Tác giả: Nguyễn Trần Phương Dung
Bài số 2165-1957-733vb2031207
*
Tác giả sinh năm 1972. Rời Việt Nam năm 10 tuổi. Định cư tại Mỹ. Tốt nghiệp Management Information System. Hiện là cư dân Florida. Công việc: Program Manager, phụ trách về "Đào Tạo Tài Năng" (Talent Development) cho công ty Cisco. Nguyễn Trần Phương Dung đã góp nhiều bài viết đặc biệt. Sau đây là bài thứ hai trong loạt tự truyện cô mới viết về mẹ.
*
"Chúa tác sinh con
nên hình hài trong lòng thân mẫu
bàn tay mẹ hiền
âu yếm dẫn con trên đời... "
Dường như cuộc đời tôi luôn dính liền với những nỗi khổ của mẹ.
Sau khi sinh anh kế tôi, ba mẹ đưa nhau vào Cha xin... "thôi". Vị linh mục bảo Giáo Hội không cho phép ngừa thai, nhưng theo ông 7 đứa coi như cũng tạm đủ. Ông bảo ba mẹ tôi "làm theo lương tâm". Ba mẹ về chưa kịp "tự vấn" thì khám phá ra tôi đã chui tọt vào bụng mẹ từ hồi nào.
Tôi mở mắt chào đời vào "mùa hè đỏ lửa" của cuộc chiến Việt Nam. Có con mọn trong thời buổi loạn ly là cả một gánh nặng nhưng mẹ bảo thêm tôi nhà thành 4 trai 4 gái, âm dương điều hòa. Mẹ lại bảo con gái gần gũi với cha mẹ, không như con trai lớn lên có vợ rồi biệt tâm biệt tích. "Giàu nhờ út khó nhờ út", mẹ hy vọng tôi sẽ là niềm an ủi cho ba mẹ lúc tuổi về chiều.
Không biết tôi có mang lại được niềm vui nào cho mẹ không, chỉ thấy mẹ khổ từ khi tôi mới lọt lòng. Các chị bảo lúc nhỏ tôi vừa khó vừa hay hờn. Tối nào mẹ cũng phải đưa võng thật lâu tôi mới chịu ngủ. Hai tháng sau khi sinh tôi, mẹ vẫn đau bụng oằn oại. Bác sĩ khám thấy mẹ bị sót lá nhau và vội vàng đưa bà lên bàn mổ. Trong thời gian mẹ nằm nhà thương, các chị bế tôi sang nhà hàng xóm xin sữa của một bà đẻ khác vì tôi không chịu bú sữa bột. Tôi lạ mùi không chịu bú. Các chị lại bế tôi vào nhà thương thăm mẹ. Mẹ tội nghiệp đứa con gái non nớt, vạch áo cho bú nhưng tôi ngoảnh mặt đi chỗ khác. Mới xa mẹ có mấy ngày mà tôi đã lạ và không thèm sữa mẹ nữa. Tôi bú cháo lỏng luôn từ đó. Sau này lớn lên mẹ vẫn dí trán tôi bảo "con bé thế này mà bạc bẽo".
Khi tôi bắt đầu có trí khôn thì ba đã bị bắt đi "cải tạo". Mẹ tôi từ một người đàn bà "cả đời chỉ biết cái bếp", bắt đầu theo người ta tập tành buôn bán để lo cho đàn con dại và thăm nuôi chồng. Mẹ tôi hiền lành chất phác, đi buôn bị người hiếp đáp. Có lần mẹ bị giựt hàng té xỉu trên xe lửa, cũng may có người tốt bụng đánh gió cho tỉnh rồi đưa về nhà. Mẹ xoay qua đong gạo và bán xăng lẻ cho hàng xóm láng giềng. Anh hai tôi lúc đó 17 tuổi, bỏ học đi theo bác hàng xóm sửa xe buýt để giúp mẹ nuôi các em. Hai chị lớn học xong lớp 9 cũng nhất định nghỉ học ở nhà phụ mẹ. Mẹ buồn lắm nhưng không phản đối vì biết với cái mác con ngụy, tương lai chúng tôi có học rồi cũng chẳng đi đến đâu.
Năm đứa nhỏ chúng tôi ngày ngày cắp sách đến trường, tuy bụng không đến nỗi đói nhưng không có tiền ăn quà vặt như con người ta. Cạnh nhà tôi có bà hàng xóm thật đẹp, từ sáng đến tối ngồi trước cửa nhà kêu đủ mọi gánh hàng rong vào ăn. Mẹ dặn chúng tôi khi đi học về thì ở trong nhà, không được lai vãng gần họ. Có lần thấy mẹ con bà hàng xóm ăn hủ tíu mì, tôi chạy vào nhà vòi mẹ. Mẹ lục bếp nấu cho một tô mì sợi mua của hợp tác xã. Đợi cả nhà về ăn thì không đủ, để cho con thèm thì không đành, mẹ đút vội cho tôi ăn trước khi các anh chị về. Tôi nghĩ lại mà thấy thương mẹ quá.
"Ôi, ngọt ngào thay tình yêu của mẹ
dâng cao như triều sóng
thương con như nguồn nước
chảy tuôn tràn lan... "
Có lẽ vì thương mẹ cực khổ nên từ nhỏ tôi đã chăm học lắm. Tháng nào tôi cũng đứng nhất nhì lớp. Những bài học thuộc lòng "đánh Mỹ, đánh Tây" tôi đọc làu làu. Tôi hăng hái gia nhập "thiếu nhi quàng khăn đỏ", thi đua làm "kế hoạch nhỏ" của nhà trường. Tôi đem về khoe mẹ những bằng khen "cháu ngoan bác Hồ" để chỉ thấy mẹ chép miệng thở dài. Tôi ngây thơ làm sao hiểu được những giọt lệ lấp lánh trong mắt mẹ lúc đó.
Mấy năm sau ba tôi được thả về. Tôi còn nhớ khi xe xích lô dừng ở đầu ngõ, cả xóm đã chạy ra mừng ông. Tôi là một trong những đứa con nít vây quanh, xa lạ nhìn cha mình gầy ốm xanh xao. Trong đám người xôn xao hôm đó không có mẹ tôi. Trong khi mọi người tay bắt mặt mừng ngoài ngõ, thì mẹ tôi run run đứng sau cánh cửa với nước mắt lưng tròng. Mẹ tôi sau bao năm xa cách, đứng chôn chân khóc chứ không dám ra đón chồng. Bà hàng xóm phải đẩy mẹ ra và trêu "gái 8 con mà còn e thẹn". Tôi nhớ hoài hình ảnh đáng yêu của mẹ lúc đó.
Ba tôi về hôm trước thì hôm sau đóng cửa đào mấy cục gạch dưới chân cầu thang lên. Thì ra trước khi đi tù ba đã khôn khéo chôn đi số vàng lá dành dụm được trước năm 75. Tôi càng cảm phục mẹ hơn vì dù cuộc sống khó khăn sau ngày Saigòn đổi chủ, mẹ đã cố gắng buôn bán đấp đổi qua ngày chứ không hề đụng đến số vốn ba để lại. Mẹ chỉ bán đi một chiếc lắc trong số tư trang ít ỏi để chạy thuốc khi tôi bị ghẻ ở chân. Mẹ bảo chẳng lẻ tiếc tiền để con gái út bị sẹo"
Số vàng dành dụm đã là cứu cánh đưa đại gia đình tôi rời khỏi Việt Nam. Ba tôi lo cho hai anh lớn đi vượt biển trước, rồi đóng tàu đưa ông bà nội, gia đình tôi và những họ hàng thân thuộc còn lại theo sau.
Sau mấy lần "bỏ của chạy lấy người", cuối cùng chúng tôi cũng đến được đất Mã Lai vào năm 1982. Mẹ tôi thở phào: "May mà lần này Chúa cho đi lọt. Nếu không về chỉ có nước đi ăn mày thôi con ạ".
Hai anh bảo lãnh gia đình tôi sang Mỹ. Như những người tỵ nạn khác, gia đình tôi bắt đầu lại bằng con số không. Ba tôi đi học nghề rồi đi làm.
