Hôm nay,  

Bến Vắng

19/03/201900:00:00(Xem: 15884)
Người viết: Đoàn Thị

Bài số  5644-20-31450-vb3031919

 
Tác giả định cư tại Pháp nhưng thường lui tới với nước Mỹ, tham gia Viết Về Nước Mỹ từ tháng Ba 2010. Họp mặt giải thưởng năm 2011, bà đã bay từ Paris sang California để nhận giải Vinh Danh Tác Giả -thường được gọi đùa là giải Á Hậu. Sau đây, thêm một bài viết mới.

 
***
 

Ngày Sàigòn bị đổi tên đám bạn trung học, đại học lang bạt mỗi đứa một phương, Chi bạn trung học là đứa ở gần nhà Lan nhất trong cư xá VN Thương Tín gần phi trường Tân Sơn Nhất.

Bố Lan mất việc, ba Chi đi tù cải tạo, dân VNCH rơi xuống tầng lớp nghèo rách mồng tơi, tủ bàn ghế được đẩy ra chợ trời đổi lấy gạo than, căn nhà trở nên trống huyếch tan hoang, rộng thênh thang nhìn muốn khóc.

Tuy không chung Đại Học, Chi học Dược, Lan Sư Phạm, nhưng thỉnh thoảng hai đứa rủ nhau đi ăn hàng ngoài chợ Trương Minh Giảng nên tình bạn giữa hai đứa vẫn khắng khích như thuở học trò.

Sáu tháng, một năm sau tháng tư đen, cái loa trên cột điện mỗi ngày cố hét, "giải phóng Miền Nam, chúng ta cùng quyết tiến bước…" nhắc nhở dân Cộng Hòa Tự Do, Độc Lập bây giờ chỉ là dĩ vãng.

Cán cuốc tập kết, tụi nằm vùng "hồ hởi phấn khởi" Nam tiến vơ vét của cải của dân "tàn dư chế độ cũ" từ cái đài, máy khâu (radio, máy may), đến chiếm dụng nhà đất, dở trò cướp bốc qua đợt đổi tiền, 500 đồng tiền Sàigòn chỉ bằng 1 đồng hồ tệ, tệ nạn tham nhũng của vixi phát triển khắp Miền Nam.

"Bên Thua Cuộc" bị hạ xuống hàng công dân hạng bét, cựu quân cán chính đi tù mọt gông, con cháu VNCH bị kỳ thị, bạc đãi bỡi chính sách thanh lọc khắc nghiệt. Một nửa đất nước hoảng loạn mất chồng, cha anh trong tù CS, mất nhà vì bị lùa đi kinh tế mới.

Năm 1977 Chi báo tin sắp lấy chổng, Lan nhìn bạn trân trân:

- Hồi nào giờ có nghe mi bồ bịch chi đâu, răng mà cưới, bị tiếng sét ái tình hỉ?

Chi cười cười:

- Sét siết cái gì, già chát rồi, ở đó làm hủ mắm hù dọa tía má tao sao.

Lan tò mò:

- Hắn là ai, bạn bè hay người lạ, đừng nói là cán cuốc nhe, kẻ thù của ba mi đó, tao ngửi không nổi lũ cán ngố.

Chi lắc đầu:

- Anh hàng xóm, dân "Thua Cuộc" như tụi mình.

Lan chưa tha cô bạn:

- Đẹp xấu, con nhà ai, học hành tới đâu?

Chi giẫy nẩy:

- Mi hỏi gì như lấy cung phạm nhân vậy, từ từ tao kể cho nghe.

Anh Danh ở cách nhà tao hai con hẻm, nhà anh nghèo nhưng anh siêng năng làm việc, chuyên đi sửa nhà cho cán cộng kiếm bộn bạc.

Vừa rồi anh vay tiền nhà tao mua căn nhà của dân đi kinh tế mới sửa lại bán lời mấy cây vàng đó, anh biếu má tao năm chỉ vàng má tao từ chối, bà bảo để cho anh làm vốn.

Lan thở phào nhẹ nhỏm, mừng cho bạn có bến đỗ an toàn, chợt tủi thân mình "gái gìa" ế chỏng gọng,  nỗi lo vô bờ bến của bố mẹ.

Tội nghiệp hai cụ đang buồn vận nước điêu linh, lo cho anh Long cựu sĩ quan VNCH đi tù cải tạo chưa có ngày về, Lan như hũ mắm chưa biết di dời về đâu khiến hai cụ mất ăn mất ngủ.

Trước ngày anh Long xách ba lô đi trình diện, anh dặn Lan:

- Em ở nhà lo cho bố mẹ thay anh, nhớ đừng làm hai cụ buồn.

Lan gật đầu không dám khóc trước mặt anh, anh đi rồi gia đình càng neo đơn hơn, đêm đó Lan không tài nào chợp mắt.

Chuyện anh đi làm bố mẹ buồn lắm, nhưng đó là ngoài ý muốn của mọi người, còn chuyện chồng con của Lan thì nàng có thể đổ lỗi cho ai chịu trách nhiệm nếu không là lỗi của mình.

Lan chưa kịp yêu ai thì bộ đội lù lù đi "bộ" từ Bắc "đội" chủ nghĩa Mác Xích bá vơ xâm chiếm Miền Nam, hành hạ dân Cộng Hòa khiến nàng thất kinh hồn vía, thấy họ sợ xanh mặt yêu sao nổi.

Con trai bên thua cuộc hiếm như gạo thịt thời bao cấp, Xếp Hàng Cả Ngày (XHCN) chỉ mua được vài ký gạo tạp nhạp, Lan biết xếp hàng ở đâu để mang về một anh "tàn dư chế độ cũ" cho bố mẹ an lòng.

Năm năm sau ngày Sàigòn bị đổi tên, anh Long được thả về nhà, dẫn theo anh bạn tù nối khố trong trại cải tạo, anh Minh nghỉ ngơi ở nhà Lan vài ngày trước khi quay về Bảo Lộc tìm lại gia đình.

Thế là cô nàng yêu, chỉ vài ngày ngắn ngủi đó hai đứa có lần tay trong tay nhìn lên trời hát "Con quỳ lạy Chúa trên trời…" là biết chúng mình bị tiếng sét đâm thủng con tim.

Trước khi về Bảo Lộc, anh hứa sẽ liên lạc với Lan sau khi tìm gia đình,  anh bị VC bắt trên đường tháo chạy từ Miền Trung đầu tháng 4 năm 1975 đi tù đến bây giờ mới được thả ra.

Anh đi rồi, Lan tương tư vào ra ngẩn ngơ, choáng ngợp với mối tình đầu chợt đến vụt xa như sao xẹt. Nàng trằn trọc cả đêm chả vì vận nước điêu linh, mà vì nhớ đến cái nhìn âu yếm, tay anh nắm tay Lan, ôi cái thuở ban đầu làm nàng mơ mộng bất kể ngày đêm.

Lan trở chứng bất tử như rứa làm răng qua mắt mẹ được, cơm khê, canh mặn, luộc rau nát nhừ, nhân hôm bố dẫn anh Long đến chỗ quen biết để tìm việc làm, nhà chỉ còn hai mẹ con với nhau.

Mẹ lôi Lan ra salon hạch hỏi:

- Con làm gì như bị ma ám vậy, cơm canh chả ra làm sao cả, nói mẹ nghe chuyện gì khiến con ra nông nổi?

Không dám bật mí chuyện yêu đương chớp nhoáng của mình, Lan đành nói dối:

-  Chuyện thi đua trong cơ quan đó mà, lúc nào cũng phải vượt chỉ tiêu chán lắm mẹ ạ.

Mẹ tạm chấp nhận cho qua, nhưng Lan chắc mẹ vẫn thầm theo dõi mình nên nàng phải "tịnh tâm", mặc dù đang giận anh vu vơ vì anh tàng hình mấy tuần nay bật vô âm tính.

Rồi Lan lại nghĩ lan man, hay là anh đã có bồ nên quên nàng thật rồi, thế là nàng lại mất ngủ, một ngàn lẻ một câu hỏi làm Lan muốn điên đầu, ai bảo tình yêu là tuyệt vời, yêu là chết trong lòng thế đấy.

Nhờ người quen của bố dẫn dắt anh Long ra đường Nguyễn Huệ, Hàm Nghi buôn thuốc Tây chui, kiếm khá tiền nhưng dễ bị công an bắt thu hết vốn liếng thuốc men trong nháy mắt, trắng tay như chơi.

Một hôm anh Minh xách ba lô gõ cửa nhà Lan, nàng mừng húm định nắm tay anh kéo vô nhà, nhưng khựng lại vì mẹ tò tò sau lưng.

Giọng mẹ sang sảng:

- Minh đấy à, vào nhà chơi, chờ lát nữa Long về ăn cơm với cả nhà luôn.

Anh đặt ba lô xuống nền nhà, ngồi vào ghế salon, mẹ rót trà hỏi anh:

- Cháu đã tìm được gia đình chưa?

Giọng anh buồn hiu:

- Gia đình cháu đã di tản trước ngày 30 tháng 4 đang sống bên Canada bác ạ, căn nhà ngay phố đã bị VC tịch thu, cháu đến nhà chú của cháu ở tạm cả tháng nay.

Mẹ hỏi tiếp:

- Thế bây giờ cháu tính sao?

Anh ngập ngừng:

- Cháu định gặp Long xem có cách gì làm ăn sinh sống trong lúc này.

Mẹ gợi ý:

- Hay là cháu đi buôn thuốc Tây với nó, kiếm tiền cũng khá, tuy hơi phiêu lưu.

Từ đó anh ở lại nhà Lan, và nhờ tiền ba má anh gửi từ Canada, anh hùn vốn với anh Long buôn thuốc tây kiếm được bộn bạc, tuy thỉnh thoảng cũng bị công an trấn lột hết sạch sở hụi trong ngày.

Anh Minh tiết lộ chuyện anh với Lan cho anh Long biết, anh không muốn tiếp tục lén lút hẹn hò với Lan chỗ xe nước mía đầu ngõ, rồi báo cho Lan biết để nàng liệu hồn.

Y như rằng, sau bữa cơm chiều, anh Long kéo Lan ra hàng hiên trước nhà tra khảo:

- Bé, mi bồ bịch với nó hồi nào mà anh không biết?

Lan lí nhí:

- Thì từ lúc anh Minh đến ở nhà mình.

Anh trố mắt:

- Yêu chi mà nhanh như tia chớp vậy, hắn mới ở nhà mình có mấy tháng mà mi yêu rồi.

Lan nói đại:

- Tình yêu đâu bắt buộc có hạn định, bộ anh không nghe người ta nói, tình yêu sấm sét sao.

Anh Long cười:

- Ừ mi yêu hắn cũng được, cũng đã đến tuổi rồi, may mà nó là đứa hiền lành, tử tế.

Năm sau anh Minh về Bảo Lộc nhờ chú thím của anh đại diện nhà trai đến nhà Lan làm đám hỏi, sáu tháng sau hai đứa làm đám cưới trong vòng thân mật, vài năm sau vợ chồng Lan  đi đoàn tụ với gia đình anh Minh bên Canada.

Trước ngày rời VN Lan đến thăm Chi, sau khi lấy anh Danh, vợ chồng Chi ra riêng, căn nhà anh Danh mua lại của một gia đình vượt biên bán chính thức, được tân trang từ trong ra ngoài khá khang trang.

Chi mở cửa, Lan giật mình không nhận ra cô bạn chỉ vài năm trước, ngày lấy chồng bạn xinh tươi yêu đời lắm, giờ nhìn bạn héo hắt quá.

Vừa ngồi xuống ghế, Lan hỏi ngay:

- Chi chuyện gì xảy ra khiến mi xuống sắc, tiều tụy thế này?

Chi rơm rớm nước mắt:

- Khổ lắm Lan ơi, mình lấy chồng vội quá, chưa kịp tìm hiểu, lấy rồi mới biết, anh Danh không yêu mình như mình nghĩ. Sau này làm ăn lớn có chút tiền rủng rỉnh anh bù khú với đồng nghiệp, chuyện gái gú không thể thiếu lúc trà dư tửu hậu. Vợ chồng không còn mặn nồng như lúc trước, có khi cả tháng hai đứa mới ngủ với nhau một lần, tao làm sao sánh bằng gái trẻ bia ôm sành sỏi phục vụ đàn ông, hạnh phúc của mình mong manh như chuông treo mành chỉ Lan ơi.

Chưa dứt câu Chi khóc nức nỡ, Lan ôm choàng lấy bạn, không ngăn được dòng nước mắt thương bạn một nách hai con sống dở chết dở với anh chồng lang chạ, thương phụ nữ VN cả đời chỉ có một tấm chồng.

Nếu cách đây vài năm Lan mừng cho bạn có bến đỗ thì bây giờ nàng buồn cho phận gái mười hai bến nước mà Chi đang ngụp lặn trong vũng nước xoáy đục ngầu.

***

Định cư một thời gian bên Canada, thỉnh thoảng vợ chồng Lan qua Cali thăm cô út, cô Duyên của Lan cùng chồng đi Mỹ theo chương trình HO từ năm 91 sống ở tiểu bang lạnh.

Sau ngày chú qua đời, các con đã ra riêng, có đứa ở tiểu bang xa, tỵ nạnh nhau việc chăm sóc mẹ già nên chúng nó đưa cô vô nhà dưỡng lão.

Năm nay cô yếu nhiều, Bảo con của cô báo cho Lan biết tình hình sức khoẻ của cô nên vợ chồng nàng sang đây ngay.

Bảo đưa Lan vào thăm cô Duyên, cô ngồi bên cửa sổ, đôi mắt đục ngầu vật vờ như người say thuốc vì phải uống thuốc an thần và thuốc đặc trị khác.

Lan đến bên cô, cô nhíu mày nhìn Lan một lúc, ngạc nhiên nhận ra Lan, hai cô cháu ôm nhau nước mắt ràn rụa.

Cô thều thào:

- Con Lan đây mà.

Tỉ tê một lúc với cô, Lan hứa mỗi ngày sẽ đến thăm cô cho tới lúc trở về Canada, lòng nàng se thắt thương bà cô già hẩm hiu bơ vơ như con thuyền không bến ở tuổi gần đất xa trời, lạc loài trong thế giới u tịch mà thời gian không mang tính thời gian của xã hội bên ngoài.

Hôm sau lang thang trong chợ VN, Lan tình cờ gặp Chi, cô bạn thân có nốt ruồi "tham ăn" trên môi bên trái không lẫn vào đâu, Chi vẫn mang vóc dáng xưa, thanh tao mặn mà, dù đã hơn sáu mươi năm cuộc đời.

Lan đến bên cạnh Chi, nói nhỏ:

- Chào chị, hồi trước ở VN hình như chị ở cư xá VN Thương Tín, gần phi trường Tân Sơn Nhất?

Chi quay nhìn Lan, sau cặp kiếng cận, cô nàng chớp mắt:

- Lan phải không?

Hai người ôm nhau nước mắt chực trào, sau khi trả tiền chợ, họ kéo nhau ra bên ngoài, hai người trao nhau số điện thoại và hẹn gặp lại nay mai.

Hai hôm sau con cô út đưa Lan đến khu mobil-home dành cho người già, chỗ ở hiện tại của Chi.

Lan mở lời:

- Mi đi Mỹ hồi nào, giờ sống ra sao, mấy đứa nhỏ có gia đình chưa?

Chi chậm rãi:

- Lại cái kiểu "hỏi cung" như ngày xưa, chuyện của tao dài lắm, kể chuyện mi trước đi.

Lan cười:

- Chúa thương đời tao bình thường, vui buồn có đủ, ở tuổi xế chiều, tao cảm ơn bố mẹ nuôi dưỡng, chồng con đã cho tao cuộc sống yên bình.

Chi hỏi:

- Các cháu đã lập gia đình chưa?

Lan gật đầu:

- Thằng lớn một vợ hai con, con bé Ti lấy Tây, thằng "cànadiên" dễ nuôi lắm, mắm muối VN ăn ngon lành, tao có hai cháu nội ba cháu ngoại, anh Minh và tao nghỉ hưu từ năm ngoái nên mới sang đây chơi.

Chi thắc mắc:

- Mi qua đây chơi với ai?

Lan thở dài:

- Cô út của tao, mi còn nhớ cô Duyên không, vợ chồng cô là dân HO đi Mỹ năm 91, con cái ra riêng, chồng cô chết mấy năm nay, tụi nhỏ đưa cô vô nhà dưỡng lão tội nghiệp lắm.

Chi nói như cho riêng mình:

- Biết sao bây giờ, đoạn cuối cuộc đời đôi khi mình không tự quyết định được đành phó cho số phận.

Lan cầm tay Chi:

- Còn mi thì sao, ông Danh đâu rồi, mấy đứa nhỏ nữa.

Giọng Chi run nhẹ:

- Tụi tao vượt biên năm 83 đến đảo chờ đến năm 85 mới được đi Mỹ, thời gian đầu vợ chồng bù đầu với công ăn việc làm thế mà vui. Vài năm sau có tiền rủng rỉnh chứng nào tật đó, ảnh giao du với mấy mợ trẻ hơn tao, chủ văn phòng Địa Ốc, tình tiền dư thừa chỉ cần anh mạnh dạn bỏ rơi vợ con là xong.

Đến nước này có cố gắng chịu đựng, làm lơ níu kéo cũng không xong, mợ kia với túi bạc nặng chịt hạ sát tình nghĩa vợ chồng tụi tao nhẹ tênh.

Lan an ủi bạn:

- Ngay từ đầu tao không có thiện cảm với ông Danh, hồi còn bên nhà tao đã nản cho mi rồi, giờ thì chịu thua số phận, vậy mấy đứa nhỏ theo ai?

Chi trầm ngâm:

- Chúng nó không ghét bố nhưng không lui tới với ổng vì không ngửi nổi mụ kia, số tao gặp ông Danh khổ ngay từ đầu rồi.

Lan ấm ức:

- Giá hồi xưa mi bỏ lão đâu phải khốn đốn mấy chục năm với kết cuộc hẩm hiu như vầy.

Giọng Chi thiểu não:

- Đàn bà khổ lắm, đã lấy chồng thì phải sống cho hết kiếp, nhưng đàn ông họ có nghĩ như thế đâu, thôi vào bếp ăn bánh đúc với tao, tối nay mi ngủ lại đây tụi mình tha hồ tâm sự.

Đêm đó hai người chuyện trò cả đêm đến rạng sáng mới chọp mắt, Lan thương bạn không may vớ phải anh chồng bạc tình, sau khi chia tay lại lãnh hậu quả bất công của một số người kỳ thị mấy bà bị chồng bỏ.

Trong nhóm bạn bè của vợ chồng Chi, mấy bà còn chăn êm nệm ấm với chồng lần lượt xa lánh Chi, họ lo ngại chồng mình sẽ len lén nhìn Chi, tệ hơn nàng sẽ sà vào lòng anh chồng già của mấy mợ để tìm hơi hám đàn ông.

Biết đâu vài ông bỗng thương xót, thương cảm, thương tình chi đó một cành hoa vừa bị vứt vào sọt rác, chạy đến ủi an thật tình hay "giả tình" dễ gây hiểu lầm khiến nạn nhân lãnh thêm búa rìu dư luận.

Đi tiệc hay đến nhà bạn dùng cơm Chi cảm thấy ngộp trước ánh mắt nghi ngại của mấy bà, những lời thăm hỏi không phải để an ủi mà xăm xoi, dò la xem Chi có ý định tìm một bờ vai "giải sầu" cho bớt cô đơn.

Giời ạ, sao các bà lắm tưởng tượng đến thế, một đời chồng bạc bẽo Chi đã muốn chết, suýt hóa điên bao nhiêu lần, làm sao nàng đủ can đảm ở tuổi xế chiều đi tìm đàn ông.

Chi như con chim bị trúng tên chao đảo, va đập vào vách đá bầm dập đến ngả quỵ, tự trói mình trong căn nhà vắng bóng anh chồng tệ bạc, lần đầu tiên trong đời nàng cảm thấy cô đơn, trơ trọi, bơ vơ.

Dù sống bên Mỹ Chi vẫn chịu ảnh hưởng phong tục VN, xuất giá tòng phu, trong nhờ đục chịu, nếu bị bỏ rơi người đàn bà khó có cơ hội làm lại cuộc đời.

Vì sợ, vì muốn tránh viễn cảnh mịt mờ đó mà Chi đã câm lặng chịu đựng cho đến lúc anh chồng chán chê thì thôi.

Như bao phụ nữ bị chồng ruồng bỏ hay mang mặc cảm phạm phải tội tày đình, tự ti như vừa bị đánh mất nhân cách và cả cuộc đời còn lại của mình, Chi cũng không ngoại lệ.

Bây giờ Chi chỉ mong được bình yên, tìm một chút tình bạn làm vui cuối đời, nhưng tìm đâu ra tấm chân tình hiếm quý đó ngoài những người đàn bà góa chồng hoặc cùng cảnh ngộ như nàng.

Họ mất tự tin, mang mặc cảm đáng sợ là người lẻ đôi dù bất cứ lý do nào cũng bị "kỳ thị" như người tàn tật, họ tự ti đến độ chạy trốn đám đông.

Sau khi trở về Canada Lan thường xuyên gọi điện thoại cho Chi khuyên bạn đừng giam mình trong căn nhà hoang vắng, hãy bước ra xã hội để thay đổi và sắp xếp lại cuộc đời mình.

Nghe lời bạn, Chi ghi tên vào lớp hướng dẫn sử dụng computer, học hát, tập Yoga…, tại đây Chi quen biết thêm một số bạn cùng trang lứa, cùng cảnh ngộ, có người có hoàn cảnh còn tệ hơn nàng.

Ngoài những sinh hoạt trên, họ tham gia công tác từ thiện, thỉnh thoảng rủ nhau đi chơi đó đây, các chị một thời bơ vơ lạc lõng giữa chợ đời gần như hóa rồ nửa tỉnh nửa mê đang hồi sinh, lập lại trật tự cho chính mình.

Họ ngồi lại với nhau, vá lại vết thương lòng, làm lại cuộc đời trên đống hoang tàn từ quá khứ, bến vắng đời Chi, đời các chị giờ đây bớt hoang vu, họ cùng nắm tay nhau đứng lên tự xóa bản án oan nghiệt người đời đã gán ghép cho thân phận đàn bà lẻ đôi, lẻ bóng.

Mars 2019

Đoàn Thị

Ý kiến bạn đọc
29/04/201902:28:21
Khách
Chị ơi, hai tháng rồi em không đọc VVNM. Mấy hôm trước em “ngấu nghiến” thật nhiều những bài viết của hai tháng qua với tốc độ... ánh sáng!
Hôm nay em có thời giờ đọc lại bài viết này của chị. Thật không ngờ thấy hay quá! Bài viết xuyên suốt hết cả đời người. Có yêu thương, có si mê, có thăng trầm nổi trôi hạnh phúc...
Đọc đến cuối bài chợt thấy thương hết tất cả những người một mình, một bóng cô đơn!
Sao thấy lòng những bâng khuâng, khắc khoải, ngậm ngùi...
21/03/201906:24:26
Khách
Cảm ơn chia sẻ chân tình của bạn Houston, hẹn bạn ở một bài viết khác.
Chúc bạn luôn vui khỏe.
21/03/201900:24:35
Khách
Bai viet rat hay, rat that. Cam on tac gia nhieu. Xin chuc tac gia va gia dinh duoc nhieu suc khoe, va moi su an binh.
20/03/201920:40:37
Khách
Cảm ơn Hà Nội, Docgia, Van Tran, Nguyen Bao đã chia sẻ cảm nghĩ.
Chúc quý vị một ngày an vui.
20/03/201906:20:19
Khách
Bài viết hay. Mong được đọc thêm các bài viết kế tiếp .
19/03/201920:32:33
Khách
Bài viết có rầt nhiều câu văn ví von nên càng đọc càng thấy hay.

Trong số những bạn bè phái nam của tôi ở Mỹ , có những người, vì lý do này hay lý do khác, vẫn độc thân - ngay cả không con cái, dù họ có lợi tức khá và tính tình tốt. Nên có thể nói rằng , ở cả hai giới tính nam và nữ, đều có những " bến vắng ", nhưng vì không có duyên nợ, nên không thể kết hợp với nhau.

Hic, phụ nữ Việt nam còn có cơ hội kết hôn với đàn ông bản xứ, chớ còn chuyện xây tổ ấm giữa đàn ông Việt và phụ nữ bản xứ thì ít khi xảy ra.
19/03/201920:27:50
Khách
May ba gia viet chuyen lam cam qua , giong truyen Tuoi Hoa loai hoa tim truoc 1975 , doc xong xiuuuuu luon .
19/03/201917:05:13
Khách
"Phận gái mười hai bến nước, trong nhờ đục chịu" các cụ xưa đã nói như thế, nhưng không vì vậy mà mình cứ ngồi đó mà khóc thương cho số phận không may sau một lần đổ vỡ.
Lan khuyên bạn "đừng giam mình trong căn nhà hoang vắng, hãy bước ra xã hội để thay đổi và sắp xếp lại cuộc đời mình" là đúng, có rất nhiều việc minh có thể cùng làm với bạn gái đồng trang lứa như tập thể dục, học đàn, học vẽ... tốt cho tinh thần lẫn thể xác làm cho ta yêu đời và khỏe mạnh.
Rất may là cô Chi đã nghe lời khuyên của bạn để cùng nhau vui hưởng phần còn lại của cuộc đời.
19/03/201915:22:04
Khách
Lại một bài chẳng liên quan gì đến nước Mỹ được VB cho đăng trên mục Viết Về Nước Mỹ. Xin trân trọng đề nghị VB mở mục viết về VN hay vìết văn chung chung để cho những bài lạc đề như vầy vào đó. Thật đáng buồn khi các bài chẳng liên quan gì đến nước Mỹ như vầy lại trúng giải cuộc thi Viết Về Nước Mỹ. Rõ ràng trong thể lệ cuộc thi ban tổ chức nói rằng các bài viết có càng nhiều chi tiết vể hội nhâp vào nước Mỹ càng tốt.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 843,993,714
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.
Nhạc sĩ Cung Tiến