Hôm nay,  

Nhà Trẻ & Vấn Đề Khác Biệt Văn Hóa

26/12/201000:00:00(Xem: 258513)

Nhà Trẻ & Vấn Đề Khác Biệt Văn Hóa
 
Tác giả: Hạ Vũ
Bài số 3074-28374-vb8122610
  
 Tác giả tự sơ lược tiểu sử: Trước  ở Việt Nam,  là cô giáo dạy Việt văn tại một vài trường trung học Miền Nam. nhưng chưa từng viết văn.  Khi qua Mỹ, tôi "xuống cấp" làm cô giáo Nhà Trẻ - Mẫu Giáo.   Sau một số bài Viết Về Nước Mỹ kể chuyện  tình vui vẻ, tác giả khởi viết một ký sự "Tôi Làm Cô Giáo Nhà Trẻ Mỹ" kể lại nhiều kinh nghiệm sống động trong việc chăm sóc trẻ. Loạt bài của bà đang tiếp tục.

***

Tự tôn dân tộc, tôi nghĩ hầu hết dân tộc nào cũng có. Đất nước to lớn ở phía Bắc nước Việt ta lấy tên Trung Hoa hàm ý dân tộc mình là tinh hoa ở giữa nhân loại, coi các nước chung quanh là man di mọi rợ.  Hoa kỳ mang tiếng vì phong trào da đen chống kỳ thị, đòi bình đẳng..., mà Việt Nam ta cũng kỳ thị sắc tộc không kém. Ta coi nhẹ luôn cả người T Quốc bằng những tên gọi, hay những cụm từ nghe không đẹp tí nào.  Tuy nhiên Hoa Kỳ là nước có chính sách chống kỳ thị đưa vào luật lệ rõ ràng nhất.  Chống kỳ thị có phạm vi rất rộng và là một vấn đề gây nhiều tranh cải.  Đó là ngoài việc chống kỳ thị sắc tộc, còn chống kỳ thị địa phương, giới tính, tuổi tác, chống luôn cả thành kiến, định kiến.  Điều này ai sống ở Mỹ đều biết. Tôi chỉ nói sơ lược về việc các cô giáo chống kỳ thị, thành kiến và bất công trong nhà trẻ qua cách săn sóc trẻ, ngôn ngữ, đồ chơi, trò chơi, sách vỡ, vẽ, nhạc... như thế nào.
Nước Mỹ còn có tên gọi là Hiệp Chủng Quốc.  Như cái tên gọi, nước Mỹ có nhiều sắc dân, do đó nhiều nền văn hoá cùng sinh tồn với nhau.  Chung thì thế nào cũng "đụng".  Ngay trong một gia đình cũng còn "đụng", huống gì trong xã hội có nhiều sắc dân.  Xã hội nhà trẻ cũng vậy.  Người làm trong nhà trẻ phải giữ mồm giữ miệng cẩn thận và khôn khéo trong cách đối xử kẻo không sẽ bị cây "búa tạ" nặng ngàn cân này làm cho "thân bại danh liệt".  Làm ở đây tôi mới thấy hết giá trị khôn ngoan của ông bà chúng ta qua câu ca dao:
"Lời nói không mất tiền mua,
Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau."
Trong việc săn sóc trẻ, mỗi sắc dân có một cách riêng, có khi đối chọi nhau (conflict).  Cô giáo không thể cho rằng cách của mình đúng vì có nghiên cứu cẩn thận, hợp khoa học v. v. để thuyết phục phụ huynh.  Nói mình đúng, tức là nói người đối thoại sai, nói cách của mình có khoa học tức là họ thiếu khoa học.  Vậy thì nền văn hoá đã nuôi dưỡng họ là sai và thiếu khoa học ư"  Kẹt lắm! Mất lòng là cái chắc. Một ví dụ: rèn luyện trẻ tiêu tiểu. Người Việt Nam tập cho trẻ rất sớm, có người tập trẻ lúc vài tháng tuổi, có người tập ngồi bô khi vừa mới biết ngồi. Và, có nhiều người thành công khi trẻ khoảng hơn một tuổi. Ở nhà trẻ Mỹ, khi nào trẻ lên hai tuổi mới bắt đầu tập, vì khoa học đã nghiên cứu biết rằng đến tuổi đó trẻ mới có thể điều khiển được tiêu tiểu của mình, do đó tập mới dễ thành công.  Ai đúng ai sai" Một ví dụ nữa: về vấn đề đối diện khi nói chuyện, người Mỹ thì "eye contact", còn Việt Nam thì "mày dám trừng mắt nhìn tao hả""  Ai đúng ai sai"  Không có đúng hay sai trong vấn đề văn hoá này.  Cô giáo phải cởi mở, học cách thích nghi với sự khác biệt văn hóa, thông cảm với trẻ, và khôn khéo trong cư xử, kẻo vạ miệng. 
