Hôm nay,  

Quà Xuân

26/02/201600:00:00(Xem: 10345)

Tác giả: Huyền Thoại Thịnh Hương
Bài số 3762-17-30262vb6022616

Tác giả là cư dân miền Bắc California, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006 với bút hiệu Huyền Thoại. Một số bài viết khác của cô được ký tên Thịnh Hương. Hai bút hiệu hợp nhất, thành một tác giả Viết Về Nước Mỹ thân quen với báo xuân Việt Báo. Bài sau đây trích từ báo xuân Việt Báo Tết Bính Thân 2016.

blank
Bản vẽ của cố họa sĩ Đinh Cường dành cho “Quà Xuân” trong Việt Báo Tết.

* * *

Sáng thứ bảy nhưng Hạnh vẫn dậy sớm như những ngày đi làm. Nàng không có thói quen ngủ nướng, một nếp gấp thành hình từ thuở còn bên quê nhà. Mỗi sáng, đúng năm giờ khi chuông nhà thờ rộn rã ngân vang, mẹ nàng đánh thức mọi người dậy đi lễ. Mẹ muốn cả nhà cầu bình an cho bố đang miệt mài trên những trận địa xa xăm.

Tung chăn ra khỏi giường, Hạnh bắt đầu công việc đầu tiên trong ngày, pha cà phê, như một nghi lễ không thể bỏ. Hạnh mới dọn đến đây chưa được một năm. Nàng rất hài lòng mua được căn condo có hai ban công, một nhìn ra biển, một nhìn xuống courtyard. Bốn dãy nhà ba tầng được xây cất theo kiến trúc Địa Trung Hải. Hạnh rất thích địa thế khu chung cư và phải chờ một thời gian khá lâu để làm chủ một căn ở đây.

Cầm ly café Hạnh ra ban công nhìn xuống courtyard. Giờ này, bên kia sân, phía tay trái của Hạnh, cũng có một khung cửa sổ sáng đèn.

Ông Đạt, chủ nhà, cũng có thói quen dậy sớm như Hạnh. Ông có một dáng dấp phong lưu, đi đứng khoan thai, ăn nói từ tốn. Thỉnh thoảng Hạnh gặp ông ngoài bãi biển và trao đổi vài câu chuyện vu vơ.

Chuông điện thoại reo vang. Hạnh vội vào trả lời. Tiếng Thái, cô em nàng bên Florida:

- Hạnh ơi, "mợ" đang làm gì đó?

Chị em Hạnh thường xưng hô mợ mợ tôi tôi với nhau. Vừa có vẻ đú đởn bạn bè, vừa gần gũi thân tình.

- Mới bảy giờ sáng- Hạnh trả lời- bảnh mắt ra mợ gọi tôi làm gì vậy?

- Bên đây là mười giờ của người ta rồi. Gọi để báo cho mợ hay năm nay tôi và Kevin sẽ về thăm bố mẹ từ hôm 28 tết. Mợ đã nghĩ ra món quà gì để biếu ông bà "via" chưa?

- Tôi nghĩ mãi mà chưa ra. Khó thiệt. Hay là bọn mình "triều cống" bì thư để các ngài tùy nghi xử dụng? Nhất cử lưỡng tiện, mợ nghĩ sao?

- Cũng được.

Quen thói bông lơn chọc ghẹo, Thái cười to:

- Chia ra làm hai, cân đong cho đều kẻo lại kiện cáo.

Hạnh phì cười:

- Con khỉ. Mợ lúc nào cũng bỡn cợt.

Hạnh cho Thái hay năm nay nàng sẽ không về nhà cha mẹ để cùng làm bánh chưng với gia đình, một tục lệ hàng năm, vì nàng phải tham dự bữa tiệc tất niên do nhân viên Á Châu trong sở tổ chức. Tuy nhiên, Hạnh sẽ về Little Saigon ăn tân niên.

Gia đình Hạnh sang Mỹ từ những ngày cuối cùng của Sàigòn. Lúc đó bố Hạnh - một công chức cao cấp - mang theo vợ và năm người con theo sự dàn xếp của các cố vấn Mỹ. Di cư từ Bắc vô Nam, rồi từ Nam sang Mỹ, ông Quang, bố Hạnh, đã phải chấp nhận nhiều thay đổi lớn lao, nhưng có một điều ông không thích thay đổi, đó là chuyện ông cứ muốn con cái gọi ông và vợ bằng danh xưng "thầy mẹ". Dạo còn bên quê nhà Hạnh cho danh xưng đó quá "lỗi thời", không hạp với những tiếng "ba mẹ" hay "papa ma măng" thường nghe qua cửa miệng bạn bè cô. Nhưng vì ông cương quyết nên chị em Hạnh phải răm rắp tuân theo. Khi đã ổn định trên quê hương mới, và tôn trọng sự riêng tư của cha mẹ nên mấy chị em Hạnh hùn nhau mua biếu ông bà một căn nhà tương đối rộng rãi tại thành phố Irvine, California. Căn nhà đủ chỗ cho con cháu về tụ tập trong những ngày giỗ, tết hay tiệc tùng này nọ. Thái và Kevin sống ở Florida. Hương, Kỳ, Thi đều ở gần cha mẹ, chỉ cách một giờ lái xe. Hạnh làm việc tại San Francisco với chức giám đốc một chi nhánh ngân hàng.

Mười năm trước Hạnh yêu và kết hôn với Thuận, một sĩ quan không quân Hoa Kỳ. Ông Quang không mấy thích cái mác lính tráng của Thuận vì ông đã quá chán ngán chiến tranh và đời lính. Nhưng ông mừng là Hạnh lấy chồng người Việt, trong khi Thái làm ông bực bội một thời gian dài lúc cô quyết định lập gia đình với Kevin, một người Mỹ. Đám cưới Thái ông không tham dự lấy cớ ốm đau làm cả gia đình buồn phiền. Ai ngờ sau này Kevin lại là người ông thương và quí mến nhất trong những người rể và dâu. Vì anh con rể Mỹ chịu học tiếng Việt, chịu học đánh mạt chược để đấu với ông.

Chẳng may cho Hạnh, hai năm sau, Thuận đã tử nạn trong một lần không tập. Nàng chao đảo một thời gian dài sau cái chết của chồng. Nhưng rồi công việc và những chuyến công tác thường xuyên làm Hạnh nguôi ngoai dần. Hạnh đã gặp gỡ nhiều người đàn ông có địa vị tương xứng. Nhưng theo nàng, những người đó có lối suy nghĩ và cuộc sống quá thực tế và vật chất, không thích hợp với tâm hồn nhạy cảm của nàng. Họ tìm đến nàng vì nàng là sự an tâm trong những bài toán kinh tế. Sau mấy cuộc hẹn hò tẻ nhạt, Hạnh chỉ muốn thu hẹp cuộc sống cho riêng mình, tuy vẫn mong chờ một tâm hồn đồng cảm. Nàng không đánh giá người đàn ông trên những thành công vật chất.

Đầu bên kia, như chợt nhớ, Thái hỏi Hạnh:

- À, người tình không chân dung của mợ lúc này tới đâu rồi?

- "Vẫn không chân dung". Hạnh cười nhỏ. "Nhưng tình hết biết. Mai mốt gặp nhau tôi sẽ báo cáo đầy đủ".

- Công nhận mợ lãng mạn không ai bằng. Đú đởn với một anh không mặt mũi mà tình thì tôi không hiểu tình cách chi?

Họ vừa nói đến một người đàn ông Hạnh quen trên internet mấy tháng nay.

Người đó là Nguyên Thủy.

Hạnh mĩm cười nghĩ đến những gì đang diễn ra giữa nàng và người đàn ông tài hoa. Một hôm Chúa Nhật không bận rộn, bạn bè không kêu réo, Hạnh lên internet dạo chơi trong mấy websites xem có gì lạ. Trong lúc đảo lượn, nàng tình cờ "chạm trán" Nguyên Thủy và làm quen. Từ việc làm quen Hạnh tìm tòi thêm về ông, và rất thích thú với lối viết sâu sắc của ông trong nhiều đề mục Hạnh quan tâm. Truyện ông viết rất lạ, rất phóng khoáng. Ông có lối viết mới, gọn gàng, đưa người đọc đến những tình tiết biến chuyển linh động tài tình. Hạnh thích lối viết không thừa chữ nhưng thừa sức truyền đạt của ông. Nguyên Thuỷ cũng là một nhà bình luận có tầm nhìn sâu sắc và lập luận vững vàng. Hạnh biết danh Nguyên Thủy vì ông đã nổi tiếng từ lâu. Nhưng chưa bao giờ gặp mặt. Đơn giản là nàng không quen ai trong thế giới thơ văn.

Khi biết Nguyên Thủy vừa xuất bản cuốn tiểu thuyết mới, Hạnh liền đặt mua. Nhận được sách, Hạnh đọc xong chỉ trong một cuối tuần. Rồi Hạnh email cho ông.

- Thưa ông, tôi là một "fan" rất hâm mộ cuốn Người Vợ ông vừa ra mắt. Kết cuộc buồn quá. Ông đã "giết" người chồng thay vì cho anh ta được sống phần cuối đời với mối tình vừa tìm lại. Đọc xong tôi buồn suốt ngày. Ông thích thê thảm hóa cuộc đời?

Nguyên Thủy trả lời:

- Cảm ơn cô đọc sách và cho tôi lời bình luận. Rất tiếc truyện làm cô buồn. Về kết cuộc của "Người Vợ", tôi thích tạo những cái bất thường, nhưng không phi thường. Nếu người chồng sống, thì chuyện quá bình thường, không có gì cho độc giả phải suy nghĩ. Cô sẽ không buồn suốt ngày và sẽ không có thư cho tôi. Mong cô cho phép tôi được tiếp tục trao đổi quan niệm với cô trong những ngày sắp tới.

- Tôi nhận xét là những người đẹp trong truyện của ông thường là những người phụ nữ có làn da trắng và đôi chân dài.

Hồi âm:

- Thưa cô, chưa ai nói cho tôi biết tôi bị "cầm tù" bởi những người? đàn bà như thế. Không ai thay đổi cảm quan của mình nhanh chóng, nhưng tôi hứa sẽ không lộ liễu những chi tiết này trong những tác phẩm sắp tới.

- Tôi không dám mong ông thay đổi cảm quan hoặc lối viết, vì đó là đặc tính rất quyến rũ của ông. Nhưng theo tôi, người đàn bà đẹp ngày nay ngoài đôi chân dài, nàng nên có một làn da rám nắng khỏe mạnh.

- Có lẽ tôi chưa gột bỏ được con người cũ kỹ của mình. Có quá khả ố không nếu tôi muốn được biết thêm về cô, một độc giả đã thực sự đọc tôi như lời cô nói?

Hạnh "mở đường":

- Tôi có một điều kiện. Khi ông tiết lộ một chi tiết cá nhân ông, tôi sẽ đáp lại một chi tiết tương tự.


- Xin khai lý lịch: Năm nay tôi 62 tuổi. Đã có vợ và hai con, một trai một gái. Nhưng bây giờ một mình.

- Đọc văn của ông, tôi nghĩ ông trẻ hơn.      

- Cám ơn cô, Xin cô "match" câu trả lời. Trò chơi của cô đang bắt đầu hấp dẫn, thưa cô.

- Tôi kém ông mười hai tuổi. Góa phụ. Sanh ở Sàigòn nhưng quê Hà Nam. Không phải Hà Đông.

- May quá! Tôi đang vẽ tranh Tố Nữ. Mong cô giúp tôi vẽ xong phần còn lại. Tôi vẽ nàng như một tiểu thư đài các, đôi mắt thoáng buồn mùa thu. Tố nữ đẹp như tiên, dù tôi chưa thấy tiên bao giờ.

Hạnh biết Nguyên Thủy đang tán, một sự tán tỉnh kín đáo khôn ngoan.

- Tôi cũng chưa thấy tiên bao giờ.

Sau đó, Hạnh không email cho ông một tuần lễ vì bận đi công tác xa. Hôm về nhà, nàng gửi ông một email, nhưng dùng sai font. Nguyên Thủy hồi âm:

- Cả một tuần lễ mong thư cô, lúc nhận thư thì cô lại viết tiếng Nga. Làm ơn viết lại thư khác. Tôi rất thích đọc thư cô, thưa cô Hạnh Phúc.

Hạnh thích thú được ve vãn.

- Ông thưa gửi làm tôi cảm thấy già.

- Cô" là danh xưng một người anh gọi em gái của mình. Tôi có được cái vinh hạnh "nhận vơ" một người em là cô hay không?

- Hạnh rất vui có người anh nổi tiếng như ông. Trong thư "tiếng Nga" Hạnh hỏi ông đã vẽ xong tranh tố nữ chưa?

- Tôi, à không, anh vừa vẽ xong. Tố nữ đẹp lắm. Khôn ngoan bảo anh cứ để nàng trong tranh, nhưng lòng tham lại bảo anh mời nàng ra khỏi tranh vẽ. Tham lam là "passion" bản chất con người trong lúc khôn ngoan chỉ là thái độ dè dặt, learned behavior, học được từ kinh nghiệm.

Hạnh thú vị với cái trò chơi internet giữa nàng và Nguyên Thủy. Không nhìn thấy nhau, không biết nhau là ai, người ta trở nên bạo dạn và buông thả hơn trong lúc diễn đạt tư tưởng. Nguyên Thủy khéo léo đi từ "tôi và cô" đến "anh và em" một cách trôi chảy. Cứ như vậy những giòng email con thoi đã đem Hạnh lại gần Nguyên Thủy hơn. Ông bảo từ ngày "quen" Hạnh, ông thấy như mình đi ngược thời gian mười năm. Ông tâm sự:

- Anh đang được hưởng những giờ phút rất thơ mộng tưởng không bao giờ còn tìm lại được. Anh mong và thèm thư Hạnh như người ghiền nhớ thuốc. Anh đang tán em nhưng lại lọng cọng như một anh giáo làng. Anh yêu tâm hồn nhạy cảm mong manh của em. Em đã cho anh thấy những rung động thầm kín của một thiếu phụ học thức.

Cứ như vậy, Nguyên Thuỷ dùng sợi dây chữ nghĩa cột cổ tay kéo nàng lại gần ông từng ngày.

Một hôm, Hạnh lên online tìm mua một cuốn sách tiếng Pháp nhưng không một website nào có sẵn. Buổi tối, Hạnh email cho Nguyên Thủy về cốt truyện, và khoe là nàng đang kiếm mua nguyên bản.

Ông trả lời:

- Anh cũng chưa đọc, nhưng quen một người bên Pháp. Để anh nhờ mua rồi mình cùng đọc.

*

Chiều cuối năm, Hạnh ra biển đi dạo. Nàng mặc quần jean đen, áo sweater mầu rượu chát. Mái tóc bồng bềnh phủ trên bờ vai thon gọn. Nhiều cặp mắt nhìn theo, nhiều cái đầu quay lại lúc nàng đi qua. Hạnh biết mình đẹp.

Mặt trời đang đắm mình xuống biển xanh từ chân trời ngũ sắc phía xa. Hạnh yêu vô cùng những khoảnh khắc ngắn ngủi của hoàng hôn lúc mặt trời vụt biến vào lòng biển, để lại một màn trời tím thẫm ửng đỏ. Theo Hạnh, đó là một bức tranh tuyệt vời của tạo hóa, giữa ngày và đêm, giữa sáng và tối, giữa mênh mông và sâu thẳm.

Đi ngang một hàng dừa Hạnh thấy ông Đạt ngồi đọc sách trên chiếc ghế đá. Nhìn thấy nàng, ông mỉm cười, gật đầu chào. Hạnh cười đáp lễ. Thấy cuốn sách ông vừa đặt xuống ghế, nàng đứng lại và nhìn ông bối rối. Đạt lên tiếng:

- Chào Meggie. Lâu quá không có dịp nói chuyện với cô. Cô vẫn khỏe?

- Cám ơn ông. Tôi vẫn thường. Sắp tết rồi, năm nay ông ăn tết ở đâu?

Đạt ngồi xích qua một bên nhường chỗ cho nàng. Mắt ông thoáng buồn, giọng ông ẩm ướt:

- Tôi sẽ ở nhà, chờ các con về thăm. Họ cũng vẫn phải đi làm bình thường. Còn cô?

- Tôi sẽ về Little Saigon ăn tết với thầy mẹ tôi.

Đạt nhìn Hạnh, vẻ ngạc nhiên thích thú:

- Cô vẫn gọi ông bà thân sinh bằng thầy mẹ? Tôi thích hai tiếng đó lắm. Nghe rất "Bắc", rất Hà Nội.

Thấy nàng liếc nhìn cuốn sách trên ghế, ông bảo:             

- Tôi đang đọc cuốn tiểu thuyết của một nhà văn Pháp.

Hạnh bào chữa cho thái độ lộ liễu của mình:

- Tôi thấy hình bìa trình bầy khá lạ. Lâu quá tôi không đọc tiếng Pháp, không biết có còn nhớ gì không.

Đạt sốt sắng:

- Tôi có thể cho cô mượn. Tôi mua một cuốn cho người bạn, một cuốn cho tôi.

Tim Hạnh đập mạnh. Nàng cố giữ vẻ bình thản. Nàng tin chắc mình đã có chân dung của người đàn ông "không chân dung".

Cố giấu niềm vui, Hạnh nhìn Đạt qua ánh mắt ấm áp.

- Vâng, khi nào ông đọc xong vui lòng cho tôi mượn. Bây giờ xin phép ông cho tôi tạm từ giã. Hy vọng được gặp ông vào ngày đầu xuân để chúc tuổi và nhận tiền lì xì.

Hai người cùng cười, tiếng cười dòn tan.

Hạnh bước những bước chân chim về nhà, náo nức với một ý tưởng vừa đến trong đầu.

Tối đó, Nguyên Thủy email cho nàng:

- Sách đã về. Anh làm quà tết cho em. Tố Nữ cho địa chỉ để anh gửi tặng.

- Tố nữ sẽ đến nhận quà, anh không cần gửi.

- Hy vọng em không cho anh tranh vẽ.

- Em không phải họa sĩ nên không biết vẽ. Chỉ sợ Tố nữ sẽ làm anh thất vọng.

- Dù Tố Nữ có xấu như ma lem thì anh cũng đã bị nàng chinh phục từ lâu. Em thừa biết vì sao.

- Vậy Tố Nữ sẽ ra khỏi tranh để đón giao thừa với anh.

- Hạnh, em nói thật, hay anh mơ?

- Anh không mơ. Nhưng mơ cũng là một phần đời thật, phải không anh?

- Cứ cho là anh đang sống trong thế giới Bồ Tùng Linh. Nhưng Tố Nữ hóa thân thế nào?

Hạnh bảo Nguyên Thủy cho nàng số điện thoại cell rồi căn dặn:

- Em sẽ gọi anh khi em sẵn sàng.

- Em làm anh hồi hộp vô cùng. Từ đây tới giờ hẹn, bao nhiêu giây là bấy nhiêu lần anh van vái cho mộng thành thật.

*

Trong lúc chờ đợi, Nguyên Thủy như sống lại bốn mươi năm về trước. Ông dọn dẹp nhà cửa cho tươm tất, ông mua hoa về chưng. Ông chẳng viết được gì, vì đầu óc ông không còn chỗ trống cho chữ nghĩa.

Đêm ba mươi tết rồi cũng tới sau bao nhiêu khắc khoải mong chờ. Tim ông nhảy lỗi nhịp khi chiếc cell phone ông luôn mang trong người réo rắt điệu nhạc vui tươi. Một con số lạ hiện trên màn hình. Hồi hộp, ông lên tiếng, rất nhẹ nhàng:

- Nguyên Thủy.

Giọng Bắc thánh thót bên tai ông:

- Tố Nữ đang chờ anh.

Nguyên Thủy run giọng:

- Em ở đâu?

Hạnh thì thầm:

- Em đang ở gần anh. Rất gần. Anh xuống courtyard đón em. Em sẽ chờ anh bên hồ Vệ Nữ. Nhớ giữ cell phone để "nhận lệnh".

Không chậm trễ, chỉ vài phút ông đã xuống đến sân, cell phone bên tai như lời dặn. Mấy ngọn đèn đêm soi rõ hồ nước. Ông đảo mắt kiếm tìm. Hoàn toàn im lặng. Ông bước đến bên hồ Vệ Nữ như kẻ mộng du. Tiếng Hạnh êm ái:

- Anh nhìn ra hướng biển và quay lại khi em gọi.

Nguyên Thủy ngoan ngoãn nghe lời.

Ngoài kia, biển mù đen, thấp thoáng ánh đèn nhấp nháy của những con thuyền bồng bềnh xa xa. Ông lắng nghe và chờ đợi những bước chân. Mùi hương ngọc lan phảng phất đâu đây. Ông nhớ có lần Hạnh bảo nàng rất yêu loài hoa mộc mạc đó.

Tiếng Hạnh thỏ thẻ trong phone:

- Anh đang nghĩ gì?

- Anh nghĩ em lạ thường và thi vị.

- Tắt phone và quay lại với em.

Nguyên Thủy vội vã quay mình. Dưới anh đèn đêm mờ ảo, một dáng người mảnh mai trong chiếc váy dài mầu nhạt từ từ tiến lại phía ông. Ông bước nhanh về phía nàng.

Mùi hoa ngọc lan từ nàng bay đến quấn vào người ông như những giải lụa vô hình. Nàng dừng lại cách ông chừng bốn bước, đủ để cho ông nhìn rõ mặt nàng. Ông kêu lên nho nhỏ:

- Meggie?

- Tố nữ. Đừng gọi em là Meggie.

Hạnh lao đến vòng tay ông mở rộng.

Nguyên Thủy ôm chặt nàng trong tay, thì thào trong nhịp tim rộn ràng:

- Tạ ơn em, món quà quí báu nhất trên đời.

Hạnh ngước nhìn ông, đôi mắt lấp lánh niềm vui. Ông đặt lên môi nàng nụ hôn trân trọng. Mùa xuân vừa đến.

Trong lòng người.

Và không gian bao la.

Huyền Thoại Thịnh Hương

Ý kiến bạn đọc
07/07/201703:29:41
Khách
truyện hay, cảm ơn nữ tác giả
03/03/201623:32:30
Khách
"Nhiều cặp mắt nhìn theo, nhiều cái đầu quay lại lúc nàng đi qua. Hạnh biết mình đẹp". Đẹp lão thì có. Chàng 62, nàng 50 mà câu truyện viết cứ như là hai người còn ở tuổi teen vậy.
27/02/201600:08:18
Khách
Tạ ơn tác giả , một chuyện tình đầy thơ mộng vẫn còn hiện diện trong thời đại Internet cùng cellphone
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,312,163
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo