Lá Cờ Cũ
Tác giả: Cam Li
Nguyễn Thị Mỹ Thanh
Bài số 2705-16208776- vb682109
Trước 30/4/1975, Cam Li từng viết cho bán nguyệt san Tuổi Hoa và Tủ sách Tuổi Hoa với những truyện ngắn và truyện dài đã xuất bản , viết cho tuổi học trò và từng nhận giải nhất cuộc thi Văn Chương Phụ Nữ năm 1970 do Bộ Giáo Dục tổ chúc nhân dịp Lễ Hai Bà Trưng. Bài văn này và các sáng tác khác của Cam Ly hiện phổ biến trên trang mạng Tủ Sách Tuổi Hoa tại địa chỉ: http://tuoihoa.hatnang.com/
Sau 30/4/1975, Cam Li không viết nữa, chỉ chuyên làm công việc nghiên cứu khoa học. Năm 1997 từng có thời gian tu nghiệp tại Centers for Disease Control (CDC), Georgia. Định cư tại San Jose, CA, Hoa Kỳ đầu năm 2003. Cam Li đã góp cho Viết Về Nước Mỹ hai bài “Áo Đầm Trắng, Gia Long” và “Nhịn Đó Trên Xứ Mỹ.”.Bài thứ ba được ghi chú: cảm tác theo một câu chuyện thật, được phổ biến tại http://www.kmph.com/Global/story.asp"S=10860695
***
1
- Ông John ơi! Hôm nay ông khỏe không ạ"
- Cám ơn bé Tú. Ông khỏe. Bé thế nào"
- Dạ cháu khỏe ạ.
Ấy là tôi dịch lại theo kiểu tiếng Việt cho đúng cách ấy thôi, chứ nói chuyện với ông John tôi chỉ gọi ông bằng tên John, không có chữ "ông" và không có "thưa, ạ" chi cả. Tuy vậy, tôi vẫn tỏ ra được cái lễ phép và kính trọng đối với người lớn tuổi. Còn ông John thì hay gọi tôi là "Little Two", bởi vì tên tôi là Tú.
Từ ngày gia đình chúng tôi dọn về đây chưa đến một tuần, người hàng xóm mà chúng tôi gặp mặt thường xuyên hơn cả là ông John. Hình như ông cụ sống một mình trong căn nhà khá rộng. Nhà của chúng tôi cũng na ná như vậy, căn nhà ba phòng ngủ, nhưng gia đình chúng tôi thì đông vui lắm. Ông bà nội của tôi, ba má tôi, và tôi - như thế cũng đủ là một gia đình đông đúc. Vì tôi hay đùa nghịch, nên nhà của tôi rộn ràng luôn luôn. Ông bà nội hay chơi với tôi khi ba má tôi đi làm. Và khi nào tôi đi học thì ông bà nội sẽ có những việc khác: bà thì tụng kinh, dọn dẹp nhà cửa, ông thì đọc sách hoặc soạn bài, viết lách chi đó.
Nhà ông John cách nhà chúng tôi bằng một vách rào thấp phía sân sau, còn phía trước thì ngăn cách bởi bốn cây hoa hồng xen kẽ với ba cây Thu-già. Tôi không nhắc đến nhà bên kia vì cũng na ná như vậy và mọi căn nhà của cả cái khu "xóm" nho nhỏ trong ngõ cụt (court) này hầu như đều đồng một dạng xây cất, cũng như sân vườn đều gần giống nhau. Tôi để ý đến nhà ông John nhiều hơn. Nhưng, tôi xin nhắc một chút xíu về mấy cây Thu-già trước đã. Hồi mới về đây, cái đầu tiên đập vào mắt tôi không phải là ngôi nhà, mà là ba cái cây cao ơi là cao ấy. Đối với một chú bé lên mười như tôi, ba cái cây đó quả thật đã gợi cho tôi nhiều điều tưởng tượng. Chúng vừa cao mà lại vừa ẻo lả mềm mại. Mỗi khi có gió thổi qua, tôi thấy như ba cây này uốn éo theo điệu nhạc trông thật là hay. Tôi hỏi ba tôi tên của cây này, ba tôi cho biết tên nó là Thu-già. Cái tên nghe cũng gợi hình nữa. Ông tôi thì bảo chúng giống như cây "Lá thuộc bài". Thế là có một cuộc bàn bạc giữa ông và ba tôi. Ba tôi vốn là nhà sinh học nên cây cỏ hầu như rất quen thuộc với ba. Ba tôi bảo cây ấy có tên khoa học là "Thuja", có loại cây cao ngất như cây trước nhà tôi, còn có loại chỉ thấp bé bằng tôi thôi, và lá của chúng chính là "lá thuộc bài" của thời ba tôi còn đi học, ngày xa xưa khi còn ở Việt Nam. Ba tôi còn kể nhiều mẩu chuyện thời học sinh gắn liền với những cây cỏ, vật dụng rất ngộ. Nhưng tôi có vẻ hào hứng với cái tên Thuja nên tôi đã nói trại ra là cây Thu-già. Tôi cũng hiểu nhiều tiếng Việt, tôi còn viết được tiếng Việt nữa, cho nên tôi hiểu nghĩa chữ "Thu" và chữ "già". Rồi bỗng nhiên tôi cảm thấy mình thật thân với ba cây Thu-già ấy, như thể đó cũng là những người cao tuổi đã từng sống và sẽ sống ở nơi đây.
Ông tôi hay ra sân tập thể dục mỗi buổi sáng. Và ông kết bạn với ông John trước tiên. Hai ông cụ cũng không có nhiều thời gian ngồi chung với nhau, vì sau khi tập thể dục thì ông John ra sau nhà để làm vườn, còn ông tôi lại thích đọc sách và viết bài. Có khi ông tôi đi cùng những người bạn, ông bảo ông đi họp. Nhưng đến một hôm, vào buổi ăn tối, ông tôi nói với cả nhà:
- Bà và các con biết không, có một chuyện mà tôi rất thắc mắc, nhưng không dám nói với ông John.
Bà tôi vừa gắp thức ăn bỏ vào chén cho ông, vừa hỏi:
- Chuyện gì thế ông"
- Mọi người có để ý thấy lá cờ bên sân nhà ông John không"
Bà tôi nói:
- Tôi ít khi ra phía trước, không để ý.
Ba mẹ tôi cũng không. Còn tôi vì hay ra sân nên có thấy lá cờ, nhưng thường tôi hay lo những chuyện vui chơi nên cũng không để ý có gì lạ. Ông tôi nói với vẻ thắc mắc:
- Cái lá cờ rách.
- Ô, vậy sao" Bà tôi thốt lên.
- Phải, lá cờ rách.
Ba tôi nhíu mày:
- Ồ, chẳng lẽ ông cụ không thể thay một lá cờ mới"
Mẹ tôi thì đoán:
- Chắc là ông cụ không thể đi mua.
Ông tôi lắc đầu:
- Không hẳn thế. Ba thấy ông John vẫn lái xe đi mà. Ông cũng tương đối khỏe mạnh đấy! Ông ấy ngoài bảy mươi, cũng như ba thôi.
Tôi tham gia:
- Hay là ông John không có tiền"
Cả nhà cười vang. Mọi người dễ quên câu chuyện đó ngay, bởi vì má tôi đang bưng ra một món đặc biệt của Việt Nam: món canh chua.
*
2
Thế nhưng tôi không dễ quên. Ngày nghỉ cuối tuần tôi đã mon men chạy qua sân nhà ông John. Ông đang tưới luống hoa hồng vàng. Tôi lên tiếng dĩ nhiên là bằng tiếng Anh:
- Chào ông John buổi sáng. Ông khỏe không"
- Chào bé Tú. Hôm nay cháu làm gì" Có đi chơi với ba mẹ không"
- Dạ không. Cháu muốn sang giúp ông. Ông đang làm gì đó"
- Ông tưới cây. Tưới đàng trước rồi ra tưới đàng sau. Bé Tú có thích ăn trái cây không"
- Dạ cháu thích.
- Thế thì tha hồ bé Tú ăn các trái cây ông trồng.
- Cám ơn ông. Thích quá!
Ông John ngừng tay, nheo mắt tránh tia mặt trời buổi sáng đang chiếu chói lọi.
- Thế ông của bé Tú đâu"
- Dạ ông của cháu sắp đi họp. Cứ cuối tuần là ông đi họp ạ.
- Hay quá! Chắc là ông của bé Tú có một hội giải trí vui vẻ.
- Cháu không biết. Nhưng chắc là ông vui.
- Vậy bé Tú ở đây chơi, muốn làm gì thì làm nhé!
Tôi đưa mắt nhìn lên cây cột cờ cao. Sáng nay gió nhiều, tôi đã thấy lá cờ tung bay phất phới trông vui lắm. Nhưng bây giờ tôi cũng thấy đúng như lời ông tôi nói, lá cờ ấy rách vài đường theo chiều của những sọc ngang, có lẽ những đường chỉ may đã bị mục. Chưa hết, màu cờ đã đổi, không còn giống một lá cờ kiểu mẫu. Tuy là vẫn còn rõ nét những ngôi sao và những đường sọc nhưng màu sắc trông tái nhợt. Tự nhiên tôi có một cảm giác rất khó tả. Tôi muốn hỏi ông John một câu gì đó nhưng khó mở lời. Ồ, chắc là ông tôi cũng đã khó mở lời như vậy.
Thấy tôi cứ nhìn mãi lên ngọn cờ, ông John vui vẻ hỏi:
- Sao bé Tú, cháu nhìn cái gì đó"
- Cháu nhìn... cháu nhìn lá cờ...
- Có gì lạ không cháu"
Tôi cảm thấy có thể hỏi được rồi, tôi hỏi:
- Ông John ơi, cái lá cờ ấy... ông treo... đã bao lâu rồi hở ông"
- Từ tháng chín năm ngoái bé ạ!
Tôi ngập ngừng:
- Có bao giờ ông mang xuống không hở ông"
- Không.
- Thế... thế lúc ông treo, nó... có lành lặn không hở ông"
- Có, có chứ!
- Thế...
Tôi bí rồi! Biết hỏi gì nữa bây giờ" Tôi không muốn hỏi tại sao cái lá cờ ấy lại rách như thế, vì mọi đứa trẻ thông minh đều có thể tự trả lời là bao nhiêu nắng mưa sương gió trong một năm đã làm cho nó ra như vậy. Tôi đang lựa lời để nói thì ông John lại hỏi tôi:
- Thế bây giờ ông đố bé Tú tại sao mà ông lại cứ treo lá cờ rách ấy"
Tôi cắn môi. Ái chà, câu mà tôi muốn hỏi ông, bây giờ ông lại đố tôi. Tôi chưa nói được gì thêm thì có tiếng chuông điện thoại vang trong nhà. Ông John chạy vào nghe điện thoại, khi ông ra, nét mặt của ông lộ vẻ không vui. Tôi cũng chưa kịp nói gì thì có một bà cụ mũi cao, da trắng, đứng dừng ở trước cổng nhà ông. Bà cụ lên tiếng:
- Xin lỗi, cho tôi gặp ông John...
- Dạ, chào bà Ann. Có việc gì thế thưa bà"
Bà cụ bước vào thêm bên trong sân, chỉ tay lên lá cờ:
- Xin ông thứ lỗi cho, nhưng tôi không thể không nói. Ông có thể thay một lá cờ mới không ạ" Tôi đã thấy nó rách từ cả tháng nay, chẳng lẽ ông không quan tâm"
- Thưa bà, tôi quan tâm lắm chứ!
- Vậy thì... là một người hàng xóm của ông, tôi khuyên ông nên thay một lá cờ mới đi. Con cái chúng tôi cũng thắc mắc lắm, nhất là các cháu học sinh, cháu còn nói rằng ở nhà trường có dạy là chúng ta phải tôn quý lá cờ của đất nước ạ!
Ông John vẫn bình thản:
- Thưa bà, tôi rất tôn quý lá cờ đấy ạ!
Bà cụ Ann lộ vẻ mất kiên nhẫn, giọng bả hơi cao lên:
- Nhưng... ồ... nhưng ông treo lá cờ rách bạc màu...
- Thưa bà không sao đâu, tôi vẫn quý lá cở ấy lắm!
Bà cụ lắc đầu như tỏ ý không hài lòng. Bà nói nhanh:
- Tôi quý ông nên có mấy lời. Tôi chỉ mong ông mau thay lá cờ mới để cho lối xóm được yên tâm. Xin kiếu ông.
Bà cụ vừa khuất sau khúc quanh, ông John cười nói với tôi:
- Bà ấy hiện chưa yên tâm.
Tôi không cười theo ông. Ông nói như phân trần với tôi:
- Bé Tú thấy đấy, không phải chỉ bà cụ này đâu nhé! Mỗi ngày ông phải nói chuyện với ít nhất là năm người hàng xóm hoặc người đi đường, chưa hết, lại còn vài cú điện thoại giống như cú điện thoại hồi nãy đấy.
- Rồi ông trả lời họ ra sao hở ông"