Hôm nay,  

Đại Hội Thánh Mẫu ở Missouri

10/08/201900:00:00(Xem: 16744)
Đại Hội Thánh Mẫu ở Missouri
Tác giả: Dong Trinh
Bài số: 5760-20-31567-vb7081019

Tác giả tên thật Trịnh Thị Đông, hiện là cư dân Arkansas. Bà sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Tới Mỹ vào tháng 8, 1985, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016 và đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Sang năm 2018, Dong Trinh có thêm giải Vinh Danh Tác Giả, thường được gọi đùa là giải Á hậu. Sau đây, thêm một bài mới của tác giả.

Caption: Marian-Days-1
Đại hội 2019

***

Năm 1975, để bảo tồn Hội Dòng, những tu sĩ Dòng Đồng Công đã mang theo trong tim mình ngọn lửa yêu mến Đức Mẹ  và loan truyền lòng yêu mến Mẹ cho những đồng bào Việt Nam đang tha hương trên đất khách quê người.

Năm 1977, nhà Dòng đã quyết định tổ chức ngày tôn vinh Đức Mẹ và kêu mời những người Việt Nam đang định cư tại các thành phố gần nhà Dòng đến tham dự. Số người đến có chừng hơn năm trăm và nhà Dòng lo cả chỗ ngủ lẫn việc ăn uống của người hành hương.

Ngày 3/6/1978 Ngày Thánh Mẫu lần đầu tiên được tổ chức với danh nghĩa là “Ngày Đền Tạ Trái Tim Mẹ”.

Hàng chục ngàn người khắp các tiểu bang ở Hoa Kỳ đã tụ về đây.  Họ giăng lều trại, bỏ giường êm, nệm ấm để đến mấy ngày liền, ngủ lều, nằm đất, chịu đủ thứ bất tiện với niềm tin  và lòng yêu mến Đức Mẹ.

Càng ngày, số người người tham dự càng đông, lên đến cả trăm ngàn. Họ tới và ra về với niềm vui vì được tham gia nhiều sinh hoạt tôn giáo, giáo dục, văn nghệ và thưởng thức những món ăn ngon, độc đáo, vừa túi tiền mà còn gặp gỡ người thân hay được quen biết những người bạn mới. 

Ngày Thánh Mẫu Missouri như ngày truyền thống của gia đình. Với người địa phương của tỉnh Carthage, Ngày Thánh Mẫu đã trở thành một trong năm lễ lớn nhất trong năm (đứng hàng thứ hai sau Lễ Độc Lập), vì nhờ Đại hội mà thành phố  Carthage trở thành một điểm đến quan trọng trên bản đồ nước Mỹ và còn đem lại nguồn lợi kinh tế quan trọng cho địa phương. Một số những người địa phương thời gian đầu cũng hơi bực bội, khó chịu vì cảnh sát đóng đường, cản trở việc đi lại của họ. Tuy nhiên, dần dần họ hiểu, thông cảm, có lẽ, cũng chính là vì sự hiền lành, vui vẻ, tế nhị của khách hành hương đã cảm hóa được họ. Những năm gần đây, người Mỹ đến càng ngày càng đông. Riêng về chính quyền địa phương thì họ rất ủng hộ… bà con đến càng đông thì thu nhập của thành phố càng tăng. Ông thị trưởng từ lâu đã gọi Ngày Thánh Mẫu là ngày của thành phố rồi.

Trước đó cả tuần, người ta đã đến thật sớm để xí chỗ tốt, giăng lều, xung quanh nhà thờ, ai muốn ở khách sạn thì phải đặt chỗ từ tháng giêng, nếu để đến giờ chót thì rất khó mà tìm được khách sạn gần đó .

Trời bên ngoài nóng trên 100 độ F, các lều lớn nhỏ đũ  màu sắc chen chúc bên nhau, quạt máy chạy 24/24, tiếng loa phóng thanh tìm người quen, tiếng nhạc vang rền đủ loại, đủ nhịp, tiếng người chuyện trò râm ran… đến đây, mình có cảm giác như đang đi trong một thành phố nhỏ của Việt Nam trên đất Mỹ với các hàng quán cất san sát nhau, nào Quê Hương, Texas. Florida. California, Biên Hòa, Mỹ Tho… các thực đơn để trên một bảng lớn dựng trước quán thật hấp dẫn như phở, cơm canh rau đay, bánh cuốn chả lụa, bún chả, chè ba màu, bánh bò, cá kho tộ, canh chua lá giang... nhiều lắm, nhiều không kể xiết. À, còn nữa, nếu ai muốn thử món thịt cá sấu hãy đến quán Louisiana, nơi đó bạn sẽ được thưởng thức nào cá sấu xào lăn, nào cà ri cá sấu, khô cá sấu...rất ngon do quý bà trong hội nhà thờ chế biến tài tình, bảo đảm ăn xong sẽ quay lại nữa đó.

Trưa nóng quá hả? Mời ghé  xe nước mía bên đường, ly nước mía mát lạnh, thơm mùi hạnh, ngọt lịm cả người. Chúng ta rảo bước đến quán nhạc Asia nha... Ngọc Huyền mảnh mai với mái tóc dài óng mướt, miệng luôn nở nụ cười tươi khoe hàm răng trắng đều đặn kèm lúm hai đông tiền trên má làm tăng thêm vẻ đẹp của người nghệ sĩ trẻ đa tài... Bạn sẽ được thưởng thức giọng ca cao vút của má chồng cô, nữ ca sĩ Thanh Tuyền vừa đứng bán DVD, vừa chụp hình lưu niệm với khách lại vừa cầm micro hát. Xung quanh nào Nguyên Khang, Đặng Thế Luân, Trúc Hồ... coi bộ khách hàng chiếu cố quán này nhất vì được dịp thấy tận mặt những ca nhạc sĩ mình mến mộ.

Tới đây, tôi lại nhớ đến Việt Dzũng, một ca nhạc sĩ kiêm MC tài hoa. Bài hát “Một chút quà cho quê hương”  từng làm rơi nước mắt nhiều người. 

Nhớ nhiều năm trước khi đi dự đại hội nơi này, tôi thường thấy anh thật giản dị với áo thun đen, ra sân khấu giới thiệu chương trình, nụ cười luôn nở trên môi, giọng Bắc kỳ thiệt dễ thương mỗi khi pha trò. Còn trong quán nhạc thì anh lăng xăng hết chuyện này đến chuyện khác, khán giả muốn chụp hình với anh thì anh ngưng việc thân thiện  nhận lời ngay... Anh đã ra đi đột ngột vào một buổi sáng mùa đông, để lại cho chúng tôi nỗi niềm thương tiếc.

Ta đi dạo những nơi khác nha! Gần khu vực nhà thờ, có một cái bàn nhỏ, hai linh mục dòng Đồng Công với áo nâu sẫm, các cha ngồi đó để trả lời những thắc mắc của giáo dân. Tôi dẫn hai cháu trai, một đứa bốn tuổi, một đứa năm tuổi đi vòng vòng chơi. Khi đi ngang đó, một linh mục nhìn  hai cháu và đột nhiên hỏi:

-Các con có muốn đi tu không?

Hai đứa trê nhìn cha ngơ ngác, rồi cúi đầu xuống  đồng nói:

-Dạ... không...

Cha cười thật to, vỗ nhẹ đầu mấy cháu. Hai thằng bé chắc sợ cha bắt ở lại đi tu nên vội kéo tôi đi cho lẹ.

Quanh quẩn hồi lâu, chợt một trong hai linh mục cũng từ trước mặt tôi tiến tới, ông vừa cười vừa nói với hai cháubé:
-Chào hai ông không muốn đi tu ạ!

Mấy người đi gần đó, nghe cha nói, cười lên quá chừng làm hai chú nhóc mắc cỡ, lôi tôi đi thật lẹ...

Tới trước cửa quán Quê Hương là quán của thành phố nơi tôi cư ngụ, những năm trước khi tôi còn khoẻ, mặc dù không phải con chiên của Chúa nhưng hằng năm tôi vẫn  hay làm giúp cho nhà thờ nhiều loại bánh để bán gây quỹ, Cha Lê Thanh Quang, quản nhiệm nhà thờ Mẫu Tâm tại Fort Smith rất nhân từ, xốc vác, một lòng thương yêu giáo dân, ngay cả người ngoại đạo cần được giúp đỡ ngài cũng rất tận tình. Hằng năm, đến mùa lễ Thánh Mẫu, ông cực lắm, một ngày chạy từ Fort Smith- Carthage không biết bao nhiêu bận để chở thức ăn, đưa rước khách hành hương, rồi phụ lo cho quán...

Những ngày này, nhiều người lấy ngày nghỉ hè, bỏ công việc nhà để đến giúp.

Có ông bà Bác sĩ Hoàng sang đây từ 1975, ngày thường ông thật trang nghiêm trong chiếc áo blouse trắng với bệnh nhân, vậy mà khi đến đây phụ giúp, ông giản dị vơi bộ áo quần mùa hè, đi từng bàn dọn dẹp, lượm rác ở dưới đất. 

Cô Thơ, chủ một nhà hàng lớn nơi tôi ở thì rất bình dân, quần xăn tận gối, đi thu chén dĩa dơ để rửa, mấy em học sinh cũng lăng xăng đi lấy order của khách, dù mệt nhưng trên nét mặt người nào cũng lộ vẻ hân hoan vì đông thực khách, người mua, kẻ bán, nói nói cười cười...

Tôi định bước vô quán, chợt dừng lại, trước mặt tôi một người đàn bà đang đi cạnh chồng, dừng lại, níu áo người đàn ông khác đang đi ngược chiều với vợ. Chuyện  gì xảy ra? Chúng tôi tò mò, thắc mắc. Tiếng người đàn bà hỏi ông kia:
-Anh  có phải là anh X?

-Vâng, tôi đây!
-Chúa ơi! Em đây, em là Y đây...

Cả hai nhìn nhau sững sờ trong giây phút rồi ôm chầm nhau khóc mùi mẫn… Người xung quanh vây lấy hai người mỗi lúc một đông, vợ ông này và chồng bà kia ngỡ ngàng ... Vài phút sau..., bình tĩnh lại, bà Y nói cho mọi người biết, năm 75, chiến cuộc lan tràn, bà và ông X là đôi vợ chồng mới cưới, những ngày cuối tháng 4/75, mọi  người đang xôn xao trước tình hình chiến sự ngày một gia tăng, chồng bà đang ở một tỉnh xa chiến đấu để bảo vệ đất nước, bà lo lắng chạy đôn chạy đáo tìm cách liên lạc với chồng. Theo dòng người, bà chạy theo nhóm người di tản và cuối cùng đến Mỹ. Thời gian sau bà có chồng khác, là người đàn ông bên cạnh.

Còn ông, như bao quân nhân bại trận khác, ông Y bị tù đày, khổ ải. Sau nhiều năm khổ nhọc, ông trở về tìm lại vợ nhưng bặt tin. Sau đó Ông lập gia đình với người đàn bà hiện tại và sang Mỹ theo diện HO.

Hai người vừa khóc vừa nhắc chuyện xưa, nói tới hiện tại và giới thiệu nhau vợ chồng của họ. Chúng tôi vây quanh nghe. Người  nào cũng rơi nước mắt trước cảnh trùng phùng ngang trái này.

Những gì tiếp diễn về sau tôi không được rõ, chỉ biết và tin sự linh ứng của Đức Mẹ Maria đã cho họ có cơ hội gặp lại sau nhiều chục năm xa cách, dù trong nghịch cảnh!

Trên loa phóng thanh tiếng rao tìm người thân vẫn còn vang lên của người khắp nơi đang tìm về với Mẹ.

Khoảng ba giờ chiều, đột nhiên mây đen kéo tới, gió thổi mạnh, báo hiệu sẽ có một trận mưa lớn. Mọi người chạy vào các quán ăn để tránh mưa, ai nấy lộ nét buồn, thất vọng vì còn một tiếng nữa là đến giờ rước kiệu, nếu mưa đổ xuống thì làm sao đây?

Gió càng lúc càng nhanh, tiếng mưa rơi trên mái lều nghe rào rào, cái oi bức đã biến đi nhưng trong lòng ai ai cũng nghe nôn nóng, mong sao mưa dứt hạt để kịp giờ rước lễ.

Quả là Đức mẹ linh ứng, bầu trời bỗng nhiên sáng lên, mưa tạnh hẳn, ai nấy thở phào, mừng rỡ kéo nhau đến nhà thờ. Tôi không phải Công giáo nhưng vẫn tôn kính Chúa, Đức Mẹ như tôn kính chư vị Phật, tôn giáo nào cũng dạy chúng ta điều hay lẽ phải hết,

Theo dòng người chúng tôi yên lặng, trật tự theo sau kiệu ra khỏi khu vực lễ. Ngoài đường, hai bên nhà của những người Mỹ ở đó, họ đứng trước cửa coi, nhiều nhà để một cái bàn, thùng nước đá, nhiều chai nước lọc  ly giấy và một cái bảng lớn bên cạnh với chữ FREE. Thỉnh thoảng có người ghé vô lấy nước uống rồi hoà nhập vô đoàn hành hương. Tôi thật cảm động trước hình ảnh trên. Mặc dầu đây là lễ của người Việt Nam, với hàng trăm ngàn người về dự mỗi năm. Ít nhiều gì cũng có làm phiền đến đời sống hàng ngày, phá tan yên tĩnh nhưng họ không lấy làm bực bội mà trái lại tỏ ra quan tâm, giúp đỡ cho cộng đồng người Việt chúng ta, dù chỉ là một ly nước lạnh hay có nhà còn cho khách từ phương xa về dự lễ cắm lều trong sân, cũng cho ta thấy được tình người  với nhau.

Sau cơn mưa, trời quang mây tạnh, đoàn rước kiệu đi vòng mấy con đường rồi quay lại nhà thờ dự lễ, không khí mát dịu, ai ai cũng hân hoan nghe lời rao giảng của cha và sau đó là chương trình văn nghệ của Asia với các tiết mục thật hay từ những ca sĩ nổi danh trước và sau năm 1975.

Bản nhạc cuối cùng chấm dứt, chúng tôi lại tiếp tục đi vòng quanh trong khuôn viên nhà thờ.  Hàng quán vẫn đông đảo người ngồi thưởng thức các món ăn đặc biệt, vừa ngon, vừa rẻ, tiếng nhạc xập xình, tiếng cười nói xôn xao.

Thình lình, một người đàn ông trạc tuổi tôi, từ trong lều nhạc Asia gọi đúng tên tôi. Quay qua, tôi nhìn anh ta, ngạc nhiên vì không thấy một nét quen thuộc nào hết.  Có lẽ đoán được tôi đang thắc mắc về mình, ông ta nói vội:

-Chị không nhớ tui phải không?  Tui là Minh, hồi nhỏ ở xóm Hủ Tíu Cây Dừa nè. Tui học chung lớp với Khánh, em chị đó!
Nghe vậy thì biết vậy chứ tôi chẳng tài nào nhớ nổi anh Minh này là ai. Tuy nhiên, nghe người cùng xứ, cùng xóm, lại là bạn học của em trai, cũng đủ thấy vui. Hỏi thăm gia đình, bà con lối xóm, Minh cho biết mới qua Mỹ sáu bảy năm nay, rồi kể chuyện xóm cũ, nhắc tên những người quen.

Thật là kỳ diệu! Cả rừng người Việt Nam, người qua kẻ lại đông đảo vậy mà cũng có những cuộc gặp gỡ bất ngờ.

Tháng Tám lại về, dòng người khắp nơi trên nước Mỹ lại đổ xô về đây, mong sẽ có nhiều cảnh trùng phùng của kẻ tha hương ngộ cố tri như tôi đã từng chứng kiến, như tôi đã được may mắn gặp lại người đồng hương, cho dù cho đến nay, tôi cứ cố moi trong cái trí già nua lẩm cẩm này hoài mà vẫn không tài nào nhớ được anh chàng Minh ở xóm Hủ Tíu Cây Dừa là ai!

Fort Smith, 08-03-2019

Dong Trinh

Ý kiến bạn đọc
17/08/201900:10:04
Khách
Năm ngoái HCU cũng đi dự Đại hội; cả ngày trời nắng gay gắt đến nỗi HCU tưởng không tham dự được, vì dễ bị xỉu khi trới quá nóng; nhưng gần lúc rước kiệu lại mát dịu. Sau đó khi mọi người tập trung ra chuẩn bị lễ chiều, ông xã rủ HCU vô nhà thờ (lúc đó rất vắng vì mọi người ra sân hết) để chụp hình với Đức mẹ. Vậy mà HCU lại gặp được cậu học trò đã hơn 35 năm không gặp lại; hai cô trò quá sức cảm động... Ngoài ra, HCU cũng được cặp vợ chồng rất tốt, (ở giáo xứ Mẫu Tâm, Chicago) nhường chỗ cho ngồi và còn che dù cho HCU; chị còn hẹn năm sau (2019) cứ đến tìm chị ngay đúng chỗ đã gặp chị lúc ấy. Đúng như chị Đông Trinh đã viết: có nhiều cảnh gặp lại người quen cũ, và nhiều người kết được bạn mới trong dịp đại hội này!
11/08/201909:57:08
Khách
Suốt bao nhiêu năm cứ nghe đồn về đại hội Thánh Mẫu ở Missouri. Hôm nay được đọc bài viết của chị thấy thích quá. Chắc một ngày nào phải... đi cho biết đó biết đây!

Thưa anh hay chị “Khách”! Trên đời này thiếu gì luật với lệ nhưng đâu phải ai cũng giữ được đâu🤓🎶🎶...
10/08/201923:17:06
Khách
Cảm ơn anh Lê Như Đức, Nguyen Bao, và Khách đã đọc bài, cho Ý kiến, tôi rất vui nhận được đóng góp của các bạn.
Xin thân ái chúc các bạn luôn vui khỏe nha!
10/08/201922:27:47
Khách
Trích: "Thời gian sau bà có chồng khác, là người đàn ông bên cạnh.
Sau nhiều năm khổ nhọc, ông trở về tìm lại vợ nhưng bặt tin. Sau đó Ông lập gia đình với người đàn bà hiện tại và sang Mỹ theo diện HO. "

Chắc đây là những người không phải đạo Công Giáo. Vì đạo CG không cho phép tái hôn khi người kia chưa được xác nhận là đã chết.
10/08/201916:32:42
Khách
Một bài viết hay. Đọc mà cảm thấy háo hức muốn đi dự .
10/08/201915:27:29
Khách
Trích: “Quả là Đức mẹ linh ứng, bầu trời bỗng nhiên sáng lên, mưa tạnh hẳn, ai nấy thở phào, mừng rỡ kéo nhau đến nhà thờ”.
Tôi theo đạo Phật nhưng vẫn thường đi dự đại hội nhiều lần, bắt đầu từ năm 1987. Tuần trước, tôi đi rước kiệu ngay đầu, chỉ đi sau mấy cháu cầm cờ. Cậu con trai tôi và tôi ướt đẫm từ đầu tới chân. Mưa như trút nước, chỉ tạnh sau hơn một giờ. Vợ tôi phải vào ngồi lại trong xe.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 843,976,253
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.
Nhạc sĩ Cung Tiến