Hôm nay,  

Cuối Đường

07/11/200700:00:00(Xem: 181710)

Tác giả: Nguyên Phương

Bài số 2141-1933-709vb4071107

*

Trước 1975, tác giả là một dược sĩ. Vượt biển và định cư tại Mỹ từ 1982, Nguyên Phương hiện cư trú tại miền Đông và làm việc trong một cơ quan chính phủ. Với bài viết "Lời Cám Ơn của Mẹ Tôi", cô là tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2007. Sau đây là bài viết mới của cô.

*

Tay dắt con, vai vác một bao đầy thức ăn, tôi lặn lội từ miền Nam ra Bắc thăm anh. Hai đứa trẻ mệt nhòai trên những chuyến chuyển xe, tầu, người chật như nêm cối, tôi không có đủ chỗ nằm nên đã phải ngồi canh cho hai con ngủ. Vì chồng, tôi đã làm được tất cả những việc mà tôi không bao giờ tưởng tượng đuợc là mình có thể làm nổi như là tay dắt con, vai vác một bao đầy thức ăn.

Cuộc hành trình của ba mẹ con tôi xuyên từ Nam ra Bắc thật là gian nan, nhưng rồi cũng tới nơi. Vừa mệt mỏi vừa hồi hộp cho lần gặp gỡ có thể nói là lần sau cùng này. Chỉ vì qua những lần thăm nuôi trước anh vẫn nhắn nhủ tôi "ráng lo cho tương lai các con" tôi đã can đảm tìm đường vượt biên, dù trong lòng vẫn có nỗi lo âu để anh lại một mình trong hòan cảnh tù tội, mẹ anh đã già không thể đi thăm nuôi anh và cuộc ra đi của ba mẹ con không biết có đến nơi đến chốn an toàn. Sau một vài lần bàn tính anh đã nói với tôi "em cố mang con đến gặp anh một lần cuối". Đó là lý do mà hôm nay tôi phải mang hai con nhỏ đi thăm nuôi anh.

Tôi nghĩ miên man thì đã đến cổng trại, bé Uyên nhìn thấy một bông hoa dại ở bên đường, bé buông tay tôi ra để chạy tới hái lấy bông hoa, đó là điều bé thường làm, Uyên biết tôi thích hoa nên mỗi khi bé thấy một bông hoa nào đẹp là bé có thói quen phải hái cho bằng được để đem về tặng cho tôi. Hôm nay cũng vậy bé tung tăng chạy hái hoa trong khi tôi và bé Vũ ngồi chờ anh ra nhận quà, thế rồi tôi thấy anh đi ra nét mặt thật vui tay dắt bé Uyên anh nói:

- Thấy con bé này dễ thương quá đang hái hoa, anh dắt nó trở về cho bố mẹ nó.

Tôi hơi ngẩn ngừoi ra, nhưng qua một thóang ngạc nhiên tôi chợt hiểu, thì ra bố con đã không nhận ra nhau, tôi cuời "thì anh đã trả lại bố nó rồi đó", cùng lúc đó Uyên buông tay anh ra và chạy lại với tôi. Chúng tôi cười ra nước mắt vì khi anh ra đi thì con bé mới có hơn 1 tuổi, nay nó sáu tuổi rồi anh không nhận ra là phải.

Ôm lấy hai con anh rưng rưng nước mắt "các con của bố". hai đứa trẻ ngơ ngác đến khi tôi nhắc chúng "bố đó con".

Bây giờ tôi mới có dịp nhìn anh kỹ hơn, anh gầy hơn, tóc bạc hơn, quần áo te tua hơn, nét mặt tuy vui vì gặp vợ con nhưng không che dấu được nét mệt mỏi.

Gia đình ngồi xum họp nhưng mỗi người một ý nghĩ, sau phút giây ngơ ngác, các con quân quýt bên anh, anh mang những thức ăn ra chia cho con, tôi ngăn lại, mong anh cất để dùng dần vì không biết còn có lần sau hay không. Tôi rất xúc động và cảm phục anh, chỉ có một tấm chân tình mới có thể có một quyết định hy sinh lớn lao như anh và một số đồng đội của anh đã làm, chấp nhận kéo lê một cuộc sống trong trại tù không biết có ngày nào ra, sẽ không có những thăm viếng, tiếp tế lương thực, các anh đã chấp nhận hòan cảnh tăm tối hơn để cho vợ, con mình có một tương lai tươi sáng. Giọt nước mắt tôi tự nhiên trào ra, anh dùng bàn tay lau nước mắt cho tôi, bàn tay sần sùi, đen đủi vì những ngày tháng lao động. Tôi gục đầu vào vai anh thì thầm "hay thôi anh ạ". Anh nâng mặt tôi lên, nhìn thẳng vào mắt tôi, ánh mắt anh cương nghị "hãy can đảm lên em". Từ đó chúng tôi nghẹn ngào không nói được lời nào. Anh cố bắt tôi và các con ăn chung với anh bữa cơm. Tôi không thế nào nuốt được, ngồi nhìn anh chăm chút cho các con và nghĩ tới viễn ảnh tôi sẽ bỏ anh lại để dấn thân vào một chuyến đi, mở đầu cho một nếp sống mới mà tôi cũng chưa biết sẽ ra sao.

Thời gian thăm nuôi rồi cũng hết, người cán bộ nhắc nhở mẹ con tôi phải ra về, anh đưa ba mẹ con tôi ra tận cổng, bịn rịn không muốn rời, bước ra khỏi cổng hai tay dắt hai con tôi đứng lại nhìn theo dáng anh lảo đảo bước trở vào trại tù với cái bao thực phẩm trên vai. Tôi cố thu vào tâm trí hình ảnh của anh lần cuối cùng, người chồng yêu quí của tôi.

Trên đường về gánh nặng về bao thực phẩm đã được để lại cho anh nhưng gánh nặng vô hình khác đã được đặt trên vai tôi làm cho bước đi của tôi thêm nặng nề. Hai con lủi thủi bước bên tôi, không dám hỏi han gì tôi, vì có thể các con cũng mơ hồ cảm thấy một điều gì lạ lùng đang xẩy ra cho mẹ chúng.

 Tôi như một cái xác không hồn sửa sọan cho chuyến đi, và không hy vọng gì có ngày gặp lại chồng. Ngày lên đường, mẹ anh khóc như mưa, ôm thật chặt hai cháu nội vào lòng, những nụ hôn hòa với nước mắt của bà tặng các cháu một lần cuối, Mẹ anh nói nhỏ vào tai tôi "ba mẹ con đi bình an".

Chuyến đi của chúng tôi thông suốt không có gì trở ngại, tôi có được cô em họ đỡ đần nên cũng tạm ổn, nhưng những ngày tháng trên đảo thật là vô cùng vất vả. Cô em tôi mang theo một đứa con năm tuổi, chúng tôi là đàn bà chân yếu tay mềm, thêm ba đứa nhỏ vướng víu nên chậm chân, chiếm được một căn chòi nhỏ dột nát. Những đêm mưa, hai chị em phải ngồi suốt đêm để giữ tấm nylon cho các con được ngủ yên không bị những giọt nước mưa rơi trên người.

Ngày ngày đi nhặt củi về nấu ăn, thì cũng lại chậm chân, nên những nhánh cây nhỏ đã bị họ nhặt hết chỉ còn những khúc cây to, hai chi em kéo lê khúc cây lớn vê chòi và lại hỳ hục chẻ ra làm củi.

Sự vất vả vì lao động trên đảo làm cho tôi mệt nhòai, tối đến leo lên tẩm phản là ngủ một giậc, tôi không có nhiều thì giờ nghĩ đến anh.

Sau một năm trời lang thang trên đảo vì không có thân nhân bảo lãnh, cuối cùng hội USCC làm giấy tờ bảo lãnh chúng tôi qua tiểu bang Iowa.