Người Việt Nam khi qua đây đã biết thân biết phận, cho nên để sinh tồn trong xã hội này, người mình tự giác thích nghi với xã hội Mỹ.  Còn những người Mỹ, đây là xứ của họ, vậy mà họ cũng phải học thích nghi.  Ai làm việc trong ngành giáo dục trẻ nhỏ này đều phải qua lớp học về những vấn đề khác biệt văn hoá để tránh tư tưởng "mình (White People) đúng, mình bình thường", có nghĩa là người khác ngược lại.  Đương nhiên, trẻ vào trường Mỹ thì theo văn hoá dòng chính (mainstream) Tây Phương kiểu Mỹ vậy.  Tuy nhiên các thầy cô giáo đều được cho biết phải cẩn thận trong ăn nói, không thể nói cách của mình đúng, có nghĩa ngầm là cách của kẻ khác sai.  Thường thì tôi "bán cái" cho bà Hiệu Trưởng giải quyết, vì sợ khi thảo luận, Mỹ "hiểu không tới" do trình độ tiếng Mỹ của mình "quá cao"(!).  Tôi khôn hồn chỉ nói vỏn vẹn:  "Xin lỗi ông/bà.  Chương trình giáo dục của trường chúng tôi quy định như vậy, tôi phải theo.  Ông/bà có gì cần góp ý, xin tiếp xúc với Hiệu Trưởng."  Tôi liệng "cây búa tạ" cho bà Hiệu Trưởng vác, còn mình thì cứ "phây phây" chơi với đám con nít, không cần biết chuyện "ân oán giang hồ" trong nhà trẻ.  Bởi vậy cho nên có lần một phụ huynh thuộc sắc dân thiểu số đụng chạm với Hiệu Trưởng và Hiệu Phó về một vấn đề gì đó, vào phòng chúng tôi than phiền, và nói một câu làm chúng tôi vui vẻ ngủ ngon đến mấy ngày liền.  Bà nói: "Tôi không ưa Bà...và Bà... (tên Hiệu Trưởng, Hiệu Phó), nhưng vẫn gởi con ở đây vì con tôi thương mến các cô. Tôi không cần biết tới họ, chỉ cần biết con tôi thương ai là tôi gởi con cho người đó."
 Trong lớp tôi phụ trách này, (trẻ từ một tuổi rưỡi đến hai tuổi ruỡi ) nội quy là: trẻ không được bú bình trong lớp, phải tập uống sữa bằng ly (ly có nắp đậy dành riêng cho con nít để khỏi đổ), tự xúc lấy ăn, không ôm khăn ghiền, mền ghiền, không ngậm núm vú cao su (pacifier) đi lung tung.  Ngay ngày đầu tiên trẻ bước vào lớp tôi thì khăn ghiền, mền ghiền, pacifier, bình sữa để ngoài cửa lớp.  Không có giai đoạn chuyển tiếp.  Cai mấy thứ này cũng như cai thuốc lá, xì ke, phải dứt khoát, cắt cái rụp, không giảm từ từ.  Nếu giảm từ từ thì thất bại ngay.  Các bé sẽ theo lối sống của  tập thể nhanh lắm. Đương nhiên một hai tuần đầu cô giáo cũng gặp nhiều khó khăn khi rèn luyện các cháu bỏ những thứ này. Bù lại sau đó thì khoẻ dài dài, còn hơn bỏ không được sẽ cực dài dài.  Tập bỏ những thói quen này, chúng tôi chưa bị thất bại lần nào.  Nhiều bé lúc còn ở phòng trẻ sơ sinh (từ mới sinh tới một tuổi rưỡi), rất khó tính, khi ngủ phải ôm bình bú (phải là trẻ trên một tuổi. Nếu dưới một tuổi phải bế bé nằm cho đầu cao khi bú, vì sợ bị viêm tai). Mỗi khi bình rớt ra, bé biết liền và giựt mình khóc um sùm. Cô phải đưa bình sữa, bé mới ngủ tiếp. Nhưng khi những trẻ đó qua phòng của tôi, tôi tập bỏ ngay.  Chỉ sau một hai tuần là thành công.  Vài trẻ, không nhiều lắm, khi ở trường, chúng tôi tập bỏ được những thói quen này, nhưng ở nhà phụ huynh tập không được hay không chịu khó tập.  Tôi thấy lúc ra về, vào trong xe là bé lại tiếp tục ngậm pacifier, ôm khăn ghiền, hay cầm bình bú.  Các phụ huynh có cách chăm sóc con cái theo kiểu của phụ huynh, trường theo kiểu của trường. Cô giáo không thể nói họ sai, mình đúng.  Những khác biệt này nếu người nào phàn nàn, không chịu, tôi "bán cái" cho bà Hiệu Trưởng lãnh.
