Hôm nay,  

Tia Nắng Ngày Đông

11/08/201200:00:00(Xem: 173334)
viet-ve-nuoc-my_190x135Chủ Nhật 12-8-2012 là họp mặt phát giải thưởng và ra mắt sách Viết Về Nước Mỹ năm thứ 12. Giải thưởng Việt Báo hiện đã sang năm thứ 13 và liên tục từ năm 2000 tới nay, mỗi ngày đều có phổ biến bài viết mới. Sau đây, là bài viết về nước Mỹ đầu tiên của tác giả Hoà Đa. Ông tên thật: Đinh Văn Thạnh, sinh tại Hòa Đa, Bình Thuận, lấy địa danh nơi sinh làm bút hiệu. Lớn lên ở làng quê. Học trung học tại Phan Thiết, Đại học Sư Phạm Sài Gòn, tốt nghiệp năm 1970 ban Lý Hóa về dạy học tại Trung Học Tống Phước Hiệp Vĩnh Long. "Học tập cải tạo" năm 1976. Định cư tại Houston, Texas từ 1990. Bài viết thể nghiệm sinh hoạt trong một nursing home, một cách sống tương đối còn xa lạ đối với người Việt cao niên ở Hoa Kỳ. Rất mong tác giả tiếp tục viết.

Buổi sáng, tôi thức dậy trong mùi ẩm ướt của bệnh viện hồi sức, dưỡng lão. Tôi được đưa vào đây hơn hai tuần rồi sau mười ngày nằm viện vì bị tai biến não. Bây giờ tôi đã hồi phục ít nhiều, nhưng tay và chân trái vẫn còn rất yếu, không sử dụng được. Khả năng nói cũng giảm thiểu tuy có tiến bộ; người khác bây giờ có thể hiểu tôi nói gì, dù có hơi khó khăn.

Bên ngoài trời mưa rả rích, TV trong phòng nói đêm nay có thể xuống tới hai mươi lăm độ, trong khuôn viên của bệnh viện, nhiệt độ luôn được giữ ở khoảng bảy mươi, nhưng tôi có thể cảm nhận được cái lạnh khi nhìn qua khung cửa sổ, thấy nhân viên của bệnh viện ai cũng co ro trong hai ba lớp áo dày cộm. Ngồi trên xe lăn, nhìn qua cửa sổ phòng, mấy thân cây trơ cành khẳng khiu in hình lên bầu trời xám xịt, xa xa. Mấy cành thông nghiêng ngả trong gió đông. Bãi cỏ ngoài sân, ngày tôi mới vào vẫn còn ít nhiều màu xanh, nay đã trở thành vàng nâu vì thời tiết lạnh trong tuần trước. Trong này, ngày ăn ba bữa, hai ba giờ tập để phục hồi khả năng vận động và ngôn ngữ, thuốc uống bốn lần, thỉnh thoảng lại bị mấy cô y tá đo huyết áp, vài ba ngày lại bị rút máu thử, khi thì kiểm tra lượng đường, lúc thì đo lượng mỡ, người bệnh ở đây không có những hoạt động quen thuộc cố hữu của mình khi còn ở nhà, tuy bệnh viện cũng có những sinh hoạt về tôn giáo, văn hóa, giải trí… nhằm giúp cho bệnh nhân có thêm hoạt động, tránh những lúc nằm ngồi không, nghĩ ngợi mông lung.

Hơn tháng trước, trong lúc đang cào lá rụng trên sân trước nhà, Dick, hàng xóm bước ra chào:

- Hello Ông Hưng, trời bắt đầu lạnh rồi đó!

- Yeah, con tôi vừa gọi điện thoại nhắc hôm qua, nó hẹn cuối tuần gia đình nó sẽ đến thăm tôi.

Cũng không biết từ lúc nào, giọng nói tôi nghe như khác lạ. Dick nhìn tôi chăm chăm rồi nói lớn:

- Oh my God! Không xong rồi…

Lúc tôi tỉnh lại thì mơ màng thấy mình đang ở trong nhà thương, Charles, con trai tôi đang nói chuyện với viên bác sĩ, tôi nghe loáng thoáng:

- Tình trạng ông ta bây giờ ổn rồi, nhưng chắc phải ở lại bệnh viện lâu, tay và chân trái của ông ta yếu hẳn, có thể ông ta cũng mất khả năng phát âm rõ ràng… ông ta có thể phải trải qua một thời gian dài trong viện hồi sức.

Bác Sĩ đi rồi, Charles cho tôi biết là tôi bị tai biến não, may mà lúc đó có ông hàng xóm Dick, gọi giùm 911 đưa tôi đi cấp cứu và báo tin cho nó hay. Nó cho biết bây giờ tôi đang nằm tại ICU của bệnh viện, nhưng sẽ ra phòng riêng sớm, và ít lâu sau tôi phải đến viện hồi sức.

Vợ tôi mất cách đây hơn mười năm, sau khi Charles lập gia đình và sống ở thành phố khác cách đây gần ba giờ lái xe. Tôi vẫn sống cô độc trong căn nhà như rộng ra từ dạo đó với bao kỷ niệm của một gia đình tuy nhỏ nhưng hạnh phúc. Căn nhà bây giờ mênh mông, mọi vật trong nhà được giữ nguyên như cũ từ lúc vợ tôi mất, tôi ngủ lại trong phòng làm việc, chỉ thỉnh thoảng lắm mới bước chân vào phòng cũ của vợ chồng tôi, mà cũng để chỉ nhìn lại những dấu vết thân yêu còn sót lại… Charles có lần đề nghị tôi bán nhà, về ở chung thành phố với vợ chồng nó, để sớm tối có nhau, nhưng tôi từ chối, tất cả chỉ vì tôi không thể xa căn nhà đầy kỷ niệm đó.

Tôi đã ở đây được vài tuần rồi, mấy hôm nay tôi xin được dùng bữa ở phòng ăn của trung tâm, trước đó tôi ăn trong phòng riêng vì di chuyển quá khó khăn. Tôi chọn chỗ ngồi để có thể nhìn thấy đủ mọi người trong phòng ăn. Trung tâm hồi sức này cũng tiếp nhận những người già, sinh hoạt giống như một nhà dưỡng lão. Bàn ăn bên phải tôi là một cặp vợ chồng lớn tuổi, chồng bị Parkinson, đi đứng lúc nào cũng run rẩy, tựa vào một xe đẩy nhỏ, vợ là một bà già gầy choắt, thỉnh thoảng la lên the thé vô nghĩa. Bên trái là bàn của ba bà già, họ chiếm bàn ăn đó không biết từ lúc nào vì khi tôi quyết định ăn ở phòng ăn thì đã thấy mấy bà ở đó rồi; Ba bà với ba chiếc xe lăn quay quanh chiếc bàn tròn, lúc nào cũng đúng giờ như một đồng hồ, họ gặp nhau ở đó dùng bữa, ít trò chuyện với nhau, nhưng thân nhau như chị em. Dịch vào bên trong là các dãy bàn hình bán nguyệt, bệnh nhân nằm hay ngồi bất động trên xe của mình, và được nhân viên đút cho từng muỗng thức ăn…

Cứ như thế, bệnh nhân mỗi người một nét, nhưng ai cũng trong tình trạng phải di chuyển bằng xe lăn hoặc tựa vào mấy cái gọng, bước từng bước một.

Mỗi buổi sáng, trừ những ngày cuối tuần, sau bữa điểm tâm, Ed xuống đưa tôi xuống phòng tập. Ed là y tá lo về thể dục, người Phillipine, lúc nào cũng cười, nhưng rất cương quyết trong việc tập cho bệnh nhân.

- Nào làm theo tôi, nhón chân lên, ba mươi cái, xem nào, một rồi hai; ba rồi bốn… Ông George, tập đi chớ…

- Bây giờ co từng chân lên, như tập đi tại chỗ ấy…

Cứ thế, tôi theo những động tác Ed hướng dẫn, khó khăn nhất vẫn là những động tác của tay trái và chân trái, sao mà nó nặng nề và khó khăn đến vậy.

Sau Ed là Natalie, người tập cho tôi các động tác trong sinh hoạt hàng ngày, tôi phải dùng tay trái để kẹp những chiếc kẹp quần áo vào một que ngang, hay bỏ những khâu tròn nhỏ vào một que đứng… cứ cầm lên là rớt xuống, tôi phải chú ý hết sức để giữ cho kẹp hay khâu khỏi rơi… mỗi lần như thế Natalie vỗ nhẹ vào tay tôi cười tươi nói “good job, good job”… Sau Natalie đến Katy tập cho nói. Cứ phải lập lại những tiếng Katy bảo “nào, nói theo tôi: Ô, I, AI…” hay là theo lệnh của cô “chạm vào vai, đưa tay lên…”

Ngày qua ngày, tôi thấy mình tiến bộ nhiều. Mừng cho sự tiến bộ của mình, nhưng tôi không thể tránh khỏi những khoảng thời gian dài dằng dặc, chỉ biết nằm dài trên giường nhìn trần nhà hay loay hoay trên chiếc xe lăn, dịch dần đến cửa sổ nhìn ra sân… vài nhân viên di chuyển dọc một đoạn hành lang trong tầm nhìn của khung cửa sổ như một khúc phim câm, tiếng động từ bên ngoài không vào được trong này. Tôi biết, ngoài kia mọi người vẫn cứ sinh hoạt, cái sinh hoạt tất bật của một xã hội luôn chuyển động; Còn trong này, không gian chỉ thu gọn lại trong phòng nghỉ, các hành lang… còn thời gian thì như chậm hẵn lại. Thời gian ở đây sao dài quá, sau những buổi tập, tôi được đưa về phòng, ngồi thẫn thờ chờ đến giờ ăn. Đêm tối nằm dài nghe tiềng rì rào, phì phò như tiếng thở một cách đều đặn của máy bơm cung cấp oxygen cho bệnh nhân, nằm mà chờ trời sáng. Ngày chờ đêm, đêm chờ ngày, thời gian cứ chậm rãi vô tình trôi đi, không hối hả…

Mỗi ngày lăn chiếc xe lăn dọc theo hành lang ngai ngái mùi nước tiểu không tránh khỏi của bệnh viện, lẩm nhẩm đọc tên các bệnh nhân trên cửa phòng để biết người nào đi rồi, ai mới đến; Đó cũng là cách giết thì giờ và là cách tôi tự tập cho não bộ mình vừa qua một cơn nguy khó. Có lẽ ngày xưa, tôi nhớ dễ dàng tên của mấy vị hàng xóm bất đắc dĩ này, nhưng bây giờ tôi phải nhẩm lại nhiều lần; Mỗi khi đoán đúng hay nhớ ra tên trên cửa phòng kế tiếp, tôi lại mừng cho khả năng của mình… Ở phòng tập cũng vậy, cứ mỗi ngày tôi cố gắng làm thêm một động tác, nói một chữ khó hơn hay một câu dài hơn. Ôi chao, con người mình trở thành vô dụng như thế này ư? Tàn phế đến mức này ư? Tâm tư tôi bây giờ cũng đầy một màu xám như bầu trời ngoài kia. Tôi không muốn mình sẽ là gánh nặng cho xã hội, cho Charles, người thân duy nhất của tôi hiện nay. Mấy hôm trước, tôi thử lần xuống phòng sinh hoạt của bệnh viện chơi bingo với những bệnh nhân khác, nhưng nghe, nhận ra số gọi đã khó mà tay run run đặt miếng “chip” vào ô cho đúng còn khó hơn, tôi biết mình còn quá nhiều hạn chế trong sinh hoạt thường nhật, thôi thì, để khỏi có cảm giác mình đang sống bên rìa của xã hội, tôi thường ngồi lại rất lâu sau mỗi bữa ăn, để nhìn và nhận diện hết tất cả mọi người, từ cô phục vụ ở nhà bếp người Hispanic vẫn thường tươi cười mang khay thức ăn đến và chúc tôi ăn ngon, cho đến cô y tá chờ tôi xong bữa là mang thuốc đến dịu dàng nói : “Ông Hưng, tới giờ uống thuốc rồi” và lúc nào cũng vậy, cô chờ tôi uống xong viên thuốc cuối cùng mới đi… Tôi đón nhận mọi người để có cảm giác mình không bị bỏ quên.

Tối hôm qua, nhiều tiếng động dịch chuyển và tiếng nói lao xao ở phòng đối diện, phòng này bệnh nhân vừa xuất viện hai hôm trước, còn bỏ trống. Tôi độ chừng chắc có ai đó mới nhập viện… Buổi sáng, chậm rãi lăn chiếc xe xuống phòng ăn, tôi tò mò nhìn lên bảng tên trước cửa phòng đối diện, người ta chưa gắn tên, nhưng tiếng ho nhẹ từ trong phòng đưa ra cho tôi biết đó là một bệnh nhân nữ. Mấy hôm sau nữa tôi mới thấy tên bệnh nhân trước cửa phòng, Anna Tang, như vậy là tôi có một hàng xóm người Á Đông như tôi, ít ra là tôi nghĩ như thế! Phải mất hai hôm sau tôi mới gặp người hàng xóm này, khi y tá đưa bà ta xuống phòng tập, và tình cờ làm sao, bà ta ở cùng nhóm tập với tôi. Anna khoảng chừng bảy mươi, bị sưng phổi, cũng điều trị ở bệnh viện hơn một tuần rồi mới sang đây để tiếp tục điều dưỡng theo yều cầu của bác sĩ. Bà ta cũng vào sống ở bệnh viện hồi sức này một mình, con gái của bà phải đi làm và chỉ thỉnh thoảng ghé thăm bà vào buổi tối. Ít ra bà còn có người thăm vài lần trong một tuần. Tôi ở đây cô quạnh một mình, Charles bận tất bật với công việc của nó, từ ngày vào đây nó chỉ đến thăm tôi một lần, xem tôi có cần thêm gì không. Ở đây tôi không thiếu gì hết, kể cả sự vắng lặng và cô độc. Chỉ một tuần sau, tôi và bà hàng xóm trở nên thân nhau hơn vì biết là người đồng hương, Tên Việt của bà là Tăng Thùy Anh. Bây giờ tôi cũng có người để nói chuyện hơn là chỉ chào hỏi bằng tiếng Anh với những người hàng xóm khác. Chúng tôi cùng hẹn nhau đi ăn chung giờ, cùng nhau đi tập… Anna sống ở Mỹ khá lâu, từ ngày di tản khỏi Việt Nam từ cuối tháng tư năm bảy lăm, với đứa con gái chưa tròn một tuổi. Chồng bà ta là sĩ quan Thủy Quân Lục Chiến của miền Nam, còn kẹt lại và hoàn toàn bặt tin từ lúc đó. Những ngày tiếp theo là những ngày tương đối có ý nghĩa đối với tôi, tuy Anna chừng mực nhưng vẫn còn mang nhiều nữ tính của người Việt, nói năng lễ độ và giúp tôi nhiều việc trong lúc ăn uống, tập luyện. Anna nói tiếng Anh giỏi và đúng giọng, có lẽ nhờ bà sống ở Mỹ lâu và làm việc với người Mỹ; Thường bà giúp tôi nói lại với y tá những gì tôi muốn nói mà còn khó khăn. Anna cũng rủ tôi xuống phòng sinh hoạt chơi bingo, bà thường ngồi cạnh, nhắc tôi vị trí hay đặt giùm con “chip” khi tôi còn lóng ngóng chưa đặt kịp. Tôi thường nhắc bà phải mặc ấm, đừng để bị ho, ít ra cũng có lợi cho bệnh sưng phổi của bà. Anna cũng ít cười, chỉ khi nào vui lắm bà mới hơi mĩm cười, những lúc ấy, tôi thấy vui hơn. Bà cũng rủ tôi cầu nguyện với bà khi có lễ ở nhà nguyện trong bệnh viện; tuy tôi không có đạo, nhưng cũng theo bà đến nghe mấy vị linh mục đến làm lễ và nói chuyện với bệnh nhân…

Mấy hôm nay trời có nắng, ít ra cũng làm không khí ngoài kia ấm hơn một chút sau những ngày lạnh giá, trong lòng tôi cũng thấy ấm áp hơn.Tôi và Anna vẫn thường gặp nhau ở phòng ăn, phòng tập và phòng sinh hoạt, tôi cũng ra ngoài nhiều hơn là cứ loay hoay trên chiếc xe lăn cạnh cửa sổ của phòng bệnh.Hôm qua, con gái bà đến thăm, tình cờ gặp tôi ngoài hành lang, cô cúi đầu cười và chào. Chắc Anna nói gì với con gái đây! Hôm nay bà mang ra phòng ăn một mẫu bánh nhỏ mời tôi, bà nói con gái bà mới mang vào hôm qua. Trên mặt kem còn sót lại hai chữ “Ha..” viết theo cách điệu, tôi độ chừng đó là hai chữ đầu của chữ “Happy”… hay hôm qua là sinh nhật bà ta? Tôi độ chừng vậy mà không dám hỏi. Bà kể cho tôi nghe một ít về cuộc sống trước kia của bà, Bà về hưu đã hơn sáu năm rồi, sống với con gái và cháu ngoại trong một khu khá sang trọng của thành phố. Sau hơn ba mươi năm làm việc liên tục, bà sống khá vững vàng với tiền hưu trí… Tôi cũng kể cho bà nghe một chút về cuộc sống cô độc của mình, cố gắng sống không thừa thải bằng công việc thiện nguyện ở một thư viện nhỏ của địa phương.Bà nhìn tôi với ánh mắt thông cảm.

Từ ngày có Anna làm hàng xóm, tôi thấy mình sống vui hơn và bận rộn hơn lúc trước. Bà cũng thường chia cho tôi những món ăn vặt, rất Việt Nam, mà con gái bà thỉnh thoảng mang vào. Thỉnh thoảng, ngoài những giờ tập hồi sức, bà cùng tôi xuống phòng sinh hoạt, đọc cho tôi nghe vài đoạn trong mấy cuốn tiểu thuyết trên kệ, chờ đến giờ ăn. Đêm đến, tôi không còn nằm thao thức vì không biết phải làm gì, nhưng lại thao thức chờ sáng, chờ gặp lại bà ở phòng ăn, phòng tập… tôi ngạc nhiên khi thấy mình nghĩ tới những khoảng thời gian bên cạnh bà ta nhiều như thế. Tôi không cắt nghĩa được, tôi không dám nói đó là tình yêu như mấy người viết văn ưa tô vẽ phóng đại, tôi đã gần tám mươi rồi, không còn trẻ để bị chi phối bởi những tình cảm ủy mị. Anna chỉ là một gặp gỡ tình cờ, như bao tình cờ khác trong cuộc đời tôi.

Từ ngày vợ mất, tôi xem như cuộc đời mình là cho con cháu, chờ đến ngày gặp lại bà ấy ở thế giới bên kia, tôi sống khá lặng lẽ trong căn nhà cũ. Từ hôm được đưa vào bệnh viện rồi qua trung tâm hồi sức vì tai biến não, tôi cảm thấy như ngày gặp lại vợ cũ đã gần kề. Cuộc đời tôi cũng mang một màu xám như mùa đông ở đây… nhưng sự hiện diện của Anna như một chút nắng ấm trong ngày đông, nhưng có lẽ đó chỉ là cảm giác của tôi thôi, Anna vẫn một mực lịch sự, nghiêm trang và chừng mực…

Sau bữa cơm trưa nay, Anna nhìn tôi rồi nói:

- Ông Hưng này, bác sĩ tôi vừa cho biết, ngày mai tôi sẽ xuất viện.

- Ồ, mừng cho bà, trông bà cũng khá hơn trước nhiều lắm.

- Cám ơn ông, cũng mong ông sớm bình phục.

- Cám ơn bà, nhưng tôi sống ở đây hay về nhà thì có gì khác nhau đâu? Bà về, còn vui với con cháu, còn tôi có về, cũng chỉ về sống một mình trong ngôi nhà cũ ấy mà thôi.

Anna không nói gì, chỉ im lặng nhìn tôi thông cảm. Tôi chỉ còn biết chúc bà những câu sáo rỗng, rồi về phòng. Cả ngày tôi ngồi lì trong phòng trên chiếc xe lăn cạnh cửa sổ nhìn lơ đãng ra hành lang bên ngoài, trời lại phủ đầy mây xám.

Hôm sau, tôi ngồi ở phòng ăn chờ bữa trưa khi bà sửa soạn rời bệnh viện, con gái bà đến chào tạm biệt. Tôi nhìn ra, bà còn ngồi đợi con gái, đưa tay vẫy từ biệt, tôi đáp trả…

Tôi ngồi đó, im lặng nhìn hai mẹ con bà ra cửa, ngoài kia tia nắng ấm hiếm hoi của ngày đông cũng tắt mất.

Hoà Đa

Ý kiến bạn đọc
11/08/201215:35:26
Khách
Bác 80 tuổi trong truyện này không phải là tác giả. SOmebody else. Đề tài không mới,nhưng cách viết làm cảm động người đọc.
11/08/201205:32:08
Khách
Buồn quá Bác ơi.Chúc Bác sức khoẻ và nhiều niềm vui!
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,303,496
Từ hôm nay, Thứ Hai 1 tháng Bảy 2019, bắt đầu phổ biến các bài Viết Về Nước Mỹ năm thứ Hai Mươi Mốt (XXI). Xin mời đọc bài viết mới nhất của Lê Nguyễn Hằng, một cây bút nữ kỳ cựu tham gia Viết Về Nước Mỹ từ nhiều năm qua. Năm 2017, với bài viết “Ba Người Đàn Bà Tuổi Dậu”, bà nhận giải Vinh Danh Viết Về Nước Mỹ. Bài đăng 2 kỳ. Tiếp theo và hết.
Từ hôm nay, Thứ Hai 1 tháng Bảy 2019, bắt đầu phổ biến các bài Viết Về Nước Mỹ năm thứ Hai Mươi Mốt (XXI). Xin mời đọc bài viết mới nhất của Lê Nguyễn Hằng, một cây bút nữ kỳ cựu tham gia Viết Về Nước Mỹ từ nhiều năm qua. Năm 2017, với bài viết “Ba Người Đàn Bà Tuổi Dậu”, bà nhận giải Vinh Danh Viết Về Nước Mỹ. Bài đăng 2 kỳ.
Giải Viết Về Nước Mỹ hàng năm gồm các bài phổ biến từ ngày 1 tháng Bẩy năm trước tới 30 tháng Sáu năm sau. Hôm nay, Chủ Nhật 30 tháng Sáu 2019, ngày khóa sổ Viết Về Nước Mỹ năm thứ 20, xin mời đọc bài viết vui của Ngọc Hạnh, vị tác giả niên trưởng trong năm. Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng Hai 2019, khi tuổi đã kề ngưỡng cửu tuần (90. ) Với bài viết về Washington D,C. mùa lễ chiến sĩ trận vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam. Bà tên thật là Nguyễn thị Ngọc Hạnh, trước 1975 đã là giáo sư trung học đệ nhị cấp tại Saigon. Cùng gia đình tới Mỹ từ 1979, và hiện là cư dân hưu trí tại miền Đông. Kính chúc Bà vui khỏe.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. Sau đây thêm một bài viết mới
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2012, với những bài viết linh hoạt về đời sống tại Mỹ kèm theo hình ảnh hoặc tài liệu do ông thực hiện hoặc sưu tập. Sống động, cũng chẳng ngại sống sượng, bài viết của ông thường gây nhiều chú ý và bàn cãi. Một số đã được in thành sách "Xin Em Tấm Hình" và tập truyện mới, "Bắc Kỳ". Sau đây, thêm một bài mới viết mới.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ 2018. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79. Đi học lại gần 6 năm mới ra trường với bằng BS engineer năm 85. Hiện là cư dân ở Lafayette, Louisiana, còn vài năm nữa sẽ ... ăn tiền gìa. Bút hiệu Pha Lê, theo chú giải vui của tác giả, không phải là trong veo như Pha Lê, mà là... Pha trò và Lê la! Sau đây là bài viết thứ sáu của bà.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ 20. Bà tên thật Trần Ngọc Ánh sinh 1955, sau khi đi tù gần 11 năm về tội chống Cộng Sản từ đầu 1979 đến cuối 1989, đã tốt nghiệp Đại học năm 1995 ngành Quản trị kinh doanh tại VN. Sang Mỹ định cư theo diện kết hôn năm 2007, hiện đang sống tại thành phố Victorville, miền Nam California. Nghề nghiệp nội trợ. Sau đây, thêm bài viết mới của bà.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ 2004. Võ Phú là tên thật. Sinh năm 1978 tại Nha Trang-Việt Nam; định cư tại Virginia-Mỹ, 1994. Tốt nghiệp cử nhân Hóa, Virginia Commonwealth Uni-versity. Hiện làm việc và học tại Medical College of Virginia. Sau 12 năm bặt tin, tác giả tiếp tục Viết về nước Mỹ từ 2016, với sức viết mạnh mẽ và thứ tự hơn. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả là một viên chức hưu trí tại San Jose, đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ năm 2018. Tháng Năm 2019, trong bài “Tôi Làm Răng Implant” tác giả có viết lời cám ơn Bác sĩ Nha Khoa Nguyễn Hoàng Tuấn về sự tận tâm giảng giải và chăm sóc dành cho bà. Sau đây là bài viết mới nhất của bà, chuyện người thật việc thật. Tựa đề là một câu trong bài hát “Như Đã Dấu Yêu” của Nhạc Sĩ Đức Huy.
Tác giả đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ từ 2001 và liên tục góp bài. Sau nhiều năm tham gia ban tuyển chọn, từ 2018, Trương Ngọc Bảo Xuân là Trưởng Ban Tuyển Chọn Viết Về Nước Mỹ. Bài trích từ báo xuân Việt Báo Tết Kỷ Hợi 2019.