Hôm nay,  

Ví Dầu Cầu Ván Đóng Đinh

11/01/201900:00:00(Xem: 8987)
Tác giả: Nguyễn Thị Thu Hương

Bài số 5592-20-31398-vb5011019

 
Tác giả quê gốc Kinh 5 Rạch Giá, hiện là cư dân Seattle, dự Viết Về Nước Mỹ từ năm 2010. Hai bài đã viết: “Cưỡng Bách Hồi Hương Rồi Mới Đến My” và “Mang Con Bị Tê Liệt Đến Mỹ.” Bài viết mới là chuyện 30 năm của gia đình ba: Từ đảo tị nạn, sau 7 năm chờ đợi, bị buộc phải hồi hương. Và rồi, nhờ chương trình ROV, vẫn tới được nước Mỹ.

 
* * *
 

"Ví dầu cầu ván đóng đinh.

 Cầu tre lắc lẻo gập ghềnh khó đi."

Đó là bài hát mà tôi hay hát để ru đứa con gái nuôi của tôi hồi nó mới 2 tuổi.

Tôi và nó như có duyên nợ với nhau, chứ nếu không thì làm sao một đứa bé hai tuổi đi vượt biên có thân nhân mà lại phải làm con nuôi cuả một gia đình xa lạ...

Tháng Ba năm 1989 gia đình tôi đặt chân lên đảo Paulau Bidong,thì tháng Bảy được chuyển sang đất liền ở trại Sungai Besi vì tôi có đứa con bị sốt tê liệt cho tiện việc chữa trị, nhờ vậy mà tôi có đứa con gái không sinh mà có.

Tôi và mẹ nó ở chung một dãy nhà nhưng hai lưng sát vách nhau, lúc đó nó mới được 9 tháng đang lững chững biết đi, mà mẹ nó thì bịnh nằm một chỗ, nhờ chị ở chung nhà lãnh cơm cho mỗi ngày.

Trưa chiều  ngày hai buổi chị mang nó sang chỗ ở của gia đình tôi nhờ giữ giùm, nên tôi mới được biết là mẹ nó bị bệnh ung thư vú, nhưng vì chị không chịu uống thuốc theo như lời chỉ dẫn cho nên bệnh đã di căn sang những chỗ khác.

Đúng là người sinh nhưng trời nuôi, mẹ bị bệnh nằm một chỗ không được lo cho ăn uống đầy đủ như con người ta vậy mà nó lại mập mạnh, chỉ tội bị ghẻ tàu nhiều vì nước tắm và về sinh ở trại cũng tệ. Nó không giống như hai thằng con trai của tôi nhìn y như dân ốm đói Somalia.

Đi chung chuyến tàu với mẹ con nó còn có ba người em trai và một người em dâu, nhưng không hiểu tại sao chẳng ai lo cho chị.

Ngày hai  bữa tôi nấu ăn mang sang cho chị, nhưng bịnh ngày một nặng nên chị phải ra bịnh viện Kualalumpur nằm điều trị. Chị phải gởi đứa con gái lại cho gia đình tôi săn sóc giùm. Ở ngoài bệnh viện toàn người bản xứ chị sợ lắm, lại không chịu nghe theo lời của bác sĩ nên bệnh viện trả về lại trại tị nạn Sungei.

Về trại chị cũng không chịu nằm trong trạm xá SickBay mà đòi về ở lại chung dãy nhà với gia đình tôi. Có lẽ chị biết thời gian của mình không còn bao lâu nữa nên muốn gần gũi con gái nhiều hơn, nhưng một đứa trẻ chưa đầy hai tuổi khi nhìn hình hài của người bệnh, cho dù là mẹ ruột của mình thì nó vẫn sợ. Vì vậy, chị gọi nó lại gần, nhưng nó cứ lùi ra và ôm chặt tôi và kêu tôi là mẹ.

Còn nỗi đau nào hơn khi con mình sinh ra mà kêu nó lại gần thì nó không đến mà lại gọi một người xa lạ là mẹ?

Khi chăm sóc nó để cho chị an tâm đi chữa bịnh thì nó chưa biết nói, nhưng sau này nghe hai đứa con trai của tôi gọi tôi là mẹ nên nó gọi theo. Sau đó nó bắt chước tôi, gọi mẹ nó là chị Thọ.

Chị nằm đó hai hàng nước mắt chảy dài, vì nỗi đau có con nhưng không được nghe tiếng gọi là mẹ, rồi từ ung thư vú lan sang cổ chướng, khiến vết thương ở vú bị ăn sâu xuống tới xương ngực, bụng thì càng ngày càng to, căng như cái trống và bóng lưỡng đến nỗi có thể soi thấy mặt mình lờ mờ trên bụng, vì vậy cơn đau của chị càng tăng.

