Hôm nay,  

Niềm Vui Ngày Xuân

17/01/201100:00:00(Xem: 197999)
Niềm Vui Ngày Xuân

Tác giả: Nguyễn Trần Phương Dung
Bài số 3096-28396 vb2011711
(Trích báo xuân Việt Báo 2011)

Chưa Tết mà đã thấy xuân, ấy là vì báo Xuân Việt Báo Tết Tân Mão 2011 đã phát hành khắp nơi từ cuối tuần qua. Năm nay, Việt Báo Viết Về Nước Mỹ vinh dự được mừng sinh nhật vị tác giả trưởng thượng của chúng ta là Bà Trùng Quang, vừa sang “tuổi tròn trăm”. Bài sau đây của Nguyễn Trần Phương Dung -giải vinh danh tác phẩm Viết Về Nước Mỹ 2008- là một trong những bài viết về Bà Trùng Quang, trích từ báo xuân. Phương Dung sinh năm 1972, rời Việt Nam năm 10 tuổi, tốt nghiệp Management Information System. Hiện là cư dân Florida nhưng làm việc cho Cisco System Inc., công ty có bản doanh tại San Jose.
Kề từ hôm nay, những bài viết về nước Mỹ 2011 trong báo xuân của nhiều tác giả khác cũng sẽ lần luợt phổ biến.
ba-trung-quang-400-large-contentCụ bà Trùng Quang và tác giả Phương Dung.

***

Hăm ba ông Táo dạo chơi xuân
Đội mũ, đi hia, chẳng mặc quần
Trời hỏi tại sao ăn mặc thế
Thưa rằng hạ giới nó duy tân

Đọc xong bài thơ, bà cụ lỏn lẻn cười, đôi mắt thoáng lên chút tinh nghịch. Tôi tròn mắt:
- Sao ông Táo không mặc quần vậy Bà"
- À, cô lớn lên ở Mỹ chắc không biết. Thời trước ở Việt Nam, người ta bán vàng mã để đốt trong dịp cúng kiến, chẳng hiểu sao bộ đồ của ông Táo có áo, có mũ, có hia mà lại chả có quần.
- Vậy thì ông Táo cưỡi cá chép về chầu Trời tha hồ... mát, bà nhỉ"
Hai bà cháu cùng cười. cụ bà tủm tỉm đọc lại hai câu đầu của bài thơ lần nữa, rồi dặn dò:
- Cô viết bài cho báo Xuân, bảo chồng cô vẽ thêm tấm hình ông Táo không mặc quần. Nhớ nói là cách đây 60 năm, cô đọc bài thơ diễu táo quân này trong mục thơ vui trên tờ báo Phong Hóa của ông Nguyễn Tường Tam... 
Tôi đang định đáp, lúc đó con còn chưa có trong đầu gối của Ba con, làm sao mà biết đọc, thì cụ bà đã nắm tay tôi:
- Không được, 60 năm trước cô đã ra đời đâu.
Hai bà cháu lại cười. Tôi thầm khâm phục sự minh mẫn của cụ bà . Người ta nói người già hay nhớ chuyện cũ, còn chuyện mới xẩy ra thì quên tiệt. Riêng cụ bà thì chuyện xưa chuyện nay đều rành rọt. Bà còn tính nhẩm nhanh cấp kỳ. Chả thế mà hôm gặp cả hai vợ chồng lần đầu, Bà đòi cho xem hình gia đình rồi hỏi chúng tôi lấy nhau bao giờ mà con lớn vậy" Khi tôi thưa năm 1996 thì Bà gật gù, "Lấy nhau 14 năm, con gần 13 tuổi phải rồi." Hôm nay hai bà cháu bàn việc viết bài cho Giai Phẩm Xuân Tân Mão của Việt Báo. Nghe Bà bảo không muốn viết về đề tài những gì người khác đã viết, tôi gợi ý:
- Hay là Bà viết về cuộc đời của Bà"
- Viết về văn hóa hay lịch sử, chứ ai lại viết về đời tư của mình.
- Nhưng bà đã trải qua nhiều biến cố trọng đại của đất nước, Bà là chứng nhân lịch sử, những câu chuyện của Bà sẽ cho chúng con hiểu thêm về lịch sử và biết thêm về văn hóa.
cụ bà trầm ngâm một lúc rồi khẽ lắc đầu:
- Dạo này tôi không được khỏe, tay lại đau, chắc không viết được đâu. Những người trẻ như cô nên viết. Để tôi đọc bài thơ vui cho cô lấy ý viết nhá...
*

Vâng, cụ bà trong bài này chính là Bà Trùng Quang, vị tác giả niên trưởng của Viết Về Nước Mỹ. Tôi ôn lại những kỷ niệm nho nhỏ với Bà với tấm lòng quí mến của một đứa cháu đối với Bà của mình.
Cụ bà Trùng Quang sinh ngày 1, tháng 1, năm 1912. Tết Tân Mão năm nay Bà được đúng một trăm tuổi ta. Sau nhiều năm mất đi cái háo hức đón Xuân của tuổi nhỏ, năm nay lòng tôi lại nôn nao, nôn nao. Tôi nôn nao chẳng phải vì năm nay sẽ được đốt phong pháo đón giao thừa, càng không phải vì sẽ nhận được những bao bì đỏ, cũng không hẳn vì sẽ được diện chiếc áo dài mới mà các chị trong tòa soạn Việt Báo đã ưu ái may tặng, nhưng vì Tết năm nay cụ bà tôi quí mến thượng thọ một trăm tuổi ta, một cái mốc đặc biệt của một cụ bà hết sức đặc biệt.
Mỗi lần nghĩ đến cụ bà, lòng tôi dâng lên một nỗi xúc cảm khó tả. Trong số các tác giả Viết Về Nước Mỹ mà tôi quen biết, cụ bà là người tôi đặc biệt quí trọng, không duy nhất vì Bà gợi nhớ hình ảnh Bà Nội đã quá cố của tôi, hay vì Bà có lối nói chuyện thú vị và tếu ngầm, nhưng còn vì cuộc đời và những đóng góp đặc biệt của Bà cho văn học, xã hội.
Năm 2003, danh sách kết quả Giải Thưởng Viết Về Nước Mỹ của Việt Báo có bài "Tôi Đi Tìm Tự Do Dân Chủ". Tò mò tôi tìm đọc, và khâm phục nhân vật tác giả ở tuổi 80 vẫn cắp sách đi học Đại Học Cộng Đồng, ở tuổi 90 vẫn cầm bút sáng tác thơ, văn. Tôi tự nhủ phải noi gương Bà, tích cực hơn trong những sinh hoạt văn hóa, và hưởng ứng lời kêu gọi "cùng đọc, cùng viết" của Bà.
Nghĩ thì nghĩ vậy, nhưng mãi đến năm 2007 tôi mới gửi bài viết đầu tiên về Việt Báo. Trong khoảng thời gian đó, tôi đọc thêm một số bút ký, đoản văn và thơ của Bà trên các diễn đàn và các tuần báo, nguyệt san, đặc san, tạp chí. Tôi cũng biết việc Bà được Hội Đồng Giám Sát của Thành Phố và Quận Hạt San Francisco tặng Bằng Vinh Danh vì các đóng góp của Bà cho nền văn hóa, văn chương Việt Nam Hải Ngoại. Mỗi lần đọc được bài viết của Bà hoặc về Bà, tôi đều thấy vui vui trong bụng.
Sau khi tham gia Viết Về Nước Mỹ, hai năm đầu về dự họp mặt tác giả, tôi đều ngóng tìm Bà nhưng không thấy. Mãi đến năm vừa rồi, khi chuẩn bị cho mục Đố Vui cho buổi Lễ Phát Thưởng và kỷ niệm 10 năm Viết Về Nước Mỹ, qua những người quen của Bà và truy tìm trên mạng, tôi biết thêm nhiều điều lý thú về vị tác giả trưởng thượng này. Cuộc đời của Bà như quyển sử cũ, mà hậu bối là tôi có cơ hội giở lại từng trang, trân trọng.
Từ những năm 40, bà đã là một trong những phụ nữ tiền phong trong các hoạt động văn hóa giáo dục xã hội. Học trò cũ của Bà gồm nhiều tác giả và nghệ sĩ danh tiếng. Bà là người đã đưa nữ tài tử Kiều Chinh lên nhà Hát Lớn Hà Nội lần đầu vào thập niên 50 với vở nhạc kịch do chính Bà sáng tác và đạo diễn. Cũng tại Hà Nội, Bà đã thành lập Hội Phụ Nữ Việt Nam đầu tiên mang tên "Hội Phụ Nữ Tương Tế". Sau khi di cư vào Nam năm 54, Bà đi du học bên Nhật mấy năm rồi về mở trường Việt Nữ dạy tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Nhật, và dạy nghề cho phụ nữ như: cắt may, nấu ăn, uốn tóc, trang điểm, cấm hoa... Có thời Bà làm búp bê để xuất cảng ra ngoại quốc. Sau bốn năm làm búp bê, Bà xây được căn nhà ba tầng lầu, một thành công đáng kể. Đổi đời, Bà vượt biển, sang Pháp rồi cuối cùng định cư ở Mỹ. Tuy tuổi đã cao, Bà vẫn đi thi, và đậu, quốc tịch Mỹ. Bà đi làm, đi học, và liên tục đóng góp bài vở nghiên cứu hoặc sáng tác...
Càng biết thêm về Bà, tôi càng ngạc nhiên thích thú và mong có dịp gặp. Cơ hội đã đến vào đầu tháng tám vừa rồi, khi chú Trần Dạ Từ biết tôi đang ở Bắc Cali, nhờ tôi đến thăm và "dỗ" Bà về Nam Cali khai mạc buổi Lễ Phát Thưởng 10 năm Viết Về Nước Mỹ.
Chiều hôm đó tan sở, tôi đón tác giả Iris Nữ Đinh đến thăm cụ bà ở khu chung cư của người cao niên trên đường South King Road. Căn hộ của Bà nằm trên lầu hai, trên cánh cửa có dán lá cờ Mỹ. Dù đã trọng tuổi, cụ bà vẫn sống một mình. Hằng ngày buổi sáng có nhân viên xã hội đến phụ giúp chợ búa và công việc nhà, buổi tối có người đến ở lại, ngoài ra Bà vẫn tự lo. Một lần Bà để tôi ngồi đợi trong khi vào bếp sới nồi cơm thơm phưng phức...

