Hôm nay,  

Vùng Lên Cứu Nước!

24/04/201100:00:00(Xem: 155540)

Vùng Lên Cứu Nước!

Tác giả: Anthony Hưng Cao
Bài số 3174-28474 vb8042411

Tác giả có tên Việt là Cao Minh Hưng, hiện hành nghề bác sĩ nhà khoa tại Costa Mesa, Nam Cali. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ 2007, ông đã nhận giải danh dự năm 2008. Hai năm sau, thêm giải Tác Giả Xuất Sắc 2010, với hồi ký "My Life" chia sẻ kinh nghiệm học tập của ông. Ngoài nghiệp y khoa, ông còn là người viết văn, soạn nhạc. Sau đây là bài viết mới nhất.

***

Tôi ngồi viết những dòng này cho Bạn, khi mà 36 năm đã trôi qua kể từ khi nước Việt đã xảy ra một biến cố làm đổi thay bao nhiêu cuộc đời. Ngày đó, tôi và Bạn còn nhỏ lắm, cỡ chừng năm hay sáu tuổi gì đó thôi. Lứa tuổi chỉ mới bắt đầu cắp sách đến trường, học lớp Một hay lớp Hai gì đó. Nếu không có ngày đổi đời này, chắc có lẽ tôi và Bạn cũng không có dịp gặp nhau. Bố tôi theo đời quân ngũ nay đây mai đó. Tôi sinh ra ở thành phố Sài Gòn một năm sau biến cố Tết Mậu Thân. Bạn thì chào đời ngay trên mảnh đất hiền hoà của miền Đông Nam bộ, cũng là nơi nhiều thế hệ của gia đình tôi đã trải qua bao đời sinh sống. Bố của Bạn cũng đã từng là Sĩ Quan dưới chế độ Việt Nam Cộng Hoà, và ông đã bị bắt đưa vào trại giam đến hơn 10 năm thì phải.
Bạn có nhớ không những ngày còn học trung học trong ngôi trường Trung Học ở ngoài thị xã, nơi đã từng là ngôi trường tư và sau ngày đổi đời, ngôi trường đó bị chiếm đoạt làm "tài sản chung của nhân dân" và đổi tên, cũng như số phận của không biết bao nhiêu con đường, trường học sau ngày "giải phóng" bị thay đổi bằng những cái tên lạ hoắc. Con sông nhỏ bắt nguồn từ con sông Sài Gòn lượn lờ chảy qua phía sau ngôi chợ chính trong thị xã cũng là nơi tôi, Bạn cùng đám bạn thỉnh thoảng đạp xe ra đón những ngọn gió mát rượi từ bên kia sông thổi về. Kỷ niệm của thời học sinh nhiều lắm, phải không Bạn, nhưng tôi chỉ nhắc lại về kỷ niệm của lần đầu trong cuộc đời học sinh, khi Bạn và tôi nếm phải cái mùi đổi đời sau ngày 30 tháng 4 như thế nào. Đó là lần đầu tiên khi biết thế nào là hai chữ "lý lịch" với bảng đối tượng xếp theo tiêu chuẩn con ông cháu cha được ưu tiên vào đại học với số điểm thật thấp. Trong khi Bạn và tôi, một trong những học sinh thuộc loại giỏi của trường, lại bị số phận hẩm hiu không bước chân được vào đại học chỉ vì có hai ông bố "phục vụ trong chế độ cũ" nên bị xếp đối tượng cao đòi hỏi số điểm phải thật cao mới được vào đại học. Đó là một trong những bất công mà Bạn và tôi đã là nạn nhân trong quãng đời học sinh...
Tôi may mắn ra đi khỏi nước. Bạn ở lại với nhiều cảnh khổ cực mà tôi được biết qua những lá thư được gửi xuyên qua đại dương. Tôi sống những ngày đầu tiên ở Mỹ, với những khó khăn ban đầu cũng như bao nhiêu người dân Việt tị nạn trong bước đầu hội nhập vào nước Mỹ. Những ngày đông rét mướt phải lặn lội ôm từng chồng báo đi giao thật sớm, để còn kịp về đi học, nhưng tôi không than van vì tôi biết Bạn và bao nhiêu người bạn của tôi trên quê hương còn chịu nhiều cảnh khó khăn hơi tôi gấp bội. Tôi nghĩ điều quý giá nhất mà tôi đang được hưởng mà Bạn không có được là hai chữ "Tự Do" mà Bạn và tôi đã nghe nói thật nhiều, nhưng chưa bao giờ có thể hình dung nó thật sự ra sao. Tôi có thể đi đến bất cứ nơi đâu mà không phải xin phép ai. Tôi có thể viết và nói lên tất cả những điều gì tôi thích mà không nơm nớp lo sợ sẽ bị tên công an khu vực rình rập bắt giữ. Chỉ bao nhiêu đó thôi, cũng đủ cho tôi được cảm thấy cả một thiên đàng hạnh phúc mà tôi ao ước Bạn cũng có thể sống được những giây phút mà tôi đang có.
Năm tháng trôi qua, dù việc học, công việc, gia đình bề bộn, Bạn và tôi vẫn cố gắng giữ liên lạc thường xuyên để biết tin tức của nhau. Bây giờ thì Bạn và tôi không còn phải gửi những lá thư vượt hàng nghìn dặm đường nữa, mà chỉ cần một cái gõ nhẹ vào máy, là bao nhiêu tin tức trong giây lát có thể chuyển đến cho nhau. Dễ dàng như thế, đáng lẽ ra Bạn và tôi phải càng thêm thân thiết gắn bó với nhau hơn, thế mà hình như Bạn và tôi ngày càng có một hố sâu ngăn cách thật lớn. Theo dõi cuộc sống của Bạn, tôi biết bạn khá thành công nhờ tài tháo vát, vốn kiến thức Anh ngữ sẵn có, khi người nước ngoài đổ xô vào đầu tư ở Việt Nam trong những năm cuối thập niên 90, khi nhà cầm quyền Việt Nam phải chọn lấy con đường "mở cửa hay là chết". Chúng rất khôn ngoan và xảo quyệt, nên đã chọn con đường mở cửa để sinh tồn và ngăn chặn một làn sóng bất mãn của người dân khi họ bắt đầu nhìn rõ bộ mặt thật của cái bánh vẽ "xã hội chủ nghĩa" mà chúng đã đưa ra để dụ họ trong hơn mười năm sau ngày đổi đời. Bạn là một trong số những người rất may mắn biết nắm lấy cơ hội và đổi đời từ một anh sinh viên nghèo suýt chôn đời mình với đồng lương chết đói của người thầy giáo, để trở thành một tay kinh doanh bất cứ ngành nghề nào có thể luồn lách để hái ra tiền. Từ môi giới kinh danh, lo thủ tục giấy tờ cho các công ty nước ngoài với khoản chia lợi nhuận kết xù và những cổ phần béo bở mà các công ty này đã ban thưởng cho Bạn. Bạn đâu cần biết rằng những đồng tiền mà Bạn có đã thấm bao nhiêu nước mắt và máu của người dân Việt.
Bạn có nhớ lần tôi viết thư cho bạn chia sẻ nỗi lo lắng của tôi khi đọc những bản tin về người dân khiếu kiện phải tự mỗ bụng vì bao nhiêu nỗi uất ức bị cướp đất đai với hình thức mua rẻ và cưỡng bách, để sau đó bọn con buôn chia chác với lũ người cầm quyền bán những mảnh đất này lại cho những nhà đầu tư nước ngoài với giá gấp mấy trăm lần để sinh lời bỏ túi mà không cần phải tốn một giọt mồ hôi nào. Bạn cố bào chữa và cho rằng tại những người dân lành này quá khờ khạo, không biết đất của họ sẽ được "quy hoạch" (làm sao mà họ có thể biết trước hỡi Bạn!). Khi thấy có giá thì bán hết đất đai của mình. Đến khi hết tiền thì lại kéo nhau đi thưa kiện. "Thật là đáng đời!" Tôi nghẹn lời khi nghe Bạn nói ra những điều này.
Chẳng lẽ người bạn hiền lành và vốn có lòng thương người của tôi ngày xưa đã hoàn toàn thay đổi như vậy sao" Chẳng lẽ Bạn thật sự không còn mãy may có chút lòng thương sót cho số phận của những người dân quê chất phác, cả một đời gắn liền với mảnh vườn, miếng ruộng, đã bị dụ ngọt cũng có, và bị cưỡng bách cũng có, để phải nhắm mắt xuôi tay bán đi những mảnh đất nơi có mồ mã của ông bà mình cho những tay trung gian trục lợi, mà Bạn là một trong những người trong số đó"

Rồi Bạn báo cho tôi tin vui với niềm hãnh diện là Bạn được bầu làm chủ tịch một tập đoàn doanh nhân trẻ do nhà nước lập ra. Sẵn có tiền bạc trong tay, giờ đây tôi biết Bạn còn muốn có thêm chức vị để củng cố thế lực và địa vị của mình trong xã hội... Bẵng đi một thời gian sau đó, tôi không còn hứng thú để liên lạc với Bạn. Rồi những vụ đàn áp tôn giáo và quyền tự do phát biểu, nhân quyền, v.v. liên tiếp diễn ra. Hình ảnh Cha Nguyễn Văn Lý bị bịt miệng trước toà án, rồi những người chiến sĩ dấn thân đấu tranh cho nhân quyền như Bác sĩ Nguyễn Đan Quế, Luật sư Lê Thị Công Nhân và rất nhiều tấm gương dấn thân khác mà tên tuổi của họ chắc chắn không bao giờ được biết đến vì họ đã bị tra tấn và thủ tiêu trong những nhà tù bí mật mọc ra khắp nơi trong nước. Tôi phẫn uất! 
Tôi biết Bạn chỉ là một con rối trong những gánh hát được bọn cầm quyền trong nước dựng ra để làm cảnh với những tập đoàn này, tổ chức kinh doanh tư nhân nọ cho có vẻ ta đây cũng hoà nhập với nền kinh tế tự do toàn cầu, nhưng thật ra chúng chỉ làm tốn phí thêm tiền thuế của người dân nai lưng ra làm để cho những tay lãnh đạo của các tập đoàn kinh doanh giả hiệu này có những buổi họp hội, tiệc tùng liên miên và đi công du khắp nơi trên thế giới. Tuy nhiên, tôi vẫn có chút hy vọng mong manh ở người Bạn từng là người bạn học thân năm nào. Tôi dò hỏi xem Bạn suy nghĩ gì về những người đang quên mình đấu tranh cho lý tưởng tự do và nhân quyền và Bạn có thể làm được gì trong khả năng của mình để giúp cho những người đấu tranh với bàn tay không tất sắt này.
Câu trả lời của Bạn đã làm tiêu tan niềm kỳ vọng mong manh trong tôi khi Bạn cho biết những người này là "những kẻ không thức thời và không được bình thường". Như vậy những người chỉ biết ngoan ngoãn cúi đầu phục tùng chế độ như những con cừu non là những người "thức thời và bình thường" trong cái nhìn của Bạn hay sao" Như vậy là bạn đã cho tôi biết rõ hơn về con người và nhân cách của bạn (xin lỗi vì từ bây giờ đến cuối lá thư, tôi không còn có thể nào viết hoa chữ "Bạn" mà tôi đã cố gắng viết từ đầu bức thư cho đến giờ). Trong bức thư cuối gửi cho tôi, bạn còn tiếp tục khoe về những chuyến công du được nhà nước đài thọ để tháp tùng với những phái đoàn đi đến hết nước này đến nước khác. Tôi thầm nghĩ không biết qua những chuyến công du như vậy, bạn đã móc nối thêm được bao nhiêu "đối tác" để làm ăn như bạn vẫn úp mở khoe ra. Bạn cho biết bạn cũng như nhiều người trong nước hiện nay, "cứ lo làm ăn kiếm tiền, tội gì lên tiếng đòi nhân quyền này, tự do này nọ để bị giết chết sao". À, thì ra bạn cũng còn một chút "liêm sĩ" là dám nói lên sự thật: Đó là bạn sợ chết. Tôi tự hỏi nếu như sống mà nhân phẩm của mình đã chết rồi thì có đáng sống trên cõi đời này không hỡi bạn" Bạn cho tôi và những người Việt Nam sống ở hải ngoại là "viễn vông, xa rời thực tế", như khi bạn cho rằng những cột mốc biên giới ở phía Bắc bị bọn cộng Tàu dời xa hàng bao nhiêu cây số vào lãnh thổ Việt Nam "chỉ là điều bịa đặt'. Tôi gửi cho bạn xem những tấm hình chụp trước và sau với những cột mốc biên giới, cây đa cỗ thụ và cả những tấm hình lũ trẻ Trung cộng hiên ngang cười nói đứng chụp hình ngay trên cột mốc biên giới mà đáng lẽ là mảnh đất của Tiền Nhân bao đời cháu con phải gìn giữ. Tôi đau xót!
Bạn lại cả quyết rằng bạn đã đi "quan sát tình hình thực tế" và thấy Ải Nam quan, nơi Nguyễn Trải từng theo khóc tiễn cha bị đưa đi đày vẫn còn đó, chứ đâu có mất. Mấy chục năm trước, khi tên Thủ tướng cộng sản Phạm Văn Đồng ký giấy nhượng những hải đảo Hoàng Sa và Trường Sa cho Trung cộng để mua lấy sự trường tồn của chế độ cộng sản Việt Nam lúc bấy giờ, chắc hắn cũng nói một câu đại khái như "lãnh hải của nước Việt cũng còn đó chứ đâu có biến đi đâu mà lo...(!)". Bao nhiêu thập niên sau, những di tích cột mốc biên giới cũng còn đó chứ đâu có biến đi đâu phải không bạn" Hay có lẽ bạn chỉ được đọc một "bản báo cáo về tình hình cột mốc biên giới" và để dành thời gian đi "quan sát" vẻ đẹp của các cô sơn nữ rồi!
Rồi nạn khai thác bâu-xít trên vùng Tây nguyên Việt Nam của bọn Tàu cộng để làm giàu cho bọn chúng và đám chức quyền ăn theo mà không hề đếm xỉa gì đến sự tàn phá môi trường lâu dài và sức khoẻ của người dân thấp cổ bé miệng. Bạn còn cố bào chữa là vì những vùng đất đó theo báo cáo (lại cũng theo những bản báo cáo) là "không có khả năng canh tác" và "không sinh lợi" nếu không cho Trung cộng đi vào khai thác. Đến nước này thì tôi đã không còn có thể tiếp tục nói chuyện với bạn, dù là những câu thăm hỏi bình thường nhất. Chúng ta đã ở trên hai chiến tuyến!
Tổ quốc đang lâm nguy với sự dòm ngó thôn tính của bọn giặc phương Bắc. Tự do và nhân quyền ngày càng bị trắng trợn chà đạp. Cả thế giới lên án nhưng bọn cộng sản cầm quyền vẫn cứ dửng dưng bỏ ngoài tai. Người dân trong nước, trừ số ít những người an phận với cuộc sống hiện tại với chút bổng lộc mà họ đang được ban thưởng, là số đông những người đang sống trong cảnh lầm than và bị áp bức từ tinh thần đến vật chất một cách thậm tệ. Luồng gió đấu tranh cho nhân quyền và tự do đang nổi lên từ những nước xa xôi như Tusnia, Ai cập, Lybia, … khi người dân ở những nước đó đã và đang đứng lên lật đổ những chế độ độc tài để dành lại quyền làm người.
Tôi có một ước mơ: Đó là làm sao cho ngọn lửa đấu tranh được thổi bùng lên trên quê hương nước Việt. Cùng với ba người Bạn đang sinh hoạt chung trong Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ là anh Trần Trọng Nhân, anh Việt Hải và chị Bạch Liên ("Nhân-Hải-Liên-Hưng"), chúng tôi cùng đặt lời thơ và tôi đã phổ nhạc thành bản hùng ca "Vùng Lên Cứu Nước", với ước mơ như tựa đề của bài hát, là kêu gọi người dân hãy vùng lên cứu nước! Bài hát cũng sẽ gióng lên tiếng chuông làm thức tỉnh những ai còn đang ngủ vùi trong những bổng lộc mà quên đi những quyền căn bản của con người đã bị tước đoạt. Trong số người đó có người bạn cũ của tôi. Tôi mong ước những lời ca sẽ làm nung nấu ý chí quật cường của người dân Việt kiêu hùng cùng đứng lên lật đổ bọn bạo quyền độc tài dã man như những lời mở đầu của bài hùng ca này:

