Hôm nay,  

Chị Hai Tôi!

19/10/201700:00:00(Xem: 13829)
Chị Hai Tôi
Tác giả: Dong Trinh

Bài số 5246-19-31089-vb5101917

 
Tác giả hiện là cư dân Arkansas, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Bà  tên thật Trịnh Thị Đông, sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Với bút hiệu Dong Trinh, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016, và luôn cho thấy sức viết mạnh mẽ và cách viết đơn giản mà chân thành, xúc động. Sau đây là bài viết mới nhất.

 
***
 

Là chị lớn nhất của mười một đứa em, thuở nhỏ chị Hai rất cực. Ngoài giờ học ra, chị Hai phải phụ má tôi để chăm sóc cho đàn em nhỏ.

Năm mười tám tuổi, chị đi dạy học ở Bến Cát, một quận nhỏ cách nhà hai mươi hai cây số. Một thời gian sau chị được thuyên chuyển về gần nhà. Má tôi thường nói với chúng tôi, chị Hai là người con hiếu thảo. Mỗi tháng lãnh lương, chị chừa đủ tiền đi xe, còn lại đưa hết cho má để phụ nuôi mấy anh chị em tôi,  dù ba tôi có đi làm và trong nhà còn có nguồn thu nhập khác từ chiếc xe lô chạy đường Bình Dương -Sài gòn.

Hồi nhỏ, tôi thích lục lạo kệ sách riêng của chị để coi những quyển sổ soạn bài của chi. Chị viết chữ rất đẹp nhất là khi chị viết những tựa bài bằng ngòi viết rông, nét to nét nhỏ hài hoà, nổi bật trong các bài được soạn sẵn trước khi giảng dạy.

Hồi  đó, mỗi lần chị Hai tôi đứng trước tủ kiếng chải đầu sửa soạn đi dạy học, tôi nằm trên bộ ván gõ đối diện, ngó say mê, tính để mai này khi lớn lên đặng bắt chứơc.

Chị Hai tôi lấy dầu dừa, có khi là dầu paraphin xức lên cho tóc bóng, chải rẽ ba ngọn, từ từ bới thành một cục cỡ như trái cam xong lấy miếng lưới đen bọc lại,  chắc là cho đừng bung ra, rồi chị còn lấy một cái trâm xuyên qua làm điệu.  Cục tóc nằm tòn teng dưới ót, khi đi đánh qua đánh lại người ta kêu đó là trái bí bo, nghe nhà quê , lại dễ thương gì đâu mà tôi hỏng biết trái bí bo là trái gì, có ăn được không?

Dần theo năm tháng, thế sự đổi thay, trái bí bo đã lăn trôi theo dòng đời, thay vô đó là tóc thề chấm vai lãng mạn, tóc uốn kiểu Marilyn Monroe, cắt ngắn như Sylvie Vartan một thời thần trượng hay ngổ ngáo  Demi garcon!

Tôi nhớ rất rõ, ba tôi có quen với chú Ba Tuyền. Ông là họa sĩ của xưởng sơn mài Thành Lễ. Một hôm, ông đến nhà và cho chị Hai tôi đôi guốc cao gót màu xám tro, ông nói đó là guốc sơn mài đặc biệt được cẩn bằng vỏ trứng vịt xay nát. Đôi guốc thật là thanh lịch, màu sắc nhã có một không hai ở Bình Dương thời đó nên chị Hai tôi quý lắm.

Chị Hai tôi nói năng nhỏ nhẹ, đi đứng khoan thai. Lúc còn độc thân, chị một lòng kính trọng cha mẹ, thương yêu chăm sóc đàn em dại. Dì Sáu tôi hay nói:

-Má con sướng lắm, mỗi lần sanh đứa nào cũng một mình chị Hai con lo hết.

 Có lẽ nhờ chị Hai tôi gánh hết mà cho tới ngày má tôi nhắm mắt lìa đời ở tuổi đà tám mười chín, chưa bao giờ tôi nghe má than nhức mình hay cảm cúm!

Năm 1964, chị lập gia đình với Thiếu Tá Mai Xuân Hùng, phục vụ tại Sư Đoàn 5 bộ binh. Cho đến năm 1968 thì chị theo anh Hai tôi thuyên chuyển về Qui Nhơn, rồi sau đó là Phan Rang cho đến ngày miền Nam sụp đổ.

Suốt trên hai mươi năm chị em chúng tôi sống xa nhau. Chỉ thỉnh thoảng gặp lại  khi chị về Bình  Dương hoặc chúng tôi ra Phan Rang thăm anh chị cùng các cháu.

Sau khi lập gia đình, ngoài giờ đi dạy học, chị một lòng thương yêu, chăm lo từng miếng ăn giấc ngủ cho chồng, cho con.

Sau năm 1975, anh Hai tôi cùng chịu chung số phận như những quân nhân khác, phải chịu cảnh tù đày vô thời hạn.

Phan Rang là quê hương của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu. Do đó, cái phe thắng cuộc đã nhẫn tâm trả thù những gia đình có liên quan đến chính quyền Việt Nam Cộng Hoà. Nhà cửa bị tịch thu, chị Hai bị mất việc, bị cưỡng bức đi kinh tế mới sống đời nhọc nhằn, đói khổ. Do khí hậu nơi rừng thiêng nước độc,  lại ăn uống thiếu thốn, mọi người đều ốm yếu. Chị Hai tôi nói có lần cả nhà suýt bỏ mạng vì khoai mì độc.

Từ một cô giáo, chị Hai tôi bỗng trở thành người bán xôi chè ngang xương, từ sáng sớm mỗi ngày phải lo đãi đậu, gút nếp để kịp giờ nấu những nồi chè ngọt ngào, những xửng xôi béo thơm cho đời mà lòng chị thì phải chịu nhiều đắng cay, héo mòn.

Gần mười năm sau, chị Hai và đàn con nhỏ vui mừng khi anh Hai tôi thình lình đặt chân trước cửa.  Mười năm lao tù gian khổ, thân xác anh gầy mòn, mang thêm nhiều chứng bệnh trong người. Rồi cuối cùng thì anh chị và các cháu cũng đã đặt chân đến Hoa Kỳ năm 1990 theo diện HO.

Bắt đầu từ đó, anh chị em chúng tôi đã được dịp sống gần gũi bên nhau như hồi nhỏ. Có một lần, Dũng em trai út của tôi, nhỏ hơn chị Hai đúng hai mươi tuổi. Dũng nói với tôi:

- Chị Hai giống y như má, từ nét mặt đến tánh tình hiền hậu nên Dũng rất thương chị Hai, thương như là thương má của mình vậy đó.

Qua Mỹ, mấy gia đình chị em chúng tôi may mắn mua nhà ở cạnh nhau. Mỗi ngày, tôi nhìn qua cửa sổ, thỉnh thoảng dáng chị thấp thoáng ngoài sân. Nhìn sang trái, Dũng đang lui cui tưới cây, bên phải thì là nhà của  chị Tư và Chi. Chúng tôi gặp mặt nhau hằng ngày, tình chị em thật là thấm thiết.

Hậu, con gái của chị Hai có chồng ở California. Thỉnh thoảng chị sang đó thăm con cháu. Chị nói thích nhất là đi vào dịp Tết vì lúc đó người ta tổ chức chợ Tết rất vui. Một lần, tôi đang thăm con trai tôi ở Providence, chị Hai thì đi San José thăm Hậu. Tới ngày về, đến phi trường Dallas, thay vì tới cổng để đi tiếp chuyến bay về Fort Smith, chị lại đi lộn qua cổng đến Texacana, một thành phố cách nhà chúng tôi sáu giờ xe chạy. Xuống tới phi trường chị thấy lạ hoắc, người nhà không có đó... chị biết là lạc rồi, nhưng chị cũng rất bình tĩnh, đưa vé máy bay cho nhân viên phi trường coi. Lúc bấy giờ đã hơn sáu giờ chiều, không còn chuyến bay về Fort Smith, chị Hai tôi lại không biết tiếng Anh... Vậy mà nhân viên ở đó rất tốt bụng. Họ cho xe và một người tài xế chở chị về nhà theo địa chỉ có ghi sẵn. Bên nhà, mấy cháu tôi hoang mang lo sợ, gọi hỏi lung tung. Đến một giờ khuya thì chị về đến nhà, ai cũng thở phào nhẹ nhỏm.

