Hôm nay,  

Kế Hoạch Năm Năm

08/09/200900:00:00(Xem: 153220)

Kế Hoạch Năm Năm

Tác giả: Nguyễn Vê Tê
Bài số 2721-16208792- vb290709

Tác giả tên thật Nguyễn Văn Trung, thuộc thế hệ thứ hai của gia đình H.O., định cư tại Mỹ theo diện bảo lãnh, hiện cư ngụ tại  San Jose. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của ông kể lại câu chuyện một gia đình, vợ chồng và hai con, quyết tâm trong 5 năm phải thành công dân Mỹ. Mong tác giả sẽ tiếp tục viết thêm.

***
 
Cách đây hơn năm năm gia đình tôi gói ghém những thứ cần thiết lên đường sang Mỹ. Trên chặng bay dài hai mươi mấy tiếng đồng hồ, tôi quay cuồng với bao suy nghĩ, nửa hồi hộp vì sắp được đến nơi mà bao năm mình mong chờ, nửa lo lắng phập phồng với cuộc sống mới mà mình sắp trải qua.
Nước Mỹ, đối với tôi, là một đất nước vừa lạ vừa quen, mà lạ nhiều hơn quen. Từ những năm còn mài đũng quần ở trung học trước năm 75, tôi đã được học về nước Mỹ, ngôn ngữ Mỹ. Thời ấy, tôi khát khao có một ngày được đi du học ở Mỹ, được nhìn tận mắt nước Mỹ mà tôi hằng chiêm ngưỡng. Nước Mỹ trong tôi thời ấy là một cái gì đó rất mới mẻ, vĩ đại và đầy cuốn hút. Đặt biệt, tôi rất thích bài quốc ca của nước Mỹ, mặc dù tôi cũng thích hát bài quốc ca VNCH không kém. Tôi đã từng là thành viên của đội hát quốc ca thời còn học tiểu học suốt ba năm liền. Đội của trường tôi từng được mời đi hát quốc ca cho các buổi hội họp của các cấp chính quyền địa phương, ngoài việc hát quốc ca cho trường mỗi thứ hai đầu tuần. Hồi ấy, tôi đã cố lắng nghe để học lời bài hát, nhưng rất khó. Mà thật, ở cái thời xa xưa đó, có mấy ai mà biết được lời của bài quốc ca nước Mỹ, đâu phải như bây giờ cứ lên internet thì cái gì cũng có thể tìm ra. Lời thì không biết nhưng nhạc thì tôi rành lắm. Tôi ngâm nga nó cả ngày và khi chương trình truyền hình có phát bài quốc ca Mỹ là tôi ngâm theo y chóc, cảm thấy hài lòng vô cùng.
Sau ngày cộng sản xâm chiếm miền Nam,  nỗi ao ước được qua Mỹ càng cháy bỏng trong tôi. Tìm đủ mọi cách để ra đi mà đều thất bại. Nhà tôi nghèo, cha tôi đang bị bọn cộng sản giam cầm trong ngục tù "cải tạo", cuộc sống hết sức khốn cùng nên cuối cùng tôi đành thất vọng để ước mơ trôi xa tầm tay vì hết khả năng xoay sở. 
Bẵng  đi một thời gian, ngày cha tôi được về nhà là ngày mà ước mơ của tôi lại bùng lên dữ dội. Số là lúc ấy đã có những tin hành lang rằng, Mỹ sẽ thu xếp với nhà cầm quyền VN để đưa những người tù "cải tạo" trên ba năm đến Mỹ theo diện H.O. Tôi mong từng ngày để chuyện đi Mỹ của cha tôi thành hiện thực. Hỡi ôi! đến khi chuyện thủ tục tiến hành đến nơi thì mới hay là những đứa con đã có gia đình thì không được cứu xét. Tôi buồn lắm nhưng vẫn chưa tuyệt vọng, vì vẫn hy vọng một ngày nào đó cha tôi lại đủ điều kiện bảo lãnh cho tôi.
Tháng ngày lặng lẽ trôi cho đến một ngày mẹ tôi báo tin là sẽ về VN thăm chúng tôi (Cha tôi không về vì, theo lời mẹ tôi, cha tôi thề rằng sẽ không bao giờ quay trở lại VN khi mà cộng sản còn đặt ách thống trị trên quê hương). Bà không hề nói gì về việc bà đã trở thành công dân Mỹ cho tận đến lúc ngồi đối diện với tôi tại nhà tôi. Câu đầu tiên bà hỏi là, có muốn đi Mỹ không"
-Đi chứ sao không, tôi trả lời dứt khoát.
Bà lôi trong xách tay ra một tờ giấy được in rất đẹp, mới nhìn qua, những hoa văn trông giống tờ dollar Mỹ nhưng lớn hơn nhiều, bà bảo:
- Bằng quốc tịch Mỹ của má đó.
