Hôm nay,  

Đi Ăn Nhà Hàng

08/03/200400:00:00(Xem: 221182)
Viết Về Nước Mỹ
Gửi Thứ Hai 8-3-2004
_____________________________________________________________________

Bài số: 487-1024-vb4030304

Tác giả Nguyễn Lê cư trú tại Philadelphia, PA. Một số bài viết về nước Mỹ của ông đề cập tới nhiều đề tài khác nhau đã được phổ biến. Bài viết gần đây của ông kể về kinh nghiệm mở nhà hàng ăn Việt Nam tại Hoa Kỳ. Bài mới lần này nói về thú đi ăn nhà hàng.
*

Các cụ ngày xưa để lại nhiều túi khôn cho con cháu, trong đó có những túi khôn về ăn uống, một trong tứ khoái trên đời.
Ông già tôi thực hành triệt để triết lý đầu tiên là ăn uống. Ông mướn một đầu bếp chuyên môn lo cho ông ăn một ngày 2 bữa thật ngon.
Cách đây đúng 54 năm ông bán căn nhà và để toàn bộ số tiền vào nhà băng. Để báo hiếu ông đưa ông nội tôi đi ăn nhà hàng đều đặn mỗi chiều khoảng 6 giờ tối. Ngày nào cũng vậy đúng 6 giờ tối, 7 ngày một tuần, liên tiếp năm này qua năm nọ, ông già tôi và ông nội lững thững bách bộ ra nhà hàng Lữ Gia, tọa lạc tại Hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội thưởng thức cơm tây.
Đặc biệt chỉ có ông già và ông nội tôi thích cơm tây. Ông nói với con cháu để cho ông đi ăn, còn con cháu còn trẻ còn nhiều thời gian để ăn.
Trước năm 1954 ở Hà Nội tôi thường được dẫn đi ăn ở nhà hàng Tây (Pháp) tại khách sạn Metropole và ăn cơm Tàu thì vào tiệm Đông Hưng Viên, phố Hàng Buồm, bên cạnh phố Hàng Ngang thuộc Hà Nội 36 phố phường.
Di cư vào Nam năm 1975 tại Saigon đi ăn cơm Tây tôi hay tới tiệm Continental ở đường Tự Do, tiệm cơm Tây Chí Tài, chủ nhân người Hoa tại chợ Cũ đường Hàm Nghi. Đây nghe đâu là tiệm "cơm Tây thuộc địa" như tên gọi do các bà vợ VN lấy người Pháp đứng ra mở tiệm. Biết được các tiệm này là do các người sành ăn truyền miệng giới thiệu nằm rải rác đó đây trong thành phố Saigon.
Đi ăn nhà hàng trong các tiệc đám cưới thường được tổ chức tại các nhà hàng Đồng Khánh, Chợ Lớn, nhà hàng Are en Ciel, nhà hàng Bát Đạt.
Qua Mỹ vào nhà hàng ăn trở nên một tập quán bắt buộc phải có. Đi cày 5 ngày một tuần lễ chỉ chờ ngày cuối tuần là đi ăn nhà hàng. Phải nói đi ăn nhà hàng là một cái thú không thể thiếu được. Các bà vợ Mỹ yêu cầu ông chồng đưa đi ăn nhà hàng một tháng 2 lần. Không nhớ đưa các bà đi ăn nhà hàng đều đặn là có chuyện liền, không khí gia đình không vui ngay.
Bạn bè ở xa tới mời đi ăn nhà hàng là tiện nhất. Bà xã phải bận bịu chợ búa, sửa soạn nấu nướng, hầu khách tiếp khách cuối cùng là dọn dẹp, rửa chén bát đĩa nồi niêu soong chảo. Trăm thứ việc ngổn ngang chờ đợi trong khi khách khứa chia tay ra về.
Cuối tuần thường thường những người quen biết nhiều được mời tham dự đám cưới liên tục. Có tuần 2, 3 đám cưới cùng rơi trùng vào ngày thứ bảy. Nhiều người sợ không dám đi ăn đám cưới. Trong tiệc cưới phần lớn các món ăn từa tựa giống nhau: 4 món ăn chơi, càng cua bọc tôm, súp gà quay, lobster xào gừng hành, cá hấp, bồ câu quay, cơm chiên vv…trái cây tráng miệng.
Một số khách được mời rất sợ đám cưới. Giờ mời ăn là 6 giờ thì 9 giờ mới bắt đầu ăn. Ăn được 3, 4 món có những khách mới lò dò bò tới. Lý do đủ thứ: kẹt xe, lạc đường, bận đóng cửa tiệm vv….
Tôi thích tham dự nhà hàng và đến đúng giờ mời. Chủ ý chuyện trò, thăm hỏi, trao đổi nên tôi không quan tâm nhiều đến thì giờ bắt đầu ăn. Có khách chỉ ăn vài 3 món rồi bỏ về không rõ lý do. Một số khách ăn xong đứng dậy đi về liền không chuyện trò, thăm hỏi.
