Hôm nay,  

Tình Vẫn Bơ Vơ

24/02/200900:00:00(Xem: 144388)

TÌNH VẪN BƠ VƠ
 
Tác giả: Lưu Hồng Phúc
Bài số 2541-16208618 vb322409

Bút hiệu là tên thật của tác giả. Lưu Hồng Phúc cho biết thích thơ văn từ thời trung học, đã phụ trách chương trình Vườn Thơ Văn Học Nghệ Thuật Việt Nam Hải Ngoại nhằm giới thiệu Tác Giả và Tác Phẩm trên làn sóng Radio của Đài Phát Thanh Việt Nam Dallas, hiện chủ trương Thi Đàn HƯƠNG THỜI GIAN. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của tác giả là một truyện tình.

***
Rất tình cờ Hồng gặp  được cô Thoa, người hàng xóm của gia đình nàng trên đường Chi Lăng, Gia Định. Cô bây giờ không còn trẻ và khác xa ngày xưa nhưng nàng vẫn nhận ra ngay. Sau ba mươi năm xa cách, Hồng vui mừng ôm chầm lấy cô vì ngày trước nàng và cô Thoa thường  hay trò chuyện than mật với nhau. Bao nhiêu năm vật đổi sao dời gặp lại người xưa  nơi xứ lạ hỏi sao lòng mình không xúc động.
Ngày xưa xa xôi ấy  cha mẹ Hồng là chủ một cửa hàng tạp hóa nằm ngay  ngoài đường Võ Di Nguy, buôn bán đủ thứ nhu yếu phẩm. Phần đông khách hàng lại là cư dân của một xóm nghèo suốt dọc con hẻm nhỏ.  Các hãng bia và nước ngọt thường cung cấp cho cửa hàng nhà Hồng  để phân phối cho khách hàng. Cô Thoa là một trong những khách hàng thân quen ấy vì nhà cô có nhiều bàn bi da để cho khách đến chơi. Cô bán thêm cà phê và nước giài khát  để có thêm lợi tức.
Hồng thường nói chuyện với cô trong mỗi lần đẩy xe đến giao hàng như thế. Cô  Thoa thường khoe với mấy người khách là Hồng vừa xinh vừa ngoan và nhất là học giỏi. Mới lớn lên ai mà chẳng thích được khen, thành ra nàng với cô thân nhau lắm cho dù giữa cô và Hồng cách nhau gần hai chục tuổi.
Cô thường đùa bảo rằng để dành Hồng cho người cháu của cô đang học ở Nha Trang. Điều này làm Hồng càng dạn dĩ, thích cô hơn và quen thuộc không ngại qua chơi nhà cô mỗi lần rảnh việc. Hồng thân với cô nên chẳng sợ gì đám khách thường đánh bida, cá độ và uống bia mặt lúc nào cũng đỏ nhừ hay buông lời chọc ghẹo, vì nàng biết cô rất có "uy" với họ. Tuy thế cha mẹ Hồng lại rất dè dặt khi tiếp xúc với cô và thường hay im lặng mỗi khi nàng khen ngợi cô làm những việc tốt lành. Hồng chẳng quan tâm lắm đến thái đô ấy vì cho rằng cha mẹ già rồi nên nghiêm khắc quá. Hoặc là ông bà không thích cái nghề cho thuê bàn bi da của cô Thoa mà thường ngày vẫn hay xẩy ra những vụ cãi nhau, thậm chí có khi đánh lộn làm huyên náo cả xóm vốn không thiếu tiếng ồn ào vì ngay đường xe chạy. Dưới mắt Hồng khi ấy cô Thoa phải "chì" lắm mới cai quản nổi  cửa tiệm cho thuê bàn bida đầy những ông tướng bặm trợn coi trời bằng vung này.
Hồng hỏi thăm cô về gia đình, nhất là mấy đứa con của cô mà ngày xưa lúc nào cũng coi nàng như chị lớn mỗi khi chúng cần nhờ vả. Cô Thoa bây giờ không vui vẻ sôi nổi như ngày xưa  nữa. Thời  gian làm người ta thay đổi, Hồng nghĩ thế nhưng hơi ngạc nhiên vì thấy cô Thoa hình như không muốn nói chuyện khác xa với sự linh họat ngày nào. Cô trả lời  chung chung.
- Thì chúng nó cũng làm ăn và có gia đình , con cái lớn hết cả rồi.
- Hồng lại hỏi cô về một đứa khác, đứa con nuôi của cô mà không bao giờ Hồng có thể quên.
- Còn  em Đàm bây giờ ra sao rồi "
- Cô Thoa hờ hững trả lời.
- Nó ở đâu tận cái miền Boloxi,.lâu lâu mới về.
Hồng vồn vã muốn biết thêm cuộc sống của Đàm ra sao nhưng cô Thoa không biết, cô có vẻ không muốn nói đến chuyện này và vì tế nhị nàng không tiện hỏi. Sau đó cô Thoa và Hồng  chia tay nhau trong hờ hững và  rất lâu không gặp lại nhau cho dù cô Thoa có cho nàng số điện thoại . Tuy thế  Hồng vẫn nhớ tới Đàm, đứa con nuôi của cô với nhiều kỷ niệm.
Ngày xưa khi chiến cuộc Việt Nam diễn ra ác liệt, có biết bao nhiêu nạn nhân chiến cuộc từ miền Trung chạy về lánh nạn, Đàm là một nạn nhân chiến cuộc đáng thương nhất hồi đó. Mới mười hai tuổi, em mất cả cha lẫn mẹ trong một lần Việt Công trà trộn vào thôn xóm và dùng người dân lành làm bia đỡ đạn. Bơ vơ nhiều ngày trong những túp lều dựng tạm cho người lánh nạn, em may mắn được cô Thoa nhận về làm con nuôi. Ngày ấy cả phố ai cũng khen ngợi cô Thoa nhân đức vì cô đã có bốn người con mà còn nhận thêm một đứa con nuôi nữa. Thêm một miệng ăn giữa thời buổi gạo châu củi quế và những lo toan khác thật không dễ dàng gì cho một gia đình trong thời buổi chiến tranh.
Mười hai tuổi, Đàm thông minh làm việc chăm chỉ lắm. Chỉ trong vài tuần là em đã thạo hết công việc nhà. Từ chuẩn bị lau bàn bi da, quét dọn sạch sẽ mỗi tối để sẵn sàng mở cửa cho sáng hôm sau, đến nấu cơm rửa chén hàng ngày em đều thành thạo. Có Đàm cô Thoa bỗng nhàn nhã hẳn ra và các con cô Thoa có người để sai vặt.
- Đàm ơi, đi mua cho tao tô bún bò Huế.
- Đàm ơi, rót cho tao ly nước.
- Đàm ơi chẻ củi để nấu cơm chưa."
- Đàm ơi, Đàm ơi....
Có lẽ chỉ có Hường, con gái út của cô Thoa thua Đàm hai tuổi là không sai bảo Đàm giúp việc. Mỗi lần Hồng mang những két bia hay nước ngọt sang là Đàm nhanh nhẹn chất gọn vào một góc. Nàng ái ngại nhìn em làm việc, khuân đỡ em để chia xẻ sức nặng của những thùng bia hay nước ngọt. Em làm việc suốt ngày và hay cười nói mỗi lần gặp Hồng. Nhiều ngày tháng qua, nàng thường nghe mẹ, mỗi khi têm trầu thường chép miệng.
-Sao bà Thoa lại không cho thằng Đàm đi học. Nuôi con thì phải cho nó học hành chứ, con nào mà chẳng là con.
Hồng  thật vô tình không để ý đến điều này. Quả thực từ ngày về ở nhà cô Thoa đến nay, Đàm chưa bao giờ được cắp sách đến trường. Tuy thế nàng biết em rất thông minh và trước đây cũng đã được đi học. Đàm tính toán rất nhanh, bao nhiêu két bia, bao nhiêu chai nước ngọt, từng loại từng con số mỗi khi cô Thoa hỏi đến. Thôi thế Hồng cũng mừng cho Đàm có một nơi ăn chốn ở, hơn hẳn ở dưới miền quê chiến tranh loạn lạc và đói khát mà em đôi lần kể cho nàng nghe.
Hồng bắt đầu thấy thương Đàm hơn khi một buổi chiều kia thấy mặt mày em sưng húp và mắt em đỏ hoe, nước mắt chưa kịp khô trên gò má. Em vừa bị một trận đòn khá nặng vì một sự lẫn lộn trong tiền bạc hàng ngày. Nàng không ngăn được sự tò mò hỏi vội khi chỉ có hai chị em đang chất những thùng bia chai và khách đánh bida đang cười nói reo hò như vỡ chợ.
- Sao  mặt em sưng đỏ thế này. Em vừa mới bị đánh đòn phải không Đàm"
- Đàm không trả lời câu Hồng hỏi. Em nhìn quanh không thấy bóng dáng cô Thoa rồi nói với Hồng như phân trần.
- Em đâu có lấy tiền ăn hàng . Em không biết ai lấy  mà má nghi em lấy tiền ăn hàng nên má tức.
 - Má em tức rồi đánh em phải không"
  - Đàm lại nhìn quanh rồi gật đầu.
 Hồng xúc động nhìn Đàm run rẩy trong cơn đau chưa dứt.  Bây giờ nàng mới để ý đến thân hình gầy guộc của em. Áo quần  đang mặc tuy không rách rưới nhưng quá cũ. Đàm mặc những đồ dư thừa của những người con cô Thoa nhưng  không thành bộ. Có lẽ cái áo của đứa con lớn cô Thoa nhưng cái quần lại của đứa nhỏ hơn nên cái chật cái rộng trông thật buồn cười. Về sau này Hồng cũng chứng kiến nhiều lần Thắng, người con lớn của cô Thoa dùng quyền  anh cả để đánh Đàm với những lỗi không phải của em. Có  lần cô Thoa vắng nhà, Hường chạy qua kêu nàng ầm ỹ, nhờ Hồng sang can ngăn không cho Thắng đánh Đàm nhiều hơn nữa chỉ vì em đã vấp ngã làm đổ tô bún bò huế vừa mua, đang bưng về cho Thắng. Hồng chạy qua chứng kiến cảnh Thắng cầm chiếc roi mây vụt không thương tiếc vào đầu vào cổ, trong lúc Đàm chỉ biết đưa hai tay lên đầu chống đỡ. Giận qua nàng giằng lấy chiếc roi hét thật to để bênh vực như chính Đàm là đứa em ruột của mình .
-Thôi, không được đánh em đau như thế.
Có lẽ cơn giận của Hồng trút vào tiếng hét nên Thắng chỉ lừ mắt nhìn nàng không nói rồi bỏ lên lầu hai. Hồng đựơc biết thêm là em thường đi mua quà vặt cho tất cả bốn người con và cô Thoa nhưng chưa bao giờ em được ăn những thứ mà em bưng về. Mười hai tuổi em cũng thèm thuồng đủ thứ, nhưng chẳng bao giờ được ăn những món quà vặt đầy quyến rũ đó dù chỉ một lần. Từ đó về sau Hồng thường xin phép cô Thoa cho em sang nhà giúp nàng chút việc, nhưng thực sự là cho em ăn thêm một vài món em thèm thuồng khi bà hàng quà bán dạo dừng ngay trước thềm . Nhà Hồng thường để một tủ kem bán lẻ trước cửa cho khách qua đường. Đôi khi Hồng mở tủ kem lấy đưa cho Đàm vì biết em rất thích. Lần đầu tiên em không dám cầm thứ xa xỉ ấy. Hồng phải nói cho em hiểu rằng cây kem chẳng đáng là bao, nhất là nhà nàng mua cả tủ ở những hãng làm kem nên rẻ lắm. Nói mãi Đàm mới dám cầm cây kem ăn, lúc đó Hồng rất vui vì biết em rất thích. Nhưng không hiểu tại sao về sau này Hồng có cho em cũng chẳng bao giờ ăn nữa. Có lẽ Đàm đã lớn rồi nên em thận trong hơn trong chuyện ăn uống hàng ngày chăng.
 Đầu năm bảy mươi tư, cô Thoa cho cả gia đình ra Vũng Tàu để chung tàu đánh cá với người ta. Cô còn mở một cửa hàng ăn uống để phục vụ khách đi biển. Bao nhiêu công việc như thế chắc Đàm lại thêm vất vả. Hồng được nghe ngừơi quen trong xóm có dịp ra Vũng Tàu kể lại rằng Đàm thường xuyên phải theo tàu đánh cá ra khơi, làm quen với sóng gió và công việc rất là nặng nhọc. Nàng nhớ trước hôm ra đi, em chạy vội sang chào từ giã, nước mắt  rưng rưng. Hồng an ủi Đàm và hứa sẽ thăm em nếu có dịp ra Vũng Tàu chơi.
 Chưa có dịp nào ra Vũng tàu thì ngày  ba mươi tháng tư chợt đến. Giữa lúc muôn người muốn chạy trốn khỏi đất nước mà không có  phương tiện thì Đàm may mắn được đi theo  chiếc tàu đánh cá  mà cô Thoa hùn vốn ra biển khơi. Hồng ở lại, vội vã lấy chồng, một ông lính thuộc Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa thua trận, vì sợ hãi khi người ta đồn rằng những cô gái miền Nam chưa chồng sẽ bị bắt buộc kết hôn với mấy người thương binh của Việt Cộng. Gia đình nàng ở lại vất vả với nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghiã Việt Nam một thời gian dài. Nhất là chờ đợi chồng Hồng tốt nghiệp trường đại học Cải tạo trong tám năm dài. Cuối cùng thì gia đình nàng cũng ra khỏi đất nước trong nỗi vui mừng tìm được tự do vì quê hương thực sự chẳng có chùm  khế ngọt nào ngoài những sắn khoai và khẩu hiệu.


 Nhiều năm sau đó Hồng không gặp lại cô Thoa, mà cũng chẳng gọi bao giờ dù nàng vẫn còn giữ số điện thoại của cô. Cho đến một hôm Hồng lại tình cờ gặp được Hường, người con gái út của cô Thoa trong một siêu thị Việt Nam. Thoạt đầu tiên nàng không nhận ra Hường vì lúc xa nhau em còn rất bé, nhưng Hường đã nhận ra Hồng ngay nên gọi lớn khi hai người vừa chạm mặt nhau.
 - Chị Hồng, có phải chị Hồng đó không"
 Hồng dừng lại mở to đôi mắt nhìn người đàn bà trẻ đối diện phân vân chưa biết đó là ai . Người đó vui mừng giới thiệu.
 -Em là Hường đây, con bà Thoa ở bên cạnh nhà chị ở Việt Nam ngày trước, chị còn nhớ em không "
 Hồng  chăm chú nhìn người con gái đối diện và nhớ ra tất cả. Đúng  em Hường con gái út của cô Thoa. Mới thoáng ngày nào còn bé bỏng mà năm nay chắc em đã gần bốn mươi rồi. Gương mặt Hường vẫn còn trẻ trung và xinh xắn lắm. Ngày xưa em cũng đã có nét đẹp dù còn trong tuổi ngây thơ.
 - Ô, Hường đấy hả. Chị nhớ ra em rồi. Trời ơi lớn lên trông em xinh xắn quá.
 Hồng và Hường ngồi xuống mấy chiếc ghế của một quán ăn trong siêu thị để hỏi thăm nhau. Trái với sự hờ hững của cô Thoa, Hường  nói chuyện với Hồng vui vẻ, kể cho Hồng bao nhiêu chuyện từ lúc đặt chân lên đất Mỹ từ năm một chín bảy lăm. Những bước đầu gian lao vất vả. Hồng không quên hỏi thăm Đàm, mà hình như Hường cũng muốn nói về chuyện ấy.
 -Em  biết chị thương anh Đàm lắm. Ngày xưa chị thường gọi anh ấy sang nhà chị và mua quà cho anh ấy ăn.
 Hồng giật mình  hỏi lại.
-   Ơ, ơ  hồi nào. Mà làm sao em biết.
- Em biết chứ, cả anh Thắng cũng biết nữa. Có điều em biết nhiều lần nhưng em không mách mẹ, còn anh Thắng biết anh ấy mách mẹ em nên anh Đàm bị đòn. Mẹ bảo tao có để cho mày đói đâu mà mày sang chầu chực ăn xin của người ta.
Thắng là con trai lớn của cô Thoa. Hèn gì về sau này có lần Hồng đưa gì Đàm cũng không ăn. Hồng không hiểu tai sao cho đến bây giờ. Hường lại kể tiếp.
-Sang bên này mới đầu mẹ em cũng tính để anh Đàm đi làm, chỉ có các em đi học thôi nhưng mấy người bảo trợ họ đâu có chịu. Họ bảo rằng anh Đàm mới có mười bốn tuổi phải vào trường học, nếu không là mẹ em phải vào tù nên mẹ em sợ quá phải cho anh Đàm đi học. Cứ như ở Việt Nam thì anh ấy chẳng được học hành gì.
Hồng gật đầu đồng ý với lời nói hoàn toàn đúng của Hường. Cô lại tiếp.
-Chị biết đấy, anh Đàm học chăm lắm. Hơn một năm sau là anh ấy nói tiếng Mỹ giỏi nhất nhà và theo kịp chương trình học của lớp anh ấy rồi mặc dù ở Việt nam anh ấy đâu có được học hành gì.
Hồng bảo với Hường rằng Đàm chỉ không được học trong thời gian ở trong nhà em thôi chứ trước kia Đàm cũng đã được đến trường. Em biết  tính toán rành mạch và rất thông minh. Hường gật đầu đồng ý với Hồng.
-Thì  em biết anh Đàm học hết tiểu học mới tới ở nhà em mà. Nhưng khi sang đây người ta cho anh ấy học lớp cao hơn mà chỉ môt năm sau là anh ấy theo kịp mà còn học giỏi hơn những người cùng lớp khác. Tháng nào anh ấy nhận được giấy khen của trường học nữa.
-Thế bây giờ Đàm đang làm gì , ở đâu em biết không. Mấy năm trước gặp má em chị có hỏi  má em chỉ nói rằng Đàm đang ở Biloxi  bên tiểu bang Missisipi kia mà.
- Dạ đúng rồi , có dạo anh Đàm đi làm nghề biển ở bên ấy. Hồi còn ở Việt Nam anh Đàm theo tàu đánh cá ra biển hoài nên rành nghề đánh cá lắm. Học xong trung học thì anh ấy đi làm tàu đánh cá kiếm tiền. Hết mùa đánh cá lại vào trường học. Cứ vừa học vừa làm như thế mà chỉ bốn, năm năm sau anh ấy lấy xong bằng BS về Biology rồi được chọn vào trường Y Khoa ở bên Louisana.
Hồng hơi giật mình, không ngờ Đàm học hành chăm chỉ và thông minh đến thế. Được vào trường Y Khoa ở đây không phải là chuyện dễ dàng. Nàng muốn biết rằng Đàm đã là bác sĩ hay chưa ". Chưa kịp hỏi thì Hường lại nói thêm.
-Anh  Đàm học ở trường Y Khoa mấy năm ra trường lại học thêm chuyên khoa về tim ở Houston. Là bác sĩ chuyên khoa đáng lẽ phải tìm  việc làm ở các đô thị lớn nhưng  anh Đàm chỉ làm ở New Olean có mấy năm rồi xin về mở phòng mạch ở Biloxi. Anh bảo rằng về đấy có nhiều người Việt Nam đánh cá nghèo khổ, không  kiếm đưọc nhiều tiền như ở Houston hay New Olean nhưng anh cảm thấy gần gũi thân mật với mọi người hơn, giống như ở quê nhà.
Hồng im lặng để nhớ lại rõ ràng hơn gương mặt của Đàm. Miệng cười tươi nhưng đôi mắt hơi buồn. Hồi đó tuy còn nhỏ nhưng Đàm ít nói. Thường thì làm nhiều hơn nói.
-Chắc Đàm đã lập gia đình rồi chứ. Năm nay cậu ấy cũng hơn bốn mươi rồi. Không biết câu ấy còn nhớ tới chị không"
Mắt Hường nhìn xa xăm, giọng nói như chùng xuống.
- Anh ấy vẫn còn độc thân chưa có gia đình. Anh ấy nhớ chị chứ. Nhất định anh ấy không bao giờ quên chị. Mấy năm trước biết được tin mẹ em gặp chị anh ấy hỏi thăm mãi mà mẹ em thì vô ý quá, không biết chị ở đâu mà cũng không nhớ số  phone của chị nữa. Anh Đàm cứ nhờ em tìm chị mãi vì chắc rằng chị ở quanh đâu trong thành phố này thành thử đi đâu em cũng để ý tìm. Hôm nay may quá gặp chị ở đây.
Hồng hơi ngạc nhiên vì sự hờ hững của cô Thoa trưóc đây định nói và hỏi Hường tại sao nhưng thấy hơi kỳ nên lại thôi. Một lúc sau Hường lại nói để Hồng hiểu được phần nào tâm sự của cô Thoa.
- Sang đây mẹ em chẳng vui vì anh Thắng chẳng chịu học hành gì, kết  bè kết đảng đánh nhau giờ còn đang ngồi tù. Anh Lợi thì cũng chẳng hơn gì, cứ đi làm được đồng nào thì chúi mũi vào cờ bạc. Lấy vợ mấy lần mà có cô nào chịu nổi đâu thành thử bây giờ cũng vẫn còn độc thân. Chị Hoa của em thì đẻ một hơi bốn đứa. Ông chồng cũng chẳng làm gì ngoài ăn với nhậu nên đang sống bám vào trợ cấp của chính phủ. Sự chăm chỉ học hành và thành công trên đường đời của anh Đàm lại làm mẹ em buồn hơn. Già rồi bây giờ lại càng khó tính không còn như xưa nữa.
- Thế còn em bây giờ ra sao. Đang làm gì và mấy đứa con rồi mà trông em vẫn trẻ như cô gái đôi mươi vậy.
Nàng khen Hường thật tình vì trông cô thật xinh, thật trẻ dù Hồng biết rằng Hường cũng đang bước vào lứa tuổi bốn mươi. Nhưng thật bất ngờ Hồng nghe Hường nói.
- Em chưa lập gia đình nên đã có đứa con nào đâu.
- Hồng  vội vàng xin lỗi và nói chữa.
Ồ chết thật. Xin lỗi em, chị vô ý quá. Sang đây  sao chị thấy ai cũng thờ chủ nghiã độc thân như em này, cậu Đàm này. Hay là các em kén chọn người cho vừa ý. Như chị đây này, ngày Cộng Sản mới vô Sài gòn sợ quá nên vớ đại một ông lính  Nguỵ, thế mà bây giờ con cái cả đàn rồi đấy.
- Hường cười buồn.
- Em cũng muốn vớ đại một ông nào đó cho xong chuyện, nhưng lại không quên được cái ông mà mình nhớ nên đành ở một mình vậy.
- Ông nào mà tốt phước để cho em nhớ vậy. Ông nào dám cả gan để cho cô em xinh xắn của chị phải khổ thế này. Chắc ông đó phải có bản lãnh ghê gớm lắm nhỉ. Thế em có số phone của Đàm không, cho chị để gọi thăm cậu ấy. Hồng nói đùa- Thấy người sang mình phải bắt quàng làm họ chứ.
Hường cho Hồng số phone của Đàm và xin lại số của nàng rồi lại nói chuyện mãi    đến chiều. Hồng được biết thêm Hường đang ở với mẹ và làm y tá cho một bệnh viện lớn trong thành phố. Hai người chia tay với lời hẹn gặp nhau lần tới.
Về đến nhà mải mê lo cơm nước cho chồng con, chẳng để ý đến thời gian qua nhanh. quá. Đến gần giờ đi ngủ chuông điện thoại nhà Hồng lại reo vang. Chắc là bạn bè của lũ nhỏ chọc phá nhau hay gọi muộn. Nhưng không , điện thoại một người từ xa, muốn nói chuyện với nàng .
Hồng vui mừng biết rằng người bên kia đầu giây chính là Đàm. Cậu bé mồ côi cha mẹ năm xưa bây giờ đang là bác sĩ chuyên khoa về tim mạch. Ôi kỳ diệu thay đất Mỹ. Đất của cơ hội, đất cho người ta cơ hội chọn đúng đời sống của mình. Đàm thân mật nói với Hồng.
- Em biết rằng đã khuya, gọi bây giờ sẽ làm phiền gia đình chị. Nhưng em không đợi được đến ngày mai. Em nôn nóng quá muốn hỏi thăm và nói chuyện ngay với chị.
Hai chị em  nói với nhau đủ thứ chuyện. Chuyện ngày xưa ở Việt Nam, chuyện bây giờ trên đất Mỹ. Chuyện đời sống hàng ngày, chuyện nước non, chuyện người Quốc Gia, chuyện người Cộng Sản. Cứ thế mãi đến tận khuya. Cuối cùng Hồng thân mật hỏi thẳng  Đàm tìm được người yêu chưa mà chẳng chịu lập gia đình. Hơn bốn mươi tuổi rồi chứ còn trẻ gì nữa đâu.  Đàm bùi ngùi tâm sự cùng  Hồng:
- Em  có thương một người con gái. Nhưng chúng em không thể cùng nhau lập gia đình, thành thử cứ mãi độc thân.
-Sao vậy em. Cô ấy không thương em à. Lạ nhỉ , chị chưa gặp lại em nhưng chị nghĩ  Đàm lớn lên chắc đẹp trai lắm chứ. Lại là bác sĩ chuyên khoa này. Cô nào mà điên vậy lại từ chối tình yêu của em.
- Không chị ơi, cô ấy cũng thương em lắm chứ.
- Thế sao hai người không cùng nhau chung sống. Bộ cô ấy có chồng rồi à.
- Không chị ạ. Cô ấy vẫn còn độc thân.
- Thế nghiã là sao, có điều gì ngăn trở để hai em không được sống với nhau.
- Lễ giáo Việt Nam chị ạ. Chúng em không cùng máu mủ, nhưng chúng em là anh em nên chẳng lấy được nhau.
Hồng  chợt hiểu ra ngay. Hèn chi chiều nay nói chuyện với Hường, nàng thấy mắt cô long lanh, ươn ướt khi Hồng hỏi tới Đàm mà lúc ấy nàng chẳng hiểu vì sao. Hồng cũng nhớ lại hình ảnh của những ngày tháng cũ, có một lần Hường lấy khăn nhúng nước, vụng về rửa lại vết thương trên mặt của Đàm khi bị Thắng  đánh cho bầm tím sưng mặt mày. Nàng chợt nhớ ra rằng trong nhà cô Thoa chỉ có Hường là lúc nào cũng dịu dàng, gần gũi, bênh vực và che chở cho anh Đàm với tất cả trái tim và bàn tay bé bỏng của em.
Thượng đế ơi, sao lại buộc vào đời hai kẻ không thể sống cùng nhau vào một mối dây tình ái để tình người mãi mãi bơ vơ.
Lưu Hồng Phúc

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,314,412
Từ hôm nay, Thứ Hai 1 tháng Bảy 2019, bắt đầu phổ biến các bài Viết Về Nước Mỹ năm thứ Hai Mươi Mốt (XXI). Xin mời đọc bài viết mới nhất của Lê Nguyễn Hằng, một cây bút nữ kỳ cựu tham gia Viết Về Nước Mỹ từ nhiều năm qua. Năm 2017, với bài viết “Ba Người Đàn Bà Tuổi Dậu”, bà nhận giải Vinh Danh Viết Về Nước Mỹ. Bài đăng 2 kỳ. Tiếp theo và hết.
Từ hôm nay, Thứ Hai 1 tháng Bảy 2019, bắt đầu phổ biến các bài Viết Về Nước Mỹ năm thứ Hai Mươi Mốt (XXI). Xin mời đọc bài viết mới nhất của Lê Nguyễn Hằng, một cây bút nữ kỳ cựu tham gia Viết Về Nước Mỹ từ nhiều năm qua. Năm 2017, với bài viết “Ba Người Đàn Bà Tuổi Dậu”, bà nhận giải Vinh Danh Viết Về Nước Mỹ. Bài đăng 2 kỳ.
Giải Viết Về Nước Mỹ hàng năm gồm các bài phổ biến từ ngày 1 tháng Bẩy năm trước tới 30 tháng Sáu năm sau. Hôm nay, Chủ Nhật 30 tháng Sáu 2019, ngày khóa sổ Viết Về Nước Mỹ năm thứ 20, xin mời đọc bài viết vui của Ngọc Hạnh, vị tác giả niên trưởng trong năm. Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng Hai 2019, khi tuổi đã kề ngưỡng cửu tuần (90. ) Với bài viết về Washington D,C. mùa lễ chiến sĩ trận vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam. Bà tên thật là Nguyễn thị Ngọc Hạnh, trước 1975 đã là giáo sư trung học đệ nhị cấp tại Saigon. Cùng gia đình tới Mỹ từ 1979, và hiện là cư dân hưu trí tại miền Đông. Kính chúc Bà vui khỏe.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. Sau đây thêm một bài viết mới
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2012, với những bài viết linh hoạt về đời sống tại Mỹ kèm theo hình ảnh hoặc tài liệu do ông thực hiện hoặc sưu tập. Sống động, cũng chẳng ngại sống sượng, bài viết của ông thường gây nhiều chú ý và bàn cãi. Một số đã được in thành sách "Xin Em Tấm Hình" và tập truyện mới, "Bắc Kỳ". Sau đây, thêm một bài mới viết mới.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ 2018. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79. Đi học lại gần 6 năm mới ra trường với bằng BS engineer năm 85. Hiện là cư dân ở Lafayette, Louisiana, còn vài năm nữa sẽ ... ăn tiền gìa. Bút hiệu Pha Lê, theo chú giải vui của tác giả, không phải là trong veo như Pha Lê, mà là... Pha trò và Lê la! Sau đây là bài viết thứ sáu của bà.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ 20. Bà tên thật Trần Ngọc Ánh sinh 1955, sau khi đi tù gần 11 năm về tội chống Cộng Sản từ đầu 1979 đến cuối 1989, đã tốt nghiệp Đại học năm 1995 ngành Quản trị kinh doanh tại VN. Sang Mỹ định cư theo diện kết hôn năm 2007, hiện đang sống tại thành phố Victorville, miền Nam California. Nghề nghiệp nội trợ. Sau đây, thêm bài viết mới của bà.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ 2004. Võ Phú là tên thật. Sinh năm 1978 tại Nha Trang-Việt Nam; định cư tại Virginia-Mỹ, 1994. Tốt nghiệp cử nhân Hóa, Virginia Commonwealth Uni-versity. Hiện làm việc và học tại Medical College of Virginia. Sau 12 năm bặt tin, tác giả tiếp tục Viết về nước Mỹ từ 2016, với sức viết mạnh mẽ và thứ tự hơn. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả là một viên chức hưu trí tại San Jose, đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ năm 2018. Tháng Năm 2019, trong bài “Tôi Làm Răng Implant” tác giả có viết lời cám ơn Bác sĩ Nha Khoa Nguyễn Hoàng Tuấn về sự tận tâm giảng giải và chăm sóc dành cho bà. Sau đây là bài viết mới nhất của bà, chuyện người thật việc thật. Tựa đề là một câu trong bài hát “Như Đã Dấu Yêu” của Nhạc Sĩ Đức Huy.
Tác giả đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ từ 2001 và liên tục góp bài. Sau nhiều năm tham gia ban tuyển chọn, từ 2018, Trương Ngọc Bảo Xuân là Trưởng Ban Tuyển Chọn Viết Về Nước Mỹ. Bài trích từ báo xuân Việt Báo Tết Kỷ Hợi 2019.