Ngày ngày tôi giúp rửa vết thương ở ngực cho chị, thì chị nài nỉ xin tôi ngoáy thật mạnh vào vết thương ở ngực giùm và xoa bụng cho chị.

Vết thương lở loét và mùi hôi từ căn bệnh cổ chướng khiến những người chung quanh không chịu nổi, nên trại bắt buộc chị vào nằm luôn trong trạm xá.

 Mỗi ngày sáng và chiều tôi dắt con bé vào thăm và mang cơm cho chị. Càng ngày chị càng yếu, nên Cao ủy và những người có thẩm quyền đến thăm và hỏi chị có muốn điều gì không? Chị chỉ lắc đầu mà không nói chi hết.

Trong thời gian này gia đình tôi đang chuẩn bị hồ sơ để chuẩn bị "thanh lọc" để có đủ điều kiện được Cao Ủy cho hưởng quyền tị nạn hay không, cho những người đến trại sau ngày 14 tháng 3 năm 1989.

Thật không may cho gia đình tôi khi lên phỏng vấn thì bị từ chối quyền tị nạn lần thứ nhất.

Chị Thọ rơi vào tình trạng lúc tỉnh lúc mê, tôi thường túc trực ở cạnh chị để chị có nhắn gởi gì cho mấy đứa em và con gái chị không, nhưng chị chẳng nói gì ngoại trừ một câu nói mà chị lập đi lập lại cho tới lúc chị không biết gì nữa đó là: "Cô ráng nuôi con bé Hận cho nó nên người thì tôi sẽ phù hộ cho cô".

Lúc này Cao Ủy và các nhân viên của hội Hồng Thập Tự ngày nào cũng vào thăm chị, và câu hỏi của họ luôn là: Bây giờ chị Thọ muốn gì? Có cần những giúp đỡ gì cho chị và cho cháu bé không? Nhưng chị đều lắc đầu và nói là chỉ muốn hết đau đớn thôi.

Có lẽ giữa ranh giới sống và chết khi mà biết sắp phải xa đứa con gái yêu của chị mà bị cha nó không nhận, chị cố chống trả lại với thần chết nên chị cố gắng xin cho chị ra ngoài chữa bệnh nữa nhưng không được chấp nhận.

Trạm xá thì ngưng cho chị uống thuốc, cái chết gần kề với chị từng giờ nên tôi xin vào ngủ gần chị ban đêm. Bây giờ chị mê nhiều hơn tỉnh cho nên những lúc chị tỉnh tôi hay hỏi chị có muốn gặp các em của chị không nhưng chị lắc đầu.

Tôi không biết giữa chị và các em có những mâu thuẫn to lớn gì, cho dù tôi nấu ăn và săn sóc chị gần 2 năm mà cho tới lúc chị mất các em của chị cũng không hề hỏi tới.

Lần cuối cùng trước khi chị mất, Cao ủy May và người Thông dịch tên là Lý Khánh Toàn vào thăm và hỏi chị có muốn cho con gái chị làm con nuôi của bất cứ nhân viên của Cao ủy hoặc Cố vấn nào người nước ngoài không, thì chị nói là:

- Từ trước tới giờ nó ở với ai thì bây giờ tôi muốn nó ở với người đó.

Trong một buổi sáng ảm đạm, chị đã bỏ lại đứa con gái bé bỏng khi nó mới hơn hai tuổi và không được nghe tiếng gọi mẹ ở tuổi 33.

Xác của chị được chuyển ra ngoài để chờ làm thủ tục hỏa thiêu.

Ngày chị nằm trong lò thiêu, người em trai được phép xuất trại để chứng kiến và đứa con gái nhỏ đầu chít khăn tang trắng cùng gia đình tôi nhỏ xuống những giọt nước mắt thương cảm.

 Trở về trại tị nạn, cuộc sống tạm bợ trong trại trước đây của tôi rất bình thường thì bây giờ bị đảo ngược hết. Trước tiên là Cao ủy kêu lên để hợp thức hoá quyền nuôi dưỡng đứa bé. Câu hỏi đầu tiên mà họ hỏi tôi là nếu được đi định cư hoặc bị trả về VN thì tôi có mang con bé này theo không? Và lần nào câu trả lời của tôi là có.

Sau khi đã nhận nó là con, thì những tiếng xầm xì ganh tị nổi nên nói là gia đình tôi nhận con bé này là có tính toán, vì gia đình tôi đã bị từ chối quyền tị nạn lần đầu rồi thì bây giờ nhận con bé này làm con nuôi để được đi định cư.

Chị Thọ tới trại trước ngày đóng cửa trại cho nên chị có quyền được đi định cư bất cứ quốc gia tự do nào trên thế giới, vì vậy tôi nuôi con bé này là có mục đích, nhưng không ngờ tôi bị "mụt nhọt".

Rớt thanh lọc lần đầu, gia đình tôi được quyền làm kháng cáo lần nữa.

Sau gần hai năm chờ đợi thì tôi bị từ chối quyền tị nạn lần thứ hai.

 Bây giờ thì lại bị mọi người lên án là ác, nhưng mà tôi là người ác nhất vì đã làm cho con bé mất cơ hội được người ta nhận làm con nuôi ở Âu Mỹ.

Khi coi con giùm cho ai thì mình chỉ có trách nhiệm, nhưng khi nuôi thì vừa trách nhiệm và cả bổn phận cùng lời hứa nữa. Tôi là người phải làm tròn ba điều này, nếu nó nghịch phá mà không la mắng thì thiên hạ nói là” Bả có đẻ đâu” nhưng thương cho roi cho vọt thì lắc đầu phán: "XÍ NUÔI mà".

 Ban đầu vì sợ những dị nghị, thêm nữa cuộc sống tù túng ở trại tị nạn với số người lên tới  mười ba ngàn người tôi bị rơi vào tình trạng trầm cảm. Có những lúc nghĩ quẩn đến cái chết cho rảnh, nhưng nghĩ tới hai đứa con trai mà một đứa bị sốt bại liệt và lời hứa với chị Thọ nên tôi có thêm nghị lực để bỏ ngoài tai tất cả gièm pha của mọi người.

 Bây giờ tôi đã có ba đứa con nên phải xử cho công bằng, tôi dạy con theo kiểu truyền thống của người đàn bà VN. Đứa nào hư đã có roi bảo, thằng lớn và con bé là hai đứa nghịch phá nhất nên được ăn roi nhân mây hoài. Thây kệ. Ai nói mặc ai, bây giờ tôi chỉ làm theo lời hứa.

Trong thời gian 7 năm ở trại tị nạn, tôi đều nhận được sự giúp đỡ tài chánh của ba má và các anh chị em cùng họ hàng, vì vậy tôi nghe theo lời mách bảo của người ta, biên thư nói với mọi người ở bên Úc lo cho một số tiền lớn để được đi định cư, rốt cục thì tiền mất mà người bị trả về VN.

Số phận những người bị rớt thanh lọc như gia đình tôi, được Cao ủy kêu lên khuyên nên trở về lại quê hương mình để sớm hoà nhập vào cuộc sống và được Cao ủy giúp vốn cho làm ăn.

Khuyên không được họ bắt đầu đàn áp. Trước tiên, họ cắt thư tín của thân nhân, kế đến là phần ăn, quây khu lại không cho giao tiếp khu này với khu kia. Chiêu này thì hiệu nghiệm, số người đăng ký tự nguyện hồi hương rất nhiều, từ con số bảy ngàn người trong trại tụt xuống còn hơn ba ngàn, rồi Cao ủy kêu gọi từng gia đình có thân nhân ở nước ngoài nên đăng ký trở về.

Tôi cũng được kêu lên hai lần, lần thứ nhất khi tôi mới bị từ chối quyền tị nạn. Khi kêu tôi lên họ nói là ba má và anh chị em tôi tất cả đã ở bên Úc, nếu tôi chấp nhận về thì sẽ được giúp đỡ để đi Úc. Lần thứ hai là sau khi tất cả mọi người bị lùa ra ngoài chịu cảnh màn trời chiếu đất, tôi lại được kêu lên, lần này thì họ nói là nếu tôi tình nguyện trở về thì họ cam đoan là gia đình tôi sẽ được đi định cư tại Úc trong thời gian gần nhất nhưng tôi vẫn không chịu.

40 đêm ngắm sao, ngày ngắm mặt trời, tắm rửa, tiêu, tiểu phải xếp hàng rồng rắn cả tiếng đồng hồ mới tới lượt mình,và sau khi nằm xếp như cá mòi dưới màn trời chiếu đất. Có sáng thức dậy người nằm kế mình đã chết cứng đơ từ bao giờ, với hơn ngàn người nằm chung mà chẳng ai hay, vì vậy tôi đã đi đến một quyết định là lên Cao ủy đăng ký tình nguyện trở về.

Sau 7 năm làm thân lưu vong, gia đình tôi trở về với đứa con gái khác họ và hai bàn tay trắng để làm lại từ đầu.

Tôi về ở lại căn nhà ở Kinh 5 Kiên Giang mà ba má tôi trước khi đi đoàn tụ với các anh chị em ở bên Úc để lại. Ngoại tôi và tất cả cô bác chú dì đã dang vòng tay ra để giúp gia đình tôi mau chóng hoà nhập với cuộc sống mới này. Ba má và vợ chồng đứa em trai cũng từ Úc về để lo sắm sửa và giúp đỡ cho gia đình tôi.

Bẩy năm ở trại tị nạn, khi tôi trở về cái gì cũng khác và thay đổi nên thấy nhiều cái lạ huống gì những đứa con của tôi.

Khi đi vượt biên thằng con lớn 4 tuổi và thằng bé mới 2 tuổi, khi trở về thì đứa con gái nuôi đã 7 tuổi nên tất cả mọi thứ tụi nó rất hiếu kỳ, nó nghịch phá những cái không ngờ tới. Tôi lại phải răn dạy con theo kiểu VN thời đó, thương cho roi cho vọt vậy thôi.

 Sau khi ba má và vợ chồng em trai tôi trở về Úc thì nó làm giấy tờ bảo lãnh gia đình tôi, nhưng chưa kịp được phỏng vấn thì chúng tôi được giấy thông báo là nước Mỹ chấp nhận cho những người tự nguyện hồi hương từ giữa cho tới cuối năm 1996, sẽ được phái đoàn Mỹ phỏng vấn, nếu hội đủ điều kiện thì sẽ được đi Mỹ và được gọi tắt là ROV.

Tôi không biết chữ này nghĩa là gì, nhưng có người "thông thái" giảng là "Reefugees of Services”. Người khác cho biết ROV là chữ viết gọn của Refugee Outreach Volunteers, có nghĩa là những tình nguyên viên tiếp cận người tị nạn, hông biết đúng không?

Nhưng đúng sai thây kệ. Có tên trong danh sách được phỏng vấn là vui rồi.

Gia đình tôi được hẹn phỏng vấn ngày 12 tháng 12 năm 1997 nhưng vì thằng con trai lớn đi lại hơi khó khăn, vậy nên tôi quyết định đi sớm trước mấy ngày để nó có thời gian nghỉ ngơi cho lại sức, vì nếu hễ bị bệnh là chân nó đi hay bị vấp té lắm.

Đó là ngày 8 tháng 12 ngày lễ Đức Mẹ, nhưng như có điềm báo, buổi sáng hôm đó trời quang mây tạnh, vậy mà chiều đến trời nổi giông gió nên thuyền đò không dám sang sông, cứ tưởng là không thể nào đi được. Nhưng đến 7 giờ tối thì trời tạnh queo, lên tới Sài gòn con trai tôi khỏe re, chạy nhảy và còn nhảy hay như ca sĩ Nguyễn Hưng nữa.


Đến ngày hẹn phỏng vấn, cả gia đình đến thật sớm, quần áo chỉnh tề, đầu tóc tươm tất, vậy mà đã thấy biết bao nhiêu là người ở đâu tụ về rất đông.

Nộp hồ sơ và lấy số thứ tự ngồi chờ khoảng 30 phút thì nghe gọi tên, vợ chồng con cái dắt nhau đi theo người hướng dẫn tới một dãy phòng liền nhau có hàng ghế đá xếp dài trước các phòng. Họ dặn dò là ngồi đó chờ nghe kêu tới tên.

Tôi ngồi nhìn những người từ trong các phòng đi ra và nhìn sắc mặt của họ để đoán kết quả. Có người vào rất lâu, nhưng cũng có kẻ chỉ mấy phút là đã trở ra với gương mặt buồn thiu.

 

Và rồi cũng tới lượt mình được phỏng vấn.

Gia đình tôi vào trong phòng số 14, gõ cửa và chờ có tiếng mời vào thì dắt díu nhau vào, đứng trước mặt một ông và một bà Mỹ trắng cùng cô Thông dịch.

Sau khi được mời ngồi thì họ hỏi tên tuổi, tôi trả lời tên tuổi từng đứa con, nhưng khi đến tên họ đứa con gái thì ông Mỹ trắng hỏi tôi bằng tiếng Việt. Tại sao tôi họ Nguyễn hai đứa con trai mang họ Đỗ của cha mà con gái lại mang họ Diệp? Tôi không dám trả lời liền mà nói với cô thông dịch là có thể cho tôi nói tiếng Anh được không? Sau khi họ đồng ý thì tôi nói là tôi adop con bé này vì mẹ nó mất bên trại tị nạn. Bà Mỹ trắng nghe nói vậy thì hỏi là tại sao? Tôi xin phép bà cho ba anh em nó ra ngoài chơi để tôi kể cho bà nghe về chuyện của nó, vì phải kể bằng tiếng Việt chứ làm sao đủ trình độ để nói tiếng Anh.

Sau khi kể về chuyện của nó xong và đưa các giấy tờ, bà Mỹ trắng hỏi tôi một câu: Tại sao tôi đã có hai đứa con trai và tôi còn trẻ có thể sinh thêm được mà lại đi nhận con bé này làm con nuôi? Tôi trả lời: ”Trước khi nhận nuôi đứa bé này, tôi nghĩ là mẹ bé sẽ khỏi bệnh để đưa nó đi và tôi cũng không chắc là tôi sẽ mãi mạnh khỏe để ở bên cạnh con tôi mà lo cho tụi nó, vì vậy tôi nuôi con người ta và hy vọng nếu tôi có chuyện gì thì cũng có người nuôi con tôi như vậy.

Còn ông Mỹ trắng thì hỏi tại sao lại muốn cho tụi nó ra ngoài mới nói chuyện được? Tôi nói là không muốn nó biết nó là con nuôi, vì khi ở trại tị nạn nó không biết nó là con nuôi, cho tới khi về VN thì nó mơ hồ biết, nên có lần nó hỏi tôi nó là con nuôi hay con đẻ, tôi bảo nó không nuôi sao lớn.

Sau câu trả lời của tôi thì cả 3 người đứng lên nói chúc mừng gia đình tôi đã được phái đoàn nhận.

  Khám sức khỏe và làm tất cả các thủ tục để xuất cảnh, trước khi đi con trai tôi còn được cho đi lắp ráp cho một đôi giày dành cho người khuyết tật.

Gia đình tôi rời VN ngày Thứ Ba 22 tháng 8 năm 1998, lúc đó thằng lớn 13 thằng nhỏ 11 và con gái tôi 9 tuổi.

Tới Mỹ tôi lại phải bắt đầu từ số 0, ở trại tị nạn không có trường lớp để học chữ, về VN có 2 năm nên chữ nghĩa của các con tôi cũng không nhiều.

Ở nhà vợ chồng đứa em gái 3 tháng, tụi nó chở đi làm giấy tờ và giúp đỡ cho công ăn việc làm và kiếm trường cho 3 đứa con tôi học, nộp đơn xin nhà của chính phủ. Trong thời gian chờ được cấp nhà ở, tôi nhờ em gái mướn nhà cho ở riêng cho dù vợ chồng nó vẫn muốn gia đình tôi ở chung để tôi có một chút vốn. Nhưng quan niệm của tôi là ”Sống mỗi người mỗi nhà, chết mỗi người mỗi mồ” tuy biết rằng cuộc sống khó khăn hơn khi mình tự lập nơi ở mới, nhưng phải gian nan thì mới có thành công.

 Được chính phủ trợ cấp nên tôi xin đi học điện tử, ba tháng sau họ tìm công việc cho làm. Bữa đó 6 người được gọi đi phỏng vấn thì 3 người được nhận, trong đó có tôi.

Công việc của tôi là đứng coi máy print circuit board, có nghĩa là mình setup máy, đổ chì vào thùng và gắn những cái board để cho máy đặt những components hay capacitor nhỏ như con kiến vào, cái này được gọi là hàn bằng máy.

Năm 1998 làm gì đã có GPS nên chuyện đi lạc đối với tôi bình thường như mình ăn cơm vậy, bắt đầu làm là 7 giờ sáng tới 5:30 chiều,đi về mất 90 phút, nhưng đi thì không sao mà khi về toàn vào lộn exit nên có bữa về tới nhà 9 giờ tối, có khi không biết mình lạc ở đâu, càng chạy càng thấy cây nhiều hơn nhà, cũng chẳng có xe nào chạy chung đường phải nhờ tới Police đưa về.

 Làm mới được mấy tháng thì tai nạn xảy ra, cái board bị kẹt, nên cái board kế tiếp rơi ra ngoài và cũng vì không được hướng dẫn kỹ nên tôi thò tay vào tính lấy cái bị rơi ra ngoài liền bị nguyên cái máy nặng cả 5000 lb đè dập đứt gân hai ngón tay chỉ trong tích tắc, đến khi thấy máu chảy dưới nền đất nhìn lại tay mình thì mới biết đau.

Vào bệnh viện nối gân tay và khâu hết 31 mũi, nghỉ ở nhà 6 tháng, họ kêu đi làm lại nhưng vì tay còn đau không đi nên tôi được họ cho nghỉ. Rồi vì áp lực và những mâu thuẫn trong vợ chồng nên cứ xảy ra xung đột, hết cãi nhau thì lại đến chiến tranh lạnh, mỗi lần như vậy, nhìn ánh mắt của các con sợ hãi thấy tội nghiệp nhưng vì cái TÔI quá lớn nên chẳng ai nhường ai.

Trong cái sui thì sẽ có cái hên xuất hiện, tôi hội đủ điều kiện để được chính phủ cấp nhà cho thuê dành cho những người có thu nhập thấp, tôi đem chuyện này hỏi bố của con tôi thì anh không chịu ở nhà của chính phủ, khi dọn về nhà mới thì chỉ có tôi và đứa con trai và gái út, thằng con lớn thì ở lại với bố.

Vậy là vợ chồng tôi chính thức chia tay nhau không cần sự phân xử của toà và không nhận chu cấp của người kia,

 Đặt chân đến đất nước tự do này được đúng 21 tháng thì tôi được tự do làm theo ý mình.

Thằng lớn ở lại không bao lâu thì trong giờ tôi đang làm nó gọi phone xin về ở chung.

 Ba đứa con đang tuổi lớn, nhiều thứ phải lo, sau giờ làm trong hãng về nhà tôi may thêm hàng mà khi qua tới đây em gái tôi đã nhường lại cho.

Cơm chiều xong, mẹ may ba đứa con ngồi cắt chỉ, xếp bỏ bọc để giao cho chủ. Ngày qua ngày, rồi đứa con trai lớn được cho đi chữa bệnh, nhưng vì đã bị trên mười năm nên các gân đã bị teo, họ chỉ còn cách là nạo sụn bên chân không bị teo cho chậm phát triển để cho hai chân đỡ bị chênh lệch.

 Người ta nói, nếu mà trong gia đình, cha mẹ mà không hoà thuận thì con cái bất mãn và dễ sinh hư. Nói vậy cũng không đúng cho mọi trường hợp, ba đứa con của tôi tuy không ngoan ngoãn học giỏi nhưng nó biết cái đúng cái sai, ba anh em nó học chung một trường nên tôi ít khi phải đưa đón. Tôi đưa cho mỗi đứa một cái chìa khoá để tụi nó tự đóng và mở cửa vì khi tôi đi làm tụi nó chưa thức và khi tụi nó tan học thì tôi đi làm chưa về.

Đang làm ngon lành thì biến cố 911, hãng xưởng bị ế ẩm nên nhân viên bị sa thải trong đó có tôi.

Vừa xin tiền thất nghiệp vừa tìm việc, nhưng khó quá, kể cả chỗ tìm việc giùm cũng không có, ngồi buồn lấy báo ra đọc trong mục rao vặt có chỗ đăng sang tiệm giặt. Gọi phone hỏi thì chưa có ai mua hết nên tôi làm hẹn xin coi tiệm.

Chủ tiệm là người VN nhưng vì mấy người hùn hạp với nhau nên sanh nạnh muốn bán cho nhanh bằng mọi giá. Một mình thì không đủ khả năng, rồi máy móc hư hỏng không ai sửa chữa, kêu thợ thì lấy đâu mà có lời nên mới rủ thêm người bạn là người cùng quê và là sui gia của bác ruột tôi.

Rủ được người rồi, bây giờ vấn đề nan giải là làm sao có vốn đây? Tiền để dành được có mấy ngàn, mà mỗi người một nửa thì cũng phải ba mươi ngàn nhưng trong tay mới chỉ có một phần mười số vốn tính sao bây chừ hè.

Đang bí lù không biết tính sao, vì cơ hội chỉ đến với mình một lần, nếu mình biết nắm lấy thì trong óc xẹt ngang chữ “liều” liền cầm phone gọi cầu cứu hai cậu và các chị con người bác nhờ giúp đỡ với lời hứa sẽ hoàn trả trong vòng năm năm.

Ông bà xưa nói đúng, ở hiền sẽ gặp lành, tất cả mọi người đều nhận lời, vốn đã có tội gì không tới luôn. Gọi cho chủ tiệm, rồi gặp chủ mall, bây giờ mới là vấn đề mà từ mới người ta gọi là " Phát sinh". Chủ mall đòi tăng giá tiền thuê, người mua tiệm phải trả tiền thuế mua bán, vậy thì lại phải mượn. Nhưng mượn ai bây giờ? Gọi hỏi đứa em gái, nó nói.... "E hèm... bao nhiêu? Gì chứ tiền thiếu giống gì, cần thì cứ việc tới lấy về mà dùng".

Trời, như thế thì còn gì bằng! Vốn đã đủ. Vậy là ta sẽ là chủ từ đây.

Khi mình tự làm chủ rồi mới biết, xin cho tôi nói bậy một chút nha: "Đến đi đái cũng phải vội".

Ngày ngày 8 giờ sáng đã phải cho nhanh chạy ra mở cửa tiệm, tối có khi 11 giờ đêm mới dọn dẹp xong, về tới nhà mệt phờ râu trê, có khi khách dành nhau máy giặt hoặc gặp phải khách hàng khó tính, kiếm chuyện ăn vạ rất là phiền, nhưng nhờ có vất vả vậy mà tôi đã trả dứt nợ trong vài năm.

Bây giờ thằng con lớn đã học College, thằng thứ hai thì ở High school và đứa con gái đang học Middle school, nó dọn về ở chung với bố nó cùng với "vợ của chồng tôi" vì ông ấy đã lấy vợ, mua nhà, kêu cháu về ở chung cho thoải mái.

Sau 5 năm làm chủ và ba lần bị trộm đập cửa tiệm vào ăn cắp hết tiền trong tất cả các máy và có người đồng ý sang lại với số tiền gấp đôi lúc tôi mua, nên tôi nhanh chóng gật đầu. Nhờ có số tiền sang tiệm tôi mới đủ khả năng mua được căn nhà trả góp để mẹ con ở chung.

Làm giấy tờ giao tiệm và dọn nhà xong, tôi xin vào làm trong hãng điện tử, họ chuyên về các mặt  hàng Quốc phòng như: xe tăng, tàu hải quân, bệnh viện và máy bay quân sự được 12 năm rồi.

Nhà tôi ở tuy nhỏ nhưng có vườn rau, ao cá, sáng nghe tiếng gà gáy, ngắm cá bơi trong hồ, đêm nằm nghe tiếng nước chảy róc rách. Cuộc sống thật là thư thả và thoải mái.

Tính cho tới hôm nay, tôi đã định cư ở đất nước Hoa Kỳ này được 7665 ngày. Từng ngày các con tôi đã được học những cái hay, những điều tốt trong học đường, những ích lợi trong công việc và tinh thần trách nhiệm ở nơi công cộng.

 Bây giờ đứa con trai lớn của tôi đang là Network Engineer cho T-Mobil, có bạn gái và đã mua được nhà riêng, nếu còn ở VN tôi nghĩ chắc nó không thể làm nên "trò trống" gì chứ đừng nói tới có người yêu.

Thằng thứ hai là Police tại Seattle city và cũng đã có bạn gái và mua nhà rồi.

Riêng đứa con gái út của tôi khi qua tới đây nó mới 7 tuổi, nhưng nó rất giỏi viết và đọc tiếng Việt. Thằng anh kế nó viết  Việt ngữ còn bị sai dấu và lỗi chính tả chứ con gái út của tôi không bao giờ bị sai dù là dấu chấm.

Bây giờ nó đang theo ngành Business Analystics.

 Hai thằng anh đã có bạn gái và dự định sang năm thì cưới, nhưng khi tôi hỏi con gái chừng nào lấy chồng thì nó nói không lấy chồng. Năm nay là chẵn tam thập rồi mà nó nói như vậy thì làm sao tôi hoàn thành lời hứa với chị Thọ đây.

Chắc vì lời hăm he của chị Thọ sẽ không phò hộ nếu tôi không nuôi con gái cho đàng hoàng và con gái tôi cứ nói không chịu lấy chồng, nên hai mươi năm "Độc thân tại chỗ" rồi, tôi đã ngỏ lời với bao nhiêu là người để rồi nghe “đợi đấy” nên bây giờ tôi cứ phải ngân nga câu... "Tôi thề tôi chẳng yêu ai."

Hai mươi mốt năm ở với cha mẹ, sáu năm làm dâu, bảy năm làm kiếp người tị nạn không tự do, hai năm trở về nơi chôn nhau cắt rốn mang thân phận phó thường dân. Và hai mươi mốt năm với các con của tôi được sống trên đất nước tự do này. Chao ơi là dài.

Đất nước này đã cưu mang tôi và các con, đã cho gia đình tôi những cơ hội tốt đẹp, đã vun đắp và hướng dẫn các con của tôi hoàn thiện hơn, biết yêu thương và giúp đỡ những người kém may mắn... và quan trọng nhất là đã giúp cho đứa con trai lớn của tôi học hành thành đạt, có công việc phù hợp với khả năng và sức khỏe của nó.

 Nhớ về quê cũ, nơi những em bé bị tật nguyền như con tôi đang ngồi  xe lăn đi bán từng tờ vé số hoặc ngửa tay xin người bố thí,  rồi nhìn con tôi bây giờ thì lòng biết bao là cảm xúc.

Mẹ con tôi xin cảm ơn hai ông bà Mỹ khi phỏng vấn gia đình tôi đã lắng nghe tôi trình bày, để tôi  được hít thở và làm việc trên đất nước tự do này. Các con tôi được đóng góp một chút công sức nhỏ nhoi để tri ân nước Mỹ đã cho tất cả mọi người cơ hội, cho dù là người khuyết tật.

 Nguyễn Thị Thu Hương

Ý kiến bạn đọc
19/08/202010:59:50
Khách
Tác giả là một người rất tốt, cái tâm như Bồ Tát. Mong được đọc thêm nhiều bài nữa
29/04/202019:27:44
Khách
Cảm ơn cô .
Nghe được câu chuyện của cô thật xúc động .
Chúc cô sức khoẻ sống vui bên gia đình
07/02/201913:15:30
Khách
Cháu cảm ơn cô. Mình nuôi con của người khác rồi mới thông cảm và hiểu được những khó khăn của những nhân viên làm trong những trại khuyết tật và mồ côi cô ạ,
Hương Nguyễn xin chân thành cảm ơn rất nhiêu tới mọi người đã gởi tới Hương Nguyễn những lời chúc tốt đẹp và sự cảm thông.
Kính chúc tất cả mọi người bước sang năm 2019 này được nhiều may lành và hạnh phúc
13/01/201918:19:27
Khách
Chuyện đời vạn nẻo, lắm nhiêu khê. Câu chuyện xúc động tình người của chị làm nhiều người tỵ nạn nhớ về chuyện của chính mình. Chúc chị và thành thật cầu mong gđ chị sẽ có một kết cục hoàn hảo. "Sau cơn mưa trời lại sáng", chứ đừng có sau cơn mưa, trời lại... tiếp tục mưa, thì ông trời không có "fair" tí nào.
11/01/201923:44:02
Khách
Cô chúc mừng Hương! Từ ngày cô đi vượt biên 1981 chưa bao giờ gặp lại cháu, và cũng không ngờ cuộc đời nhũng người chân chất lại gặp nhũng hoàn cảnh không ngờ tới. Tuy vậy trong cái rủi có cái may, và tính tình đôn hậu, sự tốt bụng và kiên trì của cháu đã mang lại kết quả tốt đẹp. Bài viết thật cảm động. Cảm ơn cháu đã chia sẻ một cách chân thành. Mong gặp lại.
11/01/201916:17:42
Khách
Xin chúc chị và gia đình luôn được nhiều sức khỏe, bình an và may mắn.
11/01/201910:39:26
Khách
“... rồi nhìn con tôi bây giờ thì lòng biết bao là cảm xúc.”

Đọc câu chuyện của chị... thì lòng tui cũng thấy biết bao là cảm xúc! Cảm tấm lòng nhân ái của chị và xúc động vì người ở thật hiền đã gặp được điều thật lành!
Không cần là nhà tiên tri cũng đoán được cô con gái út (món quà mà Thượng Đế ban tặng) sẽ mãi quấn quít, thương yêu và chăm sóc chị suốt cuộc đời này thôi.
Xin cám ơn chị và cám ơn đời sống này🌹🙏‼️...
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,308,170
Tác giả đã góp nhiều bài viết đặc biệt và đã được trao tặng giải thưởng Việt Về Nước Mỹ. Ông sinh năm 1951, du học Nhật trước 1975. Đến Mỹ năm 1981. Hiện là cư dân Irvine, Nam California. Công việc: Kỹ Sư Điện tại một hãng trong cùng thành phố. Đây là bài viết mới nhất
Bà cho biết tên thật Jeanne Bùi, sinh năm 1945. Từ trước 1975, dạy học ở Saigon. Sang Pháp từ 1982, đi học lại rồi làm việc cho Mairie de Paris (Tòa Thị Chính), hiện đã nghỉ hưu.
Tác giả là một nhà giáo tại Việt Nam. Sang Mỹ, bà có 10 năm làm việc trong ngành du lịch, hiện là cư dân Little Saigon. Với sức viết mạnh mẽ, Phùng Annie Kim đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2016.
Tác giả đã nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2013. Năm 2019, Tác giả nhận thêm giải Chung Kết Vinh Danh Tác Giả Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ hay còn gọi là giải Hoa Hậu. Tốt nghiệp Y Khoa Huế, thời chiến tranh Bác sĩ Vĩnh Chánh đã là Y Sĩ Trưởng binh chủng Nhảy Dù.
Tác giả là cư dân Huntington Beach. Những Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của cô là “Chuyện Vui Sầu” ký bút hiệu Khánh Doãn đã được phổ biến từ tháng Tư 2011.
Nguyễn Cao Thăng là tên thật của tác giả, 52 tuổi, dân gốc Kinh 5 Rạch Giá, một cựu thuyền nhân, hiện là kỹ sư cơ khí của hãng máy bay Beechcraft tại Wichita, Kansas.
Tác giả hiện sống ở thành phố Victorville California, đã từng tham gia VVNM năm 2018
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2012, với những bài viết linh hoạt về đời sống tại Mỹ kèm theo hình ảnh hoặc tài liệu do ông thực hiện hoặc sưu tập.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2015. Bà sinh năm 1948 tại Biên Hòa, cựu học sinh Ngô Quyền.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ 2004. Võ Phú sinh năm 1978 tại Nha Trang-Việt Nam; định cư tại Virginia-Mỹ, 1994. Tốt nghiệp cử nhân Hóa, Virginia Commonwealth University.