Có ông đang ăn thì lấy thuốc lá ra hút phì phèo không cần biết đến khách ngồi cùng bàn đang thưởng thức món ăn. Một số người dị ứng khói thuốc, chảy nước mắt dàn giụa. Số khách khác thản nhiên lấy tăm xỉa răng trước mặt mọi thực khách đang ăn.
Vào ăn tại nhà hàng Tàu, có 2 điều làm ta phải chú ý tới trước tiên. Màu sắc trình bày trong nhà hàng màu đỏ, màu vàng đối chọi nhau rất chói mắt, nhiều nhà phê bình gọi là màu sắc chửi nhau. Rồng Phụng nhảy múa khắp nơi xung quanh tường chỗ nào cũng có rồng bay, phượng múa. Trong nhà hàng 4, 5 bàn mỗi bàn 5 người là tiếng nói chuyện to tiếng, ồn ào như cãi lộn. Quý vị thực khách như đi vào chỗ không người, cười nói thoải mái không cần lưu ý tới khách ngồi các bàn kế cận.
Tiệc cưới của một người bạn thân tổ chức tại một nhà hàng Tàu làm tôi nhớ mãi. Ông đặt 50 bàn ăn toàn cao lương mỹ vị. Đơn đặt hàng mỗi bàn trị giá 1200 đôla chưa kể tiền rượu, nước ngọt và tiền tip thù lao nhân viên. Vào tiệc là phần ăn chơi như heo sữa quay, scallops tươi còn nguyên con trong vỏ hấp gừng tỏi, súp vây cá (vi cá) cả con trong tô (shark fin soup) bào ngư xào nấm đông cô hấp cải bẹ xanh cũng gần cả một con bào ngư, lobster sà lách, cá black bass hấp vv…
Tôi đã có dịp ăn thử tại một nhà hàng Nhật. Tại Mỹ tên gọi là nhà hàng Nhật như Benihama nhưng phần nhiều do người Việt Nam điều khiển. Bước vào nhà hàng trang trí kiểu Nhật nhưng tại nghe nhạc Tango như bản Paloma, La Cumparsita do các ông bà chiêu đãi viên người Việt mở trong lúc phục vụ khách hàng. Ngộ nhất là khi khách hàng nói hôm nay là sinh nhật của một người trong nhóm thì gần chót bữa ăn có một màn "Happy Birthday" do các nhân viên nhà hàng tự động ca hát và chiêu đãi bánh sinh nhật.
Hễ nói đến nhà hàng Nhật là ta liên tưởng đến cá sống, món sushi. Nhiều người nghe nói đến cá sống đều lè lưỡi, e ngại. Phải thử ta mới biết được cái vị ngon của món cá sống. Nhai miếng cá không một chút mùi tanh, mùi cá nào có vị riêng mùi thơm của loại cá đó. Miếng thịt cá ngọt mùi thịt cá tan trong miệng, thịt cá không kẹt trong kẽ răng, trôi xuống tận cuống họng. Cá sống nhiều loại như Tuna, Slamon, striped bass, trout vv…được thái từng miếng không xương to bằng 2 ngón tay chụm lại bày trên một chiếc thuyền bằng gỗ kèm theo củ cải bào và đồ chấm của người Nhật. Theo lời kể của người mở nhà hàng Nhật, cá bán ra cho khách ăn phải tươi, vừa bắt lên là lần lượt giao đến cho các nhà hàng. Vì phẩm chất tươi nên đặc biệt không ngửi thấy mùi tanh của cá nên giá cả khá mắc. Ăn một bữa sushi khi đứng dậy phải trả từ 50 đôla trở lên cho một người ăn chưa kể tiền rượu sa kê, nước ngọt đồ ăn tráng miệng, tiền thù lao cho chiêu đãi viên.
Ngày lễ Valentine vừa qua bà xã và tôi được mời đi ăn tại một nhà hàng Mỹ nổi tiếng Ritz Carlton. Sau phần xe được người lái đậu xe vào chỗ dành riêng cho nhà hàng là tới phần được hướng dẫn vào nhà hàng. Tòa nhà kiến trúc toàn bằng đá cẩm thạch (marble). Trang trí trong nhà hàng bằng gỗ màu cherry. Trên tường treo tranh ảnh và màn rũ như ta bước vào đền đài, cung điện La Mã. Aùnh sáng vừa đủ không sáng quá hoặc tối quá làm khung cảnh thêm sang trọng, ấm áp. Vì là ngày lễ nên toàn trai thanh, gái lịch từng cặp trò chuyện rất thơ mộng tình tứ. Khách trung niên thì trang phục lịch sự, quý phái. Cả mấy trăm thực khách mà không khí vẫn trang nghiêm, tiếng nói chuyện nhỏ nhẹ. Người đi qua lại thong thả, tay cầm ly rượu khai vị trong lúc chờ đợi tới lượt dẫn vào bàn ăn.
Một dãy dài bên trái của nhà hàng là khu chuẩn bị đồ ăn cho các đầu bếp mặc áo trắng, đội mũ trắng bận bịu chuẩn bị nấu nướng phục vụ khách hàng. Bên mặt nhà hàng phía trong là một dãy bàn có nệm dựa cho thực khách 2 hoặc 4 bốn. Phía giữa phòng là bàn tròn, phủ khăn bàn trắng toát, thẳng băng trên mặt bàn bày ly uống rượu trong suốt ly uống nước màu xanh da trời, đĩa ăn và muỗng nĩa màu bạc cùng một ngọn nến màu xanh đậm, ngọn đèn lung linh cháy bên trong ly thủy tinh.
Khách được đưa vào bàn và được người hướng dẫn trãi khăn ăn trên đùi khách. Một người hầu bàn tới chào hỏi và đưa thực đơn đồng thời mời rượu hoặc nước giải khát.
Sau khi đọc thực đơn và uống rượu thì người hầu bàn đã tới ghi nhận các món ăn do thực khách yêu cầu. Khách ngồi các bàn bên cạnh thì ăn uống trò chuyện thong thả như trút hết mọi ưu phiền của một ngày và tập trung vào câu chuyện hoặc thưởng thức món ăn, thức uống một cách thoải mái thư dãn.
Trong lúc chờ đợi món ăn, thực khách có bánh mì nóng và bơ lạnh lót dạ. Trò chuyện một lát thì món súp tiếp theo là món sà lách được đem ra trình làng. Món ăn trình bày rất đẹp mắt, nghệ thuật. Số lượng đồ ăn vừa đủ đựng trong đĩa hoặc tô thật đồ sộ.
Khoảng 40 phút sau món chính của bữa ăn được đem ra tôi lựa món "rach of Lamb" (khúc thịt trừu) còn bà xã lựa món cá striped bass. Cuối cùng là món tráng miệng như cremè bruleé, bánh ngọt Pháp , cà rem hay và phê.
Từ khi ngồi vào bàn ăn tới khi đứng dậy phải mất khoảng thời gian gần 3 tiếng đồng hồ. Đi ăn tại nhà hàng Pháp-Mỹ phần chính là thoải mái thư dãn trò chuyện, tâm tình hay bàn tính công việc một cách rất khoan thai, thong thả. Trái lại khách vào nhà hàng Tàu, Việt từ lúc vào ăn tới lúc đứng dậy ra về chỉ mất chừng một tiếng đồng hồ. Thực khách tới nhà hàng chỉ lo thỏa mãn bao tử cho đầy bụng, ăn cho nhanh cho mau rồi vội vã ra về.
Trong các thành phố lớn hiện nay một số nhà hàng mở cửa đón khách tới 2, 3 giờ sáng. Có nơi mở 24/24 khách đi chơi đêm như coi hát, coi shows, khiêu vũ có nơi tụ tập, ăn uống về tới nhà cũng gần sáng.
Ngày nay đi du lịch bằng tàu biển (cruise ship) tàu vừa lênh đênh trên biển cả, vừa cặp bến tại các thành phố du lịch vừa cặp bến các đảo có danh lam thắng cảnh. Trên các tàu này đi ăn nhà hàng cũng dư một phần quan trọng trong lịch trình du lịch. Du khách ăn trưa có thể ghi tên tham dự xuất 11 giờ 30 hoặc 1 giờ. Buổi chiều xuất 6 giờ hoặc 8 giờ khách được đưa vào bàn 2 chỗ hoặc 4 chỗ hoặc 8 chỗ. Khi được ngồi ghép chung vào một bàn, khách được hỏi ý kiến trước khi vào. Chúng tôi vui vẻ chấp nhận ngồi chung và khi được ngồi ghép chúng tôi được biết thêm nhiều bạn mới từ khắp nơi trên thế giới như Canada, England, France, Germany, Australia hoặc từ rất nhiều tiểu bang trên nước Mỹ.
Trong chuyến du lịch bằng tàu trên vùng đông bắc Mỹ trãi dài từ Nova Scotia, Canada qua Boston Massachusetts, đảo Martha's Vineyard, New York City, Philadelphia, Norfolk Virginia, Charleston, S. Carolina chúng tôi làm quen được với một cặp vợ chồng người Việt trong một bữa ăn trưa tình cờ được ghép với ông bà người Việt cư ngụ tại Colorado Springs. Từ thời gian đó 2 gia đình trở nên chỗ thâm giao.
Trên các tàu du lịch ta không muốn ngồi bàn được tiếp đãi long trọng như trong các nhà hàng nổi tiếng 4, 5 sao ta có thể tự do đi ăn theo lối ăn thỏa thích (All you can eat). Muốn ăn món gì, ta cứ việc ra quầy bày đồ ăn lựa đủ thứ đồ biển (seafood) thịt nướng, hấp, bỏ lò rau, đậu, trái cây, bánh mì, bánh ngọt, nước giải khát, trà, cà phê, cà rem vv…'
Đồ ăn tràn ngập từ sáng sớm tới nữa đêm, lúc nào muốn ăn là có sẵn. Một ngày gồm 5, 6 bữa từ điểm tâm tới ăn trưa, tới giờ uống trà ăn bánh ngọt, ăn tối và ăn khuya nữa đêm.
Ăn uống là một cái thú thần tiên như vậy. Để ý ta thấy các ông sư, ni cô, thượng tọa thường vắng bóng trong các buổi tiệc tùng. Lý thuyết nhà Phật đã cất đi một phần cái thú trên cõi đời ô trọc này!

Nguyễn Lê

+++

LỚP B1 NGUYỄN TRÃI HỘI NGỘ

Người viết: MAI QUANG THUẬN
Bài số: 488-1025-vb5040304

ØTác giả Mai-Quang-Thuận, cho biết ông sinh năm 1950 tại Phú-Nhai Nam-Định, di cư vào nam năm 54, theo học Nguyễn-Trãi từ 63-70, nhập khóa 6/72 trừ bị Thủ-Đức, tù cải tạo 5 năm 6 tháng, Qua Mỹ ngày 31/3/94 theo diện HO 22. Hiện đang ở tại Woodbridge Pl Hemet Ca. Trước làm nghề trồng rau, nay phụ với vợ trông coi tiệm nail nhỏ. Bài tường thuật sau đây được ông ghi lại về dịp gặp gỡ bạn học cùng lớp ngày xưa ở San Jose trong ba ngày 13, 14, và 15/2/04. Đây là một sinh hoạt thường thấy trong đời sống của người Việt tại Mỹ.
*

Chuyến xe đò Hoàng rời chợ ABC Westminster sáng thứ sáu 13 đã đưa tôi đến thung lũng Silicon San Jose lúc 4giờ 10 phút tại khu tiệm Lee Sandwiches trên đưòng King, trời về chiều của thành phố với nắng đã nhạt và cái lạnh của những tháng cuối đông làm cho lòng mình chùng xuống; đây là lần thứ hai tôi xuống chốn này, nhưng thật ra coi như là lần đầu vì khi trưóc có việc lên trả tiền một ngưòi thân đã giúp đỡ gia đình tôi mở một tiệm nail nho nhỏ để làm phương tiện sinh sống hàng ngày, tôi đã đến nơi đây, nhưng là vào lúc nửa đêm của tháng 6 năm ngoái và lại trở vềvào sáng sớm hôm sau, nên không có dịp tham quan thành phố nổi tiếng của cả nước Mỹ.
Đi xe đò lần này, tôi cảm thấy thoải mái hơn bởi cách tiếp đón của nhân viên hãng xe, nào là sẵn sàng cất giữ xe riêng của khách, rời bến đúng giờ giấc, phục vụ ân cần, ngoài bánh mì, chè, nước còn tổ chức xổ số, người may mắn được đi xe miễn phí hoặc được bớt 10 đồng, hay là an ủi một vé super lotto, được thưởng lãm chương trình ca nhạc trên màn ảnh nhỏ, chính cách phục vụ đó làm hành khách quên đi chặng đường dài trong cuộc hành trình.
Thực ra lúc đầu, tôi cũng chưa có ý định đi vì ngại đường xá xa xôi, công việc tại tiệm nail thật bận rộn trong những ngày gần kề Valentine, nhưng do lòng mong muốn gặp lại những người bạn đồng lớp B1 của những năm (63-64....69-70), và do nhiệt tình của Long trưởng lớp gọi phôn liên tục, tôi đã quyết định lên đường.
Khi hướng dẫn viên chuyến xe báo còn 10 phút nữa là tới bến, những hành khách trên xe có cell phone đã gọi cho người nhà chuẩn bị đón, những ai không có phôn tay thì ghi sẵn số và anh hướng dẫn đến từng hàng ghế gọi dùm.
Người ra đón tôi là bạn Đỗ Quân Thụy, cùng đi có trưởng lớp Huỳnh Phi Long và Hoàng Mạnh Trung. Nhìn dáng cao gầy của Long, tôi nhận ra ngay nhưng biết chúng tôi đều đã khác xưa nhiều lắm. Sau màn tay bắt mặt mừng tôi chúng tôi về nhà anh Thụy. Nhìn Thụy đã rời xa đất nước đến xứ Cờ Hoa này từ những năm 70, anh đã tốt nghiệp âm nhạc nhưng nghành này không giúp anh thăng tiến trong cuộc sống nên anh đã chuyển đổi qua nghành khác và nay anh đang phục vụ cho một hãng điện tử nào đó. Gặp cha mẹ anh tại nhà, ông bà đã niềm nở đón tiếp chúng tôi, nhất là mẹ anh, đã làm những món ăn ngon và đãi chúng tôi trong một bữa cơm gia đình. Bà xã của Thụy với dáng vẻ hiền lành, tươi trẻ đã làm cho buổi hội ngộ đầu tiên giữa chúng tôi thật ấm cúng, những câu chuyện về trường cũ bạn xưa được ôn lại rộn ràng.


Khi trời đã tối hẳn thì Nguyễn Hoàng Long đến đưa tôi ra lại bến xe đón Phạm Văn Long đi chuyến 4giờ chiều từ Little Saigòn tới nơi lúc 11giờ15. Hôm nay lẽ ra Nguyễn Hoàng Long đã cùng vợ đi Pomona để dự đám tang thân phụ người chị dâu của vợ mới qua đời, nhưng nghe được lời nhắn qua phôn của trưởng lớp, Long đã đưa vợ ra phi trường rồi ở lại rước chúng tôi về nhà nghỉ đêm.
Sáng hôm sau, 14 tháng 2, cũng là ngày Valentine, chúng tôi dậy trễ vì thao thức cả đêm. Khi đến điểm hẹn là quán phở Hưng thì mấy người bạn đã ngồi sẵn từ đó rồi, lần này gặp thêm Lưu- Công- Huấn từ Oregon đến. Huấn là người được coi là điển trai nhất của lớp B1 những năm xưa, nay vẫn không có gì thay đổi , ngoại trừ mái tóc đã bạc trắng. Anh hiện là manager cho sở cứu hỏa của thành phố Portland. Thời xa xưa, lúc còn mài đũng quần trên ghế nhà trường, Huấn đã làm lớp học sôi động hẳn lên khi mang chức vụ phó lớp, thích bông đùa , chọc ghẹo...
Lúc này chúng tôi đã có 6 người: Huấn, Thụy, Trung, Hoàng Long, Văn Long và tôi. Ăn sáng xong chúng tôi đi dạo một vòng quanh đó, quay đi quay lại đã tới giờ hẹn nhau tại nhà hàng Vũng Tàu do Vũ-Thân-Vinh đặt mời. Tại đây chúng tôi được thưởng thức món hủ tíu dai thơm ngon, gặp lại Vinh mang cặp kiếng trắng vẫn trẻ so với tuổi đời, xử sự với bạn lúc nào cũng niềm nở ân cần. Sau gần giờ đồng hồ hàn huyên tâm sự, Dương-Trọng-Sơn đã đón Hoàng-Hoa-Cương từ phi trường về và Huỳnh-Phi-Long cũng nghỉ đêm ở nhà bạn từ Oakland đến.
Anh em vậy là đủ 10 người. Lúc này đây, trưởng lớp Long đã làm bầu không khí vui nhộn hẳn lên, anh trịnh trọng lớn tiếng phân công việc và ôn lại những kỷ niệm khó quên. Bàn ăn đã ồn ào nay càng vui nhộn hơn, chúng tôi đang sống lại những giây phút êm ái của tuổi học trò. Thực khách chung quanh có lẽ hơi khó chịu vì một đám sồn sồn cười nói rổn rảng,..
Rời nhà hàng Vũng-Tàu, chúng tôi ghé đến nhà anh Thụy, một ngôi nhà khang trang, bề thế mới được xây cất trong vòng 3 năm trở lại. Chúng tôi ngồi trên ghế đá sau nhà trong một khung cảnh nên thơ với cây đào hồng được uốn nắn theo hình Đức Phật đang trổ hoa rực rỡ, những cây cảnh xinh tươi xen lẫn những cây hồng chưa trổ hoa và lá, một lối đi bằng đá uốn lượn theo chu vi của vườn sau thật hài hoà. Nơi đây dưới bóng cây rợp mát, anh em đã ngồi trên ghế đá chụp hình kỷ niệm.
Sau vài giờ nhiệt náo, cả bọn ghé nhà Vũ-Thân-Vinh , người mở cửa đón chúng tôi vào là chị Kim-Khánh, hiền nội của Vinh tươi cười chào đón thân tình, anh chị cho biết cách đây vài tuần , trong lúc cả nhà đi vắng, kẻ trộm đã dến viếng và lấy đi một ít tư trang và mấy cái máy vi tính gọn nhẹ của gia đình.
Tiếp theo, anh em ghé nhà Dương-Trọng-Sơn một vài phút ngắn ngủi rồi tất cả trực chỉ nhà hàng Minh theo lời mời của gia đình Sơn. Bàn ăn đã được đặt trước, nhưng vì lần này có thêm các phu nhân của Huấn, Thụy, Sơn và con gái của anh, nhà hàng phải sắp xếp lại thành 2 bàn.
Đúng là các bạn chủ nhà (ở San Jose) đã chào đón các bạn học cũ một cách thật nồng hậu. Mỗi bạn đều dành một buổi để mời anh em đến một nhà hàng có những món ăn ngon nhất. Chủ tiệc Sơn rất ít nói và cười, nhưng ở nơi Sơn cái nhiệt tình đối với bạn học thật chu đáo, sau khi rời nhà hàng, Sơn đã mời anh em về nhà, chị Trâm người bạn đời của Sơn đã chuẩn bị những món ăn chơi , để anh em vừa ôn lại những kỷ niệm vừa lai rai, nhất là món đu dủ mặn mà tình nghĩa. Món này nhắc cả bọn nhớ lại món gỏi đu đủ tuyệt vời của chú chệt năm xưa trước cổng trường Nguyễn-Trãi cũ ở đường Phan-Đình-Phùng, mỗi lần đến trường phải ghé làm một dĩa nhỏ trước khi vào lớp.
Quây quần quanh bàn đá mài, nhìn nhau, hồi ức của những năm xưa ào ạt tuôn trào như thác lũ, những câu chuyện được nhắc đi nhắc lại nhiều lần, Huỳnh-Phi-Long với ly rượu trên tay luôn là hoạt náo viên cùng Lưu-Công-Huấn làm cho bầu khí sôi động , mạnh ai nấy nói; Thường người ta cho rằng cứ 3 bà ngồi nói chuyện với nhau là thành cái chợ, nhưng giây phút này, toàn đực rựa cả, mà các ngài đã trên ngũ tuần, ai cũng hoa tay múa chân, ồn ào náo nhiệt, như ong vỡ tổ, không còn e dè như ở nhà hàng ăn. Mọi kỷ niệm cũ lần lươt được nhắc lại, nào là những lần bị thầy Phạm-Quýnh kéo tai ném vở, nào những buổi cấm túc ngày chủ nhật, những lần gài bẫy thầy cô: đốt pháo, bôi quả mắt mèo trên ghế cô Cúc ngồi khiến cô gãi ngứa liên tụ... tất cả sôi nổi, bùng lên tiếng cười, xen lẫn tiếng la, ai cũng gắng thuật lại những kỷ niệm xa xưa như có lần Huấn dẫn vài bạn qua Trưng-Vương tán gái đã bị Võ-Trường-Toản đuổi đánh chạy thục mạng, bỏ cả xe trốn vào sở thú Sàigòn; Rồi những lần ra xa lộ tắm ao bị vọp bể, nào là đánh nhau với anh em kỹ thuật Nguyễn-Trường-Tộ trên đường Phùng-Khắc-Khoan...
Chúng tôi cũng nhắc đến Mai-Đông-Thành, người bạn cùng lớp rất năng động đã thường xuyên tổ chức họp mặt mỗi năm với danh hiệu Hội ái hữu cựu học sinh trung học Nguyễn-Trãi qui tụ được khá nhiều thầy cô và các bạn đồng lớp.
Ba năm về trước, tôi tham dự lần đầu và đã gặp mặt quý thầy Phạm-Văn-Đàm, thầy Nguyễn-Quang-Minh, thầy Phạm-Quýnh, thầy Vũ-Lang và một số thầy khác, nhưng đầu xuân năm nay 2/2 đã thiếu vắng một số thầy, chỉ còn thầy Quýnh là cao niên, thầy Lang trông vẫn còn phong độ mà chúng tôi còn được dịp chúc mừng đầu xuân cùng vài thầy không dạy lớp chúng tôi;
Quý thầy cô ơi, chúng con vẫn nhớ bóng dáng các thầy cô; Thầy hiệu trưởng Nguyễn-Băng-Tuyết, thầy Phạm-Văn-Đàm hiệu trưởng, thầy quyền hiệu trưởng kiêm giám học Nguyễn-Quang-Minh, thầy hiệu trưởng Hà-Đạo-Hạnh, thầy Minh tuy nghiêm khắc nhưng rất thương học sinh, thầy Vũ-Lang luôn thông cảm với lũ học trò. Các thầy Tô-Đình-Hiền, thầy Hoài , thầy Thuận (Việt văn), Thày Bảng, cô Kim-Phụng (Anh-văn), cô Bùi-Bích-Hà (Pháp-văn), thầy Đoàn-Trung-Can, thầy Hạnh, thầy Quán, cô Châu (Toán), thầy Quýnh, thầy Trừu (Lý-hóa), thầy Đạt (Sử-địa), thầy Quỳ (Công dân giáo dục) cô Cúc, thầy Quán (Vạn vật), thầy Hối (Triết), thầy Tiến [Chung-Quân] (Nhạc), thầy Thịnh (Vẽ)... Và còn nhiều thầy cô khác...
Thưa quý thầy cô : Dù quý thầy cô đã khuất hay vẫn còn đây, chúng con vẫn mãi mãi biết ơn, dù trong anh em đã có những người rất thành đạt, như tiến sĩ , dược sĩ, kiến trúc sư, kỹ sư... chúng con vẫn là học trò của quý thầy cô, kết quả đó mà ngày nay chúng con đạt được nơi xứ sở tự do này một phần cũng do quý thầy cô vun đắp. Chúng con luôn tự hào là học sinh Nguyễn-Trãi và nhớ khẩu hiệu "Một ngày là Nguyễn-Trãi, mãi mãi là anh em"...
Trong những giờ phút các bạn học cũ gặp lại nhau, ký ức như khúc phim dĩ vãng thật dễ dàng tái hiện lại hình ảnh những thiếu niên thủa nàohăng say trong trò chơi ném bóng giấy, bắn bi, bật đáo tường... Mười cái đầu tóc đã điểm sương nói nói cười cười... mãi chuyện trò, chúng tôi quên cả thời gian, đồng hồ đã chỉ 12 giờ đêm, chúng tôi lại tạm chia tay hẹn gặp lại ngày mai.
Trở về nhà Nguyễn-Hòang-Long, lần này có cả trưởng lớp Long, chúng tôi nói chuyện chút đỉnh rồi đi ngủ, nhưng mới 4 giờ sáng tôi đã thức dậy, ngồi viết vài hàng ghi vội những giờ phút đã qua.
Sáng chủ nhật trời thật đẹp, Nguyễn-Hoàng-Long lại đưa anh em đến Grand Century Mall để hội ngộ tiếp. Đây là một khu vực thật lớn đã dược xây dựng khoảng một vài năm trở lại, trông thật hoành tráng với những gian hàng thật đẹp, có cái lớn, vừa, nhỏ tuỳ theo ngưỡi thuê mướn. Khu này đẹp và rộng hơn khu Phúc Lộc Thọ nhiều.
Ngồi uống cà phê trước lối vào, ngắm nhìn dòng người qua lại và đợi các bạn đến đông đủ, rồi chúng tôi lại bước qua quán cháo vịt Thanh Đa, anh Thuỵ và chị Kiều-Hương thân hành mời từng người vào, ngồi chung quanh một bàn vuông trong một phòng riêng có trải chiếu và gối theo kiểu người Nhật. Đặc biệt lần này có thêm người bạn mới đã học trong những năm đệ nhị cấp là Lê-Duy-Lân cũng cư ngụ ở San Jose.
Khỏang 2 giờ chiều, tôi mạn phép rời các bạn để thăm viếng một gia đình người bạn là anh chị Khôi Hồng mới từ Việt Nam qua khoảng 5 tháng, anh chị đang lưỡng lự kiếm một nơi ăn chốn ở để bắt đầu một cuộc sống mới. San Jose đang trong tình trạng kinh tế ảm đạm nên cũng khó kiếm được việc làm. Khoảng 3giờ45 tôi theo anh chị đi dự lễ tại một thánh đường nhỏ, rồi sau đó nhờ đưa đến sân trưỡng đại học gần nhà Trung, gọi cell, và Trung ra bốc tôi về nhà.
Tại nhà Hoàng-Mạnh-Trung mang biệt danh Trung Đại Hàn, những món ăn đã được bày biện sẵn một cách trịnh trọng với hai chai rượu Martin XO nẵm giữa. Hôm nay rất thân tình, chị Michell, hiền nội của Trung, dù vẫn còn cảm ho, vẫn trổ tài làm những món ăn đặc biệt không thua gì những nhà hàng danh tiếng, ngoài ra chị Kim- Khánh còn mang đến món bánh bột lọc thật hấp dẫn.
Buổi tiệc tại gia này không có những ồn ào sôi nổi như trước, thế nhưng ai cũng trầm ngâm, ăn nói nhẹ nhàng hơn, có lẽ vì chỉ còn tối nay, ngày mai tất cả lại chia tay ai về nhà nấy. Nước Mỹ tuy rộng mênh mông, mỗi người một phương trời, xiết bao thương mến. Cuối buổi gặp gỡ này mà Huỳnh-Phi-Long thình lình kêu "Chúng mày giết tao, không phải bằng rượu, mà cứ bảo tao: Ăn đi Long, ăn một chút gì đi Long rồi khóc mùi mẫn. Khi Long bật khóc nức nở, anh em ai cũng cảm thấy lòng mình chùng xuống. Nhìn kỹ khóe mắt, hình như ai cũng có chút đỏ hoe, ai cũng trân trọng giây phút thiêng liêng này.
Buổi họp mặt vui vẻ lại khi quí phu nhân đã bất ngờ đưa ra 2 chiếc bánh , một hình trái tim tượng trưng cho ngày tình yêu, một hình vuông biểu thị tình bạn vuông tròn. Trong khi thưởng thức những đĩa bánh, tất cả cùng quây quần quanh tivi để bắt đầu hát karaoke. Mở đầu là bài "Nửa hồn thương đau" do Long trưởng lớp ca, rồi tới bài vọng cổ của Hoàng-Hoa-Cương mang tựa đề Mùa thu lá bay:
"Đã hơn ba mươi bốn năm rồi, tao mới gặp lại những thằng bạn xa xưa cũ kỹ, tóc trắng môi thâm nhưng đậm mối thâm tình!
Ôi bao kỷ niệm cũ vội vã trở về như cơn thác lũ, như sóng thần đang gào thét giữa biển khơi.
Tao còn nhớ thằng Huỳnh-Phi-Long chuyên môn phá phách, chẳng sợ gì thầy trách cô chê.
Còn thằng Dương-Trọng-Sơn ký ca ký cóp cọp dê. Thế mà bây giờ nó có mòi còn giàu sang hơn ai hết.
Nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một lớp phải thương nhau cùng.
Còn thằng Lưu-Công-Huấn, nó ỷ nó đẹp trai, bao nhiêu gái trong làng đều mê nó hết.
Thân tao như cái chiếu này, phất phơ trước gió biết vào nhà ai. Vinh, Trung tụi nó cũng thành công, nhà cao cửa rộng, vợ hiền con khôn.
Thôi tao đã gặp tụi bay đây rồi, nơi xứ lạ quê người.
Thôi người ơi, xin cạn chén chia vui. Dù rằng là đường xa, xa quá xa, xin chớ xa, chớ xa lòng ta, dù rằng là mùa thu lá bay, xin chớ quên, chớ quên bạn xưa, xin chớ quên, chớ quên bạn xưa...
Hoàng-Hoa-Cương vừa ca dứt, tất cả anh em đều vỗ tay vang dội và bái phục, nhất là Lưu-Công-Huấn với nhiệt tình sẵn có, thì chắp hai tay vừa cười vừa vái lạy:
"Tao phải lạy mày, mày hay quá, thật là bất ngờ, hay hay quá..."
Tôi được biết, Cương cũng rất tình cảm, đêm hôm trước, có lúc không ngủ đươc, anh đã viết ra mấy câu vọng cổ này.
Sau đó là phần trình bày với giọng ca đặc sắc của anh chị chủ nhà Trung và Michell , rồi đến phần hợp ca của anh Thuỵ cùng với vợ là chị Kiều-Hương, lúc này chúng tôi cứ tưởng là ca sĩ đang trình bày bản nhạc chứ không nghĩ là anh chị đang hát Karaoke, Riêng chị Mai, hiền thê của Huấn chạy tới chạy lui phụ giúp mọi việc, và đặc biệt trưởng lớp Long luôn chạy đến nhờ vả bênh vực phe ta (nam kỳ) để chống lại phe địch (bắc kỳ) quá đông.
Cuộc vui nào rồi cũng tàn, sau gần ba ngày gặp gỡ, chúng tôi tạm biệt nhau trong sự lưu luyến và chúc nhau một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Thật là uổng thay, Mai-Đông-Thành và Lê-Văn-Sơn, giá có thêm hai bạn cùng mừng lễ Valentine với bà xã tại San Jose này thì quý hóa biết bao.
Vào dịp gặp gỡ anh em lớp B1 Nguyễn-Trãi cũ trung tuần tháng 8 năm nay, Huỳnh-Phi-Long và hai bạn sắp xếp chương trình để tiếp đón gia đình các bạn từ khắp nơi về little Saigon, hy vọng chương trình của Hội trưởng Cựu học sinh trung học Nguyễn-Trãi Mai Đông Thành chắc sẽ mời được các thầy cô đã liên lạc được như Vũ-Văn-Dương, Lê-Xuân-Trí, Trần-Trọng-Sơn, và các thầy cô khác từng trực tiếp dạy chúng mình đến dự.
Hy vọng các bạn sẽ hài lòng khi về thăm thủ đô tị nạn của người Việt chúng ta.
Sáng hôm sau chuyến xe đò Hoàng khởi hành lúc 8giờ30 đã đưa tôi và Phạm-Văn-Long trở về Orange, Hoàng-Hoa-Cương cũng về Irvine bằng chuyến máy bay lúc 3giờ chiều, Huấn về Oregon, Long bay về Washington state. Tất cả rồi sẽ lại bù đầu với công việc thường nhật, nhưng những ngày hội ngộ vừa rồi đã để lại trong tâm can mỗi người trong chúng tôi một góc thương nhớ không thể phai mờ.
Cám ơn đất nước Mỹ và nhân dân Hoa-Kỳ đã mở rộng vòng tay đón tiếp chúng tôi vào đại gia đình Hiệp- Chủng- Quốc.
Cám ơn các bạn học cũ sinh sống ở thung lũng hoa vàng đã dành cho cho chúng tôi những tiếp đón nồng hậu và những buổi hạnh ngộ thật ý nghĩa.
Cám ơn những quán ăn đã tiếp đãi lịch sự, ân cần, mọi người được thưởng thức những món ăn ngon miệng, kèm theo lời nói thân ái.
Cám ơn Long trưởng lớp của những năm dùi mài kinh sử nơi mái trường thân yêu, không quản ngại vất vả, nhiệt tình liên kết, kêu mời để có được những ngày xum họp thật vui tươi, đầm ấm, không chỉ đơn thuần là những bữa ăn ngon, mà chính là mối chân tình sâu đậm, được bộc phát, bày tỏ ra trong dịp này.
Cám ơn anh chị Nguyễn-Hoàng-Long đã dành cho những anh em ở xa đến một chỗ nghỉ chân, thật ấm cúng và thân tình.
Tôi cũng cám ơn người vợ thân yêu đã không hề ngăn cản, mà còn khích lệ tôi lên đường gặp lại những người bạn đồng lớp B1 năm xưa. Em đã tặng tôi một món quà Valentine đầy ý nghĩa.
Đặc biêt cám ơn Việt Báo Daily News dã cho tôi cơ hội và động lực viết ra bài tường thuật này.

Mai-Quang-Thuận
+++

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,309,959
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa
Tác giả là một kỹ sư hồi hưu, đã sống 25 năm bên Pháp, hiện là cư dân Irvine, từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2013.
Jenny, cô phóng viên Mỹ tuổi đời chưa quá 30.
Sau vài tháng đắn đo suy nghĩ và bàn bạc với con cái,
Đã có hàng triệu người Việt định cư tại xứ Mỹ này
Năm 1975, để bảo tồn Hội Dòng, những tu sĩ Dòng Đồng Công
Thay mặt các anh chị em nhóm Việt Bút, tôi đến tòa soạn Việt Báo nhận 35 quyển sách mới
Vào một ngày thứ Bảy cuối tháng 07/2019, các bác sĩ và y tá cùng nhân viên trong bộ phận Xứt Môi và Răng Hàm Mặt
Sân chùa Kim Cang đông tấp nập trong ngày lễ Vu Lan.
Về lại Cali năm nay, tôi nghĩ mình chắc sẽ có nhiều nỗi vui mừng, xúc động.