Chị Hai tôi vẫn gan lắm, vẫn thỉnh thoảng đi thăm Hậu, không sợ lạc như trước. Anh Hai tôi bị đau tim nên không muốn đi chơi xa bằng máy bay nên quanh quẩn trong nhà với cháu nội. Tôi nhớ, một ngày vào năm 1999, buổi trưa rãnh, tôi bước sang nhà chị Hai chơi. Thấy anh đang rót sữa cho cháu, tôi hỏi:

-Em nghe nói anh Hai định qua Úc Châu thăm Phương hả?

Anh cười trả lời tôi:

-Ừ, tui tính vài bữa nữa đi nhưng mà đi Tây.

Tôi ngạc nhiên:

-Ủa sao lại đi Tây?

Anh nói:

-Thì đi Tây phương cực lạc đó!

Tôi biết tánh anh hay nói giỡn nên cười theo.

Vài hôm sau, vào một buổi sáng mùa xuân, khoảng gần tám giờ, tôi chở con tôi đi học. Lui xe ra, tôi thấy anh đang ngồi lom khom nhổ cỏ trước cửa sổ nhà. Đến khoảng mười một giờ trưa, tôi ra ngoài lấy thơ, thấy anh vẫn còn ngồi ngay chỗ cũ nhổ cỏ. Trời mới tháng tư mà nóng như thiêu, tôi gọi:


-Anh Hai ngồi từ sáng đến giờ nóng quá, sao không vô nhà đi?

Anh ngó vói qua nói:

-Gần xong rồi, tui ghét làm bỏ lỡ dở lắm!

Nói xong, anh lại tiếp tục công việc từ sáng.

Tôi bước vô nhà lo cơm cho má tôi. Độ nửa tiếng sau, Hiếu con  gái của anh chị Hai tôi  mới chở chị Hai đi chợ về. Rồi tiếng điện thoại reng inh ỏi ...tiếng Hiếu bên kia đầu dây hoảng hốt, cho tôi biết anh Hai tôi té nằm bất tỉnh ngay trước cửa nhà tắm. Tôi vội gọi 911! Vài phút sau, tiếng còi xe inh ỏi, đèn đỏ, đèn xanh chớp liên tục. Tôi chạy ra, xe cảnh sát, xe cứu thương và xe cứu hoả đã đậu trước nhà. Tôi vội chạy qua. Anh Hai tôi vẫn nằm sóng xoài trên nền, y tá đang nghe tim anh. Người y tá chợt ngẩng đầu lên nhìn chúng tôi buồn bã, cho biết tim anh đã ngừng đập. Mọi người bàng hoàng, không tin đó là sự thật! Chị Hai tôi đi chợ chỉ một tiếng đồng hồ, tôi mới vừa nói chuyện với anh không hơn ba mươi phút! Anh nằm đó bất động, tiếng mấy đứa nhỏ khóc, tiếng nấc nghẹn của chị Hai! Sao mà anh nói đi Tây Phương Cực Lạc cái anh đi liền vậy hả anh Hai? Sao anh không đi Úc, đi Anh, anh đi làm chị cái xứ mà không hề có tên trên bản đồ thế giới này vậy nè?

 

*

Ngày tháng buồn trôi qua lặng lẽ, chị Hai tôi tóc đã hoa râm. Chị vẫn thỉnh thoảng đi California thăm Hậu một mình!

Ngày xưa, khi má tôi còn sanh tiền, tôi hay hỏi má về những người bà con quen biết ở Bình Dương. Má đã gần chín mươi nhưng vẫn còn rất mình mẫn, chuyện gì cũng nhớ, nhà ai chỗ nào cũng không quên. Khi má tôi mất đi, tôi cứ nhớ hoài những chuyện xưa. Sau này, mỗi lần nhớ đến một ai ở quê nhà, tôi bèn hỏi chị Hai tôi. Y hệt má, chị không quên ai hết. Tất cả bà con nội, ngoại cũng như người quen lối xóm chị đều nhớ rõ. Tôi thắc mắc về rạp hát Trần Trung là có ngay câu trả lời cặn kẽ, tôi muốn biết về những trường học đầu tiên nơi tỉnh nhà, chị cho tôi biết tường tận.

Có lẽ bên ngoại tôi có gốc bệnh tiểu đường. Dì Hai tôi, người con lớn của dì, má tôi và đến chị Hai tôi đều lãnh chứng bệnh bất trị đó cho đến hết cuộc đời.

Nhiều năm nay, chị Hai tôi hầu như ra vô bệnh viện rất thường vì đường xuống thấp, chị thường bị xỉu, phải đưa đi cấp cứu.

Cách nay ba tháng, tay chân chị bị sưng vù, người mệt, khó thở. Vô bệnh viện được mấy ngày, Bác Sĩ cho chúng tôi biết thận của chị đã không còn làm việc được nữa, chị chỉ có thể kéo dài không hơn ba tháng nữa.

Cả nhà nghe tin như sét đánh, lo lắng, buồn bã nhưng quyết định giấu chị Hai tôi. Chúng tôi muốn chị vẫn vui vẻ với các em, con, cháu.

Tháng rồi, nhân lúc chuyện trò, chị nói với tôi là Hạnh, con gái chị nói sẽ mua vé máy bay cho chị đi California chơi nhưng chị muốn để Tết đi cho vui. Tôi nói chị rán ăn, thèm gì thì nói, cần phải ăn cho được thì mới khỏe để đi chơi. Chị không nói gì, nét mặt ưu tư, có lẽ chị nghĩ đến sức chị mỗi ngày một kém nên không mảy may hy vọng được đi thăm Hậu.

Cách nay khoảng hơn hai tuần, lối sáu giờ chiều, tôi bước vội qua nhà chị đưa đồ cho Hiếu, chị ngồi gần đó, tôi chỉ hỏi: -Chị Hai khỏe không? Chị gật nhẹ đầu rồi tôi lật đật về vì đang lỡ dở công chuyện bên nhà.

Trưa hôm sau, chị Tư tôi gọi cho hay chị Hai đã vô nhà thương.

Mấy ngày ở bệnh viện chị rất yếu, không ăn uống được bao nhiêu, cứ nằm thiêm thiếp. Có một hai ngày tỉnh táo, chị cũng nói chuyện với chúng tôi dù giọng nói thều thào, dù thở không nổi, phải dùng oxy! Dũng sáng nào cũng lên ở với chị đến trưa, đút chị từng muỗng cháo, lo cho chị từ chút trong vấn đề vệ sinh như lo cho mẹ.

Nằm đó được mười ngày thì Bác Sĩ cho về. Ông khuyên gia đình nên chuẩn bị tinh thần vì chị Hai tôi có thể ra đi bất kỳ lúc nào.

Về nhà, chị được chuyển qua Hospice chăm sóc. Đây là cơ quan y tế có nhiệm vụ giúp đỡ những bệnh nhân không còn kéo dài sự sống được lâu. Họ đến để tắm rửa, cho thuốc làm dịu cơn đau nếu cần thiết nhưng không trị bệnh. Trước khi chị Hai tôi được đưa về nhà, người ta đã mang giường và nhiều đồ dùng cần thiết cho người bệnh.

Chị Hai tôi về nhà trưa ngày thứ Ba. Thấy nét mặt chị có vẻ tươi tỉnh, ăn được chút ít, người quen đến thăm chị vẫn nói chuyện bình thường. Chúng tôi mừng lắm, mong là không khí gia đình ấm áp, vui vẻ sẽ kéo dài sự sống của chị. Ngày Thứ Năm, như thường lệ, mỗi trưa tôi chạy qua thăm chị một lát. Thấy tay chân chị bớt sưng, tôi mừng, chị còn tự tay mút ăn được nửa chén súp.  Về nhà, tôi gọi điện thoại nói cho chị Ba tôi nghe tình trạng hôm nay cho chị Ba tôi nghe và nghĩ biết đâu có phép lạ đến với chị.

Hôm sau, khoảng mười hai giờ trưa, tôi lại chạy qua thăm chị. Thấy Hải đang đứng cạnh chị Hai, mắt chị nhắm nghiền, tôi hỏi Hải mẹ sao rồi. Hải nói lúc mười giờ sáng có ăn một chút cháo, nãy giờ đang muốn gọi mẹ đậy mà gọi hoài không được. Tôi kéo mền ra coi và hoảng hốt khi thấy hai cánh tay chị sưng vù từ cùi chỏ đến bàn tay. Dở chân ra coi cũng sưng húp. Tôi cố gọi nhưng chị không mở mắt ra. Linh tánh có chuyện chẳng lành, tôi chạy  về kêu chị Năm và Dũng. Dũng vội gọi cho Hospice và các con của chị Hai về. Hồi sau, y tá đến. Sau khi nghe tim mạch, cô cho biết chị Hai tôi đã yếu lắm rồi, sẽ không qua khỏi trong ngày đó.

Suốt từ trưa đến tối, mấy chị em chúng tôi ngồi quây quần bên chị, nhìn và bất lực. Ngọn đèn đang chao đảo trước gió mà không cách nào che được. Gió cứ thổi, ánh lửa yếu dần! Đến chín giờ tối, Dũng vẫn luôn bên cạnh chị. Tôi sờ tay chân chị nghe lạnh, đột nhiên Dũng khóc lên nói:

-Chị Hai đi rồi!

Đồng hồ chỉ chín giờ mười ba phút!

Vậy là chị đã vĩnh viễn lìa xa chúng em rồi hả chị Hai? Chị ra đi thật êm ái, không đau đớn gì hết.

Chị Hai ơi, nếu vẫn còn kiếp sau, em nguyện cầu chị sẽ là một người con trong gia đình ít anh chị em cho chị đỡ cực chứ đừng như ngày xưa nữa nha chị. Em nguyện cầu chị sẽ được sống trong một đất nước thái bình, không chiến tranh,  để chị được sống đời hạnh phúc. Riêng em, sáu mươi sáu năm làm em chị là một diễm phúc cho em, chị lúc nào cũng thương yêu chúng em dù đã có gia đình riêng. Tiếc thay, em đã quá sợ làm người trong kiếp này vì nhiều khổ đau ngang trái. Em hằng cầu nguyện, xin với Phật trời cho em sau này làm cục đá vô tri vô giác! Ước muốn của em thật là quái đản hả chị Hai?

Chị Hai ơi, từ nay, mỗi khi thắc mắc về chuyện xưa nơi mình đã được sinh ra và lớn lên, em đâu còn chị nữa để mà hỏi! Hôm nay, Chị đã về bên cạnh anh Hai, bên ba má., anh Duyên, anh Út. Nơi an lạc đó, chị không còn đau khổ vì bệnh tật nữa. Hãy an nghỉ nha chị. Tất cả anh chị em chúng em vẫn luôn thương nhớ chị, chị Hai kính yêu!

Dong Trinh

 

 

 

 

 

Ý kiến bạn đọc
26/10/201700:29:40
Khách
Xin cảm ơn bạn Tran Van đã chia sẽ cùng gia đình chúng tôi nhé!
25/10/201718:37:53
Khách
"Em nguyện cầu chị sẽ được sống trong một đất nước thái bình, không chiến tranh, để chị được sống đời hạnh phúc"...." Chị đã về bên cạnh anh Hai, bên ba má., anh Duyên, anh Út. Nơi an lạc đó, chị không còn đau khổ vì bệnh tật nữa ". Thật là buồn não lòng, nhưng tôi cũng chia xẻ cùng một ý nghĩ với tác giả .
22/10/201720:31:14
Khách
Thưa anh Chương, ( Từ Mẫn )tôi mới nói chuyện với các cháu Hạnh, Hiếu là con của anh chị Hai tôi. Các cháu mừng lắm khi nghe tin anh. Cháu Hạnh muốn liên lạc với anh. Tôi kèm theo đây số phone của Hạnh, nếu anh có thời gian, xin anh gọi cho cháu, chắc chắn cháu sẽ rất vui. Số phone của Hạnh là: 479 806 4157
Cảm ơn anh nhiều lắm. Chúc anh luôn vui, khỏe nha!
22/10/201704:01:21
Khách
Nhà và tiệm sách Từ Mẫn tôi ở đối diện nhà anh chị Hùng ở Cầu nuớc đá.Bác Hương cho gia đình anh Hùng ở nhờ cai nhà nhỏ trong hẽm. Chị Hai hay ngồi bán chè đậu hủ ngay truớc cửa nhà tôi. Có 1 dạo tôi làm điêu khắc với Quang (em Diệu) gần nhà chị Hai . Ở gần nhà nhau bao nhiêu năm sau 75 mà đâu có biết là gia đình chị Hai chia 2, một nửa đi kinh tế mới, một nửa ở lai.
20/10/201706:09:43
Khách
Từ Mẫn, dạ phải. Anh Hùng là anh rễ của tôi. Diệu đã mất, còn lại ở Phần Rằng là Vinh và Quang. Phương em Gái kề Diệu đang ở Úc Châu, có lẽ bạn không nhớ thôi, gia đình lúc đó chia hai, phân nữa đi kinh tế mới, phân nữa ở PR.hôm chị Hai tôi mất có qua Mỹ, đang đến thăm Thanh là con Gái của anh Mai Xuân Thời ở Minnesota. Dù không biết bạn là ai nhưng cũng vui lắm khi bạn biết về gia đình anh chị tôi. Cảm ơn bạn đã đọc bài viết tôi nha!
20/10/201703:29:33
Khách
Có phải thiếu tá MAi xuân Hùng và Mai xuân NGa là 2 anh em ruột ở Phanrang? Ông Hùng có 3 con vợ trước là Diệu (đi tu rồi chết) Minh, QUang. Vợ sau của ông có 1 bày con nhỏ, mỗi ngày ngồi bán đậu hủ ở Cầu nuớc đá, đâu có đi kinh tế mới.Sau cả nhà đi diện H.O.qua Mỹ.
19/10/201717:24:08
Khách
Khi phát giác ra thận chị Hai tôi đã không còn làm việc được nữa thì cũng là lúc sức khỏe chị Hai tôi rất kém, lại tuổi đã cao (83) lọc máu đau lắm, sợ chị không chịu nổi. Cừ mỗi tháng BS vô hai bịt máu cho chị Hai tôi. Thôi thì số phần! Cảm ơn bạn Loan Canada đã đọc bài viết của tôi nhé! Thân ái.
19/10/201717:01:09
Khách
xin hỏi tác giả khi chị Hai bị hư thân vậy bác sĩ có đề nghị để được di làm lọc máu không vậy? thường thì lọc máu sẽ là 3 lần một tuần và có thể kéo dài đời sống thêm vài năm.
19/10/201714:49:37
Khách
Má và chị Hai, những hình ảnh tuyệt vời của quê hương chúng ta. Những người Mẹ, người chị bao la như biển Thái Bình, rạt rào .
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,012,124
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.
Nhạc sĩ Cung Tiến