Ngay khi vừa đặt chân đến nước Mỹ mới có ba tháng, ông Chín đã vội vàng thực hiện ngay giấc mơ hằng ấp ủ từ lâu năm của mình: bỏ tên Việt, lấy tên Mỹ.
Ông vốn là người rất sùng bái nước Mỹ, người Mỹ. Tất cả những gì thuộc về Mỹ hoặc liên quan đến Mỹ, đối với ông đều là number one tuốt luốt, không thể chê vào đâu được! Có thể nói đây là một chứng bệnh, cũng tựa như bệnh tôn thờ các thần tượng ca nhạc của giới trẻ vậy. Và chứng bệnh này ông đã mang từ hồi trước
1975, lúc quân đội Mỹ đang tham chiến ở Việt Nam. Ông rất mê các sản phẩm của Mỹ, từ cuộn giấy chùi đít, đến cái búa, cây đinh, chiếc xẻng cá nhân, lon nước ngọt, những tấm ván ép, những tảng thịt gà đông lạnh v..v..
Hồi trước 1975, ông đã từng đi làm cho hãng thầu RMK của Mỹ tại Việt Nam nên ông đã được hân hạnh thưởng thức những sản phẩm vật chất tuyệt diệu này của Mỹ. Lúc ấy ông thường nói với bạn bè, vợ con:
- Đồ của Mỹ là bền chắc suốt đời, không chê vào đâu được! Made In USA là number one! Cây đinh của nó làm bằng thép già, thứ thiệt, đóng vào đâu cũng được. Mẹ kiếp, cây đinh của mình làm bằng thép non, chưa đóng đã queo! Cái búa của nó cầm đóng thật là êm tay, cú nào chắc cú đó, còn búa của mình vừa mới đóng có vài cái đã sút cán, đầu búa bị tà vẹt vì thép non xèo, chẳng ra cái giống gì cả!
Và ông thường rút ra kết luận:
- Thằng Mỹ nó giàu cho nên sản phẩm của nó làm ra đều bền chắc.Hèn chi nó là bá chủ thế giới cũng là phải!
Từ chỗ sùng bái Mỹ, ông đã có ước mơ một ngày nào đó ông được đặt chân lên cái thiên đàng hạ giới này một lần, "xem dân cho biết sự tình", cho thỏa lòng thỏa dạ, rồi có chết cũng mãn nguyện! Nghe nói ở bên Mỹ khỏi cần phải đi làm, chỉ cần đi bới thùng rác thôi cũng đủ sống qua ngày! Còn đàn bà thì ở bên đó rất nhiều, ai cũng xinh tươi trẻ đẹp, chỉ cần làm quen sơ sơ là có thể mời họ về nhà ân ái được rồi! Thế nhưng bỗng nhiên xảy ra biến cố 1975, giấc mơ của ông Chín tắt ngúm.
Sau năm 1975, gia đình ông vô cùng khốn khổ. Bản thân ông bị đi cải tạo vì bị ghép vào tội làm CIA cho Mỹ! Thật là oan ông địa cho ông Chín quá, bởi vì ông chỉ là một công nhân quèn làm cho hãng thầu RMK của Mỹ, chuyên xây cất các căn cứ quân sự Mỹ và làm đường xá tại các tỉnh ở miền Nam Việt Nam. Có một lần ông được đưa vào làm tại một căn cứ ra đa rất lớn của Mỹ ở bãi biển Tiên Sa, Đà Nẵng. Lúc về nhà ông thường khoe nhặng lên là ông làm đài ra đa chuyên về không thám, kiểm soát luôn cả ba nước Việt Miên Lào. Vạ mồm vạ miệng, sau năm 1975, những thằng việt cộng nằm vùng trong xóm chụp luôn cho ông cái mũ "CIA", thế là ông bị đi cải tạo 5 năm! Vả chăng vấn đề cũng phần nào do sự ganh ghét. Nhờ đi làm cho Mỹ và kiêm luôn chuyên ăn cắp đồ Mỹ đem bán cho nên gia đình ông tương đối giàu có trong xóm, xây được nhà lầu ba tầng. Những thằng việt cộng nằm vùng đạp xích lô ghét ông là phải!
Tuy nhiên, nếu nhìn đời theo triết lý "Tái Ông Thất Mã" *, may là rủi và rủi là may thì sự việc 5 năm đi cải tạo của ông Chín chính là tiền đề may mắn cho giấc mơ hằng ấp ủ lâu năm của ông: năm 1992 toàn gia đình ông được sang Mỹ định cư theo diện HO! Thế là giấc mơ của ông Chín đã thành sự thật! Chỉ ba tháng sau khi ổn định đời sống trên đất Mỹ, một hôm ông Chín triệu tập gấp bốn đứa con ông lại. Bằng một nét mặt rất nghiêm trang và giọng nói trịnh trọng, ông Chín nhập đề:
- Các con có biết vì sao hôm nay ba "đại hội" các con lại như vầy không"
Mấy đứa con ông Chín chưa biết ất giáp gì, đứa nào đứa nấy đều ngơ ngơ ngáo ngáo. Thằng Cầu 17 tuổi, lớn nhất, hỏi thăm dò:
- Chắc là có chuyện gì quan trọng phải không ba"
Ông Chín bèn đi một đường quan trọng hóa vấn đề:
- Tất nhiên là quan trọng rồi. Chuyện này có can hệ đến tương lai của các con. Ba quyết định làm chuyện này để tương lai của các con được tuơi sáng ...
Nghe ông Chín mào đầu, mấy đứa con ông hớn hở, nhao nhao hỏi tới tấp:
- Chuyện gì vậy ba" Chắc là ba trúng số"
- Ba định mua xe hơi cho tụi con" Hay ba định "mu" (move) đi chỗ khác"
- Ba mua xe hơi đi ba, chở tụi con đi chơi, đi học bằng xe buýt cực quá!
Ông Chín xua tay:
- Không, không phải như vậy. Chưa mua xe được. Mới qua còn nghèo chết mẹ tiền đâu mua xe!
Nói xong ông Chín đưa mắt nhìn từng đứa con một cách kỹ lưỡng như vị tướng duyệt hàng quân danh dự:
- Nghe đây, thằng Cầu, con Dừa, thằng Đủ, con Xoài, kể từ nay ba sẽ đặt cho mỗi đứa một cái tên Mỹ!
Bốn đứa cùng nhao nhao lên:
- A aa .... aaa .... Ba đặt tên Mỹ cho tụi con"
Ông Chín có bốn đứa con, xen kẽ hai nam hai nữ: lớn nhất là thằng Cầu, 17 tuổi; kế đến là con Dừa, 12; thằng Đủ, 10; và con Xoài 8 tuổi. Sở dĩ ông đặt tên trái cây cho bốn đứa con vì lý do sau: ông chỉ cầu mong ông bà trời phật phù hộ cho ông có cuộc sống tạm đủ là mừng rồi, không dám mơ ước giàu có, cao sang làm chi! Cuộc sống đạm bạc, miễn sao gia đình luôn êm ấm, hòa thuận, con cái ngoan
ngoãn, hiếu thảo là ông mừng.
Và sự cầu mong của ông có lẽ được ứng nghiệm, bởi vì tuy đã qua Mỹ nhưng vợ con ông vẫn rất đàng hoàng, sống rặt theo truyền thống Á Đông, chưa hề có biểu hiện muốn "hạ bệ" nguời cha xuống bậc chót của nấc thang xã hội! Theo ông được biết, tựa như sĩ, nông, công, thương, bốn giai cấp căn bản trong xã hội phong kiến, xã hội tư bản Mỹ cũng có bốn "giai cấp" tương tự, đó là: thứ nhất trẻ em, thứ nhì đàn bà, thứ ba là chó, và cuối cùng là ... đàn ông! Ông biết có gia đình HO khi vừa đặt chân xuống phi trường bên Mỹ thì bà vợ đã chỉ mặt ông chồng nói dằn mặt: " Kể từ nay anh ... hết thời rồi. Anh nên nhớ tôi là ... đàn bà đó nghe! Ở xứ Mỹ này đàn bà là ... quý lắm! Đụng tới tôi là tôi kêu nine one one liền!" Nhưng ông Chín vẫn còn có phước, chưa bị rơi vào hoàn cảnh đáng tự tử như vậy. Vai trò của ông vẫn sáng ngời trong gia đình. Mọi việc từ nhỏ tới lớn đều do một tay ông sắp đặt. Ông tựa như vị tướng tư lệnh, mỗi khi phán điều gì, vợ con đều răm rắp tuân phục.
Thằng Đủ là đứa đầu tiên hoan nghênh quyết định rất sáng suốt của ông Chín:
- Hay quá ba ơi, ba đặt cho tụi con tên Mỹ đi. Ba biết không mấy tụi bạn cứ chọc quê cái tên của con hoài. Hồi ở Việt Nam con đã bị chọc quê nhiều, qua đây vẫn còn bị. Có đứa nó dịch tên con sang tiếng Mỹ, nó gọi con là thằng ... Fuck!!!
Ông Chín bèn đi một đường luân lý giáo khoa thư:
- Các con nghe đây: ba đặt tên Mỹ cho tụi con là có lý do chớ không phải ba muốn chối bỏ cội nguồn tổ tiên ông bà mình. Nhập gia tùy tục, mình đã sang nước Mỹ rồi thì mình phải kiếm cách hội nhập vào xã hội của nó càng nhanh càng tốt. Để chi" Để dễ thành công, kiếm được nhiều tiền, gởi về giúp bà con cô bác của mình còn đang nghèo khổ bên quê nhà ...
-Bốn đứa con ông Chín chăm chú lắng nghe những lời giảng giải của ông. Dưới cái nhìn của chúng, ông vẫn là một ngôi sao sáng chói trong gia đình. Ông giỏi tiếng Mỹ nhất nhà, dù là tiếng Mỹ bồi, nhờ trước 1975 ông đã từng đi làm cho Mỹ gần 10 năm. Mấy đứa con ông thuộc thế hệ "cháu ngoan bác Hồ", trưởng thành sau 1975, không được học tiếng Mỹ vì đó là ngôn ngữ "phản động"! Mãi đến sau năm 1985, thời kỳ "đổi mới tư duy", chúng nó mới học được dăm ba chữ thì lại theo cha sang định cư bên Mỹ. Trong gia đình ông, mọi vấn đề giao dịch với xã hội bên ngoài, nhất là đối với các cơ quan của chính phủ, đều do ông Chín đảm trách và kiêm luôn thông phiên dịch cho vợ con. Ông luôn lấy cái background 8 năm làm việc cho hãng thầu RMK Mỹ để giảng giải cho các con ông hiểu biết về nước Mỹ và người Mỹ:
-Ba đã từng làm việc cho tụi Mỹ 8 năm trời rồi, ba rành tụi nó lắm! Có nhiều cái đối với người Việt mình là rất hay, rất tốt nhưng đối với tụi Mỹ lại là number ten! Chẳng hạn như tên Việt Nam của mình là Dũng hay là Dung. Dũng có nghĩa là can đảm, gan dạ, còn Dung có nghĩa là nết na, hiền thục. Ý nghĩa hay biết chừng nào, vậy mà đối với Mỹ, cái chữ "dung" có nghĩa là ... cục cứt!!!
-Vừa nghe ông Chín giải thích xong, bốn đứa con ông đồng cười rộ lên. Ông Chín hứng chí giảng tiếp:
- Thiệt đó chớ, ba có ông bạn tên là Nguyễn Hùng Dũng. Cái tên hay vô cùng, vậy mà khi sang Mỹ đi làm, mỗi khi đọc tên ông, tụi Mỹ cứ bật cười hô hố! Ông không nỡ bỏ cái tên hay, đẹp mà cha ông đã đặt cho ông. Vì vậy khi nhập quốc tịch, ông đã xin sửa tên ông lại thành ra chữ "Dzung". Đệm thêm chữ Z vào để nó khỏi còn mang nghĩa xấu theo tiếng Mỹ! Ngoài ra tên của mình là Loan cũng là hay lắm nhưng tiếng Mỹ lại có nghĩa là món nợ! Tên "Phúc" hay "Phước" của mình làm cho tụi nó liên tưởng tới chữ "Fuck", tụi nó cứ cười hoài! Còn những tên Việt của mình như Xuyên, Thuyên, Chuyên, Quyên, Uyên, Trường, Oanh v..v.. đối với tụi Mỹ khó phát âm, khó nhớ, gây trở ngại trong vấn đề giao tiếp....
Thằng Cầu nêu thắc mắc:
- Vậy tên tiếng Việt của tụi con có ý nghĩa gì đối với tiếng Mỹ không ba"
Ông Chín đáp:
- Không có ý nghĩa gì hết nhưng hơi khó phát âm, nhất là cái tên Xoài. Ba đã giảng cho các con hiểu ý nghĩa vì sao ba đặt tên trái cây cho bốn đứa. Sống ở đời mình đừng có tham lam thì ông bà sẽ thương, sẽ độ cho tụi mình. Đó là lý do vì sao mỗi lần đến ngày giỗ tết, ba dặn má các con đi chợ phải mua cho đủ bốn loại trái cây về cúng, đó là trái mẵng cầu, trái dừa, trái đủ đủ và trái xoài!
Nói đến đây ông Chín bỗng cao hứng xổ ra một câu "nho chùm" làm bốn đứa con lác mắt:
- Cụ Nguyễn Công Trứ đã từng nói: "Tri túc tiện túc đãi túc hà thời túc", có nghĩa là biết đủ, hài lòng với cái đủ thì là đủ! Tên của bốn đứa con tượng trưng cho triết lý sống của ba ở đời, đó là "Cầu Vừa Đủ Xài". "Vừa" tức là trái dừa đó, phát âm theo giọng miền Nam. Chữ "Xài" cũng vậy, người miền Nam gọi trái Xoài là "Xài" ...
Tuy nhiên có một lần bà vợ ông Chín đã làm cho ông bực mình, đập bể hết mười mấy cái chén, dĩa. Số là tết năm đó bà ta đi chợ mua bốn loại trái cây về cúng như mọi năm nhưng rủi cho năm đó không hiểu vì bị mất mùa hay sao đó mà tuyệt nhiên không có một trái mãng cầu nào hết. Bà ta đi lùng khắp chợ cũng không thấy. Bù lại, tết năm đó bỗng nhiên chôm chôm được mùa, bày bán nhan nhản khắp chợ, giá lại thật là rẻ. Nhìn thấy những chùm chôm chôm tươi rói, đỏ au, bà thấy ham quá và nảy ra ý định mua chôm chôm thay cho mẵng cầu. Thế là bà ta mua vài ký chôm chôm cùng với các trái dừa, đu đủ và xoài để về cúng. Nhưng khi về nhà, dọn trái cây lên bàn thờ để chuẩn bị cúng thì ông Chín phát hiện ra sự kiện bất ngờ này. Ông đùng đùng nổi giận, chửi mắng bà vợ thậm tệ:
- Bà ngu như con bò, đúng là vô ý thức, bà thử ghép tên bốn loại trái cây này lại xem nó thành ra câu gì" Bà muốn cả nhà mình "chôm vừa đủ xài" phải không" Bà muốn tui phải đi ăn trộm phải không"
Tiếp theo đó là một màn chén bay, dĩa bay làm bà Chín tởn hồn, không bao giờ dám quên bài học năm đó!
Con Xoài nghe ông Chín nói vậy, bèn hỏi:
- Vậy ba đặt tên Mỹ cho con là gì vậy ba"
Ông Chín ngồi bật ngửa trên ghế, rút trong túi ra một tờ giấy có ghi các tên Mỹ, chìa ra cho mấy đứa con xem:
- Đây nè, ba đã làm xong hết rồi, theo thứ tự từ trên xuống dưới, ba sẽ có tên Mỹ là "Zon" (John), má tụi bay tên là "Kim Bớ Lì" (Kimberly), thằng Cầu tên là Mai Cồ (Michael), con Dừa tên là " Lin Đà" (Linda), thằng Đủ tên là "En Đì" (Andy), con Xoài tên là "Nan Xì" (Nancy) ...
Bốn đứa con cùng hớn hở reo lên:
- Hay quá, ba đặt cho tụi con tên Mỹ!
Thằng Đủ thích chí cười vang:
- Vậy là kể từ nay con tên là En Đì. Cái tên này nghe "sang" quá ba ơi!
Ông Chín cũng pha trò:
- Ờ, vậy là từ nay mày hết còn sợ bạn mày gọi mày là thằng ... "Fuck" nữa!
Con Dừa bày tỏ sự hân hoan của mình:
- Con thích tên Linda lắm, nghe thật là dễ thương! Cái tên "Dừa" sao nghe kỳ kỳ quá phải không ba"
Ông Chín nói:
- Ba mong con mai mốt cũng nổi tiếng như ca sĩ Linda Trang Đài vậy!
Thằng Cầu bỗng lại nêu thắc mắc:
- Ba à, vậy làm sao mình sửa tên trên giấy tờ được"
Như đã chuẩn bị sẵn, ông Chín tuôn ra một tràng:
- Mình phải đợi khi được vào quốc tịch Mỹ, lúc ấy mình sẽ xin đổi tên. Còn bây giờ cứ dùng các tên Mỹ này, nói là đó là tên thường gọi của mình, gọi riết rồi thành ra quen. Dùng các tên Mỹ này có cái lợi là khi tụi Mỹ hỏi mình What's your name, mình nói tên mình là Mai Cồ, En Đì hay Kim Bớ Lì là tụi nó hiểu liền. Còn nếu nói tên Việt Nam, nó bắt mình phải đánh vần, phiền phức lắm, đôi khi mình đánh vần một đằng, nó ghi một nẻo! Ngoài ra khi mình điền "phom" (form) để "áp lai" (apply) cái gì, xài tên Mỹ cũng có cái lợi, đó là tránh được sự kỳ thị, hoặc khi mình "o đờ" cái gì đó, mình nói tên Mỹ với số phone, địa chỉ là tụi nó mang tới nhà mình lẹ lắm. Có nhiều thằng chó đẻ, kỳ thị, thấy tên ngoại quốc là tụi nó giao hàng chậm trễ!!!
Đó là lý do chính mà ông Chín giải thích cho mấy đứa con. Còn một lý do nữa mà ông không tiện nói ra, đó là ông dùng tên Mỹ để mai mốt ông làm Việt kiều, áo gấm về làng, dợt le với thiên hạ! Ông sẽ in tấm các-vi-dzit như sau: Mr John Nguyen, phone ...., fax ..., e-mail ... thì oai biết chừng nào! Người ta sẽ biết ông là Việt kiều, vì họ và tên của ông đã bị đảo ngược và không có bỏ dấu,
thái độ cư xử của thiên hạ đối với ông chắc chắn sẽ khác! Ông đang mơ đến ngày vinh quang đó và đang tích cực chuẩn bị từng ngày!
MINH TRANG
CHÚ THÍCH:
*Tái Ông Thất Mã:
Trong Cổ Học Tinh Hoa có đăng truyện này, nội dung như sau: Tái Ông có một con ngựa, một hôm con ngựa bỗng bỏ đi đâu lạc mất. Người hàng xóm đến an ủi ông về sự rủi ro. Tái Ông nói:"Biết đâu đó lại là cái may"" Quả nhiên, một thời gian sau con ngựa cũ của ông trở về và lại rủ thêm một con ngựa nữa. Người hàng xóm lại đến chúc mừng ông. Nhưng Tái Ông nói:"Biết đâu đó chính là cái rủi""
Quả nhiên thằng con trai của ông thấy có con ngựa mới, bèn leo lên cỡi thử, bị té gãy giò. Nguời hàng xóm thấy vậy bèn sang chia buồn. Lần này Tái Ông lại nói: "Biết đâu đó lại là cái may""
Quả nhiên, trong năm đó đất nước bị loạn lạc, triều đình ra lệnh toàn bộ thanh niên phải đi lính, chống giặc xâm lăng. Thằng con trai của Tái Ông nhờ bị què giò cho nên được miễn lính, hai cha con ở nhà, chung sống bên nhau.