Tác giả đã được trao tặng một giải thưởng đặc biệt Viết Về Nước Mỹ 2005. Ông sinh năm 1940. Trước ở Việt Nam làm nghề dạy học, sang Mỹ làm đủ mọi nghề thượng vàng hạ cám trước khi lại tiếp tục nghề dạy học ở cấp Trung học và Đại Học Cộng Đồng. Hiện là cư dân Westminster, đang hưu trí và đùa giỡn cùng bạn bè qua Email.
*
Sự hình thành của từ ngữ mới này là một kết hơp thật khéo léo có tính cách bình dân đại chúng mà các nhà ngôn ngữ học chỉ biết cúi đầu chào thua.
“Xí bông xoa”. Nghe văng vẳng bên tai như tên gọi âu yếm của một cô bé xinh xắn, nhí nhảnh và nũng nịu "Bống Bồng Bông." Nhưng không, đây là từ ngữ Sponsor của Anh văn. Giới bình dân Việt Nam không rành ngoại ngữ, không muốn uốn lưỡi, nghiến răng lôi thôi khi phát âm chữ S của Pháp văn và Anh văn, họ bèn thay thế bằng hai chữ XI cọng thêm một dấu huyền. Bây giờ đến phụ âm P mà chúng ta thường gọi là P phở để phân biệt với B bò. Chữ P phở này ngay các nhà khoa bảng nhất là mấy ông ngườì Nam cũng không ít người phát âm sai thành B bò. Do đó, để tiện việc sổ sách, dân ta bèn phang ngay chữ B vào để thay thế. Tiếp theo là chữ Sor thì thật là rắc rối vì phải uốn éo mồm miệng sao cho vừa đủ tròn, không vuông, không méo, mới phát âm đuợc. Thế tại sao không thay thế bằng chữ Xoa vốn đã có sẵn trong ngôn từ Việt Nam ta.
Phiên âm sponsor thành xì bông xoa” thật là khôn khéo. Nhờ vậy mà trong ngôn ngữ của ta có thêm một danh từ mới mẻ rất thông dụng sau 1975 nhất là ở các trại tỵ nạn của Liên hiệp quốc tại Mã Lai và Nam Dưong.
Thời đó, suốt ngày, đi đến đâu cũng nghe nói đến "Xì bông xoa" như một thuật ngữ, như một phù chú mà khi nói lên thì dân tỵ nạn thấy trong lòng phấn khởi, nét mặt rạng rỡ.
Vâng, phải có "Xì bôngxoa" mới mong định cư, mới mong rời khỏi trại tỵ nạn, mới mong đến được bến bờ tự do, mới mong xây dựng tương lai, sự nghiệp trên xứ người.
"Xibôngxoa" là ân nhân, là Mạnh thường Quân, là lá bùa hộ mạng của người Việt tỵ nạn trên xứ Cờ Hoa. Tôi nhớ có một cựu sĩ quan chúng tôi gặp ở trại tỵ nạn Galang đi đâu cũng khoe ca sĩ TT một tên tuổi lẫy lừng trong ngành ca nhạc trước đây tại quê nhà là "Xìbôngxoa"của ông ta. Lúc bấy giờ, thú thực tôi cũng ao ước có được một "Xìbôngxoa" sáng giá như thế để nhờ cậy trong cảnh túng thiếu của trại tỵ nạn và sau này, lúc định cư tại Mỹ vào "cái thuở ban đầu lưu luyến ấy".
Lại có một ông Bác sĩ sung sướng khoe "Xì bông xoa"của ông là giám đốc USCC tại một thành phố lớn ở Mỹ vì vậy ông hy vọng rằng ông sẽ sớm được đi định cư trước những thuyền nhân khác. Thế rồi sau đó, lúc tôi sang định cư ở Mỹ (sau ông ta vì tôi đến Galang sau ông ta), bắt liên lạc được với ông, tôi hỏi thăm tình hình công việc của ông, ông đã ngậm ngùi thú nhận là chức vụ giám đốc USCC của ông "Xìbôngxoa" không phải "to" và quan trọng như ông nghĩ nên ông này cũng chẳng giúp gì được cho gia đình ông ta ngoài việc kiếm cho ông một công việc thật khiêm nhường chả liên quan gì đến văn bằng Bác sĩ của ông và vợ ông ta thì chỉ làm được một công việc lằng nhằng với mức lương tối thiểu theo luật định.
Sang đến Mỹ, tiếp xúc với thực tế ta mới thấy những sai lầm trong nghĩ suy đơn giản của ta. Chức vụ giám đốc như trong hệ thống hành chánh của ta thật là quan trọng. Trái lại, ở Mỹ, ví dụ như trong cơ quan USCC, chỉ cần phụ trách một chương trình nào đó như Chương trình làm thẻ xanh, chưong trình tìm kiếm việc làm (nhân dụng) hay chương trình đoàn tụ ODP cũng được gọi là Program Manager và nếu dịch ra tiếng Viêt Nam tức là Giám đốc chương trình và để đơn giản hóa vấn đề vì ta làm việc cho USCC ta có thể tự phong là Giám đốc USCC cũng chẳng có ai bắt bẻ gì và những người Việt Nam không am hiểu hệ thống hành chánh Mỹ rất dễ nhầm lẫn về giá trị, tầm mức quan trọng và giới hạn quyền hành của các chức vụ tại những cơ quan công quyền hay tư nhân Mỹ.
Không biết trước tôi, trong mục “Viết Về Nước Mỹ" đã có ai viết về "Xibôngxoa" chưa, tôi không nhớ rõ. Sở dĩ tôi muốn viết về "Xibôngxoa" vì vợ chồng ông "Xibôngxoa" của chúng tôi sau 19 năm xa cách gia đình tôi, kẻ Bắc (ông ta ở New Hampshire) ngưòi Nam (chúng tôi ở California) đã vừa lái xe xuyên bang qua thăm chúng tôi trong sự vui mừng đượm tình thương yêu thắm thiết.
Không biết những ai trong chúng ta còn liên lạc mật thiết với người bảo trợ đã có một thời giúp chúng ta sang định cư ở Mỹ. Riêng tôi vẫn nhớ đến Joe Doran, tên người bảo trợ gia đình tôi, nhớ như nhớ đến một ân nhân, một người bạn, một người em (Joe nhỏ hơn tôi 7 tuổi). Joe là một giáo sư Trung học, dạy môn Sử ký, vóc người tầm thước, có chiều cao khiêm nhượng so với người Mỹ nên đứng bên cạnh Joe tôi không mang mặc cảm "nhược tiểu" và lúc nói chuyện, tôi khỏi phải ngước mặt nhìn lên như khi nói chuyện với những người Mỹ cao to.