Hôm nay,  

Tinh Thần Lễ Hội

24/12/200800:00:00(Xem: 371247)

Tinh Thần Lễ Hội

Tác giả: Nguyễn Trần Phương Dung
Bài số 2490-16208567-vb4241208

Giải thưởng Việt Báo Viết Về Nước Mỹ trân trọng chúc mừng quí vị độc giả và tác giả Giáng Sinh và năm mới 2009 an vui tốt đẹp. Và mời đọc “Tinh Thần Lễ Hội của Nguyễn Trần Phương Dung. Tác giả sinh năm 1972. Rời Việt Nam năm 10 tuổi. Tốt nghiệp Management Infor-mation System. Công việc: Program Manager, phụ trách về "Đào Tạo Tài Năng" (Talent Development) cho công ty Cisco. Với bài “Cám Ơn Em, Cám Ơn Peacorp”, kể về “Người Con Gái Việt Nam và Sứ Mạng Hòa Bình tại Phi Châu” và nhiều bài viết đặc biệt khác, Nguyễn Trần Phương Dung đã nhận giải vinh danh tác phẩm Viết Về Nước Mỹ 2008.

***

Bạn. 
Tôi yêu vô cùng cái không khí cuối năm ở nước Mỹ.  Khi đất trời chuyển mình vào thu, mùa lễ hội bắt đầu và kéo dài cho đến sau Tết tây.  Bất cứ nơi nào bạn đi, từ thương xá, chợ búa, trường học, nhà thờ, đường phố.. bạn không thể không cảm nhận cái không khí tưng bừng nhộn nhịp của những sinh hoạt cuối năm.  Suốt năm tôi nao nức trông chờ mùa này để được hòa mình vào tinh thần lễ hội của nước Mỹ.
Bắt đầu từ tháng 10, cơn nóng cuối hè đã thôi gay gắt, thời tiết dễ chịu dần với những cơn nắng nhạt màu và gió thoảng dịu dàng.  Mặt trời đi ngủ sớm và ngày ngắn dần để rồi một buổi sáng khi thức dậy, bạn sẽ giật mình nhận ra cỏ cây đã khoác lên mình chiếc áo thu rực rỡ.  Vùng tôi ở chỉ có hai mùa mưa nắng nên thu đến không có lá vàng rơi.  Đây là một điều đáng buồn vì tôi rất yêu mùa thu.  Tôi đành trang trí nhà cửa với lá vàng, với hoa đỏ, với bí cam để có không khí thu.  Chút lãng mạng trong tâm hồn thường kéo chân tôi đến những vùng có lá thu rơi xào xạc để đi tìm con nai vàng ngơ ngác, đạp trên lá vàng khô..
Trung tuần tháng 10 năm nay, vợ chồng tôi có dịp lên vùng Hoa Thịnh Đốn và được một số bạn trong nhóm Việt Bút hướng dẫn đi xem mùa thu ở Shenandoah National Park.   Sáng hôm đó nắng ấm, trời trong xanh.  Con đường Skyline Drive dài mấy chục miles với rừng phong tràn ngập lá vàng ở hai bên.  Có những khúc xe chạy quanh sườn núi, mở ra phía dưới một thung lũng ngút ngàn sắc vàng, đỏ, cam.  Thật tôi không biết làm sao mà mô tả được hết vẻ đẹp của rừng thu dưới nắng vàng, chỉ biết cúi đầu cảm phục bàn tay huyền diệu của tạo hóa.  Buổi trưa, tại đỉnh cao nhất, Big Meadow post, mặt trời trốn đằng sau những đám mây, gió lạnh tê cắt thịt da, cả bọn co ro đứng bên nhau, ấm lòng với ly cà phê nóng và những lời tâm tình.  Lúc chạy ngược xuống núi để ra về, chúng tôi dừng lại ở các điểm Overlooks dọc theo con đường để ngắm cảnh, vui cười và chụp hình.  Cám ơn tất cả cho một ngày thu không thể tuyệt vời hơn.
Tháng 10 còn có lễ hội Halloween, mừng vào ngày cuối cùng của tháng.   Đây là ngày dân Mỹ đi xem những nhà ma, gọt đẽo những trái bí đỏ với mắt, mũi, miệng rồi bỏ đèn cầy vào bên trong thành jack-o  -latern, đọc sách hay xem những phim kinh dị, đi xin kẹo Trick-or-Treating hoặc dự những buổi tiệc hóa trang.  Halloween là tập tục người di dân Irish đem qua Mỹ vào thế kỷ 19 mà bây giờ đang rất thịnh hành ở các nước Âu và Á.  Người Việt ở Mỹ cũng rất thích thú với lễ hội này.  Vào đêm Halloween, rất nhiều bé con Việt trong bộ đồ hóa trang, cầm giỏ hình trái bí đi xin kẹo cùng khắp.  Các em nhỏ thường được hóa trang thành những nàng công chúa và chàng hoàng tử của phim huyền thoại Disney.  Các em lớn thì hóa trang thành những nhân vật trong các phim đang thịnh hành hay truyền thống hơn thì đeo mặt nạ ma quỉ rùng rợn.  Tôi yêu những trang phục có cánh như thiên thần, nàng tiên, bướm, bọ cam..  và thích thú mỗi lần bắt gặp tà áo dài hay bà ba trong đoàn diễn hành.  Năm nay nhà tôi có một cô công chúa bướm, một nàng thổ dân da đỏ Pokahontas, một chú bé lái xe đua, và một chú choai choai tự cho mình quá lớn để hóa trang nhưng vẫn nhỏ đủ để cùng mẹ dẫn em đi diễn hành trong shopping mall và xin kẹo xung quanh xóm.  Cám ơn nước Mỹ có một ngày lễ hội thật dễ thương để cả gia đình cùng vui với nhau.