Tôi ngắm nghía tấm bằng mà không thể nào diễn tả nổi cảm xúc của mình lúc ấy. Tôi mân mê nó mãi và thầm mong có ngày tấm hình của mình cũng chễm chệ trên cái bằng quốc tịch Mỹ như mẹ tôi.
Thời gian chờ đợi như vô tận. Từ ngày mẹ tôi trở lại nước Mỹ và mang theo hồ sơ của gia đình tôi, không lúc nào là tôi không nghĩ đến cái ngày mình được gọi tên. Cuộc sống lam lũ hàng ngày cũng không làm tôi quên nghĩ về nó. Có những đêm tôi nằm mơ thấy mình đi lang thang trên một con đường lạ hoắc, đến một chỗ đông người, tôi chợt nhìn thấy hai cột cờ cao với hai lá cờ bay phần phật. Lá ba màu xanh, đỏ, trắng với hình những vì sao. Lá còn lại vàng tươi với ba sọc nằm ngang màu đỏ. Tôi giật mình thức giấc với sự thẩn thờ và tiếc nuối khôn nguôi.
Thời gian như vô tận ấy rồi cũng đến ngày chấm dứt. Sau những ngày vất vả vào ra Toà Lãnh Sự Mỹ ở Sài Gòn, thì phần thưởng cuối cùng là tôi và gia đình đang ngồi trên phi cơ vượt đại dương qua Mỹ. Tôi đưa mắt nhìn vợ con đang nghẹo đầu trên ghế ngủ say. Hai đứa nhỏ lần đầu tiên đi phi cơ chắc hơi khó chịu. Cả vợ tôi nữa, có khá gì hơn, nàng cũng lần đầu tiên biết chiếc phi cơ là gì. Thật buồn cười, chúng tôi rời Việt Nam mà hầu như không một ai biểu lộ lòng luyến tiếc. Một người Việt chính gốc mà thấy quê hương quen nhiều nhưng không kém phần xa lạ. Quen phong tục tập quán nhưng lạ với đường lối cai trị và cách hành xử của chính quyền. Quen với đồng bào mình nhưng lạ với kẻ cầm quyền đang hàng ngày nói trắng thành đen, lòng lang dạ thú. Cho nên, từ cái ngày đen tối tháng tư, hàng triệu người đã ra đi tìm đến những đất nước lạ nhiều quen ít. Lạ ngôn ngữ, lạ phong tục tập quán nhưng không hề lạ với nếp sống văn hoá, nhân bản, dân chủ và tự do.
Đến Mỹ được vài hôm, sau khi tìm hiểu đại cương về nhiều mặt qua các em tôi, tôi bắt đầu đặt ra cho gia đình một kế hoạch năm năm  (nghe có vẻ giống ngôn từ cộng sản). Tôi ngồi nhẩm tính thì, thằng con lớn sẽ học một năm 12 ở high school, sau đó là phải 4 năm college. Vì đám con tôi chẳng đứa nào biết tiếng Anh nhiều, mà em gái út tôi nói rằng, phải chừng ấy năm thì thằng nhỏ mới đủ khả năng ngôn ngữ để học cao hơn, theo kinh nghiệm của cô ấy. Đứa thứ nhì thì vào lớp 8, tính ra đúng năm năm thì cũng vừa tốt nghiệp high school và vào đại học. Vào đại học ở Mỹ thì cũng có thể là chúng sẽ rời gia đình đi xa để tìm những trường mà chúng thích để theo học. Vậy thì, đúng năm năm theo luật của nước Mỹ, mọi thành viên trong gia đình tôi phải thi đậu và trở thành công dân Mỹ trước khi các con tôi vào đại học.
Có lẽ sống với bọn cộng sản bao nhiêu năm cũng làm tôi lây cái kiểu, sống đâu nhập hộ khẩu đó cho chắc ăn. Hai đứa con tôi thì không nói làm gì, chúng có thể bắt kịp ngôn ngữ mới không lâu. Hai chúng tôi thì khác, tôi tuy có học Anh ngữ từ thời trung học, nhưng chữ nghĩa cũng đã trả cho thầy qua mấy chục năm lăn lộn với cuộc sống. Tệ nhất là vợ tôi, nàng chẳng biết một chữ tiếng Anh bẻ đôi, mà hai chúng tôi đều đã gần 50 cả rồi. "Có thực mới vực được đạo", làm gì thì làm, trước mắt phải kiếm công việc gì đó để sinh sống cái đã.
Sau một tháng, tôi giật được mảnh bằng lái xe và kiếm được việc làm trong một hãng. Vợ tôi, sau khi chạy tìm khắp nơi thì cũng đành chấp nhận chân rửa chén trong một tiệm fast food Việt Nam. Tôi cùng vợ ghi danh vào học ở trường ESL cho người lớn vào ban đêm. Ngày đi làm, tối đi học, nhiều lúc ngủ gật trong lớp nhưng cũng cố mà theo. Ngày qua tháng lại, chữ còn chữ mất, nhưng dần dà cũng mở được lỗ tai để nghe, uốn được cái lưỡi để nói một vài câu chào hỏi. Tôi thì thế nhưng vợ tôi thì vất vả lắm. Cả ngày nàng phải quần quật trên mười tiếng đồng hồ ở tiệm, tối về đi học với cái vốn Anh ngữ bằng không, nàng đâm ra chán nản vô cùng.
Tôi suy nghĩ mất mấy đêm, điệu này chắc kế hoạch năm năm của tôi tiêu là cái chắc. Nàng mà bỏ cuộc là coi như thất bại cầm chắc. Cuối cùng tôi phải trở thành thầy giáo bất đắc dĩ của nàng. Tôi lập ra một chương trình đặc biệt cho học trò đặc biệt của tôi. Sau một ngày vất vả, tối đến khi hai vợ chồng lên giường là lúc tôi ôn bài cho vợ tôi. Vợ tôi trả bài chứ tôi không trả bài đâu đấy nhé! Ban đầu tôi dạy nàng tập đọc 24 chữ cái. Mỗi ngày tôi chỉ dạy có ba bốn từ, vậy mà phải mất hơn sáu tháng nàng mới đọc rành 24 chữ cái, vì thật ra, phần vì công việc ở chỗ làm quá nặng nhọc, phần thì nàng cũng chẳng có nhiều thì giờ. Nhiều đêm đặt lưng nằm xuống tôi hỏi, A là...." Nàng trả lời, ây. B là...." Nàng tiếp, bi. C là.... không thấy trả lời, tôi quay sang nhìn đã thấy nàng nhắm mắt ngủ say .
Vợ tôi đến trường ESL cũng là đến để được chữ nào hay chữ ấy, chứ thật ra mấy năm đầu nàng chẳng hiểu gì. Chẳng bao giờ nàng lên nổi lớp trên, cứ học hoài một lớp vẫn không xong. Mặc kệ, trường dạy gì tôi không cần biết, ở nhà tôi cứ theo chương trình của tôi. Được cái "học trò" của tôi rất siêng học. Sáng nào nàng cũng bắt tôi thức nàng dậy sớm để ôn bài trước khi đi làm. Lúc nào rảnh, tôi  tập cho nàng hát bài quốc ca Mỹ để đỡ nhàm. Học tiếng Anh thì chậm nhưng lạ là nàng học thuộc bài quốc ca rất nhanh. Chả thế mà những dịp đi sinh hoạt cộng đồng, hể cứ chào quốc kỳ là hai vợ chồng tôi thi nhau hát thật to theo máy phát làm mấy người chung quanh quay lại nhìn. Chắc họ nghĩ rằng, sao hai tên mít này thuộc quốc ca Mỹ đến thế.
Ngày qua ngày, mưa dần thấm đất, cô học trò đặc biệt cũng bắt đầu nói được một vài câu, đọc và viết được vài dòng. Ngày tôi vào học ở college là nàng cũng bắt đầu lên lớp. Tôi cắt nghĩa cho nàng từng câu từng chữ và từng cấu trúc, văn phạm. Nàng cũng chuyển từ rửa chén tiệm ăn sang làm babysister. Lương có thụt đi một nửa nhưng lương tôi thì tăng, nhà vẫn đủ sống.
Từ lúc chuyển qua làm cô trông trẻ, nàng rảnh rỗi hơn nên dành nhiều thì giờ hơn cho việc học. Cô học trò của tôi chăm học đến độ các thầy cô ESL ai cũng thấy thương. Chỉ tiếc nàng chẳng có thời gian để tiếp xúc nhiều với người Mỹ nên nghe nói vẫn còn kém lắm.
Thời gian trôi nhanh! Đến năm thứ tư cộng thêm vài tháng thì vợ tôi chuyển hẳn qua học chương trình luyện thi quốc tịch. Ngoài học ở trung tâm dành cho người lớn của chính phủ, nàng còn theo các lớp học ở thư viện và ở nhà thờ Tin Lành do các thiện nguyện viên người Mỹ nhưng nói tiếng Việt rất giỏi phụ trách. Các lớp này tập trung học vào các ngày thứ bảy và Chủ Nhật. Đối với tôi thì bài học quốc tịch không khó tí nào, nhưng vì vợ tôi không biết lái xe nên tôi đành theo nàng đến các lớp quốc tịch vào cuối tuần để dự thính.
Các lớp học ở thư viện hay ở nhà thờ Tin Lành rất là vui, đặc biệt là lớp ở nhà thờ Tin Lành. Các thiện nguyện viên người Mỹ còn rất trẻ và rất dễ thương. Họ rất kiên nhẫn giải thích cặn kẻ các câu hỏi và các câu trả lời trong bài học thi quốc tịch. Đa số các người đến học là bà con người Việt lớn tuổi và mới sang Mỹ nên trình độ tiếng Anh rất thấp. Nhiều câu phải học đi học lại nhiều lần mà các cụ vẫn chưa nghe ra. Các thiện nguyện viên chia lớp quốc tịch ra làm hai hạng, hạng mới học và hạng đã học lâu. Hạng mới học thì tập đọc và trả lời từng câu theo sự hướng dẫn của thiện nguyện viên. Hạng đã học lâu thì thực tập phỏng vấn với nhiều thiện nguyện viên người Mỹ, ai đã nộp đơn và có ngày hẹn thì ưu tiên cho thực tập trước.
Ban đầu vợ tôi vào lớp mới học, tôi cũng vào theo. Ngồi được mấy ngày chán quá tôi bò lên lớp thực tập. Ngồi lớp thực tập một thời gian chán quá tôi ra hành lang tán dóc với mấy ông chồng cùng hoàn cảnh như tôi, ấy thế mà cũng học được nhiều điều hay. Nhờ đến lớp quốc tịch này mà tôi biết được những thông tin quý báu về chuyện thi quốc tịch. Nào là cách nộp đơn ra sao, nơi nào nhận làm đơn miễn phí, thời gian chờ đợi để được lăn tay, phỏng vấn là bao nhiêu v.v... 
Gần như tuần nào cũng có vài người thi đậu quốc tịch, họ trở lại lớp học mang theo quà bánh để đãi những người chưa thi và nói lại kinh nghiệm họ đã trải qua trong ngày phỏng vấn. Những lúc này lớp học hầu như tan vỡ vì các học viên lao ra khỏi lớp, vây quanh những thuyết trình viên mặt mày rạng rỡ,  vừa ăn bánh kẹo vừa lắng nghe các "tân khoa quốc tịch" say sưa kể về cuộc thi. Thường chúng tôi hay chọc những người này với những câu như:" Ê, đậu quốc tịch rồi có về VN cưới vợ bé không cha"". Hay:"Bây giờ thành tóc vàng mắt xanh rồi đừng quên tụi còn lại nghe". Đây là những giờ phút vui nhất của lớp học quốc tịch. Nhưng lâu lâu cũng có người thi rớt. Trở lại lớp học, họ nghe những lời an ủi động viên  của bạn học. Lại có dịp cho nhiều quân sư trổ nghề tư vấn, phân tích, "Ông rớt vì....", "bà bị nó đuổi ra vì...", "ông nên như vầy, bà nên như kia...", thật là vui! Ngày nào đến lớp cũng có thông báo, mai người này thi, mốt chị này đi phỏng vấn thôi thì cả bọn xúm lại "chúc lành", còn hơn ngày xưa đi vượt biên cầu tai qua nạn khỏi.
Vợ tôi học ở hạng mới vào được vài tháng thì chuyển qua thử sức với lớp thực tập phỏng vấn. Mấy tháng qua, ngày nào nàng cũng mở băng nghe cho quen tai. Sáng tối gì rảnh là nàng lôi câu hỏi đáp ra đọc nghêu ngao. Đọc xong thì ngồi tập viết lại từng câu hỏi và câu trả lời cho đến khi nhuần nhuyễn. Nàng còn bắt tôi phải dò bài mỗi khi thấy tôi ngồi hơi rảnh rỗi. Chao ôi! Cái mạng tôi phải lo đủ bài vở ở trường lại còn phải lo cho cô học trò "đầy quyền lực " này nữa cũng muốn bở hơi tai. Nói vậy nhưng tôi rất vui vì khả năng kế hoạch năm năm của mình có thể thành công mà không cần phải treo băng rôn khẩu hiệu gì như bọn cộng sản, băng rôn khẩu hiệu cứ "to đùng" mà kế hoạch năm năm cứ vần đi vần lại không xong.


Đến lúc đủ năm đủ tháng, tôi đến văn phòng giúp đỡ những người nhập cư làm hồ sơ thi quốc tịch mà không tính lệ phí. Gửi hồ sơ đi xong, lại là những ngày hồi hộp đợi giấy gọi đi lăn tay. Lăn tay xong lại hồi hộp đợi giấy báo ngày đi phỏng vấn. Trong thời gian đó, tôi bắt đầu chăm chú vào các cuộc thực tập phỏng vấn hơn. Ban đầu, tôi ngồi ở dưới dự thính, chăm chú nghe thiện nguyện viên hỏi rồi tự thầm trả lời, rồi so sánh với câu trả lời của ứng viên, nhờ vậy, tôi thuộc bài mà không cần học ở nhà. Khi gần đến ngày phỏng vấn, tôi mới bắt đầu tham gia thực tập thật sự để làm quen với cách ứng xử trong khi phỏng vấn. Còn vợ tôi, buổi học nào nàng cũng tham gia thực tập. Khi nàng lên thực tập thì tôi ngồi lắng nghe, ghi chép những gì còn vấp váp của nàng rồi về nhà đem ra rút tỉa kinh nghiệm. Nhờ vậy, nàng tiến bộ trông thấy.
Tháng cuối cùng trước ngày phỏng vấn chính thức, nàng trở thành một trong các ứng viên nhiều triển vọng nhất của lớp quốc tịch. Các thiện nguyện viên người Mỹ gặp tôi lúc nào cũng tấm tắc, " She’s the best". Vậy chứ lúc nào tôi cũng phập phồng, vì như nhiều người thi rớt về cứ phao lên, "hay không bằng hên". Họ nói rằng, vào thi gặp phải nhân viên sở di trú nào, lỡ may hôm qua ông ấy bị vợ cho ra rìa, hoặc bà ấy vừa bị "mất sổ gạo", thì y như rằng đạp phải vỏ dưa. Đúng sai thì chưa biết, "đoạn trường ai có qua cầu mới hay", cho nên tôi vẫn ngày đêm khấn vái cho ông thần may gõ cửa nhà tôi.

Nộp hồ sơ được hai tuần thì cả gia đình tôi cùng đi lăn tay một lượt. Ba tuần sau thì nhận được giấy hẹn phỏng vấn cùng một ngày nhưng khác giờ. Mãi đến tuần cuối cùng trước ngày phỏng vấn các con tôi mới bắt đầu giở bài ra học. Đúng ra chúng chỉ đọc qua cho biết, chứ như chúng nói, nội nghe mẹ ra rả gào bài từ lâu nay là đủ thuộc. Cái chúng cần là thuộc  ngày sinh tháng đẻ của mọi người trong gia đình cùng các số an sinh xã hội, số thẻ xanh v.v... Buổi học cuối cùng trước ngày phỏng vấn, cả lớp quốc tịch lại tiến hành thủ tục "ban phước lành" cho chúng tôi. Chúng tôi đi thi mà cứ như chiến binh ra mặt trận, từng người chúc lành và hẹn ngày trở về với chiến thắng vinh quang.
Ngày đi thi gia đình tôi diện đồ thật tươm tất. Hẹn 10 giờ nhưng đã chuẩn bị từ lúc 6 giờ sáng. Tôi kiểm tra lại tất cả giấy tờ phải mang theo cho từng người. Giờ xuất hành cả bọn lên xe, hai đứa con tôi thì cười nói lung tung vô tư lự. Vợ chồng tôi im lặng thì thầm nguyện xin. Đến nơi, chúng tôi vào cổng làm thủ tục kiểm tra an ninh rồi vào phòng chờ. Phòng đợi chẳng rộng là bao nhưng người chờ cũng thưa thớt, nét mặt ai cũng căng thẳng. Cả phòng im phăng phắc đến nổi tiếng sột soạt của giấy tờ nghe cũng rõ. Tôi ngồi thì thầm van vái, mong cho vợ con mình gặp được người phỏng vấn "dễ thương".
Hồi còn đi học lớp quốc tịch, kinh nghiệm của những người đã qua kỳ thi đều nói, gặp Mỹ trắng hoặc Mỹ đen là tốt nhất, vì họ nói dễ nghe mà lại rất lịch sự dịu dàng. Tệ nhất là gặp phải nhân viên người Việt, tôi không hiểu vì sao gặp ai cũng nói, người Việt là khó chịu nhất ("). Thời gian chờ đợi lâu và căng thẳng như ngồi chờ nghe toà tuyên án. Cứ mỗi lần cánh cửa mở ra, một nhân viên bước ra gọi tên là tôi lại chăm chú nhìn.  Vì  ám ảnh với lời người đi trước, tôi tiếc rẻ khi một nhân viên người Mỹ bước ra mà không gọi ai trong nhà mình. Trái lại, tôi thở phào nhẹ nhõm khi một gương mặt Á châu thò ra đọc một cái tên xa lạ nào đó.
Giờ hẹn qua đã 30 phút mà chưa một ai trong gia đình tôi được gọi, tôi nắm chặt tay vợ tôi, vừa để động viên nàng vừa tự trấn an mình. Đột ngột tên con gái tôi được xướng lên, tôi giật mình nhìn người đang cầm tập hồ sơ trên tay đứng đó, anh ta có dáng vẻ dân Nam Mỹ. Cũng tạm được, tôi thầm nghĩ. Chưa đầy 10 phút con gái tôi trở ra nhoẻn miệng cười giơ ngón tay cái lên trời. Một cục đá rớt khỏi vai tôi.
Cánh cửa số hai mở ra, tên vợ tôi vang lên,  một nhân viên Mỹ trắng còn rất trẻ đưa mắt nhìn chờ đợi. Vợ tôi giật mình bật dậy, bước lên. Hên rồi, tôi tự nhủ. Liền ngay đó một nhân viên có gương mặt giống Hàn quốc kêu tên con trai tôi. Chà, chẳng biết cô này ra sao, tôi khẽ nói, hồi hộp nhìn theo dáng của con mình. Mười lăm phút sau vợ tôi bước ra giơ tay chào tôi cười rạng rỡ. Thêm một hòn đá lăn xuống, nhẹ tênh!
Chưa kịp thấy con trai bước ra thì tên tôi được gọi. Đứng ở cửa là một anh chàng mỹ đen to như hộ pháp. Tôi bước lên nhoẻn miệng cười cầu tài, good morning. Anh chàng da đen chìa tập hồ sơ chỉ cho tôi dòng chữ trên cùng rồi hỏi:
- Phải tên anh đây không"
- Vâng phải, thưa ông. Tôi trả lời.
Anh chàng quay lưng: "theo tôi". Rồi bắt đầu từ đây cho đến lúc dẫn tôi vào phòng của anh ta, anh nói lien tu bất tận. Tôi cũng biết người Mỹ đen họ nói nhiều và nói rất nhanh. Dù sao, đã có chuẩn bị nên tôi cũng không lấy gì làm bất ngờ. Tôi lặng lẽ theo sau, cố gắng nghe thử anh ta nói gì. Thật ra tôi cũng chỉ hiểu được chừng 70%. Vào tới phòng, thấy tôi chẳng ừ hử gì anh ta đột ngột quay lại hỏi lớn: "Do you understand me"". Tôi vội đáp: "I do understand you, sir". Anh ta mỉm cười:"Good". Anh ta bảo tôi đọc lời tuyên thệ, mời tôi ngồi rồi bắt đầu hỏi về lý lịch cá nhân. Cả một cái form N400 có đến hơn trăm câu hỏi thì gần như anh ta hỏi hết. Được cái là anh ta gần như đọc câu trả lời và chỉ thêm chữ "right"" ở đằng sau. Công việc của tôi chỉ là, "yes, sir" hoặc "No, sir", thành ra tuy hỏi nhiều nhưng chỉ tốn mấy phút là xong. Buông một câu: "very good", anh ta tiếp:
- Bây giờ tôi hỏi anh sáu câu lịch sử, nếu anh trả lời đúng hết thì anh đậu. Nếu không, tôi sẽ hỏi anh bốn câu nữa, bằng lòng không"
Tôi lại "Yes, sir". Xong phần lịch sử, anh ta đưa tôi một tờ giấy bảo đọc một câu nào trong đó cũng được. Tôi cố gắng đọc thật rõ ràng. Anh ta lấy lại tờ giấy và phê vào trên góc chữ "Good". Đưa một tờ giấy khác, anh ta bảo:
- Tôi đọc một câu, anh lắng nghe cẩn thận và viết lại nghe.
Tôi lại "Yes, sir". Xong phần chính tả, anh Mỹ đen thâu lại tờ giấy, phê vào "Good" rồi cất vào hồ sơ. Anh ta im lặng chẳng nói năng gì, quay lại lấy trên kệ một chồng hồ sơ thật dày đặt trước mặt. Lần giở từng trang, anh ta xem xét. Lúc này tôi mới nhận ra đó là hồ sơ của tôi nộp khi làm thủ tục xuất cảnh. Có đủ cả giấy tờ bảo trợ tài chánh, khai sinh,v.v...Tôi hồi hộp vô cùng, chẳng hiểu cái anh chàng da đen này muốn tìm cái gì trong đó. Như tôi nghe kể lại, sau khi pass các phần thi thì nhân viên họ sẽ chúc mừng rồi bắt ký tên trên hai tấm hình là xong. Liệu có gì trục trặc trong hồ sơ của tôi sao" Vài phút trôi qua trong im lặng, thình lình anh ta ngước lên hỏi tôi:
 - Bên Việt Nam anh làm quản lý nhà hàng hả"
Tôi gật đầu:
 -Yes, sir.
- Good, anh ta gật gù, thôi ký vào đây đi. Anh ta chìa ra cho tôi hai tấm hình.
Thở phào nhẹ nhỏm tôi cầm bút ký lia lịa. Anh ta đứng dậy, phán: "Done, you can go, congratulation!".
Tôi vội cám ơn và rời phòng trong niềm hân hoan khó tả.
Bước ra khỏi cánh cửa tôi đã thấy cả nhà tôi ngồi đó đưa mắt nhìn dò hỏi. Tôi mỉm  cười khẻ gật đầu nhìn thằng con trai. Nó cũng gật đầu cười cười  đáp lại. Thế là xong, kế hoạch năm năm của tôi đã "thành công vĩ đại". Ý quên, lại quen dùng khẩu hiệu "nổ" của bác và đảng. Tôi mừng như mở cờ, nhưng vì đang ở trong phòng đợi của Sở Di Trú nên tôi không thể hét toáng lên và ôm hôn vợ con được. Cả nhà tôi lục đục kéo nhau ra khỏi phòng đợi. Vừa ra parking, tôi móc phôn gọi về báo tin ngay cho cha mẹ tôi. Nghe tin cả nhà thi đậu, mẹ  tôi hét lên trong điện thoại:
-Chúc mừng, chúc mừng, cám ơn Chúa, cám ơn nước Mỹ. Tao cầu nguyện suốt từ sáng tới giờ. Cám ơn, cám ơn...
Thấy bà mừng quá tôi nhắc:
- Thôi má đừng hét lên nữa, có gì về nhà hẳn hay, coi chừng má la quá té xuống nhà đó.
Trên đường về nhà, gia đình tôi vui như trúng số. Tôi cầm tay vợ tôi nịnh một câu, em quá giỏi. Vợ tôi cười, cũng nhờ anh.
Thứ bảy tuần đó, tôi và vợ lại lễ mễ quà bánh vào lớp quốc tịch để trả nợ bấy lâu. Cả lớp quốc tịch vây quanh chúc mừng và hỏi han kinh nghiệm. Thôi thì tha hồ cho vợ tôi được một bữa làm giảng viên thuyết trình. Thấy nàng vui tôi cũng mừng quá đỗi. Chẳng bõ bao tháng ngày nàng thức sớm ngủ khuya.
Thi đậu quốc tịch xong vẫn chưa hết lo. Kinh nghiệm cho biết đến khi nào tuyên thệ, nắm bằng quốc tịch trong tay mới là chắc trăm phần trăm. Thường thì chỉ vài tuần hoặc một tháng là có giấy gọi tuyên thệ. Nhưng có nhiều người không hiểu vì sao mà sau khi đậu quốc tịch cả mấy tháng vẫn không nhận được giấy báo. Thậm chí có người gần cả năm. Người nói thế này kẻ nói thế kia chẳng biết đâu mà lần. Tôi lại ngày đêm mong ngóng như con ngóng mẹ đi chợ về. Hai tuần sau giấy báo về, nhưng chỉ có tên hai đứa con tôi. Hơi thất vọng nhưng như thế cũng là an ủi.
Rán chờ hoài vẫn chưa thấy thư của hai vợ chồng, tới ngày tuyên thệ tôi đành phải đi dự thính cho lễ tuyên thệ của hai đứa con. Hai đứa thật hên lại được tuyên thệ trong phòng hội của Sở Di Trú chứ không phải đi tận thành phố Campbell như mấy người tôi quen. Buổi lễ chỉ khoảng tám chín chục người tham dự và diễn ra chưa đầy nửa tiếng đồng hồ. Trong khi ở nhà hát tại thành phố Campbell, một lễ tuyên thệ quy tụ cả ngàn người là thường và cũng kéo dài khoảng một tiếng. Đó là theo lời kể lại của những người tôi quen. Buổi lễ tuy ngắn nhưng không kém phần trang trọng. Thân nhân được sắp xếp ngồi những hàng ghế phía sau và mang máy chụp hình để ghi lại những giây phút lịch sử của mình. Tôi ngồi yên lặng quan sát buổi lễ và những cảm xúc trên khuôn mặt những người tham dự. Họ đủ sắc dân và màu da nhưng giờ đây họ đã trở thành một dân tộc. Họ cầm lá cờ Mỹ với ánh mắt hân hoan, miệng họ vang lên những lời thề trung thành đầy nhiệt huyết. Tôi sung sướng nhìn hai đứa con mình, giờ đã trở thành công dân Mỹ. Thầm mong chúng thành tài để trả nợ cho đất nước đã cưu mang.
Hình như con đường nào cũng phải có chút ổ gà, gai góc cho thêm thú vị. Mãi đến cả tuần sau ngày con tôi tuyên thệ tôi mới nhận được giấy báo của tôi. Nhưng để trêu ngươi, giấy tuyên thệ của vợ tôi vẫn phiêu lạc phương nào. Hai vợ chồng nhìn nhau cười mà như mếu. Sự chờ mong ai có qua rồi mới biết. Lửa như đốt trong lòng, đêm ngủ cũng không yên. Mãi đến hai tuần sau nữa thư vợ tôi mới tới. Tôi mừng quá lao vào nhà ôm vợ, nè đãi tiệc đi nghe em! Tính ra phải gần hai tháng sau, từ ngày đậu quốc tịch, cả bốn người nhà tôi mới nhận đủ giấy báo và theo ngày ghi trên giấy thì phải gần ba tháng cả nhà tôi mới hoàn toàn biến thành "mũi lỏ mắt xanh". Lần này hai vợ chồng tôi phải đến thành phố Campbell để tuyên thệ. Nhưng mà, đối với tôi, Campbell chứ có đi xa tận Washington để được trở thành công dân Mỹ tôi cũng đi. Hai vợ chồng tôi vui mừng chờ đợi ngày trọng đại của mình.
Ngày G đến, Hai vợ chồng tôi diện thật kẻng, hân hoan lên đường để tuyên thệ trở thành công dân một đất nước vĩ đại. Chúng tôi đến trước cả gần hai tiếng đồng hồ. Trời thật đẹp, trong xanh và mát dịu. Đã có lác đác vài người đến trước chúng tôi, ai nấy đều tỏ lộ vẻ háo hức và tươi vui. Thấy chúng tôi bước đến để "get line" họ mỉm cười chào"good morning" như đã quen nhau từ trước. Vài người rao bán những tấm bìa được trang trí hoặc bọc da để gắn bằng quốc tịch. Càng ngày thiên hạ đến càng đông, đủ mọi sắc dân.
Đúng giờ, chúng tôi được nhân viên sở di trú kiểm tra giấy mời, thẻ xanh, và ghi số ghế sẽ ngồi trong hội trường. Sau đó từng người theo hàng của mình từ từ tiến vào hội trường. Sau khi mọi người đã an vị, nhân viên sở di trú lên sân khấu đọc lời chúc mừng. Tiếp  đến là nhân viên của quận hạt lên phổ biến cách thức ghi danh bầu cử. Sau đó, nhân viên Sở Di Trú giới thiệu các công dân đủ mọi quốc gia trên thế giới đang có mặt để tuyên thệ trở thành công dân Mỹ hôm nay. Tên các quốc gia được xướng lên từ vần A đến vần V là cuối cùng. Nghe tên quốc gia mình thì người quốc gia đó đứng lên trình diện. Có 64 quốc gia tất cả. Phần xúc động nhất là khi cả hội trường cùng đứng lên hát quốc ca Mỹ. Kẻ thuộc người không nhưng ai ai cũng đặt bàn tay trên trái tim mình và chép miệng theo bài quốc ca. Không khí trang nghiêm đến lạ. Bài quốc ca vừa dứt là tiếng pháo tay chợt bùng lên rộn rã. Ôi! giây phút quan trọng của một người nhập cư, chúng tôi cùng nhau đọc lời tuyên thệ trung thành với nước Mỹ. Chúng tôi, nay dù khác màu da và ngôn ngữ, nhưng đã trở thành con dân của cùng một tổ quốc. Đó là Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ. Khi đọc câu đại khái tuyên bố rằng, mình thề từ bỏ sự trung thành với bất cứ quyền lực hoặc chính quyền quốc gia nào mà mình đã từng là công dân, thì tôi đọc to nhất. Tôi tin rằng, trong số các người nhập cư được trở thành công dân Mỹ hôm nay, có một số người vẫn ít nhiều luyến tiếc về quốc gia cũ của mình như Pháp, Anh v.v... Nhưng với tôi, được tuyên bố từ bỏ sự trung thành với chính quyền "xã nghĩa VN" mà từ lâu nay tôi bị buộc làm công dân thì hôm nay đúng là ngày hạnh phúc nhất. Vì tôi đã từng là công dân nước Việt Nam Cộng Hoà rồi bị làm công dân cái gọi là "cộng hoà xã nghĩa" gì đó là ngoài ý muốn chứ bộ. Dù trở thành công dân Mỹ nhưng tôi luôn luôn nghĩ mình là người Việt Nam, nhưng nhất định không phải là công dân của nước "Việt Nam xã nghĩa". Cuối lễ tuyên thệ là đến phần nhận bằng quốc tịch.
Thế đấy, sau bao nhiêu năm trời chờ đợi, giờ đây tấm hình của tôi đã nằm đang hoàng trên tấm bằng quốc tịch Mỹ như tôi hằng ao ước. Kế hoạch năm năm của tôi đã "hoàn thành xuất sắc đúng như chỉ tiêu đã đề ra".
Hoan hô nước Mỹ , hoan hô sự nỗ lực của toàn thể thành viên gia đình tôi, nhất là hoan hô vợ tôi, người đã đưa kế hoạch năm năm của tôi đến thắng lợi sau cùng: cả nhà trở thành công dân Mỹ!
Nguyễn Vê Tê

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 841,818,925
Tác giả là cư dân miền Bắc California, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006 với bút hiệu Huyền Thoại.
Anne Khánh Vân, sinh năm 1974 tại Saigon, tốt nghiệp kinh tế tại Pháp, hiện sống và làm việc tại miền Đông Hoa Kỳ, từng nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2007 với tự truyện “Duyên Nợ Với Nước Mỹ.
Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, hiện là nhân viên công ty in Scientific Games tại Atlanta, tiểu bang Georgia.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng Sáu 2017, đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2018 năm thứ XIX.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng Sáu 2017, đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2018 năm thứ XIX.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C.
Kông Li là bút hiệu vui vẻ của Phạm Công Lý, tác giả đã dự Viết về nước Mỹ từ 2009. Ông cùng gia đình đến Mỹ từ 1994 theo diện HO, định cư tại Boston.
Tác giả từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014, ông tên thật Trần Phương Ngôn, đã sống ở trại tỵ nạn PFAC Phi Luật Tân gần mười một năm
Tác giả đã nhận giải Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ 2014. Lớn lên tại VN khi cả nước đã thành xã hội chủ nghĩa
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa
Nhạc sĩ Cung Tiến