Mẹ tôi đau yếu từ khi còn ở Việt Nam, nhưng chúng tôi tưởng tại cuộc sống vất vả khổ sở. Khi qua đến Mỹ, đi khám sức khỏe mới biết là mẹ bị suy thận. Bác sĩ giải phẫu cắt đi một trái thận của mẹ một tuần sau khi đặt chân đến vùng đất mới.
Sau khi khỏe lại, mẹ đi làm dù không biết một chữ tiếng Anh. Mẹ theo những người quen sang trước đi hái ớt, hái dâu, cắt trái cây từ 4, 5 giờ sáng. Xế trưa mẹ về lo giặt giũ cơm nước cho chồng con. Tôi xót xa nhìn mẹ thức khuya dậy sớm nhưng mẹ bảo so với lúc ở Việt Nam đã thấm vào đâu. Mẹ chịu cực để lo cho chúng tôi học hành nên người.
"Nuôi con chẳng quản ngại bao nỗi nhọc nhằn.
Nuôi con từng năm dài nào mong đền đáp"
Mưa nắng bao ngày qua
sương gió trên đường xa
gánh trên vai gầy
đắng cay vơi đầy
trọn đời yêu thương!"
Ngày tôi xúng xính trong bộ áo ra trường mẹ mừng lắm. Khi các anh ra trường tôi không thấy mẹ vui bằng. Dù rất ham học, hồi nhỏ mẹ chỉ được học đến lớp 3 trường làng vì người xưa quan niệm "con gái lớn lên chỉ đi lấy chồng, biết đọc biết viết là đủ rồi". Trong bốn đứa con gái, hai chị lớn qua Mỹ tuổi dở dang, đi học nghề rồi đi làm, chị kế bịnh tật nên chỉ mình tôi may mắn học xong đại học. Mẹ mừng và hãnh diện vì đứa con gái út đã làm nên "lịch sử".
Niềm vui rồi cũng qua mau. Tôi đi làm chưa được bao lâu thì trái thận còn lại của mẹ, sau mười năm làm việc gấp đôi, bắt đầu có dấu hiệu bỏ cuộc. Thời gian này gia đình tôi có nhiều xung đột. Ba tôi rất nghiêm khắc và bảo thủ, nếu không muốn nói là khắt khe. Anh em tôi lớn lên ở Mỹ nên có nhiều quan điểm cởi mở phóng khoáng. Tính tôi lại thẳng thắn bộc trực nên bất đồng với ba luôn. Hai thế hệ không nhìn được từ mắt nhau một số vấn đề mà cả tôi lẫn ba đều cho là quan trọng. Mẹ tôi khổ tâm đứng giữa, thương con nhưng lại sợ chồng. Những khi giận ba, tôi bỏ cơm nằm trong phòng khóc. Mẹ thường vào ngồi bên cạnh thở dài. Cuộc sống gia đình ngột ngạt, buồn nhiều hơn vui. Tôi đi lấy chồng năm 24 tuổi như để tìm cho mình một lối thoát. Ngày đám cưới tôi, hai mẹ con nhìn nhau rơi nước mắt.
Một năm sau, khi trái thận còn lại quá yếu, mẹ tôi bắt đầu phải đi lọc máu một tuần ba lần để kéo dài cuộc sống. Ba tôi phải nghỉ làm để săn sóc và đưa mẹ đi lọc máu vào những ngày thường. Cuối tuần anh em tôi luân phiên lo cho mẹ.
Khi lọc máu, y tá chích một mũi kim lớn vào tay mẹ. Máu theo kim chạy ra ống vào máy lọc để thảy đi những chất dơ. Máu lọc xong chạy từ máy ra một ống khác để được chích ngược vào tay mẹ. Mỗi lần lọc máu như vậy tốn khoảng ba tiếng, đau đớn mệt nhọc vô cùng. Vết kim nơi tay chưa kịp lành thì phải đi lọc máu tiếp. Tay mẹ sưng tím, gân xanh nổi cồm cộm.
Anh em tôi muốn thử xem ai hợp với máu và mô của mẹ, để làm living-related donor hiến tặng một trái thận của mình cho mẹ. Nhưng mẹ nhất định không chịu. Mẹ bảo cho mẹ một trái thận rồi sau này lỡ trái thận còn lại hư thì làm sao" Mẹ thà chịu khổ một mình.
Thời gian này tôi có mang đứa con đầu lòng. Mỗi lần đến phiên tôi chở mẹ đi lọc máu, mẹ tội nghiệp bảo tôi cứ bỏ mẹ ở đó rồi về nhà nghỉ ngơi, khi nào xong mẹ bảo y tá phone ra đón. Tôi không nỡ để mẹ bị "hành xác" một mình. Hai mẹ con cứ xót xa cho nhau.
Chiều thứ sáu tuần Thánh năm 1999, người ta gọi báo tin đã tìm được cho mẹ tôi một trái thận từ một người cadaver donor từ tâm vừa mới qua đời. Tôi chở mẹ vào nhà thương Stanford mà nước mắt chan hòa. Từ ngày có con, biết yêu con, tôi mới thực sự hiểu được lòng cha mẹ. Tôi càng thương mẹ hơn vì những đau khổ và thiệt thòi mà những người đàn bà Việt Nam thời mẹ phải gánh chịu. Tôi hy vọng trái thận mới sẽ làm cho mẹ khỏe mạnh và vui vẻ hơn.
Cuộc giải phẫu kéo dài gần 10 tiếng đồng hồ thành công mỹ mãn. Mẹ tôi tỉnh dậy vào ngày Chúa Phục Sinh với một niềm tin mới vào phép nhiệm mầu của Thiên Chúa.
Trái thận của người donor kéo dài mạng sống của mẹ tôi hơn 6 năm. Trong thời gian này mỗi ngày bà phải uống mấy chục viên thuốc để nó không bị cơ thể đẩy ra. Được này mất kia, những thuốc này làm chất kháng thể trong người mẹ tôi yếu đi. Hơi trở trời là mẹ nằm cả tuần. Ai đau yếu đến gần là mẹ lây ngay. Mẹ tôi lại bị dị ứng allergies quanh năm, phải đi chích mới thở được.
Bịnh này đẻ ra bịnh khác. Mẹ bắt đầu bị tiểu đường, phải chích insulin mỗi ngày. Những năm cuối mẹ ăn không ngon, ngủ chẳng được. Uống thuốc ngủ vào cũng chẳng ăn thua gì. Mẹ bị nhiễm trùng đường tiểu liên tục và tay chân mặt mũi sưng phù vì trái thận mới không không còn lọc được chất dơ trong cơ thể nữa.
Rồi điều chúng tôi lo sợ cuối cùng cũng đến. Tim mẹ tôi ngừng đập vào một buổi chiều mùa đông hai năm trước. Thì ra tất cả những bộ phận trong cơ thể con người được tạo ra phụ thuộc vào nhau và phải hoạt động nhịp nhàng với nhau để sinh tồn. Bộ phận này không thể sống thiếu bộ phận kia. Thận suy không lọc được máu để bài tiết độc tố và nước dư. Áp huyết tăng. Độc tố tích lũy. Cơ thể không làm đủ hồng huyết cầu. Máu di chuyển qua tim và các cơ thể chậm lại tạo sức ép lên quả tim. Tim phải làm việc nhiều hơn để bơm máu đi khắp cơ thể để rồi cơ bắp tim đuối dần. Thận phản ứng bằng cách giữ lượng nước và sodium trong người. Nước thừa tích lũy trong chân, tay, phổi và các bộ phận khác làm cơ thể bị nghẹt... Buổi chiều hôm đó mẹ tôi than mệt và tức ngực, triệu chứng của bịnh liệt tim. Tôi là đứa con đầu tiên bố gọi khi thấy mẹ "không bình thường".
Tôi đến nơi để thấy mẹ, mình trần, nằm sóng soài trên mặt đất giữa những người cứu thương. Tim mẹ đã ngừng đập cách đó khoảng 10 phút. Ba tôi, một người đàn ông rất bản lãnh, khi đó bối rối không còn biết gì nữa. Tôi cố trấn tĩnh để nói cho cảnh sát và những người cứu thương về bịnh tình của mẹ cùng các loại thuốc mà bà đang uống. Họ tìm lại được nhịp tim nhưng mẹ tôi vẫn ở trong trạng thái hôn mê vì máu không lên óc quá lâu. Ambulance chở mẹ vào nhà thương. Tôi gọi cho từng anh chị để báo hung tin. Trong đời tôi chưa bao giờ làm điều gì khó như vậy.
Tại phòng ICU vào chiều ngày hôm sau, thứ sáu 13, chúng tôi làm một quyết định khó khăn nữa là để cho mẹ đi khi tim bà ngừng đập lần thứ 3. Bác sĩ nói thận, tim và óc mẹ tôi đều đã hư, không còn hy vọng gì nữa. Chúng tôi đành phó thác mẹ cho Thiên Chúa, tin tưởng rằng nơi mẹ đến sẽ tốt đẹp hơn. Chúng tôi tự an ủi là ít ra mẹ không còn phải đau đớn thể xác nữa. Chỉ tiếc là mẹ tôi không một lần tỉnh lại để trăng trối giã từ với chồng con.
"Giàu nhờ út, khó nhờ út", tôi về lo liệu đám tang cho mẹ dù trong nhà rất đông anh em. Các anh chị thương mẹ nên để cho tôi sắp xếp mọi chuyện. Viết cáo phó, lựa vải, may đồ tang, đặt hoa, mua nến, mời các Cha, chọn bài hát, nhờ ca đoàn... có cả trăm chuyện để làm. Dù biết tất cả không nghĩa lý gì đối với mẹ nữa, nhưng tôi vẫn làm như một món quà cuối cùng dành cho mẹ.
Một tuần sau, cũng vào ngày thứ sáu, ba con tôi đưa mẹ vô nhà thờ để làm lễ an táng. 8 đứa con, 4 trai 4 gái, vừa đủ để khiêng quan tài cho mẹ. Hình ảnh anh em tôi trong tang phục trắng đi hai bên linh cữu đã làm nhiều người thổn thức. Nước mắt tôi rớt như mưa dù tôi đã dặn lòng đừng khóc để cho mẹ ra đi thanh thản. Đời mẹ vất vả đã nhiều, hãy để cho mẹ bình an yên nghỉ. Nhưng tôi vẫn không cầm được lòng. Tôi không muốn xa mẹ. Tôi không muốn làm phận mồ côi. Tôi chưa chuẩn bị cho cuộc chia tay này. Tôi còn nhiều chuyện muốn nói, muốn làm cùng mẹ. Tôi thầm trách Chúa sao cất mẹ về quá sớm. Mẹ tôi mới 65 tuổi. Đáng lẽ mẹ phải được nhìn các con tôi khôn lớn, ra trường, lập gia đình... Bà nội tôi 95 tuổi phải ngồi xe lăn đi đưa con dâu. Lá vàng còn ở trên cây mà lá xanh đã rụng. Tôi gục đầu lên linh cữu như thuở bé thơ vẫn vùi đầu vào lòng mẹ mỗi khi gặp chuyện tủi khổ buồn phiền. Ai đó ôm hai vai kéo tôi ra. Giờ chia ly đã điểm. Người ta hạ quan tài mẹ tôi xuống huyệt, lấp đất, trải cỏ xanh lên. Thế là xong. Âm dương từ đây cách biệt. Không còn đau đớn nào hơn.
"Ôi tình yêu của mẹ
tựa vầng trăng sáng chiếu mãi trên đời con.
Ôi tình yêu của mẹ
tựa hải đăng soi trên đường con đi tới.
Biết lấy chi đáp lại công ơn sao quá cao vời
Con xin nguyện suốt đời nhớ mãi công ơn của người thôi."
Không biết tôi "xuống" đến độ nào mà sau đám tang, bạn bè quen thuộc đã gọi điện thoại tới tấp bảo tôi phải giữ gìn sức khỏe. "Cha bố" tôi, một vị linh mục đã nhận tôi làm con thiêng liêng từ khi tôi còn học trung học, từ bên Rome gọi về khuyên lơn. Tôi vào nhìn gương mà không nhận ra mình nữa. Mẹ mất mới một tuần mà tôi xuống hơn 10 lbs, mặt mày xanh xao ngơ ngác. Hồi nhỏ nghe người ta nói "mồ côi mẹ quét lá mà nằm", tôi chỉ lơ mơ nghĩ chắc mồ côi mẹ khổ lắm. Bây giờ tôi mới thấy thấm. Cái khổ không hẳn ở thể xác mà còn là sự hụt hẫng của tâm hồn. Mẹ mất đi để lại trong lòng tôi một lỗ trống không bao giờ lấp được.
Từ ngày mẹ tôi mất, không một ngày nào tôi không nhớ đến bà. Những đêm thao thức, tôi nằm gác tay trên trán nghĩ về mẹ để nhận ra rằng cuộc đời của bà có quá nhiều chia ly đau khổ. Nỗi bất hạnh lớn nhất là mẹ tôi không được sống gần bà ngoại. Mẹ tôi theo gia đình chồng vượt tuyến vào Nam mấy năm sau khi đất nước chia đôi. Sau ngày miền Nam sụp đổ, mẹ lại một lần nữa cùng gia đình chồng vượt biển tìm tự do để rồi không bao giờ có cơ hội gặp lại mẹ ruột của mình. Lúc còn sống mẹ hay tỉ tê với tôi về bà ngoại và dường như lần nào cũng kết thúc bằng câu "mẹ có mẹ mà như mồ côi" nhẹ như tiếng thở dài. Những lúc đó không hiểu sao tôi chẳng nói được một lời nào an ủi mẹ. Đứa con gái út của mẹ vô tâm vô tình biết bao"
Hè vừa rồi vợ chồng tôi quyết định dọn đi tiểu bang khác. Thật ra chúng tôi dự tính việc này lâu lắm rồi nhưng thấy mẹ buồn nên tôi không đành lòng bỏ đi. Bây giờ mẹ đã nằm xuống, tôi mất đi lý do chính để dùng dằng, dù trong lòng tôi vẫn thấy ray rứt vì mộ mẹ vẫn còn đó.
Trước ngày rời xa Cali, vợ chồng tôi đưa các con đến thăm mộ mẹ từ biệt. Nghĩa trang mẹ tôi nằm trên một ngọn đồi thật yên tĩnh. Khung cảnh nghĩa trang đẹp như tên: Gate of Heaven, Cổng Thiên Đàng. Các ngôi mộ được xây bằng mặt đất, nằm hàng hàng lớp lớp thẳng tắp. Bia mộ nằm lẫn trong thảm cỏ xanh được chăm sóc cắt tỉa kỹ lưỡng. Nghĩa trang nhìn như một công viên rộng lớn, với những hàng cây cao rậm bóng mát, một hồ nước thơ mộng phẳng lì, và vài bức tượng Chúa và các Thánh điêu khắc linh động mỹ thuật. Tôi thầm nghĩ nếu "cổng" Thiên Đàng là đây thì Thiên Đàng "thật" là nơi tôi tin chắc mẹ đang ở còn đẹp biết chừng nào"
Trong tiếng gió vi vu của buổi chiều hôm ấy, tôi mơ hồ thấy mẹ cười với tôi từ tấm hình nơi bia mộ. Mẹ như thầm nói: "Con bé bạc bẽo bỏ mẹ ra đi, nhưng mẹ sẽ không bao giờ xa con".
Tôi chợt tỉnh. Phải rồi, thân xác mẹ nằm đây nhưng hồn mẹ đã về với Chúa. Nơi đó, mẹ đang cầu bầu và che chở cho tôi, cho dù tôi có đi đến phương trời nào.
Và tôi, dù ở nơi đâu, vẫn mang theo hình ảnh của mẹ trong tim. Tôi xin mượn lời của nhạc sĩ Ngọc Linh để dâng lên lời kinh muộn màng cho mẹ như một lời từ biệt.
"Đây lời kinh khấn nguyện
trọn lòng tin kính
thắm thiết con nguyện xin.
Xin tình yêu Chúa Trời dũ tình thương ban muôn hồng ân cứu rỗi.
Xin Chúa thương ghé nhìn công ơn bao tháng năm dài,
ban cho hồng phúc này: Nước Chúa muôn năm mẹ nghỉ ngơi.
Con xin nguyện suốt đời nhớ mãi ơn sâu của người thôi."
Tháng 10, 2007