Chiếc Kính Vạn Hoa và Ba Tôi
Tác giả: Tấn Quân
Bài số 2645-16208722- v461709
Tác giả tên thật Nguyễn Tấn Quân, 45 tuổi, cư dân Oklahoma City, OK, hiện là General Ledger Accountant, làm việc tại The Board of Education of Oklahoma. Đã dự Viết Về Nước Mỹ từ 2007. Sau đây là bài viết thứ năm của ông, nhân mùa Father’s Day.
***
Giống như phần lớn những người con Á Đông đối với bậc Cha Mẹ, bao giờ đứa con cũng cảm thấy gần gũi với người Mẹ hơn người Cha, tôi cũng nằm trong cái phần không ngoại lệ đó, một phần có lẽ người Cha đi ra ngoài làm việc kiếm tiền nên không còn nhiều thời gian dành cho con cái như người Mẹ luôn quán xuyến việc gia đình.
Sinh ra trong giai đoạn đất nước chiến tranh, tôi quen dần với cái hình ảnh Ba tôi trong bộ quân phục sĩ quan VNCH, từ lúc sáng sớm cho đến chiều tối. Thời gian học những lớp cuối bậc tiểu học va ølớp đầu bậc trung học tôi được nhà trường sắp lớp cho học vào buổi chiều, các anh chị em tôi đều đi học vào buổi sáng, vì vậy mỗi sáng thức dậy nhiệm vụ của tôi thường phải đi mua đồ ăn sáng cho Ba Mẹ. Mẹ tôi luôn dậy sớm đưa tiền cho tôi và dặn hôm nay phải mua món ăn gì, có khi tôi chỉ đi bộ loanh quanh các quán hàng bán điểm tâm cạnh nhà, cũng có khi phải chạy xe đạp khoảng đường hơi xa một chút ở các khu phố lân cận, thức ăn điểm tâm ở Việt Nam cũng chỉ xoay quanh những món thông thường như phở, hủ tiếu Nam Vang, hủ tiếu Mỹ Tho, mì hoành thánh, bánh cuốn, bánh mì thịt nguội hoặc thịt bò kho, cơm tấm, cháo lòng…
Buổi sáng các điểm bán đồ ăn đều đông nghẹt luôn phải chờ đợi cho nên khi tôi mang đồ về nhà đã thấy Ba tôi mặc quân phục ngồi sẵn trên bàn ăn với ly cà phê nóng, ông chỉ kịp ăn vội vã và uống thêm vài ngụm cà phê rồi ra xe đi làm. Gần 12 giờ trưa lại thấy Ba tôi trở về dùng cơm trưa, sau đó để nguyên bộ quân phục trên người nằm ngả lưng trên ghế bố chợp mắt vài mươi phút rồi ngồi dậy rửa mặt hoặc chải lại mái tóc qua loa, hút một điếu thuốc xong ra xe đi làm trở lại đến chiều. Hình ảnh Ba tôi mặc đồ nhà binh hàng ngày in đậm trong trí óc của tôi suốt thời niên thiếu và kéo dài cho đến ngày 30.4.1975.
Có lẽ sống trong quân đội khá lâu nên đối với chúng tôi lúc nào ông cũng nghiêm khắc và luôn dạy dỗ các con bằng những lời răn đe kỷ luật. Nhớ lại, hình như chưa bao giờ Ba tôi đùa giỡn hay có những cử chỉ âu yếm chúng tôi giống như tôi dành cho các con của tôi bây giờ. Cái hình ảnh “kỷ luật quân đội” khủng khiếp nhất còn nằm trong đầu tôi là mỗi khi hai ông anh lớn của tôi nghịch phá hoặc lỡ làm việc gì sai trái, buổi chiều khi đi làm về sau khi nghe Mẹ tôi mét lại, Ba tôi kêu hai anh leo lên nằm sấp trên giừơng, từ từ ông rút sợi dây nịt nhà binh bằng chỉ nilon bện trên bộ đồ lính ra, chỉ cần nhìn đến đó là tôi đã hồn xiêu phách lạc, ông vừa đánh vừa la vừa răn đe.
Bà Nội Bà Ngoại và các Cô Bác Cậu Dì trong gia đình đều sợ cách Ba tôi dùng dây nịt nhà binh trị con cái như vậy, tuy nhiên mọi người đều quí trọng Ba tôi vì tánh tình tuy nghiêm khắc với con cái nhưng Ông sống rất mực thước, đạo đức và thanh liêm. Tôi còn nhớ Cô ruột tôi có mấy người con trai, nếu anh nào không học hành đàng hoàng thường bị Bà Cô dọa mét Ba tôi đánh đòn, có lần chắc chịu hết nỗi Bà Cô gọi Ba tôi đến nhà kể tội mấy đứa con, sau đó xin Ba tôi đánh đòn cho mấy ông anh họ tôi chừa bớt, nhưng tội nghiệp Cô Dượng sau khi kể hết tội của mấy đứa con xong, hai ông bà dắt nhau đi lên lầu trốn để khỏi phải chứng kiến cảnh mấy đứa con bị Ba tôi cho ăn dây nịt nhà binh.
Kỷ niệm đáng nhớ của tôi là vào một buổi sáng chủ nhật tôi theo Ba Mẹ đi xuống Chợ Bến Thành, Mẹ tôi vào khu bán vải đường Tạ Thu Thâu lựa vải, Ba tôi dẫn tôi đi vào Nhà Sách Khai Trí xem sách, sau đó đi dọc theo lề đường Lê Lợi xem thiên hạ bán hàng đại hạ giá. Xế cửa Chợ Bến Thành có mấy chiếc xe Lambro, xe Daihatsu, xe vận tải nhỏ trên mui treo bảng quảng cáo kem đánh răng Hynos, mì ăn liền, khô cá thiều v.v…trên các tấm quảng cáo là mấy cái loa thi nhau mời gọi mọi người mua hàng đại hạ giá bán rẻ, đi vòng vòng một lúc tình cờ thấy trên lề đường có người trải tấm nilon bày bán Kính Vạn Hoa lớn nhỏ đủ loại, Ba tôi chọn lấy một cái trả tiền rồi đưa cho tôi. Đây là món quà đầu tiên tôi nhận được từ chính tay của Ba tôi mua cho tôi trong thời niên thiếu. Có thể lúc nhỏ tôi cũng có những món quà khác Ba mua nhưng tôi không nhớ. Sau nầy dù có trong tay không biết bao nhiêu món quà lớn nhỏ của Mẹ, của anh em bạn bè, của đồng nghiệp, kể cả của những người tôi yêu và những người yêu tôi, nhưng chưa có một món quà nào nằm lâu trong ký ức của tôi như cái Kính Vạn Hoa ngày đó.
Cho đến bây giờ, dù tuổi đời gần nữa thế kỷ, tạm gọi là đã đi được 2/3 đoạn đường đời, mỗi khi bất chợt nhìn thấy nơi nào bày bán Kính Vạn Hoa trong lòng tôi lại dâng lên cái nỗi nhớ về kỷ niệm ngày xưa với món vật nhỏ bé Ba đã dành cho tôi, có lẽ Ba tôi cũng không thể ngờ rằng cái món quà nhỏ Ông mua trong một dịp tình cờ lại nằm sâu trong ngăn ký ức của tôi đến như vậy.