Hôm nay,  

Mối Tình Muôn Dặm

05/05/201000:00:00(Xem: 283514)

Mối Tình Muôn Dặm

Tác giả: Bồ Tùng Ma
Bài số 2881-28181-vb3050410

Tác giả tên thật Nguyễn Tân, thuộc lớp tuổi 60 , cựu sĩ quan hải quân, định cư tại thành phố Glendale, Nam Cali. Ông là một trong những tác giả Viết Về Nước Mỹ rất được quí trọng. Năm 2002, ông nhận giải bán kết. Năm 2008, nhận thêm giải Việt Bút, dành cho những tác giả từng nhận giải và "vượt được chính mình." Từ 2009, ông là một trong sáu thành viên "Ban Tuyển Chọn Chung Kết Viết Về Nước Mỹ" nhưng vẫn tiếp tục góp bài dù không còn dự giải. Sau đây là bài mới trong loạt bài về đề tài "du học sinh Việt Nam tại Mỹ."

***

Phương  gọi điện thoại cho tôi, giọng lo lắng:
-Chết con rồi, chú ơi! Con bị out of status rồi.
-Tại sao"- Tôi hỏi.
"Out of status" đây có nghĩa là tình trạng không hợp pháp của một du học sinh, thường do không đi học theo đúng quy định của Sở Di trú hay bỏ học.
Đợi tôi hỏi lần thứ nhì Phương mới nói:
-Con chuyển qua trường mới. Giấy nhận học I-20 ghi "The student is expected to report to the school no later than 03/04/20..".  Con cứ đinh ninh tháng tư mới trình diện trường.  Không biết trí óc con lúc đó chạy đâu mất, chứ ai mà không biết ngày tháng trên I-20 viết theo lối Mỹ.  Nhưng mà... có trình diện trường đúng quy định cũng đâu có đủ tiền học để đóng cho họ.
- Vậy Phương trình diện trường trễ 1 tháng"
-Dạ không, hơn một tháng rưởi. 20 tháng 4 con mới đến trường. Con nghe nói quá 3 tháng mới bị out.
-Cũng có trường dễ dàng như vậy.  Họ cho mình out họ cũng chẳng ăn cái giải gì, nên họ đợi.  Trường của con thuộc loại khó. Có chắc con bị out không"
-Chắc chắn. Con hỏi kỹ rồi. Có cách gì không chú.
-Còn mấy tháng nữa visa của con hết hạn"
-Dạ  6 tháng.
-Con đến một trường "dễ dàng" nào đó, loại trường ế ẩm, nói rõ tình trạng bị out của con. Trường sẽ cấp một I-20 khác cho con.  Con ra khỏi nước Mỹ, thí dụ về Việt Nam, qua Mexico...
-Không được đâu chú. Con không muốn rời nước Mỹ.
-Để chú nói hết.  Con ra khỏi Mỹ, xong trở lại Mỹ. Hải quan  Mỹ đóng dấu vào I-20 mới...
-Không, con không muốn cách đó.
-Tuỳ con. Còn một cách nữa
-Cách gì chú"
-Lấy chồng.
-Con không quen ai có quốc tịch Mỹ để kết hôn cả.
-Không, con có thể kết hôn với một du học sinh.
-Thôi, chú đừng đùa tội nghiệp con. Con đang rối cả ruột đây.
-Chú không đùa.  Chú nói chuyện đứng đắn.  Con có thể kết hôn với một du học sinh F1. Như vậy con sẽ là F 2 dependant (Loại visa dành cho vợ, chồng và con vị thành niên của du học sinh F1).  Con có thể ở lại Mỹ một cách hợp pháp nếu chồng của con cũng học hành một cách hợp pháp.
-Thật không chú"
-Sao lại không thật.  Điều quan trọng bây giờ là làm thế nào cho con được lưu lại Mỹ một cách hợp pháp.  Mọi việc khác tính sau. Ở đây chú chỉ nói sơ lược, giống như gợi ý cho con.
-Chú có thể nói thêm một ít chi tiết được không"
-Hai người đem nhau đến county làm hôn thú. Chồng con đến trường anh ta đang học nộp đơn xin I-20 cho con theo diện F-2 dependant . Nhớ phải chứng minh tài chánh.
-Như vậy khỏi cần luật sư hả chú"
-Khỏi cần.
Hơn hai tháng sau Phương mới đến nhà tôi. Tôi hỏi:
-Mọi việc xong xuôi rồi quên mất chú, phải không" Chẳng thèm liên lạc gì cả.
-Đã xong đâu chú.
-Sao vậy"
Phương không trả lời câu hỏi của tôi:
-Thiếm đâu rồi chú"
-Sắp về bây giờ. Lâu nay Phương làm gì"
-Con sống với dì Lợi của con ở Riverside, chỉ cách nhà chú chừng 1 giờ lái xe.  Dì Lợi  là  em cô cậu với má con. Dượng Lợi đang còn ở Việt Nam. Trong cái nhà rộng thênh thang chỉ có dì Lợi, anh Lộc và con.
-Có làm việc gì kiếm thêm tiền không"
-Dạ không. Chỉ giúp việc vặt trong nhà.
-Sao con không học thêm tiếng Anh"
-Ai cho học chú.
-Vẫn học được như thường.  Học non-credit.  Ở Mỹ có nhiều trường dạy tiếng Anh cho người lớn. Trường không cần biết học sinh thuộc loại nào.  Trước đây Trường Evans Adult School ở Los Angeles được Sở Di trú cho phép dạy tiếng Anh cho du học sinh theo quy định của Sở Di trú; đồng thời có thể dạy tiếng Anh cho bất cứ ai. Du học sinh học có credit tức học theo quy định của Sở Di trú, thì phải đóng tiền, còn loại học sinh khác  thì khỏi đóng tiền.  Nhưng du học sinh học có credit thì được chuyển lên college hay university, còn du học sinh khác, thí dụ như Phương bây giờ, thì không được tiếp tục học college hay university. Cách dạy, chất lượng dạy giống nhau, không hề có sự phân biệt.
-Có ai nói cho con biết đâu. Bây giờ không cần thiết nữa. 
Tôi linh cảm thấy có cái gì không ổn trong cuộc sống của Phương hiện nay tại Mỹ.  Tôi biết dì của Phương mới qua Mỹ nhưng rất giàu, dư sức cho Phương mượn tiền đóng tiền học.  Vậy mà không... Tôi nhìn Phương. Từ ngày qua Mỹ, đã hơn 8 tháng nay, em vẫn mặc một bộ áo quần như vậy.  Có lẽ đây là bộ áo quần ăn ý và đẹp nhất của Phương nên em vẫn diện trong những lúc cần đi đâu. Phương là một cô gái đẹp trên mức trung bình rất nhiều, với dáng người không cao không thấp, với vẻ mặt rất linh hoạt qua đôi mắt sáng và to.  Đặc biệt khi Phương nói chuyện với những người đáng vai cha chú như tôi, em rất từ tốn, nhỏ nhẹ; nhưng khi nói chuyện với bạn bè cùng trang lứa, em rất cởi mở, cười nói ồn ào, có khi đùa những câu rất bạo.  Điều này làm nhiều người hiểu lầm.  Một bà hàng xóm, bà Bê, hay chê Phương.  Bà Bê là người trước đây tôi thuê  chở du học sinh đi chỗ này chỗ nọ.  Có khi bà Bê cũng làm người mẫu (model)  cho các em thi nail.  Bà rất mê làm người mẫu.  Bây giờ bà không được làm nữa vì du học sinh mới qua không được thi nail như trước, nên hay qua nhà tôi tiếp xúc với các em để lấy lại "dư hương ngày cũ".  Bà hay chê các em dễ nhìn, đẹp; chứ ít khi chê các em xấu.  Có lần bà nói về Phương:
-Con nhỏ này coi bộ lẳng lơ.
-Lẳng lơ chỗ nào"-Tôi hỏi.
-Nói chuyện, miệng cười mắt liếc.
-Nó chỉ ngước mắt nhìn chị để nói chuyện.  Trước đây con Quỳnh nói chuyện với chị, không nhìn chị, chị lại nói nó gian. 
-Khi con Phương đi, tôi thấy cái mông nó đưa qua đưa lại.  Con gái như vậy thì...
Tôi cười nói:
-Tôi thấy nó chỉ hơi...nhúc nhích thôi, trông cũng hay.  Bà Hạnh, mẹ cô ta, cũng có cái mông như vậy, ai dám bảo bà ấy lẳng lơ.
Thật vậy. Các du học sinh nam đều có ý nghĩ như tôi qua những tiếp xúc với Phương. Dĩ nhiên tụi hắn dễ nhận biết điều này hơn tôi bằng những câu đùa bỡn, ỡm ờ; còn tôi, không lẽ...
Hầu như tất cả các nam du học sinh quen biết với tôi đều muốn tán tỉnh Phương, nhưng không ai thành công, ngay cả những em thuộc loại đẹp trai, con nhà giàu, học giỏi. Trong số những em này có Nam, một người trồng cây si rất lớn vào Phương nhưng làm như không phải tình yêu này chỉ xuất phát một chiều từ phía cậu ta.  Nam hay khoe mối tình tưởng tượng này bằng những câu nói "coi vậy mà không phải vậy".  Có lần trong một buổi ăn sáng ngoài phố Tàu với tôi và một số du học sinh, Nam nói:
-Đôi khi có nhiều điều nên nói rõ để khỏi hiểu lầm.
-Cái gì vậy"-Tôi hỏi.
-Nhiều người cứ đồn là...
Thấy Nam có vẻ ngập ngừng, một em hỏi:
-Làm gì mà ngập ngừng thế"
-Nhiều người đồn là Phương và Nam yêu nhau. Đừng nói vậy không hay. Phương có bồ bên Việt Nam.
-Ai đồn đâu. Khi không nói gì lạ thế.- Các em cười ồ lên.
Phương nghe nói lại việc này, chỉ cười.  Cái cười này ngụ ý nói: Chuyện này như chuyện cổ tích, khỏi cần chứng minh.  Nếu Phương cãi chính một cách ồn ào, có thể người ta sẽ nghi ngờ.
Thấy tôi ngồi suy nghĩ như đang tính toán, giải quyết một vấn đề cam go, Phương đi xuống bếp.
-Chưa nấu cơm hả chú" Con nấu cơm nghe.
Không đợi tôi trả lời, Phương nấu cơm và rửa chén bác.  Ở nhà tôi, Phương rất tự nhiên, hay giúp vợ tôi trong việc nấu nướng. Em rất siêng năng. Tôi không nghĩ khi sống với bà dì em không làm việc vì lười biếng.  Chắc phải có vấn đề gì đây.
Tôi càng thắc mắc hơn khi thấy vợ tôi và Phương hay thì thầm với nhau.  Tối lại khi Phương từ giả ra về, vợ tôi nói:
-Con Phương xin ở tạm nhà mình chừng vài tuần. Một tuần sau nó mới đến.
Tôi cười nói:
-Chắc em muốn có người phụ tá. Thì nó cứ đến ở, có sao đâu. Em nói với nó như vậy chưa"
-Em nói rồi.
Hai ngày sau tôi ngạc nhiên thấy Phương đến nhà với hai cái va-li lớn.
-Con đến ở với chú thiếm vài tuần rồi về Việt Nam.
-Ủa...
-Chú ơi. Con bối rối, dằn vặt lắm.  Ba má con dành dụm tiền cho con đi du học, thiếu trước hụt sau.  Ba má con nói phải học hành đến nơi đến chốn hay tìm cách ở lại, nhưng học hành thì chú biết rồi, mà ở lại thì phải kết hôn, nhưng không thể được. Làm giả thì con không muốn, còn làm thật thì không thể...
Nói đến đây Phương khóc oà lên:
-Con có bạn trai bên Việt Nam.  Con...con...không thể quên được. Con không thể quên những lần...ảnh đèo con trên chiếc xe Honda  cọc cạch. Càng nhớ...nhớ ... đến cảnh ...nghèo của ảnh con càng...càng... thương, dù con ở đây cũng chẳng sung sướng gì. Còn F 2 dependant như chú nói thì có người đã sẵn sàng nhưng thấy cũng không ổn lắm.  Đôi lúc con cũng ngã lòng. Xa xôi cách trở quá.  Nhưng cuối cùng con cũng không quên được ảnh.
Tôi nói:
-Như vậy con nên về Việt Nam trước khi visa hết hạn. Sau đó khi có đủ phương tiện tài chánh, con xin phỏng vấn lại. Con về Việt Nam trước khi visa hết hạn, có thể dễ dàng được chấp thuận trở lại Mỹ. Chú sẵn sàng xin giấy tờ nhận học cho con.  Chú sẽ tìm một trường lấy học phí rẻ.
Tôi nghĩ một cô gái như Phương, đẹp, siêng năng và dễ mến, đã qua đến Mỹ rồi, chuyện ở lại Mỹ để có một cuộc sống khá, không phải là chuyện khó. Vậy mà...
-Thiếm đâu rồi chú"
-Ở trên lầu.
Tôi trả lời rồi kéo hộ cái va-li nặng nhất của Phương vào phòng khách.
Có Phương đến ở, phòng ốc nhà tôi trở nên gọn ghẻ sạch sẽ hẳn lên. "Phải chi mình có một đứa con gái hay con dâu như Phương".  Con gái tôi thuộc loại con cưng và làm biếng, khó nhờ nó việc gì được, nhất là việc bếp núc, dọn dẹp nhà cửa. Thằng con trai tôi quen toàn con gái ngoại quốc, dâu con thuộc loại này khó mà nhờ cậy những việc như Phương đã làm.
Phương  ở nhà tôi hai hôm thì bà Lợi gọi điện thoại cho tôi:
-Ông là người đã xin trường cho cháu Phương phải không"
-Dạ phải, có phải đây là dì của Phương không"
Bên kia đầu giây có tiếng khóc thút thít, tiếp theo là giọng nói bù lu bù loa:
-Dạ tôi là Lợi, dì  của Phương.  Không biết cháu tôi có ở nhà ông không"
-Cháu ở đây hai hôm rồi.


-Vậy hả" Cho tôi gặp nó một chút.
Tôi gọi với vào bên trong hai ba lần "Phương ơi! Có bà dì gọi" nhưng không thấy Phương trả lời. Tôi nói:
-Chắc nó đi đâu đó.  Nó về, tôi sẽ bảo nó gọi lại.
Lại giọng nói bù lu bù loa pha với tiếng khóc thút thít:
-Ông nghĩ coi.  Cha mẹ nó gởi nó cho tôi. Ở đây dì cháu sớm hôm có nhau.  Tui không cho nó đi làm, bảo nó ở nhà với tui.  Thằng anh nó, thằng con tui, tuy không phải anh em ruột, mà thương nó còn hơn cả em ruột. Đi đâu hai anh em cũng có nhau. Nhà tui chỉ có hai mẹ con, tui coi nó như con gái.  Vậy mà đùng một cái nó bỏ đi, không thèm nói một tiếng.
-Vậy thì bà đến đây gặp cháu. Riverside với đây đâu có xa xôi gì.
-Phải, phải.  Ngày mai tôi đến được không"
-Dạ được chớ. Buổi chiều từ 6 giờ đến khi đi ngủ thường lúc nào vợ chồng tôi cũng ở nhà, chỉ có mấy cháu thỉnh thoảng mới  đi đâu đó.
-Chiều mai Phương cũng ở nhà chớ.
-Chắc nó ở nhà.  Bà biết tánh nó rồi, ít khi đi ra ngoài, cũng không đua đòi như những cô gái khác.
Hôm sau mới hơn 5 giờ 30 tôi đã thấy hai người, một đàn ông và một đàn bà, đứng ngoài cổng. Tôi đoán đó là bà Lợi và con trai bà.  Tôi đi ra cổng:
-Chắc đây là dì của Phương.
-Phải.  Đây là Lộc, con trai tôi.
Sau khi chào hỏi, tôi mời hai người vào phòng khách.  Dì của Phương vào khoảng 60 tuổi. Đó là một người đàn bà có khuôn mặt hoàn toàn trái ngược với những ngôn từ đầy ắp tình thương con cháu như tôi đã nghe hôm qua. Nhìn bà ta, tôi cứ ngờ ngợ như đã trông thấy bà trên sân khấu, trong vai một phụ nữ gian ác nào đó. Cậu con trai của bà vào khoảng  30 tuổi, khổ người đẫy đà với cái  bụng phệ mà lẽ ra chưa thành hình với số tuổi này của cậu ta.  Có những người khi mới  gặp, ta đã thấy mất cảm tình  ngay qua cái nhìn của họ.  Rồi sau khi nghe họ thốt vài lời, có một cử chỉ gì đó, dù rất nhỏ nhặt, ta biết ngay không thể nào chơi với họ được.  Cậu con trai bà LợI chính là loại người này.
-Con Phương đâu rồi ông"
Nghe bà Lợi hỏi, tôi gọi với vào bên trong:
-Có dì Lợi tới Phương ơi!
Tôi gọi hai ba lần vẫn không thấy Phương trả lời. Tôi vào bếp, rồi lên lầu, vẫn không thấy Phương. Vợ tôi từ phòng tắm bước ra nháy mắt nói:
-Nó đang trùm mền nằm trong phòng ngủ con Trâm. Nó không muốn gặp họ đâu.
-Sao lạ vậy"
-Lạ gì mà lạ.  Anh cứ xuống nói nó đi chơi rồi.
-Nhưng tôi đã bảo nó ở nhà. ..
-Cái ông này...Thì cứ xuống nói là nó đi rồi.
Tôi  xuống phòng khách nói không thấy Phương đâu cả.  Lộc nhìn lên lầu:
-Chắc nó ở trển chớ đâu.
Tôi bực mình nhưng cố dằn lại:
-Không, có lẽ nó đi shopping.
Lộc  cười nhạt:
-Con đó mà đi shopping.
Tôi nổi doá:
-Anh muốn nói gì" Bộ anh nói tôi dấu nó hả"
Lộc  ngồi dậy, lưng hơi cong như nhún vai, mặt ngước xéo lên trần nhà, ngón tay trỏ và tay cái làm thành hình chữ O cầm điếu thuốc.  Bước ra khỏi cửa rồi hắn mới nói:
-Xin lỗi, ra ngoài hút thuốc.
Bà Lợi nói:
-Ông đã hứa với tui là bảo con Phương ở nhà...
- Tôi chỉ nói "chắc Phương ở nhà, vì ít khi đi ra ngoài" .  Nó đâu phải tội phạm mà tôi nhốt nó lại.
-Không tội phạm hả"-Từ ngoài hiên Lợi nói vọng vào.
Tôi hơi chột dạ.  Không lẽ Phương làm điều gì phạm pháp ở Riverside  rồi trốn xuống đây.  Thấy tôi yên lặng, Lợi bước vào nhà, nói tiếp một cách đắc ý:
-Du học sinh mà không chịu đi học, để trường báo cáo với Sở Di trú.
Bà Lợi nói:
-Ông thấy chưa.  Tôi đã không tuân luật pháp, chứa chấp nó, dấu nó trong nhà, thương nó như con ruột, vậy mà nó vô ơn, bỏ đi không thèm nói một tiếng.
Lộc tiếp lời mẹ:
-Luật pháp Mỹ sít sao, cái gì ra cái đó. Con Tổng thống Mỹ đi chơi bậy bạ còn bị cảnh sát bắt; cảnh sát trưởng Mỹ, lái xe quờ quạng cũng bị còng.
Tôi bỗng cười lớn. Hai mẹ con bà Lợi nhìn tôi ngạc nhiên.  Tôi nhìn lại họ một cách chế giễu.  Tôi  tự hỏi không biết hai mẹ con người này đến Mỹ theo diện di trú nào, giống như họ từ đâu rơi rớt đến đây. Họ, đang dạy pháp luật cho tôi.  Họ "cầm đuốc chạy trước đèn pha xe hơi".  Tôi định nói với họ thật rõ ràng rằng  việc out of status của Phương chỉ bất hợp lệ đối với việc học hành, nghĩa là em không thể học tiếp được; còn đối với luật pháp Mỹ về việc cư trú, visa của em vẫn còn có giá trị vài ba tháng nữa. Nhưng dù visa của em quá hạn, cũng không phải là một cái gì ghê gớm như mẹ con bà Lợi nói.  Hai ba lần tôi định nói rõ như vậy, nhưng tôi nghĩ: "Thằng này nói gì, mẹ nó nghe nấy.  Nó đã ngu thì cho nó ngu luôn, hơi đâu cắt nghĩa cho nó biết". Một lát sau tôi nói:
-Nếu vậy thì cứ để Phương ở đây.
-Chú nói sao" Để Phương ở đây" Nhà cửa như thế này thì Phương ngủ ở đâu"
Lộc nói như hét , rồi đưa mắt nhìn lên lầu, chân tay nhúc nhích như muốn đi lên. Tôi nói:
-Cậu không muốn nó ở đây hả" Cậu gọi cảnh sát đi.  Thật vô lý, bất lịch sự, khi không hai người đến đây làm chúng tôi mất thì giờ, thêm khó chịu. Xin lỗi, chúng tôi phải đi có việc.
Tôi vừa nói vừa đứng dậy. 
Đợi hai mẹ con bà Lơị đi rồi, tôi mới lên lầu gặp vợ tôi:
-Chắc em đã nghe hết chuyện.
-Nghe không sót một tiếng.
-Chắc con Phương cũng nghe.
-Chắc vậy. Nhưng nó làm bộ ngủ. Tội nghiệp.
-Lạ thật.  Không hiểu sao bà Lợi ...thương cháu quá.
-Thương" Tìm một "người giúp việc" như Phương đâu phải dễ.  Phương nói chỉ cần clean cái nhà 5 phòng mỗi buổi sáng cũng đã muốn chết, chưa nói đến việc khác.
-Thì ra là vậy.   Nhưng không hiểu sao thằng Lộc cũng thương cô em họ quá.
Vợ tôi im lặng. Tôi hỏi:
-Em biết sao không"
Một lát sau vợ tôi mới nói nhỏ:
-Xuống phòng khách đi.
Chưa ngồi xuống sô-pha tôi đã hỏi:
-Sao"
Vợ tôi nói:
-Làm gì mà nôn vậy. Con Phương dặn đi dặn lại đừng nói với ai cả, nhưng em thấy nên nói với anh.
-Nói đi!
Vợ tôi kề miệng vào tai tôi:
-Thằng Lộc thích con Phương.
-Sao được, bà con mà.
-Vấn đề không phải là bà con gần hay xa, mà ở chỗ khác. Thằng Lộc gạ gẫm con Phương mãi. Con Phương không chịu, nói hai đứa có liên hệ bà con, hơn nữa Phương đã có bạn trai ở Việt Nam. Thằng Lộc gạ gẫm không được, làm ẩu.
-Làm ẩu"
-Hôm kia con Phương  đau  gì đó. Thằng Lộc nói để nó đi mua  thuốc cho Phương.  Sau khi uống thuốc,  Phương  buồn ngủ rồi mê man. Không biết bao lâu sau, Phương vừa tỉnh giấc thì thấy có vật gì nặng đè lên người.  Mấy giây sau Phương mới nhận ra đó là Lộc. Phương hét lên, xô ra. Thằng Lộc ngồi dậy, đi ra ngoài. Phương mặc lại áo quần, chạy đi tìm bà Lợi. Cả nhà không có ai cả, thằng Lộc cũng biến đâu mất.  Phương vội vàng thu xếp va-li, nhờ cô bạn chở đến đây.
-Nhưng con Phương đã bị... chưa"
-Em  hỏi đi hỏi lại hai ba lần, Phương nói  chưa bị gì cả.
-Thật khốn nạn! Như vậy thằng Lộc thấy hết rồi.
-Thấy gì" À, dĩ nhiên. Nhưng sao anh nói vậy"
-À, không.
Vợ tôi mãi suy nghĩ chuyện gì đó nên không để ý đến câu trả lời của tôi.  Lát sau bà ấy nói:
-Còn thằng Nam, thật tội nghiệp, đồng ý làm hôn thú để con Phương trở thành F2 dependant một cách ... vô điều kiện.  "Chỉ kết hôn trên giấy tờ thôi, còn Phương muốn...gì tuỳ ý...".  Nam nói với Phương như vậy.
Lát sau có lẽ biết hai người kia đã rời nhà, Phương xuống phòng khách.  Em rưng rưng nước măt nói:
 -Con muốn đổi vé về Việt Nam sớm hơn.
-Sao không ở chơi với chú thiếm, về chi gấp vậy, lại tốn thêm tiền dời vé, ít nhất cũng 150 đô-Vợ tôi nói.
-Ảnh bảo con về sớm có việc gì đó.
-Bạn trai con hả" Để mai chú đưa Phương lên phi trường-Tôi nói.
-Dạ cám ơn chú.  Nhưng bạn con sẽ đưa con đi.
Tôi định nói Phương đừng ngại để tôi đưa Phương đi thì bỗng nghe có tiếng chân người phía ngoài.  Tôi đứng dậy bước về phía cái cửa chính đang để ngỏ.  Tôi suýt chạm phải một người sồng sộc đi vào.
-Xin lỗi chú. Chuyện gia đình cần thiết nên...
Lợi nói với tôi rồi bước nhanh đến chỗ Phương đang ngồi, lấy hai tay giữ vai Phương lại, như sợ em đứng dậy bỏ đi:
-Có gì không phải anh xin lỗi em hết. Em muốn gì anh cũng chiều. Anh sẽ làm hôn thú với em, đến Sở Di trú bảo lãnh cho em ở lại Mỹ...
-Không, không! Anh đừng nói bậy nữa.  Tụi mình là bà con, hơn nữa anh... Thật không ngờ, khốn nạn quá!
Lợi cuối xuống nói nhỏ bên tai Phương nhưng tôi vẫn nghe:
-Tại...tại...anh thương em quá. Em cũng biết đó, anh có làm gì em đâu. Anh vẫn giữ...cho em.
Phương vùng dậy, hất tay Lợi, đi nhanh ra sau bếp.  Lợi chạy theo. Tôi cũng chạy theo nắm lấy cổ áo Lợi kéo hắn ra phòng khách. Lợi quát lên:
-Tại sao... sao chú can thiệp chuyện gia đình người ta!
-Đây là nhà tôi hay nhà anh" Anh muốn tôi gọi cảnh sát không" Anh nên nhớ có cả "người nhà anh" là Phương làm chứng đó.
Lợi quắt mắt nhìn tôi:
-A, thì ra tụi bây ...a tòng với nhau, làm chuyện ám muội.
Tôi điên tiết, vừa xô Lợi ra cửa vừa nói:
-Ừ, a tòng. Mầy làm gì được thì làm.
Hai ngày sau đó Phương đổi vé về Việt Nam sớm hơn dự định.  Cô bạn thân của Phương đưa Phương lên phi trường.

***
Ở Việt Nam Phương vẫn thường email cho tôi, đôi khi chat. Phương nói hiện đang làm việc tại một ngân hàng tư. Tôi rất mừng thấy Phương đang có công ăn việc làm ổn định.  Nhưng rồi một hôm vợ tôi đi làm về, chưa kịp bước vào nhà, bà ấy đã nói:
-Nam nói có thấy Phương ngồi chung với một người đàn ông trong xe hơi ở San Diego.
-Chắc nó nhìn lầm.
-Nam chắc chắn 100%.
-Có thể nó nhìn lầm. Em cũng biết Nam yêu Phương, nên nhìn đâu cũng thấy Phương.
-Nam nói nó chào Phương và Phương gật đầu chào lại.
-Ở ngoài đường có một người lạ hoắc chào em, em có chào lại không"  Em còn giữ  số điện thoại của Nam không"
-Bậy quá, em quên, xoá  mất rồi. Thôi, thây kệ tụi nó. Toàn là thứ trời đánh thánh đâm.
Nghe bà vợ nói vậy tôi cũng đâm ra chán ngán, cho đến một hôm Phương gọi tôi:
-Chú đó hả"
-Phải.
Phương cười dòn tan bên kia đầu giây:
-Con không chắc chắc gì cả nên không thông báo cho chú, sợ chú mừng hụt.
-Phương nói gì vậy"
-Con đã kết hôn. Chồng con là bạn trai con ở Việt Nam mà con nói với chú đó.  Ba ảnh bảo lãnh ảnh theo chương trình Mac Cain, trật lên, trật xuống mấy lần mới được. Con đã qua Mỹ, đang ở San Diego.  Con có thấy Nam hôm chú của chồng con chở tụi con đi xin việc.  Con bảo chú quay xe lui tìm Nam thì không thấy Nam đâu cả. Chú biết số điện thoại của Nam không chú"  Con định lên thăm chú thiếm mấy lần nhưng  bận quá chưa lên đuợc. Con không  gọi điện thoại cho chú thiếm. Con muốn dành cho chú thiếm một sự ngạc nhiên.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,860,678
Khi nói về biên giới, ai cũng nghĩ đến lằn ranh chia đôi giữa nước này với nước kia, mà ít ai nghĩ đến cái biên giới giữa cái sống và cái chết
Hàng năm, tuy không hẹn trước nhưng vợ chồng tôi cứ nhắm chừng con heo đất hơi nặng là lật đật đập ra mua vé lơn tơn về Việt Nam
Lâu nay tôi bị khó chịu ở cổ, rồi bị đau luôn cái chân bên phải. Mỗi lần muốn nhấc chân lên để bước đi, dù chỉ là một bước ngắn cũng đã là khó khăn lắm.
Chưa vào hè, Ontario, Đông CA có ngày nhiệt độ trên 100 độ F. Từ tiểu bang Texas trải dài qua vùng Trung Tây mưa lũ, nước ngập tràn sông Mississippi.
Năm đó, tôi theo bạn dự lễ ở nhà thờ, tình cờ ngồi bên cạnh một ông cụ trông ốm yếu, ho hen.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2012, với những bài viết linh hoạt về đời sống tại Mỹ kèm theo hình ảnh hoặc tài liệu do ông thực hiện hoặc sưu tập. Sống động, cũng chẳng ngại sống sượng, bài viết của ông thường gây nhiều chú ý và bàn cãi. Một số đã được in thành sách "Xin Em Tấm Hình" và tập truyện mới, "Bắc Kỳ". Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước My từ tháng 5/2019. Ông cho biết tên là Dương Vũ, sang Mỹ từ năm 1975, khởi đầu định cư tại tiểu bang SC, và hiện đang sống ở Sacramento. Bút hiệu ông chọn là VuongVu (viết liền, không dấu.) Bài đầu tiên là hành trình di tản từ 30 tháng Tư, 1975, với nhiều chi tiết sống động. Sau đây là bài viết thứ hai.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Bà cho biết là nhà giáo về hưu, sống tại Canada. "Huế -Dallas" là bài viết đầu tiên kể về người chị và những kỷ niệm thời mới lớn của hai chị em tại Huế đã được phổ biến từ tháng Sáu 2019. Bài thứ hai, mới nhất, là một truyện tình khác thường, dữ dội như lời ca Phạm Duy, “Yêu người xong chết được ngày mai.” Nhân vật chính, một người nữ gốc Việt sinh tại Hoa Kỳ, và một chàng Argentina. Họ gặp nhau trong lễ hội hóa trang tại Venice. Chuyện được nàng và chàng trực tiếp kể bằng lời tự sự, cho thấy cách viết độc đáo của tác giả. Mong bà tiếp tục.
Tác giả đã nhận giải bán kết Viết Về Nước Mỹ 2002 với bài "Tiểu Hợp Chủng Quốc" kể về nơi cô làm việc, khi khủng bố tấn công nước Mỹ ngày 9 tháng 11 năm 2001. Viết về nước Mỹ sang năm thứ 15, cô nhận thêm giải danh dự với tự truyện về bệnh lãng tai bẩm sinh. Bài viết mới là một du ký tháng Bẩy, bên cạnh nơi thăm viếng chính là Smokies Mountain, có nhiều ghi nhận thú vị và hữu ích về chặng đường ngàn dặm lái xe qua 4 tiểu bang của nước Mỹ. Bài đăng 2 kỳ. Tiếp theo và hết.
Tác giả đã nhận giải bán kết Viết Về Nước Mỹ 2002 với bài "Tiểu Hợp Chủng Quốc" kể về nơi cô làm việc, khi khủng bố tấn công nước Mỹ ngày 9 tháng 11 năm 2001. Viết về nước Mỹ sang năm thứ 15, cô nhận thêm giải danh dự với tự truyện về bệnh lãng tai bẩm sinh. Bài viết mới là một du ký tháng Bẩy, bên cạnh nơi thăm viếng chính là Smokies Mountain, có nhiều ghi nhận thú vị và hữu ích về chặng đường ngàn dặm lái xe qua 4 tiểu bang của nước Mỹ.