Công Tiền Nhân xẻ núi lấp sông
Làm rạng rỡ con Rồng cháu Tiên
Đã đến lúc toàn dân vùng lên
Phá xích xiềng đem lại tự do!
Những người Bạn của tôi trên khắp năm châu mà chúng tôi đã cảm thấy như đã từng quen biết vì đã đọc bài vở của nhau qua chương trình Viết Về Nước Mỹ, có thể nghe toàn bộ bài hát này trên Youtube ở địa chỉ:
http://www.youtube.com/watch"v=MwwlppRfw5k

Tôi không mong gì hơn là các Bạn hãy tiếp tay cùng tôi kêu gọi người dân trong nước từ thành thị đến nông thôn, theo gương của những dân tộc đã đứng lên làm cuộc cách mạng hoa lài, cùng Vùng Lên Cứu Nước.

Ngày thanh bình muôn nơi hân hoan
Người Việt Nam hát khúc khải hoàn
Ngày hùng cường nước Việt vang danh
Cho giống nòi Rồng Tiên muôn năm.

Tháng Tư đang về. Hãy biến tháng Tư năm nay là một tháng Tư lịch sử đánh dấu sự "Vùng Lên Cứu Nước" và cho những tháng Tư sau này sẽ không còn là những tháng Tư đen nữa.
Anthony Hưng Cao

Ý kiến bạn đọc
05/05/201118:08:30
Khách
Bài viết này làm mọi người phải suy nghĩ về trách nhiệm của mình với đất nước trong giai đoạn hiện nay. Cám ơn tác giả.
05/05/201104:37:13
Khách
Bài viết hay, đánh thức ý chí đấu tranh. Tôi cũng thích bài hát, vì nó thật hùng hồn!
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 65,742,968
Tác giả cựu sĩ quan VNCH, cựu tù chính trị, đồng thời cũng là một nhà giáo kỳ cựu. Trước 1975 ông từng dạy học ở một số trường như: Trường Sinh Ngữ Quân Đội Sài Gòn, Võ Bị Quốc Gia Việt Nam, Hội Việt-Mỹ (Sài Gòn, Đà Lạt) Trường Chánh Trị Kinh Doanh, Đại Học Văn Khoa, Viện Đại Học Đà Lạt.
Tác giả là một cựu sĩ quan VNCH, cựu tù nhân, định cư tại Hoa Kỳ theo diện HO. Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của ông kể về một cựu sĩ quan cảnh sát.
Tác giả cho biết cô họ Nguyễn. Bút hiệu Đoàn Thị do họ chồng ghép với cái tên lót dành cho phụ nữ rất VN thời xưa, hiện làm việc trong một văn phòng thiết kế công chánh. Đoàn Thị chỉ mới tham gia Viết Về Nước Mỹ từ tháng Ba 2010, nhưng cho thấy một sức viết mạnh mẽ.
Xin nói rõ là những “CHIẾC” xe, chứ không phải “CHUYẾN” xe!
Tết năm đó tôi về Việt Nam ghé thăm bạn bè
Tác giả cư trú tại Nam California, đã góp một số bài viết về nước Mỹ ngay từ năm 2001. Sau đây là bài viết mới nhất của Anh Nga kể về việc chính cô học tự chữa bệnh theo kiểu "Diệân Cẩn Điều Khiển Liệu Pháp". Mong tác giả sẽ tiếp tục viết thêm.
Tác giả là kỹ sư điện toán cho một công ty tại Arizona, đã tham gia Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu tiên với bài "Nước Mỹ và tôi." Tiếp theo là các bài "Không Cho Phép Mình Quên"; "Homeless tại Mỹ." "Lễ Tạ Ơn 2008", "Tản Mạn Ngày Xuân" mừng Tết Canh Dần, 2010. Sau đây là bài viết mới nhất.
Sáng ngày 30 tháng Tư năm 75, tôi may mắn nhảy lên được chiếc tàu đánh cá của một công ty Đức
Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của Ngân Hà là phần bắt đầu một chuyện tình, giữa cô gái Việt với một người "ngoại quốc"... Bài được chuyển tới bằng điện thư. Mong tác giả sẽ tiếp tục viết thêm và vui lòng bổ túc ít dòng sơ lược tiểu sử cùng địa chỉ liên lạc.
Nhớ xưa Bùi Giáng hứa: “Tôi sẽ yêu mến trần gian này mãi mãi, vì nơi đây tôi có cả vui sầu”