Hôm nay,  

Những Con Đường Bình Yên

30/10/201000:00:00(Xem: 138406)

Những Con Đường Bình Yên

Tác giả: Nguyễn Thơ Sinh
Bài số 3029-28329-vb7103010

Trong năm 2009, truyền thông Việt Mỹ đã nói nhiều về cuộc hành trình 2,600 dặm xuyên nước Mỹ của Nguyễn Thơ Sinh, một cựu chiến binh hai dòng máu Việt-Mỹ. Với tự truyện về người đi bộ, kể về cuộc đời của anh, Sinh nhận giải Vinh danh Tác Giả Viết Về Nước Mỹ 2010. Hiện Nguyễn Thơ Sinh là cư dân Fort Worth và làm việc tại Sở Cung Cấp Nước của thành phố. Bài viết mùa Halloween của Sinh là  câu chuyện và suy nghĩ về công việc của anh.

***
Khi viết những dòng này, tôi bắt đầu nhìn thấy những ngôi nhà trang hoàng chuẩn bị chào đón ngày Halloween được nhiều hôm. Những quả bí ngô to đùng, vỏ màu vàng cam, khoét rỗng những hình con mèo, hình mặt nạ quỷ nhe răng, đặt cạnh cửa ra vào. Lất phất bay là những hình nộm mấy bà phù thủy với chiếc mũi khoằm. Những bộ xương khô trắng hếu phơi ra. Mạng nhện chăng mắc khắp nơi và những bó rơm khô vàng ruộm...
Tiết trời sáng ra đã thấy se se lạnh. Quang cảnh hiền hòa buổi chiều gần như đang khơi gợi những cảm xúc bâng khuâng man mác; vốn luôn gắn liền với những ngày đầu thu. Những chiếc lá trên cành bắt đầu ngả màu, phất phới bay trong gió. Không gian lắng đọng, êm đềm như thể bản đồng dao mùa thu đang nhẹ nhàng cất tiếng. Những ngôi nhà bình yên. Những con đường bình yên. Cuộc sống thật quá đỗi hiền lành. Đó là những gì người ta nhìn thấy khi xe lướt chậm qua những con đường nơi tôi sinh sống: Thành Phố Fort Worth.
Và rồi... Bên trong những ngôi nhà bình thường tọa lạc trên những con đường tưởng như rất đỗi bình yên ấy, tôi đã nhìn thấy những điều trước đây tôi chưa bao giờ nhìn thấy. 
...

Cuối cùng tôi buộc phải ép mình quen đi với công việc mới, một công việc tôi không nghĩ mình sẽ quen một cách dễ dàng được. Đó là công việc cắt khóa nước của người nghèo không trả tiền kịp cho Sở Cấp Phát Nước Thành Phố.
Bản tánh tôi từ bé đã là thế,  luôn chạnh lòng với những hoàn cảnh thương tâm hoặc  cảnh ngộ khó khăn. Hễ gặp người có tâm sự buồn, gần như tôi sẽ buồn lây theo họ.  Cô Ba tôi hay bảo:
- Thằng này chẳng nhờ cậy được việc gì. Nhờ đòi hộ có mỗi món nợ, thế mà cũng làm không được.
Mỗi lần cô Ba nhờ tôi đi đòi tiền của người khác, tôi đều thất bại trước sự ủy thác của cô. Tôi thấy người ta nghèo quá, nhà cô Ba thì giàu nứt đố, đổ vách, vậy mà cô cứ ép người nghèo trả tiền vay lãi nặng. Tường nhà người ta ở tấm vách không có, mái nhà lủng lỗ tùm lum, làm sao người ta có tiền để trả cô đây. Hồi nhỏ tôi nghĩ cô tôi ác độc. Nhưng càng lớn, tôi càng nghiệm ra cô tôi cũng chỉ bị nỗi lo sợ túng thiếu ám ảnh; chứ không phải cô giành giật vì miếng cơm manh áo. Nghe cô Ba than thở, mẹ tôi phân trần:
- Thằng này nhờ nó lặt rau, rửa chén, hay giữ em còn nhờ được. Chứ nhờ nó đi đòi nợ, có khi nó lột áo đem tặng ngườì ta luôn, đòi nợ gì được mà đòi.
Lớn lên tôi vẫn thế. Có lẽ bản tánh tôi nhút nhát, yếu đuối nên cá tánh tôi mới kỳ quặc như vậy. Mỗi lần coi đá banh hay theo dõi thi đấu mấy môn thể thao, lúc nào tôi cũng mong đội yếu thắng đội mạnh. Sự vô lý của một kẻ dễ động lòng trắc ẩn như tôi là vậy, đơm hơi và rất đoảng.
Nói thì nói vậy, nhưng không đi tu được. Tôi chỉ mủi lòng khi nhìn thấy người nghèo. Còn mấy chuyện đạo đức khác thực ra tôi rất kém cỏi.
...

Một bữa có anh bạn cùng đọc đồng hồ nước với tôi tại hãng Bermex tên Tony, nói:
- Sinh này, Tina ở Meter Shop (thuộc Sở Cấp Phát Nước Thành Phố) biểu tao dặn mày ghé gặp cô ấy.
- Có chuyện gì vậy"   Tôi ngơ ngác hỏi Tony. Tôi có biết qua Tina và gặp cô mấy lần tại Meter Shop. Tôi không hề nghĩ cô gái sẽ muốn gặp riêng tôi.
- Hình như nghe đâu Tina muốn hỏi mày có hứng thú làm việc cho Thành phố không"   Tony nheo mắt nhìn tôi, cười.
- Giỡn hoài cha nội.   Tôi không tin lời Tony nói, mặc dù tôi biết trong số 24 nhân viên đọc đồng hồ nước tại Bermex, Tony là người đứng đắn nhất.
- Hey. Tao chỉ chuyển lời thôi. Tina còn đưa tao số phôn của cô ấy cho mày. Tina nói là muốn mày gọi lại cho cô ấy.
Chiều đến, tôi quay số của Tina. Tôi rất hồi hộp trong bụng, không biết điều Tony nói có thực không. Khi đầu dây bên kia có tiếng a-lô cất lên, nghe giọng Tina, tôi hỏi liền:
- Tina... Sáng nay tôi nghe Tony nói là...
- Ô Sinh. Đúng vậy đó... Tôi chờ phôn của cậu cả ngày hôm nay.   Tina cắt lời tôi. Giọng cô gái sang sảng bên kia đầu dây, có vẻ như cô đang rất vui. Rồi Tina nói tiếp:   Này Sinh, cậu có muốn làm việc cho Thành phố không"
- Ơ... - Tôi không biết nói sao nữa. Thực ra chuyện làm việc cho Thành phố vẫn quá bất ngờ đối với tôi.
- Này. Cơ hội đấy. Phải biết nắm bắt, Sinh ạ.   Giọng Tina giục giã.
- Vậy tôi phải điền đơn ở đâu vậy"  
Tôi nghe thấy giọng mình nói qua điện thoại.
- Này. Cậu có bút ở đấy chứ, Sinh. Chịu khó ghi địa chỉ trang web này xuống...
Tôi làm theo những gì Tina dặn dò. Tối đến, tôi ngồi xuống trước máy vi tính, lặng lẽ gõ những thông tin vào máy. Nhiệm vụ của tôi là cung cấp một hồ sơ cá nhân (lưu riêng lại) trong danh sách những người xin việc của Thành phố Fort Worth. Tôi đánh cả resume của mình nữa. Xong việc, tôi thở phào nhẹ nhõm.
Hôm sau tôi kể với người nhà về chuyện điền đơn làm việc cho Sở Cấp Phát Nước Thành Phố. Mọi người đều reo lên chúc mừng. Có vẻ như chuyện tôi được nhận vào làm việc với Thành phố đã có kết quả chính thức. Thật ra làm gì có chuyện đó chứ. Người ta biểu mình nộp đơn thì mình nộp. Mắc cỡ gì mà ngại. Song chuyện nộp đơn chỉ là nộp đơn, chưa có gì chắc chắn. Hơn nữa tôi suy nghĩ rằng: Nếu không điền đơn, sợ sau này sẽ hối tiếc. Cũng như chuyện mua vé số vậy, không mua thì tôi cứ nghĩ lỡ mình mua biết đâu sẽ trúng. Nhưng mua số rồi chẳng bao giờ tôi chịu dò, cuối cùng lại vứt đi. Đúng là một nghịch lý của một kẻ chưa già đã vướng phải cái tật lẩn thẩn, nghễnh ngãng.
Rồi Thành phố kêu tôi đi phỏng vấn. Bữa đó tôi mặc bộ quần áo tươm tất sạch sẽ để gây ấn tượng tốt. Buổi phỏng vấn diễn ra khá thuận lợi. Ba người ngồi đối diện đều có những tia nhìn khích lệ. Mỗi người đặt cho tôi mười câu hỏi. Vì đã chuẩn bị sơ trước, nên khi nghe họ hỏi, tôi đáp khá trôi chảy. Mà kể cũng lạ, tôi có cảm nhận câu trả lời của mình khiến ánh mắt của ba người phỏng vấn ngồi đối diện sáng lên; có vẻ như câu trả lời của tôi nói khiến họ thích thú. Cuối cùng cuộc phỏng vấn kéo dài nửa giờ kết thúc.
- Vậy, bạn có câu hỏi gì đặt ra cho chúng tôi không"   Người ngồi giữa hỏi tôi.
- Dạ, tôi nghĩ mình sẽ thích công việc này.   Tôi đáp, một sự chân thành gần như đến độ ấm ớ.
Cả ba cùng phá lên cười một trận hả hê. Tôi cũng cười góp, ngạc nhiên không hiểu những tiếng cười đó ngụ ý điều gì.
Không lâu sau đó tôi chính thức được nhận vào làm việc cho Sở Cấp Phát Nước Thành phố Fort Worth. Những người bạn từng đọc đồng hồ nước tại Bermex tại buổi làm việc cuối cùng đều tỏ ra thích thú công việc đó. Cảm tình của bạn bè khiến tôi hiểu ra mình là người may mắn.
Tôi hăm hở lao vào học hỏi công việc trong thời gian huấn luyện với một anh bạn Mỹ đen trông rất lầm lì, ít nói. Anh ta ăn nói với khách hàng cụt ngủn, cộc lốc, thô lỗ, gần như chẳng coi ai ra gì. Lúc đó tôi thấy rất khó chịu, nhưng sau này tôi hiểu ra tôi cũng sẽ phải làm việc y như thế.
Công việc của tôi, một nhân viên của Sở Cấp Phát Nước, trực tiếp làm việc với khách hàng; vì vậy tôi đã gặp gỡ đủ mọi loại người. Nói thẳng ra, tôi đi cúp nước của người dân không trả được hóa đơn nước. Khu vực tôi phụ trách tập trung phần nhiều những hộ nhà nghèo. Vì vậy công việc thoạt nhìn không khó nhọc, nhưng điều khiến tôi cảm thấy gay cấn khó khăn nhất là chuyện tôi phải khóa nước của những người dân nghèo này.
Một hôm sếp cũ ở Bermex gặp, hỏi tôi có thích công việc mới hay không.
- Công việc này khó khăn nhất là phải khóa nước của người ta.   Tôi nói với sếp cũ như vậy.
- Thì cậu cứ coi đó là một công việc bình thường đi. Đừng nghĩ gì xa xôi cả. Cuộc đời mà, đâu phải lúc nào mọi chuyện cũng đều diễn ra như ý cậu muốn. Có nhiều công việc nếu cậu không làm thì người khác cũng sẽ phải làm.   Sếp an ủi tôi bằng một cái vỗ vai và một nụ cười thân thiện.
Hẳn nhiên sự đời là thế. Giống như người Việt mình thường hay nói: Không mợ thì chợ vẫn đông. Tỷ như tôi không khóa nước của người nghèo, Sở Cấp Phát Nước vẫn gởi người khác xuống khóa nước của họ. Tôi chợt nhớ đến một câu thành ngữ tiếng Anh: Business is business. Công việc là công việc. Vì vậy tôi không nên gộp chung cảm xúc với trách nhiệm, trộn lẫn những thứ tình cảm ủy mị vào công việc hiện tại. Cuối cùng dù không thích khóa nước của người nghèo, tôi vẫn buộc phải làm công việc đó.
Mỗi lần khóa nước của một căn hộ, tôi cứ liên tưởng trong ngôi nhà ấy sẽ có người già, có trẻ em, có người khuyết tật, có phụ nữ mang thai... Rồi tôi lại thấy chạnh lòng. Tôi nghĩ họ cũng là con người. Họ cũng cần có nước để sinh hoạt chứ. Mọi tạo vật đều cần nước để sống, để sinh tồn, con người cũng đâu phải là ngoại lệ.


Đây là lần đầu tiên tôi thấm thía hơn về sự nghèo nàn của một số đông người dân Mỹ. Hồi xưa tôi chỉ nghĩ di dân đến sau mới là người khổ. Nhưng người Mỹ nghèo và khổ không phải là ít. Bất chợt tôi nghĩ: Trong thửa ruộng trồng dưa hấu, thế nào cũng có quả tròn, quả méo. Vục tay vào thúng lạc của một thím nhà nông vặt ra từ gốc lạc vừa nhổ lên, thế nào chẳng có những củ lép, những củ mẩy; có củ bên trong ruột bị mối đục chỉ thấy toàn là đất với cát.
Đối diện với những cảnh nghèo khó hàng ngày, tôi chợt nghĩ: Chẳng phải cứ ở đâu xa mới có người nghèo, người khổ. Ngay tại Hoa Kỳ cũng vậy; người nghèo không hề thiếu, nếu không nói là con số này khá nhiều. Họ sống có khổ cực lắm không, điều này tôi không biết. Tôi chỉ nghĩ họ không có tiền trả hóa đơn nước. Nợ hóa đơn lưu cữu chất chồng, nội khoản tiền phạt cũng đủ khiến cảnh ngộ của họ vốn đã nghèo, giờ càng khổ, càng thêm phần bi đát nhiều hơn. 
Những cảnh ngộ éo le eo óc như thế không phải là ít. Trung bình có ngày tôi đã cắt nước hơn bốn mươi hộ. Có ngày kỷ lục, tôi cắt đến 72 hộ. Nhiều lúc tâm hồn tôi cảm thấy thực áy náy. Tôi đã suy nghĩ rất nhiều về những con người tôi cắt nước. Họ có ghét tôi không" Họ có giận dữ khi nhìn thấy tôi không. Một người di dân da vàng, cắt nước của họ là những người sinh ra và lớn lên ở đây" Nhiều gương mặt có những đôi mắt tôi không bao giờ quên được. Bên cạnh những lời năn nỉ, có cả những tiếng chửi đổng, những thái độ hằn học. Tôi chợt nghiệm ra có những cái nghề (cực chẳng đã) trở thành những cái nghề ác, không hề thiện. Nhưng cuối cùng tôi cũng đã quen. Nói rằng tôi phải quen thì đúng hơn. Lương tâm đã bắt đầu mỏi răng, sau hai tháng ròng trước sự chai lì ép buộc, nó không còn cắn rứt tôi nhiều nữa.
Tôi không biết rõ nguyên do tại sao người ta không trả hóa đơn tiền nước được. Lý do thì có nhiều lắm. Kinh tế chung. Thất nghiệp" Hoặc một lý do nào đó. Tôi chỉ biết một điều rất chung với những người này. Đó là nguồn nước   Một nhu cầu sinh hoạt hàng ngày rất cần thiết của họ - đã bị cắt.
Có hôm khi nhìn thấy tôi bước xuống khỏi chiếc xe của Thành phố, bọn trẻ ùa ra, chúng chào hỏi tôi rối rít rất thân thiện. Nào chúng có ngờ tôi đến là để khóa nước nhà chúng lại. Nếu chúng biết, rất có thể chúng sẽ căm phẫn nhìn tôi. Nhìn những khuôn mặt trẻ thơ hồn nhiên ấy, tim tôi nhói lên. Chúng ngây thơ vô tội. Chúng còn quá nhỏ để hiểu những câu chuyện phức tạp của thế giới người lớn. Chúng vô tư nô dùa, dù khuôn mặt đã sớm phảng phất nét tư lự cố hữu của lũ trẻ nhà nghèo. Chúng nhỏ bé giống như đám cháu tôi ở nhà, ríu rít như một bầy chim non. Những đứa trẻ ấy, lớn lên trong môi trường thiếu hẳn những nhu cầu sinh hoạt cấp thiết; tôi lẩn thẩn nghĩ mãi: Tương lai của chúng rồi đây sẽ ra sao"
Nhiều lần tôi đã tận tai nghe những câu như:
- Xin cho tôi mười phút để tắm cho mấy đứa nhỏ xong rồi hãy cắt nước.   Một người mẹ đã khẩn khoản nói với tôi như vậy. Đứng bên cạnh chị là ba đứa nhỏ, trông khá nhem nhuốc, một đứa còn đang ẵm trên tay.
- Có thể xin ông khoan đừng cắt nước của chúng tôi hôm nay được không, trong nhà đang có người ốm.   Một phụ nữ nhìn tôi, tia nhìn xuyên thủng ngực, nhọn bén như lưỡi dao chọc tiết lợn.
- Xin đợi cho, để tôi bán vội mớ đồ garage sale này xong... Rồi tôi sẽ gọi City để trả tiền hóa đơn ngay... - Một thím người Mễ Tây Cơ cố gắng nở một nụ cười cầu tài. Đó là một nụ cười héo hắt, bạc nhược; càng khiến tôi mủi lòng, khó xử hơn. Giá như thím ấy đừng mỉm cười, công việc của tôi rất có thể sẽ dễ dàng hơn nhiều.
Mỗi lần chứng kiến những cảnh đó, tôi luôn cảm thấy buồn. Rồi tôi nghĩ: Mình chỉ là một người di dân. Giống như bao nhiêu người Việt Nam mới đến đây với mớ chữ tiếng Anh lõm bõm. Ban đầu, nhiều chữ tôi cắn mẻ cả răng nhưng chữ thì không vỡ. Nhiều chữ không thể nhớ, không thể hiểu, giống như là trí óc của tôi ngắn ngủn, vỏ não bị ai xoa mỡ, chữ nghĩa không thể bám vào được; bong ra, rơi tuột mất hết.
Và rồi tôi đã cố gắng để vươn lên; tôi trộm nghĩ bao nhiêu người Việt cũng thế. Mọi người chúng ta đều hăm hở tiến về phía trước. Chúng ta bòn cóp, nhặt nhạnh, dè xẻn, giành dụm. Từ hai bàn tay trắng (đối với một số đông người Việt quả nhiên đây là sự thật), và từ số vốn liếng nhỏ nhoi, người Việt chúng ta đã biến công sức mồ hôi của mình trở thành những đồng vốn to lớn hơn.
Ân cần chắt chiu. Tích cốc phòng cơ, tích y phòng hàn.   Đó là một tài sản, là vốn quý của dân tộc cha ông chúng ta đã truyền lại cho con cháu. Đó là thứ gia sản tôi nghĩ mỗi con dân đất Việt lưu lạc nơi xứ người đều được thừa hưởng một cách công bằng.
Cùng với những nỗ lực vươn lên không ngừng. Những ý chí cố gắng học hỏi. Tinh thần vượt khó của Nguyễn Bá Học bên trong mỗi người Việt tha hương luôn dồi dào: Đường đi không khó, không khó vì ngăn sông cách núi, mà khó vì lòng người ngại núi e sông.
Có người chữ nghĩa ít thì hạ quyết tâm nói bằng được ngôn ngữ xứ người. Kẻ có chữ nhiều hơn một chút thì phải học cho được tấm bằng cử nhân, tấm bằng cao đẳng, hay tấm bằng kỹ thuật. Người có vốn học hành khá hơn nữa thì học sao cho giỏi, thi vào các trường Đại Học danh tiếng, cốt trở thành những bác sĩ, luật sư, công việc tốt lành, lương cao, bổng hậu...
Hàng ngày, một mình lái  chiếc xe có máy lạnh, có nhạc, chạy vòng vòng. Công việc cắt nước đến bây giờ tôi rất thạo, nhưng vẫn thấy chẳng thể quen được với công việc mình phải cắt nước của những gia đình nghèo, nhất là khi cắt nước ở khu nghèo của người da màu.  Có đêm nằm mơ thấy mình bị người ta quát tháo:
Thỉnh thoảng tôi có chút niềm vui của công việc. Tỷ như mỗi lần được lệnh đến mở vòi nước cho người đã thanh toán hóa đơn xong, tôi vui lắm. Nhìn kim đồng hồ nước xoay tít lúc dòng nước ùa vào căn hộ qua đường ống, tôi cảm thấy mình vừa làm một việc có ý nghĩa thật lắng sâu. Có lần tâm trạng tôi bồi hồi như thể chính tôi là người đang cần dòng nước ấy. Nhớ có lần tôi sửa lại đồng hồ cho một hộ có đông trẻ em lúc bảy giờ rưỡi tối, bọn chúng chờ đợi, đứng nhìn tôi làm. Khi tôi nói: Nước đã có. Mấy người cảm ơn tôi bằng một niềm vui. Tối hôm đó lái xe về, trong lòng tôi dạt dào cảm xúc. 
Chẳng hiểu sao tuy chỉ là một dịch vụ (người dân sử dụng nước và họ có trách nhiệm phải trả tiền cho Sở Cấp Phát Nước); có vẻ rất hiển nhiên và sòng phẳng, nhưng với tôi, khi làm công việc này tôi đã học được những bài học rất lắng sâu. Có lúc tôi thấy giận vì những ngôi nhà sang trọng, xe hơi tốt, nhưng họ lại ăn trộm nước của thành phố. Có lúc tôi thấy xót xa khi cắt nước của lũ trẻ. Có lần tôi chừa lại một căn hộ, bảo là chiều tôi sẽ cắt nước họ sau cùng. Tôi nghĩ khi tôi vừa lái xe đi, rất có thể họ sẽ đem chậu, xô ra hứng nước. Nhưng như thế cũng chẳng kéo dài được bao lâu. 
Viết về nước Mỹ, khi kể ra chuyện tôi phải cắt nước của người Mỹ nghèo, tôi không biết những điều tôi viết ra có hợp cảnh hợp tình hay không. Chỉ biết khi viết những dòng này, tôi thật lòng muốn chia sẻ những cảm xúc của tôi về những điều ẩn khuất bên trong những ngôi nhà trang hoàng cho ngày Hallowen, cho Lễ Tạ Ơn, cho Lễ Giáng Sinh và ngày Tết Dương Lịch... Sự yên ả xem ra rất đỗi bình thường ấy, cuối cùng đã được vén lên, và tôi đã nhìn thấy những đường nét chân dung sần sùi của nỗi niềm túng hụt, xảy ra trong những căn nhà trên những con đường tưởng như rất bình yên.
Hoa Kỳ là đất nước của cơ hội. Điều này hẳn nhiên mọi di dân gốc Việt chúng ta ai cũng biết. Điều tôi muốn chia sẻ là: Mỗi lần bạn sử dụng nước, dù đó là một lần đi vệ sinh, rửa tay, tắm giặt, tưới cỏ, nấu bếp... Bạn có biết ngay trên xứ xở được coi là thiên đường của sự phồn thịnh, ta vẫn có những thiên thần bị què tay, gãy cánh. Một cường quốc của văn minh giàu có, vẫn có những công dân không thể trả tiền sử dụng nước. Vẫn có những đôi mắt lo lắng khi nhìn thấy chiếc xe màu trắng của Sở Cấp Phát Nước chạy ngang qua khu nhà của họ...     
Và chúng ta, những kẻ đến muộn, những di dân da vàng ngồi trên những chiếc xe hơi đắt tiền; chúng ta có nhà cao cửa rộng; chúng ta làm chủ những cơ sở kinh doanh sầm uất; không ít người có học vị bằng cấp tử tế, con cái đề huề, có thể gởi tiền về quê nhà giúp đỡ người thân... Vậy mỗi chúng ta đã, đang, và sẽ nghĩ gì về chính mình  và đất nước này"
Phải chăng nhờ Hoa Kỳ, - một xứ sở màu mỡ giành cho những khát vọng tự do vươn lên, - chúng ta mới có được cơ hội nhìn thấy rõ hơn gia sản to lớn của tiền nhân để lại cho con cháu: Đó là tinh thần vượt khó, sự hy sinh, cần cù, chân chỉ hạt bột...
Ai sẽ bảo đảm rằng vốn quý đó sẽ tự nhiên lưu truyền lại cho con cháu. Và liệu con cháu chúng ta có biết trân quý tinh thần cần cù của thế hệ cha anh họ hay không.
Hãy tưởng tượng, còn gì buồn hơn khi một Halloween nào đó, con cháu chúng ta sống trong  những ngôi nhà bình thường yên ổn, những con đường bình yên, nhưng xe của Sở Cấp Phát Nước Thành Phố sẽ đến cắt nước của con em chúng ta...
Để điều này không xẩy ra, thiết nghĩ mỗi chúng ta hãy tiếp tục truyền lại gia sản tham công tiếc việc, dè sẻn, liêm kiệm cho thế hệ con em của mình. Đó là tài sản quy do tiền nhân để lại. Chúng ta có nghĩa vụ trách nhiệm truyền lại cho con cháu gia tài đó.

Nguyễn Thơ Sinh
Fort Worth, TX, Halloween 2010

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,922,339
Tác giả đã góp nhiều bài viết đặc biệt và đã được trao tặng giải thưởng Việt Về Nước Mỹ. Ông sinh năm 1951, du học Nhật trước 1975. Đến Mỹ năm 1981. Hiện là cư dân Irvine, Nam California. Công việc: Kỹ Sư Điện tại một hãng trong cùng thành phố. Đây là bài viết mới nhất
Bà cho biết tên thật Jeanne Bùi, sinh năm 1945. Từ trước 1975, dạy học ở Saigon. Sang Pháp từ 1982, đi học lại rồi làm việc cho Mairie de Paris (Tòa Thị Chính), hiện đã nghỉ hưu.
Tác giả là một nhà giáo tại Việt Nam. Sang Mỹ, bà có 10 năm làm việc trong ngành du lịch, hiện là cư dân Little Saigon. Với sức viết mạnh mẽ, Phùng Annie Kim đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2016.
Tác giả đã nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2013. Năm 2019, Tác giả nhận thêm giải Chung Kết Vinh Danh Tác Giả Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ hay còn gọi là giải Hoa Hậu. Tốt nghiệp Y Khoa Huế, thời chiến tranh Bác sĩ Vĩnh Chánh đã là Y Sĩ Trưởng binh chủng Nhảy Dù.
Tác giả là cư dân Huntington Beach. Những Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của cô là “Chuyện Vui Sầu” ký bút hiệu Khánh Doãn đã được phổ biến từ tháng Tư 2011.
Nguyễn Cao Thăng là tên thật của tác giả, 52 tuổi, dân gốc Kinh 5 Rạch Giá, một cựu thuyền nhân, hiện là kỹ sư cơ khí của hãng máy bay Beechcraft tại Wichita, Kansas.
Tác giả hiện sống ở thành phố Victorville California, đã từng tham gia VVNM năm 2018
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2012, với những bài viết linh hoạt về đời sống tại Mỹ kèm theo hình ảnh hoặc tài liệu do ông thực hiện hoặc sưu tập.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2015. Bà sinh năm 1948 tại Biên Hòa, cựu học sinh Ngô Quyền.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ 2004. Võ Phú sinh năm 1978 tại Nha Trang-Việt Nam; định cư tại Virginia-Mỹ, 1994. Tốt nghiệp cử nhân Hóa, Virginia Commonwealth University.