Hôm nay,  

Đường Đến Tự Do

04/04/200500:00:00(Xem: 150799)
Người viết: AN HUỲNH
Bài số 717-1296-65-vb6-040105

Tháng Tư trở lại. Ba mươi lần tháng Tư. Đây là thời điểm của hồi tưởng. Viết Về Nước Mỹ xin giới thiệu bài viết đặc biệt của An Huỳnh, về chặng đường vượt biên, tị nạn của các thuyền nhân Việt. Tác giả sinh năm 1952, Sa Đéc, trước 1975 là cựu quân nhân VNCH, vượt biên đến đảo Bidong (Mã Lai) tháng 4/87, định cư ở Hoa Kỳ tháng 4/88, hiện đang ở San Gabriel, Los Angles. Ông là tác giả bài viết “Tháng ngày tạm dung” đã phổ biến từ lâu.
*

Sau khi chiếm trọn miền Nam ngày 30 tháng 4 năm 1975ù, chế độ cộng sản đã làm thay đổi toàn diện từ lối sống, mưu sinh cho đến văn hóa, giáo dục, tôn giáo của người dân miền Nam Việt Nam.
Hoàn cảnh những cựu quân nhân Việt Nam Cộng Hoà sau năm 1975 tiêu biểu như những câu thơ, trong bài thơ "Bằng Hữu" của Chu Vương Miện như sau:
"Thằng đi ve chai, răng vàng, răng giả
Sáng lang thang và chiều lang thang
Lầm lũi đi, như những lúc tan hàng....
Thằng thì sáng sáng đạp xe lên Thủ Đức
Thồ rau muống già, bỏ mối cho heo
Thằng thì đi bỏ thuốc lào, thuốc lá
Thuốc đau lưng, bổ thận, ho gà
Có những thằng pha cà phê ế khách
Đổ ra ly rồi nhấm nháp một mình
Đầu đường thì công an, cuối đường thì kẻ cắp
Ở giữa đường mà sống cũng không xong

Tôi là một trong số những người cựu quân nhân kể trên và có hoàn cảnh sống như thế sau năm 1975. Những năm sống dưới chế độ cộng sản tại Việt Nam tôi nhận thấy tương lai mình chỉ còn là một cái dấu chấm hết.
Trong khoảng thời gian từ năm 80 cho đến năm 86 ở tỉnh tôi phong trào vượt biên nở rộ lên. Thỉnh thoảng có buổi sáng tôi thấy công an và phường khóm đến niêm phong các căn phố vô chủ ở chợ, hỏi ra mới biết chủ ngôi nhà đó đã đi vượt biên.
Những người đi vượt biên thì có người được tàu ngoại quốc vớt khi họ ra tới hải phận quốc tế, đa số bị bắt hoặc bị chết chìm ngoài biển (vì tàu vượt biên chở nhiều người quá) và một số ít may mắn thì tới thẳng đảo nhận người tỵ nạn của Thái Lan, Mã Lai, Nam Dương. Thời gian này, trẻ con thường hát những bài hát về phong trào vượt biên, tác giả vô danh:
Thứ nhất: Vô hang đá
Thứ hai: Vô bụng cá
Thứ ba: Con gởi thơ về thăm ba má
Năm 1987 tôi tham dự chuyến vượt biên lần thứ tư sau những chuyến đi đầu bị gạt, bị trễ tàu và một chuyến suýt bị bắt ở Gò Công. Mục đích của sự vượt biên là tìm tự do, tìm tương lai cho tôi và con gái của tôi lên bảy tuổi. Tiền đã giao trước cho bà chủ tàu tại nhà người bạn, sửa soạn mua thuốc cảm, thuốc ho, dầu xanh đem theo.
Vượt Biên
Năm giờ sáng tôi cùng con gái tôi đi ra bến xe Chợ Lớn để đón xe đi xuống quận Bình Chánh. Qua nhiều lần đi không thành tôi không còn nói lời từ giã với vợ tôi trước khi ra đi, mà chỉ nhìn nhau im lặng, vợ tôi khóc mỗi lần tôi ra đi. Tôi ngồi uống cà phê ở Bình Chánh, chờ người nhận. Khoảng nửa tiếng sau có người đến nhận là con của chủ tàu, ông ta bảo tôi ghi số xe Honda của ông ta để nhớ và khi đến Bắc Mỹ Thuận thì tìm bằng được chiếc Honda mang biển số trên rồi qua Bắc Mỹ Thuận, con của bà chủ tàu biết tôi và chúc tôi "Lên đường may mắn".
Sau khi giao cha con tôi cho người khác, một ông già tên Chú Năm, dẫn hai cha con tôi về Cần Thơ, mướn khách sạn để tạm nghỉ. Buổi chiều hôm đó, chúng tôi đi chợ Cần Thơ đến bến Ninh Kiều. Đây là nơi có tượng Hồ Chí Minh đặt dựa bờ sông, "bác" đưa ba ngón tay, có lẽ ngụ ý là "ba cây" mới đi vượt biên được. Cần Thơ bây giờ khác với Cần Thơ vào khoảng năm 1971 nghĩa là đã 16 năm trôi qua kể từ ngày mình theo học Văn Khoa ở đây.
Sáng hôm sau, theo chú Năm đi về Rạch Giá, xe chạy tới Ngã Ba Lộ Tẻ thì ngừng, có nhiều quán nhỏ dựng tạm bên đường để bán thức ăn hay giải khát cho hành khách. Đến Rạch Sỏi xe đậu tại bến, xuống xe mình theo chú Năm đi bộ một đoạn đường. Đón xe "Dai-Hat-Su" để đi vô xã tên Minh Lương, đường xấu, xe chạy chậm. Chợ xã Minh Lương vẫn còn nhóm bây giờ khoảng 9 giờ sáng, có chiếc xuồng nhỏ đậu chờ sẵn. Uống nước xong, chúng tôi xuống xuồng ngay mua vài trái thơm, dưa hấu để ngụy trang là dân địa phương đi chợ về. Chú Năm bơi xuồng qua khỏi chợ vào bên trong con rạch nhỏ toàn là nhà người Miên ở, những đứa con nít con của dân Miên đen thui, ở trần đứng nhìn.
Con rạch tôi không biết tên, càng đi sâu vô càng lớn ra, bơi xuồng một hồi trổ ra sông lớn, rồi chúng tôi vượt ngang đồn công an xã Tắc Cậu lục bình trôi đầy sông. Ghé xuồng chú Năm mua thuốc hút, gần nhà máy xay lúa, người dân ở đây nhìn mình, chú Năm bằng cặp mắt "dò xét" chen lẫn hơi "nghi ngờ". Chú Năm chỉ cho mình biết phía xa xa là chợ Rạch Sỏi nằm dọc theo bờ sông những tàu đánh cá nhỏ chạy về phía biển, những đống chà chất dựa theo bờ sông hoặc ở ngoài khơi. Có một bãi bùn rất lài, giống bãi bùn ở Cù Lao Tân Phong, Cái Bè. Người ta kéo những tay lưới lớn để bắt cá dọc bờ sông, không biết có được nhiều cá hay không"
Gần hai tiếng đồng hồ bơi xuồng, chúng tôi đến điểm hẹn. Xuồng đậu dưới hàng bần, nắng quá nóng, tội nghiệp cho con gái nhỏ của tôi, khát nước cháu đòi uống nước.
Nước sông ở đây mặn vì gần biển, xuồng tới điểm hẹn quá sớm. Thêm nhiều xuồng bơi tới nữa, mỗi xuồng chở ba người. Nếu có công an ở đây, để ý một chút là bọn nó bắt được hết những người vượt biên hiện đang lênh đênh trên những chiếc xuồng nhỏ. Rồi chú Năm bơi xuồng bung ra xa cập xuồng đợi dựa theo đống chà, trời mỗi lúc một nắng hơn, nước uống mang theo chỉ còn một chai nhỏ gần hết.
Bây giờ đậu xuồng ở đám bần để tránh nắng thì không dám, dân ở trên bờ sẽ biết ngay là dân "vượt biên" thành ra cứ bơi xuồng "vòng vo" ở giữa sông. Lát sau, có một chiếc xuồng bị dân đi câu ghé lại "tống tiền". Mấy cậu nhỏ trên xuồng sợ quá, đưa một chiếc đồng hồ mười ngàn đồng Việt Nam, đưa tiền rồi mà còn sợ, không biết bọn nó có đi tố cáo hay không" Chú Năm thấy vậy sợ quá, tính bơi xuồng về phía chợ Rạch Giá, tính tìm đường lên bờ. Gặp ông trưởng toán đang bơi xuồng tới, hỏi thăm sự việc thì ông này nói: "Đừng sợ, tụi này chỉ tống tiền rồi đi thôi, không có đi tố cáo đâu". Rồi neo xuồng đậu tới năm giờ chiều thì mới "lủi" xuồng vô đám bần, mình nghe trên bờ con nít đang đá banh, la hét vang rần. Đây là vùng ngoại ô của thị xã Rạch Giá, đằng xa kia có xây một thác nước nhỏ bằng kim loại, có lẽ là cơ quan gì đó của cộng sản.
Sáu giờ chiều bắt đầu có muỗi cắn "lai rai", hai cha con mình ăn bánh mì khô cho đỡ đói, chú Năm nhìn và nói: "Êm rồi chắc có lẽ ông đi được". Khoảng 7 giờ tối thì trời tối hẳn, xuồng nhỏ bơi ra sông mỗi lúc mỗi nhiều, nghe văng vẳng tiếng nói. Ban đêm ở chỗ này vắng vẻ không có ai đi câu. Thỉnh thoảng có vài chiếc ghe đánh cá đi qua, chú Năm nói "ghe xiệp" phải trốn đừng để nó thấy, thấy thì nguy. Chờ khoảng gần 10 giờ đêm thì "cá lớn" chạy ra, ai nấy đều mừng, cả chục chiếc xuồng đổ xô lại "ghe lớn" mạnh ai nấy nhảy lên tàu, bỏ quên cả túi xách dưới xuồng nhỏ. Trước khi lên tàu lớn, mình tặng chú Năm cái đồng hồ đeo tay và hai chục ngàn, nói lời cám ơn.
Ghe lớn là loại ghe "cà-vom" dài khoảng sáu thước, rộng bề ngang chỉ gắn một cái "Yan-Ma" một block, máy này chạy bền thật, suốt hành trình nó không tắt máy bao giờ.
Rồi chiếc ghe lớn từ từ bỏ xa chiếc "taxi" xuồng nhỏ và các hàng đèn đánh lưới dọc theo bờ sông hoặc giăng ngang sông. Đây là sông cái lớn, chợ Rạch Sỏi đã bỏ một quãng xa, cuộc hải hành bằng chiếc ghe chỉ đi đường sông, bắt đầu một đêm không ngủ được. Khoảng 2 giờ sáng ghe vượt ngang một dãy cồn "hòn" thì đúng hơn" Không biết Hòn chuối hay Hòn Khoai gì đây" Nghe nói ở các hòn này đều có công an biên phòng" Sáng dậy thì ghe chạy cặp theo dải đất thấy mờ mờ ở trong, phía ngoài là biển cả mênh mông thăm thẳm hỏi ta mới biết dải đất báo chạy dài bên trong là mũi Cà Mau.
Ghe tiếp tục chạy khoảng buổi chiều thì phát hiện một chiếc tàu đánh cá quốc doanh CSVN đậu gần mũi Cà Mau. Chiếc tàu này khi thấy ghe mình liền bắn súng kêu lại, ghe tính tăng ga chạy đi nhưng không kịp, tàu đánh cá đã chạy đến. Tàu đánh cá mang bảng số quốc doanh đánh cá Kiên Giang 39, mình còn nhớ. Sau đó là màn tống tiền, ai có vàng có tiền phải đưa ra, nếu không đưa khi bị xét mình mà có là có tội. Tên thuyền trưởng người miền Trung đòi kéo tàu vượt biên về Rạch Giá. Đã tưởng cuộc đời mình chấm dứt từ đây. Nhưng sau đó,có mấytên thủy thủ trên tàu quốc doanh đánh cá nói là "sẽ cầm giữ mấy tiếng đồng hồ và cho đi.
Khoảng mười giờ đêm, sau rất nhiều màn xét vàng, xét tiền bọn "công an nhân dân" đã trấn lột được khoảng bốn cây vàng, vài trăm ngàn việt nam, thì bọn chúng cho tàu đi, sau khi ân cần chỉ hướng 210-240 là đến Mã lai và trả lại hải bàn. Lúc này sóng gió nhiều, trời mưa lạnh vào ban đêm cho nên tình cảnh rất nguy hiểm, nhiều người trên tàu ói. Tôi nghe những tiếng niệm Phật Di Đà, cũng như đọc kinh Thiên Chúa, có nghĩa là người ta cần đấng thiêng liêng cứu giúp khi họ đang trực tiếp đối đầu với sự nguy hiểm trước mắt.
Nửa đêm tài công cho biết có tàu Thái Lan rượt nên phải chạy nhanh hơn để tránh tàu Thái. Sáng dậy tôi thấy trời nước mênh mông không còn thấy bờ biển nữa, tài công nói là đã ra tới hải phận quốc tế. Bọt biển trắng xóa nước biển mênh mông, thỉnh thoảng tôi thấy vài con cá nhào lộn trên mặt biển gần tàu chúng tôi đang chạy, cũng như tôi thấy cá bay (một loại cá nhỏ phát triển hai vi lớn như đôi cánh). Loại cá này lội thật nhanh trên mặt biển và lấy đà bay lên. Cặp vi này sẽ là đôi cánh giữ thăng bằng cho nó khi bay lên không trung. Khi hết trớn bay, cá rớt lại dưới biển. Rất nhiều cá bay đã bay vào tàu của tôi. Chúng không lớn lắm chỉ bằng con cá bạc má.
Cứ thế tiếp tục tàu chạy, đêm thứ ba thì tàu gãy tay bánh lái, gần một tiếng mới thay được cái mới. Sáng thứ ba thì thấy chim bay, dấu hiệu gần tới đất liền, đến 9 giờ sáng mọi người thấy hải đảo ở xa xa, ai nấy đều vui mừng vì thấy được đất liền. Nước uống trên tàu bắt đầu cạn một thùng "phuy" nước mà dành cho 62 người uống. Lúc đầu, mạnh ai nấy uống, về sau tài công phải hạn chế nước uống lại để dành cho đường dài.
Khoảng 11 giờ trưa tàu chạy tới sát một đảo thì thấy đó là đảo hoang, cây cối mọc um tùm. Tiếp tục chạy nữa gặp tàu đánh cá hỏi ra mới biết là tàu đánh cá Mã Lai, thủy thủ tàu ra dấu chỉ đường, phía trước mặt của họ và nói: "Bidong". Tài công chúng tôi không biết ra sau chạy một hồi gặp chiếc tàu máy loại Budast có rất nhiều người ngoại quốc trên đó, họ chỉ hướng cái đảo xa xa và chạy dẫn đầu.
Tàu chạy khoảng nửa tiếng thì tới một đảo nhỏ, có tàu lớn đậu ở đó và người lố nhố mới biết là đảo chứa dân tỵ nạn, đó là đảo Paulo Bidong thuộc Mã Lai.
Thế là sau ba ngày bốn đêm vượt biên, tôi đã đến được xứ sở Mã Lai một cách an toàn, không gặp phải những thảm cảnh chết chóc mà rất nhiều thuyền vượt biên từng gặp.
Những Ngày ở Đảo Bidong
Lính Mã Lai ra đón, đó là lực luohng Task Force, giữ an ninh trên đảo. Họ bắt người tỵ nạn ngồi hàng dài ở cầu Jetty đếm đầu người rồi mới cho lên bờ. Đi ghe thì mình say sóng, lên bờ trái lại mình cảm thấy choáng váng, đi trên bãi cát mà đầu nhẹ lâng lâng, người ta gọi là "say bờ" say bờ thì vài ngày mới hết được. Bờ biển bên kia thấy mờ mờ là đất liền Mã Lai, cách đảo Bidong khoảng 20 cây số, chỉ thấy được khi trời nắng ráo.Đảo Bidong có diện tích khoảng 7 cây số vuông, phía Bắc của đảo có vài ngọn núi nhỏ, đảo nằm giữa biển cả mênh mông. Tàu của mình khi đến đảo mang số tàu MB724 theo thứ tự.
Công việc đầu tiên của người tỵ nạn là phải khai báo lý lịch cá nhân của mình, trước và sau năm 75 làm gì, Kế đến người tỵ nạn phải làm thẻ xanh xã hội để được lãnh vật dụng cá nhân, rồi làm thẻ tiếp liệu, thủ tục ICM cân đo, khám sức khỏe, chụp hình phổi, chích ngừa.
Đảo Bidong chia ra làm nhiều khu: Khu A nhà cửa đẹp dành cho cao ủy ở, khu B, C D và F cho dân tỵ nạn ở. Ở đây nhà được cất thành một căn rất dài, rồi chia thành nhiều căn nhà nhỏ sát vách nhau gọi là Long house. Khoảng năm hoặc sáu người tỵ nạn được sống chung trong căn nhà nhỏ đó.
Trên đảo Bidong có rất nhiều dừa, cây dừa ở đây cao hàng chục thước, tôi có nghe một câu chuyện liên quan đến cây dừa ở đảo:
Có một ông lão tỵ nạn ngồi dựa gốc dừa để nghỉ mát vào buổi trưa, bị dừa rụng trúng đầu chết. Người dân đã lập một miếu nhỏ ngay chỗ ông chết để thờ ông. Nghe nói ông lão rất linh thiêng dân trên đảo thường đến khấn vái nhờ ông cho biết họ có được phái đoàn ngoại quốc phỏng vấn hay không"
Một chuyện thương tâm khác ở đảo mà ai cũng biết, đó là chuyện một chiếc tàu sắt Việt Nam vượt biên, chở khoảng 200 người đến đảo Bidong năm 1978. Hải quân Mã Lai không cho vào đảo và đã bị bắn chìm. Tất cả người đi trên chiếc tàu này bị bắn chết hết. Chuyện chết chóc dã man này đã được đài BBC phổ biến và dư luận quốc tế lúc ấy vô cùng thương tâm cho người tỵ nạn Việt Nam. Quốc tế đã yêu cầu chính quyền Mã Lai mở cửa đón người tỵ nạn Việt Nam vào năm sau đó.
Về chiếc tàu sắt bị bắn chìm, tàu được kéo về nằm ở bãi biển gần đồi tôn giáo. Sau đó một thời gian vào ban đêm dân ở đảo khi đi ngang khu vực này thường nghe những tiếng kêu khóc, rên la thảm thiết của người trên tàu đã bị chết oan khi họ đang sắp sửa đến bến bờ tự do. Chuyện này đến tai chính quyền Mã Lai trên đảo, họ cho kéo chiếc tàu sắt ma sang bỏ bên đảo Cá Mập cách đảo Bidong khoảng một cây số cho êm chuyện. Nhưng không biết do "sức mạnh vô hình" nào mà chiếc tàu sắt ma từ đảo Cá Mập bên kia xa hằng cả cây số vài tháng lại tự động trôi về, nằm đúng tại vị trí lúc trước, không ai giải thích chuyện ấy được. Cho đến khi tôi rời đảo Bidong, chiếc tàu sắt vẫn còn nằm tại bãi biển gần đồi tôn giáo.
Ở Bidong cực nhất là vấn đề nước uống, dân tỵ nạn phải xách thùng đi lãnh nước uống hàng ngày. Ở đảo có giếng đào, nhưng nước có vị hơi mặn không uống được, chỉ dùng để tưới rau muống, hoặc tắm sau khi đi tắm biển về. Người tỵ nạn còn phải đi lãnh củi từ khối tiếp liệu về để nấu ăn. Thực phẩm hàng ngày như: gạo, muối, mì gói, thịt gà do tổ trưởng lãnh về phân ra để phát cho từng nhà. Gà ở Bidong thịt rất dai, nấu không mềm nên dân trên đảo thường gọi là "Gà Bà Ngoại".


Quán cà phê khu C nằm cạnh bãi biển. Buổi tối, tôi ngồi uống cà phê nhìn từng đợt sóng nhỏ đập vào bờ, gió biển thổi mát rượi. Những ánh đèn nhỏ, sáng lung linh ở xa là thuyền đánh cá Mã Lai. Rặng cây phía sau đồi nhìn từ bờ biển khu C là Việt Nam. Bây giờ tôi đã cách xa quê hương trên 300 cây số, xa gia đình, vợ con, bạn bè quen thuộc, biển cả mênh mông là ranh giới chia cắt. Vì có mang theo đủ giấy tờ "cựu binh" của VNCH, cho nên khoảng 3 tháng sống ở đảo Bidong tôi có list rời đảo, sau khi được phái đoàn Mỹ gọi lên phỏng vấn sơ khởi và phát đơn. Ngày chia tay với anh em sống chung nhà ở khu F. anh Long (đi Canada), Lâu (đi Úc) rất cảm động. Chỉ có 3 tháng anh em sống chung nhà với nhau mà thời gian quen biết coi như rất dài.
Dân tỵ nạn ở Bidong ai cũng có ước mơ là được xuống ngồi Budast, nghĩa là được tiến lên một bước nữa trên bước đường tỵ nạn. Budast là một loại tàu du lịch nhỏ của Mã Lai, có khoảng 70 ghế ngồi, tốc độ của nó khoảng 60 cây số một giờ chạy rất nhanh.
Ngày rời đảo, ngồi trên tàu Budast nhìn lui, đảo Bidong chỉ còn là một chấm nhỏ mờ mờ giữa biển cả mênh mông. Đến đất liền, ở bến tàu có nhiều tàu Budast đậu cập bến, lên xe bus đi về Marran.
Đường phố ở Mã Lai xe cộ tấp nập, ở đây có điều đặc biệt là xe hơi chạy bên tay trái làm chuẩn, khác với các nước khác trên thế giới là giữ tay phải, đàn bà Mã Lai ra đường thường che mặt bằng khăn màu đen, có khi không che. Họ đi dép mủ, mặc áo choàng rộng theo kiểu đạo Hồi, nhiều màu sắc.
Ở trại Marran 3 ngày đêm, dân tỵ nạn không được tự do ra phố chỉ sống trong vòng cửa trại. Trại chuyển tiếp Marran nằm ngay sát bờ biển, nên gió biển thổi đến rất mát.
Ngày thứ tư xe bus của Hội Đồng Nguyệt Mã Lai (Red Credsent Society) đến rước dân tỵ nạn để đi về Sungei Besi, đường dài khoảng 350 cây số đường rất êm, kích thước con đường giống như quốc lộ 4 ở Việt Nam. Hai bên đường là rừng xanh mênh mông chạy dài, do đó mà Mã Lai sản xuất nhiều gỗ, dư xài trong nước. Xe chạy qua nhiều thành phố, có thành phố mang tên Kuatan với nhiều bảng hiệu của người Tàu: họ bày bán hàng tạp hóa, người Tàu ăn thịt heo, còn người Mã Lai theo đạo hồi cho con heo là con vật ô uế, nên họ không ăn. Gần đến thủ đô Kuala Lumpur xe chạy chung qua một đường hầm dài khoảng hai cây số, xuyên qua một ngọn đồi, đèn điện trong đường hầm sáng rực.
Trại Sungei Beise
Đến trại Sungei Beise, sau khi làm xong thủ tục đến trại, dân tỵ nạn được đưa về ở trong những khu nhà hộp, như "Mobil home" ở Mỹ. Ở trại Sungei chỉ khác đảo Bidong là dân tỵ nạn không còn phải lo nấu nướng thức ăn hàng ngày nữa, bởi vì có thầu Mã Lai lo về ẩm thực của dân tỵ nạn. Dân tỵ nạn trong trại được phát phiếu lãnh cơm, mỗi ngày hai lần, mì gói phát hàng ngày vào lúc 6:30 chiều. Nhà ăn cũng có phát nước sôi và cà phê sữa (nhưng không thơm). Cơm lãnh tương đối đủ ăn, hàng ngày phát kèm với cơm là chuối hay dưa hấu. Thức ăn hàng ngày chỉ có hai món làm chuẩn gà kho cà ri, cá biển chiên. Thịt gà ở đây còn tơ nên ít dai hơn thịt gà ở Bidong và cũng không có tình trạng đi lãnh nước uống như trước. Ngoài hàng rào trại tỵ nạn Sungei Beise là khu vực làm rẫy của người Tàu sống tại Mã Lai. Họ dùng máy bơm để bơm nước tưới rẫy và có máy cày nhỏ để xới đất. Chim quạ ở khu vực này rất nhiều, chúng thật dạn bay thành đàn, bọn chúng thường đậu ở những cành cây thật thấp.
Thịt heo, rượu, beer ngoại quốc bán qua hàng rào vào trại tỵ nạn. Một đôla đổi được 2, 5 Mã kim. Ai biết được đường dây mua bán với dân bên ngoài trại là ăn nhậu dài dài, với điều kiện có tiền. Buôn bán với người Tàu ở ngoài qua hàng rào của trại là hình thức "mậu dịch cấm". Người mua trong trại ra dấu họ rờ cái lỗ tai của họ và quăng tiền qua hàng rào. Lát sau, dân buôn bán ở ngoài "quăng" vào cho người mua "cái lỗ tai heo". Giám thị Mã Lai bắt dân tỵ nạn đi làm nhân lực dài dài, rồi còn làm nhân lực bất thường nữa. Ở đây nếu người tỵ nạn không có đi làm khối ban nào trong trại là phải đi làm nhân lực, cứ suốt ngày chờ loa kêu tên mình. Rồi dân tỵ nạn còn phải chờ nghe loa ICM, ICM kêu mà không nghe là nó cho qua phà, cả tháng sau mới gọi lại là kẹt vô cùng.
Phái đoàn Mỹ làm việc, thiên hạ bu vô coi đông nghẹt, suốt ngày dân tỵ nạn trong trại chỉ nghe hai tiếng "xù, nhận" mà thôi. Lên bàn "4" được phái đoàn nhận thì vui vẻ, hể hả người tỵ nạn cảm thấy tương lai sáng sủa, sẽ đáp phi cơ qua Phi vô trại lần nữa rồi mới tới Mỹ.
Bị phái đoàn "xù" hay từ chối không nhận, thì rầu rĩ, người tỵ nạn sẽ xách gói trở về đảo Bidong, đi cái list "mắt giựt" để được phái đoàn phỏng vấn cũng dễ trở về, rồi phải chờ đi nước khác hoặc phải học huấn nghệ ở đảo 2 hoặc 3 năm nữa mới được phái đoàn Canada, Úùc, Pháp phỏng vấn nhận cho định cư.
Chuyện đi ở tại trại tỵ nạn vẫn còn là đề tài hấp dẫn nếu bạn là một người tỵ nạn. Thời gian sẽ dài mênh mông nếu mình cứ ngồi mong chờ cho đến ngày rời trại. Hết buổi ăn sáng rồi đến cơm trưa, cơm chiều, đọc thơ thân nhân, chuyện lên bàn "4" do phái đoàn Mỹ phỏng vấn, với kết quả "nhận hay xù".
Khoảng 3 tháng sống tại trại, khi hồ sơ của mình đầy đủ mình được lên bàn 1 và bàn 4 trong cùng một ngày. Ở bàn 1 là nơi xác nhận lý lịch, những giấy tờ mà phái đoàn nhận được từ thân nhân của người tỵ nạn gởi đến. Bàn 4 là nơi quyết định của phái đoàn nhận hay không nhận. Hai cha con tôi vào bàn 4, tôi chào tay theo kiểu quân đội, và ông trưởng bàn 4 chào lại. Chào xong, đưa tay mặt lên tuyên thệ: Nói sự thật.
Ông trưởng bàn 4 hỏi tên, tuổi, rồi con gái bao nhiêu tuổi" Ông ta hỏi lý lịch từ lúc đi học, đi lính, sau năm 75 cho đến năm 1987, tôi kể tuần tự ra hết, sau cùng bắt tôi nói lý do rời Việt Nam. Lý do này tôi đã thuộc lòng, nên nói dễ dàng, khi đã hỏi xong người thông dịch nói: "Anh đã đủ tiêu chuẩn vào đất Mỹ, phái đoàn Mỹ đã nhận anh". Đã 4 tháng qua tôi chỉ chờ nghe được câu nói này. Tôi ký tên vào hồ sơ và ký thế cho con gái tôi, đứng dậy chào và đi ra. Tất cả hồ sơ phái đoàn Mỹ trả lại cho mình hết.
Thế là cuộc đời tôi bắt đầu bằng một khúc quanh mới, mình đã được phái đoàn Mỹ nhận và sẽ đến nước Mỹ cư trú trong tương lai, những ngày kế tiếp sẽ rời Mã Lai tới Philippine, sẽ ở lại Phi 6 tháng nửa để học tiếng Anh trước khi đến Mỹ.
Trại Marong Battan (Philippine)
Sau khi được phái đoàn Hoa Kỳ nhận, khoảng 2 tuần tôi có list rời trại Sungei để đi PRPC (Philippine Refugee Process Center) tức là phải đến ở thêm một trại tỵ nạn nữa trong 6 tháng sau cùng, mới được bay thẳng đến Hoa Kỳ.
Xe Bus của Hội Hồng Nguyệt Mã đưa dân tỵ nạn ra phi trường Kuala Lumpur. List đi Phi người ra gọi là "list mì chuyển trại" bởi vì khi đi Phi dân tỵ nạn ai cũng mang theo trên cả trăm gói mì. Mì gói của Mã ngon hơn Phi nhiều nếu không để ăn dân tỵ nạn bán lại để kiếm lời.
Phi trường Kuala Lumpur rất đẹp, sạch sẽ, người ngoại quốc đi lại đông đúc. Từ Mã đến Phi dân tỵ nạn được đáp phản lực cơ Being 737, thời gian khoảng 4 tiếng đồng hồ có ghé tạm nghỉ nửa giờ ở một phi trường nhỏ (có lẽ tên Karawak) trên đất Mã.
Đây là lần đầu tiên trong đời hai cha con tôi được đi máy bay phản lực, được biết thế nào là sự giao thông xuyên quốc gia của các nước trên thế giới rất nhanh chóng bằng phi cơ, nếu còn ở Việt Nam còn mãi mê với xã hội chủ nghĩa anh hùng vô địch muôn năm, thì chắc chắn kiếp sau hai cha con tôi mới được đáp chuyến bay tối tân như thế này.
Phi trường rất lớn, không kém gì phi trường Mã, với đầy đủ máy móc hiện đại để kiểm soát hành lý, máy chuyển vận hành lý để phục vụ cho hành khách khi đi và đến.
Phía ngoài cổng phi trường Manila của Phi thì khác hẳn ở phi trường Kuala Lumpur của Mã Lai, dân Phi bu đông nghẹt, bán nước ngọt, thuốc lá quang cảnh thật là hỗn loạn, không thua gì xa cảng miền Tây. Phố xá ở Phi dọc theo phi trường rộng lớn nhưng có đặc điểm là không có bảng hiệu chữ Tàu như ở Mã Lai. Đường phố ở Manila có những vùng trông rất nghèo như ở ngoại thành Sài Gòn, có những đống rác lớn dọc theo lề đường. Có những khu chợ bán thực phẩm, trái cây như ở chợ Bến Thành, nghĩa là trong chợ chia ra thành nhiều sạp nhỏ bán hàng, có nhiều bóng đèn nhỏ treo lơ lửng bên trên. Tôi ngủ một đêm ở trại chuyển tiếp (transit) ban đêm tiếng động cơ phản lực gầm rú rền trời vùng ngoại ô Manila. Sáng dậy đi trả mền chiếu tập hợp để lên xe bus đi về trại Morong Battan. Trung tâm Battan là nơi tiếp nhận dân tỵ nạn Việt, Miên, Lào từ trại tỵ nạn ở Thái Lan, Mã Lai, Nam Dương chuyển đến và một số người Việt đi Mỹ theo diện ODP (thân nhân bảo lãnh) vv....
Mất hết hơn 5 giờ để di chuyển từ phi trường Manila đến trại Battan, dọc theo đường tôi thấy rất có nhiều cánh đồng lúa (tương tựa như những cánh đồng lúa ở miền Tây Vietnam). Nhà dân Phi giàu thì cất nhà theo kiểu Tây phương, họ sơn mái nhà màu xanh lá cây, hoặc màu cam. Nhà dân nghèo thì lợp bằng tranh, họ trồng bằng những lũy tre bao bọc quanh nhà.
Trại Marong Battan dài khoảng 7 cây số, ngang khoảng 1 cây số, chia làm 10 vùng. Nhiều khu nhà ở tập thể đã được xây cất để cho người tỵ nạn tạm trú.
Vùng 1 có văn phòng phái đoàn Mỹ, vùng 2 người Lào ở, những vùng còn lại người Tàu, Việt, Miên cư ngụ. Phương tiện di chuyển từ vùng này qua vùng nọ là xe lôi gắn máy do người Phi chở. Khi đi học, học viên được chuyên chở bằng xe bus. Xe bus đến đúng giờ, nếu trễ chuyến xe bus thì phải đón xe lôi đến lớp đúng giờ, bởi vì vắng mặt 2 lần thì người học viên đó có thể bị đình list đi Mỹ. Có hai khu vực chợ bán đủ mọi thứ hàng hóa cho dân tỵ nạn: chợ vùng 5 và chợ vùng 9, đa số là dân Phi ngồi bán hàng. Đặc biệt ở Phi rất nhiều thuốc lá Mỹ: Winston, Camel, ....được bày bán. Trại Battan rất gần bờ biển, khoảng 20 cây số có nhiều căn cứ hải quân Mỹ đóng gần đó (căn cứ Subic) cho nên rất an ninh. Tôi được đưa về cư ngụ vùng 9, building 905, vùng 9 và 10 có nhiều người Việt cư ngụ, ở Phi người tỵ nạn lại tự nấu ăn như lúc ở tại đảo Bidong. Khi đến Phi học anh văn 6 tháng mới được đi Mỹ, ai cũng biết hai câu sau đây:
"Yes, yes, no no
sáu tháng cũng Go"
Đầu khóa học là học CO (văn hóa hướng nghiệp) thời hạn 6 tuần, những lớp Co dồn học viên rất đông trong một lớp thường là gần 30 người đủ các sắc dân Việt, Lào, Miên, Tàu....
Teacher là người Phi, rất giỏi tiếng anh, bởi vì họ đã học tiếng Anh ngay từ bậc tiểu học.
Nội dung của CO có phần dạy về:
- Sơ lược thời kỳ lập quốc của Hoa Kỳ
- Những di biệt về tội vi cảnh hay các tội hình khác mà dân tỵ nạn có thể gặp khi họ đến sống tại Hoa Kỳ.
Dân tỵ nạn ở vùng 2, 3, 4 khi học CO phải xuống vùng 9 để học đi bằng xe bus, và dân tỵ nạn ở vùng 8, 9, 10 khi học CO cũng phải đón xe bus vào mỗi buổi sáng để đến lớp ở vùng 5, người Mỹ đã có chủ đích tập cho dân tỵ nạn quen dần với lối đi xe bus. Cô Angie dạy CO, cha của cô là một thiếu tá trong quân đội Phi cho nên cô thích quân đội quốc gia ghét cộng sản. Sau 12 năm kể từ ngày 30 tháng 4 năm 75 tôi mới được dự buổi chào cờ lần đầu tiên tại đài kỷ niệm Vietnam với lá cờ màu vàng ba sọc đỏ tung bay trước gió. Rất đông thành phần cựu quân nhân Việt Nam Cộng Hòa tham dự buổi lễ chào cờ, cùng đồng ca lại quốc ca Việt Nam và bài ca Việt Nam của Phạm Duy. Thấy buồn và cảm động cho nước Vietnam mình đã cách xa trên hàng ngàn cây số. Phút tưởng niệm có một ông sư đến trước bàn thờ tổ quốc và bức hình Việt Nam có lá cờ màu vàng ba sọc đỏ bao quanh. Biết chừng nào mình trở lại Việt Nam để dự lễ chào cờ, để nhìn lá cờ vàng tung bay trở lại trên đất nước thân yêu.
Những người tề tựu dự lễ chào cờ hôm nay ở đất Phi là những thành phần may mắn đã đến được đất nước tự do, những kẻ may mắn ít ỏi trong đa số những người bất hạnh còn sống trong chế độ độc tài đảng trị cộng sản. Học xong CO được nghỉ 2 tuần học viên trong lớp hùn tiền mỗi người 20 peso làm party mời teacher Phi tới dự. Trong thời gian học CO học viên còn được dạy ESL hàng ngày. Sau khi xong CO , mọi người tiếp tục học WO (work orientation) tức học tìm việc, cách thức điền đơn khi đi tìm việc trên xứ Mỹ. Thời gian học WO tương đương Co nhưng giờ học thoải mái hơn, nhờ có làm AT (assistant teacher) trong thời gian học WO tôi có dịp đi thăm Balanga do AT Word tổ chức bằng xe bus. Gần 2 tháng mới được ra khỏi trại để đi đến Samat thuộc Balanga là một địa điểm xưa kia là đệ nhị thế chiến, tướng Mc Arthur đã từng đến nơi này để chỉ huy tấn công quân Nhật. Trên đồi có xây một cây thập tự giá lớn cao khoảng 100 thước, đứng giữa đồi, bề cạnh khoảng 5 thước, dài 9 thước, bên trong thập tự giá chia thành nhiều phòng, có cầu thang hẹp để dẫn lên phía trên đỉnh. Ở phía dưới thập tự giá có phòng triển lãm súng đủ loại của Nhật và Phi dùng trong cuộc chiến 1945.
Đứng ở tháp thập tự nhìn xuống, quang cảnh thập đẹp, đồi núi chập chùng, không thấy có đồng bằng, con đường xe chạy lên đỉnh đồi thật dốc, xe bus bò chầm chậm mới lên được. Chợ Balanga bán đủ loại hàng hóat tương tự như một chợ tỉnh ở Việt Nam, nhưng điểm đặc biệt là cửa tiệm ở đây viết bằng tiếng Anh. Quần áo, son phấn, đồng hồ đeo tay được bày bán rất nhiều nhưng không rẻ bao nhiêu so với giá bán trong trại Battan.
Chuyến về xe bus ghé biển Morong, tôi đứng ở bãi biển Morong trong buổi chiều gió mát mà nhớ đến những ngày lênh đênh trên biển cả đã qua. Ăn tết Mậu Thìn 1988 đầu tiên trên xứ người, ở trại tỵ nạn ca sĩ Duy Khánh đi ODP đến trại Battan cư ngụ vùng 7. Ngày xuân mình đi nghe ca sĩ hát nhạc Xuân tặng đồng bào trong trại. Ở Battan rẻ nhất là beer, beer San Miguel chai lớn (1 lít) khoảng 15 peso một chai, chai nhỏ như chai beer 33 khoảng 5 peso dân tỵ nạn tha hồ chén chú, chén anh. Vào ngày thường không được uống bia một cách công khai. Ngày tết ở vùng 5 có tổ chức múa lân, người Tàu đi đến đâu cũng có múa lân, cũng mãi võ ầm ỉ, bánh phồng tôm, chả giò Việt là những món mà teacher Phi thích nhất.
Rồi những ngày cuối cùng ở trại Battan đã đến, khi tôi học xong WO. Ngày 4/4/88 tôi có list rời trại danh sách dán tại Procoss, làm thủ tục ký nhận có đi làm out side trong thời gian ở tại trại, tôi nhận được 2 cái áo lạnh do cơ quan ICM phát.
Ký giấy nợ tiền vé máy bay từ Phi sang Mỹ do ICM ứng trước, khám sức khỏe toàn diện trước khi về Manila.
Cha con mình thật sự vẫy tay chào tạm biệt Morong Battan, lại ngủ đêm ở tran sit, tờ mờ sáng hôm sau mọi người nao nức tập họp lên xe bus ra phi trường Manila để đi Mỹ.
Giờ phút quan trọng thật sự trong cuộc đời vượt biên, tỵ nạn của hai cha con tôi sẽ đi đến đích của nó, chỉ trong vòng 9 giờ bay từ Manila (Philippine) đến Los Angles (Hoa Kỳ).

An Huỳnh
(Viết lại theo nhật ký năm 1988)

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,302,745
Tác giả đã góp nhiều bài viết đặc biệt và đã được trao tặng giải thưởng Việt Về Nước Mỹ. Ông sinh năm 1951, du học Nhật trước 1975. Đến Mỹ năm 1981. Hiện là cư dân Irvine, Nam California. Công việc: Kỹ Sư Điện tại một hãng trong cùng thành phố. Đây là bài viết mới nhất
Bà cho biết tên thật Jeanne Bùi, sinh năm 1945. Từ trước 1975, dạy học ở Saigon. Sang Pháp từ 1982, đi học lại rồi làm việc cho Mairie de Paris (Tòa Thị Chính), hiện đã nghỉ hưu.
Tác giả là một nhà giáo tại Việt Nam. Sang Mỹ, bà có 10 năm làm việc trong ngành du lịch, hiện là cư dân Little Saigon. Với sức viết mạnh mẽ, Phùng Annie Kim đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2016.
Tác giả đã nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2013. Năm 2019, Tác giả nhận thêm giải Chung Kết Vinh Danh Tác Giả Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ hay còn gọi là giải Hoa Hậu. Tốt nghiệp Y Khoa Huế, thời chiến tranh Bác sĩ Vĩnh Chánh đã là Y Sĩ Trưởng binh chủng Nhảy Dù.
Tác giả là cư dân Huntington Beach. Những Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của cô là “Chuyện Vui Sầu” ký bút hiệu Khánh Doãn đã được phổ biến từ tháng Tư 2011.
Nguyễn Cao Thăng là tên thật của tác giả, 52 tuổi, dân gốc Kinh 5 Rạch Giá, một cựu thuyền nhân, hiện là kỹ sư cơ khí của hãng máy bay Beechcraft tại Wichita, Kansas.
Tác giả hiện sống ở thành phố Victorville California, đã từng tham gia VVNM năm 2018
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2012, với những bài viết linh hoạt về đời sống tại Mỹ kèm theo hình ảnh hoặc tài liệu do ông thực hiện hoặc sưu tập.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2015. Bà sinh năm 1948 tại Biên Hòa, cựu học sinh Ngô Quyền.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ 2004. Võ Phú sinh năm 1978 tại Nha Trang-Việt Nam; định cư tại Virginia-Mỹ, 1994. Tốt nghiệp cử nhân Hóa, Virginia Commonwealth University.