Qua tháng 11 là bước vào mùa thu hoạch - harvest season và lễ Tạ Ơn - Thanksgiving.  Lễ Tạ Ơn  được mừng vào thứ năm cuối cùng của tháng nhưng người Mỹ có những hội chợ mùa thu - fall festivals -  rãi rác ở các cuối tuần trong tháng 11.  Ở những nơi khí hậu lạnh và mưa gió, hội chợ mùa thu được tổ chức sớm hơn vào tháng 9 hoặc tháng 10.  Sau những tháng ngày vất vả trồng trọt, đến mùa thu hoạch, nông dân ăn mừng và chia sẻ những hoa lợi của mình với gia đình bạn bè.  Dù nông nghiệp không còn phổ thông, người Mỹ vẫn giữ truyền thống tổ chức hội chợ mùa thu.  Đây là dịp cho gia đình bạn bè có một ngày vui ngoài trời, với các trò chơi cho trẻ con, với triển lãm hội họa art and crafts, với rượu và hoa quả đầu mùa, với ca nhạc và nhảy múa. 
Năm nay cộng đồng nơi tôi ở tổ chức hội chợ mùa thu vào tuần thứ ba của tháng 11.  Xóm tôi không có nông dân nên các doanh nhân bảo trợ cho những gian hàng trò chơi và đồ ăn.  Vào cửa không tốn tiền, vậy mà con nít được chơi games, ăn kẹo bánh, tặng bong bóng, vẽ mặt vẽ mũi cả ngày.  Người lớn thì được uống bia và ăn gà ta, gà tây cuốn thả giàn.  Có chương trình rút thăm trúng thưởng, tôi may mắn bê về giải nhất gồm một giỏ to dụng cụ làm đẹp.  Cám ơn một ngày hội chợ mùa thu nhộn nhịp để hàng xóm láng giềng có dịp làm thân với nhau.
Rồi đến tuần lễ Tạ Ơn, nhà nhà tưng bừng chuẩn bị cho một trong những ngày lễ ý nghĩa nhất của năm.  Vì nhà có con nít nên chúng tôi thường mở sách ôn lại lịch sử của ngày lễ.  Lễ Tạ Ơn bắt nguồn từ trước thời lập quốc.  Vào thế kỷ thứ 17, người Tin Lành ở Anh Quốc bị chính quyền ép bỏ đạo, buộc lòng rời bỏ đất nước bằng tàu Mayflower để đi tìm một vùng đất mới nơi họ có thể tự do thờ phượng theo ý muốn.  Những người hành hương -pilgrims - này đến Plymouth, tiểu bang New England tại Bắc Mỹ, và ở lại lập nghiệp.  Với sự trợ giúp của người thổ dân da đỏ, họ gặt hái thắng lợi trong mùa thu hoạch đầu tiên và tổ chức một buổi tiệc mừng để cảm tạ thượng đế.  Họ quay những con gà rừng, còn được gọi là gà tây, để ăn mừng.  Gà tây từ đó trở thành một món ăn truyền thống trong ngày lễ Tạ Ơn.  Mặc dầu rất ghiền những món ăn Việt thuần túy với mắm muối đậm đà, mỗi năm một lần vào ngày lễ Tạ Ơn, để giữ truyền thống, gia đình tôi dùng gà tây quay, thịt "ham" ướp mật ong, salad khoai tây, đậu que xanh nướng với hành tây phi, bánh pumpkin pie...  Cám ơn những người hành hương đã khởi xướng một ngày lễ rất ý nghĩa để gia đình bạn bè có dịp xum họp và Tạ Ơn Trời cho tất cả những phúc lộc đã nhận được. 
Ngay sau lễ Tạ Ơn là khởi đầu cho mùa Giáng Sinh.  Radio phát nhạc Giáng Sinh suốt 24 giờ một ngày.  Tivi chiếu liên tục các chương trình ca nhạc hay phim Giáng Sinh nổi tiếng.  Những cây thông cao chọc trời được kéo về làm đẹp cho trung tâm thành phố.  Những trái ornament vĩ đại treo lấp lánh trên cành thông làm cảnh cho du khách và dân địa phương ngắm ngía và chụp hình.  Phố xá, nhà cửa được giăng đèn và trang hoàng rực rỡ.  Thương xá tấp nập người mua sắm, người người vội vã chụp hình, gửi thiệp, chuẩn bị những món quà cho nhau.  Những đứa bé háo hức leo lên đùi ông già Noen tóc trắng, thầm thì vào tai ông những điều ước cho mùa Giáng Sinh.  Những lá thư ngây ngô gửi đến địa chỉ miền bắc cực North Pole xa xôi...  Bao nhiêu háo hức, bao nhiêu chuẩn bị, bao nhiêu đợi chờ cho một Đêm Thánh Vô Cùng.
Giáng Sinh chính là cao điểm của mùa lễ hội đối với người Công Giáo.  Gia đình tôi thường đi dự Thánh Lễ ở nhà thờ vào đêm 24, để trở về với mục đích thật sự của ngày lễ Giáng Sinh:  mừng ngày Thiên Chúa giáng thế làm người. 

Đêm nay Noen về
Nào ai hãy vui lên
bình an cho dương thế
người người sống tin yêu.

Từ nhà thờ trở về, chúng tôi đốt nến, mở nhạc Giáng Sinh rồi cùng ăn khuya với nhau.  Trước khi đi ngủ, lũ nhỏ làm bánh cookies và gingerbread man để ăn tráng miệng.  Chúng không quên để dành vài cái bánh và ly sữa cho ông già Noen để ông lấy lại sức vì phải leo lên leo xuống ống khói của bao nhiêu nhà.  Sáng sớm ngày 25, tôi luôn được đánh thức bởi tiếng reo hò của lũ trẻ, khi chúng chạy ra từ các phòng ngủ trong bộ đồ pijamas và nhìn thấy những gói quà dưới gốc cây thông và trong stockings treo lủng lẳng trên lò sưởi.  Sau đó thì đương nhiên là bóc quà và cám ơn nhau, một kết thúc thỏa đáng cho tất cả những chuẩn bị và mong chờ.
Một tuần sau lễ Giáng Sinh là đến Tết tây.  Người Mỹ kết thúc năm cũ với buổi tiệc cuối năm, với rượu champagne, với countdown và những nụ hôn và vòng tay ôm đón mừng năm mới.  Hãy bỏ tất cả phiền muộn và những điều không vừa ý của năm cũ qua một bên và bắt đầu năm mới với một tâm hồn mới, một sức sống mới, một ý chí mới.
 
Farewell to the old year,
The people are singing
To bring in the new year
The bells are ringing
Ding Dong
Ding Dong.

Bạn mến.  
Đọc đến đây chắc có lẽ bạn đã hiểu vì sao tôi yêu cái không khí cuối năm tại Mỹ.   Nó có những sinh hoạt, sắc thái độc đáo mà tôi nghĩ không tìm được ở một mùa hay nơi khác.  Nhưng có lẽ sẽ là một thiếu sót nếu tôi không đề cập đến một khía cạnh đặc biệt khác của mùa lễ hội.  Đây thật sự là thời gian dành cho sự bình an, tình yêu thương và lòng tử tế.  Vì vậy, bạn có biết, tinh thần lễ hội    the spirit of the holidays  -  còn đồng nghĩa với tinh thần cho đi -  the spirit of giving"  Mọi người không chỉ bầy tỏ lòng yêu thương một cách đặc biệt với gia đình người thân vào mùa này, họ còn rất rộng lượng và đối xử tử tế với những người xung quanh, những người lạ, những người nghèo.
Nếu để ý, bạn sẽ thấy các cơ quan từ thiện bận rộn nhất vào mùa này.  Người nghèo sống thiếu thốn quanh năm, nhưng cái lạnh, cái đói, hiển nhiên nhất vào những ngày cuối năm.  Với tấm lòng quảng đại, người Mỹ muốn những người nghèo được bữa ăn Tạ Ơn no đủ và trẻ em nghèo được món quà vào đêm Giáng Sinh.  Vì vậy, đóng góp cho các hội từ thiện và đi làm công tác thiện nguyện trở thành một truyền thống hằng năm cho nhiều người, nhiều gia đình, hội đoàn và hãng xưởng.  
Vào khoảng tháng 11 hay sớm hơn, trùng với thời điểm với mùa Thu Hoạch, mùa quyên góp bắt đầu cho các cơ quan từ thiện, food banks, soup kitchens hoặc homeless shelters.  Các nhà thờ, trường học, hãng xưởng, đài truyền hình và radio...  kêu gọi mọi người bước vào tinh thần cho đi bằng cách đóng góp tiền, thức ăn, quần áo đồ vật, thời giờ và tài năng cho người nghèo.
Thường thường tặng tiền là tiện nhất vì cơ quan từ thiện có thể dễ dàng chuyển xuống những chi nhánh địa phương để dùng vào những việc thiết thực.  Giá thức ăn họ mua cũng rẻ hơn bên ngoài rất nhiều.  Theo thông tin của hội Feeding America, một cơ quan chuyên cứu đói trong nước Mỹ, thì với mỗi đô la quyên góp, họ giúp chuyển 20 lbs lương thực đến cho người nghèo.  Trong khi đó, chúng ta cầm một đô la ra chợ thì chỉ mua được một lon soup.

Nếu tặng thức ăn thì họ chỉ nhận đồ hộp và đồ khô.  Điều này cũng dễ hiểu thôi vì từ khi đưa đồ mua từ chợ về nhà, từ nhà đến thùng quyên góp, từ thùng quyên góp đến cơ quan từ thiện để được chia loại và phân phát cho người nghèo là một quá trình dài.  Nếu cho đồ tươi thì chắc chắn sẽ bị hư thối trước khi đến tay người nhận.
Chăn mền và quần áo ấm luôn là nhu cầu vào mùa này.  Thường thì họ chỉ nhận đồ mới hay còn mới.  Những vật dụng vệ sinh cá nhân chưa từng dùng qua như kem đánh răng, lược, khăn mặt... cũng hay được yêu cầu.  Các cơ quan từ thiện thường có danh sách của những thứ cần hay nên cho.
Gần Giáng Sinh thì có những chương trình Toys Drive hay Giving Tree quyên đồ chơi cho trẻ em và Shoes Box quyên dụng cụ cần thiết cho những người cao niên trong viện dưỡng lão.  Họ chỉ xin những món đồ mới và, vì lý do an toàn, chưa gói (unwrapped) để dể dàng kiểm soát.
Những người không góp của có thể góp công.  Các cơ quan từ thiện Mỹ đều có nhân viên làm việc ăn lương, nhưng cung bao giờ cũng ít hơn cầu, cho nên tài năng và thời giờ của những người thiện nguyện luôn được trân trọng.  Vào mùa lễ, cần nhiều thiện nguyện viên làm các công việc như chia loại các thực phẩm quyên góp được ở các food banks, múc đồ ăn và dọn dẹp ở các soup kitchens, sơn phết sửa chửa phòng ốc ở các homeless shelters, hay gói quà ở các shopping malls.   Những công việc này thoạt nghe có vẻ tỉ mỉ nhàm chán, nhưng rất cần thiết và được cảm kích.
Kỳ tới: Tinh Thần Cho Đi
Nguyễn Trần Phương Dung

 

Bạn thân mến.  Có lẽ vì cá nhân tôi và gia đình đã từng được hưởng lợi ích của các chương trình từ thiện cho nên tôi rất qúy cái tinh thần cho đi của người Mỹ trong mùa lễ hội.
Nhớ lúc đến Mỹ từ trại tị nạn Phi Luật Tân, mới cuối tháng 9, trời chưa vào thu mà thời tiết San Francisco đã lạnh cóng.  May sao có hội từ thiện Catholic Charities phát cho mỗi người một cái áo lạnh ngay tại phi trường.  Những chiếc áo lạnh dầy cộm đó, phía trong bằng lông thú giả, phía ngoài bằng nylon, đã giúp gia đình tôi qua được mùa đông đầu tiên ở Mỹ.


Rồi mùa lễ Tạ Ơn, những người Việt qua trước dẫn bố mẹ tôi đến một xe chở hàng, không nhớ của hội từ thiện nào, đậu trong sân parking của một siêu thị, để nhận gà tây miễn phí.  Họ chẳng xét giấy tờ lợi tức gì cả, ai muốn lấy bao nhiêu con cũng được.  Năm đó nhà tôi được 2, 3 con gì đó, nướng lên ăn hôm lễ Tạ Ơn không hết, làm chà bông cất dành ăn dần.
Đến mùa Giáng Sinh, không hiểu ai nói với ban xã hội ở nhà thờ trong vùng rằng gia đình tôi mới qua mà họ mang đến cho anh em tôi một lô đồ chơi còn mới nguyên, được gói giấy màu, cột nơ đẹp đẽ.  Tôi nhớ mãi con búp bê Barbie xinh xắn với mái tóc vàng óng ả và đôi mắt xanh biếc.
Tôi giữ mãi kỷ niệm của những quà tặng đầu tiên đó trong lòng.  Lớn lên một chút, tôi hiểu ra rằng đằng sau các cơ quan từ thiện là chính phủ và bao nhiêu mạnh thường quân - không có sự trợ giúp của chính phủ và đóng góp của mọi người, các hội từ thiện không thể hoạt động và tồn tại được.  Tôi khâm phục tấm lòng, tầm nhìn và chiến lược cùng cách tổ chức những chương trình cứu tế của người Mỹ vô cùng.
Những năm còn đi học, tôi hay cùng các bạn đi giúp food banks và soup kitchens vào mùa lễ hội.   Mới đầu tôi làm một phần vì ham vui, một phần vì muốn cho lại phần nào những gì đã nhận được.  Người Mỹ hay nói pay it forward -  khi ai làm điều gì tốt cho mình, họ không cần được nhận lại, chỉ cần mình tốt với những người khác, để các hành động tốt được lan rộng.  Nhưng sau vài lần tình nguyện, tôi cảm thấy thích thật sự.  Thời gian này tôi quen nhiều người thiện nguyện mà sau này trở thành những người bạn thân quý, hiểu biết thêm về cách hoạt động của hội từ thiện địa phương, gặp gỡ những mảnh đời đáng thương và nhờ đó, có được trái tim biết cảm thông và trắc ẩn.   Có những lúc nhìn những cặp vợ chồng con cái lem luốc dang díu nhau đi vào soup kitchens ăn tối, tôi thầm nghĩ nếu như gia đình tôi không thoát được trong chuyến vượt biên cuối cùng, thì đời sống chắc cũng chẳng hơn gì họ.  Mà ở Việt Nam làm gì được giúp đỡ như bên này -  chính phủ không màng đến dân, dân thì đói khổ nên có ai giúp được ai!  Qua Mỹ đời sống tuy cực, nhưng đầy dẫy cơ hội cho mình vươn lên.  Nhìn lên tuy không bằng ai, nhưng nhìn xuống thấy mình cũng may mắn hơn nhiều người, ly nước của mình tuy không lớn nhưng đã đầy, phải đổ bớt ra để còn nhận được thêm.  Tạ ơn trên và cố gắng san sẻ chút ít với người khác.
Khi lớn hẳn, có nghĩa là đã học xong, đi làm, lập gia đình, giấc mơ làm triệu phú, cứu vớt gái bơ vơ và giúp đỡ người nghèo tàn lụi dần.  Nào là không có thì giờ, nào là quá nhiều trách nhiệm, nào là nợ cơm áo, ôi thôi thì đủ thứ lý do để biện hộ.  Nhưng có lẽ vì đã từng chứng nhiều kiến cảnh khổ, ở Việt Nam sau 1975 cũng như ở Mỹ trong những năm sinh hoạt với các cơ quan từ thiện, tôi luôn cảm thấy bất ổn khi ngồi trước bàn tiệc thừa mứa thức ăn.  Những đêm trời trở lạnh, quấn mình trong chăn đệm ấm êm, thấy lòng nao nao khi nghĩ đến những người trong cảnh màn trời chiếu đất.  Có hôm đi mua sắm quà Giáng Sinh một mình, tay xách nách mang những giỏ đồ bước ra cửa tiệm, tôi được một người mặc áo đỏ đứng phía ngoài giữ cửa cho, nhìn kỹ thì ra là ông cụ chuyên đứng ngoài cổng ra vào shopping mall, một tay mở cửa cho người ra vào, một tay cầm cái chuông rung rung để lạc quyên.  Nhìn người tuy già yếu nhưng vẫn đứng giữa trời lạnh để xin bạc cắc cho người nghèo, nhìn lại mình trẻ trung khỏe mạnh nhưng không làm gì cho người khác ngoài chút lòng trắc ẩn, thấy xấu hổ vô cùng.
Bạn ơi.  Bình tâm mà nói, nếu muốn, chúng ta có thể dể dàng đi vào tinh thần lễ hội - tinh thần cho đi của người Mỹ, không phải chỉ vào dịp lễ mà quanh năm, vì nhu cầu có bao giờ dừng lại bởi sự thay đổi của thời tiết và mùa đâu.   Những chữ từ thiện hay thiện nguyện nghe có vẻ to tát và... tốn kém, nhưng thật ra, nó đơn giản hơn mình nghĩ.  Chúng ta có thể sống tinh thần lễ hội -  tinh thần cho đi - này trong cuộc sống bình thường hằng ngày mà không phải mất mát tốn kém gì nhiều, lắm khi mình còn được lời thêm nữa là khác. 
Trường học của lũ nhóc nhà tôi quanh năm khởi xướng nhiều chương trình với mục đích tốt:  nhảy dây cho hội bệnh tim, đi bộ cho người bệnh tiểu đường, đánh vần cho quỹ học bổng, làm đẹp công viên hay hát cho một viện dưỡng lão hay bịnh viện nào đó.  Lũ nhóc dĩ nhiên thích tham gia cùng chúng bạn, vợ chồng tôi cũng ráng dành thì giờ đi theo cổ võ cho con.  Vậy là cả gia đình có được sinh hoạt cuối tuần lành mạnh, khỏi lo chúng ở nhà coi Tivi, chơi video game lười người, mệt mắt. 
Mùa thu nhà trường kêu gọi đóng góp cho Second Harvest Bank, một cơ quan chuyên quyên góp đồ hộp để phân phát cho những gia đình nghèo.  Bà hiệu trưởng tuyên bố lớp nào quyên góp được nhiều nhất thì được đãi một chầu cà rem.  Vậy là mấy tuần trước lễ Tạ Ơn, cả đám háo hức kéo nhau theo mẹ đi chợ.  Mẹ đẩy một xe, các con đẩy một xe.  Mẹ bỏ vào xe bốn lon bắp cho gia đình, các con bỏ vào xe bốn lon cho người nghèo.  Mẹ hai hộp bột khoai tây, các con vẫn bốn hộp.  Mẹ hai lon gravy, các con lấy tám vì hai lon gravy mới đủ cho một hộp bột.  Khi thấy mẹ lấy gà tây thì các con lắc đầu, cô giáo nói chỉ góp những đồ nào không bị hư.  Mẹ thở phào, vậy cũng hay, vì cứ cái đà này thì mẹ sẽ lủng túi.  Lũ nhóc cũng tỏ ra hiểu biết, hè nhau xin mẹ mỗi đứa 10 món thôi.  40 lon đồ hộp đổi lấy bài thực tập cho các con biết nghĩ đến người khác, tính ra mẹ vẫn còn lời.
Hãng xưởng ở Mỹ rất tích cực trong công tác từ thiện và xây dựng cộng đồng.  Những công ty lớn thường thành lập một cái quỹ tư - foundation - để tài trợ cho các cơ quan từ thiện.  Công ty tôi đang làm việc có cả một khối chuyên về tổ chức phúc thiện - corporate philanthropy và quan hệ cộng đồng - community relations.  Họ khuyến khích và tạo cơ hội cho nhân viên đóng góp.  Khi nhân viên quyên góp một phần tiền cho cơ quan từ thiện, quỹ tư của công ty cũng góp vào một phần.  Vào mùa lễ hội, để khuyến khích nhân viên, ông cựu tổng giám đốc bỏ vào thêm một phần nữa.  Tỉ dụ như tôi cho hội Hồng Thập Tự $500 thì quỹ tư của công ty cho $500 và ông cựu tổng giám đốc cho $500, vị chi hội Hồng Thập Tự được $1,500.  Khi nhân viên đóng góp thời giờ, công ty vẫn tính ra tiền và góp vào một phần.  Tỉ dụ như tôi đến giúp một Soup Kitchen ở địa phương tổng cộng 2 tuần và lương của tôi là $4,000 một tháng, thì thời giờ tôi giúp tương đương với $2,000, vậy là quỹ tư của công ty đưa cho Soup Kitchen $2,000.  Nhờ cái công thức rộng lượng này mà mình cho thì ít mà cơ quan từ thiện lại nhận được nhiều.  Ấy là chưa kể số tiền mình cho còn được khấu trừ thuế, cuối năm tính lại để khai thuế mới thấy cái lợi tài chánh của đóng góp cho hội từ thiện.
Có những thú vị và lợi lộc bất ngờ khi chúng ta làm việc thiện.  Trong nhóm tôi có anh chàng kỹ sư trẻ, rất mê đá banh, mỗi tuần hai buổi chiều làm huấn luyện viên cho đám vị thành niên trong vùng.  Anh khoe, "Dạy đá banh cho tụi nhỏ, được làm về sớm, được hoạt động thể thao, được phụ huynh quý, lại được cấp chỉ huy khen có lòng, thật không gì bằng!"   Phía ban lãnh đạo thì có thể dùng công tác thiện nguyện như một sinh hoạt xây dựng tình đồng đội cho nhân viên.  Bình thường chúng tôi phải mướn những chuyên viên bên ngoài vào hướng dẫn nhân viên các trò chơi tạo tình thân để họ dễ dàng cộng tác với nhau trong công việc.  Điều này cần thiết nhưng rất tốn kém.  Có một năm department tôi thay thế bằng cách cùng đi làm công tác thiện nguyện.  Vậy là mấy chục người, từ vice president trở xuống, bỏ nguyên một ngày thứ sáu đến dọn dẹp và sơn phết một homeless shelter dành cho người vô gia cư tạm trú.  Chúng tôi chia thành từng nhóm nhỏ và phân công để mọi việc được nhịp nhàng.  Sau một ngày làm việc mệt nhoài mà vui bên nhau, tất cả cảm thấy gắn bó và thân thiện với nhau hơn, nhất là những người bình thường không có dịp làm việc chung.  Sau đó nhiều nhóm nhỏ cứ theo mô hình này để sinh hoạt - đơn giản, hiệu quả, đỡ tốn kém mà lại làm được một việc tốt.
Làm từ thiện cũng đem lại niềm tự hào vô giá.  Những năm gần đây, vào mùa lễ hội, ở bắc Cali có cuộc thi đua giữa các công ty để vận động cho chương trình cứu đói toàn cầu - Global Hunger Relief Campaign.  Các công ty thi đua với nhau xem công ty nào quyên góp được nhiều nhất cho chương trình.  Vậy là từ trên xuống dưới hô hào nhau đóng góp.  Năm ngoái đám nhân viên chúng tôi góp được $1.2 triệu, thêm phần quỹ tư của công ty và ông cựu tổng giám đốc, tổng cộng được hơn $3 triệu cho chương trình.  Vậy là chúng tôi thắng cuộc, tên và nhãn hiệu của công ty được phô bầy trên những chiếc xe hàng của hội từ thiện này suốt năm, một niềm tự hào chung của mọi người.  Năm nay chúng tôi lại thi đua quyên góp tiếp.  Để cổ động nhân viên, ban giám đốc khuyến mãi:  20 người góp nhiều tiền nhất sẽ được ông tổng giám đốc cho vé đi xem football, ngồi trong hộp VIP đàng hoàng.  Rồi rút thăm, trong số những người đóng góp, 6 người và 6 người bạn cũa họ sẽ được đi chơi một cuối tuần ở Las Vegas bằng máy bay riêng - private jet - của tổng giám đốc.  Thời buổi kinh tế khó khăn, nghe nói cho hội từ thiện không cần biết bao nhiêu mà có cơ hội đi vacation free, ai cũng ráng nhín một chút góp vào vì biết đâu mình chẳng... tới số"  Vậy là công ty có hy vọng giữ chức vô địch!
Rồi trong mối tương quan hằng ngày với gia đình, bạn bè, hàng xóm, thậm chí người dưng, chúng ta có bao nhiêu cơ hội để sống tinh thần cho đi mà không tốn một xu cắc nào  Một nụ cười, một hành động tử tế đơn giản có thể đem lại niềm vui và có ảnh hưởng không nhỏ cho người đối diện.  Hôm nọ tôi đi shopping vào ngày thứ sáu sau lễ Tạ Ơn.  Thứ  sáu đen - black Friday -  là ngày khởi đầu chính thức cho mùa mua sắm lễ hội -  holiday shopping.  Các cửa tiệm đại hạ giá ngày này nên người ta đi khá đông và cái hàng trả tiền thường dài lê thê.   Có một bà cụ đứng hoài ở quầy trả tiền, móc hết ngăn này đến ngăn kia trong cái ví to tướng.  Bà móc, moi, đếm, móc, moi, đếm cả mấy lần mà vẫn không đủ tiền.  Đến khi bà lôi cái ví bạc cắc đổ ra đếm thì những người đứng sắp hàng đằng sau bồn chồn thấy rõ, có người còn thở dài thườn thượt rồi lầm bầm rủa bà.  Chợt cô gái đứng đằng trước tôi chạy lên đưa cho bà cụ cái phiếu hạ giá 20%.  Vậy là tổng số tiền bớt xuống, bà cụ đủ tiền trả, cái hàng nhích lên được chút xíu, mọi người thở phào.  Bà cụ bẻn lẻn, "Tôi mua đồ chơi cho Toys Drive để tặng cho trẻ em thuộc gia đình lợi tức thấp, không ngờ không đủ tiền, tưởng phải bớt lại một món.  Cám ơn cô nhiều lắm."   À, thì ra vậy, tội nghiệp bà cụ chưa.  Cô gái cười tươi, "Không có gì đâu bà ạ.  Cháu in những coupons này trên mạng, đem dư mấy tờ lỡ có ai cần.  Cháu vui lắm vì có thêm một em bé được quà Noen năm nay."   Bà cụ cười, vẫy vẫy bước đi.  Tôi nhìn theo bà, nhìn lại cô gái, lòng nghĩ  tới con búp bê Barbie tóc vàng năm xưa...
Bạn thân mến.  Tôi thấy lòng thật xao xuyến mỗi năm khi mùa lễ hội trở về.  Bên cạnh vẻ đẹp của mùa thu, không khí ấm cúng của mùa Tạ Ơn, sự tưng bừng nhộn nhịp của mùa Giáng Sinh là hoài niệm về chiếc áo ấm, con gà tây và những món quà mà tôi và gia đình đã nhận được Mỹ 25 năm về trước.  Một miếng khi đói bằng một gói khi no, sự tử tế vào lúc ban đầu khó khăn này đã gieo một ấn tượng không phai vào lòng con bé 11 tuổi.
Bạn ơi.  Người Việt tị nạn chúng ta thật sự đã nhận được quá nhiều từ cái tinh thần cho đi của nước Mỹ và người Mỹ.  Họ đã mở rộng vòng tay đón chúng ta, đã giúp đỡ chúng ta hết lòng trong quá trình hội nhập vào đời sống mới.  Sau hơn 30 năm, cộng đồng chúng ta đã lớn mạnh và nhiều người đã thành đạt.  Chúng ta học trường Mỹ,  làm việc ở công ty Mỹ, vào quốc tịch và hưởng những quyền lợi của công dân Mỹ.  Chúng ta có tên Mỹ, sống và sinh hoạt gần như người Mỹ.   Vào mùa lễ hội, chúng ta cũng ăn mừng như người Mỹ.  Nhưng, tôi không biết, rằng chúng ta đã thật sự có được tinh thần lễ hội của người Mỹ chưa"
Hiện tại với sự suy thoái của nền kinh tế toàn cầu, các cơ quan từ thiện báo động về sự thiếu hụt trầm trọng của ngân quỹ cứu trợ.  Tiền quyên góp giảm nhiều so với những năm trước trong khi nhu cầu vọt hẳn lên.  Các kệ đồ ăn tại food banks, food kitchens trống trơn trong khi danh sách những người có nhu cầu dài thoòng.  Các homeless shelters phải từ chối giúp đỡ nhiều người vì không đủ khả năng. 
Bạn ơi, những ân huệ mà chúng ta đã nhận được từ nước Mỹ, có phải đây là lúc chúng ta bước tới và pay it forward"  Tôi đọc ở đâu đó nói rằng người Việt là dân tộc biết ơn và có lòng.  Tôi tin điều này vì đã được biết qua báo chí những đóng góp của người Việt cho các quỹ cứu trợ sau trận khủng bố 9/11, thiên tai Katrina, v.v.  Tôi cũng biết rất nhiều cá nhân và đoàn thể chuyên đi làm việc thiện nguyện tại cộng đồng.  Nhưng hình như con số này còn quá ít"  Tôi hy vọng tất cả chúng ta sẽ cùng mở lòng đón nhận tinh thần cho đi của người Mỹ, và không phải chỉ trong thời điểm kinh tế khó khăn và mùa lễ hội, vì nhu cầu không dừng lại ở đây.
Cầu chúc bạn có được sự bình an và yêu thương trong mùa lễ này và suốt năm.
Bây giờ, mời bạn, chúng ta cùng bước vào tinh thần lễ hội, tinh thần cho đi.

N.T.Phương Dung

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 70,591,884
"Em vì hiếu thuận với cha mẹ nên không trọn được tình với anh. Anh thứ lỗi cho em. .."
Tân và Thảo quen nhau từ thời trung học
Sáng nay tôi dậy sớm hơn mọi bữa. Tâm trạng náo nức, cảm xúc nao nao... rất nhẹ nhàng
Năm 1976, tôi làm thiện nguyện cho cơ quan USCC để giúp người Việt ổn định trong những ngày đầu
Lê thị Bích Ngọc là bạn học cũ của tôi thời trung học đệ nhứt cấp. Ở Việt nam, tên đi học là Lê thị Ngọc. Qua Mỹ, tự nhiên thêm chữ lót
Là người sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn trong buổi giao thời giữa hai chế độ
Năm 1990 gia đình tôi  định cư tại Mỹ theo diện H.O.
Tính đến nay, chúng tôi đã dọn về khu nhà nầy vừa đúng hai mươi tám năm
Tôi hiểu rõ ý nghĩa chê cười của câu "Cờ bạc là bác thằng bần"
Đầu năm 1991. Không chịu nổi cái lạnh miền Đông nước Mỹ, tôi quyết định về miền Ca li nắng ấm. Ngoài cái không khí ấm áp sẽ rất thích hợp cho sức khoẻ yếu kém của tôi, cái câu thường truyền từ miệng người Việt