Hải Triều Lại Thế Lãng cư trú và làm việc tại tiểu bang Vermont, là tác giả liên tục viết về nước Mỹ từ hơn bốn năm qua và đạt số lượng bài viết nhiều nhất. Sau đây là bài viết đặc biệt của ông nhân dịp kỷ niệm ba mươi năm Tháng Tư 1975-2005.
*
Ngày 30-4-75 tướng Dương Văn Minh, vị Tổng thống vừa trở lại cầm quyền lần thứ hai được 2 ngày, tuyên bố đầu hàng vô điều kiện để tránh đổ máu. Theo lệnh của vị Tổng tư lệnh, quân đội buộc phải buông súng. Cuộc chiến quả thực đã chấm dứt, không còn cảnh đổ máu vì súng đạn nhưng cảnh chết chóc không chấm dứt mà còn có phần bi thảm hơn.
Nhiều người khí khái đã tuẫn tử vì không chịu đầu hàng, nhiều người tự kết liễu đời mình vì quá tuyệt vọng, bao nhiêu người đã bỏ xác ở các vùng kinh tế mới, bao nhiêu người đã mất mạng tại các trại lao động khổ sai, bao nhiêu cái chết tức tưởi của những người bỏ nước ra đi trên những chiếc thuyền chẳng may bị lọt vào tay bọn hải tặc, bao nhiêu hình hài đã chết dần chết mòn do đói khát vì bị lạc nhiều ngày trong rừng sâu hay giữa đại dương v.v. đã nói cho thế giới biết rằng người Việt Nam không chấp nhận sống dưới chế độ độc tài Cộng sản. Họ sẵn sàng đánh đổi sinh mạng để lấy hai chữ Tự Do và lòng ham muốn được sống tự do đã đưa người Việt đi tứ tán khắp nơi trên thế giới.
30 năm đã trôi qua kể từ khi miền Nam rơi vào tay Cộng sản. 30 năm là một chặng đường dài với không biết bao nhiêu biến cố đã xẩy đến cho những người bỏ nước ra đi. Trong bài này, với những dữ kiện thâu thập được rải rác trên báo chí và trong các websites trên internet, người viết xin lược qua trong mỗi chặng thời gian một vài sự kiện để có dịp nhìn lại những bước thăng trầm của người Việt trên bước đường tha hương. Tiếp đó xin nói qua về sự hình thành của các cộng đồng người Việt tại các quốc gia trên thế giới. Sau cùng là một vài suy nghĩ về công cuộc tranh đấu của người Việt hải ngoại để đòi tự do, dân chủ và nhân quyền cho quê hương Việt Nam.
LONG ĐONG THEO VẬN NƯỚC
1975: Sài gòn sụp đổ. Trên 130,000 người rời bỏ Việt Nam. Phân nửa con số này là nhân viên quân đội, chính quyền và những người làm cho các cơ sở của Mỹ được quân đội Mỹ trực tiếp di tản. Số còn lại gồm đủ thành phần ra đi trên các chuyến phi cơ hoặc tàu thuyền. Hầu hết được đưa tới đảo Guam và sau đó được định cư ở Hoa Ky.
Vào tháng 5-1975 do sự thúc giục của chính phủ Hoa Kỳ, Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc (CUTN/LHQ) kêu gọi các nước nhận người tỵ nạn. Hưởng ứng lời kêu gọi đó, có khoảng 25 nước đã đồng ý nhận định cư người tỵ nạn Đông Dương trong đó có người tỵ nạn Việt Nam.
1976: Chỉ một năm sau ngày Cộng sản cai trị miền Nam đã có 5,242 người bỏ nước ra đi. Những người ra đi đã tới các quốc gia trong khu vực như Mã Lai, Thái Lan, Nam Dương, Hồng Kông, Phi Luật Tân. 1977: Số người chạy trốn chế độ Cộng sản tăng gấp ba lần so với năm trước với khoảng 15,690 người cho dù thời gian này những người bỏ nước ra đi không được coi là người tỵ nạn.
Mặt khác, cũng trong năm này bà Khúc Minh Thơ đã đứng ra thành lập Hội Gia Đình Tù Nhân Chính Trị Tại Việt Nam để liên lạc với chính giới Hoa Kỳ, các nhà lãnh đạo cũng như các tổ chức nhân đạo để tranh đấu đưa tù nhân ra khỏi các trại cải tạo của Cộng sản. 1978: Số người rời bỏ quê hương tăng mạnh hơn. Chỉ tính riêng trong tháng 9 đã có đến 8,558 người, sang tháng 10 có 12,540 người và đến tháng 11 là 21,550 người.
Vì số thuyền nhân gia tăng nhanh như vậy, khoảng cuối năm này Mã Lai bắt đầu ngăn cản tàu thuyền không cho vào bờ biển của họ. Có khoảng 5,000 thuyền nhân đã vào được đến bờ bị họ đẩy ra biển trở lại và khoảng 51,400 người đi trên 386 chiếc ghe đã bị hải quân Mã Lai ngăn cản không cho ghé vào bờ biển của nước này.
Ngày 13-8-1978 một chiếc ghe đánh cá chở 40 người vượt biên bị gió bão cuốn trôi trên biển Nam Hải. Trong lúc gặp nạn chiếc ghe này đã được thuyền trưởng Roddy MacDougall của chiếc Avon Forest của Anh quốc ra lệnh cho thủy thủ tiếp cứu và đưa người tỵ nạn đến Đài Loan. Sau đó những người thoát nạn đã được định cư ở Canada.
Tính đến cuối năm này đã có 62,000 thuyền nhân ở trong các trại ở Nam và Đông Nam Á với trên 46,000 người ở Mã Lai; 4,800 ở Hồng Kông và 3,600 ở Thái Lan.
Ngày 14-11-1978 CUTN/ LHQ chính thức coi những thuyền nhân trốn chạy khỏi Việt Nam đương nhiên có tư cách là người tỵ nạn được sự bảo vệ của CUTN/LHQ.
1979: Ngày 27-5-1979 chiếc Challenger thuộc ngành Hàng Hải Thương Thuyền Hoa Kỳ đã vớt 394 người trên một con tàu nhỏ. Qua ngày 18-6-1979 tàu lại nhận 345 người đã đến được dàn khoan Wedoco II và được lệnh nhận 342 người đã tắp vào dàn khoan Wedrill, ngày hôm sau tàu nhận thêm 18 người khác từ một chiếc tàu của Đức chuyển sang.
Đến ngày 26-6-1979 tàu cứu vớt 344 người khác. Ngoài những số người kể trên, theo nhật ký hải hành của thuyền trưởng Jay K. Elder thì ông và thủy thủ đoàn của chiếc Challenger còn cứu vớt nhiều lần khác nữa nâng tổng số người được cứu vớt trên biển Đông lên tới con số 2,700 người để đưa họ đến trại tỵ nạn của CUTN/LHQ được đặt tại Paulau Tengah trên lãnh thổ Mã Lai.
Tính đến giữa năm 1979 đã có trên 700,000 người bỏ nước ra đi. Trong số này 500,000 đã được đi định cư còn 200,000 chờ ở các trại tỵ nạn gồm 75,000 người ở Mã Lai; 49,000 người ở Hồng Kông; 43,000 người ở Nam Dương; 9,500 ở Thái lan và 5,000 người ở Phi Luật Tân.
Vào tháng 6-1979 một hội nghị của Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á đưa ra tuyên bố rằng họ không còn khả năng tiếp nhận người tỵ nạn và quyết định không nhận thêm người mới tới.
Ngày 30-6-1979 Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Kurt Waldheim đưa ra lời mời 71 quốc gia tham dự một hội nghị quốc tế về tỵ nạn được tổ chức tại Geneva, Thụy Sĩ vào các ngày 20 và 21-7-1979. Kết quả của hội nghị này là: Có 20 quốc gia chấp nhận gia tăng nhận người tỵ nạn vào định cư; xúc tiến Chương Trình Ra Đi Trong Tật Tự mà Việt Nam đã ký với Cao Ủy Tỵ Nạn LHQ vào ngày 30-5-1979; Việt Nam hứa sẽ ngăn chặn việc ra đi bất hợp pháp.
Sau Hội nghị này hai trung tâm được xây dựng tại Galang, Nam Dương và Bataan ở Phi Luật Tân để tiến hành thủ thục tỵ nạn. Cũng do kết quả từ hội nghị này, hải quân Mã Lai không còn kéo ghe của thuyền nhân ra biển nữa mà cho phép vào bờ để làm thủ tục tỵ nạn.
Tháng 8/1979 CUTN/LHQ lập chương trình “DISERO” theo đó một số quốc gia chấp nhận cho định cư những thuyền nhân được cứu vớt bởi những chiếc tàu của các nước không có chính sách định cư người tỵ nạn. Nhờ vậy người tỵ nạn được cứu vớt nhiều hơn vì những chiếc tàu sau khi cứu vớt người tỵ nạn chỉ cần đưa họ đến hải cảng gần nhất rồi trở lại công việc của mình mà không sợ ảnh hưởng đến chuyến hải trình hay những rắc rối gì khác. 1980: Quốc Hội Hoa Kỳ thông qua luật “Refugee Act of 1980”.
Cũng trong năm này VN chấp nhận chương trình ODP cho phép những người có thân nhân ở nước ngoài được ra đi hợp pháp vì lý do đoàn tụ gia đình hay nhân đạo. 1981:Theo số liệu của CUTN/LHQ tính đến năm 1981 có 349 trong số 452 chiếc thuyền đi trên vịnh Thái Lan đã bị hải tặc tấn công. Những người đi trên những chiếc thuyền này có 881 người được ghi nhận là chết hay mất tích, 578 phụ nữ bị hãm hiếp và 228 phụ nữ bị bắt đi. Tuy nhiên đây chỉ là một con số nhỏ những vụ việc ghi nhận được, còn vô số những vụ việc bọn hải tặc Thái Lan đã gây ra những tội ác tày trời đối thuyền nhân trên đường vượt biên mà CUTN/LHQ không nắm vững. Hành động của bọn này man rợ không kém gì hành động của bọn Pol Pot đối với nhân dân Cambodia mà cả thế giới đều lên án.
Ngày 30-7-1981 Hoa Kỳ công bố chính sách di dân và tỵ nạn. Bản công bố nói rằng “Chúng ta sẽ tiếp tục truyền thống của Hoa Kỳ coi đất nước này như là một vùng đất đón nhận những người đến từ các nước khác. Chúng ta cũng sẽ cùng với những quốc gia khác tiếp tục chia sẻ trách nhiệm trong việc đón nhận và định cư những người trốn chạy khỏi sự áp bức”. Chính sách này tất nhiên có ảnh hưởng đến số phận của những người tỵ nạn Việt Nam.
1982: Ngày 10-6-1982 một chiếc thuyền nhỏ chở 20 thuyền nhân sau khi bị hải tặc cướp bóc đã được chiếc tàu USS Sterett cứu vớt. 1983: Ngày 27-4-1983 một chiếc thuyền chở 31 người gồm đàn ông, đàn bà và trẻ con đã bị hải tặc tấn công trên vịnh Thái Lan. Bọn hải tặc sau khi cướp bóc đã hãm hiếp 3 phụ nữ, giết chết 12 người xô xác xuống biển. Số còn lại hầu hết bị chết đuối vì chiếc thuyền bị chìm sau khi bọn hải tặc rút đi.
Ngày 20-7-1983 chiếc USS Sterett lại cứu vớt 127 người khởi hành từ Vũng Tàu một tuần lễ trước đó. Qua ngày hôm sau 21-7-1983 chiếc tàu này lại cứu thêm 92 thuyền nhân khác. Đây là lần thứ ba chiếc USS Sterett cứu vớt người tỵ nạn. Chiếc tàu này đã nhận được ba bằng khen về những nỗ lực nhân đạo mà thủy thủ trên tàu thực hiện. 1984: Tháng 11-1984 lần đầu tiên ngoại trưởng Hoa Kỳ Schultz đề cập với CSVN về vấn đề con lai và những người được gọi là tù cải tạo. Cũng năm này Tổng thống Reagan tuyên bố nước Mỹ sẵn sàng đón nhận các cựu tù nhân chính trị và gia đình của họ. 1985: Tháng 11 năm 1985 một chiếc tàu nhỏ bé chở 96 người vượt biên sắp gặp nạn trên biển đã được một chiếc tàu của Nam Hàn cứu vớt. Vị thuyền trưởng, ông Jeon Je Yong vì lòng nhân đạo đã bất tuân lệnh của cấp trên để ra tay cứu vớt và đem 96 người này đến trại tỵ nạn Pusan ở Nam Hàn. Vì việc làm này ông đã bị cách chức thuyền trưởng và bị sa thải. Năm 2004 ông đến thăm Hoa Kỳ đã được những người từng được ông cứu vớt trước kia và nhiều người trong cộng đồng Việt Nam tiếp đón nồng nhiệt.
Số mai: Cộng đồng người Việt thế giới
HẢI TRIỀU LẠI THẾ LÃNG