Hôm nay,  

Chuyện Đầu Năm Của Tôi

16/01/201600:00:00(Xem: 9922)
Tác giả: Nguyễn Thị Thêm
Bài số 3725-17-30225vb7011616

Tác giả đã nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2015. Bà sinh năm 1948 tại Biên Hòa, cựu học sinh Ngô Quyền. Trước 1975: Dạy học. Qua Mỹ năm 1991 theo diện HO. Bà kể, “Chồng tôi là lính VNCH. Hai con tôi nay là lính Hoa Kỳ. Tôi hết làm vợ lính lại làm mẹ lính.“ Người chồng sau nhiều năm tù ngục hiện bị suy nhược thần kinh. Ông bà là cư dân Nam Cali. Người con lớn là y sĩ quân y đóng quân bên Nhật. Gia đình người con thứ đang sống với đơn vị ở Virginia. Sau đây là bài viết mới nhất.

* * *

Con gái tôi đi làm về phờ phạc, mệt nhọc. Mấy ngày nay bệnh viện nhiều ca cấp cứu, nhiều trường hợp nhập viện nghiêm trọng. Ngày nào cũng có mấy ca trụy tim và bị tai biến mạch máu não. Phòng cấp cứu đông đúc với những ca tai nạn xe cộ vì uống rượu hay đụng xe vì vượt đèn đỏ.

Nhìn gương mặt đầy mệt mỏi của con, tôi thương quá! Mỗi con người đều phải đối diện với cuộc sống và chịu áp lực trong công việc của mình. Con tôi cũng vậy và đó là đời sống.

Ngày 31 tháng 12 là New Year Eve, nhưng nhà tôi không làm gì cả. Em tôi tổ chức mừng năm mới và mời cả gia đình đi dự. Tôi nướng một con gà tây theo yêu cầu của khách. Buổi sáng khi ông chồng còn yên giấc, tôi dậy sớm loay hoay với con gà, thỉnh thoảng bỏ dở dang chạy lên ngó chừng. Chàng của tôi còn đang kéo đàn trong giấc ngủ. Tôi yên chí chạy xuống tiếp tục công việc dở dang.

Tôi đã hoàn tất xong phần con gà và bỏ vào oven. Vặn lò lên 400 độ, tôi lột bỏ bao tay chạy vội lên phòng.

Vừa mở cửa bước vào tôi tá hỏa. Ông chồng của tôi đang nằm nửa trên nửa dưới ở giường. Có lẽ anh cố gắng ngồi dậy nhưng không thể, nên hai chân quỵ ở dưới đất, nửa người trên gục xuống thành nệm. Tôi vội vàng chạy tới, xoay người anh và cố gắng đỡ dậy. Nhưng dù vận dụng sức thế nào cũng không có thế kéo anh đứng lên. Tôi bảo:

"Ông nằm yên, đừng nhúc nhích, tui chạy đi kêu con phụ.''

Tôi mở cửa chạy ra gõ cửa phòng con rễ nhờ giúp. Thằng rễ đêm qua làm ca đêm, 1 giờ sáng mới về nhà nên giờ này là giờ ngủ của nó. Nó ngồi bật dậy, người ngái ngủ chạy vội qua phòng. Hai mẹ con kè hai bên kéo chồng của tôi đứng lên. Một mùi khai bay lên nồng nặc, thì ra chàng đã tè ướt cả phần quần và một phần tấm thảm.

Tôi xoa lưng và dìu chàng vào phòng tắm. Lau người chồng cho sạch sẽ rồi thay tả, thay quần. Khi xoa hai chân chồng để thay tả, nhìn gương mặt đờ đẫn của chồng mà thương quá. Có lẽ khi gượng ngồi dậy và quỵ xuống chắc anh ấy sợ hãi lắm. Nhìn xung quanh không có ai, không có tôi bên cạnh để dìu đứng lên hẵn chồng tôi buồn lắm. Cảm giác vô vọng thật khủng khiếp và tội nghiệp. Sự cô đơn và tủi thân sẽ đến trong tư tưởng của anh ấy. Tôi chỉ trễ một thời gian thật ngắn mà chồng tôi đã như thế này. Nếu một mai tôi bị như anh bây giờ và con tôi không có ở nhà chắc tôi sẽ tủi thân và tuyệt vọng.

Một ngày bận bịu, vừa lo cho chồng, vừa lo cho thức ăn buổi tiệc, tôi thật mệt. Nhìn ông chồng yếu đuối, chỉ thích nằm trùm mền trốn lạnh tôi thương quá. Anh có đi dự tiệc cũng chỉ ngồi một chỗ, nhìn mọi người ăn uống nói cười thật tội. Ngồi lâu đau lưng, đi đứng thì không vững, nói không ai nghe, ăn uống cũng không tự mình ăn được. Hoàn cảnh của chồng như vậy, thôi thì tôi đành ở nhà. Như thế anh có được sự thoải mái trong tiện nghi của mình. Tôi gọi đứa cháu và dặn ghé nhà đem thức ăn đi dùm.

Để tự thưởng công cho mình, tôi cũng nướng kèm thêm một con gà thường để ăn trong nhà. Gà đem ra nóng hổi, thịt thật mềm, ướp gia vị vừa miệng. Tôi dìu chồng xuống bàn ăn, xé thịt và phục vụ tận tình. Chàng ăn ngon miệng là tôi vui.

Buổi tối căn nhà thật vắng, hai vợ chồng trong phòng trong chiều cuối năm. Chả có gì để mừng khi chàng vẫn nằm dài trêng giường rên hừ hừ, ho, sặc từng hồi và lim dim ngủ. Tôi mở TV và theo dõi chương trình "Mừng Năm Mới".

Con gái và cháu tôi tan tiệc về tới nhà thì chương trình coundown đã bắt đầu. Phút giao thừa, khắp nơi mừng năm 2016 thật tuyệt vời. Pháo bông bắn lên không trung như kích thích cả thế gian bừng lên một sức sống mới. -Mùa Xuân đã về. -

Khi đồng hồ trên tòa tháp NewYork đếm ngược đến số 0 cả không gian bừng lên những chuỗi pháo bông tỏa lên thật đẹp. Cháu tôi chạy lên lầu, mở cửa, ló đầu vào phòng tôi la lên " Happy New Year Bà Ngoại". Cháu đứng ngần ngừ một chút rồi lui ra sau khi nghe tui đáp lại "Happy NewYear các con". Có lẽ chúng muốn chạy vào ôm hôn bà nhưng tôi nằm dài trên giường quên bẵng đi điều đó.

Nhìn những cặp trai gái ôm hôn nhau thắm thiết, tôi lại nhớ quá hai thằng con trai. Giờ này chúng đang làm gì?

Giờ này thằng Út tôi bên Virginia đã 3 giờ sáng, thôi hãy để nó ngủ thẳng giấc.

Tôi Face Time cho thằng lớn. Thì ra bây giờ đã 4 giờ chiều mồng một Tết của nước Nhật. Gia đình con trai đang ở Tokyo. Chúng đi chùa lễ Phật đầu năm, nhận mũi tên may mắn theo phong tục của Nhật. Chúng cũng đã cùng các người Nhật đứng đợi dưới cung điện hoàng gia và được nhìn gia đình Nhật hoàng ra chúc Tết đồng bào. Mọi người tay cầm cờ Nhật và vẫy lia lịa reo hò khi thấy bóng Nhật hoàng xuất hiện. Sau buổi lễ, hai vợ chồng cho con đi thăm viện bảo tàng ở Tokyo.

Lúc tôi gọi Face Time, hai vợ chồng con tôi đang đi mua sắm. Hôm nay là ngày các siêu thị có tặng quà đầu năm may mắn cho khách hàng. Không khí nơi đó thật náo nhiệt. Một người vừa nói không ngưng nghỉ bằng tiếng Nhật, vừa bỏ quà vào túi cho khách hàng. Thằng con giơ cho mẹ xem phần quà gia đình nó nhận được. Chẳng có gì to tát nhưng đó là niềm hạnh phúc khi một người lính Mỹ hòa chung niềm vui với người bản xứ trong ngày đầu năm của họ.

Nói vài lời chúc Tết con và nhận từ cháu những cái hôn gió yêu thương, tôi tắt máy đi ngủ.

Nhưng cả đêm tôi thao thức không thể nào dỗ giấc. Người bần thần mệt mỏi.Gần sáng ông chồng kêu dậy dẫn đi restroom, tôi đeo kiếng lên, nhìn đồng hồ. Quái lạ, sao hôm nay mắt tôi lại thế này. Những cây kim chỉ rõ ràng thế mà sao tôi vẫn thấy nó mờ mờ thế nào. Những con số hiện lên không rõ ràng như mọi ngày.

Đem chồng đi vệ sinh xong, tôi bật Ipad lên coi để kiểm tra mắt mình. Cũng mờ mờ, hình ảnh không như hôm qua. Tôi tắt máy trong bụng thầm nghĩ:

- Thôi hãy cố ngủ. Có lẽ thức đêm quá nhiều mắt có vấn đề rồi. Phải ngủ, nhất định phải ngủ cho lại sức.

Thế nhưng đôi mắt không nhìn rõ lại ám ảnh tôi làm tôi không thể nào yên tâm. Tôi ngồi dậy lấy thuốc nhỏ mắt rồi nằm xuống đầu óc nghĩ mông lung và lịm dần trong giấc ngủ

Buổi sáng tôi dậy sớm lo điểm tâm cho chồng. Vừa xong lên phòng chuẩn bị đem anh đi vệ sinh buổi sáng. Thằng con bên Virginia gọi Face Time Chúc Mừng Năm Mới 2016.

Hai vợ chồng thằng Út bồng con reo lên "Happy New Year Bà Nội". Con bé nay đã 2 tháng rưỡi, bí bô nói thật dễ thương. Lạ kỳ hôm nay mặt con tôi cũng không rõ mà mặt cháu cũng là lạ. Tôi lột kiếng ra, đưa tay dụi mắt, rồi nhỏ thuốc. Tuy không nói ra với con nhưng lòng tôi lo lắng vô cùng.


Mắt tôi rất khô, Bác Sĩ bảo phải nhỏ Restasis mỗi ngày kèm thêm nước mắt giả. Thế mà tôi khi nhớ khi không nên mới ra nông nỗi. Một lần khi nói về đôi mắt một người bạn đã đùa hù tôi:

- Bà coi chừng mắt bà có ngày hết thấy đường luôn đó.

Không lẽ cái ngày đó đã sắp đến? Nếu có một ngày tôi không nhìn thấy gì, không thể viết được cái gì? thì tôi phải làm sao để đối diện với bóng đêm. Tôi nhắm mắt lại, bóng đêm như thế này này và những gì xinh đẹp trên đời sẽ chỉ là trong ký ức.

Tôi lại chợt nghĩ mình thật đa nghi, bây giờ thời đại tân tiến mọi sự đều được giải quyết tốt đẹp với bàn tay Bác Sĩ. Nhưng lại chữ nhưng chiếm cứ tâm trí tôi. Nhưng thế nhỡ hết phương cứu chữa. mình có thể viết gì trên máy vi tính được không? Hiện nay đã có máy vi tính dùng cho người mù. Người khiếm thị không đọc Email mà được máy đọc để mình trả lời. Sau đó mình sẽ nói và máy sẽ hiện ra chữ. À! cái này mình đã làm rồi trên Ipad, nhưng máy cũng không viết thật đúng như mình nói mà phải xem lại chỉnh những chữ sai.

Tôi lại nhớ đến câu chuyện của cô em dâu hôm dự Christmas nhà đứa cháu. Cô ta nhận Email của một người bạn chúc mừng. Với hai tay hơi bận, cô ta đọc thư trên Ipad:

- Cám ơn em. Rất vui khi được đón em tới nhà chị ăn Christmas. Cô ta nói xong và bấm sent

Buổi chiều cô ta coi lại mail và hết sức bất ngờ đọc lại thư mình gửi đi:

- Cám ơn em rất vui được đón em tới nhà chị ăn cứt bớt.

Thì ra cô ta chọn đánh bằng tiếng Việt. Và chữ tiếng Việt không có chữ Chirstmas và máy đã phiên âm giọng đọc Christmas ra thành cứt bớt. Một từ không có gì thanh lịch. Cô ta phải gọi phone liền để xin lỗi và giải thích.

Câu chuyện vui làm tôi giảm bớt căng thẳng, nhưng nhất định qua lễ tôi phải lấy hẹn đi BS liền mới được. Càng để lâu càng nguy hiểm. Cặp mắt là cửa sổ của tâm hồn. Cặp mắt có vấn đề là chuyện vô cùng trọng đại.

Lo cho chồng ăn sáng trong đôi mắt đeo kiếng nhìn chập choạng khi mờ khi tỏ, tôi chìm trong bao nhiêu ý nghĩ trong đầu. Tôi thật buồn, thật lo về căn bệnh của mình. Đầu năm đã bao nhiêu lo âu xuất hiện. Thật là một việc chẳng tốt lành.

Tự dưng tôi nghĩ đến bà nội tôi. Bà là một người già nhưng ít khi bệnh vặt. Bà sống đến 95 tuổi. Nhưng khoảng 30 năm cuối đời bà sống trong đôi mắt mù lòa không nhìn thấy ánh sáng. Bà chỉ thấy một màng trăng trắng và hình ảnh chỉ là những bóng đen lờ mờ hiện ra. Bà đoán ra người bằng tiếng nói, đi lên nhà trên hay ra phòng vệ sinh bằng sợi dây, ba tôi giăng dài theo con đường để bà vịn lấy để lần theo. Hôm nào bà không tìm được sợi dây là bà kêu to lên để chúng tôi đến đưa tay bà rờ lên sợi dây đó.

Không lẽ đó là di truyền và tôi sẽ mù lòa giống nội. Nhớ về nội và những kỷ niệm một thời về bà tôi lại rưng rưng nước mắt. Tôi đưa tay lên lần dưới kính để chùi nước mắt của mình.

Quái lạ! Sao tay tôi không bị mắt kính giữ lại mà tọt thẳng ra ngoài. Sao thế này? Tôi lột kiếng xuống và....Trời đất ơi! chỉ còn cái gọng, một tròng mắt kiếng bị lọt mất lúc nào. Thì ra là vậy. Mắt tôi vẫn bình thường, chỉ tại một tròng mắt kiếng bên phải rơi mất nên nó nhìn lờ mờ bên rõ, bên không?

Tôi mừng quá. Mừng hơn gì hết và vội vã chạy lên phòng đi tìm tròng mắt thứ hai của mình.

Lục tung gối, mền thì bắt gặp nó nằm im ở một góc giường. Đôi mắt kiếng độc nhất còn lại của tôi. Cặp mắt kiếng này đã bị tôi loại ra từ lâu lắm khi tôi làm kiếng mới. Nhưng cách đây một tháng cái kiếng mới bị gãy gọng đành phải vất đi, tôi lôi nó ra xài tạm. Nó cũng hom hem giống tôi nên mắt rớt khỏi gọng hôm nay.

Loay hoay mãi tôi mới gắn tạm cái tròng vào gọng kiếng và đeo lên. Thì ra mọi việc vẫn trong sáng bình thường. Cuộc đời vẫn đẹp. Ngày đầu năm mới vẫn tràn trề niềm vui.

Tôi bấm máy gọi con trai và Face Time với cháu. Con tôi, tôi nhìn rõ ràng. Gương mặt hạnh phúc của một người cha trẻ. Cô con dâu cười thật tươi và chúc tôi năm mới tốt lành. Con bé con cười toét miệng với bà và líu lo hóng chuyện. Hạnh phúc chợt về đầy tràn và tươi đẹp làm sao.

Đúng vậy, thật hạnh phúc khi mình vẫn bình thường như mọi ngày. Khi sáng ra bước chân xuống giường chân tay không đau nhức. Khi ăn thấy ngon, khi mình vẫn còn giao tiếp với bạn bè một cách vui vẻ. Những việc bình thường, rất bình thường đó bất chợt mình bị mất mới thấy giá trị to lớn của nó. Hãy trân trọng và giữ gìn những bộ phận của cơ thể mình. Hãy giúp nó làm tốt nhiệm vụ, để mình được khỏe mạnh.

Tôi sẽ đi khám mắt và làm lại kiếng. Nhất định ra giêng tôi sẽ hẹn bác sĩ đi khám mắt. Tôi đã có quyền lợi y tế của người già nên đó không là vấn đề lớn. Niềm vui đầu năm mới bừng nở trong tôi và tôi hạnh phúc, yêu cuộc sống vô cùng.

Phải rồi, mỗi người sống ở đất nước này đều rất hạnh phúc mà mình không biết. Trong khi một số người Mỹ chính gốc sống trên đất nước họ phải vào ở trong những nhà dành riêng cho người homeless, hay đứng bên đường với cái bảng "Cần thức ăn", thì người Việt tị nạn mình được sống yên vui trong căn nhà ấm cúng. Con cái mình trên chiếc xe đầy đủ tiện nghi, có công ăn việc làm đàng hoàng.

Một đất nước không coi thường giá trị của bất cứ một người nào. Nếu so sánh với một vài nước khác như Úc, Pháp hay Canada thì tiêu chuẩn y tế không bằng. Nhưng nếu đem so sánh với quê hương ruột thịt của mình thì nước Mỹ quả là thiên đàng trên hạ giới. Một xứ sở không phân biệt có công trạng gì với đất nước. Không đem lên bàn cân xem là địch hay ta. Không đặt đảng phái làm tiêu chuẩn. Tất cả mọi vấn đề chỉ dựa trên luật pháp mà thi hành. Một đất nước an bình tốt đẹp như vậy thì tôi hết sức tri ân và xin chọn nơi này làm quê hương thứ hai.

Tôi yêu mến những buổi sáng thanh bình có ông hàng xóm chạy bộ ngang nhà giơ tay "Good Morning."

Tôi hãnh diện khi những đứa con trai khoác lên mình bộ quân phục Hoa Kỳ. Một môi trường dạy con tôi làm một người trai xứng đáng và đầy nhân bản. Quân đội không phải là giết chóc, tàn sát mà là bảo vệ người dân được sống tự do và bình đẳng.

Tôi sẽ trân trọng những gì mình có được hôm nay. Một người chồng dù đau yếu nhưng lúc nào cũng cận kề yêu thương. Những đứa con dù không giàu có nhưng luôn luôn hiếu thuận vâng lời. Những đứa cháu dễ thương ngoan ngoãn đang ở ngưỡng cửa học đường. Tương lai sau này của chúng chắc chắn sẽ tốt đẹp hơn tôi bây giờ

Ngày đầu năm mới, câu chuyện của tôi chỉ có thế. Một bà già lẩm cẩm bị rớt mất một tròng mắt kiếng mà lo sợ vu vơ. Như người ta hay nói:"Bộ lọt tròng hay sao mà nhìn không thấy".

Hôm nay tôi bị lọt tròng thật đó nên hốt hoảng lo sợ. Người già hay lẩm cẩm như vậy. Nhưng nơi này lại cho người già chúng tôi được yên tâm hưởng thụ hạnh phúc cuối đời. Không lo cơm áo, gạo tiền. Chỉ sống những ngày cuối đời nhàn hạ nhất.

Chúc mừng một ngày đầu năm 2016.

Chúc mừng hạnh phúc đến với muôn nhà.

Nguyễn Thị Thêm

Ý kiến bạn đọc
22/01/201620:14:18
Khách
Không có gì dễ thương và làm rung động lòng người bằng những vui, buồn, âu lo, đau đớn thật của người viết. Cám ơn tác giả
18/01/201617:59:13
Khách
. Câu chuyện của chị thật
hay và cảm động , những hạnh phúc đơn giản mà đôi khi chúng ta đã quên , cám ơn chị rất nhiều. Xin chúc chị và gia đình một năm mới an lành và tràn đầy niềm vui !
17/01/201604:52:57
Khách
Về già, bịnh hoạn mà có 1 người yêu thương, lo lắng cho mình như thế thì hạnh phúc nào bằng. Đọc bài này tự nhiên tôi nhớ đến bài hát "Bà Mẹ Quê". Chúc chị Thêm năm mới thêm nhiều sức khỏe.
16/01/201617:29:30
Khách
Xin chúc gia đình tác gỉa luôn được bình an, hạnh phúc, nhiều sức khỏe và may mắn.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,316,584
Năm nay, tháng Năm ngày 12, sẽ là Ngày Lễ Mẹ. Mời đọc bài viết của Pha Lê. Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ 2018. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79. Đi học lại gần 6 năm mới ra trường với bằng BS engineer năm 85. Hiện là cư dân ở Lafayette, Louisiana, còn vài năm nữa sẽ ... ăn tiền gìa. Bút hiệu Pha Lê, theo chú giải vui của tác giả, không phải là trong veo như Pha Lê, mà là... Pha trò và Lê la! Sau đây là bài viết thứ năm của bà.
Tác giả cùng hai con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ. Mười sáu năm sau, bà là chủ tiệm Nails ở Texas và kết hôn với một người Mỹ. Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải Danh Dự năm thứ mười chín, 2018. Bài viết mới là chuyện ngôi nhà đã mất sau tháng Tư 1975.
Tác giả dự Viết về nước Mỹ từ năm 2000, Tám năm sau, ông nhận giải chung kết Viết Về Nước Mỹ 2009. Tác phẩm đã xuất bản: “Lá Số Vượt Biên”. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới, với lời ghi của tác giả: Thương kính viết tặng để tưởng nhớ Anh Tư - Cố Đại úy Pháo đội trưởng Trương Văn C., Tiểu đoàn 183, Sư đoàn 18 Pháo Binh.
Khôi An định cư ở Bắc California. Cô là một kỹ sư từng làm việc ở hãng Intel hơn hai mươi năm. Sau đó, Khôi An trở lại trường lấy bằng Master về Ngôn Ngữ Học rồi đi dạy tiếng Việt ở các trường đại học vùng Vịnh San Francisco. Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2008, cô đã nhận giải Chung Kết 2013. Sang năm 2015, thêm giải Việt Bút Trùng Quang, dành cho những nỗ lực phát huy văn hóa Việt trên đất Mỹ. Từ 2016, cô là thành viên Ban Tuyển Chọn Giải Thưởng Việt Báo. Bài đăng 2 kỳ. Phần cuối: Chuyện 30 Tháng Tư của sinh viên gốc Việt tại Đại Học Stanford 2015 - 2019.
Khôi An định cư ở Bắc California. Cô là một kỹ sư từng làm việc ở hãng Intel hơn hai mươi năm. Sau đó, Khôi An trở lại trường lấy bằng Master về Ngôn Ngữ Học rồi đi dạy tiếng Việt ở các trường đại học vùng Vịnh San Francisco. Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2008, cô đã nhận giải Chung Kết 2013. Sang năm 2015, thêm giải Việt Bút Trùng Quang, dành cho những nỗ lực phát huy văn hóa Việt trên đất Mỹ. Từ 2016, cô là thành viên Ban Tuyển Chọn Giải Thưởng Việt Báo. Bài đăng 2 kỳ.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. Sau đây thêm một bài viết mới.
Định cư tại Mỹ từ 1994, Phương Hoa vừa làm nail vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University khi đã 62 tuổi và trở thành bà giáo tại Marrysville, thành phố cổ vùng Bắc Calif. Với loạt bài về Vietnam Museum, "Bảo Tàng Cho Những Người Lính Bị Bỏ Quên," tác giả đã nhận giải chung kết 2014. và vẫn tiếp tục gắn bó với Viết Về Nước Mỹ. Sau đây, thêm một bài tác giả mới viết sau đám tang của Ó Đen Lý Tống.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ khi tuổi ngoài bát tuần. Bà tên thật là Nguyễn thị Ngọc Hạnh, cùng gia đình tới Mỹ từ 1979, hiện là cư dân hưu trí tại miền Đông. Bài viết đầu tiên là thư kể về mùa đông băng giá khác thường tại vùng Thủ Đô Hoa Kỳ. Sau đây là bài viết thứ tư.
Tác giả hiện là cư dân Los Angeles, công việc: làm tax accountant. Với bài viết đầu tiên từ tháng Sáu 2017, cô đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Bước sang năm thứ 20 của giải thưởng, tác giả tiếp tục cho thấy sức viết ngày càng mạnh mẽ hơn. Sau đây thêm một bài viết mới.