc làm mới phải trả nợ. Đành rằng việc này có tính cách đầu tư, nhưng là sự đầu tư rất hữu ích và nhân hậu.
c/ Bảo hiểm y tế- Ở cái tuổi hắn, việc đáng lo ngại nhất là bệnh tật. Thế mà mới tới Mỹ, hắn đã được cấp ngay phiếu y tế (medical) để được chăm sóc đầy đủ về sức khỏe, dù đau yếu hay có khó khăn về răng, miệng hoặc thính thị đều được hưởng chăm sóc miễn phí chu đáo. Đây là điều rất đáng được trân trọng, tuy trong tổng thể vẫn còn có những hạn chế với 1 số đối tượng.
d/ Lịch sự và hiếu thiện trong cư xử- Ở VN, ra đường gặp nhau, nếu không phải là thân quen thì ít khi chào hỏi. Bên này, nếu 2 người đi giáp mặt nhau, thì thường bao giờ cũng nhận được lời chào, dù ngắn ngủi. Trong tiếp xúc thường nhật, những tiếng "xin lỗi" và "Cám ơn" được nghe rất thường xuyên. Nhiều lần khi đi làm các dịch vụ xã hội, các viên chức đều chỉ vẽ rất tận tình, và dù được việc hay không bao giờ hắn cũng nhận được những câu cám ơn rất là cởi mở.
Có một lần, hắn phải chở đi cấp cứu, được chăm sóc rất tận tình và khi tỉnh rồi, các bà bác Sĩ (hay y tá) đều chốc chốc lui tới thăm hỏi: "Ông Nuyên Si (Người Mỹ không nói được rõ chữ "Nguyên")- bây giờ ông thấy thế nào- ông có cần gì không" Nghe thành thật, ngọt ngào và thấm thía biết bao nhiêu. Hắn có cảm tưởng bệnh đã thuyên giảm rất nhiều.


e/ Tổ chức khoa học- lịch sự và lương hảo- Vào cuối thập niên 50 hắn đã có dịp qua Mỹ tu nghiệp. Hắn nhận thấy nhà trường đã có những sáng kiến. Trong vấn đề tổ chức, điều hành rất tế nhị và tâm lý. Trong lớp học, cứ mỗi tuần một lần, hắn lại được sắp xếp ngồi giữa 2 học viên Mỹ khác nhau. Tuần này 2 người này, tuần sau 2 người khác, nhưng luôn luôn ở những bàn đầu lớp. Để làm quen với nhau thôi. Vào những dịp nghỉ lễ dài hạn, hắn đã được đưa đi du lịch và thăm viếng nhiêu danh lam thắng cảnh và các cơ sở kỹ nghệ lớn. Ở đâu và bao giờ, lúc ngồi vào bàn ăn bữa trưa, cũng có 1 cột cờ nho nhỏ với 1 lá cờ vàng 3 sọc đỏ nho nhỏ để trước mặt, Tự ái dân tộc của hắn, được hết sức đề cao. Cuối khóa hắn được tướng chỉ huy trưởng mời ăn cơm tối. Trong bữa ăn, chỉ có vợ chồng ông tướng ngồi ở bàn ăn, còn cô con gái lớn thì đứng phục dịch. Trong chuyến xe lửa hắn đi tới Tây sang Đông, ở mỗi trạm ngừng lại có một sỹ quan Mỹ lên xe hỏi han, thăm viếng. Thật là chu đáo.
III Mặt trái của mề đay

Hắn thường nói với các con hắn "ở Mỹ cái tốt nhất cũng có, và cái xấu nhất cũng có." Hắn vốn đã được đào luyện ở cửa khổng sân trình, nên tinh thần giáo lý Đông Phương không dễ gì mà một sớm một chiều phai mờ được.
Hắn vẫn thầm nghĩ, hắn sẽ khổ sở biết chừng nào, nếu phải nhìn thấy một trong các đứa con của hắn, lái xe hơi mui xập, mình trần, nón đội lật ngược phía sau, mở nhạc lớn hết cở, và cứ thế dong duổi trên đường phố. Tại Mỹ, mặc bộ quần áo ngủ ra đường là lố bệch, nhưng đàn bà con gái mặc bikini, để hở gần hết cả phần trên lẫn phần dưới, nghênh ngang di diễn trên vĩa hè thì không sao. Nhập giang tùy khúc, nhập gia tùy tục, nhưng hắn vẫn thấy cái tục đó nó tục làm sao. Lại nữa, dù trong công viên, ở phi trường, hay ở bến đợi xe, trái gai cứ ôm, cứng lấy nhau mà hôn, mà hít. không phải một giây, một phút mà hàng nửa giờ. Chuyện ở phòng the đâu phải là ở "open air" Rồi còn chuyện bạo lực xẩy ra như cơm bữa. Ở ngoài đường, ở nhà băng, ở trong nhà, ở chốn tôn nghiêm, và ngay cả ở trong trường học. Hắn cứ suy nghĩ mãi về những nguyên do đưa đến các vụ bạo lực ấy. Vì đâu" Vì thiếu giáo dục ở gia đình, ở học đường, ở xã hội hay do những kích động ở phim ảnh, ở những tay lái súng. Rồi thì những vụ hiếp dâm nữa. Hiếp dâm các em bé mới vừa thôi bú sữa, đến hiếp dâm các cụ già bảy, tám mươi tuổi. Nghĩ tôi đây, hắn không dám cho đầu óc phiêu lưu thêm. Không lại mang tiếng là kỳ thị, là mắc căn bệnh "generation gap".
IV- Nhận định- Cảm nghĩ, và tâm nguyện.
Nước Mỹ là một quốc gia rộng lớn, được thiên nhiên ưu đãi, có tài nguyên phong phú, lại có những nhà lãnh đạo kiệt xuất, những nhà dìu dắt sáng suốt và tận tình, nên chỉ có 200 năm lập quốc, mà đã có được địa vị cao nhất trên thế giới trên mọi lãnh vực.
Trên nhiều phương diện, nước Mỹ và người Mỹ xứng đáng để cho hắn và những người nhận nơi này làm quê hương chiêm ngưỡng, học hỏi. Tuy nhiên, theo hắn, trong học hỏi phải gạn đục khói trong thì mới rút tỉa được những cái tinh túy và sàng lọc. Bỏ được những cái xấu xa. Tiếng Pháp có 2 chữ: "adaptation và adoption" đọc nghe hơi giống nhau, nhưng ý nghĩa thì khác nhau vô cùng.
Nhân định và cảm nghĩ về những người Mỹ bình thường, của một người VN bình thường, thì đại khái như vậy. Hắn không dám đề cập tới thượng tầng kiến trúc của nước Mỹ. Trong quốc kế dân sinh, trị quốc, bình thiên hạ, thực ra còn lắm điều rất siêu việt hay nói cách khác rất thần sầu quỹ khốc.
Với những nhận định và cảm nghĩ cũa hắn về nước Mỹ, người Mỹ, ngày đêm hắn tâm nguyện cho các con, các cháu của hắn có đủ thông minh, can đảm, dũng khí, tự ái, tự trọng và lòng yêu tổ quốc VN để hội nhâp vào xã hội Mỹ trong danh dự và có nhân cách.
Đó là tâm nguyện của một người cha đang sống một hoàng hôn của cuộc đời vốn đã kinh quá nhiều thăng trầm của đất nước, của thế sự và của bản thân.

Cuối Xuân 2000
N. V. K.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 68,561,694
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo