Hôm nay,  

Ảo Ảnh

19/09/201100:00:00(Xem: 707457)
Ảo Ảnh

Tác giả: Phan
Bài số 3359-12-28569vb2091911

Tác giả là một nhà báo quen biết, từng trong nhóm chủ biên Tuần báo Trẻ tại Dallas, Texas, đã nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ. Bài viết mới của ông là những ảo ảnh ghi nhanh sau khi ra khỏi thính đường ca nhạc trong buổi Đại Hội Thủy Quân Lục chiến toàn Thế Giới 2011 tại Dallas.

***

Tôi nhớ đã thật lâu, khi chúng tôi còn là đám trẻ tan trường chân đất, một đám trẻ phá phách không chừa con gì trên đường tan trường về nhà. Từ con ngựa đang bị cột, con chó bị nhốt, con gà đang bới vườn kiếm ăn cho đàn con của nó… chúng tôi đều không bỏ qua; đều chọc ghẹo cho chúng inh ỏi lên, rồi chạy.
Ngày ấy, tôi thích nhất là đoạn đường về ngang qua ngôi chợ quê. Người ta có cất nhà lồng chợ, nhưng đơn sơ thôi, trong đó cũng có những dãy sạp bằng gỗ liền kề nhau của những hàng vải, quần áo, tới hàng chạp phô và dãy hàng ăn. Ra ngoài nhà lồng chợ cũng là những dãy sạp ọp ẹp hơn của hành tôm hàng cá. Cũng có những tấm ny-lon che nắng che mưa; có người tháo về sau phiên chợ, có người để luôn vì tấm che đã cũ, chắc không ai lấy trộm…
Một hôm tôi thấy bà lão đến không dám tin gì khác hơn là ma, vì bà già đến không thể già hơn. Lưng còng xuống, còng xuống mẹt rau héo. Những loại rau đồng chắc là hái từ ngoài ruộng. Hình dáng nó như cây bạc hà con, và tôi nhớ là loại rau này chỉ xắt nhuyễn rồi trộn cám cho vịt ăn. Bêm mép mẹt có dúm ớt đỏ, mấy trái cà vạt, mấy trái đậu bắp đã thâm đen, trái mướp non… Tất cả không tươi rói như vừa hái từ vườn nhà, nhưng từ đâu bà có thì tôi không biết!
Bà lão làm tôi sợ không lâu vì miệng bà chóm chém nhai trầu. Bà không phải là ma nên tôi không sợ nữa. Tôi đến trước mặt bà đứng xem. Bỏ quên trò chơi vui nhất trên đường đi học về là chạy nhảy trên những cái sạp trống. Chúng tôi té ngã cái nào đáng cái nấy với những cái sạp này, nhưng cảm giác nhảy được từ sạp thứ nhất sang sạp thứ ba, bỏ qua cái sạp thứ hai trong sững sờ của bạn bè là một cảm giác anh hùng sớm sủa thì đứa nào không khoái!
Nhưng hôm đó tôi đứng nhìn bà lão rất lâu. Mùa giáp tết ở đồng, trời lại mau tối. Chợ chẳng còn ai, sao bà lão không về" Tôi chờ giây phút bà lão biến mất như trong truyện cổ tích, tôi sẽ là đứa duy nhất thấy được bà tiên tàng hình. Tôi chờ, chờ đến tuyện vọng. Vì bà lão nói tôi: "Mi về nhà đi, tối rồi. Mẹ mi mong…"
Bà lão làm tôi nhớ đến cây đũa cả nhà tôi to lắm! Và hình như mẹ tôi hơi mạnh tay với thằng mập tôi; còn lúc đánh em tôi thì mẹchỉ dứ dứ hùng hổ nhưng đánh nhẹ hều. Chắc tại nó con gái hay lúc đánh nó thì mẹ mới nhớ ra câu: giơ cao đánh khẽ! Tôi tạm biệt bà lão ra về, còn nhớ câu hỏi của mình: "Nhà bà ở đâu"" Bà lão chỉ lắc đầu.
Ngôi chợ quê tôi, sau bà lão ấy, có thêm nhiều bà lão tương tự. Họ là những bà cụ già chạy giặc từ miền trung vô, thất lạc con cháu nên lấy chợ làm nhà, buôn bán vặt sống qua ngày. Những đám tang một bà lão chết đêm qua ở một góc chợ nào đó, luôn là nguyên nhân cho lũ trẻ chúng tôi đứa nào cũng bị đòn vì đứa nào cũng trốn học, để theo dõi diễn biến từng chi tiết. Nếu thua kém bạn bè một yếu tố, như: Ai là người phát hiện đầu tiên - thì coi như mình không hiểu biết gì hết! Chúng bạn khinh khi sự kém cỏi đó lâu ngày lắm chứ không mau quên đâu!
Thường là một người đi chợ sớm để dọn hàng, truy hô lên là có người chết ở đâu đó! Những bạn hàng khác nhốn nháo theo… Bước thứ hai là có người đi báo với chính quyền là ông Trưởng ấp. Bước kế tiếp là vài người nhân dân tự vệ sẽ đến hiện trường, lật bà lão lên tấm tôn (có đóng sẵn hai tay đòn dài hơn tấm tôn như cái cáng). Thể nào cũng có người từ tâm, mua cho bà lão nải chuối, để dằn lên bụng. Người từ tâm khác (chắc chắn có) sẽ đắp cho bà lão manh chiếu. Những người từ tâm khác nữa sẽ mau chóng đưa đến nhang đèn, hoa quả. Và chúng tôi sẽ là những người từ tâm nhỏ bé, đưa đám bà lão với nước mắt lưng tròng; đứa ôm bó bông vạn thọ, đứa bưng mớ trái cây, đứa xách túi gia tài của bà lão vô danh… những giọt nước mắt sớm trong đời ngọt liệm; không ráo hoảnh về sau khi đau thương đến với chính mình thì đã khô. Chúng tôi theo những người nhân dân tự vệ đi thật xa vô đồng, lên gò… Các anh đào huyện để chôn bà lão. (Những bà lão chết sớm còn được xóm làng, kẻ chợ lo cho sáu miếng ván. Nhưng về sau hết ván thùng đạn thì chỉ có manh chiếu.)

Thường là sau khi chôn cất xong thì mặt trời đã lên cao, các anh nhân dân tự vệ tắm rửa ngay mương rạch gần nhất, chúng tôi cũng bơi lội như những người cực nhọc chẳnh kém các anh. Sau khi nhang tàn, các anh chia cho chúng tôi mớ trái cây. Đứa nào cũng đem về ấp ủ và cầu nguyện bà lão cho điểm mười môn luận văn, vì đó là môn dễ ăn đòn nhất, chứ toán dễ ẹt. Chúng tôi cầu xin bà nội, bà ngoại, (tuỳ theo sở thích, nhu cầu mỗi đứa). Xin bà hãy che chở những đòn roi cho con… Vài ngày đêm qua đi, tới khi nào trái hư thối thì bỏ chứ không ăn. Không ăn thịt bà lão tội nghiệp vì trái rữa đến đâu thì xương thịt bà lão ngoài đồng cũng thối rữa đến đó. Truyền thuyết ấy không rõ tác giả nhưng khắc sâu trong tâm trí chúng tôi muôn đời. Khắc sâu trong ký ức tôi hôm bà lão lưng còng đến người bà là một góc vuông. Bà lão được tôi phát hiện đầu tiên trong đám bạn bè từ chiều hôm ấy. Bà lão qua đời bên vách tiệm vàng Kim Nguyên - là một gian kios vòng ngoài ngôi chợ. Bà lão đã ám vào tôi mùi chợ chiều. Những chiều sau này, đôi khi đi đâu về ngang qua chợ vào giấc chập choạng tối. Tôi như ghiền hơi chợ chiều, thèm mùi cải ối… mùi hương khó ngửi đó nhưng nó ấm áp tuổi thơ đi, coi vậy mà dễ ngửi hơn tuổi trưởng thành đang bế tắc. Tôi thường ghé qua chợ, táp cái xe đạp vô sạp vắng, một mình. Những người bạn nhỏ cười vang trong ký ức. Những bà mẹ già xum xúp mẹt rau héo hon… những hình ảnh ảo chờn vờn nhưng mang tôi ra khỏi hiện tại không tiền vượt biên, không tiền mai ăn sáng, ngay bây giờ cũng không tiền đi quán cà phê… tôi thấy mình là bà lão chết gục ở một góc chợ. Sáng ra nắng đẹp, có những người nhân dân tự vệ lo chôn cất, những kẻ chợ từ tâm góp nhặt tình người về mộ huyệt vô danh, những chú bé lưng tròng nước mắtõ, tiễn tôi về nơi xuất phát xa xưa…
Không, những ảo ảnh chỉ tái hiện khi tôi ra khỏi thính phòng ca nhạc trong buổi Đại Hội Thủy Quân Lục chiến toàn Thế Giới 2011 tại Dallas. Trong căn hội trường rộng lớn và tráng lệ của ngôi nhà thờ Việt nam mới xây. Những người lính cũ đã trắng tóc trên mái đầu đangvui cười hội ngộ. Những nét mặt hân hoan gặp lại bạn bè, đồng đội; cũng không thiếu những gương mặt trầm tư sâu lắng… chắc là đang nhớ đến bạn bè đã hy sinh; một mối tình thời trai trẻ nào đó! Tôi ưa chụp ảnh lén những khoảnh khắc xuất thần của một người không quen, để khi một mình ngồi nhìn tấm ảnh sẽ thấy ai cũng có những muộn phiền chối bỏ vẻ ngoài mãn nguyện. Vở kịch đời mà mỗi người là một kịch sĩ, khi đóng vai hớn hở thường sơ sót nhưng khi nhập vai chính mình thì ai cũng diễn rất đạt!
Trên cái hall way mênh mông vắng của nhà thờ, ánh đèn trắng nhợt như bệnh viện toả ra hơi lạnh về đêm. Người ca sĩ vừa hát xong trên sân khấu, anh lặng lẽ trở ra ngoài hall way, ngồi một mình nơi góc bàn bán CD ca nhạc của chính anh. Nét mặt anh chìm sâu vào tâm khảm. Anh diễn đạt đến tôi không dám đưa máy lên bấm tấm ảnh "xuất hồn". Anh làm tôi nhớ gương mặt bà lão đã tạc trong tôi một cảnh đời. Đống CD trên bàn vô tri vô giác như mớ rau đồng, dúm ớt, trái cà vạt, trái đậu bắp thâm kim, trái mướp non héo hắt… Người ca sĩ không tên tuổi làm cho tôi liên tưởng đến bà lão lạc con cháu. Anh gục xuống, gục xuống đống CD vì chán nản hơn là mỏi mệt. Mười ngón tay đan vào tóc rối, mắt anh đỏ hoe như gió thổi than hoang…
Nền âm nhạc Việt nam ở hải ngoại có như hoàn cảnh đất nước những năm cuối chiến tranh" Ca sĩ hải ngoại có như những bà lão hương tàn khói lạnh… Những điều không chắc nên không dám nói; chỉ thấy rõ một điều là vắng bóng từ tâm. Những kẻ chợ nơi quê nhà đã lão hoặc ra thiên cồ; nhưng những chú bé nhỏ nhoi đã quên trưởng thành - như tôi đi lặng lẽ để không khuấy động anh. Tôi ra về bình an trong bất an của người ca sĩ trẻ. Cả hai chúng tôi đều là hậu duệ của những người tốt bụng đã qua đời. Chỉ thiếu tình anh em trên địa dư quá lớn mà đồng hương quen gọi là hải ngoại.
Lần sau đi nghe ca nhạc phải chuẩn bị tiền mua vài cái CD, không cứu được nền âm nhạc Việt nam hải ngoại thì cũng cứu được tình anh em lợt lạt theo bước chân tha phương. Tôi sẽ nhớ mãi dáng tạo hình của nguời ca sĩ ấy.
Phan

Ý kiến bạn đọc
23/09/201121:57:21
Khách
1 câu chuyện miêu tả thật hay cảm giác của ~ đứa bé khi đi ngang qua ~ ngôi chợ làng, chợ huyện ...và chúng thật là tốt với ~ bà lão 0 may mắn đó ... Xin cảm ơn tác giả Phan.
20/09/201105:00:48
Khách
Bài viết rất hay...
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,302,745
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo