Hôm nay,  

Từ Liên Xô, Hắn Vượt "Bức Màn Sắt”

09/05/200800:00:00(Xem: 220929)

Tác giả: Quân Nguyễn

Bài số 2293-16208270-vb6090508

Tác giả Quân Nguyễn, là cư dân Anaheim, California. Cùng vợ con đến Mỹ năm 1987, ông trở lại trường học, tốt nghiệp cao học về Sociology tại CSUF, đệ tam đẳng huyền đai Tae Kwon Do, từng làm counlelor tại nhà tù tiểu bang ở Chino, và hiện là state parole officer ở Santa Ana. Bài mới của ông lần này là chuyện chàng Mỹ gốc Việt  du lịch nước Ý, nghe tâm sự của một chàng “ý ẹ” gốc du học sinh miền Bắc vượt biên đường bộ từ đất Liên Sô cũ sang nước Ý.

Tôi đến Ý vào những ngày cuối đông lạnh lẽo rét mướt, một tuần trước lễ Phục Sinh.

Số là tôi có ông bạn hàng xóm, vượt biên sang Ý được 18 năm, bỗng ngày nọ vợ chồng con cái khăn gói quả mướp di cư qua Mỹ, ở cũng gần chục năm rồi. Kẹt đứa con gái lớn lộn trở lại Ý lấy chồng bản xứ, nay đã có hai đứa con, nên kỳ này nhân về bển thăm con thăm cháu, chả hỏi tôi muốn... quá giang không thì đi theo. Nghe bạn quí rủ qua Ý chơi, tôi Okay liền.

Nhà vợ chồng con gái ông bạn hàng xóm tôi ở gần thành phố Vicenza, thuộc tỉnh Padova, bắc Ý, chỉ cách Venice độ 60 km. Vừa tới nơi, ngay ngày hôm sau là hai thằng tôi leo xe lửa đi Venice liền. Thành phố nổi tiếng này nguyên thủy gồm khoảng 110 cù lao nho nhỏ san sát bên nhau. Vào khoảng giữa thế kỷ thứ 9 và 12, họ đóng cừ làm móng để xây cất thành một thành phố đảo với phố xá nhà cửa toàn bằng gạch rất chắc chắn. Cộng thêm gần chục cái nhà thờ to nhỏ mà nổi tiếng nhất, đẹp nhất, vẫn là nhà thờ  cổ kính nhìn ra quảng trường San Marco, nơi có hàng trăm con bồ câu bay lượn lên xuống dạo chơi ung dung như chỗ không người trên cái quảng trường khổng lồ tấp nập du khách từ khắp nơi trên thế giới đổ xô về.

Phố xá ở Venice thông nhau bởi các con hẻm nhỏ bên trên và các kênh lạch hẹp bên dưới chảy qua các vòm cầu xinh xắn nho nhỏ nơi khách bộ hành đi lại xuôi ngược bên trên. Cái cảnh các anh Ý trẻ trung to con tóc dài mặc áo thung sọc ngang như thủy thủ đứng chèo chống những chiếc ghe hẹp đủ màu đủ kiểu đủ cỡ với hai đầu thuyền nhọn hoắt cong vút, đang thong dong đưa các cặp tình nhân ngồi thuyền dạo chơi trên các kênh lạch len lỏi giữa những dãy nhà cổ kính hai bên, nước mấp mé đến tận bậc thềm, hay chậm rãi chui qua các vòm cầu có từ chục thế kỷ trước... Ôi! Đẹp và thơ mộng như trong các chuyện thần tiên!

Benito Mussolini có thể là một tên độc tài phát xít Ý đáng ghét trong lịch sử cận đại thế giới, nhưng 70 năm trước đây ông ta đã có công cho xây một cây câu vĩ đại bẳng gỗ dài cả chục cây số nối liền Venice với đất liền, mà ngày nay vẫn còn là con đường giao thông huyết mạch cho xe lửa từ đất liền vào thành phố đảo này.

Đặc biệt Venice không có đường xá cho xe cộ gì hết, cả xe hai bánh cũng bị cấm. Phương tiện di chuyển đi lại chính ở đó là bằng đường lát gạch qua các hẻm hóc và cầu vòm, hay bằng ghe chèo hoặc tàu bè chạy xăng dầu trên các sông lạch mà thôi. Bởi vậy, khi có ông Ý nào lái xe quờ quạng trong thành phố nội địa, liền bị các ông Ý khác thò đầu ra cửa xe chửi liền, "Ê! Thằng mắc dịch, bộ mày từ Venice tới hả"" (ý nói dân Venice chỉ biết chèo đò mà thôi!)

Còn tôi, trước khi đi Ý, cũng chạy ra Tripple A đóng tiền xin cấp bằng lái quôc tế, tính qua bển mướn xe lái vòng vòng khỏi làm phiền con cháu. Vậy mà khi tới bển rồi, thấy đường xá nhỏ xíu chạy ngoằn nghoèo qua các hẻm hóc bằng tường nhà cửa, còn đường hai chiều gì chỉ rộng bằng một "lane" bên Mỹ, mà dân Ý cứ lái xe nhỏ ào ào lách qua lách lại làm teo quá không dám rờ tới cái xe luôn, sợ chạy cà dựt cà dựt bị dân Ý bu lại chửi, "Ê! Thằng Í-ẹ ngu, bộ mày từ Ba Đình tới hả""

Như nói ở trên, ông hàng xóm của tôi từng sống bên Ý 18 năm trước khi di cư qua Mỹ, nên bè bạn bên bển từ Ý thiệt tới Í-ẹ (tiếng lóng gọi bà con Việt kiều ở Ý) rất đông. Ai nghe nói chả về chơi cũng gọi điện thoại lại đòi tới thăm, hay mời lại nhà ăn đồ Ý uống rượu nho rất thân tình! Cũng nhờ vậy mà tôi được đi& ăn theo vòng vòng ná thở, tới độ về Mỹ không dám nhìn chai rượu nho luôn. Hết nhà Ý thiệt thì tới nhà Í-ẹ, vui vẻ thân mật vô cùng...

Còn nhớ, chiều Thứ Sáu 21 tháng ba, hai ngày trước Chủ Nhật Phục Sinh, vào khoảng bảy giờ tối, có anh Í-ẹ đến thăm chúng tôi tại nhà con gái ông bạn hàng xóm. Ông hàng xóm tôi tới Ý năm 81, anh ta cuối năm 82 thì phải. Lúc ấy cả nước Ý chỉ có vài trăm người Việt tỵ nạn, (nay cỡ ba ngàn) riêng tại tỉnh Padova này thì cỡ chục mạng. Họ hầu hết dân vượt biên mới tới, còn độc thân, hoặc có vợ con kẹt lại VN, vì vậy mà thương nhau như anh em ruột thịt! Cứ mỗi chiều Thứ Sáu, ra khỏi hãng lúc bảy giờ tối là tất cả tụ tâp nhau lại, khi thì nhà này khi thì nhà nọ mà ăn nhậu suốt (bia Ý ngon mà rẻ lắm!) tới khuya Chủ Nhật, rồi "xỉn" tới sáng Thứ Hai là dậy đi làm luôn! (Ông nào dậy không nổi thì đi xin giấy BS Ý, "Sao nhức đầu quá BS!" BS Ý cũng thường& khuyên nhủ khi ký giấy bệnh, "Bớt bia lại đi!"

Vậy mà mới đó đã hơn hai mươi lăm năm qua, vật đổi sao dời biết bao nhiêu! Nay hầu hết đã có gia đình, hoặc do cưới vợ hay bảo lãnh vợ con từ VN qua, cũng có người đã về hưu, kẻ đã quá cố& Giờ đám nhậu đó chỉ còn vài mống đi lại thăm nhau mà thôi!

Đó cũng là lý do anh ta đến thăm chúng tôi đêm nay! (Xin gọi anh ta là "Hắn" với lòng quí mến cho tiện).

Đêm ấy bầu trời Padova đen như mực không một vì sao và gió rét thấu xương! Nghe nói tôi lần đầu tới Ý, và cũng để khoản đãi ông bạn nối khố ngày xưa, hắn chở chúng tôi tới một nhà hàng pizza, cách nhà hắn không xa.

Nhà hàng này nằm trên con dốc cao vắng vẻ ngay ngã ba đường, nhìn xuống thành phố bên dưới lấp lánh đèn đêm. Từ chỗ mặt tiền nhà hàng, nhìn lên bầu trời đen kịt xa xa, tôi bỗng nhận ra một cây thánh giá đỏ rực như máu nằm vắt vẻo ở lưng chừng trời y như một ngôi sao chổi quét chân về phía trái, đẹp vô cùng! Tôi vội nâng máy quay phim lên ghi lại hình ảnh độc đáo này, nghĩ rằng chắc họ dùng kỹ thuật cao để chiếu hình cây thánh giá khổng lồ đó bằng đèn đỏ từ dưới đất lên bầu trời ( như ta chiếu đèn pha lên bầu trời đêm vậy). Nhưng không, hắn vội giải thích cây thánh giá cao cỡ trăm thước đó nằm chót vót trên đỉnh núi, và năm nào vào dịp lễ Phục Sinh họ cũng bật đèn đỏ của nó lên. Vì bầu trời tối đen như mực, núi lại tối thui không có đèn, nên tôi tưởng lầm là cây thánh giá đang nằm vắt ngang giữa bầu trời đêm một mình...

Vào quán, hắn ta đưa thực đơn cho tôi chọn pizza. Nhìn thực đơn với mấy chục loại pizza viết bằng tiếng Ý mù tịt, tôi đưa lại để hắn tự chọn cho xong. Hắn liền kêu ba cái pizza khác nhau, để ba thằng tôi có thể cùng chia nhau ăn cho khác loại. Pizza tiệm này nổi tiếng chuyên nghiệp trong vùng và chỉ dọn mỗi món pizza, cái nào cũng to hơn pizza Mỹ và mỏng dính vì làm ít bột nhiều nhân. Kiểu gì, loại gì cũng có, đủ loại "topping" từ nấm lớn nấm bé, rau cỏ trái cây đủ màu, phô-mai các loại, xúc xích to nhỏ dài ngắn, thịt heo, thịt bò, thịt dê, thịt trừu, thịt ngựa, thịt chó& (quên nữa, Menu Ý không có pizza& cẩu!), nhưng chỉ bán độc món pizza, bia đỏ (của Đức) và rượu vang Ý mà thôi!

Nhằm đêm Phục Sinh xa nhà (ít ra tôi và ông hàng xóm), không vợ con (ít ra tôi và hắn vì hắn ly dị), ngoài trời lại cuối đông, tối tăm rét mướt, nên ba thằng tôi đều cảm thấy ấm áp, thân thiết, gần gũi nhau hơn khi ngồi bên những cái pizza nóng hổi và những ly bia đỏ tràn trề!

Qua những câu chuyện đời trao đổi lẫn nhau bên ly bia đỏ, hắn kể tôi nghe...

Hắn sinh năm 1959 ở Phủ Lý, Nam Định (nhỏ hơn tôi ba tuổi), con nhà nông dân chân chất. Năm 75, khi bọn cộng đồ cưỡng chiếm miền Nam, hắn mới 16 và vừa tốt ngiệp trung học (hồi đó ngoài bắc chỉ có tới lớp 10). Thời thơ ấu, ngoài giờ đi học, làm ruộng, bắt cóc nhái ngoài đồng để cải thiện bữa ăn, hắn còn phải trồng và cắt rau muống phơi khô đóng bao tải cho bộ đội mang theo làm lương khô (khi nào muốn ăn thì đem ngâm nước, rồi luộc hay xào). Hắn chẳng biết gì về chuyện miền Nam, ngoài việc ngày đêm bị nghe tuyên truyền rằng đồng bào trong Nam đang từng giây từng phút đói khổ rên xiết dưới ách "Mỹ Ngụy" (bố láo!). Năm 76, do điểm học cao, hắn được chọn đi Liên Sô du học. Chúng gửi hắn vào nội trú một năm ở Ninh Bình để học tiếng Nga trước khi lên đường.

Sang Liên Sô, hắn được gởi vào trường Đại Học Kiev ở Bang Ukraine để học ngành địa chất.

Ở trường, hằng ngày cán bộ Việt (bọn dẫn dắt) lẫn Liên Sô (bọn giáo vụ) cố gắng tìm mọi cách nhồi sọ hắn rằng chủ nghĩa tư bản phương Tây "đang dẫy chết", và rằng nhân dân các nước tư bản đang sống trong cực kỳ đau khổ dưới sự bóc lột tàn bạo của bọn chủ nhân ông tư bản! Thế mà, hằng năm cứ vào dịp lễ Giáng Sinh, dù tin tức thế giới tư bản có bị kiểm duyệt gắt gao cách mấy trên TV Liên Sô đi nữa, thì hắn vẫn vô tình xem lọt được vài giây tin tức và hình ảnh ngắn ngủi về dịp lễ tết này ở Anh và Tây Đức, nơi quà Giáng Sinh chất đống thành tầng dưới chân những cây thông rực rỡ đèn màu trong các khu thương xá đèn đuốc sáng trưng trang hoàng lộng lẫy, tràn ngập người đi lại hân hoan mua sắm!

Hắn là thằng có học và đâu có quá dễ tin để bị nhồi sọ như chúng tưởng! Theo hắn nghĩ, tất cả chỉ là một sự dối trá láo khoét lập đi lập lại hàng triệu lần mà hắn đã nghe đi nghe lại quen tai từ ngày mới đẻ! Thế rồi, từ đó hắn âm thầm ôm ấp tư tưởng đào thoát sang phương Tây, nhưng chẳng biết làm cách nào, nên đành kiên nhẫn chờ đợi...

Thắm thoát đó mà đã 5 năm từ ngày hắn sang Liên Sô du học, và chỉ còn một kỳ thi chót nữa cho năm thứ năm đại học, cùng một luận án tốt nghiệp nữa là hắn phải về nước. Vậy mà hắn vẫn không sao nghĩ ra được cách nào để có thể đào thoát sang phương Tây! Hắn cũng hiểu rõ là mình không còn nhiều thời gian nữa.

Một chiều nọ, ngồi bên ly trà nóng bâng quơ nhìn những bông tuyết rơi lác đác bên ngoài cửa sổ mà thúi ruột cho ý định đào thoát vô vọng của mình, hắn bỗng phát hiện ra vô tình làm sao cái ly trà nóng ẩm ướt lại nằm ngay chóc trên con dấu đỏ của tờ thông báo lãnh nhu yếu phẩm hàng tháng do cán bộ Việt tại trường ký tên đóng dấu. Con dấu đỏ kệch này lại in xuống thật rõ nét trên mảnh giấy lộn chưa viết bên dưới của hắn!

Tin rằng cơ hội đã đến, hắn bèn năn nỉ hết lời một sinh viên bạn trong trường cũng người Việt, nhờ anh ta lén vào phòng học vụ mà đánh máy cho hắn vài câu tiếng Nga lên miếng giấy lộn đã in sẵn con dấu đỏ, nội dung đại khái cho phép hắn qua Ba Lan công tác cho trường một ngày. Hắn phải ca cẩm thảm thiết lắm rằng hắn sắp phải về nước, cần đi Ba Lan mua ít quà mang về VN bán kiếm lời mà giúp đỡ gia đình đang vô cùng túng quẩn ở Nam Định. Nghe hợp tình hợp lý, tên bạn bèn lén lút giúp liền.

Khi trình tờ giấy phép giả cho con trung úy an ninh Liên Sô mắt màu xanh lá cây ở cổng trường đại học, hắn sợ gần té đái, vì con này cao gần hai thước (mà hắn có thước tư!), lại nổi tiếng tinh ranh xoi mói, đã từng bắt hai anh sinh viên Việt làm giấy tờ giả bằng con dấu khắc trên củ khoai! Vậy mà, lần này sao Trời che mắt nó...

Thế là, hắn lên chuyến tàu suốt thẳng sang Ba Lan, một đi không trở lại. Từ Ba Lan, hắn cuốc bộ lang thang xuôi về phía nam, băng qua nước Slovakia, rồi Hung Gia Lợi, để tới Nam Tư, cái xứ mà hắn nghe đồn rằng có chính sách trung lập, không thân cộng lẫn tư bản. Khoảng đường này chỉ gần 800 km, mà hắn phải mất tới sáu tháng mới tới được Belgrade, thủ đô của Nam Tư thời ấy!

Đó là năm 1982 (hai năm sau khi Thống Chế Tito qua đời), Liên bang Nam Tư lúc ấy vẫn còn trung lập và nguyên vẹn chưa bị tan rã như hiện nay. Thời đó Liên Bang Sô Viết cũng còn nguyên vẹn gồm 15 nước kể cả Nga và Ukraine. Nhưng quân đội Liên Sô đóng khắp Đông Âu (bên ngoài Liên Bang Sô Viết) tại các nước chư hầu (để kềm cặp đàn em như Tầu cộng đang kềm cặp bọn tay sai bán nước VC bây giờ ở Ải Nam Quan, Hoàng Sa và Trường Sa!) như Hung Gia Lợi, Ba Lan, Tiệp Khắc& và cái gọi là "Bức Màn Sắt", một bức màn tưởng tượng phân ranh các nước tư bản và cộng sản ở Âu Châu chạy dài từ biên giới giữa Tây-Đông Đức xuống phía nam Âu, dọc theo biên giới các nước cộng sản Tiệp Khắc, Slovakia, Hung Gia Lợi, Lỗ Ma Ni, và Bảo Gia Lợi (Nam Tư không nằm trong bức màn này vì chính sách trung lập của nó).

Do Liên Sô làm trùm sò ở Đông Âu ngày ấy, mà hắn lại có giấy đi đường Liên Sô (chỉ cần cạo sửa ngày tháng để tự& gia hạn "visa" là xong), hắn lại thông thạo tiếng Nga, nên đi đâu cũng lọt. Có điều suốt con đường đào tẩu từ Ba Lan tới Nam Tư, hắn phải làm đủ mọi nghề lao động tay chân, hầu hết trong các nông trại của dân quê dọc đường cái quan để có cái ăn mà tiếp tục lê gót giày& Sáu tháng trời đằng đẳng lội bộ qua bốn nước đâu phải chuyện chơi!

Cuối cùng thì hắn cũng đến được Belgrade, thủ đô Nam Tư, chỉ còn cần hỏi thăm coi bộ nội vụ của nó nằm ở đâu nữa là xong.

Nam Tư là xứ trung lập, nhưng viên chức chính phủ của nó thì, ôi thôi! có thằng thích ngả theo cộng sản, có đứa lại ưa tư bản. Cho nên, khi hành xử công vụ, mỗi đứa cứ tự tiện quyết định sự việc tùy theo chánh kiến của mình!

Hai lần đầu hắn đến Bộ Nội Vụ Nam Tư để xin tỵ nạn chính trị tại một quốc gia thứ ba, hắn đều nói tiếng Nga lưu loát với hai viên chức trực ban khác nhau người Nam Tư. Cả hai lần, hắn đều bị đuổi ra! (chắc bọn thân Nga đây). Lần thứ ba, hắn quyết định nói tiếng Anh& bồi với một viên chức khác. Chỉ vài phút sau là viên chức bộ nội vụ này biết ngay hắn muốn gì rồi, thế mới quái! (chắc thằng này thân Mỹ rồi).

Tên này dẫn hắn vào một xà lim phía sau, nơi có đủ các sắc dân, màu da, tiếng nói khác nhau, đang nằm ngồi la liệt ở đó từ hồi nào rồi. Hắn lo âu chẳng biết số phận mình sẽ ra sao!

Sáng hôm sau, họ dẫn hắn đi thẩm vấn bằng tiếng Nga suốt hai tiếng đồng hồ, chỉ để biết chắc rằng hắn muốn gì. Hắn nói hắn muốn xin tỵ nạn ở Ý! Họ chẳng buồn trả lời gì hết!

Đêm ấy, họ dẫn hắn ra xe bít bùng, lặng lẽ rời bộ nội vụ mà không nói sẽ đưa hắn đi đâu. Hắn lo âu nhìn qua khe cửa coi xe đi hướng nào, nếu nó đi ngược lại hướng hắn tới (hướng bắc) tức là về hướng Hung Gia Lợi, Ba Lan, hay về hướng đông tức hướng Lỗ Ma Ni hay Bảo Gia Lợi (hướng "Bức Màn Sắt"), là đời hắn tàn trong ngõ hẹp... Nhưng nó lại chạy về hướng tây suốt đêm tới hừng sáng.

Khoảng sáu giờ sáng hôm sau, trong sương mù dầy đặc, chiếc xe bít bùng ngừng lại ở ven rừng. Hai người lính mở cửa xe và bảo hắn đi tiếp khoảng 100 m về hướng đó là tới Confine di Botazzo, thuộc đất Y... Hắn nghe lời lầm lũi đi thật nhanh qua biên giới, rồi ra trình diện cảnh sát biên phòng Ý.

Đã hơn hai mươi lăm năm qua từ cái ngày vàng son ấy, nhiều chuyện vui buồn đã xảy ra trong cái đời tỵ nạn ở Ý của hắn. Như việc hắn nghe lời một thằng bạn nhậu ngày xưa mà về VN cưới em gái nó đem qua. Nay hắn đã có hai đứa con một trai một gái rất ngoan . Rồi, khoảng ba năm nay, vợ hắn cũng đã bỏ hắn để chạy theo một ông bản xứ, còn hắn chỉ được mang con về nhà mỗi cuối tuần. Giờ hắn sống cô đơn và vẫn cái nghề bảo trì cơ phận thật buồn tẻ trong một hãng Ý đã gần 24 năm.

*

Trước khi gặp hắn, tôi đã nghĩ thật sai rằng chỉ có chúng tôi mới là những người tỵ nạn mà thôi! Từ những quân nhân công chức của miền Nam hay dân miền Nam nói chung, đến những kẻ di tản, vượt biên bằng ghe tàu hay đường bộ, những người đi di dân, đoàn tụ, HO... Nhưng không! còn có hắn nữa, một trong những đồng bào anh em yêu quí của tôi, cũng đã bỏ chạy cộng sản bằng chân, nhưng từ phía sau "Bức Màn Sắt" rùng rợn mênh mông tưởng như không lối thoát đó, để sang được phương Tây! Còn có bao nhiêu người khác như hắn nữa" một trong những "Nhân Chứng" của tôi về cái lừa dối trắng trợn, tuyên truyền láo khoét, lập đi lập lại nhồi sọ đối với nhân dân để dễ bề cai trị đàn áp, của bọn cộng sản! Mà rồi họ có may mắn đào thoát được như hắn hay không" Tôi không có câu trả lời cho câu hỏi đó của chính mình, nhưng thật ra, cứ mỗi giây phút trôi qua trên trái đất khốn khổ này, họ đã và đang tồn tại âm thầm đâu đó dưới mọi hình thức (phải chăng một cô gái 18 xinh đẹp trinh tiết nhắm mắt đưa chân lấy đại một thằng Tầu, Đại Hàn già nua bệnh tật đui mù què cụt thất học vũ phu... cũng là một hình thức bỏ chạy cộng sản, vì nàng chẳng còn lối thoát nào khác" Ôi! Tội làm sao!), dù có khi thật ngắn ngủi và tủi nhục.

Nghĩ cho cùng, đúng là Trời hại quê hương dân tộc tôi mà! "Bức Màn Sắt" đã biến mất không còn dấu vết ở Âu Châu gần 20 năm qua, và cả trái đất nay xót lại vỏn vẹn có bốn nước cộng sản đang chai mặt vờ vịt mượn danh nghĩa Mác-Lê để tiếp tục thống trị dân tộc chúng bằng sự lừa bịp và đàn áp, mà trong đó xui thay lại có quê hương tôi!

Mục tiêu duy nhất sống còn của bọn cầm quyền ở đó thật đơn giản và rõ như ban ngày, là duy trì bảo vệ quyền lực và địa vị cho chúng và vợ con chúng trên mồ hôi nước mắt và xương máu của nhân dân...

Ôi! Thật là hân hạnh cho tôi biết mấy khi được gặp hắn bên trời Ý xa xôi kia, để có được những tư tưởng quí báu này... Đúng là ở Mỹ hơn 20 năm như tôi mà vẫn như ếch ngồi... đáy giếng!

QUÂN NGUYỄN

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,346,675
Khi nói về biên giới, ai cũng nghĩ đến lằn ranh chia đôi giữa nước này với nước kia, mà ít ai nghĩ đến cái biên giới giữa cái sống và cái chết
Hàng năm, tuy không hẹn trước nhưng vợ chồng tôi cứ nhắm chừng con heo đất hơi nặng là lật đật đập ra mua vé lơn tơn về Việt Nam
Lâu nay tôi bị khó chịu ở cổ, rồi bị đau luôn cái chân bên phải. Mỗi lần muốn nhấc chân lên để bước đi, dù chỉ là một bước ngắn cũng đã là khó khăn lắm.
Chưa vào hè, Ontario, Đông CA có ngày nhiệt độ trên 100 độ F. Từ tiểu bang Texas trải dài qua vùng Trung Tây mưa lũ, nước ngập tràn sông Mississippi.
Năm đó, tôi theo bạn dự lễ ở nhà thờ, tình cờ ngồi bên cạnh một ông cụ trông ốm yếu, ho hen.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2012, với những bài viết linh hoạt về đời sống tại Mỹ kèm theo hình ảnh hoặc tài liệu do ông thực hiện hoặc sưu tập. Sống động, cũng chẳng ngại sống sượng, bài viết của ông thường gây nhiều chú ý và bàn cãi. Một số đã được in thành sách "Xin Em Tấm Hình" và tập truyện mới, "Bắc Kỳ". Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước My từ tháng 5/2019. Ông cho biết tên là Dương Vũ, sang Mỹ từ năm 1975, khởi đầu định cư tại tiểu bang SC, và hiện đang sống ở Sacramento. Bút hiệu ông chọn là VuongVu (viết liền, không dấu.) Bài đầu tiên là hành trình di tản từ 30 tháng Tư, 1975, với nhiều chi tiết sống động. Sau đây là bài viết thứ hai.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Bà cho biết là nhà giáo về hưu, sống tại Canada. "Huế -Dallas" là bài viết đầu tiên kể về người chị và những kỷ niệm thời mới lớn của hai chị em tại Huế đã được phổ biến từ tháng Sáu 2019. Bài thứ hai, mới nhất, là một truyện tình khác thường, dữ dội như lời ca Phạm Duy, “Yêu người xong chết được ngày mai.” Nhân vật chính, một người nữ gốc Việt sinh tại Hoa Kỳ, và một chàng Argentina. Họ gặp nhau trong lễ hội hóa trang tại Venice. Chuyện được nàng và chàng trực tiếp kể bằng lời tự sự, cho thấy cách viết độc đáo của tác giả. Mong bà tiếp tục.
Tác giả đã nhận giải bán kết Viết Về Nước Mỹ 2002 với bài "Tiểu Hợp Chủng Quốc" kể về nơi cô làm việc, khi khủng bố tấn công nước Mỹ ngày 9 tháng 11 năm 2001. Viết về nước Mỹ sang năm thứ 15, cô nhận thêm giải danh dự với tự truyện về bệnh lãng tai bẩm sinh. Bài viết mới là một du ký tháng Bẩy, bên cạnh nơi thăm viếng chính là Smokies Mountain, có nhiều ghi nhận thú vị và hữu ích về chặng đường ngàn dặm lái xe qua 4 tiểu bang của nước Mỹ. Bài đăng 2 kỳ. Tiếp theo và hết.
Tác giả đã nhận giải bán kết Viết Về Nước Mỹ 2002 với bài "Tiểu Hợp Chủng Quốc" kể về nơi cô làm việc, khi khủng bố tấn công nước Mỹ ngày 9 tháng 11 năm 2001. Viết về nước Mỹ sang năm thứ 15, cô nhận thêm giải danh dự với tự truyện về bệnh lãng tai bẩm sinh. Bài viết mới là một du ký tháng Bẩy, bên cạnh nơi thăm viếng chính là Smokies Mountain, có nhiều ghi nhận thú vị và hữu ích về chặng đường ngàn dặm lái xe qua 4 tiểu bang của nước Mỹ.