Hôm nay,  

Như Dòng Suối Hiền Ngọt Ngào

10/05/201900:00:00(Xem: 7862)
Người viết: Pha Lê
Bài số  5685-20-31492-vb6051019
 
Năm nay, tháng Năm ngày 12, sẽ là Ngày Lễ Mẹ. Mời đọc bài viết của Pha Lê. Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ 2018. Bà tên thật là Ngô Phương Liên,  học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79. Đi học lại gần  6 năm mới ra trường với bằng BS engineer năm 85. Hiện là cư dân ở Lafayette, Louisiana, còn vài năm nữa sẽ ... ăn tiền gìa. Bút hiệu Pha Lê, theo chú giải vui của tác giả, không phải là trong veo như Pha Lê, mà là... Pha trò và Lê la! Sau đây là bài viết thứ năm của bà.
 
***                                              

Tháng Năm, có thể ở những tiểu bang khác, như California hay New York, mọi người vẫn còn được an hưởng không khí dịu mát của những ngày cuối  mùa xuân, nhưng riêng  tiểu bang Louisiana của tôi, mùa hè đã bắt đầu ngay từ những ngày cuối tháng Tư với những trận mưa rào cùng những cơn nắng gay gắt đổ dài trên nhiều con đường không một chút bóng cây. Cho nên khi tháng 5 tới,   tiểu bang  của tôi vào hạ với  bầu không khí ẩm thấp, oi bức  khiến mọi người mệt nhoài. Trường học cũng nhanh chóng kết thúc niên học vào cuối tháng 5. Có thể nói,  thiên hạ tại đây có vẻ như trông mong tháng 5 càng trôi qua nhanh càng tốt.

Nhưng tháng 5 lại là một tháng mà hầu như tất cả mọi ngưới trên nước Mỹ này háo hức chào đón, bởi đó là tháng có một ngày lễ thật quan trọng: Ngày Mothers Day, Ngày của các Bà mẹ.

Cũng như mọi năm, tôi thường mua những tấm thiệp Mừng Ngày Lễ của Mẹ và gửi  thật sớm cho mẹ, cho cô, dì tôi hay cho những người lớn tuổi vì họ vẫn chỉ thích cầm  tấm thiệp và đọc thừng chữ, từng câu được viết bằng tay của con cháu.

Bây giờ tôi lại lang thang trên Google để tìm những tấm thiệp cho ngày Mothers ' Day sắp đến. Có cả hằng trăm câu nói, hàng ngàn lời ca tụng công sinh thành, mang nặng đẻ đau của Mẹ mà những người con luôn phải biết ơn ghi khắc trong lòng, chợt một tấm thiệp với những dòng chữ khiến tôi thoáng bàng hoàng xúc động, tôi run run đọc :

"Chúng ta thường dành rất nhiều thời  gian để nghĩ về những món quà, nhưng bữa tiệc cho ngày sinh nhật của mình mà quên mất rằng có một người đã từng vì ngày sinh này của ta mà dám đánh đổi cả sinh mạng của mình không một chút đắn đo, suy tính.”

Vì vậy, hãy dành những lời cảm ơn chân thành nhất, những món quà yêu thương nhất cho MẸ không phải chỉ trong ngày Mothers ' Day, mà trong mỗi dịp sinh nhật  mình, bạn nhé. "

Tọi cảm thấy cay cay trong mắt và tim tôi chợt tê buốt như có bàn tay ai vừa bóp xiết. Đúng vậy, bao lần sinh nhật  chúng ta tổ chức tiệc tùng linh đình, quà cáp tưng bừng, nhưng có lúc nào chúng ta nghĩ đến Mẹ ,mà đã không nghĩ, không nhớ thì làm gì có chuyện gửi quà cho Mẹ !

Bạn và tôi chúng ta đều đã là những người mẹ. Những lần "vượt cạn" với những cơn đau tột cùng tưởng như banh da xẻ thịt khiến chúng ta phải hiểu và thương mẹ biết là bao. Nhưng trong những khoảnh khắc đau đớn đó, chúng ta vẫn được sự thương yêu chia xẻ, hoặc từ ánh mắt xúc động lo âu của người bạn đời, hoặc từ bàn tay ôm ấp vỗ về của mẹ. Chúng ta hình như chưa thật sự bao giờ "vượt cạn" một mình!

Tôi thật xót xa quặn lòng khi nghĩ đến những người đàn bà "bụng vượt mặt"  tất tả hoảng hốt rời bỏ thôn xóm khi chiến tranh lan tràn về làng quê, khi những người chồng vẫn còn đang chiến đấu tại vùng giới tuyến nào đó. Trong cơn binh lửa, những đứa bé sơ sinh có thể được chào đời bên những rãnh nước, cạnh bờ đê, hay ngay chính bên lề đường trong tiếng vọng ầm ì của pháo kích, hay tiếng đạn bay veo véo ngay trên đầu. Người mẹ nghiến chặt đôi môi gần như rướm máu vì những cơn đau, cắt cuống rốn đứa con bé bỏng vừa chào đời hoặc bằng một khúc nứa sắc từ đám cây dại, hoặc bằng một mảnh thủy tinh, một miếng sắt rơi rớt bên đường. Chẳng cần hiểu sự nhiễm trùng nguy hểm như thế nào, mà hiểu sao được với đầu óc đơn sơ giản dị của những người phụ nữ suốt đời chân lấm tay bùn đó, với chị, chỉ có tiếng khóc oe  oe chào đời của con ,là trên khuôn mặt thật mệt nhọc của chị tươi nở một nụ cười. Rồi chị cũng phải đứng lên bước theo dòng người đang mải miết hối hả chạy trên đường, nhưng chị không thể "chay" mà chỉ có thể lê từng bước chân khó nhọc, hình như có những giọt máu đang chảy dài xuống đôi bàn chân chị .

Ôi, với những người mẹ khốn khổ  nhưng rất can đảm đó. liệu có món quà nào xứng đáng để trao tặng cho họ?

Tôi lại miên man nhớ về khu xóm nhỏ lao động ngày xưa của tôi. Xóm nghèo nhà tranh vách đất san sát nhau, nhưng không lúc nào ngưng vang tiếng cười đùa của trẻ thơ, hoặc tiếng khóc oa oa của những đứa bé sơ sinh. Những người phụ nữ trong con hẻm nhỏ này dù nhiều lần cãi nhau òm tỏi chỉ vì những đụng chạm thật nhỏ nhoi, như con gà chạy lạc qua sân, hoặc hai đứa trẻ hàng xóm uýnh nhau, nhưng điều thật thú vị là họ có chung một niềm vui hạnh phúc: "Con là của, càng đông con, càng dzui".

Như  chị Ba Xôi Vị ở cuối con đường, mỗi  lần chị "lâm bồn" là cả xóm được nghe điệp khúc... rủa chồng của chị cùng một câu đe nẹt: "Tui nói rồi, lần này là lần chót, ông nhớ nghen!". Và sau nhiều cái "lần chót", chị Ba hình như đang mang bầu đứa thứ bẩy!

Như thím Năm có chồng là thợ sơn trong xóm. Khi đi bảo sanh viện, may mắn lắm thì thím chỉ được chồng chở trên chiếc honda, tới nhà thương, BỎ vợ lại đó rồi quay xe về nhà với câu tuyên bố.... xanh rờn:

- Chiện sanh đẻ là chiện của đàn bà, "mắc chi" đàn ông chúng tôi xía dô!

Nhưng có lẽ mãi mãi tôi không bao giờ quên hình ảnh Hồng Hạnh, cô giáo trẻ dạy lớp Một của khu xóm tôi ngày xưa. Chồng cô là một chuẩn úy đóng quân mãi tận Pleiku, cô còn mẹ già sống xa tít ngoài miền trung. Ngày khai hoa nở nhụy, cô lặng lẽ một mình mệt nhọc, ột ệt bước lên chiếc  xích lô của chú Tư. Trời mưa xối xả, từ trên căn gác ngồi học, tôi vẫn nghe được giọng nói vang vang, lấn át tiếng mưa của chú Tư:

- Gáng lên nha cô giáo, tui cũng gáng đạp nhanh, một chút xíu là tới bệnh  dziện, gáng  nha cô giáo".

Trên xe có lẽ cô giáo Hồng Hạnh đang cố ngồi nép sát váo trong, trên tay cô chỉ vỏn vẹn một chiếc giỏ xách mà  có lẽ trong đó chỉ có vài bô quần áo sơ sinh mà cô đã lui cui, cặm cụi may từ những tháng trước.

Hai ngày sau, cũng trên chiếc xích lô của chú Tư, cô giáo dễ thương của xóm tôi trở về nhà. Vẫn với dáng dấp thanh thanh nhỏ nhắn, cô chầm chậm bước xuống xe, khuôn mặt cô thật xanh xao mệt mỏi, nhưng ánh mắt cô choáng ngợp niềm vui. Trên tay cô là một hình hài nhỏ bé xinh xinh được "gói" trong lớp chăn bông  ấm áp. Trên gác cao, chúng tôi lại len lén quan sát cô với một niềm thương mến dạt dào, nhất là khi nhìn bóng hai mẹ con cô thật đơn độc lẻ loi đang lặng lẽ bước vào nhà ,

Rối từng ngày khi nhìn thấy cô phờ phạc giặt từng chồng tã ngoài sân sau, hoặc từng đêm nghe tiếng khóc vi đói sữa của em bé với những câu ru con của người mẹ trẻ, lòng cảm mến của tôi chuyển dần sang sự ngưỡng phục vì đức tính  nhẫn nhục, chịu thương chịu khó của cô. Tình mẹ trong trái tim cô giáo trẻ xóm tôi thật rộng lớn, bao la.


Rồi sẽ có ngày người chồng Chuẩn úy của cô được phép về thăm vợ, có khi đứa bé đã biết lẫy, hoặc biết bò!

Nhưng dù sao chị Ba, thím Năm, cô giáo Hồng Hạnh cũng còn là những người mẹ " may mắn" vì  những đứa trẻ sinh ra vẫn còn có cha. Trong khu xóm lao động của tôi này biết bao nhiêu lần những câu chuyện thương tâm, nát lòng với những đứa trẻ thiếu vắng tình phụ tử được kể đi, kể lại như lời than trách, như câu hát ru con phát ra từ căn nhà cuối xóm của cô Kim. Lời ru nghe như muối xát lòng người, như một định mệnh nghiệt ngã cho chính bản thân mình:

"Gió đưa bụi chuối sau hè,
Anh mê vơ bé, bỏ bề con thơ".

Tình Mẫu tử là một thứ tình yêu vô cùng thiêng liêng quý giá mà  không một thứ gì trên thế gian có thể so sánh bằng. . Đó là điều mà mãi sau này khi thực sự làm Mẹ, khi thực sự bương trải nhọc nhằn nuôi nấng dậy  dỗ con cái, tôi mới thấu hiểu, để ngậm ngùi chua xót vì biết mình chẳng còn bao nhiêu  thời gian nữa để báo đáp công ơn sinh thành dưỡng dục của Mẹ, bởi mẹ tôi năm nay đã ngoài 90.  

Mẹ tôi ở Cali cùng những người chị của tôi, mỗi năm tôi chỉ có thể về thăm mẹ một lần.   

Những lần sang thăm mẹ, sau những bữa cơm gia đình đầm ấm, chúng tôi thường quây quần bên tách trà nóng ,ôn lại những kỷ niệm xa xưa thời chúng tôi còn bé dại. Mẹ luôn góp mặt trong những buổi " trà đàm" (Chữ người chị Cả tôi  gọi cho những lần chị em ngồi lại với nhau), trong những câu chuyện với tiếng cười ròn rã của chúng tôi. Dĩ nhiên mẹ không theo kịp (nhất là tôi vừa nói nhanh, lâu lâu lai pha trộn vài chữ tiếng Mỹ), nhưng nhìn khuôn mặt mẹ với nụ cười đôn hậu, ánh mắt reo vui, thoáng chút mạn nguyện khi nhìn "bầy con gái" mới ngày nào còn nhắng nhít chạy quanh, mà hôm nay đã thành những bà mẹ ...đã già, đang già, và sẽ già !

Hôm nay, trời Cali dịu mát,  chúng tôi lại ngồi với nhau trong buổi trà đàm. Mẹ ngồi yên lặng chăm chú lắng nghe, bỗng người nói: "Mẹ rời hà Nội...", vừa nghe đến đây, không hẹn nhưng bốn người chị tôi đều cùng  đứng lên một lúc, ngạc nhiên tôi hỏi "Mấy chị đi đâu vậy", chị Ba là người chăm sóc mẹ cười cười nói:

- Khi mẹ bắt đầu câu nói đó, là lúc mẹ hồi ức nhớ về chuyện xa xưa cũ. Còn ngồi đó là mẹ còn nói mãi. Tụi ta bị  nhiều lần lắm rồi!

Tôi bật cười cũng định đứng lên theo, nhưng người chị Cả ấn vai tôi ngồi xuống và nói:

- Mi chưa nghe chuyện xưa tích cũ của mẹ, ngồi đó nghe đi, rất hay và cảm động, có điều tụi ta nghe đến ngàn lần rồi!

Nói xong 4 người chị với 4 tách trà trên tay phóng lẹ sang phòng khách bên cạnh. Tôi đành ngồi lại, chịu trận không biết câu chuyện người Hà Nội của mẹ dài ngắn ra sao.

Mẹ tôi bắt đầu kể, giọng mẹ lúc lên bổng xuống trầm, từ lúc lên tàu "Há Mồm" vào Nam với một nách 3 con thơ dại, cha tôi phải vào Nam trước để tránh Việt Minh. Mẹ kể từ những khó khăn, gian nan khi bắt đầu lại cuộc đời từ hai bàn tay trắng, những nỗi đoạn trường nuôi nấng, dạy dỗ chúng tôi, cho đến những giọt nước mắt âm thầm chịu đựng của một đời làm vợ, làm mẹ .Tôi chết lặng ngồi nghe, từ sự kinh ngạc đến lòng ngưỡng phục vì trí nhớ ... thần sầu của mẹ. Trước mắt tôi, cuộc đời của mẹ như một khúc phim với đầy đủ tình tiết hỷ nộ ái ố qua lời kể từ một người Hà Nội thanh lịch của những năm 54 là mẹ. Rồi mẹ hạ thấp giọng kể :

- Cái năm tôi cho cái Út (là tôi) vượt biên, ngày ngày nghe tin tức nào là biển động sóng lớn, nào là ghe thuyền mỏng manh, rồi nạn hải tặc kinh hoàng, tôi mất ăn mất ngủ suốt cả tháng trời, đến khi nhận được điện tín "con đã đến nơi bình an", tôi mới như người  vừa chết đi sống lại .

Nghe đến đây tôi không  còn gượng được nữa, tôi bật khóc thành tiếng. Ôi tấm lòng của mẹ tôi nói riêng, và của tất cả những người mẹ trên khắp thế giới nói chung sao thật vĩ đại, bao la, dạt dào như biển Thái Bình. Trái tim  tràn ngập yêu thương, đầy tình nhân ái của những người mẹ cũng chính là một trong những kỳ quan của nhân loại mà chúng ta phải ngưỡng mô, kính phục.

Những ngày đến thăm mẹ ở Cali, có những buổi chiều tôi thường dắt mẹ ra công viên chỉ cách nhà 10 phút đi bộ cho mẹ hưởng chút không khí thoáng mát ngoài trời. Hai mẹ con tôi thường ngồi im lặng hơn là nói chuyện. Mẹ tôi ngồi yên xa vắng có lẽ mẹ đang nhớ lại những kỷ niệm xa xưa, những thăng trầm, trôi nổi trong cuộc sống mà mẹ đã trải qua. Còn tôi, đây là những giờ phút mà tôi cảm thấy gần gũi mẹ nhất, tội vẫn thường lặng lẽ nhìn ngắm, quan sát mẹ. Một cơn gió thổi qua, vài chiếc lá rơi lả tả vướng trên chiếc áo len cũ kỹ của mẹ. Tôi khẽ giơ tay nhặt những chiếc lá đó trên áo mẹ có những sợi len đã cũ sờn, cứng ngắc, và mầu áo cũng đã bạc gần thành mầu xám tro, nhưng mẹ vẫn luôn yêu thích và  lúc nào cũngchỉ mặc độc một chiếc áo đó.

Có lần nhìn thấy những chiếc áo len mới treo đầy trong tủ mà mẹ chưa từng mặc bao giờ, tôi đã cự nự mẹ tôi và toan vất bỏ chiếc áo cũ xì mà mẹ cứ khư khư mặc từ tháng này qua tháng khác, nhưng ngươi chị Cả tôi đã ngậm ngùi nói đó là chiếc áo duy nhất bố tôi đã tặng mẹ ngày xưa nện mẹ rất trân quý nó.

Năm ngoái sức khỏe của mẹ tôi suy yếu dần, trí nhớ của mẹ tôi không còn như xưa. Những lần thả bộ cùng mẹ ra công viên càng thưa thớt dần, Một lần ngồi với mẹ trên băng ghế đá dưới tàng cây rợp mát, gió thu thổi lành lạnh, mẹ tôi bỗng buâng khuâng nói:

- Hà Nội đã sang thu, cái áo nhung tím mẹ phơi ngoài kia có người lấy mất rồi, không biết bao giờ mẹ mới mua lại được.

Mẹ vừa nói vừa dợm đứng lên, tôi khẽ kéo mẹ ngồi xuống, tôi muốn nói với mẹ rằng tôi sẽ mua cho mẹ 10 cái áo khác đẹp hơn, nhưng mẹ tôi đâu hiểu tôi nói gì. Bỗng tôi chợt nhớ tới một câu hát ...

“... Rồi một ngày nào đó, con về nhìn mẹ yêu, nhìn thật lâu, để nói với mẹ rằng, mẹ ơi mẹ có biết hay không, biết gì? Biết là con thương mẹ không?...

Tôi ghé sát tai mẹ, vuốt những sợi tóc bạc lòa xòa trên trán mẹ và thì thầm :

- Mẹ ơi, con yêu mẹ lắm, mẹ có biết hay không?

Tôi cảm nhận bàn tay mẹ trong tay tôi bỗng rung lên nhè nhẹ, mắt mẹ chớp nhanh, rồi mẹ nói:

- Chị nom quen quen, chị đến thăm các em mà rõ khổ, chúng nó đi đâu mãi chưa về. Chị ở đâu, có xa đây lắm không?

Tôi sững người bật khóc và tim tôi nhói buốt như vừa nhẩy sai một nhịp.

Ôi những người con như tôi  như bạn, tại sao   chỉ nói lên được tình yêu mình dành cho mẹ, chỉ bày tỏ lòng biết ơn trước sự hy sinh cao cả của mẹ khi mẹ hoặc đã luống tuổi không còn minh mẫn, hoặc tệ hơn nữa, khi mẹ không còn trên cõi thế gian này.

Ngày xưa cụ Đồ Chiểu đã khóc mù hai mắt trên đường về quê chịu tang mẹ. Ngày xưa nhà sư Mục Kiều Liên đã  chịu muôn ngàn khổ ải vượt qua mấy mươi tầng  địa ngục chỉ để cứu mẹ. Ngày nay, chỉ cần một lần lướt nhẹ trên phone, chúng ta có thể nói và nghe được tiếng Mẹ. Chỉ ngồi thoải mái trên một chuyến bay vài ba tiếng đồng hồ là chúng ta có thể gặp mẹ, ngồicạnh mẹ, nắm được đôi bàn tay mẹ. Dễ dàng vậy nhưng tại sao những người con chúng ta luôn cảm thấy thật khó  thực hiện .

Vậy bạn nhé,  ngày Lễ Mẹ đã gần kề, xin cho tôi gửi đến mẹ bạn, mẹ tôi, và cho tất cả những người Mẹ Viêt Nam những câu thơ của thi sĩ Hồ Dzếnh như lời tri ân trước sự hy sinh cao cả vô bờ bến của người nữ Việt Nam:

“Cô gái Việt Nam ơi
Nếu chữ hy sinh có ở đời
Tôi muốn nạm vàng bao khổ nhọc
Cho lòng cô gái Việt Nam tươi.

Pha Lê

Ý kiến bạn đọc
16/05/201920:05:10
Khách
Gửi cháu Long Nguyễn ,
Trước hết xin mạn phép gọi LN bằng chữ "cháu" vì thật sự như lời giới thiệu về tác giả của VB , Pha Lê cũng đang bước vào cái tuổi tri thiên mệnh !
Xin thành thật cảm ơn lời ...khen của cháu , cháu khen cô ... quá lời rồi đấy ! Cô mới tham dự VVNM năm nay nên vẫn còn đang ... tập tễnh viết ( hay dziết ) văn ! Những bài cô vừa được VB đăng có thể làm xúc động vài độc giả vì dù không phải là chuyện đời cô,( trừ bài viết về Mẹ ), nhưng cô đã viết với tất cả cảm xúc khi cô nhìn thấy , nghe được những sự việc xảy ra chung quanh cô.
Một lần nữa, cô cảm ơn riêng cháu và cô cũng xin tri ân những người đọc đã cho cô một chút niềm tin qua những lời khích lệ , những câu chia xẻ khi đọc qua những câu chuyện của cô ...
Pha Lê sẽ cố gắng... tối tác ( vì toàn viết vào ban đêm!!!) và cầu mong vẫn được mọi người đón đọc như một vài phút giây phút giải trí thoải mái cho một ngày mệt nhoài vì công việc, hay có thể là liều ... thuốc an thần cho những đêm trằn trọc mất ngủ !
Rất trân trọng.
14/05/201913:25:28
Khách
Xin cam on co Pha Le, mot bai doc va mot mon qua tinh than vo cung quy bau trong ngay le Me., co viet lan dau ma viet hay den nhu vay!!! con that cam phuc cach viet cua CO^, cau mong cho tat ca cac ba Me. tren doi nay luon luon duoc hanh phuc voi nhung nguoi than cua ho. Cam on tac gia that nhieu.
11/05/201904:47:22
Khách
Xin cám ơn cô Pha Lê.
10/05/201920:48:21
Khách
Cảm ơn tác giả bài viết rất đơn giản nhưng rất cảm động! Happy Mother's Day to All
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,309,959
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo