Hôm nay,  

Bốn Ngọn Đèn Cầy

25/11/201501:00:00(Xem: 17922)

Tác giả: Lệ Hoa Wilson
Bài số 3681-17--30181vb4112515

Bài viết mới của Lệ Hoa Wilson là chuyện của mùa lễ, gồm 2 ngày Cựu Chiến Binh và Lễ Tạ Ơn, cùng trong Tháng 11. Tác giả là một Phật tử, pháp danh Tâm Tinh Cần, nhũ danh Quách Thị Lệ Hoa, đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ 2011, với loạt bài tự sự của một phụ nữ Việt thời chiến, kết hôn với một chàng hải quân Hoa Kỳ. Ông bà có văn phòng Di Trú-Thuế Vụ tại Long Beach.

* * *

blank
Đại úy Lê Đình Tùng, thứ ba từ trái, gác chân lên bao cát, cùng các chiến hữu.

Có người kia may mắn được một vị thần tặng cho bốn ngọn đèn cầy. Ngọn thứ nhứt tượng trưng cho Hạnh Phúc & Tình Yêu, thứ hai Thành Công & Tiền Tài, thứ ba Địa Vị - Danh Vọng và cuối cùng là...

Y đốt lên bốn ngọn đèn và từ đó y hưởng được hết tất cả hạnh phúc từ tình yêu, tiền tài từ công việc và danh vọng từ địa vị.

Một ngày kia có cơn bão thổi tới nơi y trú ngụ, y mở cửa bước ra ngoài xem xét và ngọn gió vô tình đã thổi vù dập tắt các ngọn đèn. Y đóng cửa lại, gục đầu khóc than thảm thiết. Còn gì để sống nữa khi ta mất đi tình yêu, yếu kém tiền tài, xóa tan danh vọng?

Vị thần hiện ra hỏi Y:

“Sao con lại muốn chết?”

Y thất vọng trả lời:

“Con sống nữa để làm gì khi con đã mất đi tất cả!”

Vị thần nhẹ nhàng nói:

“Ta thấy hình như ở trong góc kia có một cái gì đó le lói. Trước khi hủy hoại cuộc sống, Con thử coi lại xem sao“

Y nghe lời và đi đến góc nhà. Ngọn đèn cầy thứ tư bị gió thổi văng xuống sàn nhưng ánh lửa vẫn còn “ngoan cố” khi hấp hối, cố gắng phát ra ánh sáng nhạt nhòa, khi bùng lên khi hạ xuống. Nó nhỏ đến nổi y không nhìn thấy. Đó là đèn cầy của Niềm Tin & Hy Vọng!

Vị thần nói:

“Dù cho con mất tất cả nhưng nếu con còn niềm tin và hy vọng thì con vẫn còn có thể thắp sáng lại những ngọn đèn kia và biết đâu với kinh nghiệm xương máu, với sự mất mát nhức tim, con lại sẽ thắp lên được những ngọn đèn khác rực rở hơn, giá trị hơn!”.

Nói xong vị thần biến mất. Y cúi xuống lượm ngọn đèn và đứng lên.

Tôi ngồi trong góc chánh điện, tai nghe nhưng mắt hơi mơ màng buồn ngủ. Những thuyết giảng của Thầy rất hay. Những thí dụ, những giáo điều, những lời các đấng dẫn dắt linh hồn chỉ dạy rất sâu xa, rất thâm trầm, rất hữu ích để tạo hạnh phúc và sống bình an. Nhưng có mấy ai thực hành được? Hay là khi người giảng cất đi cái microphone, xếp lại cuốn kinh, khi người nghe bước chân ra khỏi cửa thì mây liền bay, gió liền thổi, mọi lý thuyết về tất cả mọi khía cạnh khổ đau và hạnh phúc của cuộc đời bỗng liền theo mây gió bay đi...và ta quên hết. Tôi hy vọng có một ngày nào đó tôi tìm thấy lời giảng trong cuộc sống thế gian..., trong một con người thực chớ không phải trong thí dụ. Tôi cứ nghe giảng hoài về truyền thuyết và như là một người hơi cứng đầu, như là một người không tu hành thuần thành lắm, tôi hơi mệt mõi về lý thuyết...

Và để răn dạy tôi về cái tội cứng đầu, để chứng minh cho tôi thấy là truyền thuyết quả thực đang có ở thế gian, ơn trên đã cho tôi gặp Y.

*

Tôi đứng sau anh ba người, đang chờ cho nhân viên của thư viện Bowers* phát máy nghe và đưa chúng tôi vào phòng triển lãm.

Thuyết trình viên sẽ giảng giải về nghệ thuật điêu khắc trên gỗ của người da đỏ bản xứ, về những bức tranh vẽ màu nước của các họa sĩ thế giới, về hí họa, về trừu tượng, về hiện thực, về những tượng thần giáo nắn nót bởi người Maya, v.v... Sau đó chúng tôi sẽ trở ra hội trường và cùng nhau thực hành. Đó là ngày thứ năm.

Ngày thứ tư chúng tôi tới hội trường nhật báo Người Việt tham dự Lớp Vẽ Cao Niên (dành cho học viên trên sáu mươi tuổi) học vẽ màu nước, màu acrylic, bút màu, bút than, dùng đất sét đỏ nặn bình bông, thú vật, hoa cỏ. Chúng tôi học vẽ trên khăn choàng cổ, trên dù, trên nón lá, trên giấy. Chúng tôi học vẽ biển mặn bao la, sông ngòi đằm thắm, mái lá quê hương, áo dài e thẹn. Chúng tôi học vẽ lá cờ vàng tung bay trên nón người chiến sĩ, bà mẹ già quạnh hiu dưới mái tranh chiều. Thôi thì đủ màu sắc, đủ cảnh vật, đủ đề tài. Giấy bút, mực màu, sơn cọ, tranh ảnh, khăn choàng v.v.. Tất cả đều free.

Chúng tôi dùng tay mặt để vẽ, tay trái chặn cho bức họa nằm yên. Chúng tôi dùng tay mặt cầm cọ, tay trái cầm nón cầm khăn, tay mặt chấm màu, tay trái chậm nước. Chúng tôi để đất sét giữa hai bàn tay, se cho đều, cho thành sợi mảnh mai, rồi tay trái xoay tròn cái trục, tay mặt quấn sợi đất nung đỏ vòng quanh cho đến khi hình dạng cái bình duyên dáng hiện ra.

Và anh cũng học vẽ, học nắn, nhưng chỉ có một tay! Tay trái!!!

Sau giờ vẽ chúng tôi học nhảy line dancing. Bachata: một, hai, ba bốn. Cha Cha Cha: một, hai, ba-bốn, năm. Boogie: một, hai, ba, bốn, năm, sáu... Chân bước đều, tay mặt đưa tới trước, tay trái phẩy sau lưng. Chân mặt đứng yên, chân trái quay 180 độ. Bước thứ sáu, chân trái quay 90 độ thôi!...ái dà, hình học hay đại số đây, cô Diễm? (người dạy chúng tôi nhảy).

blank
Anh Tùng với lớp nhảy line dancing.

Và anh cũng học nhảy. Cánh tay trái vung vẩy, ống tay áo mặt phất phơ!

Một số chúng tôi học chụp hình. Không phải chụp bằng cái iPhone nhỏ xíu hoặc là cái máy nhã nhặn như cái bánh pâte chaud của tiệm Tip Top đâu bạn nha. Mà là cái máy có ống kính dài vô tận. Tay mặt cầm máy, tay trái đỡ dưới cái máy nặng nề cho hình ảnh đừng run mà mờ nhạt.

Không phải đứng thẳng lưng chụp đâu bạn nha. Phải nằm dài dưới đất, hai cùi chỏ ghim xuống nền cỏ ướt đẫm, đôi khi dơ dáy, hai tay cầm chắc ống kính, chỉa vô con cá lia thia đang lội nhởn nhơ trong bụi sen, chờ cho nó quẫy đuôi, vươn mình, đớp mồi.

Không phải thong thả chụp lia chụp lịa đâu bạn nha. Mà phải nửa quì nửa đứng cho đúng tầm với ánh chiều tà đang chiếu rực rỡ phía chân trời. Tụi tôi chống hai tay dưới đất, lưng khom khom, gối dùn dùn, kiên nhẫn chờ đúng lúc, đúng ánh sáng và mỏi rã rời.

Và anh cũng học chụp hình. Với ống kính dài. Với TAY TRÁI!

Anh tên Lê Đình Tùng, sanh năm 1944 tại Hải Phòng. Là một sinh viên sĩ quan Thủ Đức khóa 21, anh Tùng đã cùng quân đội VNCH trải qua rất nhiều cuộc hành quân gian khổ.

Năm 1972 anh được lên chức đại úy và là đại đội trưởng đội trinh sát, Sư đoàn 9 Bộ Binh, đóng quân tại Cai Lậy, Lấp Vò.

Một ngày định mệnh kia, một đồn nghĩa quân gần Cai Lậy bị việt cộng tấn công. Nhận được lời kêu cứu Tùng dẫn theo một đại đội phó và nhóm trinh sát ra đi. Đừng quên Tùng là đại đội trưởng đội trinh sát nha. Anh đã biết trước trên đường đi có mai phục của kẻ địch và anh đã cùng đội trinh sát tấn công chúng. Trận chiến ác liệt diễn ra. Địch quân đại bại và đội của anh tịch thu được một súng cối 60 ly. Thời bấy giờ đó là một chiến lợi phẩm lớn, làm giảm đi rất nhiều sức mạnh tấn công của cộng quân. Tùng đứng giữa chiến trường, đang kiểm soát và ra lịnh cho đại đội phó cùng đội trinh sát lùng sục cẩn thận các vùng phụ cận thì một viên đạn B40 từ trong bụi rậm bắn ra. Một tên đặc công còn sót lại bên kia đường. Viên đạn không nổ, bay vèo qua chỗ anh đứng và rơi ra xa, rất xa.

A ha ha, đạn lép rồi. Anh cười và nhìn xuống đất. Một cánh tay đầy máu đang nằm giữa đất trời, im lặng, an phận, chịu đựng. Anh cúi xuống nhặt cánh tay lên, lòng thương cảm bồi hồi cho người chiến binh dưới quyền mình, cao giọng lo lắng hỏi: “Ê tụi bây, tay thằng nào bị bắn gãy vậy?“Viên đại đội phó nhìn anh, nước mắt rưng rưng...ôi giọt nước mắt hiếm hoi của một chiến sĩ chốn sa trường... Y ngậm ngùi nói: “dạ tay của đại úy đó!”


Tùng giựt mình nhìn lại. Da thịt trên cùi chỏ cánh tay mặt anh bị xé nát và đang lòng thòng đung đưa trong gió lạnh, những giọt máu đang nhỏ xuống mảnh đất quê hương.

Viên đạn dữ dằn và đường đi quá mau, quá mạnh đã làm cánh tay anh rơi xuống mà bộ thần kinh anh còn chưa đủ thời gian để gởi đến anh tín hiệu của sự đau đớn và mất mát. Sau cùng anh bất tỉnh ngã xuống, bàn tay trái còn cầm chặt cánh tay mặt.

Anh được đưa về bịnh viện Vĩnh Long và ngoài cái khúc tay bị bắn gãy, bác sĩ phải cưa thêm một phần trên nữa vì xương bị nát. Anh hoàn toàn mất đi cánh tay phải. Sau khi ra nhà thương anh vẫn phục vụ trong quân đội đến năm 1974 và được giải ngũ.

Câu hỏi: “ê tụi bây, cánh tay của thằng nào bị bắn gãy vậy?” trở thành một giai thoại giữa những bạn đồng đội của anh với nụ cười và nước mắt.

Ngọn đèn cầy đã tắt.
Tình yêu đã ra đi.
Anh trở về dang dở đời em

...

blank
Lớp chụp hình Mai Lan.

Ngày 29 tháng Tư 1975, anh ra bến Bạch Đằng, cùng bà mẹ già, người chị ruột và hai đứa cháu xuống chiếc phà chở hàng đi Nam Vang, nhổ neo ra Vũng Tàu và từ đó tới Subic Bay, một căn cứ hải quân Mỹ tại Phi Luật Tân. Từ Subic Bay đi Guam, rồi qua Florida, Ohio và cuối cùng là California năm 1977.

Ba mươi ba tuổi đầu, tình yêu đã bỏ đi, tiền tài đã bỏ lại, danh vọng bị tước đoạt, ngay cả quê hương cũng giã từ, vậy anh còn gì?

- Ngọn đèn cầy thứ tư bạn à:

Niềm Tin và Hy Vọng!

Với niềm tin vào bản thân, khi đến xứ tự do anh không dùng sự tàn tật để xin tiền bịnh và đi làm chui. Anh xin đi học và sau những ngày dài chịu khó học hỏi anh có bằng computer programmer và xin đi làm. Anh không kiếm được việc làm như một programmer nhưng là một computer operator. Anh làm 16 năm cho hãng Fireman's Fund Ins. Co. và sau đó là Western Bank 9 năm.

Anh nói rằng trong mấy chục năm trời tiếp xúc với người Mỹ, người Mễ và những giống dân khác, anh chưa từng bị một ai đối xử khinh bạc với anh vì sự tàn tật thể xác. Tuy anh làm chậm hơn đồng bạn một chút vì chỉ có một tay nhưng sự đầy đủ về tinh thần trách nhiệm, một đặc tính tốt đẹp mà anh học hỏi trong quân ngũ khi anh chỉ huy các đồng đội, đã khiến mọi người thương yêu và kính trọng anh. Có lần, một người bạn ngoại quốc làm chung hãng, sau khi biết được lý do anh mất cánh tay, đã nghiêm trang đứng thẳng trước mặt anh, hai chân chập lại, đưa tay mặt lên chào anh và nói: “Tôi xin chào người Chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa vì lòng dũng cảm của bạn trong chiến tranh và sau chiến tranh!”

Chuyện tầm thường qua, phải không bạn? Bạn sẽ nói rằng không phải riêng anh mà có biết bao chiến sĩ VNCH khác đã chết, đã mất đi chân tay, mất đi gia đình, mất đi hạnh phúc.

Tôi không được quen, không được gặp những bạn đó. Trong vòng tay ngắn ngủi, tôi chỉ gặp được Tùng, người bạn trong lớp vẽ, lớp nhảy, lớp chụp hình. Tôi còn đủ cả hai tay chân, còn gia đình, còn tiền tài, nhưng đôi khi tôi gặp một vài khó khăn, đối diện một vài vấn đề, chịu đựng một vài đau khổ, tôi liền nghĩ ngay tới từ bỏ, tới lưỡi lam và gân tay, tới bụm thuốc ngủ... để trốn tránh khổ đau, thất vọng.

Có lẽ tôi là một người ù lỳ, ngộ tánh thấp kém nên khi tôi chấp tay thành kính đứng trước tượng Phật vĩ đại tại Miến Điện hay theo ông xã quì xuống trước Đức Mẹ linh thiêng ở Lourdes, lòng tôi hoang mang, trống trải. Tôi tin tưởng nhưng không cảm động. Tôi cầu nguyện nhưng không hy vọng. Tất cả hình như quá xa cách, quá cao cả khiến tôi không vói tới được, khiến tôi không mở cánh cửa ra được.

Nhưng khi tôi nhìn anh, người bạn đã 71 tuổi, mất đi cánh tay mặt, vẽ nguệch ngoạc bằng tay trái, tôi nhìn anh nhảy với tay áo rỗng đung đưa, tôi nhìn anh chụp hình với biết bao khó khăn vất vả, vậy mà anh vẫn vui tươi, vẫn hăng hái, vẫn yêu đời... những hình ảnh đời thường đó làm lòng tôi bỗng như dậy sóng. Ở một góc sâu thẳm nào đó trong linh hồn, cái ngọn đèn cầy le lói, mong manh bỗng bừng sáng.

blank
Cô Trinh Mai dạy vẽ.

Anh tâm sự:

“Tôi mất đi một tình yêu cá nhân, ngọn đèn đã tắt. Nhưng tôi lại khám phá ra ngọn đèn khác rực rỡ hơn, huyền diệu hơn. Đó là tình nhân loại. Muôn triệu trái tim trên thế giới đã mở ra tiếp đón những chiến sĩ bị kẻ thù đày đọa như chúng tôi. Tôi mất đi tiền tài nhưng chưa có ai trên thế giới kết tội tôi khát máu, độc tài, bán nước, buôn dân. Tôi mất đi chức vị nhưng đi đâu tôi cũng ngẩng cao đầu, tự xưng là người chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa, chưa từng phải khuỵu gối trước mặt kẻ thù. Nói vậy nghe có hơi kiểu cọ, công thức, nhưng sự thật thì dù bất cứ chuyện gì xảy ra đi nữa, ngọn lửa của hy vọng và niềm tin sẽ luôn theo cùng ta đến suốt cuộc đời. Và tôi cầu mong tất cả mọi người đều giữ được ngọn nến cuối cùng. Tôi biết ơn sâu đậm nhân dân Mỹ và thế giới đã giúp chúng ta đốt lại ngọn lửa tin yêu.”

Tôi hỏi anh:

“Trong các môn học anh tham dự, anh thích môn nào nhứt?”

Anh hóm hỉnh trả lời:

“Tôi thích cả ba vì mỗi môn học mang lại một niềm vui riêng. Chụp hình khiến tôi trân quý từng cánh hoa, từng giọt nước: thiên nhiên tuyệt vời! Nhảy line dancing khiến tôi tự kiểm soát bước chân riêng lẻ của mình để hòa nhịp cùng người chung quanh: tâm hồn rộng mở. Còn học vẽ thì...hoàn hảo! Tôi chỉ có một tay. Tôi vẽ dở. Nhưng không có nghĩa là tôi không thể trải rộng những ước mơ, những hy vọng, những thất bại, những tâm tình v..v.. lên trang giấy: sâu thẳm tận cùng.“

Tôi hỏi anh:

“Anh có lời gì chia xẻ với các bạn già khác không?”

Anh thành thật và quan tâm:

“Tôi muốn nhắn với các bạn già đồng hương là xin hãy ra khỏi nhà, gia nhập vào các hoạt động cộng đồng. Đừng sống cô đơn, tiếc thương dĩ vãng, oán trách số phận. Thân thể tôi đã từng ngã xuống nhưng linh hồn tôi chưa từng bị đánh gục. Kẻ thù đã lấy đi của tôi một cánh tay, nhưng họ chưa bao giờ đụng được vào lòng hãnh diện của người chiến sĩ cộng hòa.

Sau đây là những lời của anh Lê Đình Tùng:

- Tôi xin chân thành gởi lời cám ơn đến các bạn trong lớp vẽ, lớp line dancing, lớp chụp hình đã cùng tôi trải qua những giờ, những tuần, những tháng vui cười hạnh phúc, một tình đồng hương thắm đượm ân tình. Cám ơn anh Linh Nguyễn của báo Người Việt lúc nào cũng đến lớp khuyến khích và tìm kiếm thêm cho chúng tôi những hoạt động ích lợi. Và trên hết tôi xin cám ơn sự quan tâm và tài trợ của Thư viện Bowers đối với lớp người cao niên của các chủng tộc khác nhau sanh sống ở miền nam Cali nầy.

Nhân đây tôi cũng xin gởi tấm lòng biết ơn đến các bạn đồng đội đã cùng tôi chiến đấu dũng cảm suốt nhiều năm. Sau cùng tôi xin cám ơn Mẹ Việt Nam đã cho tôi cơ hội đóng góp một phần xương máu vào lòng đất mẹ.”

Riêng tôi -người viết bài này- tôi xin cám ơn anh, anh Tùng. Xin cám ơn một phần máu thịt của anh đã để lại quê hương chúng ta.

Cám ơn anh đã cho tôi can đảm liệng bỏ cái lưỡi lam phù thủy sẵn sàng cứa vào mạch máu, ống thuốc ngủ quỷ quái sẵn sàng giúp người nhắm mắt sai ngày giờ...

Lệ Hoa Wilson

*Bowers Museum tọa lạc tại số 2002 N. Main St. Santa Ana, CA /Website là: www.bowers.org

Ý kiến bạn đọc
25/11/201517:26:18
Khách
Bài viết hay và cảm động lắm. Xin cám ơn tác giả. Xin chúc gia đình tác giả và anh Tùng nhiều sức khỏe, bình an và may mắn.
25/11/201514:44:48
Khách
Xin đính chính. Lời văn tòan hảo. Không chỗ nào khuyết điểm
25/11/201514:40:55
Khách
Tuyet vời. Ý tưởng và lời văn không tòan hảo .
Cảm ơn chị Lệ Hoa
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,312,589
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. Sau đây thêm một bài viết mới.
Tác giả là một kỹ sư hồi hưu, đã sống 25 năm bên Pháp, hiện là cư dân Irvine, từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2013. Đây là bài viết mới của Ông.
Tôi đi mình lên trong chuyến xe lửa từ Paris sang Thụy Sĩ với tâm trạng nôn nao và thoáng lo âu ngần ngại, mặc dù đây không phải là lần đầu thân gái dặm trường xuyên quốc gia như thế này
Nguyệt Mị là bút hiệu lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ, nhưng trong tháng trước tác giả đã có bài "Nước Mỹ là nhà của Mị" ký tên thật là Quynh Gibney.
Tác giả: Nguyễn Thị Thêm Bài số 5834-20-31618-vb5111419 Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2015. Bà sinh năm 1948 tại Biên Hòa, cựu học sinh Ngô Quyền. Trước 1975, dạy học. Qua Mỹ năm 1991 theo diện HO, hiện là cư dân Nam Ca Li. Bà kể, "Chồng tôi là lính VNCH. Hai con tôi nay là lính của quân đội Hoa Kỳ. Tôi hết làm vợ lính lại làm mẹ lính." Sau đây là bài viết mới của tác giả.
Tác giả từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2018. Là một cựu tù cải tạo vượt ngục và là người lái tầu vượt biển, ơng định cư tại Mỹ từ 1990, hiện làm việc theo một hợp đồng dân sự với quân đội Mỹ, từng tình nguyện tới chiến trường Trung Đông và Châu Phi.
Tác giả tên thật Trần Năng Khiếu. Trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH. Đến Mỹ năm 1994 theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012. Hiện là công dân hưu trí tại Westminster.
Tháng Năm 2018, tại Việt Báo Gallery, có buổi ra mắt sách Anh ngữ "Finding My Voice A Journey of Hope" của Crystal H. Vo tức Võ Như Ý, từng dự Viết Về Nước Mỹ từ 2009.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017. Bà sinh năm 1951 tại miền Bắc VN, di cư vào Nam 1954, là thư ký hành chánh sở Mỹ Defense Attaché Office (DAO) cho tới ngày 29 tháng Tư 1975.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017. Bà sinh năm 1951 tại miền Bắc VN, di cư vào Nam 1954, là thư ký hành chánh sở Mỹ Defense Attaché Office (DAO) cho tới ngày 29 tháng Tư 1975.