*

Tôi đặt chân lên đất Mỹ với một tâm trạng rối bời, vốn liếng tiếng Mỹ nghèo nàn, một mình với hai đứa con nhỏ không biết làm sao sinh sống. Hội USCC thuê cho ba mẹ con tôi ở chung một căn chung cư với hai chàng thanh niên, bước vào căn nhà, đồ đạc lỏng chỏng, cũng có được một cái bàn ăn, bốn cái ghế nhưng có một cái ghế chỉ còn ba chân. Hai con tôi, ngơ ngác níu chặt tay tôi đi rụt rè vào phòng ngủ, nơi đây cũng có một phòng hai chiếc nệm cho con phòng kia một chiếc nệm cho mẹ, và hai phòng kia cho hai chàng thanh niên nọ.

Ngày đầu tiên, chúng tôi ăn mì gói, rồi hội cho người đên hướng dẫn chúng tôi tiến hành thủ tục nhập cư. Sau đó hai cậu thanh niên đi học lớp ESL tôi còn lung túng với hai đứa nhỏ, được nhân viên của hội dẫn đi xin trợ cấp vì có con nhỏ, nhưng bản tính không chịu ngồi yên, tôi cố tìm việc làm, một ngày hội gọi tôi và cho biết đã tìm được cho tôi một công việc không cần nhiều tiếng Mỹ lắm, làm cho một gia đình người Mỹ, trông một bệnh nhân nằm liệt giường, hội sẽ tìm người trông con cho tôi đi làm. Tôi phân vân, muốn đi làm nhưng không muốn xa con. Tuy nhiên tôi cũng nhờ người đưa đến nơi đế xin việc. Tôi như trong truyện Phạm Công,Cúc Hoa đi xin việc dắt theo cả hai con đi cùng.

Bước vào một căn nhà lớn nhưng cũ kỹ, chắc có lẽ họ đã ở đó qua vài thế hệ. Một ông Mỹ cao lớn bước ra, bắt tay tôi, tôi rụt rè, chưa quen với lối bắt tay.

Ông John biết tôi mới ở Việt Nam sang nên nói năng thật chậm rãi, nhờ vậy cái vốn tiếng Mỹ của tôi cũng tạm dùng đủ để nghe và nói với ông.

Ông giải thích công việc mà tôi phải làm, trông nom vợ ông, bà nằm liệt giường đã cả năm. Tôi chỉ phải ngồi cạnh bà, làm những gì bà cần và cái khó nhật là tôi phải tắm rửa cho bà,. Bà to lớn có lẽ cũng cỡ hai trăm pounds, thấy tôi bà mở to mắt, tôi gật đầu chào. Bà hơi mỉm cười. Hai đứa trẻ sợ hãi níu chặt tay tôi,..

Ông ta thật là một người đàn ông nhân hậu, ông cho phép tôi và hai con ăn ở luôn tại nhà ông và trả lương cho tôi một số tiền cũng khá đối với tôi ngày đó. Tôi nghĩ công việc hơi cực một chút nhưng có được chỗ yên ổn cho ba mẹ con nên nhận lời.

Ngày tôi giã từ căn apartment hai cậu bé chung nhà cũng hơi buồn và đã đãi ba mẹ con tôi đi ăn một chầu Mcdonald cho một lần tiễn đưa.

*

Ba mẹ con tôi cũng không có đồ đạc gì ngòai một mớ quần áo xin được ở nhà thờ, chỉ rmột chuyến xe là xong. Căn nhà rộng thênh thang ông dành cho ba mẹ con tôi hai phòng, trong những buổi đầu vì các con sợ nên ba mẹ con ngủ chung trong một căn phòng.

Tôi chăm sóc cho bà chủ thật kỹ, nâng giấc, tắm rửa cho bà ta, với thân hình của một người đàn bà Việt Nam tôi thường phải nhờ ông chủ giúp sức. Bác sĩ cho ông chủ biết bà chỉ có thể sống thêm được vài tháng. Tôi nấu cho bà những món ăn đặc biệt thật đày đủ chất bổ, có thể vì vậy mà bà sống thêm được hơn một năm kể từ khi tôi vào làm việc.

Khi tôi mang các con qua Mỹ được vài tháng thì chồng tôi đã được thả ra từ trại tù cải tạo, khi chồng tôi trở về, chúng tôi có viết thư thăm hỏi nhau, tôi mừng đến rơi nước mắt. Tôi vội vã tìm kiếm những giấy tờ có được và làm giấy tờ bảo lãnh để chàng được qua đòan tụ cũng tôi và hai con.

Tôi phải quên đi tất cả những gì tôi đã có ở Việt Nam để làm việc một phần cũng vì tôi thương bà bệnh họan, một phần vì nhờ công việc này mẹ con tôi có một chỗ ở an tòan. Ông chủ ngòai giờ đi làm vẫn thường bồng bế hai đứa con tôi, ông cũng thích chúng vì sự ngây thơ và ngoan ngõan của chúng và cũng để cho ông được quên đi nỗi muộn phiền khi nhìn người vợ đau đớn trên giuơng bệnh. Căn nhà từ khi có mẹ con tôi đến có lẽ bớt quạnh hiu vì tiếng cười của con trẻ, ông vui vẻ hơn xưa. Những ngày cuối tuần ông thường đưa các con tôi ra công viên chơi trong khi tôi đi chợ. Đôi lúc bà tỉnh một chút bà cũng nhếch miệng cười khi thấy con tôi đùa nghịch.

Ngày tôi nhận được giấy báo về việc tôi bảo lãnh chồng tôi, tôi đã vội gọi cho anh để báo tin. Câu trả lời của anh làm tôi lặng người và chết điếng đến vài giây:

- Anh không thể sang được, xin lỗi em giờ này anh đã quyết định ở lại Việt Nam.

- """""

- Anh đã thương một cô giáo và hiện anh và cô ta đã chung sống với nhau, anh không thể bỏ cô ta mà đi được. Cho anh xin lỗi em.

Trời đất như sụp đổ, không gian quay cuồng, tôi muốn khuỵu xuống. Tờ giấy của INS gửi đến trở thành vô duyên trên tay tôi.

Hơn một năm sau, bà John ra đi trong một cơn đau đớn tột cùng, nhìn hai hàng lệ bà ứa ra và nét mặt nhăn nhó tôi hiểu được bà đang chịu một sự tàn phá trong cơ thể. Ngày đám tang bà, con cháu cũng về lặng lẽ đi theo xe tang, ba mẹ con tôi cũng nắm tay nhau đi đưa tiễn bà đến nghĩa trang.

Tôi buồn vì bà ra đi, tôi cũng buồn vì không biết mình sẽ làm gì, đi đâu, tôi không có người thân nào ở tiểu bang này cả. Trở về nhà, căn nhà lạnh lẽo, nơi bà vẫn nằm đã được thu dọn sạch sẽ, bà đã yên nghỉ, hết chịu những sự đau đớn dầy vò cơ thể.

Ngày hôm sau tôi lặng lẽ thu xếp những thứ cần dùng của ba mẹ con để sẵn sàng một cuộc ra đi. Tôi thấy mình không còn lý do gì để ở lại, khi mà người mình trông nom đã không còn nữa.

- Bà có thể ở lại đây cho đến khi tìm được việc khác. Ông chủ John hiền từ trấn an tôi.

- Thành thật cám ơn ông, tôi sẽ nhờ hội USCC kiếm việc cho tôi.

Trong khi nhờ hội kiếm việc, tôi nấu nướng, làm hết công việc nhà cho ông. Một tháng trời không có việc, ông bảo tôi:

- Trẻ con đã quen trường, quen bạn ở đầy rồi, tôi không muốn ba mẹ con dọn đi nơi khác, bây giờ sắp là đầu niên khóa học, bà nên ghi danh đi học thêm trong những giờ các con đi học, sau khi bà học xong, kiếm được việc làm thì sẽ dọn đi cũng không muộn.

Vốn liếng tiếng Anh của tôi đã ít, và khi quá cảm động vì tấm lòng của ông chữ nghĩa đã bay hết tôi chỉ đủ sức nói được câu cám ơn

- Ông tử tế quá

Hôm sau, sau khi con tôi đi học ông đưa tôi đến trường community college ghi danh đi học.

Sau những năm dài không đến trường tôi bỡ ngỡ nơi trường đại học, sinh viên đủ mọi chủng tộc, rụt rè tôi cũng làm quen được với một sinh viên Việt Nam, cô còn trẻ, nói năng liến thoắng:

- Cô cần gì cứ cho cháu biết

- Cám ơn cháu

Bài vở đôi khi có những chỗ không hiểu rõ Thu luôn luôn tươi cừơi giúp đỡ tôi. Có buổi con tôi bệnh cô đã lấy bài vở và mang lại tận nhà cho tôi.

Lớp học qua đi, tôi cũng lấy được mảnh bằng hai năm về computer. Ngày tôi tốt nghiệp cũng áo mão như ai, người đến dự buổi phát bằng là ông John dẫn hai con tôi đi, ngồi ngay hàng đầu tiên. Từ trên sân khấu bước xuống tôi đã ứa lệ cảm động. Hai tay ông dắt hai con tôi và một vòng hoa được ông chòang lên cổ cho tôi khi tôi bước lại phía ông.

Buổi tối hôm đó sau bữa tiệc mừng tôi ra trường, khi hai con đã vào phòng ngủ, ông và tôi ngồi đối diện nhau nơi bàn ăn, trước cái bánh mừng tôi ông đã nắm lấy tay tôi ngỏ lời cầu hôn.

Không có lý do để tôi từ chối lời cầu hôn. Cô đơn nơi quê người, còn đâu niềm mong chờ ngày đòan tụ với chồng, tôi đã khóc trong niềm vui hạnh phúc mà tôi nghĩ không bao giờ tìm thấy đươc. Tuy ông hơi lớn tuổi hơn tôi nhưng với tôi chỉ có tình người là quan trọng, tôi đã nhìn ông qua hình ảnh một người chồng chung thủy, thương yêu vợ cho đến ngày vợ nhắm mắt.

Đám cưới diễn ra thật đơn giản, ông mặc khăn đóng áo dài, tôi mặc áo dài đỏ và quấn khăn vành dây, hai con tung tăng bên mẹ, từ đây chúng đã có "cha mới", một người đàn ông đã sống chung với chúng cả 4 năm trời.

Đôi khi tôi nghĩ cuộc đời mình như nhân vật chính trong cuốn tiểu thuyết Jane Eyre, một cuốn truyện mà tôi đã đọc say mê khi còn trẻ. Tôi đã thầm cảm ơn nước Mỹ đã cưu mang mẹ con tôi, tôi cũng cảm ơn ông chồng Mỹ đã góp phần vào cuộc đời ba mẹ con tôi.

Ngày tháng êm đềm bên ông, tôi cũng đi làm với đồng lương khiêm nhường, nhưng đủ phụ lo cho hai con ăn học đến nơi đếm chốn.

*

Giờ đây các con đã thành tài đã có gia đình, Tôi cũng đã xin về hưu non. Nhưng với bản tính năng động, tôi đã đến nhà già để an ủi những người già trong những ngày cuối tuần, khi các cháu đã có bố mẹ chúng trông nom. Cuộc đời tôi đầy thăng trầm cay đắng nổi trôi từ sau năm 1975, ba mươi hai năm đủ dài cho một đời người, nhiều lúc ngồi hồi tưởng lại những ngày qua tôi thấy ngậm ngùi và lòng nhớ về quê hương nhớ lại mối tình đầu, những ngày tháng hạnh phúc bên người chồng cũ. Từ những miên man suy nghĩ tôi ôm lấy những đứa cháu và rơi nước mắt nghĩ đến những đứa trẻ lạc lòai trong cuộc chiến tương tàn, cuộc sống thiếu tình thương của cha mẹ, không đủ ăn đủ mặc. Tôi chắt chiu từng đồng, và nhặt nhạnh từng món đồ chơi mà các cháu tôi không tha thiết để gửi về cho những đứa trẻ sống âm thầm trong cô nhi viện.

Từ đây những ngày tháng còn lại trong cuộc đời tôi, tôi sẽ cố làm những gì mình có thể làm được để gửi về Việt Nam gọi là "một chút quà cho quê hương" như lời một bản nhạc của nhạc sĩ Việt Dũng.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,317,326
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo