Hôm nay,  

Khuất Bóng Hoàng Hôn

05/07/201800:00:00(Xem: 11313)
Tác giả: Tố Nguyễn

Bài số 5430-19-31268-vb5070518

 
Bài viết đầu tiên của Tố Nguyễn tới vào tháng Sáu, tháng cuối của Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX - 2017-18. Thư gửi kèm bài tác giảviết “Tôi tên Tố Nguyễn, đang làm tax accountant ở Los Angeles, thường xuyên theo dõi mục Viết Về Nước Mỹ. Tôi rất xúc động khi đọc những câu chuyện đời của người Việt trên xứ Mỹ, giờ tôi xin góp câu chuyện thật của tôi...” Sau đây là bài viết thứ hai của cô.

 
***
 

Một buổi chiều hè êm ả, tôi lái xe dọc theo Pacific Highway, con đường ven biển nổi tiếng của miền Nam Cali, chợt nhớ hôm trước có đọc một bài báo về "Venice canels" ở Los Angles, tôi rẽ vào exit biển Venice. Mất hơn 20 phút lái xe vòng vèo tìm chỗ đậu, cuối cùng tôi cũng đến được nơi mình muốn, kênh đào "Venice Canals".

Hệ thống kênh được thiết kế bởi nhà bảo tồn môi trường Abbott Kinney, từ những năm 1900, là dòng kênh nhân tạo nằm kề bên bờ biển Venice, nơi tụ họp sinh sống của những "young artists", với những ngôi nhà không dưới giá triệu USD.

Đi bộ chầm chậm qua những con đường nhỏ quanh co từ chỗ đậu xe khoảng 10 phút, tôi đặt chân lên chiếc cầu trắng xinh xinh bắc ngang dòng nước. Trước mắt tôi là khung cảnh thanh bình và thơ mộng như một chốn đồng quê miền nhiệt đới mà tôi chưa thấy bao giờ từ khi  đến Mỹ. Dòng nước xanh xanh êm đềm uốn lượn qua những ngôi nhà mái ngói sau những hàng cau... Hai bên bờ là những chiếc thuyền nhỏ xinh neo đậu dưới những cây cầu gỗ, từng đàn vịt trời thong thả bơi, không mảy may bận tâm đến những đoàn du khách mải mê chụp hình, ngắm cảnh. Trước mắt tôi giờ không còn là kênh đào Venice trên đất Mỹ, mà là dòng sông Hậu, là xóm bờ kênh nơi tôi trải qua những ngày thơ ấu êm đềm...

Quê  tôi ở tận cùng của con sông Hậu, nơi chỉ có xuồng ghe là phương tiện giao thông đi lại của mấy chục nóc  nhà mà hỏi ra toàn là bà con cật ruột.. Sau nhà  là cánh đồng lúa mênh mông,  chiều chiều tôi hay ra ngồi ngóng ông bà ngoại trở về sau một ngày cấy gặt vì biết thế nào ông bà cũng có quà bánh cho tôi. Những món quà quê giản dị như trái mãng cầu dại chín vàng (mà mọi người hay gọi là  trái "bình bát") hay "sang" hơn là gói bánh lá với nước cốt dừa cũng đủ làm cho tôi ra vô trong ngóng cả ngày...

Ba tôi đi "vượt biên" từ ngày tôi còn ẳm ngửa và bặt luôn tin tức, tôi lớn lên vô tư trong tình thương của ông bà ngoại và mẹ, không  bận tâm gì đến người cha mà tôi chưa từng gặp mặt mà chỉ thấy qua những tấm hình đám cưới. Mỗi lần trời mưa là những con đường làng trở nên lầy lội đất bùn mà tôi rất sợ đi vì thế nào cũng trượt chân "chụp ếch"  một vài lần. Trước nhà tôi là con sông nhỏ với chiếc cầu khỉ bắt ngang, đúng nghĩa với câu "câu tre lắt lẻo gập nghềnh", mà ông bà tôi chưa bao giờ cho phép tôi một mình đi lên đó, toàn bồng bế tôi khi qua cầu....

Bên kia sông là nhà ông Chín, với đàn cháu nội 5 đứa  lúc nào cũng lem luốc bùn sình vì suốt ngày lê la ngoài bờ đê theo chân cha mẹ chúng. Tôi may mắn có cuộc sống "cao cấp" hơn lũ trẻ cháu nội của ông  vì là con một, ông bà ngoại tôi còn có đất, có vườn. Ngày nào không theo ba mẹ ra ngoài ruộng thì đám cháu của ông  Chín lại bồng bế nhau sang nhà tôi, chúng tôi lại chơi trò năm mười, bán quán, tạt lon, rồi cùng nhau ngồi sau nhà ngóng ông bà ngoại tôi về để chia nhau phần quà quê...

Nghe nói con ông Chín đi "học tập cải tạo" gì đó, nên sau ngày về toàn đi làm cấy mướn gặt thuê, đắp đổi qua ngày cho gần chục miệng ăn...Cho đến một ngày, cả xóm  rộ lên tin hai người con của ông Chín theo người ta xuống Cà Mau vượt biên rồi, họ đi mang theo hết năm đứa cháu nội của ông. Tôi thơ thẩn vào ra một mình nhớ bạn, khu xóm nhỏ như càng yên ắng hơn vì vắng tiếng trẻ nô đùa....

Sau ngày con cháu ông Chín ra đi biền biệt, cả  xóm nhỏ cùng nhau qua lại thăm viếng an ủi ông. Vì ở ngang nhà ông Chín, nên ông bà ngoại tôi thường dắt tôi qua thăm ông, bà ngoại hay nấu cơm, nấu cháo bỏ trong cái nồi gang nặng chịch để bưng qua cho ông mỗi khi thấy trời mưa dầm dề mấy hôm liền, gió từ mặt sông thổi lên lạnh buốt... Đến tận bây giờ, tôi vẫn còn nhớ hình ảnh ông Chín, với chòm tóc "củ tỏi" vát vẻo sau gáy, ngồi một mình bên ngọn đèn dầu leo lét với chai rượu trắng và dĩa khô cá cong queo, đôi mắt buồn thiu dõi về hướng xa xăm vô định...

Nhà tôi dọn lên tỉnh để cho tôi đi học, ký ức tuổi thơ nhạt nhoà dần, tôi có thêm nhiều bạn mới, quên hẳn những người bạn lem luốc chốn quê xưa. Tôi cũng   quên mất cánh đồng sau nhà, quên mất dòng sông với cây cầu khỉ, thỉnh thoảng có người bà con từ quê lên ghé lại nhà, tôi mới biết tin Ông Chín đã mất rồi, con cháu ông đến giờ vẫn không ai biết còn sống hay đã chết...

Rồi tôi định cư ở Mỹ, quay cuồng với cuộc sống trên quê hương mới,cho cho đến một ngày, cái răng hàm bên trong bị nhức , tôi phải thu xếp thời gian đi gặp bác sĩ răng. Hôm đó cô nha sĩ  mà tôi hay lui tới chăm sóc răng bận việc, tôi được giới thiệu với một nha sĩ Việt Nam. Cô bác sĩ mới quen hỏi thăm tôi thật ân cần bằng giọng Việt lơ lớ kiểu "dịch ngược từ tiếng Mỹ", tôi thấy thật ấm lòng vì được chăm sóc bởi "đồng hương" . Cô bác sĩ nói tôi phải sắp xếp một cái hẹn cho lần tới, vì răng tôi phải chữa hai lần.

Trong lúc ngồi chờ cô làm giấy tờ, tôi nhìn quanh căn phòng khám. Cô nói với tôi cô qua Mỹ từ năm 5 tuổi vậy mà trong phòng khám cô tráng trí toàn hình cảnh đồng quê Việt Nam, tôi buột miệng hỏi thăm thì cô nói đó là ý của Ba Cô, ông cụ lúc nào cũng nhớ quê... đúng nguyên văn của ông là "quê cha đất tổ"...Tôi thích thú ngắm nghía xung quanh, chợt thấy giật nảy mình khi bắt gặp tấm ảnh trắng đen cô đặt trên bàn viết, hình hai vợ chồng trẻ bồng bế 5 đứa bé, mặt mày lem luốc với quần áo phong phanh...Tôi thấy sao quen quá... như từng gặp họ ở đâu rồi. Tôi chớp mắt nhìn lại một lần, tự nhủ chắc mình "nhạy cảm" quá, vì những hình ảnh tị nạn này không chừng tôi đã thấy đâu đó rồi khi đọc những bài báo của người  Việt trên mục "viết về nước Mỹ", về trại tị nạn ở Phi hay ở Malaysia.... Nhưng tính  tò mò bẩm sinh làm tôi cũng buột miệng hỏi:

"Xin lỗi, gia đình bác sĩ có 5 anh chị em?"

Cô bác sĩ vui vẻ trả lời:

"Dạ,  5 người, trên em có một chị gái, hình đó chụp lúc ở trại tỵ nạn Bi Đông"

Thấy cô cởi mở, tôi được nước hỏi tới:

"Vậy quê bác sĩ ở đâu"?

Cô trả lời rành rọt "Dạ em nhớ Ba hay nói là ở Mỹ Xuyên, Sóc Trăng..." Thôi đúng rồi....Tôi bần thần run run giọng "Vậy có phải ông Nội của cô là ông Chín?"

Đến lượt cô bác sĩ thảng thốt buông cây viết: " Dạ đúng rồi, sao chị biết? "

 Tôi mừng rỡ kể rành rọt chuyện ngày xưa, tôi là con bé bên kia sông hay ngóng chị em cô qua chơi tạt lon, trốn kiếm... Chúng tôi nhận nhau, mừng mừng tủi tủi.

Tính chân thật cởi mở dễ thương của cô bác sĩ làm tôi bỏ qua cảm giác ngại ngùng lúc ban đầu vì sợ người ta nghĩ mình "thấy người sang bắt quàng làm họ"...Cô mừng rỡ gọi điện thoại cho Ba cô, báo là gặp được tôi, và mời tôi cuối tuần này đến nhà cô để cùng hội ngộ mọi người...

Ngôi nhà của cô  Bác sĩ toạ lạc trên đỉnh đồi, nhìn xuống mặt hồ Washington yên ả..Tôi gặp lại đầy đủ mọi người trong gia đình ông Chín, trừ  mẹ cô đã mất từ nhiềunăm trước.. Nghe kể rằng gia đình bảy người chỉ ở trại tỵ nạn 6 tháng rồi nhanh chóng được nhận sang Mỹ vì ba cô từng là sĩ quan. Sang đến Mỹ, ba mẹ cô làm lụng suốt ngày suốt đêm để nuôi đàn con dại thành tài, giờ gia đình họ đã có 2 bác sĩ, 2 kỹ  sư và một kiến trúc sư, mọi người đều có nhà cửa con cái ấm êm hạnh phúc... Chỉ có một điều làm cho niềm vui không trọn vẹn, là ai nấy cũng thấy xót xa cho mẹ cô, vì mải mê lo cho đàn con dại quên mất bản  thân, đến khi bà đi khám thì mới hay đã bị ung thư thời kỳ cuối... Cha cô đau khổ, thất thần cả năm trời trong căn nhà trống trải..Tôi  có hỏi thăm gia đình cô có hay lúc ông Chín mất? Cô nói có nhưng ba cô lúc đó gia nhập hội "phục quốc" gì đó nên họ không cho về, vậy là không ai được gặp ông Chín lần cuối...

Rồi năm người con họp lại, quyết định tìm vợ cho ba. Thuyết phục mãi, ông mới chịu nhận lời. Họ tìm cho ông và cho họ một "kế mẫu" dịu dàng, bà là tiểu thơ ngày xưa ở Sóc Trăng, kẹt lại quê nhà, mới được sang Mỹ khoảng mười năm nay, vì đất nước loạn lạc gia đình ly tán nên bà không chồng không con. Rồi hai cụ sống với nhau êm ấm, hai mái đầu pha sương cùng dìu dắt nhau qua những mùa đông lạnh giá.

Tôi bồi hồi như được đọc một chuyện cổ tích trong đời thực, lại tự nhủ ở đời "lên voi xuống chó" mấy hồi. Ai có ngờ con bé được nâng niu ngày xưa giờ sang đây bưng phở đến chai tay, còn lũ trẻ lem luốc ngày nào giờ đã công thành danh toại, sống cuộc đời đẹp như mơ trên quê hương mới...Tôi thật lòng vui lây cùng gia đình ông Chín, lại càng thấy quý mảnh đất mới của tôi, mảnh đất đã nâng niu, dìu dắt những con người tỵ nạn, giúp cho họ tìm lại giá trị thật của mình...

Kể từ dịp hội ngộ đó, ông bà Chung (tên của con ông Chín) cứ cuối tuần là chở nhau sang thăm tôi, dắt tôi đi thăm thú cảnh đẹp ở Seattle, xuýt xoa sao không gặp được tôi sớm hơn để giúp đỡ tôi những ngày mới sang vất vả. Ông bà hay chở tôi ra bờ hồ, bờ biển những buổi chiều hè, ba kẻ tha hương cùng chung sở thích ngắm hoàng hôn trên biển, trên hồ... Không ai nói ra, nhưng tôi biết ông bà cũng có tâm sự giống như tôi, những người đến Mỹ khi ký ức của quê hương đã hằn sâu trong tâm trí, cùng cảm thấy không thể nào trở về quê  cũ để tìm lại những ngày xưa, thật ngậm ngùi  như câu thơ dịch từ Hoàng Hạc Lâu của Tản Đà "quê hương khuất bóng hoàng hôn, trên sông khói sóng cho buồn lòng ai..."

Rồi đến thời cuộc kinh tế Mỹ suy trầm, tôi lại phải bận rộn vừa làm vừa học, ít có dịp gặp ông bà Chung, cho đến ngày tôi chia tay để đi nhận việc ờ Cali, ông bà cứ lưu luyến mãi, nói sẽ sang Cali thăm tôi, cần giúp gì thì đừng ngại mở lời...

Tôi sang Cali, rồi quay cuồng với công việc mới, dịp lễ tôi lục lại cái phone cũ tìm lại số điện thoại của ông bà, gọi mãi không thấy ai nghe máy, cứ đinh ninh chuyện  chẳng lành, nhưng ngày qua ngày, tôi lại quên mất.. Cho đến ngày có người quen về thăm lại Seattle, tôi nhờ tới văn phòng nha sĩ hỏi thăm thì mới biết, bà Chung đã mất hơn một năm rồi, ra đi đột ngột sau một cơn đau tim...Tôi nghiệp ông bác Chung của tôi, ông lại thêm một lần mất đi vĩnh viễn người bạn đồng hành, giờ con cái ông cũng khó mà liên lạc được với ông, vì ông cứ đổi số phone hoài, cứ hay đi lang thang ra bờ hồ, bờ biển...

Chuyện đã xảy ra từ vài năm trước, tôi lại tất bật với cuộc sống, với công việc kế toán khô khan, gần như quên đi gia đình ông Chín...Hôm nay cảnh dòng kênh Venice êm đềm lại gợi cho tôi chuyện cũ, nhắc tôi những ngày tháng ấu thơ  bên bờ sông Hậu..Nhìn dãy hàng rào rực màu hoa giấy soi mình bên dòng nước xanh xanh, tôi như nghe đâu đây tiếng cười giòn tan của tôi và đám trẻ nhà ông Chín, như còn ngửi được mùi thơm của trái "bình bát"  gói trong cái nón lá của ngoại tôi...

Mặt trời hiu hắt những tia nắng cuối ngày trên dòng nước, đàn vịt dưới cầu như đang thảng thốt tìm nhau để cùng về tổ, tôi lại nghe se thắt lòng nhớ Việt Nam, nhớ gia đình ông Chín.

Bồi hồi  từ giã Venice canals, tôi một mình lặng lẽ ngâm câu  "quê hương khuất bóng hoàng hôn..."

Tố Nguyễn

Ý kiến bạn đọc
28/08/201810:13:48
Khách
Vừa mới đi chơi Vernice về lại đọc được 1 bài chằng chịt kênh, nước mang đầy tâm sự thật tuyệt vời của Nguyễn Tố...những cảm xúc cùa tuổi 12, 13 khi mới đọc thơ của Thôi Hiệu (mà bạn Tuna lầm với Thôi Hộ, tác giả của "Đào hoa y cựu tiếu đông phong") lại ùa về thấy mình bềnh bồng làm sao. Và đúng như chú Sao Nam nói: "Hình như tiếng nức nở này đã truyền sang người đọc ..." mình không hình dung nổi 1 người làm cái nghề thuế khô khan vậy, mà viết nên câu chuyện lay động lòng người dữ dội thế. Thật là ngưỡng mộ và cám ơn tác giả !!!
14/07/201815:54:00
Khách
Kính chào bác Sao Nam,
Cám ơn bác khen ngợi cháu, cháu tin là rất nhiều người con đất Việt xa quê luôn hướng về cố quốc với trái tim nức nở như bác và cháu vậy.
Cháu kính chúc bác Sao Nam và gia đình luôn vui khoẻ.
13/07/201812:03:17
Khách
Chào Cô Tố Nguyễn
Đọc đi đọc lại bài của cháu nhiều lần bác cảm thấy hình như có tiếng nức nở vì nhớ “quê hương khuất bong hoàng hôn”trong lời văn và trong tâm hồn của cháu.
Hình như tiếng nức nở này đã truyền sang người đọc là bác thì phải.
Chưa có bài văn nào khiến bác phải đọc nhiều lân như bài văn này mà lạ thật càng đọc càng cảm thấy như bác cũng hòa với bài văn,sống với bài văn hình như bác và bài văn hòa quyện vào nhau làm một.
Cám ơn cháu đã viết một bài văn thiệt hay.Thăm cháu khỏe.Mến
11/07/201822:39:22
Khách
Cô Tố Nguyễn mến
Cám ơn cháu đã hồi âm.Đây là phần thưởng quý giá cho người viết. Thăm cháu khỏe.Mến
10/07/201802:50:30
Khách
Kính chào bác Sao Nam,
Hôm qua cháu đọc bài "Cháu Nội" của bác, đoạn viết về cái xe lôi, lại càng thêm nhớ quê, nhớ mỗi lần tết đến là khắp phố phường tấp nập những chiếc xe lôi chở đầy hoa...
Cám ơn bác đã chia sẻ cùng cháu, xin cùng nguyện cầu cho quê hương sớm khỏi lầm than.
Cháu kính chúc bác nhiều sức khoẻ.
07/07/201820:52:31
Khách
Cô Tố Nguyễn mến
Thật đúng là:
"gia tài của mẹ, để lại cho con
gia tài của mẹ, là nước Việt buồn "
Nước mình buồn quá có phải không cháu.Thăm cháu khỏe
07/07/201819:39:56
Khách
Những ngày xa xưa ấy, nay còn đâu...thời gian qua lẹ quá, khắc nghiệt quá, những người thân yêu, những cảnh vật thân yêu..lần lượt ra đi...không bao giờ trở lại...
07/07/201816:07:20
Khách
Kính chào bác Sao Nam,
Cám ơn bác vì đã chia sẻ với cháu, như cháu từng viết, đây là quê hương "nuôi cháu lớn thành người", cháu luôn tâm niệm sẽ sống cho xứng đáng, đền đáp ơn quê mới. Cháu xin gửi bác trọn bài thơ Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu mà Tản Đà đã dịch lại. Từ lần đầu tiên học bài thơ "dưới mái trường XHCN" (lúc đó cháu chỉ mới 15 tuổi) không hiểu sao cháu đã rất thích bài thơ này, và thuộc nó đến giờ. Có lẽ đó là điềm báo cho một tương lai viễn xứ... Tố Nguyễn kính chúc bác và gia đình vui khoẻ.

Hoàng Hạc Lâu
Hạc vàng ai cưỡi đi đâu?
Mà đây Hoàng Hạc riêng lầu còn trơ.
Hạc vàng đi mất từ xưa,
Nghìn năm mây trắng bây giờ còn bay.
Hán Dương sông tạnh cây bày,
Bãi xa Anh Vũ xanh dày cỏ non.
Quê hương khuất bóng hoàng hôn,
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai.
07/07/201815:45:19
Khách
Chào Cô Tố Nguyễn
Thật đúng là “còn duyên còn gặp” mà “vô duyên đối diện bất tương phùng.”
Đọc đoạn Cô gặp lại cố nhân tôi rất xúc động..
“Quê hương khuất bóng hoàng hôn
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai.”
Tôi nhớ đã đọc ở đâu đó mấy câu thơ này.
Thế nhưng bây giờ Cô đã trở về “quê hương”rồi đó khi Cô gặp lại các bạn cũ thời còn thơ ấu!
Đây là quê hương đích thực của Cô.
Chúc Cô có niềm vui và sức khỏe.
07/07/201807:28:07
Khách
Tố Nguyễn xin được giải đáp thắc mắc của độc giả về gia đình ông Chín. Ông mất chính xác vào năm 1987, lúc đó ông Chung đã có tên trong "black list" của chính quyền Việt Nam cộng sản vì ông gia nhập hội Hoàng Cơ Minh từ những năm đầu định cư ở Mỹ.
Năm ông Chín mất, người con dâu ông Chín, vợ đầu của ông Chung, đã phát bệnh ung thư, con Út của ông Chung mới lên mười tuổi, con lớn nhất cũng chỉ đang học middle school, tình hình lúc đó không ai dám về. Từ khi được định cư, họ đã nhiều lần gửi quà, gửi tiền, cả đề tên thật lẫn tên giả "nặc danh" về Việt Nam cho ông Chín, nhưng gửi 10 thùng thì chỉ tới nơi khoảng 1 thùng, vì tai mắt của chính quyền ở khắp mọi nơi, và vì ông Chín ở tận cùng huyện Mỹ Xuyên, nơi chỉ có thể ra tỉnh bằng đò máy vào những năm 80.. Ông Chín có liên lạc với con cháu nhưng vì ông muốn giữ an toàn cho con nên giấu hẳn tin con với bà con chòm xóm.Khi nghe tin ông mất, ông Chung cũng phải nhờ người "nặc danh"lo liệu việc ma chay..Đó là nỗi đau lớn nhất của ông Chung, nỗi đau của kiếp lưu vong không được về thăm lại quê cha đất tổ..Tố Nguyễn hiểu nên không muốn hỏi thăm nhiều về chuyện đó..
"Việt Kiều" chỉ chính thức ồ ạt về nước từ sau năm 1990, trước đó, còn rất nhiều người ngại không dám về, nhất là những người từng ít nhiều liên quan với VNCH. Con cháu ông Chung lớn lên ở Mỹ, không còn nhiều ký ức về quê hương như Tố Nguyễn lớn lên ở Việt Nam, nên họ cũng không tha thiết trở về. Sự thật là từ ngày qua Mỹ, cả gia đình họ chưa lần nào về lại Việt Nam. .
Cám ơn bác đã có lòng quan tâm tìm hiểu, xin được khẳng định câu chuyện là sự thật, dù là sự thật đau lòng.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,300,399
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo