Hôm nay,  

Từ New Orleans Đến Iraq

29/03/200800:00:00(Xem: 149424)

Người viết: Nhật Nguyễn

Bài số 2256 -1630-33-vb7220308

Tác giả Nhật Nguyễn, cư dân New Orleans,  là một bà mẹ có con trai nhập ngũ phục vụ tại chiến trường Iraq. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của bà được ghi là “Viết Cho Con”, kể về một gia đình gốc Việt trong thảm hoạ bão lụt Katrina tới chuyện người con trai ngoài mặt trận. Mong tác giả sẽ tiếp tục viết thêm.

 

Sáng nay, trời bỗng nhiên trắng xóa sương mù. Con đường từ nhà ra bưu điện  lác đác những cành khô gẫy như đất trời chuẩn bị cho mùa đông sắp tới. Trời cũng đột ngột đổ lạnh... 

Má xếp hàng ở quầy bưu điện. Đồ đạc gửi cho con nhiều quá. Má phải chia làm hai thùng. Thùng giấy lớn đựng hai thùng mì gói (Con thèm ăn mì gói Việt Nam, loại mì trong tô mà ớt cay thật cay. Nếu chua càng tốt. Con dặn). Một số sách của Kellerman, J. K. Rowling, John Grisham. Vài băng game hôm bữa ở nhà con chơi chưa xong (Chắc con không có giờ đâu Má, mà thôi, cứ gửi cho con, khi nào rảnh con chơi với bạn), một số kẹo chua mà hồi còn ở nhà, con ăn xong xả rác đầy phòng.

Thùng nhỏ toàn đồ gia vị. Tương đỏ, tương đen, xì dầu, hành khô thôi thì đủ thứ cho con tự nấu. Ở nhà con vẫn thường bày ra nấu cơm. Nhiều bữa con gọi về "Má ơi. Hôm nay con xào thịt bò cay kiểu Thái đó. Má không phải lo thức ăn chiều đâu nha." Má gửi thêm cho con vài bịch khô bò Bố làm lấy. Loại khô bò nầy chắc không ngon bằng loại ở Houston mà Má vẫn nhờ người bạn mua dùm, nhưng mỗi lần nhận quà, con thường gửi thư về khen lấy khen để "Ngon lắm Má ơi. Con ăn hết  rồi . Nhưng kỳ sau, làm cay hơn nữa cho con."

Má định viết cho con mấy chữ, nhưng ngần ngừ chẳng biết viết gì. Bây giờ khoa học tiến bộ quá, computer càng ngày càng tinh vi, người ta chỉ cần gõ lóc cóc vài hàng trên phím , bấm send là thư đi lẹ. Đâu như hồi xưa. Phải viết trên giấy, rồi nào bì thư, nào tem… rồi chờ đợi Nhưng nếu hỏi Má có thích kiểu gửi thư bây giờ không. Chắc là không. Nhận một bức thư và nhìn từ nét chữ của người viết, nét cong, nét lượn, vẫn thích hơn là nhưng khuôn chữ có sẵn trên computer... (Chắc là con sẽ cười, sao mà Má chậm tiến quá.)

Má rẽ qua một con đường khác trong thị xã. Con đường này sau bão, người ta mở rộng, sáng sủa hơn. Nhiều nhà  được xây mới ngó rất đẹp mắt. Đi cuối con đường, qua một khoảng sân đá banh rộng lớn là ngôi trường High school của con. Trường con vẫn còn  nguyên bãi đất ngổn ngang gạch đá bị bão đánh dập và người ta đã đập phá để xây trường mới. (Không biết bao giờ họ xây xong vì cơn bão qua đã hơn hai năm rồi và học trò vẫn phải mượn trailer của Fema đặt ở sân nhà thờ để học.) Má xuống xe đi dọc qua những hành lang còn mờ mờ đường xi măng. Dưới hàng cây Magnolia còn sống sót, Má nhớ hôm nào đây, ồ không, dễ chừng hơn ba năm, con đứng đợi Má chỗ nầy, con đi học trễ và Má phải đến trường xin phép cho con vào lớp. Con đã gắn bó với ngôi trường nầy biết bao kỷ niệm.

Cũng chỗ ngồi nầy, những ngày Má đợi chở con về sau giờ tập thổi kèn trong band, hay những ngày sinh hoạt muộn. Bên kia khán đài, mỗi cuối tuần, con chỉ huy ban nhạc chơi Football (Ban nhạc của con tên là Pirates of the Carribean, nên con thường mặc áo đỏ, hông đeo kiếm bạc và áo choàng đen phủ dài qua đầu gối. Khi con đánh nhịp cho ban nhạc chơi kèn, hai bàn tay vung cao lên xuống như hiệp sĩ Jean la Fitte chỉ huy đoàn quân lâm trận, ngó hay lắm làm Bố cười hoài.) Những ngày đông như hôm nay trời lấm tấm mưa, con qua lại giữa sân trường kia cùng bạn bè trong JROTC, diễn hành, nằm, bò chạy, leo dây đủ thứ.

Từ năm học lớp 10 con đã muốn vào lính rồi.

Cũng ở khoảng sân trường đầy bụi cát, ngổn ngang gỗ vụn, (hồi đó nó là sân cỏ xanh mượt) Bố  Má dự ngày lễ ra trường của con. Con đứng trên khán đài với 9 bạn, trai có gái có, trong áo tốt nghiệp. Con lên xuống nhiều lần để nhận đủ thứ bằng khen, Trophies. Những tràng pháo tay nườm nượp dành cho con. Hôm đó, hình như Má khóc, và Bố, mắt đỏ hoe. Cái thằng bé, mới năm nào từ Việt Nam qua Mỹ ốm nhom, trên máy bay còn ngồi trong lòng Bố, vào học lớp Một còn níu vạt áo Má khóc mà bây giờ đứng đó, chững chạc biết là dường nào.

Nhưng cũng ngay hôm đó, sau  lễ ra trường, con vào lính. Hình như đâu khoảng tháng Năm. Con, năm vào lính chỉ mới 18 tuổi.

Gần khuya, Bố Má đưa con đến khách sạn chỗ tụi con tập họp chuẩn bị sáng sớm lên máy bay. Suốt dọc đường gần một tiếng đồng hồ, con nắm chặt tay Má. Có lúc con ôm vai Má, con an ủi "Má à, hồi xưa Bố cũng đi lính vậy. Chắc là con giống Bố thôi mà."

Hồi xưa... Cũng những lần Má tiễn Bố trở về đơn vị. Giọt nước mắt thấm đẫm vai áo lính. Những lần Má vùi mặt trong ngực áo đẫm mùi mồ hôi, thuốc súng. Những lần tìm Bố ở đơn vị đứng lạc loài giữa mênh mông rừng tràm và xa bên kia đồi, bụi cát mấp mô giữa tiếng súng, tiếng đạn pháo kích tung trời. Tuổi trẻ của Bố, của Má, trôi trong cuộc chiến đầy hiểm nguy, bất trắc. Người trở lại chiến trường không biết ngày về. Một lần chia tay tưởng là lần vĩnh biệt. Tưởng rằng qua đây sẽ không còn nỗi  lo sợ  ám ảnh của chiến tranh. Tưởng rồi các con lớn lên,  học hành sống cuộc đời  bình thường như bao người khác. Vậy mà con lại chọn súng đạn thay vì sách vở...

 Rồi cũng qua ba tháng quân trường. Cả nhà cùng đi North Carolina đón con về. Ba tháng tập luyện, con gầy rọp, má hóp sâu. Con mất hơn 30 lbs đến nỗi con đứng gần mà Má không nhận ra con. Trong bộ đại lễ hôm ấy, con nói năng từ tốn, gần như nghiêm trang. Con đã thực sự là người lính. Ôi, cậu lính con của Má.

Con từ trại Huấn luyện về tháng Tám thì vài ngày sau đó, Katrina tới. Rạng sáng ngày 29 tháng Tám, cả nhà mình chạy bão. Khác những lần chạy bão trước, cảnh sát đóng đường không cho xe vào thành phố. Họ thắp những cột đuốc sáng rực hai bên đường và đóng bớt đường qua Houston, dồn tất cả loại xe lên đường 12. Hàng hàng xe nối  đuôi  nhau. Xe con chạy theo xe Bố. Chúng ta vượt qua những con đường mát rượi bóng cây, lên đồi thoai thoải, xuôi xuống xa lộ đẹp đẽ thẳng tắp lên Teneesee.

Lần chạy bão đó, từ Teneesse qua Akansas, ngược về Dallas, xuôi Houston Lần đó, không ai trong chúng ta nghĩ rằng, căn nhà mình vừa rời khỏi vài ngày sau đã chìm trong biển nước. Tin tức từ NO. lần nào con cũng hân hoan. "Nhà mình không sao đâu Má. Bão sắp qua rồi."  Cũng từ khách sạn ở Tennesse, lần đầu tiên cả nhà cùng bàng hoàng khi nhìn lên TV, New Orleans  chìm ngập trong biển nước. Còn nhà mình thì sao"  Không một tin tức gì từ Slidell. Báo chí không hề đưa tin Slidell bị ngập lụt. Chỉ một chút chớp nhoáng, người phóng viên quay cảnh cây xăng gần nhà, cột điện ngã sập và mưa gió, cây cối run bần bật Lúc đó, ai cũng hy vọng Slidell vẫn còn có một chỗ để về...

Chúng ta. Cũng còn có một chỗ để về nhưng không còn nơi trú ngụ. Hàng tháng trời, đồ đạc kéo ra từ đống bùn sình rác rưởi. Nhà nhà, rác chất thành đống dồn cục, không khí bốc mùi nằng nặng của xác thú vật, của gỗ ẩm mục, từ thức ăn hôi thối dồn lũy bao ngày. Nhà không điện, không gas. Không máy giặt, máy sấy. Ngồi từ trong nhà có thể nhìn xuyên qua ngoài đường giữa tường nhà toang hoác.

Tháng Chín.  Con đi học xa nên không ai chở em Nấm đi học. Mỗi ngày, em  đứng lọt thỏm bên đống rác lềnh khênh đế đón xe bus đến trường. Đó là những tháng năm Má tưởng mình sẽ không gượng dậy nổi.

Chúng ta đón Noel đầu tiên, sau bão, trong trailer của Fema. Hôm đó, con và anh từ Baton Rouge về. Con bày ra bàn, đây là quà của Bố, cái nầy của Má... Trên bàn bếp, con thắp những ngọn nến, ánh sáng dịu dàng tỏa lan qua nhánh thông nhỏ, thoáng trong không gian nhè nhe, tiếng nhạc Giáng sinh làm căn phòng ấm áp hẳn lên. Con bày trò chơi, chụp hình cả nhà. Hình nào con cũng nhăn mặt làm trò ngó đến tức cười. Những tấm hình đó, thỉnh thoảng Má vẫn mở ra coi lại. Để rưng rưng nhớ những ngày tháng còn thấy con nói cười gần gũi...

Tháng Tám (cũng tháng tám) con rời nhà vào trại. Từ camp Lejeune, North Carolina đến camp Pendletton, California, từ đó, con cùng đơn vị qua Iraq.

Cũng như ngày đầu con xa nhà, Má phải tập để quen dần, để chịu đựng dần nỗi nhớ, nỗi lo lắng. Má dễ dàng khóc trong bất kỳ gợi nhớ một hình ảnh, một vết tích nào. Má rất muốn mở TV, coi tin tức hàng ngày về  Iraq, muốn mường tượng nơi chốn con ở, mà lại sợ dùng dằng không dám mở... Có bao nhiêu người làm Mẹ như Má phải chịu đựng cảm giác nầy, mang trong lòng sự mâu thuẫn lộn xộn khi con họ rơi vào một chiến trường đầy chết chóc như vậy"

Con viết tiếng Việt không rành. Con viết "Hôm nay con bận làm day tho. Có phải chữ day tho viết vậy không Má" Má ngẫm nghĩ một lúc lâu, đoán hoài không biết con muốn viết chữ gì. Dãy thờ" Dạy thợ" Đầy thơ" Không, con bận rộn như vậy chắc không phải là thơ thẩn rồi. Mãi, Má mới biết con muốn viết chữ giấy tờ. Trời, con ơi là con. Tiếng Việt Nam mình nhiều nghĩa lắm. Day tho trong tiếng Việt mình chẳng có nghĩa gì hết. Con ra đời, nói tiếng Mỹ suốt ngày nên quên hết tiếng Việt Nam rồi.

Từ Iraq, con email hỏi Má "Má ơi, Bạn con hỏi New Orleans có món gì ngon"" Ngộ chưa. Chắc tụi con bên đó ăn toàn đồ hộp Ready to eat nên thèm thức ăn  nấu nóng, vừa ăn vừa hít hà phải không"  Ở nhà con hay vào bếp nhưng mới đi đó đã quên rồi. Món con thích nhất là  barbercue shrimp nấu với bơ, lá thơm, chanh, bột đỏ. Đây là món ăn gần như đặc biệt của NO, nhiều nơi họ cũng có nấu nhưng chắc không theo đúng công thức nên mùi vị không đậm đà bằng. Nhưng nếu nói là đặc biệt, rất New Orleans thì phải kể đến món Creole sauce ăn với cơm trắng và tôm, món Crawfish etouffé có mầu vàng đỏ nhạt, ăn với crawfish pie. Còn món cá sấu thì... ngon tuyệt. Thịt cá sấu trắng, dai nên khi chiên phải ướp gia vị cho thịt thấm mềm, nhúng bột chiên trong deep fry không ai biết là thịt cá sấu. Miếng thịt thơm, ngọt mềm hơn cả thịt gà.

Khi nào con về Má sẽ làm món  Barbercue shrimp cho con ăn. Má sẽ bỏ thật nhiều tôm, nhiều chanh, ớt để con khỏi than phiền "Sao mà không cay, chua chút nào!"

Rồi nhà cửa cũng dần dà ổn định. Tuần trước Má dọn phòng của con. Dù là mãi đến mùa Hè sang năm con mới về nhà nhưng Bố đã lo mua gỗ, ván chuẩn bị đóng kệ sách. Bố vẫn loay hoay không biết đóng kiểu nào cho đẹp, cho hợp với phòng ngủ của con. Bố dự định vẽ trên hết một mặt bức tường còn lại  lá cờ Việt Nam như ý thích của con, nhưng có lẽ qua Noel mới thực hiện được. Cũng còn lâu con mới về mà. Má thay cho con tấm trải giường mới, trên bàn ngủ chưng bình hoa lan màu trắng ngà điểm mấy cọng cỏ xanh, ngó dễ thương lắm. Má nghĩ là con rất thích.  Em Nấm có nhiệm vụ quét bụi hai lần trong tuần. Nó vẫn thắc mắc sao anh Khôi đi lâu mới về mà nó phải làm công việc đó sớm quá vậy.

Căn phòng của con, chỗ con ngồi chơi game, đọc sách, căn phòng ngó ra đường tràn ngập ánh sáng, vẫn luôn chuẩn bị đón con về.

Hôm nay, tình cờ Má thấy một tấm ảnh của người lính Marines trên tờ báo Time. Trên cánh tay đầy hình xâm. Một đôi giày lính, một khẩu súng và hai tấm thẻ bài. Hình xâm nhìn dữ dội và cũng khá nghệ thuật. Dù vậy, ở đó có hàng chữ "Tattoo Bans. Body art is big. But the Marines and some police are cracking down on it."

Tattoo nầy làm Má nhớ thằng bạn thân Marine của con. Kỳ nó đến nhà mình, cánh tay cũng xăm một huy hiệu Thủy Quân Lục Chiến to thật to, (sợ thì thôi ). Thấy Má nhìn, con cười cười "Má à, mai mốt con cũng..."  Má đẩy con ra, chắc vậy, hình như lúc đó Má giận con. "Con à, đâu cứ phải xăm đầy tay chân như vậy mới chứng tỏ mình là người can đảm.  You're the man. Con và bạn con hay nói câu này. Sự can đảm ở ngay chính trong bản thân của con đó. Với lại, người Việt Nam mình thường đánh giá không tốt về những người hay xăm hình nầy nọ,"  "Má à. Con nói giỡn thôi mà. Má tưởng thiệt hả!"

Cũng hôm dọn phòng cho con, Má tìm thấy trong tủ quần áo, nguyên một tập thơ bằng tiếng Anh của con. Một số bài thơ con viết tay. Má biết con thích làm thơ nhưng  không nghĩ rằng con trai của Má làm thơ nhiều đến vậy. Ôi, con trai của Má. Không biết giống ai mà tâm hồn dạt dào thơ quá sức. Giá như con hiểu và viết được tiếng Việt nhiều, trong những vần thơ kia, Má sẽ thích thú hơn. Má thích bài thơ Sunrise hơn bài My Lovely Rose. Hình như bài thơ này con viết hôm cùng gia đình đi biển. Hôm đó, con đón bình minh trên biển, trên bờ cát xô đẩy đùa theo sóng nước... Đó là tấm ảnh rất đẹp với hình ảnh con đứng lẻ loi, cô độc dưới bầu trời mây xanh thẳm, và những ngọn sóng đội đầu chồm trắng xóa.

Có phải trong cảnh sóng nước bao la ở Destin, con đã ngẫu hứng...

Sunrise

I left footprints 

on the warm sands

I can hear

the sound ot the waves,  crashed angrily against

the shore.

As if wanting to pull me

into their heartless trap

The unsettling wind rushed to envelope me in its cold touch

As I hudled and leaned against a piece of rock along the beach.

There I see now. Rising slowly above the horizon

It skillfully painted i

ts magic streaks of colors across the sky.

The magnificence

of its presence,

gave one such a feeling

That's so intangible

by thoughts,

and untouchable by words

I stood up and walked humbly down the beach

And erased by the wawes were my footprints on the beach.

Rạng đông

Tôi bỏ lại bước chân trên bãi cát

Tôi có thể nghe, quanh tôi

Âm thanh cuồng nộ của sóng đập vào bờ đá

Những âm thanh giận dữ

Xô đẩy tôi

trong chiếc bẫy vô hồn

Đứng một mình co ro

dựa vào ghềnh đá

Đâu đây, tiếng gió xôn xao

Thổi choàng quanh tôi

Mênh mông hơi nước biếc.

Ở đó. Trước mắt tôi.

Mặt trời từ từ vươn lên

đường chân trời.

Thật tuyệt vời.

Muôn nghìn mầu sắc chao lượn trên  cao

Rực rỡ

Tôi chỉ có thể cảm nhận

Sự tuyệt diệu vô cùng

của tạo hoá

Mà không ngôn ngữ nào

có thể diễn tả được

Tôi đứng đó

Và bước chầm chậm trên biển

Những bước chân của tôi

Sóng biển cuốn mất tự lúc nào.

Con ơi, bên đó có thường theo dõi  tin tức không" Cali vừa bị một trận cháy rừng kinh khủng nhất trong lịch sử Hoa Kỳ. Hàng triệu người phải di tản khỏi thành phố, hàng nghìn nhà bị cháy rụi và theo tin tức, có đến hơn ngàn người chết. Cảnh tạm trú cũng giống như kỳ mình chạy bão Katrina, nhưng ở đây, họ tổ chức tập trung qui mô hơn. Họ ở trong những chiếc lều tạm và thức ăn thì được Chính Phủ cung cấp kịp thời. Họ mất hết mọi thứ y hệt như chúng ta. Họ phải làm lại từ đầu trên đống tro oan khiên đó. Tội nghiệp cho họ. Tội nghiệp cho chính  chúng ta. Nhưng rồi họ cũng phải đối mặt để đứng lên vượt qua như chúng ta từ hai năm trước. Dù sao, trong thiên tai mới thấy là chính phủ Mỹ đã lo lắng tận tình cho người dân như thế nào. Má nghĩ, không quốc gia nào trên thế giới này có thể lo được cho dân của họ như đất nước nầy.

Vậy mà khi Cali đang cuống cuồng lo cháy rừng, một số những người lính cứu hỏa chết cháy khi đang thi hành nhiệm vụ thì New Orleans lại tổ chức Voodoo Festival (Voodoo: black magic - ma thuật.) Những ông đồng bà bóng ăn mặc quái dị, mặt vẽ rằn ri như thổ dân uống rượu ca hát nhảy múa trên đường. Thành phố nầy, dù đã hơn ba trăm năm thành lập, vẫn còn nặng nề thế giới ma thuật huyền bí. Họ mê tín đến nỗi, phải cầu ông bà thần linh cho họ lá bùa yêu, làm hình nhân đâm kim xuyên tim để trả thù tình địch, vẽ ngoằn nghoèo vài ba chữ trên tờ đô la bỏ trong bóp tiền cầu may mắn. Nhưng, một số trong đám phù thủy đó, là những người  lừa bịp. Ở Việt Nam mình cũng có bùa phép, nhưng chỉ ở một số ít vùng trên cao nguyên hoặc những vùng quê, nơi người dân còn nặng về mê tín chứ không như ở đây. Bùa chú mà cũng có festival. Hết biết. Nó là một trong rất nhiều  festival (ngày hội) của NO.  Gay festival. French quarter festival, Jazz festival.v.v. Chưa kể ngày lễ hội Mardi Gras còn quái dị hơn nữa. Nhưng vô luân nhất là Swinger festival, ngày hội của những cặp vợ chồng  hoán đổi cho nhau -vợ hoặc chồng -trong một số ngày nào đó- cuối tuần - hoặc một tuần lễ cho dài ngày hơn. Xong. Ai về nhà nấy, còn sau đó, họ có sống già với nhau hay không thì không ai biết. Họ rất dễ phân biệt với khách du lịch bình thường, với chiếc vòng dẹp màu sô cô la nhạt trên tay.

Những ngày đó, tại nhà hàng nơi Bố làm, Bố thường xuyên bực dọc cáu kỉnh.

Con không nói về tình hình, công việc của con bên đó. Email gửi về thường là những lời trấn an Bố Má. Con nói. Công việc con bận rộn lắm. Một  đêm chỉ ngủ ba, bốn tiếng. Không ngày nghỉ. Mà dù con không nói, Má cũng biết. Những tấm ảnh con gửi về đã nói lên điều đó. Có những bức ảnh con chụp quanh chỗ đóng quân. Trại lính đóng dọc trên bờ sông Tigris, với  những đập nước lớn chảy xiết.  Chiến tranh ở đâu cũng giống nhau. Không gian quạnh quẽ, khô khốc với những đồn lũy, bao cát trấn quanh hầm cá nhân. Má cảm nhận được không gian đó, vì dù trải qua bao nhiêu năm, những lần tìm thăm Bố ở tiền đồn, chiến tranh vẫn là cái gì đó, gần đến nỗi mình có thể nghe được hơi thở của nó. Dù không thể sờ nắm được nhưng nó thật sự hiện hữu ở mỗi bước đi, mỗi chỗ đứng, mỗi khoảng khắc của thời gian. Bố nói con phải đội nón sắt, dù ở trong trại lính. Kẻ thù có thể pháo kích bất cứ lúc nào và nón sắt có thể giúp bảo vệ được tính mạng cho con. Con phải nhớ rõ điều nầy.

Má đi ngược lại con đường cũ.  Đường  vắng. Nắng đã bò qua khỏi ngọn cây, theo gió rung rinh tàng lá sớm. Hôm nay là thứ tư. Tuần sau con sẽ nhận được quà của Má. Tưởng tượng, bàn tay con hối hả mở thùng giấy. "Ô, nhiều thứ quá!" Và rồi, con sẽ ăn cho bằng hết trong một thời gian kỷ lục số kẹo bánh Má gửi cho con. Con có thể ăn suốt ngày, kể cả mang vào giường nhâm nhi hương vị khô bò cay xé lưỡi mà vẫn chưa chịu là cay.

Và rồi, như bao lần, Bố lại lui cui ướp thịt bò, bắc vĩ nướng, xếp thẳng thớm từng lát thịt bò. Mấy ngày liền sấy không biết bao nhiêu là vỉ khô bò cho con .

Và cũng như sáng hôm nay, Má lại ra bưu điện xếp hàng, đợi đến phiên, khiêng cái thùng giấy đựng đủ thứ lỉnh kỉnh... Ông bưu điện già sẽ nhìn Má bằng cặp mắt ái ngại khi mắt lướt vào địa chỉ .

UNIT 73142

FPO AE 09509-3142

Má phải làm quen với nó hàng bao tháng trời nữa, cái địa chỉ ở cái xứ sở xa lạ nầy. Má hy vọng, thời gian qua nhanh hơn, Má sẽ được nghe tiếng con cười  trong ngôi nhà quen thuộc của mình, con sẽ dịch cho Má nghe, những bài thơ con viết từ Iraq.

Chỉ đến khi con trở về nhà từ chiến trường Iraq, Bố  Má mới thật sự là những kẻ hạnh phúc.

NHẬT NGUYỄN

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,308,731
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo