Hôm nay,  

Nỗi Đau Của Người Cha

17/10/201500:00:00(Xem: 151312)
Tác giả: Trần Đình Đức
Bài số 3647-18--30137vb7101715

Tác giả vượt biển tháng 12 năm 1983, đến Mỹ tháng 1 1985, hiện là một kỹ sư làm việc tại San Jose. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên kể về bà mẹ Việt du lịch Mỹ thăm con, được phổ biến vào dịp Mothers Day 2013, hiện đã có hơn 541,000 lượt người đọc. Sang năm 2015, tác giả đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ. Sau đây là bài viết thứ tư của ông.

* * *

Ngày 30 tháng 4 là ngày tang thương và đau buồn nhất của dân chúng miền Nam Việt Nam. Gia đình nào cũng gặp phải ít nhiều sự bất hạnh xảy đến sau ngày mất nước. Sau cuộc đổi đời, hàng triệu gia đình phải sống trong sự chia ly cũng như hứng chịu nhiều đau khổ.

Những tan tác đó thật quá đau lòng. Hậu quả của chúng còn kéo dài cho đến tận mãi hôm nay và không biết bao giờ mới chấm dứt.

*

Đại úy bộ binh Nguyễn văn Thành sau khi tung hoành trên khắp bốn vùng chiến thuật để bảo vệ đất nước phải bị vào tù sau tháng Tư năm 1975 như bao nhiêu quân dân cán chính của miền Nam. Vì là sĩ quan VNCH, ông Thành bị đi tù ròng rã 6 năm trời. Lúc ông trở về năm 1981 với tấm thân tàn tạ thì hai vợ chồng ông cùng đàn con phải sống trong sự đói khát vì thiếu thốn mọi thứ. Xót xa vì thấy vợ con mình lam lũ nên ông phụ vợ bằng cách đạp xích lô để kiếm thêm tiền.

Trước 1975 vợ ông Thành là cô giáo dạy Văn bậc đệ nhị cấp trường Nguyễn Bá Tòng ở Sàigòn. Lương hai vợ chồng vừa đủ chi dùng cho gia đình với sáu đứa con. Nhưng sau ngày mất nước thì cô Hằng vợ ông không được chế độ mới tin dùng vì có chồng là sĩ quan đang bị cầm tù. Cô Hằng phải bôn ba ngoài chợ trời thuốc tây để kiếm tiền nuôi con và tiếp tế cho chồng bị tù ở ngoài Bắc. Thân phận của người phụ nữ VN lúc nào cũng khổ, nhưng khổ nhất là sau ngày mất nước 1975, đúng như lời diễn tả trong bản nhạc Cái Cò của Nhạc Sỹ Nguyệt Ánh.

“Cái cò lặn lội bờ ao, bán giọt máu đào nuôi dưỡng đàn con
Thương em lội suối trèo non vùng kinh tế mới nuôi con thay chồng
Triền dâu đã hóa ruộng đồng, nhà tan nước mất vợ chồng chia ly
Chồng đi cải tạo không về, vợ đi tay cuốc tay cày đất hoang.
Cái cò lặn lội bờ mương, vét cống đào đường, giá rét lạnh căm
Chồng em giặc bắt biệt tăm, tù Nam tù Bắc biết thăm nơi nào…”

Mỗi lần ông Thành nghĩ đến vợ, nước mắt ông lại ràn rụa. Ông rất xúc động và thầm cảm ơn người vợ đã hy sinh tuổi xuân của mình để thay ông gánh vác gia đình và dạy dỗ con cái.

Đầu năm 1991, lẽ ra gia đình ông Thành đi Mỹ theo đợt HO5 và định cư tại San Jose như những bạn bè khác của ông. Nhưng ông Thành đã không đem được cả gia đình đi Mỹ vì ông ghép hồ sơ của mình với gia đình một người đàn bà có bốn đứa con để đổi lấy mười lượng vàng năm 1989. Lòng ông đau như cắt khi phải bỏ vợ con mình lại ở VN nhưng ông nghĩ cần có tiền đút lót để thủ tục được trôi chảy. Ông chịu đi Mỹ một mình vì nghĩ rằng ông cần một số tiền để lại cho vợ con sinh sống lúc ông làm lại cuộc đời trên xứ Mỹ. Sau đó, khi ông rành đường đi nước bước, gia đình ông sẽ tìm cơ hội đoàn tụ với nhau.

Một thời gian sau khi đến Mỹ, ông mới cảm thấy hối tiếc vì quyết định sai lầm của mình. Giờ đây thì ông không còn gì hết vì người vợ mà ông hằng yêu quý đã mất khi ông định cư ở Mỹ chưa đầy một năm. Vợ ông mất vì kiệt sức sau bao năm làm lụng cực khổ để lo cho con và thăm chồng trong tù. Vợ ông bị thiếu dinh dưỡng vì thường xuyên phải nhịn đói nhường thức ăn cho chồng con. Sự hy sinh của bà thật là cao cả vì bà chỉ nghĩ đến gia đình mà quên đi bản thân mình.

Năm đứa con còn lại của ông vẫn còn ở VN chỉ trừ đứa con trai đầu mà ông vẫn để tên trong hồ sơ khi làm giấy tờ đi Mỹ. Nhưng vào giờ chót, Tuấn, con trai ông đã đổi ý không muốn đi Mỹ. Tuấn ở lại VN vì không muốn xa người bạn gái và Mẹ cùng các em của nó.

Sau khi định cư ở Mỹ, ông Thành phải làm đủ mọi thứ nghề khác nhau từ cắt cỏ, điện tử đến quét dọn trong hãng xưởng để nuôi thân cũng như để có tiền gởi về giúp đỡ gia đình. Năm 1996 ông làm hồ sơ bảo lãnh cho gia đình của Tuấn. Sao bao năm chờ đợi ông được tin là cả gia đình của Tuấn sẽ đến phi trường San Francisco vào cuối tháng 10 năm 2002. Ông đã chuẩn bị thật chu đáo, mướn một căn chung cư, sắm sửa đầy đủ vật dụng và thức ăn đầy ắp trong tủ lạnh để chào đón con ông.

Ông tưởng là con ông sẽ vui mừng khi được đoàn tụ với Cha của mình sau bao năm xa cách. Ngược lại ông được đáp lại bằng sự lạnh nhạt và xa cách. Mọi háo hức và vui mừng đều tan biến đi khi con ông trả lời là gia đình nó về ở bên Mẹ vợ mà không về ở với ông. Lúc đó ông phải quay đi chỗ khác để dấu đi dòng lệ rơi trên má của mình. Nó làm ông hụt hẵng và thất vọng khi không nghĩ đến công sức cùng sự lo lắng của ông bấy lâu nay.

Nhưng không hiểu tại sao ngay ngày hôm sau cả gia đình nó lại quay về với ông. Có lẽ con ông đã nghe lời Mẹ vợ và không muốn ông buồn vì ông đã vất vả chuẩn bị mọi thứ cho nó. Sau khi ổn định và đã quen với cuộc sống mới một thời gian, nó thường nói với ông rằng nó không cần ông bảo lãnh cho nó. Nó nói không có ông, Mẹ vợ nó cũng có thể bảo lãnh cho gia đình nó qua Mỹ. Lúc nào nó cũng tỏ vẻ lạnh nhạt và coi ông không ra gì. Mặc dầu ở chung một nhà nhưng cứ hễ gặp mặt ông là nó đi ra đi vào đá cái này đánh cái kia, nói xa nói gần, chì chiết ông như kẻ thù. Vợ nó đối xử với ông tương đối đỡ hơn mặc dầu không vồn vã nhưng cũng không tệ bạc bằng nó.

Có nhiều hôm ông bị cảm sốt không ai ngó ngàng tới. May là con dâu ông biết ông bị bệnh và còn biết nghĩ tới ông nên mới nấu cho ông tô cháo lót lòng. Những lúc đó ông chỉ biết nuốt vào những giọt lệ tràn ra từ khóe mắt mình mà thôi. Từ đó trở đi ông ráng chịu đựng và sống cho qua những ngày tháng cô đơn của mình.

Nhiều lúc ông buồn tủi lặng lẽ khóc trong bóng đêm và tự hỏi mình có làm điều gì cho con mình phật lòng hay không mà tại sao nó lại oán hận mình như vậy? Sau này Tuấn mới nói thẳng ra với ông là lúc trước tại vì ông ích kỷ chỉ nghĩ đến ông mà đi Mỹ một mình và bỏ lại Mẹ và các anh em nó ở VN. Mẹ tụi nó chết mà không có ông ở bên cạnh. Nó đâu có biết ông phải hy sinh để gia đình ở lại để đổi lấy một số tiền dành cho gia đình sinh sống với niềm tin là sau này có cơ hội thì cả nhà sẽ đoàn tụ sau.

Có lẽ vì không bằng lòng với cách giải thích ấy nên trong lòng con trai ông lúc nào cũng oán hận ông. Nó cho là ông đã không làm tròn trách nhiệm làm Cha cũng như nghĩa vụ làm chồng đối với Mẹ nó.

Sau bao năm phải nghe sự chì chiết và trách móc của Tuấn, ông cảm thấy chán nản và muốn quay về lại VN sinh sống. Ông cảm thấy mình cô độc ở Mỹ dẫu rằng ông vẫn còn người con trai ở đây. Người con trai ấy đã hắt hủi và đối xử tệ bạc với ông làm ông cảm thấy không còn lý do gì để ở lại Mỹ nữa. Tuy vậy, ông vẫn chưa dứt khoát được vì không muốn rời xa đất nước đã cưu mang mình bấy lâu nay.

*

Không giống như ông Thành, nhiều gia đình phải chịu sự chia ly vì những hoàn cảnh bất hạnh khác. Chẳng hạn như gia đình Thiếu Tá Chức.

Lúc mới qua Mỹ năm 85 thì Mẹ tôi cho địa chỉ và số điện thoại để liên lạc với Chú Chức. Trước 1975 Chú là Thiếu Tá công binh phải xa nhà thường xuyên mặc dầu vợ con vẫn ở Sàigòn. Sau ngày mất nước Chú phải ở tù 8 năm mới được thả và mới định cư ở Nam Cali sau khi vượt biên đến được nước Mỹ trước tôi vài tháng. Gia đình Chú rất nghèo nên gom góp lại chỉ đủ tiền lo cho Chú vượt biên một mình. Trước 1975 vợ Chú ở nhà chăm sóc năm đứa con và mua bán hàng quân tiếp vụ. Chú ấy có cô con gái đầu lòng tên Trang rất đẹp nhưng bị câm điếc từ nhỏ như chị Ngọc của tôi. Chị hay đến chơi với chị tôi vì hai người là bạn thân học cùng lớp tại trường dành cho người bị tàn tật ở Lái Thiêu.

Vì bận rộn trong cuộc sống mới nên tôi ít liên lạc với Chú. Nhưng bỗng một hôm tôi nhận được tin Chú ra đi đột ngột vì kiệt sức khi phải làm hai việc để có tiền gởi về giúp đỡ vợ con. Ra đi không có người thân bên cạnh nên bạn đồng ngũ đã làm đám tang cho Chú cũng như thông báo cho vợ con của Chú ở Sàigòn. Sau này tôi được biết do bạn Chú kể lại là sức khỏe của Chú lúc bấy giờ rất kém. Nhất là sau khi đi tù về mà qua Mỹ phải làm hai ba việc để có tiền gởi về cho vợ con ở VN. Phần nữa vì thương nhớ vợ con và không ai lo cơm nước cũng như chăm sóc lúc đau yếu nên Chú đã ra đi sau khi ở Mỹ chưa tròn một năm.

Thảm cảnh này xảy ra rất nhiều bắt đầu từ giữa thập niên 70 cho đến thập niên 90. Nhiều gia đình phải phân tán mỗi người đi một ngã. Họ đã phải bất chấp sinh mạng của mình để đánh đổi lấy sự tự do bằng cách đi vượt biên bằng đường bộ hay đường biển.

Hành trình đi tìm tự do của những người dân Việt rất nhiều gian khổ. Trong số đó có những người lính trở về sau khi bị tù đầy và hành hạ thể xác trong những trại giam nghiệt ngã. Thiếu Tá Chức may mắn đến được nước Mỹ trong khi bạn bè ông có người vì kiệt sức mà chết trong tù. Họ chết vì bị bắt buộc phải lao động cực nhọc trong lúc bị những cơn đói và bệnh tật hành hạ. Vì thế có nhiều thảm cảnh đau lòng xảy ra như Cha Mẹ thì mất con, người vợ trở thành góa phụ và con thì mồ côi cha. Có người chưa chết trong tù nhưng cuối cùng họ đã ngã gục trên miền đất tự do như Thiếu Tá Chức. Họ hy vọng có thể mang lại một tương lai tươi sáng cho vợ con khi đặt chân đến Mỹ một mình. Nhưng cuối cùng họ đã không còn hơi sức để làm việc và thực hiện mơ ước của họ. Vợ con họ một lần nữa phải đau buồn và tức tưởi vì sự chia ly lần thứ hai. Lần thứ nhất đi vượt biên đồng nghĩa với việc có thể bỏ xác trên biển cả mênh mông không có ngày gặp lại. Lần ra đi này thì vợ con càng đau khổ hơn vì biết là người thân của mình đã ra đi vĩnh viễn. Chắc là vợ con Thiếu Tá Chức đã khóc hết nước mắt sau khi nghe tin người Cha, người chồng phải kiệt sức mà chết vì lo nghĩ đến vợ con ở quê nhà.

Xin gởi một nén hương với lòng kính trọng dành cho Thiếu Tá Chức vì đã lo lắng cho vợ con đến hơi thở cuối cùng sau bao nghiệt ngã của cuộc đời. Đồng thời cũng dâng lên một nén hương cho những quân dân cán chính VNCH đã mất trong lao tù cộng sản.

*

Nỗi đau của những người Cha, người Mẹ khi bị con cái mình hắt hủi và đối xử tệ bạc thì xảy ra rất nhiều cho cộng đồng VN ở Mỹ. Nhưng thiết tưởng trường hợp như ông Thành cũng là một bài học cho những ai đã không nghĩ đến hậu quả của nó khi phải quyết định chuyện hệ trọng cho gia đình.

Dù sao, phận làm con thì phải biết ơn Cha Mẹ đã sinh ra mình và nuôi dưỡng tới ngày khôn lớn. Đồng thời con cái phải biết trân quý những sự hy sinh lớn lao mà bậc Cha Mẹ đã dành cho họ. Những ai đã có gia đình và con cái thì chắc sẽ thấu hiểu nỗi đau của Cha Mẹ khi bị con cái mình hắt hủi như thế nào. Ngoài đạo làm con còn có tình người với nhau. Chẳng lẽ Cha Mẹ sanh mình ra mà mình coi như kẻ thù hay người dưng? Mong rằng những ai còn Cha Mẹ hãy biết quý trọng những giờ khắc này nếu không mai sau có hối hận thì không còn kịp nữa vì lúc đó không còn Cha Mẹ để mà hầu chuyện chứ đừng nói chi đến là trả hiếu.

Tôi hy vọng con trai của ông Thành nhìn lại mà biết kính trọng người đã sinh thành ra mình dẫu cho Cha mình có thể làm những điều không hay trong quá khứ. Trong cuộc đời ai cũng có lúc lầm lỗi. Mặc dầu không ở bên cạnh lúc vợ mình lâm chung nhưng ông Thành lúc nào cũng thương nhớ đến người vợ đầu ấp tay gối của mình.

“Dù đã lỡ bước đến chốn nơi nào
Dù cho mây đen bao kín bầu trời
Con yêu ơi, con yêu hãy quay về đây
…Hãy quay về nhìn lại mình
Nhìn lại dòng sông, và dòng tóc biển xưa”

Bản nhạc "Con Yêu" này nguyên thủy tên là Anak (Child) được sáng tác và trình bày bởi Nhạc Sỹ người Philippines, Freddie Aguilar. Bài hát này được mọi người trên thế giới yêu mến và được dịch ra 26 thứ tiếng. Tôi ước rằng anh Tuấn nghe được bài hát này và đối xử với Cha mình tốt hơn.

Viết đến đây làm tôi tưởng nhớ đến Mẹ tôi đã lặn lội từ VN qua Mỹ thăm tôi năm 2000 và tiện thể dự đám cưới của thằng con út. Mẹ tôi đã khóc sướt mướt khi hay tin tôi bị bắt vì tội vượt biên năm 1979. Bà đã bị gẫy tay trong một lần đi thăm nuôi tôi trong trại tù ở Đồng Phú. Mặc dù rất đau đớn nhưng bà vẫn cắn răng chịu đựng để gánh đồ thăm nuôi vào trại cho tôi dẫu rằng không gặp được mặt con mình vì phải trở về đi cấp cứu ở bệnh viện. Thật là tình Mẹ bao la như biển Thái Bình. Mẹ tôi lúc nào cũng lo lắng và hy sinh cho con cái. Vì thế tôi viết lên bài thơ dưới đây để nhớ đến người Mẹ yêu quý của mình.

Mẹ

Mẹ từ muôn dặm xa xăm
Tuổi già sức yếu qua thăm bên này
Bài thơ con tặng Mẹ đây
Làm sao kể hết ân dầy tình sâu?
Dù con tóc đã phai màu
Công ơn trời bể dễ đâu đáp đền!
Con hằng mong được kề bên
Sớm hôm chăm sóc Mẹ hiền yêu thương
"Mẹ già như chuối ba hương
Như xôi nếp mật, như đường mía lau"
Vì con, Mẹ đã khổ đau
Vì con, Mẹ đã âu sầu lắm phen!
Thành tài, con chẳng hề quên
Mẹ Cha nuôi dạy lớn lên, nên người
Bao năm phấn đấu với đời
Bên tai luôn nhớ những lời khuyên răn
Mẹ ơi, thương Mẹ vô ngần
Con mong sao được ở gần Mẹ luôn
Đầm đìa giọt lệ trào tuôn
Trời cao đất rộng con còn Mẹ đây
Làm thơ tặng Mẹ hôm nay
Con như sống lại những ngày còn thơ
Cuộc đời còn đẹp như mơ...

Trần Đình Đức

Ý kiến bạn đọc
21/10/201506:29:19
Khách
Tôi cũng nhận thấy những ý kiến phê bình trên đây là có hơi quá đối với tác giả. Nhà báo giám khảo họ chấm theo bài hay dở chứ chẳng lẽ theo số lượng độc giả nhiều hay ít đâu mà tác giả phải "gian lận" làm gì? Góp ý phê bình xây dựng là nên làm , nhưng những tác giả Viết về Nước Mỹ không phải la nhà văn in sach bán lấy tiền mà họ chỉ chia sẻ những kình nghiệm đời thuòng, làm vậy họ sẽ bị "mất trớn" làm sao dám viết tiếp.
Hạnh Đỗ
21/10/201506:21:25
Khách
Tôi cũng nhận thấy quý vị góp ý trên đây như vậy là nặng lời với tác giả lắm. Mình muốn góp ý tốt thì nên xây dựng, vì những tác giả viết về Nước Mỹ không phải là nhà văn chuyện nghiệp in sach bán lấy tiền sinh sống. Họ viết chỉ để chia sẻ, mình nên khuyến khích mớii phải, làm vậy nguòi ta sẽ mất trớn.
Hạnh Đỗ
21/10/201505:09:16
Khách
Vài dòng góp ý cùng các bạn đọc, tôi nghĩ mỗi độc giả đều có một sở thích riêng, có nhiều bài viết được nhiều người khen hay nhưng đối với một số độc giả khác thì không có gì đặc sắc gì, thậm chí có thể còn bị chê là dở nữa. Do đó, phần báo cáo số lượng người đọc chỉ nói lên 1 phần nào đó về bài viết mà thôi. Thậm chí có người chỉ click vào đọc vài hàng nhưng máy vẫn count là 1. Vì thế các bạn không nên vì số lượng đó tăng cao mà chỉa mũi dùi chỉ trích bài viết của tác giả. Theo tôi biết, cuộc thi này ít chú trọng về cách hành văn, mà chú trọng về ý nghĩa riêng của từng câu chuyện thật trong đời sống để chia xẽ kinh nghiệm của tác giả với bạn đọc mà thôi. Riêng bản thân tôi thì cũng viết rất tệ nhưng đã từng cố gắng viết và bạo gan gởi đi thi. Tôi rất vui khi có ai đó thích đọc, hoặc phê bình thật lòng để tôi có cơ hội học hỏi thêm. Viết dở bị chê cũng không sao nhưng nhiều khi kể đúng câu chuyện cũng có người thích đọc và cần biết về những kinh nghiệm đó thì cũng tốt chứ. Vì thế mong các bạn đọc hãy phê bình trên tinh thần xây dựng để người Viết được khích lệ và học hỏi được nhiều hơn cho những bài viết tới.
Gởi tác giả Trần Đình Đức, cảm ơn anh chia xẽ những câu chuyện về nỗi đau của những mãnh đời không được may mắn, thành công trên đất Mỹ. Bài thơ về mẹ thật cảm động. Mong anh vẫn tiếp tục viết để chia xẽ thêm với bạn đọc nhiều câu chuyện nữa nhé.
20/10/201523:22:12
Khách
Đồng ý với anh Hùng và Tuân, quí vị coi lại bài ông kỹ sư computer này viết năm ngoái 2014 "Bước đi bước nữa" bấm vù lên tới 104 ngăn nguời đọc (!) trong khi các tác giả popular nhất, đoạt giải hoa hậu á hậu xưa nay tối đa cũng chỉ có 22 ngàn đọc giả là nhiều (vì CSVN chận tường lửa, ngăn khôgn cho dân trong nuớc vào đọc) , cho nên mới đuợc giải đặc biệt như vậy. "Biềt người biết ta, thì mới trăm trận trăm thắng", còn "khôn mà không ngoan" thì bị lộ tẩy ngay.
20/10/201520:42:04
Khách
Gửi Bạn Hùng và phạm Tuân,
Tôi thuòng đọc bài VVNM nhưng rất luòi viết comment, vì không có nhiều thời gian. Nhưng hôm nay thấy các bạn comment hơi có phần...quá đáng đối với tác giả nên phải lên tiêng chút xíu, mong các bạn đừng giận nhé. Vì nếu các bạn giận là tự nhận mình nói nặng nguòi khác thì đụoc... Làm sao bạn Hùng khẳng định được "độc giả VVNM chỉ còn có tối đa hơn 10 ngàn người"? Tôi nhận thấy có lẽ tác giả Trần Đình Đức là một người mới, chỉ viết mấy bài đã đụoc giải Đặc Biệt, cho nên "hấp dẫn" sự tò mò độc giả vô đọc nhiều hơn mà thôi. Cách nói "tự sướng" của bạn Hùng và việc bạn rất rành về "VN cài firewall 2 năm nay" cho thấy bạn là người trong nước, nhưng không bị tường lửa chận, không biết chức vụ và mục đích của bạn châm chích như vậy để làm gì, nhưng là người việt Nam, xin bạn làm ơn đừng cho những lời nhận xét đau lòng như thế đối với các tác giả dù xa quê hương, dù bân rộn với sinh kế, nhưng họ vẫn cố gắng để bảo tồn ngôn ngữ Việt. Nếu bạn "ngon lành" thì "múa bút" lên cho thiên hạ đọc ké với. Nếu không thích, bạn đừng đọc nữa, vậy là bạn khỏi phải nhứt đầu nặng óc để viết ra những lời lẽ "từ tâm can mà nghe không lọt tai" như vậy. Tiếng Việt chúng ta phong phú lắm, thiếu gì lời lẽ để góp ý có thể xây dựng. Tôi nghĩ bạn suy bụng ta ra bụng người khi nói tác giả "tự sướng", tự gian lận con số độc giả....
Chào các bạn và chúc khỏe.
Trung Trực
Trung
20/10/201505:16:31
Khách
Tôi cũng đồng ý bài viết đâu có gì hay cho lắm mà có tói 12439 người đọc trong ...ba ngày.?Con số này chắc là....
Phạm Tuân
19/10/201523:03:59
Khách
Đôc giả đọc VVNM hiện nay chỉ còn tối đa có hơn 10 ngàn người nếu bài thực là hay, lý do vì VN cài firewall 2 năm nay nên số lựợng đông đảo mấy trăm ngàn độc giả Vn không còn vào xem được như xưa nữa. Xin lưu ý tác giả về con số độc giả ma "tự sướng", kẻo "hố".
19/10/201514:01:17
Khách
Bài viết và cách viết thường. Không có gì đặc sắc. Viết về nỗi đau nhưng chưa làm cho người đọc thấm thía.
Trần Huệ
18/10/201509:26:26
Khách
Cảm ơn chị Phương Hoa đã có lời khen về bài thơ. Trong mỗi chúng ta ai cũng có nỗi đau riêng của mình.
17/10/201515:51:38
Khách
Bài thơ Mẹ thật hay và cảm động anh Đức ơi! Cám ơn anh đã viết về những nỗi đau mà nhiều người xa xứ như chúng ta vẫn gặp.
Chờ đọc thêm các bài viết khác của anh.
Chúc anh may mắn...
PH
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,345,730
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.