Khi nghe chúng tôi giới thiệu là người của Việt Báo gửi đến, cụ bà chỉ mấy cuốn sách Viết Về Nước Mỹ ở trên bàn và hỏi chúng tôi là tác giả của những bài nào. cụ bà còn rất sáng suốt, chỉ tội bị lãng tai. Thưa chuyện với Bà phải vừa gào vừa dùng động từ tu-quơ, hoặc viết ra giấy. Khác với những người bị lãng tai hay nói lớn, cụ bà nói chuyện rất nhỏ nhẹ. Bà có lối nói gẫy gọn nhưng tếu ngầm rất dễ thương, như khi tôi hỏi, "Bà ơi, Bà khỏe không Bà"" thì nhận ngay câu đáp, "Khỏe, nhưng điếc!" Chúng tôi nói chuyện với Bà mà cười bò lăn bò càng. Nhưng đừng tưởng Bà vui vẻ là dễ dụ đâu nhé. Mời Bà đi dự họp mặt Viết Về Nước Mỹ, đem đủ chiêu bài ra dỗ: nào là mời Bà chọn đi máy bay với vợ chồng tôi hoặc đi xe đò Hoàng với cô Iris, nào là xuống đến nơi sẽ có gia đình cô chú Từ-Nhã ra đón, nào là mời Bà phát biểu khai mạc, và bọn con cháu sẽ tặng một giải thưởng đặc biệt cho niên trưởng Viết Về Nước Mỹ... Mặc cho chúng tôi năn nỉ ỉ ôi muốn gẫy lưỡi, cụ bà vẫn một mực từ chối, "Cảm ơn, nhưng tôi không đi được. Sức khỏe tôi không cho phép."
Nhiệm vụ thất bại, tôi và cô Iris tiu nghỉu ra về sau khi để lại số phone, hy vọng Bà sẽ đổi ý. Trưa hôm sau, đang cùng lũ nhóc chơi ở WaterWorld Park thì cô Iris điện thoại, bảo cụ bà đang kiếm. Tôi hí hửng gọi lại để nghe giọng Bà trìu mến, "Phương Dung đi đâu, sao không đến thăm tôi""
Tôi hẹn sẽ trở lại thăm cụ bà vào thứ hai tuần sau. Lần này có thêm ông xã tôi mới từ Florida sang. Đến giờ hẹn, lên đến phòng thì đã thấy Bà mở cửa chờ sẳn. Bà cười với tôi và cô Iris rồi chỉ Thy, hỏi:
- Ai đây"
- Thưa Bà, đây là chồng con.
Tội nghiệp, Bà nghe chữ được chữ mất, tỏ vẻ ngạc nhiên:
- Con của Phương Dung à"
Ông xã tôi thuộc loại phá phách, được dịp gật đầu trêu:
- Dạ vâng, con là con của cổ.
Cô Iris vội đánh vào vai chàng, "Khỉ!" rồi quay sang Bà, giơ lên hai ngón trỏ:
- Anh này là chồng của Phương Dung, không phải con đâu Bà ơi.
Bà gật gật đầu, cười. Thy còn vớt vát:
- Con là Thy i dài, không phải i ngắn đâu nha Bà.
Vào ghế ngồi, hỏi thăm sức khỏe, cụ bà cười:
- Khỏe, nhưng vẫn điếc!
Nói chuyện dăm ba câu, lại đem buổi họp mặt Viết Về Nước Mỹ ra nói. Bà vẫn lắc đầu:
- Tôi đã nhất định không đi là không đi.
Biết không thay đổi được ý định của cụ bà , chúng tôi chuyển qua kế hoạch B: quay video Bà chào mừng quan khách, các tác giả và độc giả để chiếu trong buổi lễ. Sau khi biết ý định của chúng tôi, Bà ngồi trầm tư mấy phút trong khi chờ chúng tôi set up. Xong đâu đấy, Bà nhìn thẳng ống kính, mạch lạc nói lời chúc mừng 10 năm giải thưởng Việt Báo và kêu gọi các bạn trẻ tham gia Viết Về Nước Mỹ ngày càng đông hơn. Chúng tôi quay chỉ một lần là xong, sau đó ngồi nói chuyện và chụp hình với Bà thật vui. Mỗi lần chụp một tấm hình là Bà lại đòi xem, xem xong cười híp mắt. Thy nói đùa nho nhỏ:
- Bà cười tươi quá. Lúc còn trẻ chắc Bà đẹp và điệu phải biết.
Ngồi chơi đến hơn 6 giờ, chúng tôi chào Bà ra về, hẹn sau lễ phát thưởng sẽ trở lại. Bà đi bằng walker đưa chúng tôi ra cửa, miệng nói:
- Cảm ơn đến thăm tôi. Thank you very much!
Xuống Nam Cali, đến trụ sở Việt Báo thông báo cụ bà không về được, ai cũng tiếc. Cô Nhã Ca cho xem hình Bà chụp chung với các chị em gái hồi còn trẻ. Bà mặc áo dài, đầu vấn khăn nhung sang trọng. Nhìn Bà tôi nhớ lại Bà nội của tôi ngày xưa cũng ăn vận như vậy. Bà đẹp thật!
Bốn ngày vui qua thật mau, chiều thứ hai về đến San Jose là vợ chồng tôi vội vàng đến thăm cụ bà vì sáng sớm ngày hôm sau phải về lại Florida. Vừa thấy mặt là Bà cười, hỏi:
- Phương Dung và Thy-i-cà-rét đi dự Viết Về Nước Mỹ có gì vui, kể cho tôi nghe.
Chúng tôi thuật lại những điểm son của buổi phát thưởng, chuyện chiếu video clip cùng những lời thăm hỏi của mọi người đến Bà. Bà có vẻ cảm động khi cầm cuốn sách VVNM 2010 và hai tờ nhật báo: một tờ đăng lại bài "Tôi Đi Tìm Tự Do Dân Chủ", một tờ đăng tấm hình Bà cười tươi rói nơi trang nhất.
Khi chúng tôi chào về, Bà dắt tôi ra bếp, mở tủ lấy một lon sửa bột Ensure lớn, dúi vào tay:
- Cảm ơn cô mang sách, báo về biếu tôi. Tôi tặng cô hộp sữa.
Tôi đang tần ngần không biết phải từ chối làm sao vì đồ đạc mang về Florida đã đầy nhóc các vali, thì Thy đã đến bên cạnh nói:
- Bà có lòng cho, em nhận cho Bà vui.

*
Một tháng sau, tôi trở lại San Jose công tác và tranh thủ đến thăm cụ bà một buổi chiều sau giờ làm việc. Rút kinh nghiệm đau thương từ những lần gặp mặt trước, lần này tôi mang theo đầy đủ giấy bút để "đàm đạo". Khi cần nói gì, tôi viết ra giấy. Bà đọc, rồi thủng thỉnh trả lời. Tôi không phải "hét khan cổ" và Bà không phải khổ sở lập lại, "Vẫn không nghe."
Chúng tôi bàn về đề tài cho Báo Xuân. Bà đọc cho tôi nghe bài thơ diễu táo quân trên tờ báo Xuân của hơn nửa thế kỷ trước, và cho tôi xem "Câu Chuyện Về Gió", một bài thơ Bà sáng tác theo lời yêu cầu của người bạn thi sĩ ở Oregon. Tôi hỏi về những năm tháng Bà học ở Đại Học Quốc Tế Nhật. Bà đem ra chiếc áo kimono Bà tự cắt, may, và bảo tôi mặc thử để Bà chụp cho tấm hình kỷ niệm. Bà kể chuyện mấy chục năm trước ở Hà Nội, dẫn các cô nữ sinh đi đạp xe ở vườn bách thảo. Bà còn nhớ các cô mặc áo màu xanh da trời, còn Bà thì mặc áo vàng...
Thế đó, tôi đã ngồi với cụ bà mấy tiếng đồng hồ, say sưa nghe Bà hồi tưởng chuyện xưa, quên bẵng luôn cái hẹn đi chơi bowling với các đồng nghiệp trong sở. Khi tôi ngó lại đồng hồ và chạy thục mạng trở về, cũng chỉ bắt kịp cái đuôi của bữa ăn tối với xếp lớn.
Chẳng sao cả, chips và burrito của nhà hàng Mễ Tây Cơ không thể nào hấp dẫn bằng những câu chuyện cũ của cụ bà được!
Trở về Florida, tôi gọi hỏi thăm cụ bà thêm được vài lần. Không phải tôi không nhớ đến Bà thường xuyên, chỉ là nói chuyện qua điện thoại với Bà quá khó khăn. Dù khó nghe, nhưng khi đã nhận ra tôi thì câu kế của Bà luôn là:
- Phương Dung đấy à" Nhớ tôi, gọi hỏi thăm tôi à" Thank you.
Mỗi lần nghe Bà nói cảm ơn, lòng tôi lại rưng rưng. Nhớ ngày xưa đến thăm Bà Nội, trước khi về lần nào Bà Nội cũng nắm tay tôi, nói, "Bà cảm ơn con."
Sau này cụ bà và tôi nhắn tin qua lại bằng thư-ốc-sên. Bưu điện đưa thư từ đông qua tây nước Mỹ lâu hơn hai ngày, nhưng khi đọc tôi biết chắc Bà sẽ hiểu được ý tôi ngay. Lá thư vừa rồi, Bà hỏi tôi đã viết xong bài cho Báo Xuân chưa, gửi cho Bà đọc. Trong thư trả lời, tôi thưa, "Con sẽ viết một bài đặc biệt. Con hy vọng khi Bà đọc, sẽ thích."
Tôi chờ đợi ngày mùng một Tết để được gọi về Cali mừng tuổi Bà, để được nghe Bà hỏi, "Phương Dung ở Florida đấy à" Nhớ tôi, gọi cho tôi à" Hôm nào cô mới về San Jose thăm tôi"" Sau đó tôi sẽ, "Bà ơi, Bà hỡi, Bà khỏe không Bà" và sẽ phì cười với câu trả lời quen thuộc, "Khỏe, nhưng mà vẫn điếc."

Xuân về mừng tuổi Cụ Trùng Quang
Một trăm năm chẳn, vẫn an khang
Chúc Bà phúc dư, tâm an lạc
Vui thơ, thưởng nguyệt, hưởng thanh nhàn

Nguyễn Trần Phương Dung

Ý kiến bạn đọc
18/01/201120:23:37
Khách
Bai doc di dom va co khong khi tet lam chi Phuong Dung.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,310,766
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả.
Tác giả lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải VVNM 2019. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79
Tác giả lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải VVNM 2019. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng Sáu 2017, đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2018 năm thứ XIX. Sau nhiều năm làm công việc khai thuế tại vùng Hollywood, cô và gia đình hiện đã rời Los Angeles để trở thành cư dân quận Cam.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006 với bút hiệu Huyền Thoại. Một số bài viết khác của cô được ký tên Thịnh Hương. Nay hai bút hiệu hợp nhất, thành một tác giả thân quen của sinh hoạt Việt Báo. Tác giả hiện cư trú và làm việc tại miền Bắc California. Bài mới của cô dành cho ngày Lễ Halloween
Tác giả đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2014. Cô sinh năm 1962, tốt nghiệp Đại Học Mỹ Thuật năm 1988 khoa Đồ Họa tại Việt Nam, từng làm công việc thiết kế sáng tạo trong ngành quảng cáo.
Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, định cư tại tiểu bang Georgia. Hiện là nhân viên công ty in Scientific Games tại Atlanta, tiểu bang Georgia. Bà đã góp bài từ 2015, kể chuyện về người bố Hát Ô và nhận giải Viết Về Nước Mỹ.
Định cư tại Mỹ từ 1994, Phương Hoa vừa làm nail vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University khi đã 62 tuổi và trở thành bà giáo tại Marrysville, thành phố cổ vùng Bắc Calif. Với loạt bài về Vietnam Museum, "Bảo Tàng Cho Những Người Lính Bị Bỏ Quên," tác giả đã nhận giải chung kết 2014. và vẫn tiếp tục gắn bó với Viết Về Nước Mỹ.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2018. Ông tên thật là Chu Văn Huy, cựu tù, vượt biển, hiện là cư dân San Jose, đã nghỉ hưu sau 37 năm làm việc cho các hãng điện tử tại Silicon Valley - Thung lũng Hoa Vàng, California. Đây là bài mới nhất của Ông.