Hôm nay,  

Halloween, Nhớ Miếu Ba Cô

31/10/201300:00:00(Xem: 34065)
Người viết: Trương Kim Hoàng Thư
Bài số 4048-14-29448vb5103113


Với “Hồi Ức Tháng Tư Của Long Mỹ,” cùng viết với người cháu là Hải Quân Trung Tá Paul LongMy Choate, Trương Kim Hoàng Thư đã nhận giải Vinh Danh Viết Về Nước Mỹ 2012. Bài mới của cô là một chuyện ma trong kỷ niệm từ thời mới 9 tuổi. Tác giả rời Việt Nam sang Mỹ từ tháng 10 năm 1974, khi còn là một cô bé 10 tuổi. Bốn mươi năm sau, hiện đã là một kỹ sư điện tại DPW-LACO, Nam California, nhưng cơn sợ ma từ vùng đất quê hương thơ ấu vẫn như còn nguyên vẹn khi được kể lại bằng tiếng Việt.

* * *

Mỗi lần đến lễ Halloween, tôi tạm gọi là lễ cô hồn, làm nhớ những năm mới qua Mỹ, còn nhỏ, năm nào mấy chị em cũng trùm tấm vải trắng khoét hai lỗ để thấy đường, hóa trang làm ma làm quỷ đi từng nhà xin kẹo. Thời đó xin kẹo được nhiều lắm, ăn cả tháng vẫn còn. Ăn kẹo nhiều quá cả tuần sau bị nhức răng khóc đã đời!

Người Mỹ họ cũng tin có linh hồn, có ma có quỷ. Chạy dọc đường lộ trong thành phố thỉnh thoảng tôi thấy người ta để vài bó hoa, bong bóng và đèn cầy, loại đèn cầy để trong bình, một bình có thể cháy suốt ba ngày. Đó là những nơi đã có người chết vì tai nạn giao thông hay vì nguyên nhân nào khác khiến họ bị chết bất đắc kỳ tử. Họ không lập miếu thờ những người chết oan, chết ngoài đường ngoài sá như bên mình mà đặt hoa và đốt đèn cầy, nếu là trẻ con chết thì có thêm vài món đồ chơi. Họ tưởng niệm người quá cố như thế vài ngày hay tuần lễ thì thấy dẹp đi.

Nhắc tới miếu thờ, tôi nhớ miếu ba cô ở Cam Ranh và một đêm mùa hè 1973.

Thời ở quê nhà, có lẽ còn nhỏ nên ít có dịp đi chơi xa. Xa đây đối với tôi có nghĩa là ra khỏi Sài Gòn, đi đâu cũng được. Mỗi lần nghe mấy đứa bạn hàng xóm kể chuyện đi về quê ra ruộng rau muống câu cá rô, thấy mà ham. Có đứa còn kể được theo mấy ông anh họ đặt trúm bắt lươn, chỉ mường tượng thôi đã thấy ghê, nhưng khi nhớ tới món lươn xào xả ớt ăn với cơm trắng mà Má tôi thường nấu trong mấy ngày mưa, thèm chảy nước miếng. Có đứa bạn lên Đà Lạt nghỉ mát đem về cho vài trái dâu và vài hạt lựu ăn cho biết mùi, mừng húm, ước gì mình được đi.

Năm đó, chồng chị Ba được bổ nhiệm ra tận Cam Ranh làm việc, nên chị và hai tí con theo anh ra ngoài đó. Lúc đầu chỉ ở gần chợ Đá Bạc ngoài Ba Ngòi, sau vài tháng được cấp nhà trong khu quân sự. Là con bầy, có lẽ sống chung với mấy đứa em đã quen, nên chị cứ dụ khị đám nhỏ chuyển trường ra Cam Ranh học, nhưng không đứa nào chịu đi. Đối với tôi, miền Trung xa vời, cứ xoáy sâu trong đầu với câu … “mùa đông thiếu áo, mùa hè thiếu ăn … ”. Mỗi năm trong trường tổ chức gây quỹ cứu giúp đồng bào bị lũ lụt, hình ảnh nhà cửa bị lũ cuốn trôi, tiếng than, tiếng khóc, những cảnh tang thương cứ ám ảnh tâm trí tôi, nên nghe nói lên miền Trung sợ lắm. Ở luôn thì không nhưng đi chơi thì được.

Chị Ba canh đám tụi tôi vừa nghỉ hè là chị về nhà thỉnh liền đám em năm đứa ra Cam Ranh chơi, ngoại trừ chị Tư lúc đó đang học thi tú tài đôi không được theo. Đó là mùa hè tôi không bao giờ quên, bởi vì năm đó tôi vừa thi xong tiểu học, lớp Nhứt, để lên Trung học, được mặc áo dài, tôi nhớ bài thi rất khó. Đó cũng là lần đầu tiên trong đời tôi được đi nghĩ hè, ra tận miền Trung!

Nếu tôi nhớ không lầm thì trong căn cứ Hải quân này có ba chỗ, tại trung tâm gọi là Market Time, rồi Đài thu và Đài phát. Trong khu Đài thu có một trại lính. Từ cổng chánh đi vào trại, ngoài khu cho lính độc thân ở tập thể, rải rác có những căn nhà dành cho vợ chồng lính ở tuốt phía trong.

Nhà chị ba tôi sơn màu trắng, nằm bên phải. Cổng tường sân trước cao khỏi đầu, cổng lại không có cửa. Chung quanh trại không có đến một cái cây, chỗ nào không tráng xi-măng thì chỉ thấy toàn là cát trắng. Bãi cát trắng tương phản trời xanh, rất đẹp. Trại ở sát biển, bên kia đường, nên nhìn biển xanh, cũng làm dịu cơn nắng nóng gay gắt.

Thời khoá biểu của mấy chị em tôi hôm nào cũng y chang, là thức thiệt sớm, ăn sáng xong, chạy ra biển để coi mấy anh lính quăng lưới bắt cá, đợi lúc nước rút, đi bộ ra ngoài đảo cạy hàu về để tối chị Ba nấu cháo đêm cho ăn. Hằng hà sa số con hàu bám bên vách cái đảo san hô nên cạy rất dễ. Cháo hàu ngon hết biết. Dưới đôi mắt con nít của tôi thì thấy đảo san hô lớn lắm chứ thật ra chị Ba nói đây chỉ là một gộp đá có san hô bám mà thôi. Đảo nằm khơi khơi ngoài biển xa bãi cát, khi thủy triều lên thì lấp cái đảo mất tiêu nên chúng tôi chỉ ra đảo khi nước xuống.

Tụi tôi phải canh chừng để chạy trở vô bờ trước khi thủy triều dâng. Cả đám không biết bơi, ngoại trừ anh tôi và anh Thành bạn anh tôi, cũng đi theo dịp này, nhớ lại không đứa nào bị chết đuối cũng may. Tối đến, mấy chị em dạo biển, coi con vích bò lên bãi cát đẻ trứng hay là đi theo mấy anh lính bắt còng. Lần đầu tiên tôi biết con còng. Con còng giống như cua con, màu hơi trắng, con lớn có vân tím, bắt cả thùng để rang muối, ăn hàng đêm.

Đêm đó, cũng như mọi đêm, cả đám dạo biển bắt còng, trong nhóm có anh Đảo, hình như anh làm bên khu vực Đầu Cáp Ngầm cách đó một khoảng xa, một người lính mà tụi tôi gọi là đầu đàn vì anh vui tánh và hát rất hay. Nghe anh kể hồi nhỏ anh đi hướng đạo nên anh biết và bày đủ trò chơi cho tụi tôi vui lắm. Có lần anh rủ cả đám lên miếu Ba Cô coi có chuối mang về ăn. Nghe nói đến miếu, tôi và chị Bảy sợ quá nói không dám đi. Chị Năm lúc đó ở tuổi bẻ gãy sừng trâu nên chị tỉnh bơ đòi đi coi, chị nói:


- Hai đứa không đi thì ngồi đây đợi!

Chị Bảy và tôi phải rút rích chạy theo chớ hổng lẽ ngồi đó đợi còn ghê hơn! Hai đứa run quá nắm tay nhau dành đi giữa chị Năm và anh Đảo. Vừa đi anh vừa kể cho tụi tôi nghe về miếu này. Dân ở đó kể là mấy năm trước, người ta phát giác ra xác ba cô gái chôn dưới bãi cát, kế bên đường. Đây là con đường chánh chạy vòng sát biển, là khu quân sự nên ít xe qua lại. Sau đó nhiều người chạy ngang khoảng đường này hay thấy dáng ba cô gái đứng đón xe vào giữa đêm nên họ xây miếu thờ, thỉnh thoảng dân trong trại đem chuối lên miếu cúng.

Từ đằng xa, vừa qua khỏi khúc đường cua về hướng trái, thấy cái miếu chơ vơ trên bãi cát, cách vệ đường khoảng vài mét, phía tay phải. Miếu rất đơn sơ, được dựng lên bằng mấy khúc gổ đã mục nát. Hôm đó miếu không nhang đèn, lạnh tanh. Anh Đảo châm lửa đốt ba cây nhang vái ba cô cho tụi em lấy nãi chuối về ăn. Tụi tôi cũng bắt chước xá ba cái rồi nắm tay nhau đứng xa xa. Lúc vòng trở về, trời đã tối mịt. Ăn xong nãi chuối, vô nhà cả bọn bị chị Ba la cho một trận, còn bị phạt cấm cung, không cho ra khỏi trại và đi xuống biển ban đêm.

Mấy anh lính cũng bị phạt vì bỏ căn cứ dắt đám nhóc tụi tôi đi chơi. Mấy anh bị hít đất, sơn cột điện. Bị cấm không cho ra khỏi trại, nên tụi tôi ra phụ sơn, làm mấy anh bị phạt thêm tội gì đó không biết. Chị Năm nói sao mấy anh bị phạt mà ai cũng cười tươi ra vẻ khoái chí. Còn Chị Ba lúc đó chắc nhức đầu vì cứ phải nghe chú Trung úy trưởng đài phàn nàn đám lính trốn việc để dắt đám em chị đi chơi. Tôi nghĩ chắc tại ở đó buồn quá, mấy anh nhớ gia đình, thấy lũ con nít tụi tôi thì mừng.

Vài ngày sau đó còi hú báo động liên miên. Đó là vào thời điểm gây cấn ở những vùng lân cận. Dĩ nhiên là không ai được ra ngoài, ban đêm còn phải tắt hết đèn.

Trở lại chuyện tối hôm đi thăm miếu ba cô, chị Ba và hai tí con thường đi ngủ sớm. Nếu không giới nghiêm thì giờ đó tụi tôi đang gậm còng rang muối và ăn cháo hàu.

Tối đó, khuya lắm rồi mà cả đám còn thức, đốt đèn dầu leo lét tụm trong bếp nói dóc, thì nghe có tiếng cửa ngoài phòng khách loay hoay như có ai muốn mở. Anh Sáu lại gần thì cánh cửa hết động đậy. Anh vén hé màn nhìn ra ngoài, nhún vai ra dấu không có ai, anh trở vô bếp thì cái tay nắm khóa cửa lại xoay qua xoay lại, có ai đang cố gắng mở. Anh vén màn lần nữa, lại không có ai bên ngoài. Anh nói:

- Chắc bên ngoài có bảo hay gió mạnh thôi.

Thấy tụi tôi bắt đầu sợ, anh nói thêm:

- Hay là mấy anh lính ghẹo mình thôi, không sao đâu, đừng làm ồn, một hồi mà mình không ra thì họ sẽ đi thôi.

Nhưng cái tay nắm cửa lại xoay nữa, lần này mạnh hơn và cả cánh cửa cũng lắc rung theo, như ai đó muốn vô nhà trong vẻ giận dữ. Anh Thành cầm cây chổi bước theo sau anh Sáu, đứng bên kia cửa, anh cũng hé màn nhìn ra ngoài, nhìn anh tôi rồi lắc đầu. Tôi thấy anh Sáu gan dạ nắm ngay cái nắm cửa trong lúc nó vẫn còn xoay mạnh. Anh bật cửa mở thật nhanh… anh chạy ra khỏi sân, chị Năm la:

- Thành ơi, em chạy theo kêu nó vô, nguy hiểm quá!

Đám tôi thì đứng tụm ngay cửa không dám bước ra ngoài. Lúc đó sợ hết chỗ nói!

Anh Sáu quay trở lại, chỉ nói:

- Vô nhà khoá cửa lại!

Chị Năm hỏi:

- Có thấy ai hông? Chắc anh Đảo nhát mình thôi.

Anh Thành run lập cập trả lời:

- Không thấy ai hết! Có ai cũng không cách nào chạy kịp!

Trời đêm đó tối đen, vẫn còn giới nghiêm, không một bóng người, cũng không có gió, thật yên tịnh. Tôi thấy nét mặt anh Sáu bắt đầu hơi sợ. Vô nhà ngồi đợi, cả đám yên lặng, dồn hết mắt vô cánh cửa, chừng vài phút, cái nắm cửa lại xoay nữa, vẻ giận dữ hơn lúc nãy. Anh Sáu lúc đó đứng ngay cửa. Thấy cả đám sợ quá, chị Bảy đã chảy nước mắt khóc, cặp giò như cây sậy của anh Thành run lập cập. Tôi ôm lấy chị Năm, sợ điếng hồn. Anh Sáu bật mở cửa thật nhanh, rồi la lên:

- Ai đó? Đi chỗ khác chơi! Không có phá nữa!

Rồi anh đóng cửa lại, nói với cả nhà:

- Đừng để ý nữa, không có ai đâu!

Cha mẹ ơi! Không có ai hết sao!

Cái nắm cửa vẫn giật mạnh và xoay thêm vài lần nữa, rồi từ từ độ mạnh nhẹ dần và tất cả trở về yên tịnh. Tiếng còi hú hết giờ giới nghiêm. Mặt trời đã bắt đầu lên và không ngờ ánh sáng truyền ngay sức mạnh cho chúng tôi.

Lần đó mới nhận ra anh bạn của anh tôi là người sợ ma nhất trên thế giới mà tôi biết. Anh vẫn lập cập nói run run:

- Là ba cô đó. Tại tụi bây ăn cắp chuối của ba cô.

Lo la tụi tôi mà hình như ảnh quên ảnh cũng có xơi hai trái.

Từ đêm đó cả đám không bao giờ dám đi ngang miếu ba cô, ngay cả ban ngày cũng quẹo qua ngả khác mà đi.



Hết hè tụi tôi trở về nhà, sửa soạn cho niên khóa mới. Chị Ba còn ở ngôi nhà trắng thêm vài tháng thì anh rể được lịnh rút về Sài Gòn.

Hè năm ấy tôi có chuyện để kể cho mấy đứa bạn nghe. Dĩ nhiên chuyện của tôi hay hơn chuyện nghỉ hè của tụi nó nhiều lắm vì tụi nó sợ ma!

Cát trắng và biển xanh, Cam Ranh và tôi năm mới lên 9, vui vẻ với anh chị em và mấy anh lính rất dễ thương. Chị H. vợ mới cưới của chú Trung Úy B. trưởng Đài thu, anh Báu, anh Hiệp, anh Đảo, anh Tâm, anh Hòa, anh Sỹ và còn nhiều anh nữa nhưng tôi quên tên rồi, chị và mấy anh còn nhớ tụi em hông?

Cam Ranh vẫn là một nơi tôi ước muốn sẽ trở về. Và tôi cũng muốn biết sau bao nhiêu năm dài, miếu ba cô có còn đó không?

Đêm nay là Halloween, các con đường sẽ lẫn lộn những oan hồn thật hay giả đi khắp phố để xin kẹo.

“TRICK or TREAT”

Trương Kim Hoàng Thư

Ý kiến bạn đọc
02/11/201307:00:00
Khách
Chắc tác giả nhớ lộn năm sanh hihihi . Thời gian lâu quá mà kể lại nhiều chi tiết rất lý thú dưới cái nhìn và suy nghĩ của một cô bé đệ thất. Phục nhe. Có điều tác giả kể chuyện ma mà khong thấy sợ gì hết , chỉ thấy rất vui và hồn nhiên.
31/10/201307:00:00
Khách
Có 1 chi tiết không chính xác trong bài là nếu tác giả 9 tuổi năm đó thì chưa đủ tuổi
để lên Trung học
31/10/201307:00:00
Khách
Ủa cô này đi học sớm quá. Mới 3 tuổi đã vô lớp một rồi. Mà cô nhớ dai quá, có 9 Tuoi đầu mà nhớ chuyyenj xảy ra ra 40 năm về truóc rõ như mói xảy ra vậy.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,346,912
Khi nói về biên giới, ai cũng nghĩ đến lằn ranh chia đôi giữa nước này với nước kia, mà ít ai nghĩ đến cái biên giới giữa cái sống và cái chết
Hàng năm, tuy không hẹn trước nhưng vợ chồng tôi cứ nhắm chừng con heo đất hơi nặng là lật đật đập ra mua vé lơn tơn về Việt Nam
Lâu nay tôi bị khó chịu ở cổ, rồi bị đau luôn cái chân bên phải. Mỗi lần muốn nhấc chân lên để bước đi, dù chỉ là một bước ngắn cũng đã là khó khăn lắm.
Chưa vào hè, Ontario, Đông CA có ngày nhiệt độ trên 100 độ F. Từ tiểu bang Texas trải dài qua vùng Trung Tây mưa lũ, nước ngập tràn sông Mississippi.
Năm đó, tôi theo bạn dự lễ ở nhà thờ, tình cờ ngồi bên cạnh một ông cụ trông ốm yếu, ho hen.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2012, với những bài viết linh hoạt về đời sống tại Mỹ kèm theo hình ảnh hoặc tài liệu do ông thực hiện hoặc sưu tập. Sống động, cũng chẳng ngại sống sượng, bài viết của ông thường gây nhiều chú ý và bàn cãi. Một số đã được in thành sách "Xin Em Tấm Hình" và tập truyện mới, "Bắc Kỳ". Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước My từ tháng 5/2019. Ông cho biết tên là Dương Vũ, sang Mỹ từ năm 1975, khởi đầu định cư tại tiểu bang SC, và hiện đang sống ở Sacramento. Bút hiệu ông chọn là VuongVu (viết liền, không dấu.) Bài đầu tiên là hành trình di tản từ 30 tháng Tư, 1975, với nhiều chi tiết sống động. Sau đây là bài viết thứ hai.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Bà cho biết là nhà giáo về hưu, sống tại Canada. "Huế -Dallas" là bài viết đầu tiên kể về người chị và những kỷ niệm thời mới lớn của hai chị em tại Huế đã được phổ biến từ tháng Sáu 2019. Bài thứ hai, mới nhất, là một truyện tình khác thường, dữ dội như lời ca Phạm Duy, “Yêu người xong chết được ngày mai.” Nhân vật chính, một người nữ gốc Việt sinh tại Hoa Kỳ, và một chàng Argentina. Họ gặp nhau trong lễ hội hóa trang tại Venice. Chuyện được nàng và chàng trực tiếp kể bằng lời tự sự, cho thấy cách viết độc đáo của tác giả. Mong bà tiếp tục.
Tác giả đã nhận giải bán kết Viết Về Nước Mỹ 2002 với bài "Tiểu Hợp Chủng Quốc" kể về nơi cô làm việc, khi khủng bố tấn công nước Mỹ ngày 9 tháng 11 năm 2001. Viết về nước Mỹ sang năm thứ 15, cô nhận thêm giải danh dự với tự truyện về bệnh lãng tai bẩm sinh. Bài viết mới là một du ký tháng Bẩy, bên cạnh nơi thăm viếng chính là Smokies Mountain, có nhiều ghi nhận thú vị và hữu ích về chặng đường ngàn dặm lái xe qua 4 tiểu bang của nước Mỹ. Bài đăng 2 kỳ. Tiếp theo và hết.
Tác giả đã nhận giải bán kết Viết Về Nước Mỹ 2002 với bài "Tiểu Hợp Chủng Quốc" kể về nơi cô làm việc, khi khủng bố tấn công nước Mỹ ngày 9 tháng 11 năm 2001. Viết về nước Mỹ sang năm thứ 15, cô nhận thêm giải danh dự với tự truyện về bệnh lãng tai bẩm sinh. Bài viết mới là một du ký tháng Bẩy, bên cạnh nơi thăm viếng chính là Smokies Mountain, có nhiều ghi nhận thú vị và hữu ích về chặng đường ngàn dặm lái xe qua 4 tiểu bang của nước Mỹ.