Hôm nay,  

Người Thầy Đầu Tiên

03/09/201300:00:00(Xem: 437500)
Phan là một nhà báo quen biết tại Dallas, người vừa nhận giải Vinh Danh Tác Giả Viết Về Nước Mỹ 2013. Bài mới của ông là một hồi ức về một xóm quê xa xôi thời chiến tranh, được viết lại nhân ngày tựu trường niên học 2013 tại nước Mỹ an bình.

* * * * *

Bây giờ đã là sáng thứ Hai 26 tháng 08 năm 2013. Vì đồng hồ ở góc màn hình laptop đã qua ngày Chủ nhật. Chỉ vài giờ nữa là toàn bộ học sinh ở Dallas county sẽ đến trường ngày đầu cho năm học 2013 - 2014. Nói gì cũng không ngoài ý nghĩ về những ngày tựu trường đang sống lại trong tôi. Đặc biệt là người thầy đầu tiên của mình đã siêu thoát hay còn lụy trần…

(Cách đây chừng 7 hay 8 năm gì đó, tôi đã ghi chép lại cảm xúc và những quan sát của mình vào một sáng tựu trường ở Đại học Texas A&M. Chỉ là một bài báo cho độc giả đọc rồi bỏ thùng rác, hay lót bàn ăn… tùy lòng hảo tâm. Nhưng không ngờ bài viết ấy lại được nhà văn T.Vấn và nhạc sĩ Trần Lê Việt ở Wichita-Kansas coi trọng; hai anh thường nhắc lại bài viết ấy, khi mùa tựu trường lại về; Những tờ báo Việt ngữ cũng thường đăng lại bài viết trong mùa tựu trường.

Tôi chỉ nghĩ đơn giản là những quan sát, suy tư của mình gần gũi với quý phụ huynh nên được nhiều người đọc. Nhưng nếu bây giờ trèo lên mạng thì chắc chắn sẽ gặp nhiều người viết nhắc đến áng văn “Tôi đi học” của Thanh Tịnh. Dù tác giả mới viết chừng 60 năm về trước, nhưng áng văn trở thành bất hủ của văn học Việt nam. Với tôi, áng văn đó đã làm một người mù chữ rớt nước mắt.

Nguyên là thuở bé, tôi có đọc áng văn đó cho người anh hàng xóm mà có lần trong bài viết của mình, tôi có nhắc đến anh. Anh tên là Luông, không (chưa) bao giờ đi học. Trước khi đi lính Biệt động quân, vào năm 1970.

Trưa đó, anh Luông bắt gặp tôi đang dang nắng đầy đầu với âm mưu thỉnh ổ trứng ngỗng của nhà bác Tư La. Anh trừng mắt nhìn tôi tức giận, “Mày về nhà ngủ trưa đi. Tao đá mày xì mỡ bây giờ…” Anh dư biết là tôi nể mặt mỗi mình anh trong cái xóm ven sông này. Nhưng anh đâu ngờ là tôi rình lại xem anh ra tay chuyện gì trưa nay!

Thật không ngờ anh Luông lặng lẽ đến tiệm tạp hoá của ông Chí, người Tàu. Anh mua một quyển tập 50 trang, có hình ba cô gái mặc áo dài ba màu ngoài trang bìa, anh mua cây viết chì, và cả cái chuốt bút chì nữa…

Ông Chí nói, “Mày đi đánh lộn đi. Mày không biết đi học đâu! Mua tập với viết chì làm chi cho uổng tiền… mà mày có tiền để trả cho tao không?”

Anh Luông không biết làm gì hơn là giộng cho ông Chí một đấm vào giữa mặt - sặc máu mũi; không trả tiền, nhưng cứ lấy quyển tập và cây viết chì. Rồi lừng lững ra đi…

Tôi đi theo anh Luông. Anh là người anh; người thầy thật sự của tôi thuở bé. Năm đó tôi mới 8 tuổi, học lớp ba. Những ngày hè gay gắt chữ nghĩa vì trong nhà có ông anh đang học Văn khoa. Cái ông anh vô duyên không chịu thích chữ nghĩa một mình mà bắt thằng em thích đánh lộn phải đọc những trang chữ nhỏ xíu như con kiến thì sao tôi khoái được chứ!

Thế mà tôi lại khoái áng văn “Tôi đi học” của Thanh Tịnh. Những ngày thơ ấu, tôi chỉ đọc về Quang Trung Đại đế vì ngài làm cho tôi thấy tự hào mình là người Việt nam. Ngài làm cho giấc mơ tôi can đảm đấm vào mặt ông Chí; người mà cả xóm gọi là “thằng Chí”; “thằng chệt”… thằng buôn gian bán lận, cân thiếu, đong lường (lường gạt) cả xóm. Nhưng cả xóm chỉ có một cái tiện tạp hoá thì có ghét cũng phải mua nước tương - trên mốc cời dưới đóng cặn; cũng phải mua tương hột có giòi của ông chệt.

Dù ông Chí đã lớn tuổi, tóc ông hớt ngắn cách mấy cũng thấy bạc trắng. Tôi nể người già một mặt, nên gọi ông là ông Chí chứ không gọi thằng; một mặt tôi cứ căm thù ông Chí tới trong mơ chỉ bởi hiểu biết đơn sơ trong tim gan của tuồi nhỏ - ông ấy là giặc Tàu - kẻ thù không đội trời chung của dân tộc tôi. Chỉ có thế.

Ngoài những giấc mơ kiêu hùng của tuồi nhỏ với mối thù truyền kiếp của cả dân tộc; những khi yêu đời, ngân nga trên đường trốn học đi tắm sông, bắt dế, tôi thường hát bài ca yêu thích: “… vua Quang Trung trên mình voi cao luôn thúc bá quân anh hùng làm sao quên hết gian lao cùng nhau ta tiến. Coi thường ngày mai lầm than…” Bởi không có ý chí đó thì làm sao băng sông ra gò để bắt được dế lửa…

Ngoài Quang Trung thần tượng, không biết sao tôi lại thích áng văn “Tôi đi học” của Thanh Tịnh. -Thích trong sự xấu hổ thầm lặng nhưng vẫn thích. Bởi anh tôi bắt tôi đọc - và bắt tôi suy nghĩ: “Mày suy nghĩ lại đi! Sao mày lại cắn tay mẹ khi mẹ dắt mày đi học?” Còn nữa, “Sao tao cấm mày đi theo thằng Luông, mà mày cứ đi theo nó?”

Có lẽ anh tôi mới học từ văn chứ chưa học nhân văn nên thế thôi! Và tôi chỉ có một đàn anh trong mắt là anh Luông. Thuở bé, tôi thường đi quậy làng trên xóm dưới một mình; độc cô cầu bại chứ không băng đảng với ai. Nhưng đục cả thầy chùa vì không cho tôi hưởng lộc trên bàn Phật. Trái cây ngon sao cứ chia cho con gái; bộ con trai không biết ăn trái cây ngon sao; “không đục mấy lão trọc thì mấy lão chỉ biết mê gái.”

Nhớ tới anh Luông, thật là anh ấy chỉ dạy tôi những điều kinh thiên động địa ở cái xóm ven sông. Nhưng anh ấy là một người thầy trong quãng đời đẹp nhất của tôi. Quãng đời dọc ngang trời bể trên đầu có ai; không có ai trong mắt vì lớn nhỏ, đạo hay đời gì cũng đục láng. Đánh không lại thì về xóm kêu anh Luông đi phục hận.

Vậy mà cái hôm anh Luông đục ông Chí trước mắt tôi; một ông già Tàu sặc máu mũi vì cái tội khinh người - kể ra cũng đáng. Dù trong thâm tâm tôi cũng thấy tội nghiệp cho ông ta.

Song, anh Luông bảo tôi về nhà ông Thách. Đó là căn nhà hoang ở bãi sông. Cả một gia đình ngụy tạo là chạy giặc dưới quê lên. Chính cha tôi và bác Tuyên (là trùm xứ đạo) đã ra sức giúp đỡ, kêu gọi bà con trong xóm, trong xứ đạo giúp đỡ để gia đình ông Thách sớm ổn định. Không biết sao cha tôi là người Phật giáo mà lại thân với bác Tuyên như anh em một nhà.

Nhưng cả hai ông cùng không ngờ ông Thách là Việt cộng nằm vùng. Chỉ tới khuya hôm cảnh sát đặc biệt ập vô nhà ông ta khám xét ra toàn truyền đơn và súng đạn của Việt cộng. Cảnh sát bắt ông đi trong đêm; Sáng ra, vợ con ông cũng trốn mất… Từ đó, căn nhà ông Thách trở thành biểu tượng cho sự nham hiểm, xảo trá của Việt cộng. Với trẻ nhỏ chúng tôi, là nơi tụ tập để bày trò nghịch ngợm.

Hôm đó trưa hè vắng, gió sông rào rạt bãi tranh ngút tầm mắt. Tôi với anh Luông không nói chuyện đời thường. Tôi thường hỏi và học anh những đòn bí hiểm khi đụng phải đối thủ lớn hơn mình thì phải làm sao? Hay trường hợp em muốn đánh ông bạn của ba em, là Trưởng ty cảnh sát quận thì làm sao để ông ấy không kịp rút súng...

Tôi ghét cay ghét đắng cái ông Cò ấy, cứ mỗi lần tới nhà bàn việc quốc gia đại sự, hay chỉ ghé nhậu với cha tôi, ông lại bắt tôi khoanh tay khai báo: “tuần qua, (tháng qua) mày đánh lộn với những ai? Quên trả tiền chè, cháo, cho những ai…?”

Ông thường lấy khẩu cung xong thì bắt tôi ngồi viết tường trình về những vụ động trời. Hồi ông xỉn rồi thì khen tôi kể chuyện hay, ông nói với cha tôi: “Nó tả những trận chiến oanh liệt như Võ lâm Trung nguyên…” Ông ấy làm tôi vui cũng có; mà làm tôi hú vía nhiều phen nên tôi ghét, mà sợ… Sợ cảnh sát ngày xưa hay thật, cái chuyện tôi mua chén chè xôi nước của bác Năm bán gánh. Tôi vừa ăn, vừa lãng lãng ra xa… bác Năm hỏi tôi: “Mày bưng chén đi đâu vậy, Mập?” Tôi trả lời, “Nắng quá, con bưng vô gốc cây ăn cho mát.” Nhưng ăn xong thì tôi lặng lẽ để cái chén không lên chạc cây… rồi tàng hình! Vậy mà cảnh sát quận cũng biết!


Ông Cò hỏi tôi sao không khai vụ “quên trả tiền chè” cho bác Năm chè, để đem hồ sơ về ty cảnh sát? Hỏi sao tôi không teo! Có lần ông tử tế hơn là nhắc tôi còn quên tô cháo huyết của thím Bảy Cao nữa… mới thật là mất mặt hảo hán hết trơn! Tôi tính nát óc không ra cách cách chức ông Cò, nên ông ấy mới bị chết trong tù cải tạo sau 1975.

Trưa tạm biệt mùa hè năm đó. Hai anh em tôi ngồi nghe chim chảo gọi mùa trên cây mắm ven sông. Anh Luông hút thuốc lá liên miên hơn ngày thường. Bỗng anh dụi tàn thuốc xuống chân. Một đống tàn thuốc nói lên điều khó nói trong anh chăng?

Tôi chờ đợi đến lúc anh hít một hơi thật sâu trước khi mở lời với tôi: “Mày dạy anh viết chữ (Luông)…”

Tôi chỉ nghĩ là anh Luông đã lớn, anh ấy sẽ đi làm việc ở đâu đó. Nên học ký tên để ký tên lãnh lương chứ! Tôi viết nguyên chữ “Luông” có dấu và giải thích với anh: “Đây chữ tên anh - có dấu.” Tôi lại viết chữ “Luong” không dấu. Và dặn anh là viết dính liền vô nhau - chữ “g” cuối kéo dài ra một chút - rồi gạch một một đường thẳng dưới chữ “Luong” không dấu - là chữ ký tên anh đó!

Anh Luông ngồi ký tên hết một cuốn tập 50 trang. Tôi không biết tả làm sao cho hết niềm vui trên gương mặt người thanh niên mười tám tuổi - là mười tám năm dao búa - lần đầu tiên trong đời tự ký được tên mình trên giấy trắng mực đen…

Tôi chỉ nhớ mắt anh đỏ hoe khi anh nói với tôi: “Mày là người thầy đầu tiên của tao đó Mập. Cảm ơn mày nha!”

Trời ơi! Lần đầu tiên tôi nghe anh Luông biết nói: cảm ơn, mà còm rơm rớm nước mắt nữa. Tôi thương anh quá, nên an ủi anh, “Thì anh đi học đi. Tại anh mắc cỡ mình lớn quá rồi nên không chịu đi học với em thôi! Anh đi học với em đi. Đứa nào chọc ghẹo anh. Em đục hết cho…”

Tôi suy nghĩ cách thuyết phục anh đi học với tôi. Ngoài lòng từ bi bất ngờ thì thằng Mập (tên hàng xóm đặt cho tôi lúc nhỏ). Tôi có nghĩ đến chuyện có anh Luông cùng tôi đến trường thì tôi sẽ đục từ thầy Hiệu trưởng xuống tới cô Vân (đang dạy lớp ba). Cô Vân đánh tôi mỗi ngày bằng thước kẻ còn than với mẹ tôi là cô mỏi tay, nghe cô đãi giọng chữ “mỏi” mà ứa gan. Giận run khi nhớ đến những lần cô dắt tôi lên văn phòng nạp mạng cho thầy Hiệu trưởng. Thầy bộp tai tôi như nựng yêu không tức. Nhưng giận ông thầy xử xong còn tát thêm một cái giùm cha em - nhờ thầy!

Bây giờ nhớ lại tôi còn giận, nói chi là lúc đó! Tôi cố dụ anh Luông đi học với tôi để phục thù. Tôi nói, “để em về nhà lấy sách, em dạy anh đọc chữ… là anh thích liền hà”

Trưa hè vắng, trong căn nhà hoang ven sông, thằng nhỏ 8 tuổi, ngày mai đi lớp tư (lớp 4). Ngồi dạy người thầy tuổi nhỏ của nó - cũng ngày mai đã là lính Biệt động quân. Nó dạy anh nó đọc hết áng văn “Tôi đi học” của Thanh Tịnh. Như để đáp lại những gì thuộc về đạo nghĩa mà anh đã dạy nó! Những toan tính quỷ quyệt tự biến trước áng nhân văn…

Sáng thứ Hai như vài tiếng đồng hồ nữa thôi cũng là sáng thứ Hai. Cách nay 43 năm. Tôi đi lớp Tư, mang theo lời dặn dò không chỉ cho ngày tựu trường mà cho cả đời từ người thầy đầu tiên: “Không có anh ở nhà nữa! Mày ráng học giỏi như mấy thằng anh mày. Có đi lính thì cũng đi sĩ quan chứ không phải học ký tên để lãnh lương như anh…”

Sáng ra, tôi không được chia tay vì anh Luông đi từ sớm lắm. Anh đi vào quân ngũ với cuốn sách tôi tặng, không nhớ cuốn gì nhưng chắc chắn trong đó có áng văn “Tôi đi học” của Thanh Tịnh. Anh hứa với tôi là anh sẽ tự học để tự đọc áng văn mà anh rất thích đó! (Anh Luông đã khóc với đoạn: “Buổi sáng mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh. Mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên tôi thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: Hôm nay tôi đi học.”)

Không biết có phải anh khóc tủi thân. Vì tôi nhớ anh thường lặng lẽ từ xa đứng nhìn những thanh niên nam nữ tựu tập ở sân nhà tôi đêm đêm ca hát với cây đàn thùng. Các anh chị nướng khoai, nấu chè, ăn bánh trung thu… tập cho con nít hát những bài đồng dao... Có đêm nước mắt bập bùng theo ánh lửa của những bà chị đã khóc tiễn chân một đàn anh ngày mai ra trận. Tuổi nhỏ của tôi còn chứng kiến các chị tôi khóc oà lên, khóc rấm rứt… khi chiếc xe nhà binh chở cỗ quan tài phủ cờ về lại xóm nhỏ - nhưng đã cướp đi tình yêu lớn của chị tôi… Tôi thương hết các anh các chị trong xóm, chỉ giận mà không dám nói ra là sao họ cứ để anh Luông lặng lẽ đứng nhìn. (Sau này lớn lên tôi mới hiểu: Không ai gạt anh ra ngoài xóm làng mà chính anh đứng riêng ra góc mù chữ của anh. Cũng như tôi thích lẻ bóng trên đường làng thuở bé nên anh rất thương tôi là vậy!)

Thầy tôi đã dặn là không được đánh lộn với bất cứ ai nữa, không được để chén chè không lên chạc cây rồi tàng hình nữa; không được băng sông lớn một mình nữa nghe cưng… làm tôi khóc rưng rưng vì từ khi bước ra khỏi bụng mẹ, đã 8 mùa mưa nắng, chỉ có con Mực liếm mặt tôi chứ chưa ai gọi tôi một tiếng “cưng”!

Nhưng hạnh phúc trong đời này ngắn như tóc sư cụ, vì chỉ chừng một năm sau, anh Luông về thăm nhà trong quan tài phủ cờ.

Gia đình anh không được coi trọng trong xóm vì cả nhà anh không ai đi học; không mấy ai, dường như chẳng có ai lui tới với gia đình anh. Bởi mẹ anh làm Cọp-rằn trong thương cảng Sài gòn, người đàn bà duy nhất mà tôi từng biết là bà có đến hai ông chồng - ở chung nhà. Chị lớn anh làm gái tại nhà, có mấy đứa con thì đứa trắng, đứa đen; đứa Đại hàn có nửa gương mặt màu đỏ; nửa trắng xanh như diễn tuồng đời… Nên chỉ mình tôi biết góc thờ anh Luông có đôi giày saut (còn bùn đất hành quân), bình hoa khô héo, keo nhang nguội lạnh và đầy váng nhện. Bức di ảnh cũng không có; không thẻ bài, không có gì nữa ngoài bụi bặm. Nghĩa là quyển sách tôi tặng và quyển tập anh học ký tên đã ở trong ba lô - đã về cát bụi cùng người thầy đầu tiên của tôi. Người dạy tôi bài học: đánh lộn và ranh ma không có bằng cấp trong đời học vị. Nhưng cái vị của sự học thì không trường lớp…

Vài tiếng nữa thôi, xe bus học trò sẽ chạy vàng thành phố. Từng lớp người leo lên những chuyến xe đời ấy để tới trạm số phận của riêng mình là mảnh bằng gì đó; học vị có được chỉ để đổi lấy hương vị cuộc đời qua đánh giá của xã hội. Nhưng cái vị của sự học thì dường như chỉ ông Thanh Tịnh lấy được bằng vì là người viết ra từ con tim nên mới có những lời lẽ bất hủ như thế, “Buổi sáng mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh. Mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên tôi thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: Hôm nay tôi đi học.”)

Giờ này, xe bus học trò đã lăn bánh cho ngày tựu trường. Ở một nơi xa nào đó, bác Tám-Đầu đỏ đang âu yếm nắm tay anh Luông dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường anh đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên anh thấy lạ. Cảnh vật chung quanh anh đều thay đổi, vì chính lòng anh đang có sự thay đổi lớn: Hôm nay anh đi học…

Phan

Ý kiến bạn đọc
08/09/201313:45:26
Khách
Ông tác giả PHAN viết "Tôi không biết tả làm sao cho hết niềm vui trên gương mặt người thanh niên mười tám tuổi - là mười tám năm dao búa ..." -Tức là ông ta sinh ra một tuổi đã dao búa à.............Bài viết đủ thức hầm bà lằng đưa vào câu chuyện , chẳng biết ông Phan muốn đưa cái gì vào bài viết này .Đếm thử các vấn đề ông đưa vào câu truyện này thì thấy ông nói đủ thứ ....
07/09/201306:14:49
Khách
Tôi là người Saigon,được người bạn FW cho tôi đọc.tôi đọc 3 lần và không hiểu bài viết viết tệ như vậy mà được đăng huống hồ được giải ?! Người viết không được khiêm tốn khi tự cho mình là "thầy" của một nguòi lính BĐQ khi chỉ cho anh ta viết - được một chữ để ký tên lãnh lương?! My God.Ngườii viết cũng lầm lẫn khi tự nhận là cảm thụ được văn học bài "tôi đi học" của Thanh Tịnh khi được ông anh sai bảo đọc dùm cho ông anh bài này.... theo như người viết ghi lại.... Nếu tôi nhớ không lầm thì bài viết này- trong chương trình giảng văn của đệ nhất cấp, vì đến lứa tuổi 11- 15 tâm sinh lý phát triển mới cảm thụ được văn học. Nay tác giả cảm thấy bài văn này hay khi chỉ mới có 8 tuổi .My God ! Giọng văn viết rất chợ búa không đáng được đang chứ đừng nói được giải thưởng. Tôi gửi cho 3 ngườii bạn(đều trên 60t) xem thì họ đều cùng ý kiến. Chẳng lẽ người Việt mình hời hợt như vậy mà cho giải thưởng ư . My God.[e] dinhcuphuongnam@yahoo.com
06/09/201322:32:30
Khách
Tuyệt vời ! Cảm ơn tác giả Phan & Vietbao !
03/09/201322:09:49
Khách
Đọc chưa trọn thì đã nhoè nước mắt. Cảm ơn tác giả
03/09/201318:54:57
Khách
Phan viet bai nay cam dong qua khien toi muon khoc !
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,322,366
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo