Hôm nay,  

Tiếng Anh, Tiếng Việt

22/02/201700:00:00(Xem: 16556)

Tác giả: Hoàng Đình Minh Long
Bài số 5052-18-30752-vb4022217

Tác giả cùng gia đình đoàn tụ tại Mỹ từ 1991, 25 năm trước, khi mới 18 tuổi. Hiện là cư dân Huntington Beach; Nghề nghiệp: Kỹ sư phần mềm cho Northrop Grumman Corporation; Đã tham gia VVNM từ 2003 với 4 bài viết tươi tắn, tinh tế và tử tế. Mong Hoàng Đình Minh Long sẽ tiếp tục nhịp viết mới trở lại.

* * *

Ông bà ta có câu “Nhập gia tùy tục”. Thiết nghĩ khi sống tại Mỹ, người Việt Nam cần phải áp dụng cái câu này trong đời sống hàng ngày. Bài này chỉ xin được tập trung vào vấn đề ngôn ngữ. Nhu cầu nói và viết tiếng Anh tại đất Mỹ là điều dễ hiểu vì chúng ta đang sống trên đất người. Tuy nhiên, nhu cầu giữ cho tiếng Việt trong sáng khi dịch tiếng Anh sang tiếng Việt cũng cần thiết không kém.

Trước tiên xin phép được mạn bàn về cách phát âm các địa danh. Điều này rất cần thiết nhất là đối với những người làm truyền thông. Cách đây vài năm, tôi nghe một xướng ngôn viên đọc tin trên radio là “sự việc xảy ra tại thành phố ta-mê-cu-la”. Mới nghe qua tôi hoảng hồn vì không ngờ có cái thành phố mang một cái tên mà chắc các bà các cô thích sống ở đó lắm. Sau vài giây lấy lại bình tĩnh, tôi mới nhận ra rằng cái thành phố kia là Temecula. Phát âm đúng của địa danh này là “tề mắc kiu là”.

Một ví dụ khác là một con đường rất quen thuộc tại Little Sài Gòn. Một lần tôi hỏi đường để đến thăm một người quen trên điện thoại vào những năm 1990 khi chưa có hệ thống định vị toàn cầu GPS. Bên đầu khi điện thoại, người quen chỉ đường:

“Nhà của anh nằm trên đường heo “

“Bên Mỹ làm gì có đường tên con lợn anh?”

“Không, heo đây là H-E-I-L”

“Heil” nếu phát âm đúng là “hai ồ”. Phát âm theo người quen của tôi năm nào thì nếu người nghe là Việt nam thì tưởng là đường con lợn. Còn nếu người nghe là Mỹ thì họ tưởng là con đường âm phủ (hell).

Trong chiến tranh Việt Nam, phóng viên đài ABC là Peter Jennings là người nổi tiếng phát âm rất chuẩn các địa danh tại Việt nam như Khe sanh, Huế hay Quảng trị. Ông ta chịu khó học cách phát âm các địa danh theo giọng của người Việt nam bằng cách nhờ các quân nhân VNCH dạy cho ông. Hiện nay, ở thế kỷ 21 khi mà kỹ thuật máy tính đã phát triển vượt bực, chúng ta nên tận dụng các phương tiện như iPad hay máy tính để học cách phát âm sao cho chuẩn. Nếu không, chúng ta sẽ có những địa danh mà người nghe sẽ không hiểu hoặc những địa danh nghe không được thanh lịch cho lắm.

Tiếng Mỹ cũng như tiếng Việt có những chữ mang nhiều ý nghĩa khác nhau tùy theo cách chúng được xử dụng trong hoàn cảnh nào. Khi mới qua Mỹ, tôi đi bán tiệm tạp hóa cho bà chị họ ở Galveston như đã kể trong bài “Hòa nhập vào cuộc sống mới” trên mục Viết về nước Mỹ cũa Việt báo. Một hôm, cô khách hàng vào tiệm hỏi tôi:

“Where do you have the nails at?”

“You need to go to Home Depot to get nails” – tôi chỉ cô ra Home Depot mua đinh vì tiệm của chúng tôi chỉ bán đồ ăn, sữa, bia.

Thấy cái mặt thằng tôi đần độn quá, cô khách hàng đưa cả hai bàn tay ra chỉ cho tôi mấy móng tay sơn đỏ, lúc đó tôi mới biết là cô ta muốn mua bộ móng tay giả. Tôi liền nhớ ra là chữ “nail” vừa có nghĩa là móng tay vừa có nghĩa là đinh, tùy theo trường hợp.

Một ví dụ khác là vào mùa hè 2011, tôi nhận được một tờ quảng cáo từ một trường đại học cộng đồng gần khu Little Saigon. Vì là mùa hè, trường học nọ gởi giấy quảng cáo về các lớp bơi họ mở ra cho công chúng. Tờ quảng cáo bằng tiếng Việt có vài câu như sau: “Chúng tôi có lớp cho mọi lứa tuổi / - Chúng tôi chuyên về đột quị.”

Tôi nghĩ đi bơi, cũng như các môn thể thao khác, giúp cho người ta khỏe mạnh, phòng bệnh tật. Vậy thì tại sao quảng cáo này lại nhắc chuyện đột quị trong này. Hay là các lớp của họ chuyên giúp các người bị đột quị phục hồi sức khỏe. Tuy nhiên cái cách họ viết nghe có vẻ là học bơi tại các lớp của họ sẽ làm cho người học bị đột quị. Tôi lật qua trang phía sau thì thấy có phần tiếng Anh với những câu sau: “We have class for all ages / We specialize in stroke techniques.”

Thì ra ý họ nói là các lớp học của họ chuyên về dạy cách sử dụng sải tay sao cho đúng. Stroke đây là cách quạt tay chứ không phải là đột quị. Theo tự điển Anh Việt của Google thì “stroke” có những nghĩa sau đây:

1. Chèo (lái xuồng)

2. Đánh (như đánh quần vợt, đánh tay như khi đi bơi)

3. Nét chữ

4. Đột quị

Không biết ai là dịch giả của cái tờ quảng cáo kia nhưng dịch thuật kiểu đó thì quả là quá nguy hiểm. Một chữ có nhiều nghĩa như vầy thì chúng ta phải nhìn vào trường hợp nó được sử dụng như thế nào thì mới chuyển dịch cho đúng được.

Cách đây hơn 20 năm về trước, khi còn là sinh viên, tôi làm việc thiện nguyện trong nhà thuốc tây (pharmacy) ở nhà thương San Gabriel. Nhiệm vụ của tôi là soạn thuốc cho các bệnh nhân theo toa rồi đẩy xe thuốc đi giao cho các trạm y tá tại các khu chuyên khoa khác nhau. Các y tá nhận thuốc xong sẽ đưa vào từng phòng cho bệnh nhân.

Trong các khu chuyên khoa của nhà thương, khu sản phụ khoa là nhộn nhịp nhất. Có một sản phụ kia, có lẽ sinh con đầu lòng, nằm vật vã vì đau đớn. Theo các y tá thì sản phụ đó đã nằm trong phòng gần một ngày mà em bé vẫn chưa ra. Lúc tôi đang giao thuốc cho các y tá thì tôi nghe sản phụ kia hét lớn chửi ông chồng của mình:


“Anh là thằng khốn nạn. Vì anh mà tôi phải đau đớn như thế này.”

Tội nghiệp ông chồng cứ năn nỉ:

“Em chịu khó chút xiú. Con chúng ta sắp chào đời rồi.”

Dù ông chồng nhỏ nhẹ để trấn tĩnh vợ, cô vợ vẫn tiếp tục xỉ vả ông chồng. Ngay lúc đó, một thiện nguyện viên khác đẩy một sản phụ khác trên xe lăn vào. Chưa vào đến phòng thì sản phụ thứ hai đã sinh em bé ngay trên xe. Vì đây là lần sinh con thứ 4 cho nên em bé của sản phụ thứ hai ra đời nhanh và lẹ làng. Còn sản phụ thứ nhất thì phải nằm gần một ngày mà vẫn chưa sinh được có lẽ là vì sinh con lần đầu.

Sau khi giao thuốc xong, tôi đẩy xe thuốc về lại nhà thuốc để chuẩn bị thuốc cho khu tâm thần. Đang tập trung soạn thuốc thì bà y tá trưởng của khu sản phụ khoa tông cửa xông vào nhà thuốc nắm tay tôi, mắt bà nhìn bà dược sỹ trưởng của tôi:

“Tôi cần Long xuống khu sản phụ khoa giúp chúng tôi gấp”

“Nhưng Long cần phải chuẩn bị giao thuốc cho khu tâm thần” – bà dược sỹ tỏ vẻ không muốn cho tôi đi.

“Bên tâm thần có thể chờ, nhưng bên chúng tôi không thể chờ. Please” – bà y tá năn nỉ

Trước sự khẩn khỏan của bà y tá khu sản phụ khoa, bà dược sỹ đồng ý cho tôi đi xuống khu sản phụ khoa. Quái lạ, tôi không phải là bác sỹ đỡ đẻ mà cũng chẳng phải là y tá, tại sao họ lại cần tôi xuống các phòng sản phụ khoa làm gì. Tôi còn độc thân vui tính cho nên kinh nghiệm đẻ đái cũng chẳng có, xuống khu sản phụ khoa có lẽ là một sai lầm. Tôi định mở miệng hỏi bà y tá thì cả hai chúng tôi đã tới khu sản phụ khoa vì bà ta lôi tôi đi rất nhanh. Bà đẩy tôi vào một phòng sản phụ đang náo loạn vì các y tá và một sản phụ đang to tiếng với nhau như cái chợ. Vừa thấy tôi bước vào, hai cô ý tá mừng rỡ nắm tay tôi:

“Tạ ơn trên bạn đã tới. Chúng tôi cần bạn thông dịch tiếng Anh sang tiếng Việt và ngược lại”

Vừa nghe đến đó, sản phụ người Việt Nam liền lên tiếng, vẫy tay ra hiệu cho tôi lại gần:

“Em người Việt hả? Trời ơi, sao mấy cô y tá này lạ quá em? Chị sắp sanh tới nơi rồi mà mấy cô cứ bắt chị leo xuống giường để phụ mấy cô đẩy đồ. Chị vừa leo xuống thì họ lại bắt leo lên giường trở lại.”

Tôi thộn mặt ra không hiểu chuyện gì xảy ra thì đến lượt các cô ý tá nắm tay để “kể tội” sản phụ:

“Would you tell her to follow our instruction? /Bạn làm ơn nói cô sản phụ nghe theo lời hướng dẫn của chúng tôi – hai cô tiếp tục – Whenever we told her to push, she would get down the bed to do stretching. Its not time to exercise. The baby is almost out”

Đến lúc này tôi mới hiểu câu chuyện. Thì ra khi mấy cô ý tá yêu cầu sản phụ rặn thì sản phụ lại hiểu lầm là các cô y tá muốn chị leo xuống đẩy phụ. Chữ “push” bình thường có nghĩa là “đẩy”. Tuy nhiên, “push” cũng có nghĩa là “rặn”. Vì sự hiểu lầm này mà hai bên cứ ông nói gà bà nói vịt làm náo loạn cả khu sản phụ khoa.

Những câu chuyện kể trên hầu như chúng ta ai cũng gặp phải và nó ngoài ý muốn chúng ta. Chỉ khi nào ở Mỹ lâu và có nhiều kinh nghiệm, chúng ta mới học được bài học. Tuy nhiên, có những trường hợp mà tôi nghĩ nhiều người chủ động lạm dụng chữ nghĩa một cách quá đáng. Ý tôi muốn nói đến một số học vị học cao thường thấy phổ biến trong cộng đồng.

Ví dụ, một số vị nha sỹ xưng mình là bác sỹ nha khoa. Một số vị dược sỹ thì tự xưng là bác sỹ dược khoa. Đồng ý là trong tiếng Mỹ, “doctor” là từ người ta dùng để gọi các vị có bằng y khoa (Medical Doctor), nha khoa (Doctor of Dental Surgery), dược khoa (Doctor of Pharmacy hay là PharmD) hay tiến sỹ (PhD hay Doctor of Philosophy). Tuy nhiên, tiếng Việt nam có từng từ riêng để gọi từng ngành. Bác sỹ là để gọi những người tốt nghiệp y khoa. Nha sỹ là những người chữa răng. Dược sỹ là những người bán thuốc. Tiến sỹ là những người khám phá ra một điều gì mới lạ trong chuyên môn của mình và bảo vệ nó bằng một luận án. Cớ sao lại đem cái từ bác sỹ ra lạm dụng làm giảm đi giá trị của cái nghề quí vị đeo đuổi.

Khi còn là sinh viên, tôi và các bạn học nhận xét rằng vào trường y khoa là khó nhất. Sau đó là nha khoa và dược khoa. Hầu hết các bạn tôi ai cũng mơ ước vào trường y khoa. Nếu vào không được thì nộp đơn vào trường nha khoa hay dược khoa. Chính vì các nha sỹ và dược sỹ thích người ta gọi mình là bác sỹ làm cho tôi có cảm tưởng là các vị này khi xưa ước muốn trở thành bác sỹ y khoa nhưng không đủ tiêu chuẩn cho nên bây giờ lạm dụng cái danh từ bác sỹ để thỏa mãn cái ước mơ không thành của mình. Tôi biết có những vị nha sỹ hay dược sỹ họ học các ngành này vì họ thích chứ không phải vì họ không đủ giỏi để trở thành bác sỹ. Tuy nhiên, khi tự phong cho mình cái danh từ “bác sỹ”, họ dễ làm người ta hiểu lầm.

Nếu chúng ta lạm dụng cái từ “doctor” như thế, không lẽ chúng ta lại gọi người có bằng tiến sỹ về sử là “bác sỹ lịch sử”? Vậy chúng ta gọi những người có bằng PhD về kỹ sư cầu cống là gì (bác sỹ kỹ sư cầu cống chăng)? Riêng tôi, tôi ước mơ ngày nào đó lấy được bằng PhD về điện toán để thỏa mãn thách thức của bản thân thôi chứ không hề muốn được người ta gọi là “bác sỹ điện toán”.

Hoàng Đình Minh Long

Ý kiến bạn đọc
25/02/201700:31:35
Khách
Cô đọc các comments về bài của Long. Tha hồ mà" bút chiến" nhá.Có người cũng rủ,nhưng cô không dám.
25/02/201700:12:21
Khách
Tôi phải khoe với mọi người,tác giả là học trò của tui,mà viết như ông già. Còn tui là bà già mà có người tưởng là con nít😄
24/02/201717:14:40
Khách
Câu chuyện tác giả viết rất vui và nhiều ý nghĩa, rất hữu ích Theo tôi biết được chuyện có thật là một số sinh viên rất thông minh nhưng không chọn ngành y khoa hay dược khoa mà lại chọn ngành nha khoa là bởi vì họ quyết định ngành học theo ý thức lương tri của cá nhân họ là họ không muốn thí nghiệm hay thực tập trên động vật (chuột, khỉ, heo, thỏ ...).
24/02/201717:02:54
Khách
Rất mừng đọc được nhiều ý kiến rất hay tác giả đã bỏ công tìm hiểu và chia sẻ, xin chân thành cảm ơn! Dặc biệt ý kiến của độc giả Nguyễn Hưng đã giúp tôi hiểu rõ được một dữ kiện lịch sử về tổng thống Ngô đình Diệm bị hiểu lầm! Xin cảm ơn rất nhiều .
24/02/201714:39:56
Khách
Viet nam theo nen loi giao duc Phap . Van bang Bac si hay "Tiến sĩ Y Khoa" candidates PHAI de trinh va bao ve thanh cong Luan An Tien Si Y Khoa. Students are required to submit and succesfully defend a thesis BEFORE they receive their Doctor of Medicine degree. [ https://en.wikipedia.org/wiki/Medical_school_in_France]
24/02/201714:30:23
Khách
Rat hay . Hoan Ho Tac Gia dem lai su trong sang cho tieng Viet. MD la bac si, DDS la Nha si chu khong phai la bác sĩ Nha Khoa. PharD la duoc si chu khong phai la bac si Duoc Khoa.
24/02/201700:36:17
Khách
Hiện tại theo tôi biết chưa có học vị tiến sĩ cho ngành điện toán, bạn học ngành này an
23/02/201721:41:34
Khách
Chào tác giả, tôi đọc bài viết của ông và có vài ý kiến sau:
- Ông viết: “Khi còn là sinh viên, tôi và các bạn học nhận xét rằng vào trường y khoa là khó nhất. Sau đó là nha khoa và dược khoa. Hầu hết các bạn tôi ai cũng mơ ước vào trường y khoa. Nếu vào không được thì nộp đơn vào trường nha khoa hay dược khoa.” Đây chỉ là ý kiến cá nhân của ông và vài bạn hữu của ông mà thôi và đó cũng là quan niệm cổ hủ của người Việt ngày trước mà ngày nay đa số người ta đã quan niệm khác xa điều trên, nên ông không thể áp đặt cho hiện tại mà không nêu ra bằng chứng rằng ở Mỹ thì ngành y khó nhất, kế đó mới đến nha khoa và dược khoa. Ngày nay, phần nhiều giới trẻ chọn ngành học theo đam mê, sở thích, hoặc phần nhỏ theo truyền thống gia đình.
- Ông viết: “Chính vì các nha sỹ và dược sỹ thích người ta gọi mình là bác sỹ làm cho tôi có cảm tưởng là các vị này khi xưa ước muốn trở thành bác sỹ y khoa nhưng không đủ tiêu chuẩn cho nên bây giờ lạm dụng cái danh từ bác sỹ để thỏa mãn cái ước mơ không thành của mình.” Đây cũng là cảm tưởng của riêng ông đã gây tổn thương đến những người theo ngành nha, dược khoa. Sở dĩ, tại Mỹ, ngày nay có danh xưng “bác sĩ nha khoa” hay “bác sĩ dược khoa” là vì những năm gần đây các đại học Mỹ có khuynh hướng không còn đào tạo nha sĩ, dentist, và dược sĩ, pharmacist, nữa mà họ đã nâng cấp đào tạo cho ngang bằng với bác sĩ y khoa, medical doctor, để các sinh viên tốt nghiệp trở thành bác sĩ Nha Khoa, DDS (Doctor of Dental Surgery) và DMD (Doctor of Medicine in Dentistry or Doctor of Dental Medicine) và bác sĩ Dược Khoa, Pharm.D (Doctor of Pharmacy); do vậy mà danh xưng “bác sĩ nha khoa” hoặc “bác sĩ dược khoa” là hoàn toàn đúng cho những ai tốt nghiệp với bằng cấp nói trên; đây không phải là danh xưng tự phong gì cả, hoàn toàn thích hợp để gọi các vị này.
- Ông còn thắc mắc: “Nếu chúng ta lạm dụng cái từ “doctor” như thế, không lẽ chúng ta lại gọi người có bằng tiến sỹ về sử là “bác sỹ lịch sử”? Vậy chúng ta gọi những người có bằng PhD về kỹ sư cầu cống là gì (bác sỹ kỹ sư cầu cống chăng?)” Thưa ông, những danh xưng gây cho ông sự âu lo khi ông tốt nghiệp PhD về điện toán thì “bị” gọi là “bác sỹ điện toán” thì tôi rất buồn cười vì sự ngớ ngẩn này. Người Việt dùng “bác sĩ” cho “Doctor” khi nhắc đến người đạt học vị trong lĩnh vực y khoa nói chung, còn PhD, Doctor of Philosophy, thì danh xưng sẽ là “tiến sĩ”. Hy vọng ông đã thông. Xin ông cứ vững tâm học chuyên sâu hơn để nhận bằng “tiến sĩ điện toán” trong nhiều năm sắp đến. Chúc mừng ông trước.
23/02/201712:06:49
Khách
Đây là vấn đề văn hóa "hươu ngựa" và "tùy tiện" của người Việt. Nền giáo dục "Chỉ hươu bảo ngựa" đã đóng đinh vào vô thức của người Việt từ hàng ngàn năm nay và hình thành nên đặc tính văn hóa "hươu ngựa". Căn bệnh "di truyền xã hội" này đang truyền cái tư duy "hươu ngựa" vô bộ não của người Việt: Vì thấy đều có 4 chân và hình thù tương tự nhau nên gọi luôn là con ngựa cho (tùy) tiện, dù sự thực là nếu chịu khó tìm hiểu thêm chút thì sẽ phát hiện ra đó là con hươu! Vì là một đặc tính văn hóa nên các hiện tượng như vầy đã và đang xảy ra mọi nơi mọi lúc. Nếu có ai nói rằng đặc tính này không đúng với tôi thì có thể xảy ra 2 trường hợp:
1) Quý vị đã ngộ nhận (đang có bệnh "hươu ngựa" mà cứ tưởng là mình không bị bệnh).
2) Quý vị là trường hợp ngoại lệ (không bị mắc bệnh "hươu ngựa" như phần đông những người Việt khác).
23/02/201703:02:01
Khách
Tuy đang sống và đã vào quốc tịch Mỹ, nhưng nhiều người Việt (kể cả người trẻ giỏi tiếng Mỹ và xướng ngôn viên đài truyền thanh và truyền hình) vẫn phát âm rất nhiều địa danh Mỹ theo kiểu Việt-Nam hay kiểu Pháp!
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,309,959
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.