Hôm nay,  

Ở Hai Đầu Mùa Xuân

19/02/200700:00:00(Xem: 136422)

Người viết: Duy Tâm

Bài số 1201-1813-519 vb81802079

Tác giả Võ Duy Tâm, 37 tuổi, cư dân Midway City, CA, hiện làm Civil Engineer. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của ông là “Góc Vườn”, một chuyện về khoảng cách giữa những người lính già của cuộc chiến hơn 30 năm trước với thế hệ con cháu tại Mỹ. Tiếp theo là “Bên Kia Đồi” truyện một người đồng tính vào tuổi cao niên. Bài viết mới nhất của ông là một chuyện mùa xuân.

*

Sau gần hai tiếng đồng hồ len lõi giữa những dòng xe tưởng chừng như vô tận cuối cùng Tuấn cũng đến phi trường Tân Sơn Nhất.

Nắng trưa đã lên cao trong một ngày cận tết. Mới đó mà đã 26 tết rồi, Tuấn thầm nhủ. Dù không phải là một ngày nóng nhưng giữa một rừng người đông như thế này thì tránh sao khỏi sự ngột ngạt oi bức. Ở cái khu vực chờ đợi để đón Việt Kiều về quê ăn tết này, người ta chen chúc khắn khít đến độ dường như không còn một khe hở nào cho không khí chui lọt. Mùi mồ hôi, mùi khói thuốc, mùi café, mùi của những hàm răng sâu hòa lẫn với mùi nước hoa, mùi vôi trầu, mùi của kẹo chewing gum...tất cả tạo nên một hương vị hết sức đặc thù mà có lẽ chỉ có ở phi trường Tân Sơn Nhất.

Chật vật lắm Tuấn mới tìm thấy gia đình Bác Hòa đang đứng ở một góc của khu chờ đợi. Bác gái ngồi bẹp trên một tờ giấy báo tay cầm quạt giấy vừa quạt vừa thở. Phía trước là anh chị em, cháu chắt bà con của Dũng, thằng bạn Việt Kiều của Tuấn, tất cả đang đứng bằng mủi chân và đang xốn xáo chờ đón gia đình thằng Dũng từ Mỹ về ăn tết lần đầu sau gần 15 năm xa cách.

"Cháu chào bác."

Bác Hòa ngưng quạt đưa mắt lên nhìn Tuấn.

"Cháu đến rồi may quá. Bác cứ nôn nóng sợ cháu đến không kịp. Chắc thằng Dũng cũng sắp ra. Gớm, năm nay bà con Việt Kiều về đông quá nhẽ".

Tuấn ngồi xuống bên cạnh bác gái. Chàng đở chiếc quạt trên tay bà rồi quạt dùm cho bà. Bà già nắm lấy tay Tuấn rồi ân cần hỏi

"Sao dạo này cháu ốm thế cháu. Giời ơi mày càng ngày càng tiều tụy ra. Không khéo có bệnh gì thì khổ cho vợ con mày dưới quê".

Tuấn chưa kịp trả lời thì bà đã nói tiếp

"Thế năm nay cháu có về quê không nào"

Tuấn đổi tay quạt rồi thưa với bà

"Cháu tính đến chiều 28 tết mới về. Ghé thăm và chơi với thằng Dũng một chút rồi mới về".

Đột nhiên có tiếng ai chen vào

"Mấy ngày đầu chắc vợ chồng anh Dũng bận bịu lắm hả mẹ. Bà con gia đình ta đông thật nghe tin anh ấy về ai cũng mừng hết".

Tuấn đưa mắt nhìn người thiếu nử đang ngồi kế bên bác Hòa. Gương mặt nàng trông có vẻ quen quen. Nàng không nhìn Tuấn dù chỉ một cái nhìn thoáng qua

"Thế mẹ có dọn sẵn phòng cho gia đình anh ấy chưa" Nhớ là mở máy lạnh lên chứ đừng tiết kiệm nha. Mấy người Việt Kiều xa nhà đã lâu sẽ không quen cái oi bức ở Saigon này đâu"

Tuấn quay đầu nhìn về hướng khác. Bác Hòa dường như hiểu ý nên càng xiết chặt bàn tay Tuấn

"Cháu ra đây đón thằng Dũng về chắc chắn nó sẽ vui lắm. Nó dặn bác hoài là phải nhắc cháu giá gì cũng ra đây đón nó. Bác nhớ ngày xưa hai đứa bây là bạn chí thân, thân với nhau suốt thời học trung học. Bây giờ thì mỗi người mỗi ngã, mỗi người mỗi hoàn cảnh".

Bác Hòa cố nói lớn như muốn cho người con gái biết sự thân mật của Dũng và Tuấn. Nhưng cô nàng có vẻ đang còn nhiều điều để nói:

"Thế nào anh Dũng cũng có quà cho con. Con là em gái cưng của anh ấy mà. Nhưng gia đình ta đông quá mà tánh anh ấy thì chu đáo lắm. Chắc chuyến này về vợ chồng anh ấy tốn tiền nhiều đấy. Không khéo gặp ai cũng cho thì về lại bên Mỹ có nước mà đi cày trả nợ"

Tuấn cúi đầu nhìn xuống đất. Chàng không biết mình đang nhìn cái gì nhưng chắc chắn là Tuấn cần phải tránh né đôi môi mọng đỏ của người con gái ấy. Chàng cố gắng giử sự bình tỉnh. Tuấn đã sợ cái cảnh hiểu lầm như thế này nên trước đó chàng đã nhủ lòng là sẽ không đến đây đón Dũng. Nhưng vì nễ bạn và nhất là nễ bác gái nên Tuấn đã tới đây đễ rồi bây giờ chàng thấy ân hận vô cùng.

Tiếng bác gái vang lên như ra lệnh

"Mày đi mua cho tao một chai nước lọc có được không. Con gái gì mà ngồi chèm bẹp giữa đường thế kia"

Hình nhưlúc này cô gái ấy đang liếc mắt nhìn Tuấn. Tuấn đoán là như vậy dù chàng vẫn còn đang cúi đầu. Đột nhiên chàng không còn thấy có điều gì mà phải sợ. Trong một thoáng chàng cảm thấy thương hại cho người con gái ấy. Chàng đưa mắt nhìn lên, quả đúng như chàng dự đoán, đôi mắt chàng đã gặp một đôi mắt đang chứa đựng một sự khinh bĩ vô cùng kiêu hảnh.

"Cô cứ ở đây lo cho bác để tôi đi mua nước cho".

Trong khi chàng đứng lên, một người đàn ông nào đó chen vào làm cho chàng xuýt ngã. Không phải chỉ có một người mà là nhiều người. Bàn tay ai đang nắm lấy tay bác Hòa trong khi có tiếng ai reo

"Anh Dũng ra rồi, anh Dũng ở phía này này."

Bác Hòa lật đật đứng lên. Người con gái ấy cũng đưa tay nắm lấy tay bà lão rồi cố tính đưa vai hất bờ vai Tuấn. Trong phút chốc Tuấn đã bị đẫy lùi ra phía sau.

Dường như không gian được mở ra dành chổ cho một bức tranh xum họp. Bà lão đang đưa tay ôm chầm lấy một người đàn ông trung niên rồi bà chợt khóc xục xùi. Rồi nhiều người khác nữa đang tranh nhau ôm người đàn ông ấy. Có cái nhìn ngơ ngác của thằng bé Việt Kiều đưa tay níu lấy tay mẹ. Người đàn bà níu lấy tay con rồi nói:

"Johnny, don t be shy. Say hi to your grandma"

"Johnny, ba dặn con rồi mà. Khoanh tay lại thưa bà nội đi con".

Tuấn chợt mĩm cười. Chàng thật sự vui lắm khi nhìn thấy cảnh một gia đình đang xum họp. Cái phi trường Tân Sơn Nhất này đang mở lòng ra đễ ôm vào muôn ngàn cảm xúc. Người con gái lúc nảy đã cho Tuấn một cái nhìn chua chát giờ đây đang giọt vắn giọt dài. Tuấn chợt nhớ ra người con gái ấy là ai.

*                                                  

"Anh Tuấn, em cám ơn anh đã giải cho em bài toán này. Em thật sợ học môn toán lắm, không có anh chắc em ở lại lớp quá"

"Không có gì đâu. Nhưng em cũng phải cố lên. Anh đâu có thể làm bài dùm cho em hoài được".

Lan Hương đưa tay xếp tờ giấy có bài toán giải từ tay Tuấn rồi nhẹ nhàng bỏ vào cặp táp. Cô nử sinh lớp 10 trường nử trung học Minh Khai chợt thấy lòng mình đang chớm lên một cảm giác vừa nhẹ vừa say. Anh Tuấn là bạn thân của anh Dũng mà, anh ấy đẹp trai quá mà lại học giỏi nữa. Hôm nọ có trông thấy anh ấy ngồi đánh đàn Guitar trước sân nhà với anh Dũng, mình đã lén lén đứng đằng sau khung cửa sổ nhìn trộm.

"Em cố rồi đấy chứ thế mà có hiểu gì đâu. Lần nào anh cũng nói thế nhưng lần nào anh cũng làm bài dùm em."

"Lần này là lần cuối, nếu không em ỷ lại là khổ. Lên lớp 11, 12 môn toán càng khó hơn"

Lan Hương e thẹn nói nhỏ

"Em thích ỷ lại thì sao""

Nói tới đây nàng leo lên xe đạp rồi đạp xe đi. Cử chỉ nàng lúng túng chút nữa là cán lên con mèo tam thể của nhà đối diện. Nhìn bóng dáng người con gái ấy khuất dạng sau giàn hoa giấy màu đỏ ở đầu con phố làm Tuấn cũng thấy vui vui. Chàng sinh viên bách khoa năm thứ ba cũng cảm thấy lòng dâng lên một cảm gíac lâng lâng khó tả.

*                               

"Tuấn, mày phải không Tuấn""

Có tiếng ai gọi tên đưa Tuấn trở lại với phi trường Tân Sơn Nhất. Trước mặt Tuấn là một người đàn ông trung niên đang nhìn mình với một nụ cười rạng rỡ.

"Tao nè mày. Chao ôi mày khác nhiều quá"

"mười bảy năm rồi còn gì. Năm xưa hai mươi bây giờ gần 40 rồi mày. Mày cũng vậy nhưng mà vẫn ốm roi roi. À đễ tao giới thiệu với bà xã nha."

Dũng kéo tay vợ và con lại rồi ân cần giới thiệu

"Michelle bà xã tao. Qua Mỹ hồi nhỏ nên tiếng Việt không rành lắm. Còn đây là con trai tao Johnny năm nay 8 tuổi rồi"

Rồi Dũng đưa tay quàng lấy bờ vai Tuấn.

"Honey, let me introduce you my best friend of the whole world, Dũng. Without him I would have still stayed in Vietnam."

Có tiếng tu huýt của người công an bảo vệ ra dấu cho gia đình Dũng phải rời khỏi chổ này. Bác Hòa lên tiếng thúc dục:

"Thôi lên xe đi về. Chuyện gì rồi nói sau. Tối nay cháu Tuấn nhớ đến ăn tối với gia đình bác. "

"Bác để ngày mai cháu sẽ đến. Tối nay Dũng bận bịu chuyện gia đình."

Chiếc xe van đậu phiá trước. Gia đình Dũng đang chất hành lý lên xe. Dũng mở cửa xe rồi đở bác Hòa lên sau đó là đến vợ con. Trong lúc Tuấn đang lúng túng không biết phải đi đâu làm gì thì Dũng đã ôm chầm lấy Tuấn rồi nói lớn:

"Tao hiểu mày rồi. Nhưng tối nay 8 giờ mày đến nhà tao chở tao đi uống café nha. Tao không cần biết, tối nay chỉ có tao với mày mà thôi."

Lại có tiếng tu huýt thổi lên. Mọi người vội vã kẻ thì lên xe van, kẻ thì lên xe honda rồi phóng đi. Trong phút chốc chỉ còn mình Tuấn đứng lại một mình ngơ ngác.

*                                                          

 Hai ngày qua Tuấn và Dũng đã làm sống lại tình bạn của hơn hai mươi năm về trước. Họ ôn lại kỷ niệm với tất cả sự trìu mến ân cần. Cả hai đều cùng vào học trường trung học Lê Hồng Phong năm 1979, học chung một lớp cho đến lúc ra trường năm 1986 thì cả hai cũng lại thi đậu vào trường bách khoa. Hai đứa thân nhau như còn hơn ruột thịt. Thuở đó gia đình Dũng chật vật lắm và Tuấn đã nhiều lần giúp đở cho Dũng từ tiền học phí cho đến tiền tiêu xài. Thậm chí nếu không có Tuấn cho mẹ Dũng mượn một số tiền lớn để bà hối lộ công an thì Dũng đã bị đi "Nghĩa vụ quân sự" rồi.

Sau đó năm 1990 gia đình Dũng qua Mỹ theo diện HO. Lúc đầu Dũng có gởi tiền về cho Tuấn nhưng sau khi biết tin Dũng lập gia đình Tuấn đã từ chối nhận sự giúp đở của bạn để Dũng lo cho gia đình chu đáo.

Cuộc sống đã chia rẽ hai người bạn mỗi người mỗi ngã. Dũng tốt nghiệp đại học rồi lập gia đình, mua nhà mua cửa trong khi Tuấn chật vật với cuộc sống khắc nghiệt nơi quê nhà. Lập gia đình muộn màng với người con gái ở Phan Rang, gia đình chàng mở một quán ăn ở đó rồi sau đó làm ăn thua lỗ khiến chàng phải tạm bỏ lại vợ con mà quay lại Saigon làm nghề thợ xây cất. Mấy năm gần đây không ai mướn mà có mướn thì người ta mướn những thanh niên trai trẻ nên Tuấn đổi sang nghề lái xe ôm. Dù cực khổ nhưng Tuấn không hề xin sỏ bạn mình bên Mỹ dù chỉ một lần.

Đêm qua, đêm cuối cùng ở Saigon, Dũng và Tuấn đi uống Café ở quán Cỏi Riêng trên đường Nguyễn Trãi. Biết rằng ngày mai Tuấn sẽ về Phan Rang ăn tết với vợ con, Dũng lấy trong túi áo ra một phong bì màu đỏ

"Tao có cái này gửi mày"

Tuấn đưa tay lấy điếu thuốc từ miệng Dũng rồi đưa lên miệng mình hút tỉnh bơ như thuở ngày nào cả hai chia nhau từng điều thuốc. Đột nhiên chàng vùi điếu thuốc xuống bàn rồi nói

"Mày biết tao mà, xin lỗi tao không nhận"

"Mày đừng có ương ngạnh có được không" Tại sao hồi xưa mày giúp tao thì được, bây giờ mày không cho tao giúp mày"

"Ngày xưa mày chưa có gia đình, bây giờ hãy lo cho gia đình mày. Tao không muốn mang tiếng đến nhà mày đễ xin xỏ. Mày biết mà có người sẽ hiểu lầm."

"Tao biết mày ám chỉ ai. Tao sẽ nói chuyện với nó, tao biết nó đã quên mày là ai."

"Tao nhất định không nhận."

"Thì coi như là tao lì xì cho con mày. Không có nhiều đâu mày đừng lo."

Đêm đó hai người bạn đã ngồi uống Café cho đến khuya vì họ biết rằng chắc sẽ còn lâu lắm họ mới có dịp gặp lại nhau.

*                          

Tuấn đến xa cảng miền Đông đúng 3 giờ chiều ngày 28 tết. Ở đây tuy cũng là một nơi đễ người ta xum họp và chia lìa, nhưng sau nó có vẻ như là một thế giới hoàn toàn khác hẵn với phi trường Tân Sơn Nhất.

Tuấn đưa mắt nhìn quanh, trước mặt chàng không có những rừng người với những bộ quần áo tươm tất, không có Việt Kiều, không có những chiếc Vali nặng trĩu hàng hóa, không có những nụ cười và những tiếng khóc của sự xum vầy. Ở đây chỉ có những con người khẳng khiu, gầy nhom với những túi sách khiêm nhường đang đón những chuyến xe cuối cùng để trở về nguyên quán ăn tết.

"Cô cho một vé đi về Phan Rang"

"Vé hạng nhất 98 ngàn, hạng nhì 85 ngàn, hạng ba 65 ngàn. Ông lấy vé nào"

"Cô cho vé hạng ba".

Tuấn bước lên xe tìm chổ ngồi rồi ngồi xuống một cách bình thản. Chàng nhắm mắt lại tưởng tượng đến vợ con mình. Rồi chiều nay xe đò sẽ đưa chàng đến bến xe thị xã Phan Rang, nơi đó sẽ có hai mẹ con nó đứng chờ chàng. Thằng cu Tửng bây giờ đã vào học mẫu giáo. Mẹ nó chắc chắn sẽ mặc chiếc áo dài màu vàng bỡi vì đó là chiếc áo dài duy nhất nàng có. Nghĩ đến đó chàng nhớ tới hai xấp vải mới mua mà thấy vui. Một xấp màu trắng cho thằng con may áo sơ mi, còn cái kia màu xanh da trời mua cho bà xả muốn may gì thì may.

Tuấn chợt nhớ đến chiếc phong bì màu đỏ, Chàng lấy  phong bì ra định mở ra xem Dũng đã cho mình bao nhiêu nhưng rồi chàng lại không mở. Có tiếng ai đó vang lên trong tìm thức

"Em cố rồi đấy chứ thế mà có hiểu gì đâu. Lần nào anh cũng nói thế nhưng lần nào anh cũng làm bài dùm em."

"Chắc chuyến này về vợ chồng anh ấy tốn tiền nhiều đấy. Không khéo gặp ai cũng cho thì về lại bên Mỹ có nước mà đi cày trả nợ".

Tuấn biết mình cần phải làm gì.

DUY TÂM

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 67,152,444
Bà Trương Ngọc Bảo Xuân là tác giả đã được trao tặng giải chung kết Viết Về Nước Mỹ 2001, với bài viết "32 Năm Người Mỹ và Tôi".
Trưa thứ Bảy, Jim và An đến nhà chị Thoa ăn đám giỗ. Từ trước tới giờ, Jim chưa đi ăn đám giỗ ở một nhà Việt Nam bao giờ. An giải thích với Jim là bố chị Thoa mất lâu
Tác giả là cư dân Lacey, Washington State, tốt nghiệp MA, ngành giáo dục năm 2000, từng là nhà giáo trong ban giảng huấn
Tác giả Sao Nam Trần ngọc Bình, cựu sĩ quan VNCH, cựu tù cải tạo, hiện định cư tại Greenville SC., đã góp nhiều bài viết đặc biệt
Tác giả Võ Duy Tâm, 37 tuổi, cư dân Midway City, CA, công việc: Civil Engineer. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của ông là "Góc Vườn"
Đã hơn hai tuần trôi qua, tôi vẫn chưa có tin tức gì về anh, từ cái đêm anh vứt bỏ gia đình và tôi, ra đi không một lời từ giã. Giờ này anh đang làm gì, ở đâu"
Tác giả Tuyết Mai, cư dân Virginia, là một nhà báo theo sát các sinh hoạt cộng đồng, đã cung cấp cho báo chí nhiều bản tin
Giữa những người nấu ăn chuyên nghiệp với nhiều năm kinh nghiệm trong bộ đồng phục và cái mũ màu trắng của "chef cook" cô gái Việt Nam Jessica Đặng vẫn rất đầy tự tin
Tác giả Nguyễn Lê từng là chủ một nhà hàng ăn Việt Nam thành công tại Philadelphia PA. đã góp nhiều bài viết và đã nhận giải thưởng đặc biệt
Anh bạn vỉa hè của tôi lặng lẽ gói mấy bộ quần áo, nhờ tôi chở ra phi trường. Ai cũng thắc mắc: "Sao lại đi Việt Nam sau Tết"" Một mình tôi là người biết chờ kết qủa của chuyến đi
Nhạc sĩ Cung Tiến