Dính dáng tới vấn đề Tôn giáo thì ... "bótay.com".  Trong lớp tôi có một bé gái có mẹ là Mỹ trắng, cha là người Trung Đông.  Người cha này theo đạo của mình ăn chay trường (cử thịt cá), bà vợ theo đạo của chồng, cho con ăn chay luôn.  Bà đem cho con đủ loại thực phẩm để ăn trưa, có điều không có thịt cá (thiếu chất protein).  Tôi thì biết thân biết phận "thủ khẩu như bình". Bà Hiệu Trưởng trường tôi không phải là người "mũ ni che tai" đâu.  Bà quan tâm tới từng cá nhân trẻ trong các lớp.  Bà thường góp ý với phụ huynh về dinh dưỡng của trẻ.  Có lần tôi nghe được bà khuyên một phụ huynh nên cho thêm protein trong thức ăn trưa của trẻ để bộ óc phát triển tốt.  Tôi nghĩ bà Hiệu Trưởng có nói chuyện với phụ huynh của bé ăn chay trường này, nhưng đành bó tay vì bé này vẫn trường kỳ "ăn chay", và ốm nhom, teo nhách, trắng xanh, nhỏ thó.  Xót xa cũng phải chịu. 
Nói tới vấn đề ăn uống, cách cho trẻ ăn cũng có nhiều khác biệt. Người Mỹ tập trẻ tự xúc lấy ăn rất sớm, mới một tuổi đã tập rồi, còn người Việt Nam mình đút ăn cho tới hai ba tuổi. Bé nào khó ăn hay kén ăn thì ẳm bồng đi vòng vòng, dụ ngon dụ ngọt, không được thì hù dọa, cố ép cho trẻ ăn kẻo trẻ gầy ốm.
Cả ba nhà trẻ mà tôi có dịp làm việc, nhà trẻ nào tới giờ ăn, hễ trẻ một tuổi trở lên đều phải ngồi vào bàn tự xúc lấy.  Ăn được bao nhiêu thì ăn, thức ăn không hết cô giáo Mỹ đổ bỏ vào thùng rác.  Có những trẻ kén ăn, hay thức ăn không hợp nên không chịu ăn thì cô giáo cũng đổ bỏ nguyên cả đĩa chưa đụng tới, ngay cả trái chuối còn nguyên chưa bóc vỏ cũng bỏ luôn.  Tôi nhìn theo mà thương cho trẻ con nghèo thiếu ăn ở Việt Nam.  Họ quan niệm hễ trẻ đói thì món không thích cũng ăn.  Trẻ không ăn là vì chưa đói lắm.  Không ăn thì thôi, không ép. 
Bà giáo của tôi đã nhấn mạnh rằng: ép trẻ ăn là "against the law".  Do đó, khi tôi làm việc, tôi chỉ khuyến khích trẻ ăn.  Đút vào miệng mà không ăn thì thôi. Tôi dung hoà bằng cách:  Trẻ nào kén ăn, tôi hâm nóng thức ăn mỗi lần một ít, ăn hết tôi hâm nóng cho ăn tiếp. 
Thức ăn còn lại tôi cất vào tủ lạnh cho phụ huynh xem để biết con mình thích món gì, và số lượng thực phẩm vào người của con mình bao nhiêu.  Trẻ nào ăn trưa ít, sau khi ngủ trưa dậy tôi thường cho ăn trưa thêm lần nữa. Xin nói thêm, ở nhà trẻ tôi làm việc, nhà trường không cung cấp thức ăn mà phụ huynh phải tự lo.  Lý do là thức ăn của mỗi dân tộc khác nhau, mỗi nhà khác nhau mà trẻ lại còn nhỏ, ta phục vụ thức ăn cùng một loại sẽ có những thứ thực phẩm mà trẻ không thích và không chịu ăn.  Thôi thì chi bằng để phụ huynh tự lo cho tiện mọi bề. Từ đó, tôi được thấy và hưởng mùi thơm của các loại món ăn nơi nhiều sắc dân.
Đối với trẻ Mỹ Trắng, Đen, Vàng gì gì cô giáo cũng phải công bằng, công bằng trong cách săn sóc và công bằng trong tình thương.  Cô giáo phải tìm ở mỗi trẻ nét dễ thương, duyên dáng, độc đáo để mà thương yêu.  Ngày còn đi học, bà giáo của lớp tôi, đưa cho mỗi nhóm một vật thông thường để tìm cho ra nét độc đáo (unique) của nó. Nhóm thì cây bút chì, nhóm cây viết Bic, nhóm cuốn notebook, nhóm trái lê, nhóm của tôi tìm nét độc đáo của trái táo v.v.  Ba bốn người tìm nét độc đáo riêng của trái táo mình cầm trong tay chứ không phải chung cho loại táo.  Thật cũng phát khùng. 
Sau một hồi "nghiên cứu" tận tường, kỹ lưỡng, nhóm của tôi tìm thấy được vết xước nhỏ ở vỏ táo mà trái khác không có giống như vậy.  Bà giáo hỏi vì sao"  Một sinh viên Mỹ lanh mồm lanh miệng, bảo rằng chúng tôi thấy đó là nét đẹp, vì trái táo này trong quá trình phát triển đã va chạm với những ngoại vật và đã vượt qua được. Nhớ bài học đó nên khi tôi đi dạy, tôi tìm ra được trẻ nào cũng có nét dễ thương riêng.  Ngay thằng bé người Mễ tên Joey quậy nhất lớp và đầu têu cho trẻ khác quậy theo, ngày nào nó nghỉ học tôi mừng như lượm được vàng, tôi cũng thấy trong cái nghịch ngợm của bé có sự lanh lợi thông minh trong đó.  Do đó, khi bé nghỉ ở nhà, mừng thì mừng, nhớ bé tôi vẫn nhớ.  Khi cha mẹ bé đưa vào lớp, bé chạy tới ôm tôi mừng rỡ, hỏi sao không thương"  Cha bé rước về, bé không chịu. Ông bế đại bé ra về, bé giẩy nẩy réo tên tôi cầu cứu.  Cha mẹ bé còn kể: ở nhà, nó nhắc tới tôi suốt.  Nghe thấy vậy sao không cảm động cho được" 
Mình phải tìm những nét đẹp, thiên thần của trẻ để mà yêu nghề, để thấy đời "ôi đẹp sao".  Có một lần, một bà mẹ hỏi tôi con bà ra sao.  Tôi khen hết lời. Mà thật như vậy, con của bà xinh đẹp, thông minh, không cào cấu cắn xé, tôi không phải cực với bé nhiều.  Bà cười, có lẽ cho tôi "ba phải", nói: "Đứa nào cô cũng khen cả, phải không""  Tôi đáp: "Dưới mắt tôi, trẻ nào cũng là Thiên Thần Nhỏ".  Thật vậy, đối với trẻ phải khen (khen hợp lý) và khuyến khích, khuyên bảo, không nên chê, không so sánh, không được phạt, không rầy la lớn tiếng nặng lời. Trẻ nào quá quắc lắm thì cho time-out 5 phút, không được lâu hơn. Kẹt lắm mới sử dụng tới hình phạt này.  Bé Joey tôi kể ở trên có lẽ ở nhà nó bị cha mẹ rầy la và phạt nhiều lắm nên nó thích lớp học và quyến luyến tôi.
Người Việt mình có tật hay so sánh.   Chúng ta thường nghe những câu như: "Sao con ham chơi quá, không bằng chị chút nào",  "Đứa con nhỏ của tôi giỏi toán hơn thằng anh",  "Con em thông minh, hoạt bác hơn con chị" v. v.  Xin phụ huynh đừng bao giờ so sánh đứa này với đứa khác.  Mỗi người, trẻ con cũng vậy, đều có cá tính, và khả năng riêng.  Câu so sánh kém dù vô tình cũng có thể làm trẻ mất tự tin, mang tự ti mặc cảm, chí ít ra thì mất lòng, rồi giận dỗi, trở nên ba-gai càng làm tới cho lợi gan. Tôi có một người bạn thường khen con của bạn thân mà chê con mình không bằng.  Người con này một lần đã nói với mẹ: "Nó hay, nó giỏi thì mẹ nhận nó làm con đi" làm bà mẹ cứng họng. Còn so sánh hơn lại làm cho trẻ cao ngạo ngay từ nhỏ, sẽ khó dạy bảo khi lớn lên.  So sánh còn có thể tạo ra sự đố kỵ, ganh ghét lẫn nhau.  Từ đó tình thương yêu giữa các trẻ có thể bị giảm đi.  Trong anh em ruột thịt lại càng nên tránh.  Người Mỹ quan niệm mỗi trẻ là một cá nhân độc lập, phát triển theo cách riêng của từng đứa, và có những khả năng riêng biệt, không ai giống ai.  Do đó không nên so sánh.


Ngoài ra cô giáo phải tránh định kiến, quơ đũa cả nắm.  Không được vì thiểu số của  một sắc dân nào đó làm bậy rồi cho cả dân tộc đó đều như vậy cả, rồi nhìn trẻ theo khuôn định sẳn đó.  Người Việt mình hay tự trào bằng câu: "Không ăn đậu không phải là Mễ, không đi trễ không phải Việt Nam" là một câu định kiến.  Vế đầu là một nhận xét bình thường không làm người nghe khó chịu, nhưng vế sau là một phê phán không đẹp.  Nói trong chỗ thân tình thì còn có thể chấp nhận, chứ diễu cợt chỗ đông người thì không nên.  Nếu câu nói đó phát ra từ miệng một người thuộc sắc dân khác, thử hỏi người Việt mình cảm nghĩ sao, phản ứng thế nào"  Rồi từ đó họ cứ nghĩ đứa bé Việt nào cũng có "máu" đi trể trong người thì chúng ta nghĩ gì"  Cũng không nên vì bất đồng ý kiến với phụ huynh mà ghét luôn con trẻ.  Cũng không được có cái nhìn theo  khuôn mẫu chẳng hạn như: búp bê chỉ con gái chơi, con trai thì chơi xe tăng, máy bay v.v. 
Thấy con trai  mặc quần áo cho búp bê, cho bú, dỗ ngủ, chơi nấu nướng... người Việt ta thường thường hay nói: "mấy thứ đó là đồ chơi dành cho con gái" hoặc phê:  "thằng đó như con gái, sau này hầu vợ..."  Đó là định kiến, đó là kỳ thị giới tính.  Cái gì con gái chơi, con trai cũng được khuyến khích chơi, và ngược lại.  Con trai cũng có thể làm người cha tốt, biết săn sóc con cái, lo cho gia đình như phụ nữ.  Người phụ nữ cũng có thể lái máy bay, phi thuyền, làm nhân viên cứu hoả, cảnh sát v.v. như nam giới. 
Ngưòi Việt mình có quan niệm con trai phải là người hùng, cứng rắn, can đảm nên dỗ dành bé trai khi té, mếu máo khóc bằng câu:  "Là con trai thà đổ máu chứ không đổ lệ."  Vậy ngầm ý nói con gái là "chúa khóc", không thể anh hùng, can đảm được" Trong câu này phân biệt giới tính, và định kiến thấy rõ. Thà là khích lệ trẻ: "Té nhẹ mà, nào can đảm lên, đừng khóc" thì hay hơn.  Bảo trẻ đừng khóc cũng là một khác biệt văn hóa với người Mỹ. Vì cách sống hướng nội nên người mình thường kềm chế, giấu kín xúc cảm trong lòng. Người mình còn hay dùng cái cười để thay thế lời nói, che giấu những suy nghĩ cảm xúc thật trong lòng.  "Khi vui muốn khóc, buồn tênh lại cười".  "Gì Cũng Cười" này (tựa một bài viết của ông Nguyễn Văn Vĩnh) là một đặc tính của dân tộc ta làm cho nụ cười phong phú, đa dạng nhưng "bí hiểm" vô cùng khiến nhiều người Mỹ "ngẩn ngơ". Về cái cười này của người Việt chúng ta, bà giáo dạy tôi cũng đem ra nói cho các sinh viên biết để đừng hiểu sai những cái cười của trẻ Việt Nam. Còn người Mỹ quan niệm rằng những xúc cảm cần được biểu lộ ra ngoài mới khoẻ tinh thần, tốt cho sức khoẻ, cho nên họ khuyến khích trẻ biểu lộ và chỉ cách biểu lộ như thế nào cho đúng từng trường hợp.
Trong khu vực đồ chơi búp bê nên có đủ loại búp bê, khu vực quần áo đủ loại quần áo của nhiều sắc dân cho trẻ hoá trang, khu nhà bếp phải có đủ loại chén dĩa cho trẻ chơi.  Lúc tôi đi học, bà giáo bảo rằng không nên chỉ có một búp bê da đen, một Á Châu cho lấy có, mà phải vài con.  Nếu không, chúng ta coi những sắc dân này thiểu số, nhỏ nhoi, chìm lỉm trong đám đông da trắng.  Bà giáo tìm được búp bê Trung Quốc, và một búp bê thiếu nữ mặc áo dài Việt Nam để giới thiệu với sinh viên.  Kể ra bà cũng tài, ráng tìm cho được một búp bê Việt Nam.  Nhưng bà không thể tìm ra búp bê trẻ nít có khuôn mặt Á Đông, mặc áo quần Việt Nam.  Bà còn tìm mua một búp bê tàn tật, có một chân kim loại ráp vào, giúp cho trẻ làm quen với hình ảnh tàn tật để khi gặp người tàn tật thật ngoài đời trẻ không sợ hãi, trốn sau lưng bố mẹ mà làm tổn thương kẻ bất hạnh.  Với búp bê tàn tật này, cô giáo còn tập trẻ chăm sóc kẻ tàn tật.  Tôi không biết bà tìm mua ở đâu.  Sau này tôi vào rất nhiều tiệm, không tìm được búp bê tàn tật nào cả.
Đó là lúc học, chúng tôi được khuyến khích như vậy.  Nhưng các nhà trẻ không thực hành được theo mong ước .  Nhà trẻ chỗ tôi làm, tổng cộng búp bê trong các lớp chỉ có lèo tèo vài búp bê da đen, không có con búp bê tàn tật nào cả, và cũng không có búp bê Á Đông, Ấn Độ, Trung Đông nào hết. Các nhà làm kinh doanh đồ chơi trẻ con vì lợi nhuận chạy theo thị hiếu số đông, không sản xuất những búp bê của các sắc dân khác.  Ngay cả ở VN, người Việt vẫn thích sản xuất búp bê da trắng, dân VN vẫn thích mua búp bê da trắng cho trẻ con chơi thì làm sao ở Mỹ cô giáo Mỹ tìm được búp bê trẻ con người Việt"
 Ở khu nhà bếp, bà giáo tìm mua được mấy cái chén và muổng canh làm bằng mủ ở mấy tiệm VN.  Bà đem giới thiệu với các sinh viên trong lớp, và đề nghị các sinh viên khi làm việc nên có những loại chén muổng của các sắc dân khác chứ không nên chỉ có kiểu của Mỹ mà thôi. Tuy thực tế tìm không ra những thứ cần thiết mong ước, nhưng đó là chủ trương của những người làm văn hoá giáo dục của đất nước này. Cái ý muốn có một nhà trẻ lý tưởng như thế có vẻ khó thực hiện được hoàn mỹ trong xã hội này ngày nay, tuy nhiên dù sao đi nữa cũng gieo vào đầu các người làm giáo dục  tư tưởng rất nhân bản này. Từ đó gieo mầm tốt trong trẻ con.
Nói đến gieo mầm chống kỳ thị trong trẻ, tôi không quên ông bà Mike.  Hai người là Mỹ trắng, có hai đứa con, một gái và một trai, giao cho chúng tôi chăm sóc từ nhỏ cho tới lớn.  Thường thường một năm nhà trẻ chỗ tôi làm việc có hai lần Đại hội.  Đó là ngày ăn mừng Giáng Sinh trước ngày nghĩ lễ, và ngày làm Lễ Tốt Nghiệp của các cháu cuối lớp.  Vào những ngày này phụ huynh mang con cái (cả những trẻ lớn không còn ở nhà trẻ này nữa) đến trường ăn uống và xem các trẻ làm Văn Nghệ.  Trừ các trẻ quá nhỏ còn ẳm bồng trên tay miễn lên sân khấu, những trẻ khác đều phải lên. Tôi phụ trách lứa tuổi từ một tuổi rưởi tới hai tuổi rưỡi có một màn.  Cha mẹ các bé rất chịu chơi, ủng hộ lên sân khấu. Họ cho con cái ăn mặc đẹp đẽ.  Riêng ông bà Mike lần nào cũng cho hai con mặc quần áo Trung Quốc.  Lúc nhỏ đứa bé mặc thùng thình, quần xăn lên hai ba gấu. Các cháu lớn dần thì xuống gấu dần. Ông bà rất thích thú khi thấy con súng sính trong bộ quần áo Trung Quốc.  Trong khi đó, các sắc dân thiểu số khác thì cứ đầm-tây mà mặc. Màn văn nghệ lớp của tôi lần nào cũng bị "bể".  Các cháu đâu đã nói rành, rất nhiều trẻ mới bập bẹ vài ba tiếng,  nhưng mà cứ dồn hết lên sân khấu.  Năm nào Giáng Sinh cũng chỉ vài câu đầu của bài Jingle Bell,  Lễ Tốt Nghiệp thì bài Twinkle Stars, vừa hát vừa ra dấu.  Hai bài này các cháu được tập dợt kỹ lưỡng nhuần nhuyễn rồi, thế mà khi lên sân khấu các cháu quíu tay quíu chân. Chúng đứng dựng hình không nhúc nhích, không hả miệng.  Có trẻ còn khóc, không chịu đứng xuống nữa. Chịu đứng yên coi như thành công.  Tập trẻ dạn dĩ mà!  Cha mẹ chụp hình lia chia và vui vẻ vì có con "tham gia Văn Nghệ".  Hai "hát sĩ" là tôi và người đồng nghiệp.  Chúng tôi đâu biết hát, hát bậy cho các bé hát theo thì được, nhưng mà các cháu đã không hát, không "múa" (ra dấu bằng tay theo nội dung bài) thì mình phải hát và "múa" tay.  Thật là lạc lỏng! Thấy vậy bà Hiệu Trưởng hát tiếp sức.  Thế là phụ huynh cả phòng hát theo, rồi xúm nhau vổ tay rần rần.  Thật là vui vẻ.  Chỉ có một lần duy nhất, một bé gái lớp tôi hát và ra dấu tay.  Lần đó bé được cổ võ tưng bừng.
Chọn bài hát, sách vỡ cho trẻ con cũng tránh những bài đụng chạm tới giới tính, sắc tộc, định kiến. Khi cho trẻ vẽ, sử dụng màu, cô giáo khen cũng phải giữ mồm giữ miệng.  Đương nhiên không có chê rồi, chỉ có khen và khích lệ thôi. Không được nói màu đen xấu, tối tăm, màu vàng dỡ quá", mà phải nói là : Màu đen, màu vàng đẹp đấy nhưng nếu dùng chỗ này,... chỗ kia... thì càng đẹp hơn."  Không được nói "tay chân dính đất (dính màu), đen thui, dơ quá" mà phải bỏ chữ "đen", chỉ nói "Tay chân dính đất (màu), dơ quá" v. v.  Đối với trẻ nhỏ, khen một bức vẽ của bé là đẹp thì ai cũng biết là không thật, và như vậy là tập cho trẻ thiếu thành thật ngay từ nhỏ.  Đối với trẻ khi vẽ, trẻ không chú tâm ở thành phẩm (product) mà ở quá trình vẽ (process), vẽ để cho vui, vui trong cái vẽ, cho nên không khen đẹp mà chỉ khen, ví dụ như: " Ồ!  Bức tranh của cháu nhiều màu đỏ (xanh, vàng...), cháu thích màu này lắm hả"  Màu đỏ rực rỡ đấy, (màu xanh tươi mát, màu vàng sáng sủa v. v.)",  hay " bức tranh của cháu nhiều màu quá, cháu thích nhiều màu phải không" Cô cũng thích nhiều màu"...
Khi tôi học lớp Dạy Art Trong Nhà Trẻ, ông thầy bảo sinh viên phải để cho trẻ tự do.  Có tự do mới có sáng tạo, không nên theo nếp nghĩ của người lớn bảo chỗ này sai, chỗ kia không đúng. Ông nói: nếu trẻ có vẽ cái cửa chính ra vào (front door)  trên nóc nhà cũng không nên bảo trẻ vẽ sai. Trẻ vẽ không phải vì product mà là vì process, cho nên cứ để trẻ vẽ thoải mái theo ý. Ông dí dỏm tiếp: biết đâu sau này nó sáng tạo loại nhà có ngỏ đi ra từ mái nhà thì sao.  Ông còn kể một câu chuyện: một đứa trẻ học vẽ ở một trường mà người thầy dạy vẽ thường hay hướng dẫn nên vẽ thế này thế kia, chỗ này màu này, chỗ kia màu nọ.  Khi cha mẹ dời nhà, bé phải đổi trường học mới.  Người thầy dạy vẽ ở trường mới này ra đề tài vẽ cái hoa.  Cậu bé này ngồi ngó, trong khi các bạn cắm cúi đứa vẽ hoa này, đứa vẽ hoa kia.  Ông thầy hỏi tại sao chưa vẽ.  Cậu bé bảo còn chờ thầy hướng dẫn.  Đứa bé này thiếu đi sự sáng tạo, chỉ rập khuôn người khác.  Rập khuôn thì làm sao tiến bộ"  Lối giáo dục của Việt Nam ta ngay từ xưa đã là học từ chương, ngày nay dưới chế độ "ưu việt" XHCN lại càng rập khuôn cứng ngắc gấp bội, không trách chi đất nước chậm tiến.
Trong việc chọn nhạc hay bài hát, các học viên chúng tôi được bà giáo khích lệ nên chọn thêm những bài hát của những sắc tộc khác dạy cho con nít.  Trong lớp có một người Đài Loan, và tôi là người Việt Nam. Bà đề nghị mỗi người dạy cho học viên trong lớp một bài của trẻ em. Tôi chọn bài Kìa Con Bướm Vàng.  Điệu nhạc của bài này phổ thông toàn thế giới nên học viên tiếp thu rất mau chóng.  Khi tôi làm cô giáo chính, tôi cũng đem bài này ra dạy đám trẻ con mới biết nói.  Lúc đầu tôi dạy hát thử để dò phản ứng của phụ huynh.  Thấy không ai phản đối mà còn có vài phụ huynh khi nhận thấy con mình biết hát một ngôn ngữ khác, rất thích thú, bảo tôi dạy thêm cho con họ tiếng Việt. Thế là tôi "thừa thắng xông lên" dạy các bé đếm từ một đến mười bằng tiếng Việt và một vài câu ca dao ngắn.  Tôi nhớ lại ở Đại học mà tôi học có hai nhà giữ trẻ. Hiệu Trưởng của hai nhà trẻ này đều là cô giáo dạy những môn liên quan đến giáo dục trẻ nơi đại học đó.  Một Nhà Trẻ Kiểu Mẫu để sinh viên thực tập và học hỏi rút kinh nghiệm, còn một nhà trẻ giữ con cho nhân viên và sinh viên của trường.  Sinh viên nào được hưởng Work Study có thể vào đây làm việc.  Tôi có dịp vào làm việc tại hai nhà trẻ này.  Cô giáo của lớp Toddlers, hỏi mượn tôi CD nhạc Việt Nam để cho trẻ nghe.  Lúc đó tôi không biết những DVD dành cho trẻ em do bé Xuân Mai hát, hay là lúc đó chưa có những DVD này không chừng, nên tôi đưa một cái CD cổ nhạc đàn tranh do con gái tôi thâu.  Cô giáo liền cho dĩa  nhạc này vào giờ ngủ trưa để ru các bé ngủ thay những dĩa nhạc êm dịu khác.  Cứ thế mà thay đổi mỗi ngày.
Tôi kể những chuyện này ra đây để chúng ta thấy rằng ngay từ lúc ở nhà trẻ, nước Mỹ đã cố gắng giáo dục chống kỳ thị.  Họ tìm cách xây dựng một xã hội tương lai hoà hợp với tất cả các sắc dân.  Ngày nay đã có nhiều người Mỹ sống hoà đồng với những sắc dân khác.  Tôi không nói là toàn thể vì vẫn còn những người Mỹ kỳ thị, dù ngấm ngầm. Dù sao đi nữa trong chỗ đông người, cơ quan hay công sở họ không dám công khai biểu lộ tư tưởng kỳ thị. 
Vấn đề khác biệt văn hóa trong cách nuôi dạy trẻ ở xứ Mỹ này còn nhiều lắm.  Ở đây, tôi chỉ nói tới những kinh nghiệm của tôi khi săn sóc trẻ ở lứa tuổi mới chào đời, và những gì mà trường đại học Mỹ muốn những cô giáo nhà trẻ thực hiện khi làm việc trong nhà trẻ để gieo mầm tươi tốt cho trẻ.  Đương nhiên cách giáo dục nào cũng có mặt mạnh mặt yếu của nó.  Như sách Luận Ngữ có câu "trạch kỳ thiện giả tòng chi, kỳ bất thiện giả cải chi", mình nên chọn cái tốt của người mà theo, cái không tốt của người thì mình sửa đổi.  Người Việt chúng ta sống trên đất Mỹ, ngoài việc giữ gìn bản sắc dân tộc của mình, theo tôi nghĩ, chúng ta cũng nên tìm hiểu và tiếp thu những ưu điểm trong nền giáo dục trẻ của người để thích nghi và tiến bộ.
 Hạ Vũ

Ý kiến bạn đọc
27/07/201109:52:39
Khách
Bài viết này hay quá, đáng để các cô giáo dạy trẻ ở VN học tập. Khi đọc những bài này tôi thầm hỏi không biết đến bao giờ trẻ em tại VN mới được hưởng sự dạy dỗ như vậy. Hệ thống giáo dục của nước nhà còn phải học tập nhiều khi mà chỉ nhận trẻ từ 2 tuổi trở lên mới được vào học, còn nhỏ hơn thì bố mẹ phải tự chăm, khi đi học thì cô giáo cũng chỉ dạy chiếu lệ, không hề có khái niệm để trẻ phát triển tài năng của mình.
11/06/201208:16:37
Khách
Bài viết rất công phu.

Có nhiều điều mới lạ đáng để suy gẫm,tuy nhiên phải ghi nhận một điều là phóng khoáng trong việc hướng dẫn trẻ con như tác giả trình bày có thực sự đúng chăng?Phóng khoáng và phóng túng đâu có xa nhau cho lắm;thí dụ như trẻ khọng chịu ăn thì cứ bò mặc...Phải để ý rằng có nhiều khi trẻ đói thì có nhu cầu ăn nhưng cũng có khi trẻ mải chơi chỉ ăn qua quít cho xong để làm việc khác theo sở thích...Trẻ không đói tới chết nhưng cũng không hoàn toàn đủ dinh dưỡng cần thiết...lâu dần trở nên có thói quen ăn ít đâm ra ốm o gầy gò...Nói theo kiểu Mỹ là losíng appetite.

Bài của cô có giá trị rất lớn về phương diện giáo dục.

Hoan nghênh.
11/08/201119:10:36
Khách
Chị Hạ Vũ viết bài này rất hay, không những chỉ dành cho các giáo viên dạy trẻ mà các phụ huynh có con nhỏ cũng nên đọc thật kỹ bài này để tìm hiểu thêm những phương cách giúp cho con mình. Tôi rất tâm đắc bài viết này và đọc đi đọc lại nhiều lần! Cám ơn chị đã chia sẻ những kinh nghiệm dạy trẻ vô cùng quý báu!
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,311,696
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo