Nên Người
Tác giả: Anthony Hung Cao
Bài số 2885-28185-vb2051011
Tác giả 39 tuổi, cư dân Nam California, công việc: bác sĩ nha khoa, đang hành nghề tại Costa Mesa. Là tác giả đã nhân giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2008, Anthony Hung Cao cũng là người làm thơ và soạn nhiều ca khúc. Sau đây là bài viết mới của ông nhân dịp Ngày Lễ Mẹ.
***
Trời nắng chang chang. Mặt nước lấp xấp còn sót lại trên mảnh ruộng nhỏ xíu tưởng chừng cũng sắp sửa bốc hơi. Từ đằng xa, Phúc đã thấy dáng gầy gò của mẹ đang lom khom trên thửa ruộng, lay hoay bên đám rau muống. Phúc có cảm tưởng như mẹ nó đang giơ đôi lưng gầy gò ra che cho đám rau muống nếu không chúng sẽ chết mất trong cái nắng thiêu đốt.
Ngày nào cũng vậy, sau buổi học, nó thường mang cơm ra ngoài đồng cho mẹ. Mảnh ruộng chỉ lớn hơn cái mảnh sân phía trước nhà có một chút, vậy mà ngày nào mẹ nó cũng phải dậy từ lúc sáng sớm để ra đây làm quần quật đến chiều tối mới về. Nhiều lúc thấy mẹ cực khổ quá với công ruộng nhỏ xíu, nó đã buột miệng hỏi:
-Sao mẹ không trồng lúa như người ta, đỡ phải chăm sóc hàng ngày cực cho mẹ quá"
Mẹ Phúc xoa nhẹ mái tóc cháy nắng của nó, rồi mỉm cười hiền lành đáp:
-Mẹ cũng muốn trồng lúa chứ, nhưng đến mấy tháng trời mới gặt hái được. Trồng rau muống tuy có cực, nhưng có đồng ra đồng vào. Con coi, người trong xóm mình ai cũng có nghề phụ để làm kiếm thêm tiền. Còn mẹ, mẹ đâu biết làm gì ngoài đám rau muống này.
Phúc cũng biết như vậy, nhưng nó chỉ vì thương mẹ mà hỏi như thế. Từ tiền sách vở đến đủ thứ linh tinh hàng ngày đều từ gánh rau muống mà mẹ nó trồng được mang ra chợ bán. Đám trẻ cùng lứa trong xóm có bố người thì làm thợ hồ, thợ mộc, hay đào giếng, v.v...nên bọn chúng còn được bố mẹ cho tiền ăn quà vặt mỗi khi họ có việc làm kha khá. Đối với Phúc, bánh kẹo là thứ xa xí phẩm mà nó không bao giờ dám ước mơ tới. Những lúc theo mẹ ra chợ để bán rau, trên đường về nhà, nó chỉ biết nuốt vội nước bọt mỗi khi đi qua những hàng bán bánh kẹo chứ không bao giờ dám đòi mẹ mua cho. Nó nghĩ tới những buổi trưa nắng như thiêu đốt mà mẹ vẫn phải cúi khom tấm lưng gầy gò chăm chiu từng cọng rau nên ráng nhịn cơn thèm.
Thiếu thốn vật chất triền miên, Phúc còn cố gắng chịu được. Nỗi đau khổ lớn nhất của nó là mỗi khi có ai đó soi mói hay trêu chọc về người cha vắng mặt trong cuộc đời của nó. Thật ra, Phúc có gặp bố vài lần, mà không lần nào nó muốn nhớ lại. Lần cuối cùng ông ta đến thăm mẹ con nó cách đây cũng vài năm. Nó nhớ ông ta và mẹ đã to tiếng với nhau một hồi lâu. Nấp trong góc buồng, Phúc nghe rõ những lời của mẹ nó nói trong tiếng khóc nấc nghẹn:
"Ông có bao giờ để ý lo gì đến mẹ con tôi đâu. Từ lúc tôi sanh thằng Phúc đến nay, ông nhớ xem ông đã thăm nó được bao nhiêu lần rồi" Tốt hơn ông hãy về với bà ấy và lũ con của ông đi. Đừng bao giờ đến đây nữa..."
Từ sau lần "gặp" đó đến nay, Phúc không còn nhìn thấy bố nữa. Nó thường cúi đầu buồn bã, ganh tị mỗi khi thấy lũ bạn có bố bên cạnh yêu thương, săn sóc. Còn nó, thỉnh thoảng vài lần nằm mơ, nó thấy được bố ẵm vào lòng. Khi tỉnh giấc, nó vẫn còn tiếc nuối như muốn kêu lên mấy tiếng "Bố ơi! Bố đừng đi..." nhưng nó lại sợ mẹ nghe thấy.
Phúc biết mẹ hận bo. Nghe mẹ kể lại khi mới lấy nhau, ông cũng hiền lành, chất phác như phần lớn những thanh niên ở thôn quê thuở đó. Rồi ông theo đám bạn đi làm thuê cho một thương gia giàu có từ Sài gòn về mở cơ sở làm ăn ở vùng này. Không biết làm thế nào mà cô gái con ông chủ lại phải lòng ông. Thế rồi ông sa ngã và bỏ bê hẳn mẹ con Phúc để lập gia đình với người đàn bà đó. Một thời gian sau, khi công việc làm ăn thua lỗ, ông theo gia đình người vợ mới trở về lại Sài gòn. Có đôi lúc ân hận, ông trốn người vợ mới, đón xe đò về làng cũ để thăm người vợ xưa, nay đã trở thành người thiếu phụ lam lũ và đứa con lớn lên thiếu cha. Tuy nhiên, ông chỉ nhận những lời trách mắng, oán hờn từ mẹ của Phúc và một khoảng trống khó bù đắp với đứa con đang bước vào tuổi thành niên. Mẹ của Phúc không muốn cho Phúc lại gần hay nói chuyện gì với bố của nó.
Trong thâm tâm, Phúc vẫn muốn có một lần được hỏi bố tại sao ông nỡ bỏ rơi nó như vậy, như thể nó chưa từng có mặt trên cuộc đời này. Nó và cả mẹ nữa, đâu có lỗi gì để bị ông đối xử như vậy. Chính ông là người đã chọn cho nó cái tên "Phúc", với ước mong nó sẽ được nhiều hạnh phúc trong cuộc đời. Vậy mà từ lúc sanh ra đến giờ, Phúc chưa từng được hưởng phút giây hạnh phúc có cả mẹ lẫn cha bên cạnh.
Có bao nhiêu điều trong cuộc đời mà nó tò mò muốn hỏi, muốn biết nhưng không biết tâm sự cùng ai. Mẹ thì lúc nào cũng bận rộn chân lấm tay bùn ngoài đồng, về đến nhà thì trăm công ngàn việc đổ xuống đôi vai gầy của mẹ với đôi bàn tay đã hằn lên những đường gân xanh.
Trưa nay, lúc mang cơm ra, Phúc để ý thấy mẹ húng hắng ho lúc cúi xuống rửa vội tay dưới mương nước trước khi ăn. Phúc lo lắng nhìn mẹ rồi hỏi:
"Bữa nay mẹ có về sớm được không" Hay mẹ nghỉ một hôm để ngày mai con nghỉ học một bữa phụ mẹ cắt rau mang ra chợ bán""
Mẹ vội lắc đầu, nói nhanh:
“Mẹ không sao đâu con. Nhưng mẹ cấm con không bao giờ được nghỉ một buổi học nào nghe hông! Ráng mà học để nên người."
Mẹ của Phúc lúc nào cũng vậy. Mỗi khi nói đến chuyện học hành của nó, bà rất nghiêm khắc. Bà thường nhắc đến câu "học để nên người" thay vì "học để thành tài" như nhiều cha mẹ vẫn thường khuyên bảo và mong muốn con mình được đổ đạt thành tài. Có lẽ sâu lắng trong tâm khảm của mẹ, Phúc hiểu rằng bà vẫn luôn oán hận người chồng đã không sống xứng đáng "nên người" như một tấm gương tốt cho con noi theo. Có lẽ bà mong thấy Phúc trở thành một con người tốt, sống có tình nghĩa còn hơn làm người giàu sang mà sống phụ bạc.
Tuy hoàn cảnh khổ cực, nhưng mẹ cũng được an ủi phần nào với thành tích học tập của Phúc. Phúc lúc nào cũng được xếp hạng đầu trong lớp. Nó còn nhớ hôm khoe mẹ nó được đậu thủ khoa cấp hai và được tuyển thẳng vào lớp 10 của trường Trung học trên tỉnh, mẹ nó mừng quá nên hứa sẽ làm thịt con gà mái tơ để thưởng cho nó một bữa ăn thật thịnh soạn. Mẹ của Phúc biết nó vẫn thèm được ăn một miếng thịt gà từ lâu lắm rồi. Hôm đó trong lúc Phúc đang ở nhà trên chuẩn bị sách vở cho buổi tựu trường, nó cứ hít hà nuốt nước bọt khi mùi thịt gà thơm phức từ sau bếp bốc lên, xen lẫn với tiếng dao thớt nghe thật rộn rã như nhà sắp sửa ăn tiệc lớn. Một lúc sau, Phúc nghe có tiếng mẹ từ dưới bếp gọi vọng lên:
"Phúc ơi, xuống đây ăn đi con."
Phúc bỏ lẹ mấy quyển sách cũ đang soạn lại trên kệ, chạy như bay xuống. "Mâm cỗ" mà khi nãy nó đã dùng hết trí tưởng tượng để nghĩ ra sẽ là một dĩa thịt gà xé phay, một chén muối tiêu, một dĩa bắp cải trộn dấm đặt bên cạnh tô cháo huyết còn đang bốc khói. Nhưng Phúc hơi thất vọng khi không thấy dĩa thịt gà trắng phau đâu, mà chỉ thấy một tô bắp chuối non trộn với vài miếng thịt gà đặt bên cạnh tô cháo. Nó chỉ dám rụt rè hỏi nhỏ:
"Thịt gà đâu hết rồi hả mẹ""
Mẹ nó đang múc cháo ra cái chén nhỏ, nhẹ nhàng đáp lại:
"Mẹ trộn với bắp chuối đó con. Còn nửa con gà, mẹ để dành kho mặn lên để con ăn với cơm sau."
Phúc đã ăn bữa tiệc lên Trung học của mình như vậy. Nó cố ăn thật ngon lành cho mẹ vui, dù khi đó nó thầm hỏi không biết giờ này đâu đó trên Sài gòn, bố nó đang vui thú với đám bạn trong bữa nhậu thức ăn ê hề có nhớ gì đến nó và mẹ đang ngồi bên tô cháo và dĩa bắp chuối nhiều hơn thịt gà này không"
Ông Trời cũng không đến nỗi quay mặt đi với mẹ con nó. Phúc có người dì ruột sống ở trên tỉnh. Năm thì mười họa nó mới có dịp gặp mặt dì vào những dịp Tết hay đám giỗ. Bẵng đi một thời gian, mẹ của Phúc mất liên lạc với dì vì nghe đâu dì đã đi vượt biên và mất tích. Một ngày đẹp trời nọ, bỗng dưng mẹ con của Phúc nhận được giấy tờ của dì từ Mỹ gửi về bảo lãnh mẹ con nó sang Mỹ.
Mấy năm sau, mẹ và Phúc từ giã mảnh ruộng nhỏ với những luống rau muống xanh, và mái nhà xiêu vẹo để lần đầu tiên trong đời được bước lên phi cơ đi định cư theo diện đoàn tụ ở Mỹ.
Không còn phải chân lấm tay bùn như hồi còn ở quê nhà, nhưng mẹ con Phúc cũng phải trải qua những năm tháng đầu thật vất vả khi đến Mỹ. Mẹ vẫn phải thức khuya dậy sớm đi xe bus đến shop may để cắt chỉ đống quần áo đã được may xong. Ngày xưa khi còn ở Việt nam, mẹ đâu có được theo học lớp may vá thêu thùa như người khác, nên hai bàn tay chai cằn của mẹ chỉ quen với những công việc đồng áng. Khi sang đây, mẹ không dám ngồi sử dụng máy may vì nếu may được thì sẽ có nhiều tiền hơn. Mẹ của Phúc than máy may chạy quá nhanh, mẹ sợ không điều khiển kịp. Vì thế, mẹ phải cặm cụi cắt từng sợi chỉ và chỉ lãnh được vài chục xu từ mỗi bộ đồ. Tuy nhiên, mẹ của Phúc lúc nào cũng nói với Phúc bằng một giọng nói lạc quan mỗi khi anh lo lắng đến chuyện mẹ phải làm việc quá vất vả để phụ lo trả tiền căn apartment nhỏ mà mẹ con Phúc dọn vào sau mấy tháng ở chung với người dì:
"Không có gì đâu, con đừng lo cho mẹ. Dù sao đi làm lụng ở Mỹ cũng vẫn sướng hơn nhiều so với ngày xưa mẹ con mình phải đi cắt từng bó rau muống đem ra chợ bán, con nhớ không" Mẹ sống như vậy là mãn nguyện lắm rồi. Mẹ chỉ mong sao con ráng học hành để nên người."
Mẹ của Phúc vẫn như xưa, vẫn câu nói "học để nên người" mà Phúc đã từng nghe trong những buổi tối khi hai mẹ con ngồi bên mâm cơm dưới ánh đèn dầu lù mù những ngày còn ở quê nhà. Phúc tự hứa với lòng mình phải cố gắng ăn học để mau ra trường tìm một việc làm gì đó để mẹ không phải khổ cực như bây giờ.
Phúc còn nhớ cái Tết đầu tiên trên xứ Mỹ vào cuối những năm 80.
Tết năm đó, ông bà chủ tổ chức tiệc tất niên cho nhân viên trong shop may đồ vào buổi chiều 30 Tết. Vì nhằm ngày thứ Bảy không có lớp nên Phúc đưa mẹ đến dự buổi tiệc. Khi Phúc lái chiếc xe cà tàng đến, anh thấy bên trong shop may lố nhố một số người đã đến từ trước. Ông bà chủ shop may tuy qua Mỹ trước mẹ con Phúc khoảng vài năm, nhưng nhờ có số vốn từ Việt nam nên họ đã mau chóng lập nên cơ nghiệp ở đây. Ngày thường, gương mặt của ông bà ta lúc nào cũng khó đăm đăm với nhân viên, chi li từng đồng xu cắc bạc với những người thợ may đồ và cắt chỉ. Hôm nay có lẽ vì ngày Tết, nên bà chủ thì cười tươi rói, đi tới đi lui trong chiếc áo dài màu đỏ thẳm và chồng bà thì xúng xính trong bộ đồ vest lớn. Mấy nhân viên thì vẫn tỏ ra cung kính trước mặt ông bà chủ dù họ đang sống trên đất Mỹ.
Một chiếc xe hơi Mercedes đen bóng chợt trờ tới đậu ngay trước cửa của shop may. Ông bà chủ có vẻ như nhận ra vị khách mới đến nầy, nên vội vàng chạy ra đón. Khi hai vợ chồng vị khách sang trọng từ trên xe bước xuống, Phúc thấy mặt mẹ chợt tái đi. Phúc ngạc nhiên quay đầu nhìn lại và suýt chút nữa chính anh cũng phải buột miệng kêu lên một tiếng "Ủa!"
Người đàn ông lái chiếc xe quý phái kia không ai khác hơn, chính là bố của anh. Trông ông thật sang trọng đi bên cạnh người đàn bà mà chính vì bà ta mà mẹ con anh phải trải qua biết bao nhiêu gian khổ trong bao nhiêu năm trời qua. Trong phút chốc, tất cả quá khứ xa xưa chợt hiện về làm lòng Phúc chợt dâng lên niềm oán hận khi anh nhìn thấy hình ảnh người đàn ông đi bên cạnh người đàn bà sang trọng đang bước vào. Người đàn ông có vẻ cũng vừa nhận ra mẹ con của Phúc đứng lẫn trong số nhân viên nên Phúc nhận thấy một thoáng bối rối trên khuôn mặt của ông. Tiếng bà chủ tiệm may chợt vang lên lanh lảnh như cố ý cho mọi người cùng nghe về người khách sang trọng của ông bà: