Hôm nay,  

Chuông Gọi Mẹ Thương

04/05/201100:00:00(Xem: 250992)

Chuông Gọi Mẹ Thương

Tác giả: Giang Thiên Tường

Bài số 3185-28485 vb4050411

Tại Hoa Kỳ, trong Tháng Năm có lễ Mother's Day. Năm nay, Lễ Mẹ là Chủ Nhật của tuần lễ thứ hai ngày 8-5-2011. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của Giang Thiên Tường là chuyện dành cho mùa lễ me. Mong tác giả sẽ tiếp tục viết và bổ tục địa chỉ liên lạc cùng sơ lược tiểu sử. 

***

Minh ngồi bẹp trên thảm, dựa lưng vào vách căn phòng ngủ để nghỉ một chút. Từ phòng khách sát bên, tiếng người ồn ào và tiếng kéo bàn ghế càng nhiều chứng tỏ số bà con, anh em tới đã khá đông và họ đang rộn rịp sửa soạn cho lễ cúng.

Minh vô tình nhìn tấm lịch treo ở vách đối diện. Những ngày trong tờ lịch tháng năm hiện ra một cách ơ thờ trước đôi mắt lơ đãng của Minh. Bỗng Minh chú ý đến hàng chữ nhỏ màu đỏ. Minh giật mình lẩm bẩm: "Chủ nhật, thứ hai của tháng 5 hàng năm nầy tuy chưa ăn sâu vào tập quán của những người mới tới như Minh, nhưng cũng tạo được ấn tượng êm đềm vì đó là ngày mà các người con hiếu thảo tặng quà cho mẹ thân yêu. Minh chợt nghe xót xa trong lòng: "Mother's Day năm nay cũng là ngày giỗ của mẹ! Đúng ra ngày giỗ nầy nhằm thứ tư tuần trước, nhưng gia đình quyết định dời lại chủ nhật cho tiện việc sắp xếp.

Ở Việt Nam, cũng có ngày rằm tháng 7 âm lịch, ngày lễ Vu Lan báo hiếu là dịp để cho con cháu cầu siêu cho cha mẹ, ông bà quá vãng, nhưng không có ngày nào dành riêng cho mẹ hãy còn sống cũng như đã mất như ngày Mother's Day ở Mỹ.

Mother's Day, ngày "Mẹ Thương", Minh tự dịch ra theo tiếng Việt như vậy vì từ ngữ nghe sao thật dịu dàng, thương mến. Minh cũng đã được hội nhập vào văn hóa Mỹ, từng được kể về lịch sử của ngày Mother's Day: Cách đây hơn 100 năm, một cô giáo Mỹ tên là Anna đã phát động rầm rộ một phong trào thành lập ngày Mother's Day để vinh danh và biết ơn các bà mẹ. Cố gắng của cô đã được đền đáp khi Tổng Thống Mỹ Woodrow Wilson năm 1914 ký đạo luật thừa nhận Mother's Day là ngày lễ quốc gia, nhằm ngày chủ nhật thứ hai của tháng 5.

Hoa mà cô Anna thích dùng để tặng mẹ là hoa cẩm chướng trắng, white carnation, cũng đã được cả nước Mỹ dùng để tặng cho mẹ đã qua đời.

Minh lơ đãng nhìn lên tủ sách, tình cờ thấy bình hoa hồng màu đỏ mà mình vừa cắt ở sau vườn. Hoa màu đỏ chỉ dành cho mẹ lúc còn sống. Minh chợt nghe xót xa.

Đối với Minh thì các việc cúng kiến trong gia đình không quan trọng mấy vì Minh rất ít tin tưởng. Còn về việc nấu nướng cho lễ cúng thì Minh khỏi lo. Từ khi mẹ mất đến nay, các chị rất cưng Minh vì là em trai út còn độc thân. Trong tất cả các buổi tiệc, các chị dành lo tất cả, mỗi chị đem lại một số món ăn đặc biệt. Khỏi cần tưởng tượng gì cho mấy, Minh cũng biết được lễ cúng hôm nay sẽ có những món gì. Nầy nhé, chị cả thì chắc chắn phải có món vịt tiềm và xôi hấp với sầu riêng, hai món mà chị đã từng "khổ luyện" nhiều năm nay để chuẩn bị mở tiệm ăn. Chị kế thì sở trường cá hấp cuốn bánh tráng và bò kho, những món ăn mà chị đã thuộc làu từ thời con gái, còn chị út kế Minh thì luôn luôn bận rộn chị chuyên môn có món vịt quay... mua ở chợ Việt Nam.

Minh cũng dành lấy một việc nho nhỏ là sắp xếp bàn ghế. Từ khi cha mẹ mất, Minh phải lo căn nhà vì các chị đã có gia đình ở riêng. Đã là chủ nhà thì ít nhất phải biết dọn bàn ghế. Bổn phận của Minh trong các lễ cúng chỉ có thế thôi, sau đó là nhập tiệc.

Nhưng giỗ nầy có hơi khác. Thấm thoát mẹ đã qua đời được ba năm. Theo phong tục, con cháu có quyền xả tang và Minh được giao "trọng trách" tìm cho bằng được các khăn tang cho buổi lễ.

Minh không thích lễ nghi nên không giữ kỹ lưỡng các khăn tang sau tang lễ mẹ từ ba năm nay. Việc tìm lại một món đồ nhỏ bé không phải là chuyện dễ, nhất là trong một căn nhà ngổn ngang đồ đạc nầy.

Minh tiếp tục ngồi trên thảm, bên cạnh thùng đồ vừa trút ra, đưa mắt nhìn căn phòng ngủ chật hẹp và bề bộn đồ đạc của mình một cách ngao ngán. Minh vừa thở dốc vừa thầm nghĩ: "Mới chỉ lục có một thùng mà đã cực như vậy rồi, huống chi có cả chục thùng!" Đồ đạc của Minh quá nhiều mà phòng lại chật không có chỗ đặt tủ, nên phải để bừa bãi khắp mọi nơi. Bà chị thấy khó chịu quá, xin ở tiệm buôn các thùng giấy cứng về bắt Minh phải xếp vào. Nhưng nào có thứ tự gì hơn đâu! Chứng nào tật nấy, tất cả đồ đạc đều được Minh thồn vào thùng, không hề phân loại, miễn sao đậy nắp lại được mà thôi.

Các khăn tang cũng chịu chung số phận, bị nhét vào nơi nào hay một thùng nào đó. Hiện giờ chúng nằm ở thùng nào đây" Thật khó nhớ và khó đoán quá!

Thùng vừa trút ra sở dĩ được "chiếu cố" đầu tiên vì nó nằm phía ngoài, dễ với tới nhất. Tuy có chút quần áo bên trên nhưng khi trút ra thì ôi thôi, toàn là băng nhạc bên dưới không có một tấc khăn tang nào cả.

Thùng thứ hai cũng không may mắn hơn cho Minh. Nó cũng có quần áo bên trên, nhưng nặng quá, không trút ra được, nên Minh phải bới móc từ từ. Hỡi ơi, chỉ bới một chút là đụng toàn sách vở bên dưới. Những quyển sách mới đang học thì Minh đã có kệ để, còn đây là những quyển sách cũ từ hồi mấy năm về trước mà Minh thường có tật trữ, không chịu bán lại cho sinh viên mới. Bây giờ chúng đã khá cũ, có muốn bán cũng ai mua, thật chật nhà và vô dụng hết sức.

Thùng thứ ba được chọn lựa không dựa trên tình cờ, may rủi nữa. Minh cẩn thận gõ nhẹ vào thành thùng. Tiếng kêu nghe êm êm. Quả thật đó là một thùng quần áo. Minh lật ngược được, trút hết ra, đổ đầy trên thảm và chày ra để tìm kiếm. Tiếc thay, đó toàn là những quần áo mua ở tiệm quần áo cũ từ hồi nào không hề mặc được vì màu mè xanh đỏ quá sặc sỡ, tuyệt nhiên không có tấc vải nào để hy vọng là khăn tang.

Mệt mỏi và thất vọng, Minh ngả người nằm ngay trên đống quần áo, sách vở. Đầu dựa trên một chồng tạp chí, chân duỗi thẳng ra cho đỡ mỏi, mắt nhìn bâng quơ lên trần nhà, Minh hít và thở một hơi dài cho thoải mái trở lại. Nhưng một khi ý thức không bị căng thẳng bởi thực tại, thì dĩ vãng và mơ mộng rất dễ đến dù có cố xua đuổi. Những hình ảnh của mẹ mà Minh cố quên lãng từ lâu, giờ lũ lượt hiện ra, khi mờ, khi tỏ, khi gần, khi xa. Kìa là chiếc xe lăn! Minh đang đẩy mẹ đi quanh quẩn trong phòng khách chật hẹp lúc mẹ đang vui để ngước lên rờ rẫm, săn sóc mấy cây trầu bà treo từ trần nhà, rồi đưa mẹ trở về nằm, dùng dao cắt những viên thuốc cho nhỏ bớt đi để mẹ dễ uống, rồi dọn cơm... Ý thức không tiếp tục ở đó nữa, mà vụt chạy về một nơi nào thật xa, chụp cái hình ảnh lúc Minh còn thật nhỏ, từ đâu chạy vô nhà ôm mẹ, nhưng chỉ đứng tới bụng và được mẹ cuối xuống âu yếm hôn. Ý thức vụt tắt vì đã với tới quá xa trong thời gian, ý thức bỗng quay về với một hình ảnh gần hơn, rõ rệt hơn: mẹ đang nằm trên giường, mặc bộ đồ màu hồng, xem mẹ vẫn còn có da thịt, mẹ cố níu mình xuống thấp hơn và ghì lại như muốn tạo một niềm tin bám níu vào cuộc sống và người thân. Minh đã nhớ không hôn lại mẹ vì bác sĩ bảo mẹ bị bệnh thiếu bạch huyết cầu, rất dễ bị người khác gây nhiễm hô hấp. Minh đã bù lại cho mẹ bằng cái hôn vào chân mẹ.

Mẹ đã mất rồi! Mẹ thương! Người Minh như run lên và thổn thức: trước nay có bao giờ mình nghĩ đến một ngày nào đó sống không có mẹ" Mẹ có mở lời trối trăn, dặn dò, mình đều gạt ngang như thể mẹ bất tử vì mình quá sợ khi nghĩ đến điều đó. Hình ảnh mẹ mà mình cố quên lãng, chỉ trở về lúc nầy thôi hay còn nhiều lần nữa"

Minh chợt ngồi mạnh dậy để xua đuổi những ý nghĩ đau buồn. Nhiệm vụ thực tế cũng trở lại, Minh nhìn khắp căn phòng: các thùng quần áo, thùng sách vở đã được khám xét kỹ lưỡng rồi mà không tìm được, vậy "nó" nằm ở đâu nữa đây" Các thùng còn lại đều đựng sách cũ đầy nhóc, chắc chắn không thể nào nhét những khăn tang lạc lõng vào đó được. Trí nhớ Minh bỗng lóe lên một tia sáng hy vọng. Còn một thùng nữa đựng vật dụng cá nhân của mẹ, khăn tang có thể đã được Minh xem như đồ cá nhân nên đã để chúng vào đó. Nhưng thùng nầy lẫn trốn sâu vô trong tủ closet sát tường. Muốn tới đó Minh phải hì hục dẹp cái TV lớn và máy đánh chữ hư qua một bên, ra sức đẩy cửa closet, leo qua chiếc xe lăn cũ, nhảy tót vào kế bên thùng. Tuy bị các quần áo trong closet che bớt ánh sáng, nhưng Minh cũng đoán được hộp thiếc đầu tiên lấy từ trong thùng ra là hộp đựng kim chỉ của mẹ, kế đến là một gói đựng vài quyển sổ tay, cặp kiếng, viết chì. Một bọc plastic thật lớn đựng hàng chục lọ thuốc đủ loại. Minh nhận ra được mùi nồng của dầu nóng Bengay, loại dầu nầy mỗi lần Minh lấy thoa cho mẹ khi mẹ bị đau nhức thì Minh thường cay mắt và rít tay.

Không tìm được cái khăn tang nào cả! Minh đưa tay mò mẫm tuyệt vọng một lần cuối cùng dưới đáy thùng. Bất giác bàn tay Minh chạm phải một vật gì cứng và lạnh như bằng kim loại. Minh tò mò, ép các vật khác qua một bên để có thể kéo nó ra.

Leng keng... leng keng... Vừa lấy ra là biết cái chuông. Minh nhảy ra khỏi closet, đưa ra ánh sáng quan sát. Trời ơi! Cái chuông của mẹ! Sao bây giờ nó vẫn còn đây" Thế mà Minh vẫn tưởng nó đã được chôn theo quan tài với các vật dụng khác của mẹ rồi. Nhìn kỹ, Minh thấy đúng là cái chuông mình đã mua cho mẹ thuở nào tại một tiệm chuyên bán quà Giáng Sinh. Chuông bằng sành trắng, ở thành chuông phía ngoài có vẽ hình cây Giáng Sinh màu xanh lá cây. Chóp của chuông cũng có một đốm xanh lá cây. Đúng rồi! Nó là cái chuông Minh mua cho mẹ ngày Mother's Day trước đây. Còn cái chuông đã chôn theo mẹ" Có thể là cái chuông của bé Tý, cháu ngoại mẹ, mua tặng mẹ. Chuông của bé Tý bằng thủy tinh, mẹ sợ bể nên cất kỹ không xài.

Leng keng... leng keng... vô tình Minh để chuông vuột khỏi tay rơi xuống thảm. Chuông bằng sành đụng thảm không bể được, tiếng chuông lại rất thanh và không quá ồn ào. Phải rồi, nó rất tiện lợi nên không phải chỉ là quà tặng chơi mà là vật hữu dụng cho mẹ. Khi xưa, mẹ tàn phế lại bị cao áp huyết, tiếng mẹ lại nhỏ, sợ mẹ gọi không nghe được nên Minh mới mua cho mẹ cái chuông để khi lên cơn mệt, mẹ rung chuông gọi mình lại cho kịp thời.

Bệnh áp huyết cao mẹ rất lạ kỳ, bạo phát, bạo tàn. Vừa mới nói chuyện bình thường, khi Minh vừa quay lưng đi là mẹ có thể làm mệt và rung chuông kêu cứu. Minh chạy lại ngay và nhờ biết đo nên biết là áp huyết đang lên đột ngột. Mẹ thở hổn hển, đau ngực dữ dội và mệt như người sắp chết. Vì bệnh quá cấp kỳ, nên bác sĩ đã cho Minh một loại thuốc nặn dưới lưỡi chỉ có vài phút là trấn áp được cơn bệnh, nhưng đó là vài phút rất căng thẳng của một người con cô độc trước một bà mẹ đang hấp hối và... tử thần. Lần nào Minh cũng chiến thắng được - trừ lần cuối cùng - nhưng chiến thắng một cách chật vật, đầy lo âu và sợ hãi. Leng keng... leng keng... tiếng chuông của mẹ thương yêu gọi cấp cứu vẫn còn văng vẳng đâu đây. Minh nhớ lại cứ mỗi lần nghe tiếng chuông, bất cứ đang ở đâu hay đang làm việc gì Minh cũng bỏ ngay, chạy lại trong lo âu và có khi Minh sợ đến nỗi hai tay chân lạnh ngắt. Giờ nghe tiếng chuông, Minh bất giác rùng mình, hai bàn tay và chân bắt đầu lạnh. Sợ ma chăng" Không, Minh không tin tưởng có linh hồn thì làm gì có ma để mà sợ. Sợ tử thần" Có thể đúng, sợ tử thần sắp cướp mẹ như trong những lần mẹ lên cơn mệt trước đây. Nhưng lần nầy không còn mẹ nữa, sao tay chân Minh vẫn cứ lạnh khi nghe tiếng chuông" Lạ thật! Minh kéo mền đắp lên hai bàn chân lạnh ngắt của mình, đồng thời xoa hai bàn tay với nhau để tạo sức ấm. Minh bỗng vụt nhớ đến con chó trong thí nghiệm sinh vật học của nhà bác học Darwin cách đây hàng thế kỷ. Mỗi lần con chó ăn, ông đều rung chuông, về sau khi nghe tiếng chuông dù không có thức ăn, chó vẫn tiết ra dịch vị. Minh chợt hiểu ra điều kỳ bí trong phản ứng của mình khi nghe tiếng chuông. Đó chắc chỉ là phản ứng có điều kiện như con chó trong thí nghiệm trên. Nhưng ôi! Phản ứng này lại kèm theo bao nhiêu nhớ thương, lo âu, đau khổ!

Minh kéo mền phủ kín cả người. Minh vẫn còn nghe lạnh, nhưng bây giờ là lạnh toàn thân và lạnh cả tâm hồn! Lạnh lẽo và cô đơn!

Leng keng... leng keng... tiếng chuông dĩ vãng cứ còn văng vẳng, buồn bã, hầu như không thể nào thoát khỏi ký ức được. Minh âm thầm thổn thức: Mẹ ơi! "Con Chó Con" của mẹ - như mẹ đã từng gọi - lo cho mẹ quá, mẹ đã đỡ mệt chưa, sao không nói gì cho con biết" Để con đắp mền và thoa dầu cho mẹ ấm nha mẹ! "Con Chó Con" của mẹ không những biết lo mà còn biết thương, biết ân hận. Mẹ ơi! Con nhớ, con thương mẹ quá mẹ ơi! Có những lúc mẹ vô tình đụng cái chuông vì tính mẹ hay lục lọi đồ đạc chung quanh giường, cái chuông quá nhạy nên đã kêu ầm lên, con sợ chạy lại ngay, nhưng không thấy chuyện gì cả, con tỏ ra hờn dỗi mẹ, mẹ tha lỗi cho con nhé mẹ!

Sau một lúc đau buồn với dĩ vãng, Minh bỗng tung mền vùng dậy vì vừa nghĩ ra một sáng kiến độc đáo. Minh cầm chuông lên cao lắc một lúc thật lâu cho tiếng chuông ngân nga thật dài như kéo một dĩ vãng nào thật xa xôi, mơ hồ về với hiện tại.

Leng keng... leng keng... leng keng... leng keng... Dĩ vãng đã thực sự về! Minh chụp lấy nó, sống với nó và nói chuyện với nó. Mẹ ơi! Mẹ! Khi xưa mẹ đã dùng chuông nầy để gọi con lại săn sóc mẹ, thì nay con cũng dùng chuông nầy để rước mẹ về chia sẻ niềm cô độc của con chiều nay. Mẹ về với con nhe mẹ! Mẹ về các con hôm nay, một ngày của tình mẫu tử thiêng liêng. Mẹ ở Hoàng Hôn Nghĩa Trang quá xa xôi, lạnh lẽo, còn con cũng cô đơn hiu quạnh trong căn phòng nhỏ bé nầy. Mẹ về để hai mẹ con mình ấp ủ cho nhau, để con dâng cho mẹ buổi ăn chiều với các món ăn ngon nhất của các chị con!

Mẹ đang về với con đó hở mẹ" Để con được rờ rẫm da thịt mẹ, để con hôn mẹ thật nhiều! Hôn lên cả bộ đồ màu hồng mà mẹ thường hay thích mặc. Để con kể chuyện cho mẹ nghe như khi mẹ đi đâu xa về, mẹ thường bảo con kể cho mẹ nghe những chuyện xảy ra trong nhà. Con sẽ kể gì đây" Con nhớ gì thì kể nấy nghe mẹ. Con chắc mẹ cũng thích biết những điều con kể.

Mẹ ơi! Con đã khóc thật nhiều! Khóc thật nhiều khi bà bác sĩ ở phòng cấp cứu cho con hay bà đã làm hết sức nhưng rất tiếc cũng không cứu mẹ được. Tin đó không ngoài khả năng dự trù vì mẹ bị bệnh nan y, nhưng vẫn ngoài khả năng chịu đựng của con! Con nhớ đã nuốt vội nghẹn ngào cái bánh đang ăn dở chừng và bắt đầu khóc thút thít như em bé cho đến khi các chị con tới. Rồi sau đó là những ngày rất bận rộn, nhưng con không nhớ được gì nhiều vì lúc đó lòng con trở nên thẫn thờ, vắng lặng không còn chú ý gì tới ngoại cảnh. Nhưng có điều chắc chắn là tang lễ được các anh chị con lo rất chu đáo và mẹ được tới kế bên nơi ba nằm trước đây, nơi ba khen có tên thật hay là "Sunset Lawn", Hoàng Hôn Nghĩa Trang, cái tên mà ba nói đã vừa diễn tả được sự vắng lặng của không gian và sự yên tĩnh của cuộc đời! Mẹ ơi! Giỗ nầy linh hồn mẹ có được yên tĩnh không hở mẹ" Mẹ có còn phải lo lắng cho con, cho từng miếng ăn, cái ngủ, cả sự học hành của con không hở mẹ"

A! Để con kể tiếp cho mẹ nghe chuyện đám tang mẹ nhé! Các chị con, bà con, bạn bè đến giúp đỡ và lo lắng rất chu đáo. Mỗi người quen biết đều có tới thắp nhang trước linh cữu mẹ.

Chuyện vui buồn còn nhiều lắm mẹ ơi, nhưng con không còn đủ thì giờ kể nữa vì các chị con đã bắt đầu làm lễ. Thôi thì thỉnh thoảng con nhớ mẹ, rung chuông gọi mẹ về để hai mẹ con mình hàn huyên mẹ nhé. Bây giờ hai mẹ con mình ra dự lễ để mọi người khỏi chờ đợi.

Minh lau nước mắt, quyết định ra phòng khách nhận lỗi với các chị mình là đã làm mất khăn tang. Biết thế nào cũng bị các chị trách, Minh vẫn nghe phơi phới trong lòng vì đã được bù lại một phần thưởng rất lớn mà không ai biết và cũng không ai được hưởng. Đó là lần đầu tiên trong các lễ cúng ông bà Minh đã thực sự rước được mẹ thương của mình về cùng chung vui.

Minh lặng lẽ đặt cái chuông quí giá lên bàn thờ, cái chuông để gọi mẹ thương. À quên nữa mẹ ơi! Để con đem bình hoa hồng tươi tắn mà con đã hái sau vườn ra tặng mẹ. Vườn nhà mình chỉ có hoa hồng đỏ, không có hoa cẩm chướng trắng white carnation - như tục lệ của Mỹ để tặng mẹ đã qua đời ngày Mother's Day. Nhưng mẹ ơi! Hôm nay mẹ đã thực sự về với con thì con tặng mẹ hoa hồng đỏ như lúc mẹ con mình có nhau nha mẹ!

GIANG THIÊN TƯỜNG

Ý kiến bạn đọc
08/05/201121:22:12
Khách
Bài Chuông Gọi Mẹ Thương xin cho 5 sao. Cám ơn.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,317,731
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. Sau đây thêm một bài viết mới.
Tác giả là một kỹ sư hồi hưu, đã sống 25 năm bên Pháp, hiện là cư dân Irvine, từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2013. Đây là bài viết mới của Ông.
Tôi đi mình lên trong chuyến xe lửa từ Paris sang Thụy Sĩ với tâm trạng nôn nao và thoáng lo âu ngần ngại, mặc dù đây không phải là lần đầu thân gái dặm trường xuyên quốc gia như thế này
Nguyệt Mị là bút hiệu lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ, nhưng trong tháng trước tác giả đã có bài "Nước Mỹ là nhà của Mị" ký tên thật là Quynh Gibney.
Tác giả: Nguyễn Thị Thêm Bài số 5834-20-31618-vb5111419 Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2015. Bà sinh năm 1948 tại Biên Hòa, cựu học sinh Ngô Quyền. Trước 1975, dạy học. Qua Mỹ năm 1991 theo diện HO, hiện là cư dân Nam Ca Li. Bà kể, "Chồng tôi là lính VNCH. Hai con tôi nay là lính của quân đội Hoa Kỳ. Tôi hết làm vợ lính lại làm mẹ lính." Sau đây là bài viết mới của tác giả.
Tác giả từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2018. Là một cựu tù cải tạo vượt ngục và là người lái tầu vượt biển, ơng định cư tại Mỹ từ 1990, hiện làm việc theo một hợp đồng dân sự với quân đội Mỹ, từng tình nguyện tới chiến trường Trung Đông và Châu Phi.
Tác giả tên thật Trần Năng Khiếu. Trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH. Đến Mỹ năm 1994 theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012. Hiện là công dân hưu trí tại Westminster.
Tháng Năm 2018, tại Việt Báo Gallery, có buổi ra mắt sách Anh ngữ "Finding My Voice A Journey of Hope" của Crystal H. Vo tức Võ Như Ý, từng dự Viết Về Nước Mỹ từ 2009.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017. Bà sinh năm 1951 tại miền Bắc VN, di cư vào Nam 1954, là thư ký hành chánh sở Mỹ Defense Attaché Office (DAO) cho tới ngày 29 tháng Tư 1975.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017. Bà sinh năm 1951 tại miền Bắc VN, di cư vào Nam 1954, là thư ký hành chánh sở Mỹ Defense Attaché Office (DAO) cho tới ngày 29 tháng Tư 1975.