Hôm nay,  

Sacto Mùa Cá Bẹ

03/06/201200:00:00(Xem: 220039)
Mr. Bond là bút hiệu của David Huỳnh, cư dân Los Angeles. Ông nói về mình, “Người ta gọi tôi là "Cái Thằng Trời Đày" vì lỡ mang máu mê đi câu, vừa tốn tiền vừa vất vả mò đêm mò hôm. Trong loạt bài Mr. Bond góp cho viết về nước Mỹ, có chuyện câu cá nước ngọt lẫn nước mặn, câu từ Nam đến Bắc Cali, qua Alaska, hay xuống Mễ, câu về tới VN hay qua tận Thái lan... rồi chuyện đi lặn bắt bào ngư, bắt tôm hùm, và đi săn “hàng khủng” cá Tầm (Sturgeon) trên Delta Bắc Cali. Tuần trước, là chuyện “Đi săn Cá Sấu Gar”. Lần này là chuyện thủ phủ Cali mùa “cá bẹ”. Nơi đàn cá đi qua, có cả vùng bờ sông đầy vàng lẫn trong cát...

Mỗi năm vào dịp tháng 4-5 âm lịch, đoạn sông Sacramento chảy qua thủ phủ của tiểu bang California lúc nào cũng đông nghẹt người vì người ta kéo ra hai bên bờ sông để câu cá Bẹ. Mà loài cá này lạ lắm, quanh năm trốn đâu không biết, nhưng cứ vào khoảng mùa này thì bọn chúng lại xuất hiện tại nơi đây và chỉ ở lại một vài tuần rồi chúng lại bỏ đi nơi khác, nên dám dân câu chúng tôi dù bận công ăn việc làm cách mấy, cũng ráng sắp xếp thời gian bỏ ra vài ngày để đi bắt chúng.

Tôi cũng nghe nói về loài cá này đã nhiều nhưng đây là lần đầu tiên tôi đi câu nó. Người ta nói đến con cá này nào là thit cá tuy nhiều xương nhưng ăn rất ngon và béo, cũng như nấu được nhiều món, từ nấu canh ngót, kho mặn, đến ướp sả ớt chiên dòn hay nạo ra làm chả... món nào cũng ngon cả. Ngoài việc thịt cá ăn ngon, dân câu còn ghiền bắt con này là vì cảm giác khi nó ăn mồi. Con cá này mà kéo cần khi bị mắc câu thì khỏi chê, vì nó cũng "dũng cảm, kiên cường, bất khuất" chiến đấu đên hơi thở cuối cùng.
image005
Sông Sacramento đoạn chảy qua thủ phủ của tiểu bang California, nơi cá bẹ hàng năm vào đẻ trứng: dân câu đang đứng hai bên bờ sông để câu cá.
Đang ngồi dệt mộng về con cá này thì anh Tài bạn tôi trên bắc Cali gọi:

- David hả, khỏe không em? Cá Bẹ mấy hôm nay vào dày rồi đó, nói với mấy anh em dưới đó kéo lên đây làm một chuyến đi, để vài bữa là bọn nó lại rủ nhau đi mất thì uổng lắm.

- Dạ. Để em gọi cho đám bạn liền, mà câu loài cá này, cần mồi miết ra sao hả anh?

- Cần câu thì dùng loại nhẹ thôi và dài khoảng 7-8 ft là ok rồi, vì mình sẽ dùng nó để quăng suốt ngày, cần nặng sẽ mỏi tay lắm.

Cục chì thì loại nào cũng được nhưng dây từ 8-10 bls thôi nha, đừng có to hơn, dây to quá thì khó quăng mồi mà dây nhỏ quá thì nó kéo đứt đó. Mấy con cá này tuy nhỏ nhưng khỏe và chạy dữ lắm. Mồi thì bọn em khỏi lo, lên đây anh có, mà bọn cá này ăn chay mà, mình câu nó đâu cần mồi.

Tôi ghe nói đến đây thì chưng hửng:

-Ủa vậy hả anh? Câu mấy con này coi bộ vui à nha…

Đến hẹn lại lên, thế là chúng tôi (Cường, John, và David) lại khăn gói quả mướp kéo nhau lên đường đi câu cá bẹ.

Từ nhà tôi, cũng chạy theo những con đường quen thuộc, đi hết 405 N rồi qua I-5 N, sau đó thì qua I-580 W rồi I-880 N để đi về TP Oakland. Sau khoảng 5 tiếng lái xe vượt đoạn đường gần 400 miles (640 km) thì bọn tôi đến nhà anh Tài cũng gần 11 giờ khuya rồi. Tội nghiệp ông anh, trông ngóng mấy thằng em sốt ruột, ra đến tận bậc thềm trước nhà ngồi chờ. Anh ra đón chúng tôi đến tận cửa xe, tay bắt mặt mừng sau gần hơn tháng không gặp.

Anh dẫn chúng tôi vào nhà, cũng chén canh súp gà ác hầm nhân sâm và vài thứ khác, để cho mấy đứa em húp tẩm bổ lấy lại sức sau chuyến đi dài, rồi anh chỉ chỗ cho mọi người đi nghỉ vì mai còn phải dậy sớm đi câu.

Hôm sau, từ 4 giờ rưỡi sáng, mọi người đã sửa soạn lên đường. Từ nhà anh Tài đi lên điểm câu ở Sacto. mất khoảng gần 2 tiếng lái xe nữa. Lần này chúng tôi chọn câu bằng tàu, vì đi câu tàu thì sẽ có cơ hội bắt được cá nhiều hơn mấy người chỉ đứng câu có một chỗ trên bờ. Xe kéo cái Bay Runner mà anh Tài mượn được của người bạn vào nơi thả tàu, chúng tôi nhanh chóng đưa tàu ra bãi và rời bến.
image012
Câu bằng tầu: Ba chàng ngự lâm pháo thủ.
Ra đến điểm câu rồi mới thấy, người ta đi câu cá đông vui như đi trẩy hội. Trên bờ bà con đứng đen nghẹt, tính ra cũng đến vài trăm người chứ chẳng chơi. Họ đi câu đem theo chăn lều ra cắm trại luôn hai bên bờ sông từ hôm trước. Còn trên sông thì cũng đông vui không kém, thuyền bè đủ mọi kích cỡ đậu san sát nhau như bãi đậu xe.

Tôi nhìn quanh thì thấy đa số là phe ta, vì tiếng cười nói ý ới toàn tiếng Việt mình, cộng thêm mấy cái nón lá làm tôi nhìn không thể lẫn vào đâu được. Đứng câu gần mấy người chung quanh rồi hỏi thăm, đa số là người Việt mình ở quanh vùng; số còn lại là đến từ Oakland, San Francisco, rồi San José, Stockton... chỉ có chúng tôi có lẽ là ở xa nhất vì ỡ mãi tận Los Angeles, nam Cali.

Người lên được con cá đầu tiên tromg ngày hôm nay là anh Tài, sau đó là anh John, rồi đến sư phụ Cường, chỉ có tôi là chưa kéo được con nào làm tôi nôn nóng quá cỡ. Anh Tài đã lên đến con thứ 3, còn hai ông kia thì mỗi người cũng được một con để làm vốn, tôi thì đứng câu hoài mà chẳng được con gì.

Đang dứng quay quay- kéo kéo, tôi nghe có cái gì đó móc vào cần câu của tôi nghe một cái “hự“. Cái máy Daiwa zillions 7.1 khựng lại rồi đứng luôn không thể quay tiếp được nữa, làm tôi tưởng mình bị vướng đá hay dính chà gì đó, chỉ đến khi tôi thấy có sức kéo từ chiều ngược lại làm cái máy xả dây chạy rẹt rẹt thì mới biết là mình dính cá.

Đúng là con cá này kéo khỏe thật, nó hết chạy dọc lại quay sang chạy ngang rồi tung mình phóng lên mặt nước để gỡ lưỡi, không kém gì mấy con kình ngư. Mà nói thật so với các loài cá khác có cùng kích thước, thì con cá này phải nói là số một về sức chạy và sự chống trả quyết liệt khi bị dính câu. Kéo được em nó vào gần mình thì đừng có tưởng bở là nó đã chịu khuất phục, vì nó sẽ cắm đầu chạy tiếp không biết mệt.

Ngoài việc con cá bẹ chiến đấu ngoan cường, thì tôi cũng phải nhắc đến cái vụ Tài và John bị em hải cẩu nó cướp cá. Số là hai anh này dính cá cùng một lúc, sau khi dìu cá vào gần mạn tàu thì dây bị vướng. Anh Tài xúc được con cá của mình vào vợt và còn để cái vợt nằm lòng thòng trong nước, vì còn phải gỡ dây vướng của John. Anh đang lom khom gỡ dây thì em hải cẩu từ đâu ngoi lên quất cái rầm, thế là em cá bẹ và tấm lưới vợt biến đi đâu mất, chỉ còn để lại cái khung vợt nằm cong queo. Mấy anh em chưa kịp hoàn hồn thì nó quay lại chơi thêm một cái nữa, đi luôn con cá của John chưa kịp kéo lên tàu…

Vừa bị mất hai con cá trong vòng chưa đầy một phút, chưa kể bị lỗ thêm cái vợt làm bọn tôi đau như hoạn. Nhưng nói cho cùng thì cũng còn quá may mắn, vì nếu lỡ con hải cẩu táp trúng cánh tay anh Tài nhà mình thì coi như không gãy lọi cũng què.

Hải cẩu sống trên xứ Mỹ này là vậy đó, bọn chúng tuy sống trong thiên nhiên nhưng vì được bảo vệ nghiêm ngặt bởi chính phủ nên nó rất dạn, rất láu cá và không biết sợ con người là gì. Mình diù cá không nhanh là bị nó xực mất, cả luôn chì và lưỡi câu.

sacramento5
Theo đàn cá lên thượng nguồn, câu từ bờ sông giữa rừng, nơi ngày xưa từng là nơi đãi cát tìm vàng. Bột vàng thiên nhiên được những con sóng nhỏ vỗ vào bờ, vô tình sàng lọc ra khói cát nằm phơi mình sáng lấp lánh dưới anh nắng của trưa hè.
Chúng tôi câu cả buổi sáng hôm đó, cá dính nhiều mà xảy cũng nhiều vì loài cá này khỏe quá, dìu bọn nó không khéo là nó kéo đứt dây như chơi, dù dây của chúng tôi dùng là có sức chịu lực là 10bls mà con cá chỉ nặng có 2-3 bls. Mấy anh em đứng kéo cá khoảng đến 3 giờ chiều thì về, tổng số cá 4 người kéo được lên đến năm sáu chục con chứ không ít (gần 1/2 cái thùng chứa nước đá loại 120 gallons), đó là chưa kể các con cá bị mất vì bị đứt dây, tuột lưỡi cũng như bị cướp bởi mấy con hải cẩu.

Thế là mấy anh em đành tạm biệt Sacramento về lại Oakland, để rồi sau đó lái xe suốt đêm trở về nhà cho kịp buổi làm đầu tuần sáng sớm ngày thứ Hai.

Nhưng, do bị ám ảnh bởi những con cá Bẹ có sức chiến đấu dẻo dai khi bị dính câu, chỉ một tuần sau tôi và anh John lại làm một chuyến bắc tiến để đi kéo con cá này một lần nữa. 12 giờ khuya hai anh em lái xe xuất phát từ Los Angeles. Lại theo những con đường quen thuộc chúng tôi đi suốt đêm để đến nhà anh Tài vào khoảng 5g sáng để đón anh, sau đó bọn tôi tiếp tục cuộc hành trình để đi Sacto mất thêm gần 2 tiếng nữa.

Theo tin của “thổ địa”, là đàn cá hôm trước chúng tôi bắt ở khu vực sông Sacramanto nằm trong thành phố Sacto nay đã đi chuyển ngược lên gần thượng nguồn, nên chúng tôi phải đến địa điểm mới để bắt chúng. Lái xe vòng vèo trong các khu vực ruộng lúa nước của ngoại ô của thủ phủ Cali, chúng tôi đến địa điểm câu mới. Nằm giữa là con đường nhựa khá nhỏ đã lâu không được bảo trì, với một bên là khu rừng hoang có cây cối và dây leo mọc ùm tùm, mà anh Tài nói là con sông nằm phía dưới đó; bên còn lại là đồn điền trồng cây ăn trái như đào, mận, và cherry... mà khi tới mùa người ta mớí đưa người đến thu hoạch.

Anh Tài cho xe đậu vào vệ đường khóa xe cẩn thận. Ngoài các dụng cụ câu kéo, bọn tôi mang theo những thứ cần thiết để ăn trưa như cơm vắt, mấy quả trứng luộc, muối, nước uống …v.v. Tôi còn thấy anh Tài đem theo lủ khủ những thứ khác làm tôi thắc mắc, nhưng chưa tiện hỏi... như một đoạn dây thừng khá to mà người ta thường dùng làm dây neo để cột tàu, và một bó nhang lớn. Sau đó anh em đi theo lối mòn băng rừng để ra khu vực bờ sông. Chúng tôi đi thêm khoảng 1km đường rừng nữa thì ra đến bờ sông với cây cối và dây leo mọc um tùm. Cuối con đường là một cái vực, với vách thẳng đứng.

Bây giờ thì tôi mới hiểu vì sao anh Tài phải mang theo đoạn dây thừng, ngoài việc dùng nó để leo xuống dưới vực, sau này còn giúp chúng tôi kéo những thùng đựng cá lên khỏi bờ sông; còn cái vụ bó nhang thì tôi vẫn không hiểu dùng vào việc gì, cho mãi đến lúc ra về.

Cái vực không cao cũng không thấp, nhưng đủ để người ta ái ngại vì nếu đứng trên đó nhảy xuống, không gãy cổ thì cũng què giò nên chúng tôi phải đu dây và bám theo những cái rễ cây và dây rừng mọc lòng thòng theo bờ vực để leo xuống. Dưới chân vực là một bãi cát bồi, mà như anh Tài nói theo mùa nước lũ hay khi mấy cái đập ở đầu nguồn xả nước, thì nó sẽ bị ngập chìm trong nước, nhưng vào mùa này nước cạn nên chúng tôi có thể đứng đây để câu.

Khác với câu tàu, câu bờ vui và có nhiều cảm giác hơn, vì khi mình dìu con cá vào gần bờ, gặp nước cạn, nó đâm hoảng giãy dụa và chạy còn dữ hơn nữa. Ngoài ra khi dìu cá, nó đòi hỏi bạn phải khéo léo tránh các chướng ngại vật và cây cối mọc ven bờ.
sacramento7
Mr. Bond và “hai em” cá bẹ.
Khi dính cá khó khăn lắm thì mới kéo được em nó lên bãi cát (bọn tôi quên không đem theo vợt, nên kéo cá vào đến bờ là kéo lê nó lên bãi cát luôn), vì vậy nhiều con cũng bị đứt dây giữa chừng nên thoát chết.

Cũng như hôm bữa, anh Tài lại là người lên cá trước, sau đó là anh John và cuối cùng mới đến tôi.

Cá ở khúc sông này nhiều vô số kể, có lẽ nơi đây ít có người biết đến nên ít người câu, bởi vậy đàn cá rất dạn dĩ và tha hồ hoành hành trong cái thế giới tưởng chỉ dành riêng cho chúng.

Cá ăn nhiều vào buổi sáng, sau đó thì lai rai theo đợt, và ăn nhiều lại vào buổi chiều.

Kết thúc buổi câu vào lúc 5 giờ chiều vì chúng tôi không dám ở lại lâu hơn nữa, nhứt là khi trời tối, vì theo lời thổ địa cũng như của Mr.Tài, nơi đây khi đêm về thường có những chuyện lạ mà khoa học không giải thích được và đã có những người đi câu bị mất tích một cách bí hiểm, đến rồi không bao giờ quay về.

Ngoài việc khúc sông này có nhiều cá, tôi phải nói thêm một điều mà tôi phát hiện được mà không dám nói với ai, là khúc sông này có rất nhiều vàng khoáng sản.

Vâng bạn nghe đúng đó, con sông này hay ít nhất là bãi cát nơi mà bọn tôi đứng câu có rất nhiều vàng vụn (bột vàng nằm lộ thiên lấp lánh như kim tuyến, đọng lại thành vùng khi gặp các con sóng nhẹ vỗ vào bờ, sàng lọc và tách chúng ra khỏi cát). Sau khi về lại nhà tôi tìm hiểu qua sách vở và các thông tin trên mạng internet thì mới biết, nơi đây là một trong những nơi xưa kia khi người Mỹ bành trướng về hướng tây để khai phá vùng đất mới và tìm vàng. Chỗ này là một trong những nơi mà dân tìm vàng đến để đãi cát lấy vàng hầu kiếm cơ hội làm giàu hay để đổi đời. Cũng chính vùng này đã cho ra đời rất nhiều triệu phú, nhưng cũng có rất nhiều người đã bỏ xác ở nơi hoang dã này, không bao giờ trở về nên các oan hồn của họ vẫn còn lây lất, vất vưởng trong khu rừng râm rạp này. Không biết trong tiếng gió thì thào trên ngàn cây bãi cỏ này, có tiếng thì thầm của những oan hồn uổng tử kia không?

Đó chính là lý do trong hành lý đi câu, Mr. Tài đã mang theo bó nhang. “Nào, ngừng lại đây, đốt nhang cho họ đi.” Anh Tài nói, trước khi chúng tôi tạm biệt vùng ngoại ô của thủ phủ Sacramento. Ngoài việc thắp nhang, anh Tài còn để lại trên bờ sông cho các oan hồn thêm hai cái trứng luộc và vài nắm cơm. Tôi không biết mấy oan hồn ma Mỹ có ăn được cơm, trứng luộc và muối mà bọn tôi đã để lại, cũng như hửi được mùi nhang mà chúng tôi thắp cho họ hay không. Nhưng theo anh Tài thì dầu gì họ cũng hiểu được tấm lòng và không nỡ hại hay phá bọn tôi khi lần sau quay lại là được rồi.

Chúng tôi lái xe về Oakland để đưa anh Tài về nhà, sau đó lái xe thẳng về LA thì đã gần 2 giờ sáng, kết thúc một ngày câu kéo tuy mệt nhưng vui và thoải mái.

Tổng cộng chúng tôi đã mất 14 tiếng lái xe, vượt đoạn đường chừng 1.700 km (đi về) và có khoảng 8 tiếng câu kéo để thỏa mãn cơn ghiền.

Đúng y như lời người ta thường nói: không có cái thú vui nào giống cái vui nào … nhưng họ đều giống với nhau có một điều, đó là niềm đam mê, và họ sẵn sàng bỏ tất cả để đến với sự đam mê của mình. Cũng như hai anh em chúng tôi, đều có chung một thú vui … đó là “Thú vui của những kẻ bị trời đày”.

Mr. Bond

Ý kiến bạn đọc
04/06/201217:27:00
Khách
Cá bẹ là American shad đó bạn.
Chúng ta có thể vô coi tại:
http://en.wikipedia.org/wiki/American_shad
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,342,016
Tác giả là cư dân miền Bắc California, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006 với bút hiệu Huyền Thoại.
Anne Khánh Vân, sinh năm 1974 tại Saigon, tốt nghiệp kinh tế tại Pháp, hiện sống và làm việc tại miền Đông Hoa Kỳ, từng nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2007 với tự truyện “Duyên Nợ Với Nước Mỹ.
Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, hiện là nhân viên công ty in Scientific Games tại Atlanta, tiểu bang Georgia.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng Sáu 2017, đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2018 năm thứ XIX.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng Sáu 2017, đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2018 năm thứ XIX.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C.
Kông Li là bút hiệu vui vẻ của Phạm Công Lý, tác giả đã dự Viết về nước Mỹ từ 2009. Ông cùng gia đình đến Mỹ từ 1994 theo diện HO, định cư tại Boston.
Tác giả từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014, ông tên thật Trần Phương Ngôn, đã sống ở trại tỵ nạn PFAC Phi Luật Tân gần mười một năm
Tác giả đã nhận giải Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ 2014. Lớn lên tại VN khi cả nước đã thành xã hội chủ nghĩa
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa