Hôm nay,  

Nước Mỹ Buồn Vui

29/07/201700:00:00(Xem: 10249)

Tác giả: Vũ Đức Nghiêm
Bài số 5178-19-31022-vb7072917

Việt Báo thành kính tưởng nhớ Nhạc Sĩ Vũ Đức Nghiêm, một tác giả huynh trưởng từng góp bài Viết Về Nước Mỹ. Ông sinh ngày 30-6-1930 tại làng Hoành Nha, Giao Thủy, Nam Định, vừa từ trần tại San Jose, Bắc California, vào sáng Thứ Hai, 24 Tháng Bảy 2017, hưởng thọ 87 tuổi. Theo gia đình, tang lễ sẽ được cử hành ngày Thứ Bảy 5 tháng 8, 2017, tại nghĩa trang Oak Hill, khu Oak Chapel, San Jose.

Bài viết về nước Mỹ từ 14 năm trước của nhạc sĩ đã được phổ biến ngày 11 tháng 9, 2003, đánh dấu 2 năm nước Mỹ bị khủng bố tấn công, hiện vẫn còn lưu trên Việt Báo Online, đã có 144,622 lượt người đọc.

Để tưởng nhớ người nhạc sĩ tài ba, trân trọng mời đọc lại.

* * *

blank
Người tù trở về, Saigon ngày 4 tháng 9, 1988. Trung tá VNCH Vũ Đức Nghiêm sau 13 năm tù và em gái Bạch Cúc.

Từ những ngày thơ ấu, tôi đã có dịp nhìn thấy người Mỹ qua gia đình một Mục sư Mỹ đến giảng đạo Tin Lành ở quê tôi, làng Hoành Nha, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định.

Ông bà và cha mẹ tôi đã tin nhận Chúa từ những năm đầu của thập kỷ 1930, nên ông bà nội đã mời Mục sư Pruett đến quê tôi trong một kỳ giảng bố đạo. Ông bà Muc sư Pruett có mấy con nhỏ trạc tuổi tôi cùng đi theo. Tôi nhìn chúng một cách lạ lùng vì chúng có nước da trắng trẻo, mái tóc vàng như râu ngô, và đôi mắt xanh biếc như mắt mèo. Bọn chúng ăn mặc sạch sẽ, quần áo có mùi thơm nhẹ nhàng khi chúng chơi đùa gần tôi.

Tôi chỉ mới lên 5, 6 tuổi và bản tính nhút nhát nên chỉ dám đứng nhìn, lòng thầm mơ ước sẽ có ngày được như mấy đứa nhỏ ấy. Cho đến năm 1950, sau những ngày tháng tản cư, tôi trở về Hànội, học lớp đệ Nhị trường Chu văn An. Vốn liếng Anh ngữ của tôi, học sinh thi Tú tài Một cũng chỉ vỏn vẹn mấy bài học trong L'Anglais Vivant, tạm đủ khả năng dịch mấy bài tập từ Việt sang Anh và ngược lại, mà không có thực hành.

Khi tôi gặp Mục sư Taylor ở nhà thờ Tin Lành Hà nội, tôi chỉ nói được một câu chào và hỏi một câu thật vô duyên: “Are you busy" Tôi phát âm "busy" là ''biu-zi'', theo cách đọc của các thầy dạy tiếng Anh hồi đó. Mục sư Taylor mỉm cười trả lời nhỏ nhẹ: ''No, I'm not busy'', Ông phát âm tiếng busy thật rõ là ''bi-zi''như muốn giúp tôi phát âm cho chính xác. Tôi bị choáng ngợp đến nỗi hầu như lưỡi bị cứng đơ, bao nhiêu điều muốn nói dường như quên hết. Nếu hồi đó tôi can đảm hơn, bình tĩnh hơn, có lẽ tôi cũng đã nói cho mục sư Taylor biết nguyện vọng của tôi là tôi muốn học tiếng Anh, và biết đâu cuộc đời tôi đã chẳng có những khúc rẽ quan trọng.

Năm 1951, tôi nhập ngũ, học trường Sĩ quan Trừ bị tại Nam Định. Sau một thời gian đi tác chiến và ở các đơn vị trong quân đội, tôi được theo học một khoá Anh ngữ cấp tốc tại Trụ sở Hội Việt Mỹ Sài gòn. Ý thức được tầm quan trọng của Anh Ngữ, tôi cố gắng trau dồi môn sinh ngữ này, và sau khoá học ít lâu, tôi được về làm giảng viên Anh ngữ tại Trường Anh ngữ quân đi, Bộ Tổng Tham Mưu.

Tháng 9-1958, tôi được cử đi làm thông dịch viên tại Trường Bộ binh Fort Benning, Ga.

Được tiếp xúc thẳng với những sĩ quan Mỹ, tôi học hỏi nơi họ nhiều điều thiết thực giúp tôi nhìn xa hơn và tôi ước mơ sẽ có ngày trở thành công dân Mỹ và sống ở miền đất này như quê hương thứ hai của tôi.

Tháng Tư 1975, tình hình ở Sài gòn trở nên bi đát, Cộng quân đã vào sát thủ đô, tôi vội vã tìm đường di tản vợ con, nhưng không cách nào đi thoát.

Giặc Cộng cưỡng chiếm miền Nam, cũng như các bạn sĩ quan khác, tôi đi trình diện học tập, với niềm hy vọng mong manh là chỉ đi trong 30 ngày như thông cáo của Việt Cng. Rút cục, sau một năm bị giam ở các trại Long giao, Suối Máu, chúng tôi bị đưa ra Bắc, ở vùng rừng núi Hoàng Liên Sơn từ tháng 6-76.

Đây là giai đoạn bắt đầu những ngày lưu đày cực kỳ gian khổ vì chính sách dã man và tàn bạo của giặc Cộng. Phần lớn chúng tôi mang tâm trạng của người con gái nhà lành ngây thơ, bị người tình đẹp trai, giầu có dụ dỗ, những tưởng cuộc sống thanh bình no ấm, nhưng người tình đã phản bội, hèn nhát bỏ chạy khi giặc cướp tràn vào, bắt người con gái về làm tôi mọi cho chúng và bị chúng hành hạ tơi bời cho bõ ghét; tuy vậy nguời con gái đó vẫn chẳng bao giờ nguôi thương nhớ người xưa, vẫn mơ ngày người xưa trở lại cứu mình khỏi tay bọn giặc.

Tâm trạng đó ám ảnh chúng tôi, ngay cả khi đang cuốc đất, chặt cây phát hoang trên rừng, khi nghe tiếng trực thăng bay qua, tôi thầm mơ ước, và tưởng tượng đến lúc tiếng loa phóng thanh trên trực thăng kêu gọi các anh em tù tập hợp ở trảng ven rừng cho quân bạn đến bốc đi. Tôi mơ mộng hão huyền như vậy khi nhớ đến lần Mỹ đổ quân xuống Sơn Tây để giải cứu tù binh hồi trước 1975; nhưng khi tiếng trực thăng xa dần, tôi mới thở dài vì thất vọng.

blank
Chàng nhạc sĩ H.O.

Có lần, chúng tôi đang chở đá về xây thêm phòng giam ở trại tù Nghệ Tĩnh 6, chợt nghe tiếng còi xe hơi từ xa vang vọng lại; có tiếng một anh tù la to: “Tới rồi! Tới rồi!'' Lập tức, những tiếng la hưởng ứng khác vang di: “Tới rồi! Tới rồi!'' Tên võ trang tức điên lên gọi đội trưởng đến nạt: Các anh la Tới rồi có nghiã gì?" Đội trưởng ấp úng: Molotova tới rồi! Tên VC tức tối: Chứ không phải là Mỹ tới đón các anh ha?" Hoạt cảnh này hầu như xẩy ra ở nhiều trại, nói lên niềm khao khát của những người tù, tuy giận người tình phụ bạc, (Mỹ) nhưng ''giận mà thương!''

Khoảng giữa những năm 1980. có tin Tướng Vessey được cử sang Việt nam nói chuyện với VC về tù cải tạo, niềm hy vọng nhen nhúm trong lòng mọi người. Trong thời gian này, vợ tôi gửi vào trại một tờ đơn của cha mẹ tôi từ California bảo lãnh cho vợ con tôi sang Mỹ đoàn tụ, dặn tôi phải ký giấy chấp thuận cho vợ con đi trước, còn tôi sẽ đi sau. Tên cán bộ quản giáo nói rằng: “Anh là tù, anh không được quyền ký giấy cho vợ con anh đi đâu cả.'' Trước lý luận ngu xuẩn cuả VC, tôi im lặng, vì biết có trình bày, giải thích với chúng cũng vô ích.

Tại trại Hàm Tân, một ngày đầu tháng 9-1981, VC gọi tên 13 người tù, trong đó có Duy Lam Nguyễn Kim Tuấn và tôi, đem theo mọi hành trang cá nhân để ''chuyển trại đến một nơi có điều kiện học tập tốt hơn'', theo lời chúng nói.

Một chiếc Molotova bít bùng kín mít đem chúng tôi đi. Duy Lam và tôi bị còng tay chung một còng số 8. Dọc đường, có anh nhìn qua khe hở của tấm vải bạt, loan báo là xe chạy về hướng Sài gòn; mọi người khẽ nói với nhau, ''không lẽ chúng cho mình về Sài gòn để trả tự do.''

Rút cục chúng đem chúng tôi giam ở khám Chí Hòa. Tôi bị nhốt một mình trong xà lim số 32, khu ED. Trong nỗi cô đơn mịt mùng của tù ngục, vì xà lim tối âm u, các cửa sổ đều bị bít kín, chỉ có một ngọn đèn hắt hiu, ngày đêm toả ánh sáng vàng vọt, tôi cảm thấy một nỗi chán chường và mất tinh thần ghê gớm. Sau khi lau chùi, quét dọn căn xà lim chừng 6m2, tôi quỳ xuống cầu nguyện, xin Thượng đế giúp tôi thêm can đảm và nhẫn nhục để vượt qua chặng đường gian khổ này.

Ngày tháng dần qua, tôi đã quen với bóng tối và nỗi cô đơn, và tôi giết thì giờ bằng cách sáng tác một vài giai điệu ghi lại những cảm xúc trong xà lim. Tôi hằng trông đợi sự giải cứu từ Thượng Đế và dụng cụ Ngài dùng sẽ là Mỹ để giải thoát chúng tôi! Âm thanh của bài hát The Star-Spangled Banner (Quốc ca Mỹ) làm lòng tôi phấn khởi vô cùng khi hát một mình trong bóng tối:


... ''And the rockets red glare, ''
''The bombs bursting in air''
''Gave proofs through the night''
''That our flag was still there! ''
''Our flag was still there!

Tôi ngậm ngùi, bâng khuâng nhớ đến ngày 30-4-75, tại Sài gòn, đại sứ Mỹ cuốn cờ tháo chạy. Tôi cứ tưởng rằng sẽ không bao giờ còn được thấy lá cờ đó nữa. Nhưng tôi tin rằng hình ảnh ''the flag was still there'' đã làm Francis Scott Key nức lòng nhìn lá quốc kỳ Mỹ tung bay trên kỳ đài đồn Fort Sumter trong trận chiến giành độc lập của Mỹ năm 1812 để có cảm hứng viết lời ca ''The Star-Spangled Banner'' bất hủ. Lá cờ đó còn tung bay mãi mãi trong tim tôi như một biểu tượng rực rỡ cho một ngày quê hương tôi sẽ không còn bóng cờ máu của giặc, khi lá cờ 50 ngôi sao sẽ góp phần trong sự nghiệp giải thoát hơn 70 triệu đồng bào và quê hương tôi khỏi tay giặc Cộng sản bạo tàn đang xéo dầy, phá nát quê hương tôi. Trong niềm cảm xúc ấy, tôi đã viết lời ca Việt theo điệu quốc ca Mỹ như sau:

''Ô kìa, bầu trời cao''
''Phất phới bay cờ sọc sao, ''
''Trời bừng sáng hay ban chiều,
''Nhìn cờ bay với bao tự hào.

''Giữa sa trường đầy gian lao,
''Vẫn tung bay cờ sọc sao.
''Lồng lộng gió trên chiến hào,
''Hồn non sông hiên ngang vẫy chào. ''
 
''Đầy trời rền vang trái phá,
''Tiếng bom gào như xé gió.
''Hãy vừng tin trong đêm dài'', ''
''Nhìn lên lá cờ còn đây. ''

''Này người ơi, hay chăng lá cờ hào hùng''
''Trong gió bay vẫy vùng''
''Miền trời tự do, lòng ta yêu dấu''
''Là quê hương những anh hùng"
(Chí Hòa, tháng 10-1981)

Bài hát này luôn vang vọng trong lòng tôi, giúp tôi vững tin là nước Mỹ dù có mang tiếng là kẻ bỏ rơi đồng minh, nhưng rút cục vẫn là chỗ dựa, ít ra là về tinh thần cho những kẻ bị đày đọa như chúng tôi.

Những tin tức về tướng Vessey và những thoả thuận giữa Mỹ và Việt cộng về tù cải tạo, dù không rõ rệt lắm cũng làm chúng tôi lên tinh thần và hy vọng nhiều hơn.

Tôi nhớ lại có lần đi thăm pho tượng thần Tự do, tôi đọc được những giòng chữ khắc trên bệ:

''Give me your tired, your poor'',
''Your huddled masses yearning to breathe free'',
''The wretched refugee of your teeming shore''
''Send these, the homeless, tempest-tossed to me''
''I lift my lamp beside the golden door! ''

Chuyển ngữ tiếng Việt của Tin Biển, San Jose:

''Hãy đem cho ta những kẻ nhọc nhằn, nghèo khó, ''
''Đám đông chen chúc, hỗn độn thèm khát được thở tự do''
''Những dân tỵ nạn bất hạnh tràn ngập cả bến bờ''
''Hãy đem cho ta những kẻ không nhà bị dập vùi vì bão tố''
''Ta giơ cao ngọn đuốc bên cánh cửa vàng! ''

Ôi ! sức mạnh của những lời tuyên ngôn hừng hực lửa thương yêu, vượt Thái bình Dương mênh mông, chiều nay tràn ngập trong tim người tù khốn khổ, đem lại niềm an ủi cho tâm hồn chán chường tuyệt vọng của tôi! Tôi nhẩm đọc những lời tuyên ngôn trên cho đến khi thuộc lòng và hết lòng cám ơn tác giả những lời tuyên ngôn vàng ngọc trên đây.

*

blank
Ông Bà Vũ Đức Nghiêm cùng em gái Vũ Bạch Cúc và Nhã Ca tại Việt Báo

Rút cục, cũng đã đến ngày tôi được trả tự do và tôi đã được sang Mỹ đoàn tụ với gia đình tại San Jose, California, ngày 1-11-1990 theo chương trình đoàn tụ HO-04. Nghĩ về nước Mỹ với những kỷ niệm buồn vui, tôi nhớ đến câu mà người ta thường hay nhắc đến:

''To be an enemy of the United States could be discomfort;

to be a friend, as Republic of Vietnam found to its sorrow, could prove fatal.''

Xin được tạm chuyển ngữ như sau, ''Là kẻ thù cuả Mỹ có thể khó chịu, nhưng là bạn của Mỹ, như Việt Nam Cộng Hòa đã cảm nhận trong niềm đau của họ, thì chỉ có ''từ chết tới bị thương''!

Lại có người cho rằng, “Yêu ai, xin đưa họ đến Mỹ, vì Mỹ là Thiên Đường. Ghét ai, xin đưa họ đến Mỹ, vì Mỹ là Địa ngục.”

Những suy nghĩ trái ngược nhau như vậy, có căn nguyên từ đâu? Tôi không muốn bàn đến vấn đề này vì nó rất phức tạp và nhức đầu. Trong phạm vi bài này, nói về nước Mỹ buồn, vui, tôi chỉ muốn nói lên lòng biết ơn của tôi đối với nước Mỹ và dân tộc Mỹ, là sứ giả của Thương đế, đã mở rộng vòng tay tiếp đón chúng tôi, cũng như hàng trăm ngàn gia đình Việt nam khốn cùng khác, từ vùng đất đọa đầy ngay trên quê hương mình đến một vùng đất trù phú, tự do, tương đối an ninh và thịnh vượng.

Trước ngày rời Việt nam, Việt cộng bắt chúng tôi ký giấy là không được phản bội và chống lại quê hương, tôi phải ký như một hình thức ''nín thở qua sông!''. Quê hương Việt nam yêu dấu của tôi, làm sao tôi có thể phản bội và chống lại quê hương. Có chăng là chống lại bọn giặc Cộng tham tàn bạo ngược đang ngự trị trên quê hương mà thôi. Trước sau, tôi chỉ là công dân của Việt nam Cộng Hòa, và không bao giờ là công dân của cái quái thai Công hoà xã hội chủ nghĩa mà giặc Cộng áp đặt lên Tổ quốc tôi.

Hiện giờ, tôi đã trở thành công dân Mỹ, tôi chia xẻ buồn, vui với người dân đất nước này. Sau biến cố 911, trong các buổi lễ đốt nến tưởng niệm và cầu nguyện cho nước Mỹ, tôi đã nghẹn ngào, âm thầm rơi nước mắt thương cho các nạn nhân của vụ khủng bố, cũng như tôi nức lòng chia xẻ nỗi vui mừng nhìn các cuộc diễn hành của quân đội trong ngày lễ Độc Lập của Mỹ.

Tôi yêu mến và biết ơn quê hương này, biết ơn các anh hùng cuả Mỹ đã trong hơn 200 năm qua anh dũng chiến đấu, xây dựng, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ Hoa kỳ.

Vũ Đức Nghiêm

*

Sau bài Viết Về Nước Mỹ mời đọc thêm thơ và chuyện tù của Trung Tá Vũ Đức Nghiêm, 51 tuổi, người tại trại tù cộng sản Nghệ Tĩnh 6.

51 Tự Trào

Tuổi trời cho ta năm mươi mốt,
Đau đớn thay, năm năm bị nhốt.
Sáng sáng đẩy xe vài chục xe,
Chiều chiều ngô hột dăm trăm hột.
Thi đua lao động chẳng cần hay,
Học tập tăng gia không mấy tốt.
Thơ thẩn loay hoay, ngày lại ngày,
Lòng son sắt trước sau như một.

Ta sinh ra biếng lười ngu dốt,
Chỉ thích lơ mơ ngồi dựa cột.
Mặc kẻ lên voi, ưa nói ngang,
Thương mình xuống chó, chẳng thưa thốt!
Gặp thời, ừ nhỉ, chúng khôn ngoan,
Lỡ vận, đành thôi, ta dại dột.
Say cuộc cờ, nghĩ mình pháo xe,
Hay đâu ta chỉ là con chốt!

Chốt đã qua sông liền thí chốt,
Ba năm kiếm củi, một giờ đốt.
Thảm thương thay, nghệ sĩ mang cùm,
Ngao ngán nhẽ, cáo cầy đội lốt.
Sông cạn khát khao vài trận mưa,
Núi cao chuyển mình từng cơn sốt.
Mơ ngày phục quốc, cứu quê hương,
Thù giặc Cộng, minh tâm khắc cốt.

Xà lim Trại tù Nghệ Tĩnh 6, (NT6); Tháng 1-1981

Vũ Đức Nghiêm

Lời bạt của tác giả:

Bài thơ này viết khi lao động tại Trại Tù Nghệ Tĩnh 6. Đang viết đến câu cuối: ''Thù Giặc Cộng minh tâm khắc cốt'' thì chợt thấy một tên VC đi tới gần, mình vội vàng xóa chữ ''Cộng'' thay bằng chữ ''Mỹ''. Tên VC bắt gặp mình đang viết, liền tịch thu tờ giấy, bắt đem lên Trưởng Trại. Tên này kết tội mình không chịu lao động, lại làm thơ phản động; nó hỏi vặn mình tại sao thù giặc Mỹ, mình nói là ''giặc Mỹ ném bom miền Bắc giết đồng bào tôi'', thì nó cười nói là: ''Anh nói vậy mà không phải vậy. Anh thích làm thơ, tôi cho anh vào cùng (nhà cùm) với anh Phạm Xuân Ninh (Hà Thượng Nhân) để làm thơ với nhau". Ngày hôm đó, tôi bị đưa vào xà lim cùng với Hà Thượng Nhân.

Ý kiến bạn đọc
31/07/201703:50:05
Khách
Vận mệnh miền Nam đã bị Hoa kỳ an bài rất lâu trước ngày 30 tháng Tư năm 75 :

Trong cuốn sách Đôi Dòng Ghi Nhớ. tác giả là đại tá Phạm Bá Hoa viết rằng ngày 24-12-1974, lúc quân CSVN đang tấn công Phước Long sang ngày thứ 10; một buổi tiệc mừng Giáng Sinh được tướng Đồng Văn Khuyên- Tham Mưu Trưởng - tổ chức trên lầu của câu lạc bộ trong Bộ Tổng Tham Mưu. Khách tham dự gồm có tướng Smith (Chỉ Huy Trưởng cơ quan quân sự HK tại VN), tướng Phạm Hà Thanh, tướng Nguyễn Văn Chức, đại tá Phạm Kỳ Loan , đại tá Phạm Bá Hoa, đại tá Pelosky (phụ tá của Tướng Smith); trung tá Nguyễn Đình Bá.
Thiếu tướng Smith tiết lộ rằng: “Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ có kế hoạch với ngân khoản dự trù hơn 300 triệu đollar để di tản sang Hoa Kỳ khoảng 40 ngàn sĩ quan và gia đình, nhưng thời gian thì chưa rõ” .
31/07/201703:46:41
Khách
Vận mệnh miền Nam đã bị Hoa kỳ an bài rất lâu trước ngày 30 tháng Tư năm 75 :

Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy- Giáo sư Học viện Quốc gia Hành chánh, đại học Đà Lạt, Huế, Cần Thơ, Vạn Hạnh, Minh Đức, Sư phạm Sài Gòn, Cao đẳng Quốc phòng, Chiến tranh Chính trị... & linh mục Cao Văn Luận - giáo sư đại học Văn Khoa: Ký kết Hiệp Định Paris vào ngày 27.1.1973 là để quân đội Hoa Kỳ được an toàn rời khỏi miền Nam. Phía dư luận báo chí quốc tế đã sớm thấy rõ âm mưu của Kissinger và đã ví bản hiệp định này giống như tờ khai tử cho miền Nam Việt Nam. Chính ngay Kissinger cũng đã tiết lộ bề trái của bản hiệp định cho Cố vấn đặc trách Nội vụ John Ehrlichman của T.T Nixon như sau:
“Tôi nghĩ rằng nếu họ ( chánh phủ miền Nam ) may mắn thì được 1 năm rưỡi mới mất”.
30/07/201713:20:22
Khách
Năm 75: Một cuộc chiến không tương xứng !

(Trích) Nhà biên khảo Trần Đông Phong :….Không những chỉ gia tăng viện trợ vũ khí đạn dược, Liên Xô còn cung cấp những tin tức tình báo bằng vệ tinh cho quân đội Cộng sản tại miền Nam. Ngày 16 tháng 4 năm 1975, Liên Xô phóng vệ tinh từ căn cứ Plessetsk với góc độ 65 độ và 8 ngày sau đó lại phóng thêm một vệ tinh thứ hai với góc độ 81 độ và cả hai vệ tinh này đã quan sát được mọi hoạt động trên toàn cõi Việt Nam. Đây là loại vệ tinh mới nhất của Liên Xô có đủ khả năng chụp được những bức không ảnh với hình ảnh những xe cộ và chiến xa rất rõ ràng. Từ Mạc Tư Khoa, những bức không ảnh này được chuyển sang Hà Nội trong vòng vài tiếng đồng hồ sau đó và Hà Nội lại chuyển vào Nam cho Tướng Văn Tiến Dũng nhờ đó Cộng sản Bắc Việt biết rõ đang phải đối đầu với quân số và đơn vị ở cấp nào .
29/07/201717:32:38
Khách
No more South Viet nam ! Trong cuộc họp hôm sau (10-7-1971), Kissinger nói với thủ tướng Chu ân Lai “ Hôm qua, tôi đã thưa với Thủ tướng, và tôi muốn nhắc lại rằng, nếu sau khi quân đội Mỹ rút lui hoàn toàn, mà các dân tộc Đông Dương thay đổi chính quyền của họ, Hoa Kỳ sẽ không can thiệp.” ( “Biên bản chuyến đi Trung quốc của TS Kissinger năm 1971” tài liệu Tòa Bạch Ốc, giải mật năm 2002) .

Sử gia Trần Gia Phụng : Sau khi Kissinger về nước, ngày 13-7-1971, Chu Ân Lai qua Hà Nội tường trình cho những nhà lãnh đạo cộng sản Hà nội về cuộc họp vừa qua với Kissinger và bảo đảm rằng Trung Quốc tiếp tục ủng hộ Bắc Việt .

Theo cựu Đại sứ Pháp Jean-Marie Mérillon, tối 18 tháng 4 năm 1975, Đại sứ Hoa Kỳ Graham Martin gọi điện thoại cho ông, và lần đầu tiên Graham Martin đã nói rõ với ông về ý định của Hoa Kỳ đối với Miền Nam Việt Nam. Đại sứ Mérillon cho biết hôm đó Graham Martin đã “lưỡng lự rất nhiều rồi mới nói với tôi rằng Hoa Kỳ sẽ bỏ rơi Miền Nam Việt Nam”. Graham Martin nói thêm rằng “đối với chính trường nước Mỹ, chiến tranh Việt Nam đã chấm dứt ngay sau Hiệp định Paris 1973…”.
29/07/201717:15:24
Khách
Các đại cường và vận mệnh của các tiểu quốc :Tại sao hàng triệu triệu người các xứ Đông Âu đã phải sống dưới chế độ Cộng sản trong một thời gian dài ? Việt nam lẽ ra đã bị Hán hóa từ năm 1945 ! :

***Trong chuyến du hành năm ngày ở Nga và Âu châu, khi dừng chân ở xứ Latvia ngày 7/5/2005, tổng thống Bush tuyên bố Hoa kỳ nhận lỗi lầm đã ký thoả ước Yalta năm 1945 chia đôi ảnh hưởng ở Âu châu với Nga sô, và do đó đã khiến cho hàng triệu người ở các nước vùng Đông và Trung Âu rơi vào tay Cộng sản.

Hiệp định Yalta được ký kết khi Trận Thế Chiến Thứ Hai sắp chấm dứt giữa ba lãnh tụ Franklin Roosevelt của Hoa kỳ, Winston Churchill của Anh, và Josef Stalin của Nga.

***Bernard Fall- sử gia , thông tín viên chiến tranh, chuyên về các vấn đề Đông Dương, kể rằng Samuel Irving Rosenman- luật sư, quan tòa, cố vấn cho các tổng thống Franklin Roosevelt and Harry Truman- và Henry Agard Wallace- phó tổng thống, bộ trưởng Canh Nông, bộ trưởng Thương Mại - đã thuật lại rằng năm 1945, tổng thống Franklin Roosevelt có lần đã định cho Trung Hoa toàn thể Việt nam, tuy nhiên, thống chế Tưởng Giới Thạch từ chối " Chúng tôi không muốn nhận. Người Việt không phải người Tàu. Họ sẽ không hội nhập vào xã hội Tàu".
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,332,144
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo